Hôm nay,  

Vấn Đề Người Lớn Tuổi

19/04/200000:00:00(Xem: 5684)
LTS. Nan đề bức thiết cho người Việt tại Hoa Kỳ là việc chăm sóc các cụ cao niên. Nhiều vị cao niên tại Quận Cam bị con cháu đẩy thẳng vào nhà dưỡng lão, hay ra cả đường phố. Dưới đây là một đề nghị thiết thực của nhà báo Vi Anh, một vị trưởng lão Phật Giáo Hòa Hảo và cũng là một cựu dân biểu VNCH. Bài viết như sau.

Một phần tư thế kỷ sắp đi qua. Thế hệ thứ nhứt của người Việt tỵ nạn CSVN đang đi vào ngưỡng cửa lão niên, hoàng hôn của cuộc đời. Hoàng hôn ấy càng thấm thía hơn nơi dất khách quê người và nặng trĩu dĩ vãng tù đày cải tạo, khói lửa chiến tranh của tuổi thanh xuân. Đêm đen sắp xuống mà lão niên đứng trước ngã ba đường. Một ngã là “Tổ Trống” (empty nest), nhà không. Sau một phần tư thế kỷ vật lộn với cuộc sống đầy cạnh tranh, làm việc như cái máy ở đất Mỹ, lo cơm ăn, áo mặc, học hành cho con khôn lớn. Chúng đủ lông đủ cánh, bay đi theo qui luật của cuộc đời, theo tập tục của dòng chính văn hóa Mỹ đượm vẻ độc lập, tự do và riêng tư. Một ngã nữa là dưỡng lão, nhà cho người già sống chung, cơm có giờ, ngủ theo giấc, buồn chán theo nhịp điệu đều đều của bước thời gian. Một ngã thứ ba là bóng tối lù lù của bệnh hoạn, của tuổi già ép một ngày một chút, làm một ngày một chút, chân mỏi, gối chùn, mắt mờ, tai kém. Ba mặt giáp công, ba ngã đường mà đầu bên kia đều là vực thẳm, đang chờ đợi người già. Một cuộc khủng hoảng tuổi già.

Cuộc khủng hoảng tính này ở Việt Nam rất dễ vượt qua. Tư tưởng người Việt ở quê nhà tin “Sống ở thác về”, “Theo Ông theo Bà” nên chẳng có gì lo sợ cái chết. Việc mua “cái thọ” (hòm) để sẵn trong nhà là thường. Gia đình, đa số con cháu ở chung hay mướn người săn sóc cha mẹ tại nhà, nơi các vị sanh thành quen từ cái phòng, chiếc giường, cánh cửa nên vẫn cảm thấy sống ở nhà của mình. Còn các cụ thì có bè bạn, đình đám, giỗ quảy để gặp bầu bạn, chia vui xẻ buồn. Ở Mỹ khác, con đi làm sớm, về tối, hay phải ở xa chạy theo việc. Cháu ở nhà trẻ, trường gần suốt ngày. Ra đường trở ngại ngôn ngữ, lái xe khó khăn. Do vậy mà ngay tại Palm Care Center, trên tờ Los Angeles Time, ký giả người Mỹ gốc Việt, Lily Diem làm một phóng sự khiến người đọc bàng hoàng một lúc. Cảnh một cụ bà 64 tuổi, có 4 con, không ở với ai được, nên đành xin vào nhà dưỡng lão để chiều chiều ra đứng ngó về hướng nhà các con. Cảnh một cụ ông liên tục tập đi bằng cái Walker hy vọng lúc đi được, con sẽ đến rước về theo lời hứa. Và còn nhiều cảnh như thế lắm, ở các cư xá cho người già dưỡng lão, qua câu chuyện sống nghe được ở Sở Xã hội, Gia cư v..v..

Ở xứ Mỹ này, vật chất người già không lo thiếu. Có tiền hưu, tiền già, tiền bịnh, có MSI, Medical, Medicare, Chánh phủ tài trợ. Nhưng Chánh phủ có thể “dắt ngựa đi uống nước chớ không uống thay cho ngựa được.” Vì nước này là nước tinh thần. Đúng vậy, cái người già thiếu là tình bầu bạn để tránh nỗi cô đơn cố hữu của tuổi già. Cái người già đang thiếu là bầu không khí như “ở nhà” (feel at home). Dứt khoát không phải thiếu vật chất, com áo gạo tiền, thuốc men. Giải quyết cái thiếu ấy chỉ gia đình, xã hội nhỏ (hội đoàn, thân hữu) mới làm được trong xã hội lớn, tiền tiến nhưng quá rộng, rộng đến mức gần như vô tình kiểu Mỹ nầy, nơi mà cá nhân cảm thấy quá bơ vơ bên lề xa lộ, 6 làn xe vun vút suốt ngày đêm.

Có lẽ một loại câu lạc bộ gọn nhẹ, thuận tiện di chuyển (đặt trong vùng giáp ranh các thành phố), chú ý đến cuộc sống văn hóa của người già là thích hợp.
Câu lạc bộ văn hóa ấy gọn nhẹ, không cần qui mô để tạo được bầu không khí gia đình, đỡ tốn kém để có thể thành lập, nhiều cái ở nhiều nơi.
Câu lạc bộ có các phương tiện thính thị, sách báo, cờ tướng, giải khát dành cho hai mươi người một lần.

Nội dung việc làm của Câu lạc bộ là thu hút số người lớn tuổi mọi sắc dân càng tốt vì xã hội học xác nhận rằng một nhóm đa chủng dễ hòa nhập văn hóa hơn đơn chủng.
Thư đến, Câu lạc bộ giúp thiết thực trong việc điền các giấy tờ cần thiết về xã hội, gia cư, v..v.. là điều các cụ đang cần nhứt. Giúp ôn tập bài học thi quốc tịch theo phương pháp học bạn, vừa chơi vừa học.

Câu lạc bộ tạo mọi thuận lợi để quí cụ cùng đi dự hiếu hỷ của nhau, chung nhau cũng như các cuộc du lịch ngắn gọn danh lam thắng cảnh quanh vùng hay thể dục dưỡng sinh, đi bộ.
Ngay ở Việt Nam, trong đơn vị bầu cử cũ của tôi, tôi đã làm được hầu như tại 2/3 số xã của tỉnh. Rất có kết quả mà chẳng tốn kém bao nhiêu.
Hệ thống câu lạc bộ này gọn nhẹ nên không cần bộ phận quản trị, chỉ cần một cán sự thiện nguyện hay trả lương điều hành, tiếp liệu, báo cáo thẳng lên một hội đoàn chủ quản thôi.

Với một hình thức gọn nhẹ để tạo bầu không khí gia đình, bè bạn cho các cụ có nơi tới lui, đi về rất ít tốn kém mà lợi ích rất cao. Thứ nhứt, là các cụ bớt cô dơn là một trạng thái, bịnh lý cố hữu mà tai hại hơn bịnh hoạn. Thứ hai, gia đình con cái bớt mặc cảm tội lỗi bỏ mặc cha mẹ, không chăm sóc khi vắng nhà vì công ăn việc làm. Thứ ba, và quan yếu nhứt là các cụ hòa nhập dễ dàng, nhuần nhuyễn vào dòng chính văn hóa Mỹ, tránh được tâm lý đứng ngoài cuộc sống mới, ôm lấy dĩ vãng và trở thành độc tôn dân tộc mình, tiến đến thiên kiến và kỳ thị với các sắc dân khác. Tốn vài chục đôla một tháng cho một người già để đạt các mục tiêu trên, chắc chắn không một Nghị sĩ, Dân biểu, Nghị viện, Viên chức dân cử nào tiếc mà không mạnh dạn giơ tay thuận yểm trợ cho Câu lạc bộ Văn hóa này.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.