Hôm nay,  

Sự Chuyển Hướng Chính Sách Iraq

23/10/200600:00:00(Xem: 22741)

Sự Chuyển Hướng Chính Sách Iraq Của Bush & Cuộc Bầu Cử Quốc Hội Hoa Kỳ

Để duy trì quyền hành cá nhân và đảng phái, cũng như để thực hiện một chính sách quốc gia, người cầm quyền ở chế độ nào cũng có khuynh hướng dấu diếm sự thật và tiết lộ tin tức cho dân càng ít càng tốt. Cái khác nhau giữa chế độ độc tài và dân chủ là  dưới chế độ độc tài không có tự do ngôn luận nên dân không có điều kiện để biết sự thật. Dưới chế dộ dân chủ có báo chí tự do. Nhà báo có thể phanh phui sự thật cho dân chúng biết và tạo áp lực cần thiết buộc người cầm quyền phải thay đổi đường lối chính sách, nếu chính sách đó đã trở nên lỗi thời không còn phục vụ lợi ích quốc gia. Bên cạnh báo chí là những viên chức chính quyền can đảm nói lên sự thật.

Nhà báo Bob Woodward của tờ Washington Post, một nhật báo lớn nhất nhì nước Mỹ là người đi tiên phong trong việc truy tìm sự thật mà chính quyền muốn dấu diếm. Năm 1973 ông phanh phui vụ Watergate cho thấy tổng thống Nixon đã cho tổ chức nghe lén phe đối lập rồi sau đó hối lộ nhân sự liên hệ để đừng cung khai và còn định tâm dùng Cơ quan Cảnh sát Liên bang (FBI) và Cơ quan Tình báo Trung Ương (CIA) để ém nhẹm sự việc. Kết quả, đứng trước sự truất phế không tránh được, tháng 8 năm 1974 tổng thống Nixon từ chức.

Tháng 10 năm nay Bob Woodward cho xuất bản cuốn sách “State of Denial: Bush at War, Part III” (Simon & Schuster, New York, 2006) đối chiếu sự thật về cuộc chiến Iraq trái ngược với những gì ba nhân vật quan trọng nhất của chính quyền là tổng thống George W. Bush, phó tổng thống Dick Cheney và bộ trưởng quốc phòng Donald Rumsfeld từng tuyên bố trong ba năm qua. Cuốn sách tiết lộ:

(1) Ngày 11/11/2003, bảy tháng sau khi quân đội Hoa Kỳ tiến vào thủ đô Baghdad giật đổ tượng Saddam Hussein, ông Robert Richer, trưởng phòng CIA vùng Cận đông báo cáo với tổng thống Bush và Hội đồng An ninh quốc gia rằng tình hình Iraq báo hiệu một cuộc nổi loạn vũ trang chống lại Hoa Kỳ.

(2) Ngày 15/7/2004 Steve Herbits, phụ tá Bộ trưởng quốc phòng viết một phiếu trình nêu nghi vấn: phải chăng ông Donald Rumsfeld đã có những tính toán chính trị sai lầm khi không có một kế hoạch ổn định Iraq trong vòng 18 tháng đầu"

(3) Báo cáo từ chiến trường Iraq gởi về bộ Quốc phòng cho biết: Trong khoảng thời gian từ 5/2003 đến 5/2006 cường độ tấn công của quân du kích Hồi giáo vào quân đội Hoa Kỳ tăng dần. Trung bình có 3.500 cuộc tấn công mỗi tháng. Riêng tháng 7/2006 con số này lên đến 4.500

(4) Ngày 24/5/2006 một tài liệu của tình báo Hoa Kỳ ghi rằng quân du kích và quân khủng bố có tài nguyên và khả năng duy trì hoặc tăng thêm khả năng bạo động trong suốt năm 2007 tới.

Mặc dù có những dữ kiện đó trong tay, tổng thống Bush, phó tổng thống Cheney và bộ trưởng quốc phòng Rumsfeld vẫn trình bày với quần chúng Hoa Kỳ một bức  tranh lạc quan khác hẵn với sự thật.

Nhưng cuốn sách của Bob Woodward phơi bày sự thật chỉ là một giọt nước làm đầy ly nước. Trước đó, cũng trong tháng 10/2006 những sự kiện khác quan trọng hơn như những lời tuyên bố của Thượng nghị sĩ John Warner (Cộng hòa, Virginia) Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, và của tướng Richard Dannatt, Tham mưu trưởng quân đội Anh quốc đã tạo áp lực buộc tổng thống Bush phải chấp nhận thực tế và đồng ý để cho Nhóm Nghiên Cứu Iraq (Iraq Study Group), một ủy ban 10 người do cựu bộ trưởng ngoại giao James Baker III (một đảng viên Cộng hòa trung kiên) làm chủ tịch nghiên cứu một giải pháp cho vấn đề Iraq. Tổng thống Bush chấp nhận cho Ủy ban đưa ra bất cứ giải pháp nào. Tổng thống điều chỉnh lại lập trường của ông là: “Đừng tiếp tục làm việc gì nếu thấy nó không đưa đến sự thành công. Thay đổi nếu cần” (1) .

Trước đó từ tháng Tư năm 2003 sau khi tấn công Iraq lật đổ Saddam Hussein lập trường kiên quyết của tổng thống Bush là ông đã đi đúng đường, kêu gọi dân chúng kiên  nhẫn thêm chút nữa vì Iraq đang tiến gần đến dân chủ. Ngày 7/12/2005 tại một cuộc họp ở tòa Bạch Ốc với 15 lãnh tụ Cộng hòa Hạ nghị viện tổng thống Bush nói : “Dù chỉ còn Laura và Barney (bà vợ và con chó của tổng thống) ủng hộ tôi, chúng ta cũng không nói đến chuyện rút quân.” (2)

Nhóm Nghiên Cứu Iraq là một Ủy ban lưỡng đảng thành lập từ tháng Ba năm 2006 do yêu cầu của Quốc hội (do đảng Cộng hòa kiểm soát) nhắm mục đích đưa ra một lời tuyên bố mang tiếng nói của mọi khuynh hướng chính trị ủng hộ chính sách của tổng thống Bush tại Iraq. Ủy ban gồm - ngoài Chủ tịch ủy ban James Baker III - những nhân vật có uy tín thuộc hai đảng Cộng hòa và Dân chủ như cựu dân biểu Dân chủ Lee Hamilton đồng chủ tịch, cựu thẩm phán tối cao pháp viện Sandra Day O’Connor, cựu dân biểu Dân chủ Leon Panetta từng là Tham mưu trưởng Bạch ốc dưới thời tổng thống Clinton và cựu giám đốc Trung ương Tình báo Robert Gates. Nhưng vừa thành lập xong thì tình hình Iran trở nên trầm trọng như đang đứng bên bờ vực thẳm của một cuộc nội chiến nên Ủy ban không thể thống nhất lập trường ủng hộ đường lối của tổng thống Bush.

Ngày 6 tháng 10, Thượng nghị sĩ John Warner sau một chuyến đi quan sát Iraq trở về, tuyên bố rằng “Tôi muốn nói chắc với quý vị rằng, trong vòng hai hay ba tháng nữa nếu mức độ bạo lực và giết chóc vẫn còn như hiện nay, và nếu chính phủ Iraq không hoạt động hữu hiệu thì nhiệm vụ của chính phủ Hoa Kỳ là phải tìm xem có con đường nào để thay đổi chính sách Iraq không. Và không có giải pháp nào là không thể bàn tới.” (3)

Một tuần lễ sau, ngày 13/10/2006 tại Luân Đôn tướng Richard Dannatt, qua hai cuộc phỏng vấn của tờ Daily Mail và đài BBC nhận định về tình hình Iraq rằng Anh quốc nên rút quân ra khỏi Iraq trong vòng hai năm nếu không muốn quân đội Anh mất tinh thần. Tướng Dannatt nói: “Chiến dịch quân sự năm 2003 lúc đầu có sự đồng thuận đã trở thành không thuận lợi. Đó là một sự thật. Tôi không muốn nói sự hiện diện của chúng ta tại Iraq là nguyên nhân của những khó khăn chúng ta đang gặp phải trên thế giới, nhưng rõ ràng sự hiện diện của chúng ta làm thế giới bức rức …

Lịch sử sẽ chứng tỏ mục đích ban đầu của chúng ta xây dựng một nền dân chủ thân Tây phương, tạo ổn định và làm mẫu mực cho Trung đông có phải là một ý tưởng thơ ngây và viễn vông không. Tôi nghĩ chúng ta sẽ không làm được việc đó…. Khi thấy khối Hồi giáo có khả năng đe dọa chúng ta ngay trên đất nước này tôi hy vọng rằng đó không phải là vì cuộc chiến tranh đã tạo nên một khoảng trống tinh thần và đạo lý trên đất nước này” (4)

Nhận xét của tướng Dannatt trái với những lời tuyên bố chính thức và lạc quan của thủ tướng Tony Blair về tình hình Iraq. Nhưng thủ tướng Blair không thể cách chức ông vì những gì tướng Dannatt nói là những gì dân chúng và quân đội Anh đồng ý nếu không muốn nói là tướng Dannatt đã phản ánh ý nghĩ của một số tướng lãnh đang cầm quân của Hoa Kỳ nhưng họ không tiện nói ra. Vài hôm sau tướng Dannatt nói lại rằng dù làm gì quân đội Anh cũng không bỏ quân đội Hoa Kỳ. Nhưng “nhất ngôn ký xuất tứ mã nan truy”.  Nói lại chỉ là một hành động chính trị để khỏi bỉ mặt thủ tướng Blair và giữ hòa khí với chính phủ Bush.

Ngoài ra còn có một yếu tố chính trị quan trọng buộc tổng thống Bush phải chấp nhận thay đổi đường lối. Đó là cuộc bầu cử bán nhiệm kỳ ngày 7/11/2006 sắp tới bầu toàn thể 435 dân biểu Hạ nghị viện và 33 Thượng nghị sĩ (1/3 số Thượng nghị sĩ tại Thượng viện.) Đảng Dân chủ không chắc có khả năng lấy lại Thượng nghị viện, nhưng theo các cuộc thăm dò thì đảng Dân chủ sẽ lấy lại Hạ nghị viện vì dân chúng cho rằng cuộc chiến tranh tại Iraq đang làm cho Hoa Kỳ và thế giới mất an ninh hơn. Đó là chưa nói đến đảng Cộng hòa kiểm soát quốc hội quá lâu (từ năm 1994) làm cho nhiều dân biểu tham nhũng, coi thường dư luận và đạo đức như trường hợp các dân biểu Randy “Duke” Cunningham và Mark Foley.

Khi đồng ý để ủy ban của ông Baker nghiên cứu một giải pháp cho Iraq, tổng thống Bush nhắm làm giảm áp lực cho các dân biểu Cộng hòa để hy vọng đảng Cộng hòa sẽ không thua thiệt nhiều trong cuộc bầu cử tới. Và nếu đảng Dân chủ chiếm lại Hạ nghị viện và đưa ra những đòi hỏi cấp bách giải quyết cuộc chiến Iraq thì đảng Cộng hòa cũng đã sẵn sàng kế hoạch chứ không để mọi sáng kiến lọt vào tay đảng Dân chủ. Sự chuẩn bị này cũng là một sửa soạn cần thiết cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2008.

Tổng thống Bush trước khi rời chức vụ vào ngày 20/1/2009 có thể tuyên bố rằng nếu ông đưa Hoa Kỳ vào cuộc chiến Iraq thì cũng chính ông là người ra lệnh tìm đường lối rút lui. Ông, và đảng Cộng hòa đã làm tròn nhiệm vụ, không còn nợ nần gì với quốc dân. 

Nhưng còn những phụ tá quan trọng như ông Rumsfeld, bà Rice và ông Powell thì sao" Năm 2007 là năm sao hạn của Rumsfeld. Khi tổng thống Bush chịu thay đổi đường lối để cứu đảng là lúc ông Rumsfeld cần chuẩn bị khăn gói ra đi. Còn bà Rice ít tai tiếng có thể chờ đến khi tổng thống Bush mãn nhiệm kỳ. Bà Rice là một “yes woman”, và không một tổng thống nào, Cộng hòa hay Dân chủ còn có thể dùng bà.

Riêng ông Colin Powell là đáng tiếc nhất. Ông ngay thẳng, trung thành, và thấy sự hiểm nguy của đất nước khi phải theo chân tổng thống dấn thân vào cuộc chiến Iraq. Ngày 5 tháng 2 năm 2003 ông ra trước Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc trình bày với thế giới (và gián tiếp với dân chúng Mỹ) những bằng chứng Saddam Hussein có vũ khí giết người tập thể mà ông chưa thấy thuyết phục. Nhưng ở vị trí một bộ trưởng ngoại giao ông không thể từ chối. Và dù cuộc trình diễn tuyệt hảo của ông tại New York không thuyết phục được Hội đồng Bảo an thông qua quyết nghị hành động đánh Iraq, uy tín của ông đã thuyết phục dân chúng Hoa Kỳ ủng hộ tổng thống Bush đánh Iraq như tổng thống muốn. Người ta trách ông đã không can đảm ngăn cản tổng thống Bush đưa đất nước vào một cuộc phiêu lưu tốn nhiều máu xương và tiền bạc, mà ông linh cảm nó sẽ không phục vụ cho quyền lợi quốc gia. Nhưng ông Colin Powell còn có chọn lựa nào"  Chỉ tỏ thái độ thận trọng và thiếu hồ hởi ông đã mất chức bộ trưởng sau khi tổng thống Bush đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, nói gì nếu ông công khai chống tổng thống Bush và từ chức. Với gốc da đen ông rất dễ bị chụp mũ là phản bội.

Hy vọng rằng cuộc bầu cử ngày 7 tháng 11 sắp tới là một cơ hội để khai thông bế tắc của đất nước. Đó là ý nghĩa và phép mầu của dân chủ mặc dù trên quả đất này chưa có một nền dân chủ nào là hoàn hão.

Trần Bình Nam

October 21, 2006

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

(1) Nguyên văn: “My attitude is: Don’t do what you’re doing if it’s not working – change” (Los Angeles Times, October 16, 2006.)

(2) Nguyên văn: “We are not leaving if Laura and Barney are the only ones who support me.”

(3) Nguyên văn: “I assure you, in two or three months, if this thing hasn’t come to fruition and if this level of violence is not under control and this government able to function, I think it’s a responsibility of our government internally to determine: Is there a change of course that we should take" And I wouldn’t take off the table any option at this time.” (Washington Post, Oct. 6, 2006)

(4) Nguyên văn: “The military campaign we fought in 2003 effectively kicked the door in. Whatever consent we may have had in the first place, may have turned to tolerance and has largely turned to intolerance. That is a fact. I don’t say that the difficulties we are experiencing round the world are caused by our presence in Iraq but undoubtedly our presence in Iraq exacerbates them…. The original intention was that we put in place a liberal democracy that was an exemplar for the region, was pro West and might have a beneficial effect on the balance within the Middle East. That was the hope, whether that was a sensible or nạve hope history will judge. I don’t think we are going to do that … When I see the Islamist threat in this country I hope it doesn’t make undue progress because there is a moral and spiritual vacuum in this country.”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.