Hôm nay,  

Chuyện Dài Làng Thẩm Mỹ: Làm Nước Tương Bằng Tóc

23/09/200600:00:00(Xem: 2629)

Mới đọc cái tựa tui tuởng là chuyện nói chơi, chừng đọc kỹ thì trời đất, gì ghê quá vậy nè"

Nhận thấy bản tin nầy có nói về TÓC, liên hệ tới nghề làm tóc của chúng ta, tôi xin gởi vô đây để chia sẻ với quí độc giả.

Đây là bản dịch của Trần Anh Kiệt theo tài liệu thông tin của Tse- Yan Lee, B.H.Sci; Dip.Prof. Consel; MAIPC MACA chúng tôi nhận được qua Net thì sơ lược như sau:

Những báo cáo gần đây về vấn đề thực phẩm biến chế tại Trung Cộng đã gây ra mối quan ngại lớn trên thế giới.  Các tài liệu liên quan đến vấn đề nầy được trích dẫn từ các báo chí và các bài thông tin trên mạng điện toán từ Trung quốc và khắp nơi về một một loại nước tương được bào chế từ tóc của con người.  Về phương diện khoa học và y tế, người ta đang nghiên cứu để tìm hiểu xem việc sử dụng loại nước tương nầy trong thời gian ngắn hạn và lâu dài sẽ có những phản ứng bất lợi và ảnh hưởng đến sức khỏe của con người như thế nào.  Sau đây là bài trích dẫn từ các tài liệu thông tin đó để quí độc giả tham khảo.

Nước tương là một loại thực phẩm được chế biến từ đậu nành và đã phổ biến nhiều nhứt khắp nơi trên thế giới. Lịch sử của nước tương đã có từ thời nhà Chu bên Trung quốc trứơc công nguyên (1027-777).  Tuỳ theo địa phương, nó được sản xuất bằng nhiều thứ nguyên liệu khác nhau như ở Trung quốc, loại nước tương thường (light soy sauce) và loại nước tương đặc (dark soy sauce) gồm xì dầu hay xì yếu thì được chế biến từ đậu nành. Còn Nhật Bản, Triều Tiên, Phi Luật Tân có khi được chế biến bằng các nguyên liệu khác, nhưng bao giờ cũng giữ được phẩm chất vệ sinh và bổ dưỡng. 

Quá trình chế biến nước tương giữa các quốc gia tuy có vài điểm khác nhau nhưng tựu trung đều giống nhau là phải trải qua những giai đoạn lên men cần thiết. Để rút ngắn thời gian trong tiến trình chế biến, ngày nay người ta đã dùng kỹ thuật khoa học như cho vào hydrochloric acid, hoặc chất carbon và một số hương vị. Phương pháp chế biến nầy tuy tiện lợi nhưng đã mất hết phẩm chất thiên nhiên so với loại nước tương được chế biến theo phương pháp cổ truyền.

Hàng năm trên khắp thế giới người ta đã sản xuất ra hàng ngàn tấn nước tương để cung ứng cho thị trường tiêu thụ.  Có một điều đáng lưu ý là sử dụng nước tương trong một thời gian lâu dài hay ngắn hạn có thể ảnh hưởng tới sức khỏe nếu phương pháp và nguyên liệu chế biến không được bảo đảm vệ sinh và an toàn.  Chủ điểm của bài viết nầy nhằm trình bày cho quí độc giả biết về một loại nứơc tương không an toàn được sản xuất tại Trung quốc và được bày bán hiện nay tại khắp nơi.

Vào cuối năm 2003, người ta sản xuất hàng loạt các loại nước tương có nhãn hiệu "Hongshuai Soy Sauce"  tại Trung quốc, áp dụng theo phương  pháp hoá sinh và kỹ thuật tân tiến bởi một nhà máy chế biến thực phẩm gia vị.  Họ còn bảo loại nước tương này không tuân theo phương pháp chế biến thông thường và cổ điển bằng những đậu nành và lúa mì. Đặc biệt giá thị trường của loại nước tương nầy rất rẻ nên được các nhà hàng, trường học sử dụng rất nhiều.

Giữa tháng giêng năm 2004, một nhóm ký giả của chương trình truyền hình "Weekly Quality Report" do nhà nước tỉnh Hồ Bắc điều hành đã điều tra về phương pháp chế biến nước tương của hãng Hongshuai. Họ giả dạng làm khách hàng mua sỉ nước tương và muốn biết về công thức chế biến của loại nước tương nầy như thế nào. Viên quản lý cho biết thành phần của nước tương gồm có amino acid hoà hợp với nước, sodium hydroxide, mật đường (loại dung dịch phế thải sau khi đã quây ly tâm chế thành đường cát trắng) hydrochloric acid và những thành phần chất hoá học khác... Họ cũng được cho biết rằng trong nguyên liệu chế biến nước tương, hàng tháng, nhà máy phải cần sử dụng đến hàng chục ngàn tấn amino acid dưới dạng bột hoặc chất sấy khô mua từ một nhà máy sản xuất hoá chất khác. 

Để mở đầu cho cuộc điều ra phỏng vấn, các ký giả quyết định tìm hiểu cho ra nguồn nguyên liệu để chế biến thành chất amino acid là gì.  Sau đó các ký giả đã tìm ra nguyên liệu để bào chế loại xi-rô amino acid nầy tại một nhà máy sinh hoá ở tỉnh Hồ Bắc (Hubei). Họ trả lời các ký giả rằng amino acid chủ yếu được chế biến từ tóc của con người, thu nhặt từ các tiệm uốn tóc, các đống rác thải ra từ các bịnh viện ở nhiều nơi trong nước. Dĩ nhiên loại tóc nầy rất dơ bẩn và không vệ sinh chút nào vì người ta bỏ lẫn lộn trong các rác rưởi gồm bao ngừa thai, ống và kim chích, bông gòn đã được sử dụng của bịnh viện và các băng vệ sinh của phụ nữ vân vân... các nhân viên nhà máy bảo loại tóc nầy không có độc chất nhưng thực tế nó không hạp vệ sinh và dĩ nhiên có mang nhiều loại vi khuẩn hay những bào tử gây bệnh khác nhau.

Nguyên do ngừơi ta sử dụng tóc của con người để chế biến amino acid để làm nước tương là vì nguyên liệu nầy rất rẻ, nhờ thế giá thành của nước tương cũng rẻ theo nên có thể cạnh tranh dễ dàng với những loại nước tương (thật thà) khác. Hơn nữa tóc con người chứa dồi dào protein hơn đậu nành và lúa mì, khi làm thành nước tương có mùi vị thơm ngon hơn.  Cũng tương tự như vậy, trong thời kỳ chiến tranh thế giới, vì khan hiếm lương thực, đa số đậu nành đã được sử dụng để chế biến nhiều loại thực phẩm khác, chánh phủ Nhật Bản cũng đã dùng kỹ thuật giống vậy để sản xuất nước tương thay thế.

Tuy nhiên tóc của con người chứa nhiều loại hoá chất độc hại.  Theo báo "Weekly Qulity Report" tóc nói chung chứa nhiều thạch tín (arsenic) và chì (lead), đó là những hoá chất sẽ gây phương hại trầm trọng đến hệ tiêu hoá, thận, hệ tim mạch, hệ thần kinh và hệ thống sinh dục.  Hơn nữa loại tóc nầy rất dơ bẩn, lẫn lộn với những môi trường ô uế khác nhau.  Tiêu chuẩn vệ sinh là vấn đề đáng quan ngại nhất vì nó được thu nhặt từ rác rưới của các tiệm uốn tóc và bịnh viện, dĩ nhiên chứa nhiều vi khuẩn và không thể chế biến làm một thứ thực phẩm an toàn cho sức khoẻ. Hơn nữa những hoá chất dùng để phân tách và chế biến amino acid từ tóc lại cũng là những chất độc hại khác. Trong quá trình chế biến nó sẽ sản sinh ra phụ chất carcinogenic, làm cho công nhân chế biến cũng như người tiêu thụ sản phẩm gia tăng cơ hội bị bịnh ung thư hơn.

Một thời gian sau khi tin tức ghê tởm nầy được phổ biến, các cơ quan thông tin nhiều nước trên thế giới như Hồng Kông, Đài Loan, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích cách thức làm ăn bê bối nầy. Hiện thời Hiệp Hội Các Quốc Gia Âu Châu đã từ chối nhập cảng một số hiệu nước tương và thực phẩm sản xuất từ Trung quốc vì lý do an toàn cho sức khoẻ của công chúng. Dứơi áp lực của quốc tế, chánh quyền Trung Cộng đã miễn cưỡng tỏ ra quan tâm đến sự kiện chưa từng thấy tại đất nước nầy.

Mặc dù chánh quyền Trung Cộng cố gắng làm êm dịu sự chỉ trích của công luận  thế giới về các loại thực phẩm mất vệ sinh bằng cách đưa ra biện pháp chế tài. Nhưng ngừơi tiêu thụ ở Hồng Kông vẫn còn lo ngại về sự an toàn của thực phẩm chế biến từ Trung Cộng. Bởi vì các hãng sản xuất nước tương tại lục địa vẫn tiếp tục dùng amino acid bào chế từ tóc của con người để làm nguyên liệu sản xuất nước tương.  Hiện nay nhà cầm quyền Trung Cộng, dưới áp lực của các cơ quan thông tấn trong và ngoài nước, đã có lệnh cấm sản xuất các loại nước tương chế biên theo kiểu cách nầy, nhưng thực sự họ có quyết tâm hay không lại là một chuyện khác.

(Lời người viết: Bài nầy với tính cách thông tin để quí độc giả rộng đường phân tách. Hy vọng chúng ta không phải ăn vô miệng một nhánh tóc đã bị cạo ra từ da đầu bị ghẻ lở hay bị bịnh truyền nhiễm!)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.