Hôm nay,  

Con Đường Sáng Của De Soto

13/04/200400:00:00(Xem: 4697)
Đầu tháng Năm tới, tại thành phố San Francisco ở California, viện nghiên cứu Cato sẽ long trọng trao giải thưởng Friedman cho Hernando de Soto, một kinh tế gia nổi tiếng về những cống hiến cho quyền tư hữu. Hà Nội có thể học gì từ de Soto"
Dưới đây là cuộc nói chuyện giữa đài RFA và kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa về chủ đề này.

Hỏi: Thưa ông, ngày sáu tháng Năm tới đây, giải Milton Friedman năm nay sẽ được viện Cato tại Hoa Kỳ trao cho ông Hernando de Soto tại thành phố San Francisco. Trước hết, xin ông cho thính giả của đài biết về viện Cato này.

-- Viện Cato, hoặc dùng một từ hơi lạ nhưng dịch chính xác từ tên gọi, là một “lò suy tư”, một trung tâm nghiên cứu được thành lập từ năm 1977 dưới quy chế là một tổ chức vô vụ lợi. Chủ trương của viện là quảng bá cho dư luận và giới hữu trách các tư tưởng họ cho là truyền thống của nền dân chủ Mỹ từ thời lập quốc, là phát huy tự do của công dân, giới hạn vai trò của nhà nước, phát triển kinh tế thị trường và hòa bình. Đây là một lò suy tư thuộc xu hướng tự do và chủ hòa. Ở các xã hội khác, ta gọi xu hướng này là tự do, đối nghịch với xu hướng xã hội, tại Hoa Kỳ, họ bị gọi là thủ cựu, nhưng đúng ra phải gọi là “libertarian”, xin tạm dịch là tự do tuyệt đối. Về trận chiến tại Iraq, trung tâm chống lại quyết định tham chiến của chính quyền, nhưng nói chung ủng hộ đường lối kinh tế tự do, kỷ luật ngân sách. Trung tâm hoạt động với sự tài trợ của các doanh nghiệp hay sáng viện và cũng có thu nhập từ việc phổ biến các tài liệu nghiên cứu, và hiện là một lò tư tưởng có ảnh hưởng tại Mỹ. Tên Cato họ chọn là tên nhà lãnh đạo, bậc hiền triết và cũng là nhà quân sự nổi tiếng của La Mã thời xưa, cách đây hơn 2.000 năm.

Hỏi: Vì sao viện Cato này lập giải thưởng Milton Friedman" Ông Friedman là ai"

-- Milton Friedman là kinh tế gia lão thành, đã 92 tuổi, giải Nobel về Kinh tế, một lý thuyết gia về học thuyết tiền tệ và là người cổ võ tư tưởng tự do kinh tế. Ông rất có ảnh hưởng đối với các nhà lãnh đạo trên thế giới, từng qua diễn thuyết cho lãnh đạo Bắc Kinh về kinh tế thị trường và cải cách kinh tế. Ông trở thành biểu tượng của người tranh đấu cho tự do bằng tư tưởng. Cách đây mấy năm, viện Cato lập ra giải mang tên ông, hai năm một lần trao cho người mà họ chấm là có công trong việc phát huy tự do, tên gọi chính thức là “Giải Milton Friedman cho Phát huy Tự do”. Trị giá giải thưởng là nửa triệu Mỹ kim, một số tiền khá lớn, nhưng danh giá của giải có lẽ lớn hơn vậy. Tuyển lựa từ vài trăm người trên thế giới ra một chục người vào vòng chung kết, viện Cato mời các học giả, doanh gia, nhà báo quốc tế làm ban giám khảo chung thẩm. Người lãnh giải đầu tiên năm 2002 là kinh tế gia người Anh Peter Bauer, cũng đã từng được giải Nobel về Kinh tế.

Hỏi: Bây giờ chúng ta mới nói đến kinh tế gia Hernando de Soto. Ông ta là ai và đã cống hiến những gì cho việc phát huy tự do"

-- Thế giới đang điên đầu về nạn khủng bố thì cách đây gần 20 năm, một người lại làm quân khủng bố điên đầu đến nỗi mưu sát và phá hủy văn phòng làm việc của ông, dù ông ta chỉ là kinh tế gia. Hernando de Soto là nhà kinh tế người Peru, năm nay 62 tuổi, tốt nghiệp kinh tế tại Âu châu và trở về Peru kinh doanh. Về sau, từ kinh nghiệm doanh trường, ông chú tâm nghiên cứu những ách tắc kinh tế người dân thường gặp và lập ra một Viện nghiên cứu cho Tự do và Dân chủ. Tác phẩm đầu tiên của ông viết năm 1987, được phiên dịch qua nhiều thứ tiếng và trở thành sự thách thức quân khủng bố. Hơn 20 năm trước, xứ Peru tại Mỹ châu La tinh vẫn còn một tổ chức du kích có tên là “Con đường sáng”, chủ trương cách mạng vô sản kiểu Mao và gây loạn lạc trong xã hội với hoạt động ám sát, phá hoại làm xứ này lụn bại dần. Khi xuất hiện, cuốn sách của de Soto là “Con đường khác – Câu trả lời của Kinh tế cho Khủng bố” thành sách bán chạy nhất Peru rồi Nam Mỹ và toàn cầu, nên quân khủng bố kết án là làm thanh niên xa lánh con đường đấu tranh cách mạng của họ. Cuối cùng thì họ ra tay, nhiều lần, kể cả đặt mấy trăm ký thuốc nổ để phá trụ sở Viện Tự do và Dân chủ của de Soto. Giờ này, “Con đường sáng” đó đã tắt, tổ chức khủng bố tiêu hao lực lượng và đã bị diệt.

Hỏi: Nhưng, vì sao mà một cuốn sách khô khan về kinh tế lại ăn khách và đe dọa hoạt động của khủng bố đến nỗi họ phải ra tay"

-- Nói gọn thì Hernando de Soto đề cao tư bản chủ nghĩa là có lợi cho tự do và thịnh vượng, trái ngược với lý luận cách mạng vô sản của đám Maoít cuối mùa. Nói cho vui thì ông nuôi hai con chó, đặt tên là Marx và Engels, và giải thích rằng chúng cũng gốc Đức, rậm lông và không tôn trọng tài sản của người khác. Thực ra, nhà kinh tế này đi xa hơn vậy. Ông tìm hiểu vì sao xã hội có nạn khủng bố, có loại tư tưởng cách mạng đề cao hủy diệt. Ông cho rằng các xã hội độc tài thường làm xứ sở tụt hậu và trai trẻ sống vô vọng trong bần cùng mới dễ theo tư tưởng giết người để làm thay đổi bộ mặt thế giới và cải thiện cuộc sống của mình. Muốn chống lại nạn khủng bố, de Soto chủ trương phải phát triển kinh tế thị trường, bảo vệ quyền tư hữu và xây dựng nền móng luật lệ cho công minh. Ông cho rằng đó mới là cách mạng đích thực. Ông cố vấn cho chính quyền của Tổng thống Peru gốc Nhật Bản là Albeto Fujimori là chính quyến đã diệt sạch khủng bố, nhưng năm 1992 từ chức vì sự tham nhũng của chính quyền. Từ đó ông là tham vấn cho khoảng 20 nhà lãnh đạo, đa số tại các nước đang phát triển, từ Liên bang Nga đến Mexico, Afghanistan. Tại Đông Á, ông được các Tổng thống Philippines là Joseph Estrada và Gloria Macapagal-Arroyo mời làm tư vấn, cuối năm ngoái, đã gặp Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra. Ngoài ra, ông được lãnh đạo các nước công nghiệp tiên tiến tìm gặp và rất mực đề cao, như Tổng thống Clinton của Mỹ hay bà Thủ tướng Thatcher của Anh.

Hỏi: Như vậy, có phải Hernando de Soto là người đề cao tư bản và thuộc cánh bảo thủ"

-- Dĩ nhiên là các nước mê cộng sản không ưa lý luận của ông nhưng có khi vì không hiểu. Năm 2000, de Soto xuất bản cuốn sách khác còn xuất sắc hơn. Dưới đề tựa ly kỳ là “Bí ẩn của Tư bản – Vì sao chủ nghĩa tư bản thành công ở phương Tây mà thất bại ở mọi nơi khác"” Dù xuất thân từ Âu châu, ông không đi vào con đường kinh tế bằng lý thuyết, học thuyết, mà dành công sức nghiên cứu sinh hoạt kinh tế thực tế và tìm ra nguyên nhân ách tắc ở những điểm khá bất ngờ. Ông cho rằng các nước đang phát triển cũng học theo Tây phương để xây dựng kinh tế thị trường, nhưng chỉ là xây dựng bề ngoài, bằng luật lệ về quyền tư hữu và kinh doanh không thấm nhập vào cuộc sống mà còn cản trở sinh hoạt kinh tế. De Soto tìm hiểu cụ thể là giấy phép kinh doanh ở từng nước phải qua bao nhiêu chặng, mất bao nhiêu thời gian và tiền bạc mới được cấp phát và chính là ách tắc hành chánh của hệ thống luật lệ nửa vời mới sinh ra hoạt động kinh tế chui, kinh tế ngầm. Việc phải làm chui làm lén gây nhiều phí tổn và cũng là một sự bất công cho dân nghèo.

Hỏi: Đó là về sinh hoạt kinh doanh, còn về quyền tư hữu"

-- Đây mới là đóng góp đáng kể của de Soto. Ông chủ trương hợp thức hóa quyền tư hữu của người dân để tránh ách tắc hay làm chui làm lậu. Nói ngắn gọn thì phải thừa nhận hơn là công nhận hoặc ban phát quyền tư hữu. Tại các xã hội thiếu cơ sở luật pháp rõ rệt và lại vừa trải qua biến động chính trị, quyền tư hữu thực tế của người dân ít được chấp nhận, tư hữu không có thì chả thể phát triển được chủ nghĩa tư bản. Các nước đang phát triển đều gặp loại trở ngại này và nạn làm chui làm lậu mới gây tốn kém cho dân chúng, mà chính quyền cũng chẳng thu được thuế. Ông đề nghị là đừng bắt xã hội phải biến chuyển theo luật mà phải sửa lại luật lệ để thừa nhận quyền tư hữu, cụ thể là quyền sở hữu đất đai, gia cư, căn cứ trên hiện trạng, trên thực tế của sinh hoạt kinh tế. Điều này đáng chú ý đối với Việt Nam vì những đổi thay chính trị và chế độ tư hữu của xứ này.

Hỏi: Vâng, lời kết ở đây, xin ông nói về trường hợp Việt Nam.

-- Tại Việt Nam, tôi cho rằng nhiều người cũng đã biết về Hernando de Soto, cuốn “Bí ẩn của Tư bản” đã được dịch sang Việt ngữ, có thể không được dịch trọn vì tránh sự nhạy cảm của một chính quyền ít hiểu biết. Quyền tư hữu về đất đai vẫn chưa được công nhận trong thực tế tại Việt Nam mà bị lồng vào thủ thuật chính trị là “Đất đai thuộc quyền sở hữu toàn dân, do Nhà nước thống nhất quản lý”. Thực tế thì quyền làm chủ vẫn có, gọi là “quyền sử dụng đất”, nhưng bị lệch lạc vì chủ trương chính trị, hậu quả là nạn đầu cơ bất động sản, tham nhũng, thất thoát về đầu tư và thuế khóa. Ách tắc đó còn đẻ ra nạn kinh doanh không khai báo, kinh tế ngầm. Tại Việt Nam, có nơi đã nghiên cứu ra là sinh hoạt kinh tế ngầm có thể lên đến 50% của sinh hoạt kinh tế chính thức. Tôi e là thực tế còn cao hơn vậy; de Soto đã nói đến các con số 80 hay 90% ở các nước dù sao cũng phát triển hơn Việt Nam rất xa như Egypt hay Peru. Và trả lời một cuộc phỏng vấn cách đây ít lâu, ông ta có nhắc đến Việt Nam và Hồ Chí Minh....

Hỏi: Ông de Soto nói đến Việt Nam trong hoàn cảnh nào"

-- Ông ta nhắc đến việc Hồ Chí Minh đã cấp giấy chứng nhận chủ quyền đất đai cho người dân trong các vùng họat động của cộng sản, căn cứ trên tình hình thực tế thay vì căn cứ trên luật lệ đương hành, vào thời Pháp thuộc. Người Việt thì biết thêm rằng sau khi lấy được chính quyền, đảng Cộng sản làm ngược lại, kết thúc chế độ tư hữu bằng chế độ công hữu và tiến hành hợp tác hóa trong nông nghiệp. Đã đến lúc người dân phải làm chủ được phần tài sản mình đang có để làm chủ được đời sống của mình. Tư tưởng của de Soto vì vậy rất đáng chú ý cho các vấn đề thực tế hiện nay của Việt Nam, kể cả nguyên ủy sâu xa của vấn đề với đồng bào sắc tộc, liên hệ đến đất đai của họ ở Tây nguyên.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.