Hôm nay,  

Iran Đá Mỹ: 2 - 0

10/08/200600:00:00(Xem: 2345)

Ngay từ hiệp đầu, Iran đã hai lần đá rách lưới Mỹ… và sẽ còn thắng lớn.

Nhật báo Times của Anh số ra Thứ Hai mùng bảy vừa qua đã có một bài quan điểm đáng chú ý của học giả và bỉnh bút William Rees-Mogg: Ngoại trưởng Anh Jack Straw bị bay chức vì áp lực từ phiá Hoa Kỳ. Từ Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld.

Jack Straw là người lỡ miệng tuyên bố: "có khùng thì mới tấn công Iran". Điều ấy khiến bộ Quốc phòng Mỹ nổi điên, tòa Bạch Cung khó chịu và Thủ tướng Anh Tony Blair được cho biết như vậy. Jack Straw đành nhường chức Ngoại trưởng cho một nhân vật dễ thương nhưng thiếu kinh nghiệm là bà Margaret Beckett.

Ngoài những người trong cuộc - Thủ tướng Blair hay Tổng thống Bush - không ai có thể biết rõ sự thể đã xảy ra như thế nào, nhưng Rees-Moog không là nhà báo đa sự, ưa dựa chõ nghe hơi để viết chuyện giật gân câu khách.

Tuy nhiên, quan điểm lập trường của Hoa Kỳ về vấn đề Iran là chuyện nhạy cảm và Chính quyền George W. Bush không muốn bình nghị trước về những giải pháp có thể áp dụng với Tehran, trừ phi cố tình loan tin để đánh lạc hướng. Khi Tổng trưởng Ngoại giao Jack Straw chặn trước bằng lời tuyên bố có vẻ như bốc đồng ấy, ông thâu hẹp khả năng ứng phó của Hoa Kỳ.

Mà Hoa Kỳ ngày nay lại chẳng có khả năng gì nhiều.

Cho đến đầu năm nay, khi chính phủ Iraq bắt đầu thành hình sau ba cuộc bầu cử, Chính quyền Bush đã nghĩ rằng hồ sơ Iraq đang đi vào ngã ngũ và đến cuối năm, Hoa Kỳ có thể bắt đầu rút quân. Những tính toán lạc quan ấy càng trở thành hiện thực vào giữa năm, khi trùm khủng bố Abu Musab al-Zarqawi bị triệt hạ và nội các Iraq ra mắt ngày mùng tám tháng Sáu.

Thế rồi, mọi chuyện bỗng chuyển động ngược, xung đột bùng nổ giữa hai phe Sunni và Shia và Hezbollah mở cuộc tấn công Israel….

Iran bắt đầu ra đòn, và Hoa Kỳ bị tổn thất nặng trên cả hai mặt trận Iraq và Lebanon.

Nhiều người đã nói đến Thế chiến thứ III - hay thứ IV. Nếu dự đoán ấy đúng, nó đã khởi sự từ tháng Bảy vừa qua.

Diễn tiến nội vụ

Sau khi các lãnh tụ Sunni hy sinh al-Zarqawi để tham gia giải pháp chính trị tại Baghdad, với một nhân vật Sunni lên làm Bộ trưởng Quốc phòng, Hoa Kỳ tin rằng Iraq đang đi vào ổn định. Để đáp ứng thiện chí của phe Sunni, phe Shia sẽ kiểm soát các lực lượng võ trang của mình và cơ chế chính trị Iraq sẽ thành hình sau khi có lệnh ân xá các nhóm dân quân đã gây bạo động.

Vì tin tưởng như vậy, Hoa Kỳ còn cho biết là sẽ không đưa quân vào thay thế hai Lữ đoàn tới kỳ hạn hồi hương.

Nào ngờ, sự thể lại khác.

Xung đột bùng nổ giữa các nhóm Shia với nhau và với dân Sunni. Các lãnh tụ Sunni cố gắng tự kiềm chế vì tin rằng phe Shia sau cùng cũng kiểm soát được nội tình. Chuyện ấy không xảy ra. Nội bộ Shia bị phân hoá, nhiều nhóm võ trang tần công các giếng dầu tại miền Nam, nhiều lực lượng khác truy lùng ngời Sunni và giao tranh bùng nổ ngay tại Baghdad. Nguy cơ nội chiến tưởng đã bị đẩy lui nay lại tái xuất hiện và các đơn vị Mỹ trú đóng ở bên ngoài đã phải quay vào Baghdad. Việc rút quân vào cuối năm nay coi như bất khả!

Iran vừa đá rách lưới Hoa Kỳ trên sân banh Iraq khi xúi giục các lực lượng Shia phá hoại giải pháp chính tị ở Baghdad.

Nhưng, lúc ấy dư luận Hoa Kỳ bắt đầu chú ý đến chuyện khác: chuyện Lebanon, với sự xuất hiện và lớn mạnh bất ngờ của lực lượng Hezbollah. Họ khiêu khích bằng cách đột nhập biên giới Israel khiến chính quyền của Thủ tướng Ehud Olmert phải trả đũa.

Sau bốn tuần giao tranh, quân lực Israel chưa đạt được mục tiêu là triệt hạ các căn cứ Hezbollah và bị sa lầy tại Lebanon y như Hoa Kỳ đang bị tại Iraq.

Trên sân banh Lebanon, Iran lại vừa đá rách lưới Hoa Kỳ. Và các trọng tài quốc tế, của Liên hiệp quốc và Pháp, chuẩn bị húyt còi, đòi ngưng trận đấu.

Liên bang Nga đạt thắng lợi tại Ukraine khi Tổng thống Viktor Yushchenko mời đối thủ cũ là Viktor Yanukovich làm Thủ tướng và việc đầu tiên của vị Thủ tướng thân Nga này là quyết định qua gặp Tổng thống Vladimir Putin. Cuộc Cách mạng Da cam của Ukraine hạ màn, phe Dân chủ thân Tây phương của Yushchenko và Yulia Timochenko vỡ đôi.

Trong suốt trận đấu, Trung Quốc giữ im lặng. Và có lý do.

Từ đã lâu, cường quốc này bắt cá hai tay, vẫn giao hảo với Israel để tiếp nhận kỹ thuật Do Thái, nhưng bán võ khí - hoả tiễn - cho Iran và các chế độ hung đồ Á Rập để họ châm lên cả chục đám cháy cho Hoa Kỳ đi rập.

Và cả Pháp, Nga lẫn Trung Quốc đều sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc để chặn mọi giải pháp trường kỳ. Hoa Kỳ bị kéo vào một cuộc chạy đua việt dã băng đồng và ôm hai mối nợ là Iraq và Lebanon như hai quả bom.

Nội vụ xảy ra như vậy, bây giờ, hãy quay về tìm hiểu đấu pháp của Iran.

Đấu pháp và Đạo pháp Iran

Iran là một xứ mà dân chúng thuộc sắc tộc Ba Tư, không phải Á Rập, và theo hệ phái Shia, một hệ phái chiếm đa số tại Iran và Iraq nhưng là thiểu số trong thế giới Hồi giáo. Iran là một cường quốc trong khu vực, nhưng có tham vọng lớn lao về đạo pháp: các nước Hồi giáo phải được cai trị bằng Giáo luật của đạo Hồi, diễn giải theo hệ phái Shia, do Iran lãnh đạo.

Từ quan điểm ấy, họ không ưa các chế độ Hồi giáo thế quyền, kiểu Egypt hay Jordan, và lại theo hệ phái Sunni, như Saudi Arabia. Cuộc đua giữa hai xu hướng Shia và Sunni thực sự là một hình thái chiến tranh tôn giáo, nhiều khi được tiến hành bằng phương pháp khủng bố, và khủng bố trên lưng Hoa Kỳ.

Khi lực lượng al-Qaeda - theo hệ phái Sunni - mở cuộc tấn công vào Hoa Kỳ năm 2001, Iran bỗng thành đồng minh của Mỹ, chẳng vì các Giáo chủ Iran ưa thích dân chủ hay lề lối sinh hoạt tự do cởi mở của Tây phương. Họ mượn tay Hoa Kỳ diệt trừ giải pháp Sunni. Vì vậy, Tehran có kín đáo hợp tác với Mỹ trong chiến dịch Afghanistan để lật đổ chế độ Taliban tại Kabul, vốn cũng thuộc hệ phái Sunni.

Iran cũng muốn mượn tay Hoa Kỳ lật đổ chế độ Saddam Hussein tại Iraq. Chế độ này vốn đã tấn công Iran trong một cuộc chiến kéo dài tám năm, lại có tội rất nặng là của dân thiểu số Sunni. Iran có cung cấp tin tức được xào nấu lại để Hoa Kỳ vào Iraq lật đổ Saddam Hussein và diệt trừ cơ sở của đảng Baath. Các nhóm Shia tại Iraq, do Iran yểm trợ từ lâu, đã cộng tác với Mỹ để ép phe Sunni buông súng hợp tác với chính quyền Baghdad do phe Shia chiếm đa số. Khi việc ấy gần thành hình, tháng Sáu vừa qua, phe Shia liền ra chiêu phá hoại.

Iraq sẽ phải là một nước chư hầu của Iran, do Tehran điều động qua các lãnh tụ Shia. Chính quyền Bush mà sợ - và phe Dân chủ phản chiến mà mạnh tại Mỹ - Hoa Kỳ sẽ sớm rút khỏi Iraq và Iran sẽ làm bá chủ trong khu vực. Chính quyền Bush mà cứng đầu không chịu rút quân thì Iraq sẽ loạn lớn, có khi bị xé làm ba nước, với phần lãnh thổ rộng nhất - và có dầu hỏa - tại miền Nam sẽ do phe Shia cai trị, dưới sự lãnh đạo về đạo pháp của Tehran. Các trung tâm nghiên cứu chiến lược của xứ Turkey đã vừa kết luận như vậy và chuẩn bị ứng phó với việc dân Kurd sẽ có quyền tự trị hoặc độc lập tại miền Bắc Iraq.

Mà ông Bush quả nhiên là cứng đầu.

Hoa Kỳ không rút quân và cố gieo hạt mần dân chủ và hòa giải tôn giáo và sắc tộc. Vì vậy, Tehran mới tung ra đội banh thứ hai, trên đất Lebanon. Đội banh còn sung mãn và lão luyện hơn al-Qaeda. Đó là lực lượng Hezbollah.

Hezbollah được Iran thành lập năm 1982 để phục vụ quyền lợi của dân Shia tại Lebanon và tiến hành cách mạng tôn giáo theo xu hướng Shia của Tehran. Các lãnh tụ Hezbollah được Tehran huấn luyện nay đã thành niên trưởng hay triệu phú, nhưng cán bộ hạ tầng là một thế hệ trẻ, say đòn thánh chiến và khủng bố tự sát. Họ đã có sáu năm phát triển cơ sở và thế lực trong một quốc gia không có chủ quyền. Họ hoàn thành được việc ấy nhờ sức yểm trợ của Iran và đường tiếp vận của Syria, một quốc gia do hệ phái Shia lãnh đạo, dù là thiểu số. Tham vọng thôn tính xứ Lebanon của Tổng thống Bashar al-Assad đã được các Giáo chủ Tehran khai thác và vận dụng.

Sau khi Syria nhúng tay vào vụ ám sát nguyên Thủ tướng Lebanon là Rafik al-Hariri vào đầu năm ngoái, Syria bị Mỹ gây áp lực phải rút khỏi Lebanon. Con ngựa chiến thành Troy của Iran tại Lebanon là lực lượng Hezbollah đã được lỏng giây cương, và bắt đầu lồng khi Iran xoay chuyển đấu pháp. Khủng hoảng Trung Đông bùng nổ với sự nhập trận của Israel.

Cho đến cuối tháng Bảy, các chế độ Sunni như Saudi Arabia, Egypt hay Jordan đều tố cáo là Hezbollah đã khai chiến. Giữa hai phe Sunni và Shia, rõ là phe Shia mới quyết liệt chống Mỹ, diệt trừ Do Thái để phát huy đạo pháp, trong khi phe Sunni lại hợp tác với kẻ thù!

Nhưng, Israel không thắng nhanh rút gọn mà lại gặp sự chống cự rất mạnh của Hezbollah và bị dư luận thế giới đả kích ngày một nặng nề hơn. Mặc dù dư luận ấy có thiên vị, và việc tường thuật và cả mạo sửa hình ảnh về cuộc chiến có dụng ý, thì sự thật cũng đã rõ ràng: Israel không thắng. Lần đầu tiên từ khi thành lập, quốc gia này đã gặp khắc tinh.

Và khắc tinh lần này không phải là một quốc gia Á Rập theo hệ phái Sunni như những lần trước, mà là mũi xung kích Shia do Iran rèn luyện.

Uy tín của Hezbollah nổi như cồn trước dư luận thế giới và thế lực Iran nổi lên như cồn trong thế giới Hồi giáo. Hoa Kỳ không thể tìm ra giải pháp dứt điểm tại Iraq và Israel cũng chưa làm nên phép lạ tại Lebanon. Iran thắng lớn.

Trong hoàn cảnh ấy, liệu chính quyền Bush còn một chút vốn liếng chính trị nào để mở thêm một mặt trận tại Iran không" Rất khó, nếu không nói là bất khả. Chiến tranh theo kiểu không tập thì Israel đã thử nghiệm tại Lebanon mà chưa có kết quả. Chiến tranh theo kiểu đổ quân tác chiến thì Hoa Kỳ đã thử nghiệm tại Iraq với kết quả còn bi đát hơn!

Ngoại trưởng Anh là Jack Straw biết như vậy mà lại không biết im. Hoa Kỳ hết giải pháp và chỉ còn một đòn dọa thì lại bị đồng minh lật tẩy.

Đến đầu tháng Giêng năm 2009, Hoa Kỳ sẽ có Tổng thống mới, nhưng vẫn có đối thủ cũ là Iran và vẫn có các "đồng minh" quen thói lật lọng. Vụ Iran đá rách lưới Hoa Kỳ chỉ là trận mở màn và thế giới coi như đã thua: Iran không có đối thủ và đến khi Hoa Kỳ có lãnh đạo mới thì các Giáo chủ Tehran đã có võ khí nguyên tử, để mở ra cuộc cờ khác, trận thế khác…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.