Hôm nay,  

Họa Sĩ Rừng Trả Lời Nhà Biên Khảo Hội Họa Huỳnh Hữu Ủy

10/06/200600:00:00(Xem: 2138)

(Từ tác phẩm: Mấy Nẻo Đường Của Nghệ Thuật Và Chữ Nghĩa, tác giả Huỳnh Hữu Ủy, Văn Nghệ (HK) xuất bản năm 1999. Xin mời tham khảo trong trang web: www.artistvietnam.com).

Tôi đến với mỹ thuật và trở thành họa sĩ do Trời đất xếp đặt. đó là định mệnh của tôi. Tôi sinh ra đời để trở thành một họa sĩ.

...Năm lên lớp hai, tôi học một trường trong 'vùng tự do' ở đồng Tháp Mười. Lớp học có chừng hai mươi học sinh, vừa học vừa chăn trâu, bắt dế, thả diều nên quần áo lúc nào cũng tả tơi nhem nhuốc, nồng nực mùi cỏ, mùi khét nắng. Một lần thầy giáo ra đề tài vẽ 'Kẽ một chữ in hoa' Trong khi cả lớp ngớ ra chẳng biết 'kẽ một chữ in hoa'là gì thì tôi đã như học được từ khi nào, kẽ ngay một chữ 'K' là phụ âm đầu tên tôi - Khanh - Khiến cả lớp 'phục lăn'. Dĩ nhiên, từ đó về sau, môn vẽ trong bất cứ lớp nào tôi dều đứng đầu. Vẽ đối với tôi thật dễ dàng và thích thú, trong khi là một khổ nạn cho đa số các bạn cùng lớp.

...Từ nhỏ đến lúc đi học Mỹ thuật tôi hoàn toàn được hấp thụ văn hóa Tây Phương (kể cả Hoa Kỳ), những bậc thầy mà tôi thích như Van Gogh, Gauguin, Cézanne, Picasso, Dali... cũng đều là các họa sĩ Tây Phương cả. Chỉ Tây phương không thôi thì cũng chưa phải là thế giới. Tranh cổ Trung Hoa, tranh mộc bản Nhật Bản, mỹ thuật Châu Phi... tôi cũng chỉ xem qua và biết qua loa. Trong số các họa sĩ, Dali gây nhiều ấn tượng cho tôi hơn cả.

...Cái đẹp là sự cảm nhận của riêng mỗi cá nhân tác động trực tiếp vào tình cảm trước một đối tượng là một phong cảnh thiên nhiên, một sự vật, một con người...Nói như vậy có nghĩa là cái đẹp không có đẳng cấp, biên giới, nó hoàn toàn thuộc về nhận thức riêng lẻ của mỗi người. Do đó quan niệm thế nào là đẹp sẽ thay đổi, từ cá nhân này đến cá nhân khác, dân tộc này đến dân tộc khác. Cái đẹp thuộc về cảm tính, mang tính chủ quan, không có tiêu chuẩn quy luật nào định đặt, không lý luận, tranh cãi. Cái mà người này cho là đẹp có thể xấu với người kia và ngược lại. đẹp, Xấu ư " Xin để hồn ai nấy giữ.

Có lẽ ông nhận thấy khuynh hướng nóng bức có khuynh hướng siêu thực trong thế giới tranh của tôi. Nó thường nhuốm màu bi thảm và mang mang một nỗi trầm luân khổ ải. Tôi sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn lịch sử trầm luân của đất nước, điều đó tác động vào sự sáng tạo của tôi. Rồi từ lúc bắt đầu có ý thức, đất nước càng ngày càng lún sâu vào chiến tranh. Một cuộc chiến điên khùng, triền miên, nuốt mất của tôi và bao thanh niên khác một thời tuổi trẻ. Trong suốt giai đoạn này, nghệ thuật của tôi là sự giải tỏa ẩn ức nội tâm của con người, ý thức về sự bất lực của mình trong cuộc chiến tranh ý thức hệ đẫm máu, dai dẳng của dân tộc. Một mặt khác, do ảnh hưởng sai lệch của triết hiện sinh trong thời gian ấy...

Trong những thập niên 60-70, tranh của tôi là sự thể hiện, bày giải, phản đối những hình tượng xã hội, chiến tranh, những ám ảnh siêu hình, thân phận phi lý của kiếp người, cõi sâu thẳm của bản năng, tình yêu và dục tính. Một số bạn đã nói với tôi: 'Tranh của anh nhiều lời quá, làm cho người xem cảm thấy mệt. Mỹ thuật là nghệ thuật làm cho đẹp thôi. đẹp như một bông hoa vậy, không cần phải 'nói'. Lúc ấy tôi phản đối quan niệm Mỹ thuật chỉ là đẹp thuần túy. Tôi cho như vậy là cái đẹp vô nghĩa. đối với tôi lúc ấy, hội họa phải có trách nhiệm với cuộc đời. Chỉ đẹp thôi, chưa đủ. Một bức tranh ngoài vẻ đẹp nghệ thuật phải chuyên chở một ý nghĩa gì, phải nói lên điều gì, phải là 'ngàn trang sách'. Giai đoạn này kéo dài từ lúc tôi mới bắt đầu biết vẽ, từ 1950 đến gần cuối năm 1992. Bức vẽ bằng màu đầu tiên trong tuổi thơ là quang cảnh làng mạc, cháy ra tro sau cuộc ruồng bố của lính Pháp, trên ngọn dừa có từng chùm đầu người, đầu người bị xóc vào tầm vông vạc nhọn cắm bên bờ sông. Sau đó nghệ thuật tôi rẽ một bước ngoặt lớn.

Quan niệm 'vẽ để nói' thay đổi do 'cái tôi' của tôi thay đổi, và ngoài ra do một phát hiện tình cờ về chất liệu thể hiện...

Nếu được gọi con đường sáng tạo của tôi như là một con đường tu tập thì trường hợp của tôi đến với giai đoạn 'Phiêu Du Mộng Tưởng - ánh sáng và Bóng Tối' có thể gọi là quá trình tu tập trong nghệ thuật: từ cõi trầm luân khổ ải tôi đã thoát ra thế giới bình an thảnh thơi, như bướm chui ra khỏi kén bay lượn nhởn nhơ. Từ thời kỳ tụng kinh gõ mõ tôi đi đến chỗ quên chuông quên mõ. Tôi không cố ý, tôi không dụng tâm, cái đó hoàn toàn do cơ duyên đưa đẩy, tôi chợt nhận ra, dừng lại.

Rừng

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.