Hôm nay,  

Khát Vọng Tự Do Và Chuyện Chưa Muốn Kể Của Một Người Tù

10/06/200600:00:00(Xem: 3651)

Tôi viết câu chuyện này theo ý tưởng của một người bạn đồng niên và hiện đang sống cùng phố với tôi, anh tên thật là Phan Văn Phong, 50 tuổi ở nhà số 12 phố Tràng Tiền quận Hoàn Kiếm Hà Nội. Vợ chồng anh trước đây từng lao động ở Cộng hoà dân chủ Đức trong những thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Hiện nay gia đình anh là chủ cửa hàng nhỏ chuyên làm nghề phôtocopy, đóng sổ sách, in ấn tài liệu cho các cơ quan xung quanh khu vực Nhà hát lớn Hà Nội. Anh là người có tư tưởng tiến bộ, rất mong muốn đất nước sớm được dân chủ tự do. Những lúc rảnh rỗi anh hay tới thăm các vị trong phong trào dân chủ theo địa chỉ được ghi rõ cuối các bài viết kêu gọi dân chủ hoá đất nước. Từ năm 1999 đến năm 2001, tôi hay sang nhà anh chơi. Nhưng chưa bao giờ tôi cho anh biết thật căn nhà tôi đang ở cùng với gia đình, ở phía sau số 11 Ngõ Tràng Tiền vì lúc đó tôi đang hoạt động nửa công khai nửa bí mật. Đầu năm 2002, khi tôi bị bắt rồi sau đó tin tức loang ra anh mới được biết tên thật và địa chỉ gia đình tôi đang ở.

Trước khi tôi bị bắt ít tháng, Tổng cục an ninh - Bộ công an theo dõi anh rất gắt gao, họ cũng nghĩ anh là một nhân vật quan trọng hoạt động trong phong trào dân chủ. Trong thời gian 15 tháng tôi bị biệt giam ở trại B14 Thanh Liệt Hà Nội, ba sĩ quan công an cấp bậc trung tá là Lê Thế Khánh, Lý Đức Chính và phó trưởng phòng Nguyễn Văn Tung của Cục an ninh điều tra, thẩm vấn tôi liên tục nhiều ngày về mối quan hệ giữa tôi và Phan Văn Phong, cũng như những hoạt động của anh trong phong trào dân chủ. Kết cục họ chẳng lấy được một lời khai nào dù nhỏ nhất của tôi về anh. Và thực chất anh cũng chỉ là người có cảm tình với những người hoạt động dân chủ. Ấy vậy mà cuộc sống của gia đình anh cũng gặp rất nhiều phiền lụy, sách nhiễu từ phía công an. Anh kể lại với tôi: trong thời gian tôi ở tù, cảnh sát khu vực là đại úy Trần Lực rất hay vào nhà anh săm soi, ngó nghiêng vào máy móc và những đống tài liệu, sổ sách bề bộn mà anh nhận in cho các cơ quan. Mấy năm gần đây, cảnh sát khu vực mới là thiếu tá Trần Văn Trung cũng để mắt thường xuyên đến công việc mưu sinh hàng ngày của gia đình anh. Nhiều hôm đêm đã quá khuya gia đình anh Phong đã đi ngủ, ông cảnh sát này vẫn gọi anh Phong dậy photocopy một số giấy tờ, văn bản. Nhưng thực chất là để kiểm tra, giám sát mọi hoạt động của cửa hàng photocopy này. Trong suy nghĩ của công an Việt Nam, họ tưởng tượng ra có lẽ anh là cơ sở in ấn tài liệu của phong trào dân chủ. Những ngày gần đây thường xuyên có 2 sĩ quan an ninh công an quận Hoàn Kiếm - Hà Nội là Trung tá Cường và Hà Mạnh Hoà hay đến gặp anh Phong vừa vận động rỉ tai cấm anh quan hệ với anh Nguyễn Khắc Toàn và cụ Hoàng Minh Chính... và vừa đe doạ, khủng bố anh Phong.

Thế mới biết, trong một xã hội mà chỉ có Đảng cộng sản nắm độc quyền chính trị thì cuộc sống của mọi người dân được cai quản, được "chăm sóc cực kỳ chặt chẽ, cực kỳ cẩn thận"!!!

Những người có tư tưởng cấp tiến và cởi mở, ủng hộ dân chủ như anh Phan Văn Phong ở Hà Nội có rất nhiều. Từ khi tôi ra tù, anh thường xuyên thăm hỏi sức khoẻ và giúp đỡ tôi. Ngay sau ngày tôi được ra tù mấy hôm, nghe tôi kể chuyện những năm tháng hoạt động trong phong trào dân chủ từ những năm 1993-1995 cho đến ngày tôi bị bắt đưa ra toà xét xử và thụ án tù giam, anh rất xúc động và đặt bút viết lại câu chuyện đó với tựa đề "chuyện thật như đùa hay chuyện đùa nhưng thật". Anh đã đưa tôi xem bản thảo và nhờ tôi bổ sung thêm những tư liệu có thật đã diễn ra trong tù. Nhưng do cuộc sống quá bận lo miếng cơm manh áo nuôi vợ con, nên anh đã không hoàn thành được ý tưởng này.

Mở đầu bài, anh viết thật ấn tượng, bình dị và mộc mạc:

"16h30 chiều ngày 24/0½006 vừa rồi. Một người đàn ông trung niên, dáng người đậm tầm thước có mái tóc đã ngả bạc nói với một người vừa quen biết trên hè phố Đinh Tiên Hoàng Hà Nội, đối diện bên kia là Hồ Hoàn Kiếm giữa lòng Thủ đô: "Tôi vừa ở Nhà tù Cộng sản ra đây"! Thật rõ như đùa nhưng đấy là chuyện có thật 100%. Đó là trường hợp anh Nguyễn Khắc Toàn, 50 tuổi, một cựu chiến binh của Quân đội miền Bắc Việt Nam đã từng tham gia cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam trước đây trong những năm từ 1972 đến 1976.

Anh Toàn, đã từng trực tiếp chiến đấu ở miền Tây Nam bộ thuộc địa bàn các vùng rừng U minh, Hòn đất, Kênh Nam Thái Sơn thuộc 2 tỉnh Rạch giá và An Giang. Kết thúc chiến tranh, anh tham gia tiếp quản các cơ sở tài chính, kinh tế của chế độ cũ trên thành phố Long xuyên, Châu đốc và thị trấn Hà tiên..."

Kết luận của bài này anh viết:

"Nước Mỹ vốn nổi tiếng là đất nước của tự do, dân chủ là biểu tượng đầy đủ của xã hội dân chủ và phú cường. Nước Mỹ có truyền thống bênh vực, bảo vệ các quyền con người và hòa bình cho thế giới, bênh vực tất cả các dân tộc dũng cảm dám đứng lên tranh đấu cho dân chủ, tự do.

Trong 1 lần trả lời phỏng vấn trên đài BBC, bà Condoleezza Rice, ngoại trưởng Hoa Kỳ đã nói với các bạn trẻ Việt Nam rằng: "Nếu các bạn đứng lên đòi hỏi quyền tự do cho chính mình, thì nước Mỹ sẽ ủng hộ và luôn luôn ở bên cạnh các bạn". Nói sao làm vậy, trong buổi tiếp với các gia đình tù nhân lương tâm trước khi anh Nguyễn Khắc Toàn được thả khỏi nhà tù Nam Hà chừng gần 1 tháng, Ông bà đại sứ Mỹ và 2 quan chức cấp cao của Tòa Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đã hứa sẽ tiếp tục can thiệp mạnh mẽ yêu cầu chính phủ Hà Nội phải thả những tù nhân chính trị và lương tâm này (Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Vũ Bình, Phạm Hồng Sơn). Đại sứ Michael Marine cho biết chính phủ Mỹ sẵn sàng tiếp nhận những người này nếu họ được thả để sang Hoa Kỳ định cư và tị nạn chính trị, nếu họ muốn.

Ngay sau khi được thả ra khỏi tù ít ngày, trả lời phỏng vấn đài BBC, SBS, VOA... anh Toàn nói trước hết cảm ơn Chính phủ Hoa Kỳ, ông bà đại sứ Mỹ và các vị quan chức Hoa Kỳ tại VN về đề nghị tốt đẹp trên. Và anh Toàn cho biết sẽ quyết định ở lại VN để tiếp tục tranh đấu đòi hỏi quyền tự do dân chủ cho nhân dân VN. Anh Toàn vẫn kiên quyết đứng ở trận tuyến cùng anh em dân chủ trong nước để đòi Đảng CS và nhà nước VN, phải từng bước dân chủ hóa toàn diện đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa... Dù cho con đường đó có lắm chông gai và vô cùng hiểm nguy".

Phần giữa bài nội dung anh viết rất sơ sài, do tư liệu anh thu thập chưa đầy đủ, thiếu chính xác so với những gì đã diễn ra trên thực tế. Bài viết của anh dở dang đến đó không thể tiếp tục được nữa, anh nhờ tôi tiếp tục hoàn thành nốt phần câu chuyện bị gián đoạn còn lại ngay trước tết nguyên đán Bính Tuất vừa rồi.

Bài viết của anh đã được tôi hoàn tất trong những ngày trước và sau tết trong hoàn cảnh như vậy.

Đề tài câu chuyện mà anh đưa ra kể cũng thật lý thú, nhưng do tôi cũng quá bận vả lại cũng ốm đau suốt từ khi được trở về nhà, nên không thể hoàn thành bài viết như mong muốn của anh. Nếu bút ký này được hoàn thành sớm trước Tết thì có rất nhiều ý nghĩa, vì nó là món quà tôi tặng nhiều người trong dịp mùa xuân Bính Tuất. Nay bài viết này đã được hoàn thành tuy hơi chậm, nhưng vẫn là một món quà có giá trị viết dâng lên mẹ tôi, hương hồn cha tôi, tặng các anh chị em trong gia đình và tất cả bạn bè tôi. Đặc biệt Kính tặng hương hồn Lão tướng Trần Độ. Vị Tướng tôi rất kính trọng mà tôi đã gắn bó với ông và đã giúp ông một số những hoạt động tranh đấu dân chủ trong năm tháng cuối cùng. Và bút ký này tôi cũng kính tặng những nhà đấu tranh cho dân chủ vẫn đang trên tuyến đầu như Cụ Hoàng Minh Chính, cụ Lê Hồng Hà, Ông Phạm Quế Dương, nhà văn Hoàng Tiến, LM Nguyễn Văn Lý, LM Nguyễn Hữu Giải, LM Phan Văn Lợi, nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Khuê, nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, nhà văn Trần Mạnh Hảo, TS Hà Sỹ Phu, GS Nguyễn Chính Kết, nhà văn Dương Thu Hương, BS Nguyễn Đan Quế, LM Chân Tín, hòa thượng Thích Quảng Độ, TS Nguyễn Thanh Giang...

Tôi cũng thân tặng thi sỹ Nguyên Hoàng Bảo Việt - hội viên trung tâm văn bút Thụy Sỹ Pháp thoại và ông János Benyhe Tổng Thư ký Trung tâm Văn bút Hung ga ry (Magyar PEN Club) đã kết nạp tôi là Hội viên danh dự của Tổ chức Văn bút này.

Tôi mến tặng các bạn trẻ hiện vẫn còn trong ngục tù như Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình và các bạn như kỹ sư Phương Nam Đỗ Nam Hải, cựu sĩ quan quân đội Trần Anh Kim, nhà báo Phan Thế Hải, luật sư Nguyễn Văn Đài, kỹ sư xây dựng Bạch Ngọc Dương... Tôi cũng thân tặng tất cả những ai yêu chuộng tự do, công bằng và lẽ phải.

Hiện nay cuộc sống của tôi trong vòng quản chế ngặt nghèo, o ép mọi mặt của công an và chính quyền Hà Nội. Khu nhà tôi đang ở cùng gia đình ở giữa trung tâm Thủ đô thì bị công an theo dõi, rình rập suốt ngày đêm. Các phương tiện thông tin liên lạc đều bị công an phong tỏa, ngăn chặn. Hoàn cảnh sống của tôi và kéo theo cả gia đình chẳng khác nào sống trong trại giam mà có mình tôi phải chịu đựng trước đây. Tôi chủ yếu ở nhà chữa bệnh nên tranh thủ hoàn thành nốt bài bút ký mà anh bạn hàng xóm thân yêu của tôi đã khơi mào...

***

Nhìn Lại Hơn 30 Năm Trước

Thấm thoát thế mà đã 1 phần 3 thế kỷ đã trôi qua, kể từ khi thế hệ chúng tôi những thanh niên Hà Nội rời ghế nhà trường vượt dãy Trương Sơn hàng ngàn cây số vào Nam chiến đấu.

Cuộc chiến tranh "Huynh đệ tương tàn - nồi da nấu thịt" ấy đã để lại trong tôi những chấn thương về cả tinh thần lẫn thể xác. Về phương diện tinh thần, tôi đã có cái nhìn rất khác so với nhiều đồng đội của mình là những người xuất phát đa phần từ nông dân, sinh trưởng từ nông thôn miền Bắc Việt Nam nghèo nàn, lạc hậu.

"Rằng đây là cuộc chiến tranh cách mạng nhằm giải phóng miền Nam khỏi đế quốc Mỹ xâm lược và bè lũ ngụy quyền tay sai!!""""

"Rằng đây là cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, giải phóng nhân dân Miền Nam khỏi ách kìm kẹp của Mỹ Ngụy và đây là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thiêng liêng...," như bộ máy tuyên truyền vĩ đại ở miền Bắc hô hào ngày đêm!!!" v...v... và v...v...

Sau ngày kết thúc cuộc chiến 30-4-1975, tôi có dịp cùng đơn vị vào tiếp quản các thành phố và thị trấn như: Long xuyên, Châu đốc, Hà tiên, Cần thơ, Rạch giá tận mắt chứng kiến cuộc sống của đồng bào vùng miền Tây Nam bộ trên cả mặt trái và phải. Cả ngày và đêm 30-4-1975, tôi cùng đồng đội tiến vào các thị xã, thị trấn thuộc tỉnh Long Châu Hà (là điạ danh của 2 tỉnh Long xuyên - Châu đốc và thị trấn Hà tiên mà quân đội miền Bắc gọi tắt). Ngồi xuồng gắn máy đuôi tôm trên đường vào thị xã Long xuyên, tôi nhận thấy ở vùng sông nước, kênh rạch chằng chịt này dấu vết chiến tranh ít hiện hữu và cuộc sống của người dân thật hiền hòa và trù phú. Dọc bờ sông Hậu Giang, cũng như trên các kênh rạch nhà cửa người dân miệt vườn san sát, cây trái sum xuê trĩu quả nào măng cụt, dừa, chôm chôm, mận, xoài... nào ghe thuyền đầy ắp hàng hóa tấp nập chạy xuôi ngược... Lác đác tôi cũng thấy những túp lều tranh của những gia đình nông dân nghèo khổ sống bên hai bờ kênh.

Tình trạng những gia đình nông dân nghèo khổ lam lũ chủ yếu tập trung ở những vùng chiến sự ác liệt. Chẳng hạn như ở nơi cơ quan chúng tôi đóng căn cứ sâu trong rừng Tràm thuộc xã Nam Thái Sơn huyện Châu Thành tỉnh An Giang là một ví dụ.

Cuối năm 1975, tôi được đưa lên Sài gòn (lúc đó đã được chế độ mới đổi tên là TP Hồ Chí Minh) nằm chữa bệnh ở tầng 9, phòng dành riêng cho cán bộ, chiến sỹ quân đội miền Bắc bị thương tại bệnh viện Chợ Rẫy- Sài gòn. Thời gian chữa bệnh ở thành phố hoa lệ được mệnh danh là hòn ngọc Viễn đông này, tôi còn choáng ngợp và sửng sốt hơn nữa về cuộc sống ở đây: cửa hàng cửa tiệm buôn bán tấp nập nhịp sống của người dân hối hả. Ở ngoại ô thành phố, khu công nghiệp Biên Hòa của các nhà tư sản dân tộc Việt và Hoa các xí nghiệp, nhà máy san sát chạy dài hàng chục cây số. Tôi có cảm giác như lạc vào một thành phố công nghiệp sầm uất nào đó của một quốc gia tư bản ở á châu. Tôi cũng đã tới những khu nhà ổ chuột tồi tàn của người dân nằm hai bên bờ kênh hôi thối ở Nhiêu Lộc - Quận 4, những khu lao động nghèo ở xóm Củi, ở Thị Nghè, ở Kênh Tàu Hủ... Tôi tận mắt chứng kiến cuộc sống cơ cực, nghèo khó của người dân ở giữa đô thành Sài Gòn phồn hoa.

Nhưng tôi nghĩ, nếu đất nước này không có những cuộc chiến tranh dài hơn 30 năm vì ý thức hệ, vì dùng bạo lực nhằm thống nhất giang sơn và áp đặt lên toàn bộ đất nước 1 chế độ chính trị XHCN vừa xơ cứng, giáo điều, vừa phản tiến hóa và lỗi thời theo học thuyết Mác-Lênin, thì chắc chắn miền Nam nói riêng và cả Việt Nam nói chung sẽ có nhiều cơ hội, điều kiện để xây dựng thành quốc gia thịnh vượng phú cường về kinh tế, dân chủ tự do về chính trị và xã hội. Và thể chế chính trị của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa tồn tại và sẽ tiếp tục là một quốc gia có chế độ chính trị dân chủ, tiến bộ phù hợp với trào lưu chung của cả nhân loại ngày nay. Về phương diện kinh tế và đời sống xã hội của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, chắc chắn sẽ là một quốc gia công nghiệp phát triển và thịnh vượng nằm trong số những "Con rồng Châu á" mà cả thế giới biết đến như các nước Nam Hàn, Đài Loan, Singapo, Thái Lan, Hồng Kông.

Mô hình chế độ chính trị Nhà nước Việt Nam Cộng Hòa trước đây, khi ở miền Bắc tôi được nghe tuyên truyền rằng, đó là một loại hình chủ nghĩa "thực dân kiểu mới" do đế quốc Mỹ dựng nên làm tiền đồn và bàn đạp để tấn công miền Bắc và phe XHCN do Liên Xô và Trung Quốc là những nứơc anh em đứng đầu. Và các cơ quan tuyên truyền ở miền Bắc còn nói: về kinh tế, Miền Nam Việt Nam là một thị trường để tiêu thụ hàng hóa tư bản ế thừa của các nước phương Tây. Đây cũng là nơi mà bọn tư bản và đế quốc nước ngoài vơ vét tài nguyên, bóc lột sức lao động rẻ mạt của nhân dân. Về đời sống văn hóa, xã hội, giáo dục..., thì mảnh đất màu mỡ ở miền Nam Việt Nam là nơi để gieo mầm cho văn hóa nô dịch của đế quốc, ngoại bang nảy nở, phát triển. Trên báo, đài phát thanh, sách văn học, sách giáo khoa dạy trong các trường học ở miền Bắc thì đầy dẫy những tuyên truyền về miền Nam là cả "một nhà tù lớn, một trại tập trung khổng lồ". Ở nông thôn thì nông dân bị kìm kẹp trong các ấp chiến lược với lớp lớp hàng rào dây thép gai bao quanh, với nhiều chòi canh có lính được trang bị súng đạn tối tân canh gác đêm ngày v.v. và. v.v...

Nhưng trên thực tế, khi tôi đã tiếp xúc với rất nhiều người bà con gia đình hai bên nội, ngoại di cư từ quê hương miền Bắc vào miền Nam từ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954. Qua việc đó, giúp tôi có một nhận thức rất khác về đời sống xã hội, kinh tế và chế độ chính trị ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Đó là một xã hội mà cuộc sống nhân dân được hưởng nhiều cởi mở và tự do. Người dân từ nông thôn đến thành thị được sống tự do dân chủ, được hưởng rất nhiều quyền Con người căn bản hơn, như: Có tự do báo chí, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do biểu tình - mít tinh, tự do hội họp, tự do sinh hoạt đảng phái chính trị, tự do xuất dương và cư trú trong nước, tự do mưu sinh, tự do ứng cử và bầu cử... Ngay tại đô thành Sài Gòn có tới hàng chục tờ báo được tự do phát hành, những chủ báo phần lớn là của tư nhân với mọi chính kiến khác nhau kể cả chính kiến đối kháng mạnh mẽ với chính thể nhà nước Việt Nam Cộng Hòa, như các báo: Đuốc nhà Nam, Thủ đô, Điện tín, Tiếng nói dân tộc, Bút thần, Tin sáng, Đại dân tộc...

Trong Hạ nghị viện (Quốc hội) của chế độ ở Sài gòn lúc đó có nhiều đảng phái được tham gia sinh hoạt chính trị như: Đảng Đại Việt, Đảng Quốc dân, Đảng Dân chủ, Đảng Cộng hòa, Đảng Việt Nam Cách mạng...

Ở các vùng thôn quê thuộc đồng bằng sông Cửu Long nơi tôi công tác, tôi thấy còn rất nhiều những áp phích, bích chương và hình ảnh các ứng cử viên ra tranh cử Hội đồng chính quyền các cấp trong các cuộc bầu cử địa phương được treo, dán la liệt khắp nơi công cộng để dân chúng xem và lựa chọn. Về đời sống kinh tế, thương mại tôi thấy dân chúng được tự do buôn bán, làm ăn. Cuộc sống của họ ở cả thành thị và thôn quê rất sung túc, khung cảnh sầm uất và trù phú.

Thời còn là học sinh ở Hà Nội, tôi đã đọc trên báo chí của Đảng CS (khi đó còn gọi là Đảng lao động Việt Nam) ở miền Bắc đưa tin về các phong trào đấu tranh biểu tình của học sinh, sinh viên miền Nam chống chế độ Sài Gòn rầm rộ trên khắp các đô thị lớn lúc đó, như ở Huế, Đà Nẵng và đặc biệt ở đô thành Sài Gòn. ấn tượng nhất là những phong trào "Hát cho đồng bào tôi nghe", "Nói cho đồng bào tôi nghe", các phong trào bãi khóa của sinh viên đại học Sài Gòn, của sinh viên đại học Vạn Hạnh phản đối trò bầu cử độc diễn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Các phong trào đấu tranh của các phật tử sôi sục trên các đô thị ở miền Nam, tiêu biểu như vụ tự thiêu của Hoà thượng Thích Quảng Đức ở Phú Nhuận Sài Gòn chống chế độ Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phong trào bãi thị của bà con giới tiểu thương phản đối sưu cao thuế nặng ở chợ Bến Thành Sài gòn, chợ Đông ba Huế chống chế độ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu...

Tôi đối chiếu, so sánh với cuộc sống ở Hà nội và cả miền Bắc XHCN thì những thứ "Tự do dân chủ" và đời sống khá giả ấy quả là một sự xa xỉ và hoàn toàn xa lạ đối với người dân miền Bắc. Không bao giờ những nhà lãnh đạo Cộng Sản miền Bắc muốn xây dựng, cũng như "nhân giống" cho nảy mầm phát triển sự tự do đó trên mảnh đất phía bắc khô cằn, khổ hạnh và nghèo khổ này...

Và bi kịch lớn của dân tộc ta, đất nước ta là ở chỗ cuộc chiến tranh "huynh đệ tương tàn" đã tốn biết bao núi xương, sông máu của nhân dân cả nước nhằm hủy diệt một chế độ đa đảng dân chủ, tự do, và một nền kinh tế thị trường đã từng tồn tại ở miền Nam VN trước năm 1975, mà giờ đây nhân dân chúng ta đang phải đấu tranh để được đi lại đúng con đường này.

Sau Ngày Ra Tù

Cuộc chiến tranh "nồi da nấu thịt, huynh đệ tương tàn" đã kết thúc hơn 30 năm về trước. Nhưng hậu quả đã để lại nhiều di chứng nặng nề cho tôi về sức khỏe, mà tổn thương lớn nhất là bị chấn thương cột sống nghiêm trọng sau một trận oanh kích của không quân Việt nam Cộng hòa trong dịp gần tết năm 1974 tại căn cứ rừng tràm U minh thượng thuộc tỉnh Rạch giá. Và nay, qua hơn 4 năm lao tù gian khổ với điều kiện giam cầm rất khắc nghiệt, bệnh tình của tôi càng trở nên nghiêm trọng hơn, việc đi lại khó khăn, thường xuyên đau nhức cột sống và đau dây thần kinh 2 chi dưới nặng nề. Tôi chỉ đi bộ trong phạm vi 200m trở lại là phải ngồi nghỉ, không thể đứng lâu trên đôi chân của mình quá mươi phút. Ngoài ra tôi còn mắc thêm nhiều chứng bệnh mới như: huyết áp cao thường xuyên gây đau đầu, chóng mặt căng thẳng thần kinh, viêm phế quản mãn, viêm gan, máu nhiễm mỡ và tiểu đường nặng... Chiều ngày 24-01-2006 ra tù, tôi vẫn còn sốt cao 38,50C. Ngày 30 và ngày mùng 1 tết Bính Tuất này tôi nằm ly bì ở nhà vì cảm sốt triền miên. Gia đình phải lo cho thuốc uống, tôi mới cắt sốt, đi lại trong nhà được từ sáng ngày mùng 2 tết...

Trưa ngày 25-01-2006, các bạn hữu như nhà văn Hoàng Tiến, cựu đại tá, nhà báo quân đội Phạm Quế Dương, nghệ sỹ Dương Hùng, anh Vũ Chí Dũng (em ruột nhà văn Vũ Thư Hiên)... đến thăm tôi vừa ở tù ra, dù còn sức khỏe còn yếu nhưng tinh thần của tôi vẫn mạnh mẽ, đầy khí thế và lạc quan... Trong lúc mọi người đang hỏi thăm, tôi đã trả lời phỏng vấn đài BBC do phóng viên Hồng Nga thực hiện từ Băng Cốc qua điện thoại. Đấy là cuộc trả lời phỏng vấn đầu tiên của tôi với báo giới quốc tế.

Liên tiếp các ngày sau tôi đã trực tiếp trả lời phỏng vấn nhiều đài phát thanh và hãng thông tấn nước ngoài như: BBC, RFA, VOA, SBS, hãng tin Đức DPA, AFP, đài phát thanh Litte Sài Gòn ở Hoa Kỳ... Qua làn sóng phát thanh truyền đi khắp thế giới và các bài đăng trên mạng Internet, tôi vẫn khẳng định chọn lựa con đường tranh đấu cho tự do, dân chủ và nhân quyền ngay trên Tổ quốc Việt Nam. Dù rằng đó là con đường rất gian khổ, lâu dài và muôn vàn nguy hiểm. Mối hiểm nguy đó không chỉ rình rập ngày đêm và có thể giáng xuống bất cứ lúc nào không chỉ cho riêng tôi, mà cho cả gia đình tôi. Bạn bè, anh em họ hàng không dám tiếp xúc công khai gặp gỡ tôi đàng hoàng vì họ lo sợ bị vạ lây do công an có thể gây khó khăn cho họ bất cứ khi nào.

Hồi Tưởng Những Năm Tháng Tham Gia Đấu Tranh Giữa Lòng Thủ Đô

Những năm tháng trước đây tôi hoạt động âm thầm lặng lẽ cho dân chủ và tự do, các bài viết kêu gọi dân chủ phải ký tên dưới nhiều bút danh khác nhau để bảo toàn lực lượng cho phong trào dân chủ còn non nớt và còn để làm được nhiều việc hơn, hiệu quả hơn cho phong trào dân chủ. Vì thế bạn đọc trong và ngoài nước không mấy ai biết đến tên tuổi tôi, ngoại trừ những vị đứng đầu phong trào.

Trong những năm từ 1993-1995, sau sự kiện hàng loạt các nước ở Đông Âu và Liên xô sụp đổ. Tôi lấy bí danh là Trần Lê Hoàng, hay Lê Hoàng nguyên cựu chiến binh hay thường xuyên lui tới các nhà riêng của các vị: Tướng Trần Độ, Cụ Hoàng Minh Chính, Cụ Nguyễn Hữu Đang, cựu đại tá công an Lê Hồng Hà, TS. Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Hoàng Tiến, cựu trung tá quân đội Phạm Vũ Sơn... để tìm đọc tài liệu dân chủ, đòi hỏi nhà nước thực thi công bằng xã hội và trao đổi tình hình đất nước. Khi được giác ngộ cao hơn nữa về các vấn đề dân chủ, tự do, nhân quyền, tôi được các vị đứng đầu phong trào dân chủ nói trên tin tưởng, giao phụ trách việc in sách, tài liệu Dân chủ cho Tướng Trần Độ, Cụ Hoàng Minh Chính, Ông Nguyễn Thanh Giang, nhà văn Hoàng Tiến... và phân phát các bài viết kêu gọi đòi dân chủ cho nhân dân ở Hà Nội và 1 số tỉnh trong nước.

Những dịp trở lại Miền nam thăm chiến trường xưa, tôi còn gặp gỡ chắp nối sợi dây liên lạc với các văn nghệ sĩ, trí thức đấu tranh cho dân chủ trên cao nguyên ở Đà Lạt, như nhà thơ Bùi Minh Quốc, nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự, tiến sỹ Hà Sỹ Phu, ông Mai Thái Lĩnh...

Mấy năm gần đây, trước khi bị bắt tôi được giao trọng trách giới thiệu và phổ biến các bài chính luận của các anh em Dân chủ trong nước lên mạng Internet toàn cầu. Ngoài ra tôi còn tham gia trực tiếp viết nhiều bài kêu gọi dân chủ và cải cách, như:

- Năm 1993, bài "Thư ngỏ gửi Bà luật sư Ngô Bá Thành" bút danh Huỳnh An Giang.

- Năm 1996, viết bài: "Mấy suy nghĩ nhân Tố Hữu được giải thưởng văn học Đông Nam á", bút danh Trần Nguyễn Chí Việt.

- Tháng 3-1998, viết bài: "Những tấm lòng với đất nước và cuộc đấu tranh vẫn tiếp diễn" cũng bút danh Trần Nguyễn Chí Việt.

- Ngày 28-10-1998, viết bài "Thư ngỏ gửi Quốc hội nước CHXHCN VN kỳ họp thứ 4 khóa X khai mạc ở thủ đô Hà Nội" đòi giải tán ban cố vấn, đòi dân chủ hóa đất nước, tố cáo cựu Tổng bí thư Đỗ Mười, nhận 1 triệu USD của Công ty LG - Nam Hàn với 4 bút danh khác nhau.

- Ngày 5-12-1998, viết bài: "Những vụ án tù nhân lương tâm và trào lưu thời đại" bút danh Võ Minh Tâm và Huỳnh An Giang. Đây là bài viết khá dài kỷ niệm 3 năm sau sự kiện vụ án ông Hoàng Minh Chính, Đỗ Trung Hiếu và vụ án Lê Hồng Hà - Hà Sỹ Phu - Nguyễn Kiên Giang. Bài viết này được phổ biến khá rộng rãi tại Hà Nội và trong nước. Công an VN đi lùng sục khắp nơi truy tìm tác giả, nhưng họ không ngờ được tác giả laứ tôi.

- Ngày 3-11- 2001, viết bài "Mấy cảm nghĩ nhân đọc bài tìm mộ chị tôi của tướng Trần Độ" bút danh Trần Minh Tâm cựu chiến binh.

- Tháng 12-2001, bài Lời giới thiệu "Lại thư ngỏ năm 2001" của cựu tướng Trần Độ bút danh Trần Minh Tâm cựu chiến binh v.v...

- Tháng 11-2001, viết bài: "Ông Trần Độ và những đòi hỏi dân chủ" ký tên Trần Minh Tâm cựu chiến binh.

- Ngày 24-11-2001, viết bài: "Trần Độ - Tiếng nói của ông và cuộc đấu tranh vẫn còn tiếp diễn" bút danh Trần Minh Tâm.

Ngoài những việc đó, tôi viết những bài báo tố cáo công an Hà Nội và công an VN đàn áp phong trào dân chủ và biên tập các bản tin về các cuộc biểu tình sôi động của họ đang diễn ra ở Hà Nội cho thế giới biết, kèm theo những hình ảnh rất sinh động, như:

- Tháng 10-2001, bài "Công an Hà Nội đấu tố ông Hoàng Minh Chính ở phường Hàng Bài - Hoàn Kiếựm - Hà Nội", ký tên Đặng Kim Giang.

- Tháng 11-2001, bài "Công an Hà Nội đấu tố Lê Chí Quang ở phường Trung Liệt" ký tên Đặng Kim Giang.

- Tháng 11-2001, bài "Công an Hà Nội bắt cựu chiến binh Trần Dũng Tiến ở phường Cát Linh - Đống Đa - Hà Nội" ký tên Đặng Kim Giang.

- Tháng 11-2001, bài "Một ngày sôi động ở Hà Nội" ký tên Trần Minh Tâm cựu chiến binh.

- Tháng 11-2001, bài "Nông dân Thanh Hóa tố cáo chính quyền địa phương cướp đất và biểu tình ở Hà Nội" ký tên Trần Minh Tâm cựu chiến binh.

- Tháng 12-2001, bài "Nông dân miền Nam biểu tình, bao vây nhà Tổng bí thư Nông Đức Mạnh" ký tên Trần Minh Tâm CCB

- Tháng 12-2001, bài "Công an Hà Nội bắt 14 đồng bào tỉnh Bến Tre đi biểu tình ở Hà Nội" ký tên Trần Minh Tâm CCB...

(Hiện các bài trên vẫn còn lưu ở trang website Thông điệp xanh, lmvntd, ý kiến, dân chủ, Việt nam đi tới, Cánh én, Tia sáng, Thông luận...).

Những tháng cuối năm 2001, việc hoạt động của tôi trong phong trào dân chủ ở Hà Nội không giữ được sự kín đáo và bí mật cần thiết. Tổng cục an ninh Bộ công an Việt Nam phát hiện vai trò quan trọng của tôi, các vị đứng đầu phong trào dân chủ chỉ đạo tôi tạm ngừng mọi hoạt động. Nhưng khi đến vườn hoa Mai Xuân Thưởng, nơi có Văn phòng tiếp dân TW ĐCS VN và trước các tư dinh TBT Nông Đức Mạnh, Thủ tướng Phan Văn Khải, và trước cả tòa nhà Quốc hội Việt Nam ở khu vực lăng Hồ Chí Minh... tôi chứng kiến nông dân các tỉnh miền Nam, miền Trung, nông dân Thanh Hóa, Phú thọ ở miền Bắc tụ tập hàng trăm người biểu tình khiếu kiện đòi công bằng, đòi đất đai tổ tiên bị các chính quyền địa phương chiếm đoạt làm tôi rất xúc động, thương cảm và muốn chia sẻ nỗi khổ đau với họ. Người dân thấp cổ bé miệng, bị đè nén áp bức dồn đến cùng cực nhờ tôi viết đơn gửi các cấp Đảng và Nhà nước ở TW Hà Nội và báo chí trong nước.

Ở trong nước, các cơ quan nhận được đơn thì đùn đẩy trả về "địa phương giải quyết". Báo chí tại Hà Nội thì im lặng hoặc cùng lắm lại kính chuyển đến các cơ quan có trách nhiệm và thẩm quyền. Rồi việc gì đến sẽ phải đến, người dân nhờ tôi chuyển đơn lên mạng, nơi có báo chí của hải ngoại, họ nhận đăng công khai đơn khiếu nại và tố cáo của bà con để công luận trong nước và thế giới biết đến nỗi thống khổ của nhân dân.

Điển hình nổi bật là vụ vợ chồng Thương binh- Đảng viên ĐCS VN, bà Trần Thị Xanh và ông Trần Hồng Phương ở thị trấn Sơn Tịnh - Quảng Nam bị tòa án địa phương xử bất công cướp đoạt mất nhà cửa. Gia đình bà Xanh tan cửa nát nhà phải sống cảnh màn trời chiếu đất hơn 10 năm. Bản thân bà Xanh phải ra Hà Nội hơn 6 năm, sống vất vưởng ở vườn hoa Mai Xuân Thưởng, phải đi nhặt rác để kiếm sống và tiếp tục kêu đòi công lý cho gia đình mình. Trong thời gian đi khiếu kiện ở Hà Nội, mẹ con bà Xanh sống lay lắt, đói khát từng ngày vô cùng khổ sở lấy nhà vệ sinh công cộng ven Hồ Tây cạnh tượng đài "Anh hùng Lý Tử Trọng - người cộng sản trẻ tuổi" làm nơi trú thân hàng đêm. Và cuộc sống khốn khổ, cùng cực này của mẹ con bà Xanh suốt 10 năm trời cũng diễn ra ngay sát cạnh Phủ Thủ Tướng, Lăng CT Hồ Chí Minh, Tòa nhà quốc hội và Phủ Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt nam hiện nay.

Vì cuộc sống quá khổ cực như vậy, nên con gái bà suy kiệt sức khỏe mắc bệnh viêm phổi nặng và đã chết mà chưa nhìn thấy chân lý. Còn hồ sơ của bà đã gửi đến rất nhiều các cơ quan có thẩm quyền và báo chí trong nước, nhưng không hề được giải quyết. Sau nhờ có tôi chuyển giúp vụ kiện đòi nhà của bà Xanh tố cáo lên mạng Internet, đã dấy nên sự xúc động và bất bình mạnh mẽ của dư luận rộng khắp thế giới trước thảm cảnh này. Sự kiện trên cũng chấn động đến báo chí trong nước như tờ Tiền phong cũng đã lên tiếng, phản ảnh cảnh ngộ đau thương, bi thảm của gia đình bà Xanh và dư luận nhân dân trong nước cũng hết sức bất bình và phẫn nộ.

Cho nên cuối năm 2005, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan văn Khải đã phải trực tiếp can thiệp và gia đình bà Xanh đã trở về căn nhà cũ. Tin này tôi được biết qua báo Nhân dân khi đang ở trong tù và cũng được gia đình cho hay bà Xanh và nhiều người dân oan đi khiếu kiện nhà ở Đồng Nai, Sóc Trăng, Phú Thọ... đã đến nhà tôi, thăm hỏi và cám ơn về việc tôi đã làm giúp họ.

Những trường hợp oan khuất, đau khổ, mất nhà cửa, ruộng đất như gia đình bà Xanh không phải hiếm ở trên đất nước này, hiện nay đầy dẫy đang chầu chực khiếu kiện trước các cơ quan công quyền của Đảng và Nhà nước CSVN trên khắp cả nước và đang un ùn kéo về Thủ Đô Hà Nội. Nhiều trường hợp người dân quá uất ức đã tìm đến cái chết, tự thiêu để cảnh tỉnh bộ máy đầy quyền lực của Đảng CSVN và đánh động dư luận xã hội về tình trạng thối nát, áp bức đè nén dân lành của các quan chức Việt Nam, mà sự lộng hành của các quan lại này được sự bao che của Đảng CS do người dân không có quyền dân chủ, tự do.

Thật ra những việc tôi làm, nếu trong một xã hội có tự do dân chủ chỉ là việc bình thường của một nhà báo, một phóng viên độc lập hoàn toàn với hệ thống báo chí "quốc doanh" do nhà nước kiểm soát, khống chế.

Thế nhưng ở đây, mọi hành động của tôi đều bị theo dõi chặt chẽ sát sao ngày đêm. Bộ công an Việt Nam lập chuyên án bí số 8-11X (chuyên án bắt đầu được thành lập ngày 8-11-2001). Tối 28-12-2001, nhà riêng của gia đình tôi ở số 11 Ngõ Tràng Tiền - Hà Nội, bị bao vây tứ bề, tôi không thể gửi tiếp tin bài lên mạng. Sau khi trao đổi ý kiến với cụ Trần Độ và ông Nguyễn Thanh Giang, được hai người góp ý, tôi đọc toàn văn đơn tố cáo của 2 chị em cô Vũ Thanh Phương, Vũ Thiên Trang ở Xuân Lộc - Đồng Nai và một số phụ nữ khác là nạn nhân của vụ đàn áp tại TP Hồ Chí Minh xảy ra cuối năm 2000 qua điện thoại di động cá nhân cho báo chí bên ngoài của hải ngoại ghi âm và đăng báo.

Lá đơn tố cáo này làm tôi rất cảm động, tôi đã đưa cho cụ Trần Độ, cụ Hoàng Minh Chính và ông Nguyễn Thanh Giang xem trước đó vài ngày và mọi người đọc xong đều có xúc cảm giống tôi. Người nhận thông tin về nội dung đơn và các bản tin ngắn về các cuộc biểu tình ở Hà Nội của tôi tối hôm đó là chị Nguyễn Thị Thanh Vân, phụ trách tờ báo Dân chủ của LMVNTD ở Paris. Nội dung đơn tố cáo việc Công an TP Hồ Chí Minh thời Giám đốc Bùi Quốc Huy và Chủ tịch thành phố Võ Viết Thanh đã điều động hàng trăm cảnh sát đàn áp, đánh đập dã man 69 phụ nữ căng băng rôn, biểu ngữ kêu oan trước trụ sở Ban tiếp dân của Đảng và chính phủ VN trên đường Lê Duẩn trước dinh Độc lập cũ ở Sài gòn.

Trong khi tôi đọc toàn văn lá đơn này trên tầng 3 nhà tôi, thì ở dưới đường hàng chục công an tay lăm lăm bộ đàm gọi điện đi các nơi để xin ý kiến bắt tôi. Tình hình lúc đó cực kỳ căng thẳng ngột ngạt. Toàn bộ cuộc điện thoại này đã bị công an ghi âm lén lút và lấy làm chứng cứ quan trọng, để sau này Tòa án nhà nước VN buộc tội tôi tại phiên tòa của chế độ Cộng sản.

Nhờ những hoạt động trên, tôi không ngờ đã được một số anh em trong nước và báo chí quốc tế đánh giá tôi là người đi tiên phong trong việc phơi trần sự bất công, áp bức xảy ra trong lòng đất nước trước cộng đồng thế giới trên mạng Internet. Và giờ đây tôi không đơn thương độc mã trong công việc của mình, nhiều người dân bị oan khuất trong nước đã biết gửi đơn thư tố cáo lên mạng Internet toàn cầu khá rầm rộ, nhiều trang Website của hải ngoại đã mở các mục "Dân oan" để chuyên tiếp nhận những đơn thư tố cáo của nhân dân trong nước!

Bây giờ tôi đã được dư luận thế giới và trong nước biết đến và ủng hộ rất mạnh mẽ. Với tất cả những sự kiện đã xảy ra cho tôi và gia đình tôi, tôi có quyền nói rằng tôi là 1 tù nhân lương tâm, 1 tù chính trị trong những người tù chính trị ở Việt Nam như: bác sỹ Nguyễn Đan Quế, tiến sỹ Hoàng Minh Chính, hòa thượng Thích Quảng Độ, giáo sư Nguyễn Đình Huy, linh mục Nguyễn Văn Lý, TS. Hà Sỹ Phu, cựu đại tá Phạm Quế Dương, cựu đại tá công an Lê Hồng Hà, mục sư Nguyễn Hồng Quang, GS.Đoàn Viết Hoạt, GS. Trần Khuê, TS. Nguyễn Thanh Giang, nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, và còn rất nhiều gương mặt khác...

Cuộc Đấu Tranh Quyết Liệt Trước Tòa Án

Khi mới bị bắt, Nhà nước Cộng Sản VN gán cho tôi tội "Tuyên truyền chống nhà nước XHCN" theo điều 88 Bộ luật hình sự. Đến tháng 8-2002, họ chuyển đổi truy tố tôi tội danh "Tội gián điệp" theo điều 80 Bộ luật hình sự. Tại trại giam B14 tôi tuyệt thực 11 ngày (từ ngày 13-8-2002 đến ngày 23-8-2002) đấu tranh phản đối việc bắt giam và truy tố tôi phi pháp. Trong cả 2 cấp xét xư,ỷ sơ thẩm ngày 20-12-2002 và phúc thẩm ngày 1-4-2003, với lý lẽ chắc chắn, viện dẫn từng điều luật của Bộ luật Tố tụng hình sự, của Bộ luật hình sự và của Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, tôi chứng minh hùng hồn và đanh thép rằng Đảng và nhà nước cùng với các cơ quan gọi là bảo vệ pháp chế XHCN ở Việt Nam không tôn trọng các quyền con người, quyền công dân. Việc bắt giam và xét xử bỏ tù tôi, thực ra chỉ là vụ đàn áp những người khác chính kiến với ĐCS VN. Và thực tế gọi là xét xử theo pháp luật của Tòa án nhà nước cộng sản chỉ là hành vi "Lấy cường quyền thay cho luật pháp", "Lấy chuyên chế độc tài thay cho công lý"!

Trước 1 ngày, ở cả 2 cấp xét xử - sơ thẩm ngày 19-12-2002 và phúc thẩm ngày 30-3-2003 tại trại giam B 14 của Tổng cục an ninh còn gọi là "Trung tâm thẩm vấn an ninh quốc gia" ở xã Thanh liệt huyện Thanh trì ngoại thành Hà Nội. Đại tá Nguyễn Ngọc Phi giám thị trại trưởng, theo lệnh trên, đã gặp riêng tôi, ở phòng thẩm vấn 318 và 214 để mặc cả và đe dọa: "Nếu anh đưa sự thật vụ án ra trước tòa, thì án sẽ nặng lên từ 18-20 năm trở lên. Ngược lại, nếu anh chỉ khai trước tòa đúng như cáo trạng và kết luận của cơ quan an ninh điều tra viết, thì án chỉ bằng Lê Chí Quang hoặc hơn 1 chút, khoảng 5-6 năm là cùng!"

Đứng trước tình thế đó, tôi không hề nao núng ý chí và bác bỏ tất cả các điều kiện mà viên giám thị Đại tá đưa ra và nói ngay: "Sự thật có thế nào tôi công khai nói như thế. Các anh làm sai, vi phạm luật tố tụng nghiêm trọng. Bây giờ lại kéo tôi cũng sai phạm theo sao!" Trong vụ án này còn có rất nhiều người tham gia chỉ đạo phong trào đấu tranh dân chủ như tướng Trần Độ, Cụ Hoàng Minh Chính, cựu đại tá Lê Hồng Hà, tiến sỹ Nguyễn Thanh Giang, cựu đại tá Phạm Quế Dương... Nhưng chính Đảng và Nhà nước không dám đụng vào những nhân vật này mà ngược lại còn ra sức "bảo vệ" họ. Do vậy, vụ án này là hoàn toàn phi pháp!" Tôi chỉ ra cho viên sĩ quan đại tá giám thị trưởng Trại B14 Thanh Liệt Hà Nội từng điểm chiểu theo Bộ luật Hình sự, Luật Tố tụng hình sự và Hiến pháp của chính nước CHXHCNVN mà các cơ quan tham gia tố tụng đã vi phạm luật pháp một cách đặc biệt nghiêm trọng. Và đã làm viên đại tá này bối rối không thể thuyết phục hay bác bỏ được bất cứ điều gì đối với tôi nữa, đành buộc phải để tôi trở lại buồng giam một cách bất lực...

Và mỉa mai thay, tất cả những nhà tranh đấu dân chủ có tên được nêu trong hồ sơ vụ án của tôi như Tướng Trần Độ, Cụ Hoàng Minh Chính, ông Lê Hồng Hà, ông Phạm Quế Dương, ông Hoàng Tiến đều đòi được vào đứng trước vành móng ngựa của tòa án để cùng chịu sự xét xử như tôi. Nhưng trước khí phách ngoan cường của các nhà dân chủ đang đứng ngoài toà án, nhà nước CS VN với những tính toán của mình ra sức ngăn cản không cho họ vào dự phiên xét xử tôi, dù là tư cách bị cáo hay là người có liên đới đến vụ án. Hai người em ruột của tôi là Kỹ sư Nguyễn Thế Hưng bay từ thành phố Sài Gòn ra và Nguyễn Xuân Phúc đã làm đầy đủ các thủ tục theo đúng những quy định của "Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội" đã hướng dẫn để được vào dự phiên tòa và đồng thời làm "Bào chữa viên Nhân dân" theo đúng các quy định của pháp luật. Nhưng ngay sau đó, cả 2 người em ruột của tôi đã bị chính cái "Tòa án Nhân dân TP Hà Nội" và Bộ công an VN, Tổng cục An ninh, Cục A 42 chỉ đạo gây khó khăn, ngăn cản không cho các em của tôi lọt vào dự cái gọi là xét xử "Công khai vụ án Nguyễn Khắc Toàn phạm tội gián điệp theo điều 80 Bộ luật Hình sự của nước CHXHCN VN"!!! Mà hệ thống Báo chí và Truyền hình của Đảng và nhà nước la lối, quảng cáo om xòm... (Trong bản kết luận điều tra của công an có nêu tên Tướng Trần Độ lúc đó còn sống, ông Hoàng Minh Chính, ông Lê Hồng Hà, ông Phạm Quế Dương và ông Nguyễn Thanh Giang cùng một số người khác... Tôi sẽ công bố toàn văn các văn bản này như: Cáo trạng của Viện Kiểm sát, Bản án hình sự sơ thẩm và phúc thẩm của tòa án, Kết luận điều tra của cơ quan công an... trong thời gian tới đây để dư luận rộng rãi tỏ tường một phần sự thật bí hiểm được che dấu mấy năm qua).

Ngay Tướng Trần Độ lúc đó còn sống, tôi cũng thông báo cho ông từng ngày từng giờ việc tôi bị theo dõi gắt gao và có thể sắp tới sẽ bị bắt. Trước khi tôi bị bắt ít ngày Tướng Trần Độ đã nói: "Tôi sẵn sàng ngồi trên xe lăn ra tòa cùng với Nguyễn Khắc Toàn, để trả lời trước toà án nhà nước về những việc tôi giao cho anh Toàn làm và tôi đã cùng làm với anh Toàn"!!!

Tại phiên xử phúc thẩm ngày 1-4-2003, khi phần thủ tục mở đầu phiên toà kết thúc, chủ tọa Nguyễn Quốc Cường đã đưa ra 1 đề nghị quan trọng: "Bị cáo có quyền đề nghị đình chỉ vụ án". Nếu chấp nhận như vậy, tôi không phải trình bày gì nhiều các tình tiết của toàn bộ vụ án và chủ tọa có thể tuyên bố "tạm tha bị cáo" ngay tại phiên tòa. Nhưng điều đó không lay chuyển được ý chí của tôi và tôi đã khẳng định đây là 1 phiên tòa dối trá, đáng xấu hổ cho nền tư pháp VN XHCN vì tất cả những gì ghi trong nội dung cáo trạng và kết luận điều tra chỉ là 20% sự thật so với những gì đã diễn ra trên thực tế của toàn bộ vụ án chính trị.

Một lần nữa, tôi lại tiếp tục bác bỏ đề nghị đó của thẩm phán chủ tịch hội đồng xét xử và tranh luận gay gắt với toàn bộ "Hội đồng xét xử". Vì thấy việc xét xử vi phạm luật tố tụng, các cơ quan tham gia tố tụng có dấu hiệu vi phạm luật hình sự, không vô tư khách quan. Nên tôi đòi thay đổi toàn bộ "Hội đồng xét xử". Trước toà án tôi tuyên bố những hoạt động của tôi vì dân chủ, vì quyền công dân, vì quyền con người là hoàn toàn phù hợp với các quyền tự do dân chủ của công dân được quy định cụ thể trong Hiến pháp của Nước CHXHCN VN. Đồng thời nó cũng phù hợp với các điều được quy định trong Công ước quốc tế về quyền con người mà Nhà nước Việt Nam tham gia ký và cam kết thực hiện từ năm 1982. Tôi cũng khẳng định ủng hộ kiên quyết cuộc đấu tranh bằng phương pháp bất bạo động, đòi dân chủ hoá toàn diện đất nước mà các nhà lão thành cách mạng tiền bối, giới trí thức và nhiều tầng lớp khác là hoàn toàn chính nghĩa. Cuộc tranh đấu ấy nó giống như sự nghiệp tranh đấu chống Thực dân Pháp và phong kiến, đòi độc lập dân tộc của các chí sĩ như các Cụ Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Lương Văn Can, Nguyễn An Ninh... trước đây.

Khi "hội đồng xét xử" đặt câu hỏi anh nghĩ thế nào về ĐCS VN" Tôi đã trả lời: "ĐCS VN trước đây được sản sinh ra từ dân tộc, đấu tranh vì mục tiêu độc lập dân tộc, là một đảng yêu nước. Trên hành trình lịch sử của mình ĐCS VN đã có một số đóng góp cho độc lập dân tộc và sự phát triển đất nước. Nhưng ĐCS VN cũng đã có rất nhiều sai lầm nghiêm trọng làm tổn hại cho nhân dân và đất nước. Giờ đây thời đại đã thay đổi dân chủ hoá toàn cầu đang lan rộng khắp nơi, ĐCS VN đã không theo kịp bước tiến bộ của thế giới đã để cho đất nước tụt hậu về mọi mặt. Vì thế đã gây nên sự bức xúc lớn cho xã hội và nhân dân. Đối với đất nước ta trước mắt chỉ có con đường dân chủ hoá và không có con đường nào khác để tiến lên trở thành một quốc gia văn minh, tiến bộ, thịnh vượng. Phong trào đấu tranh trong nước đòi dân chủ hoá, đòi xây dựng một xã hội đa nguyên và hệ thống chính trị đa đảng là đúng đắn, hoàn toàn chính nghĩa là đòi thực hiện dân chủ thực sự. Còn đối với ĐCS VN thì chủ trương xây dựng và duy trì CNXH, dân chủ tập trung kiểu Mác-Lênin đã quá lạc hậu và lỗi thời"... Trước câu trả lời như vậy "Hội đồng xét xử" đã không thể bác bỏ được gì đối với tôi và tất cả chỉ im lặng mà thôi....

Cũng tại phiên phúc thẩm này, tôi đã yêu cầu Tòa án phải xét xử song song 2 vụ án cùng một lúc thì mới đảm bảo tính triệt để và đúng pháp luật:

Vụ án thứ 1: Tòa án phải xét xử những người bất đồng chính kiến đấu tranh chống lại ĐCS VN, đòi dân chủ hóa đất nước bao gồm từ tướng Trần Độ, ông Hoàng Minh Chính, TS. Nguyễn Thanh Giang, ông Lê Hồng Hà, ông Phạm Quế Dương... và cùng với Nguyễn Khắc Toàn.

Vụ án thứ 2: Tòa án phải xét xử những người và những cơ quan đã tham gia tố tụng vụ án chính trị này vì đã vi phạm vào các điều luật "xâm phạm hoạt động tư pháp" theo Bộ luật hình sự của nước CHXHCN VN và các điều luật quy định bắt buộc theo thủ tục tố tụng của Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể họ đã vi phạm 8 tội danh sau:

1/ Điều 125: Tội xâm phạm các bí mật hoặc an toàn thư tín điện thoại, điện tín của người khác.

2/ Điều 132: Tội xâm phạm quyền khiếu nại tố cáo của công dân.

3/ Điều 293: Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội.

4/ Điều 295: Tội ra bản án trái pháp luật.

5/ Điều 296: Tội ra quyết định trái pháp luật.

6/ Điều 297: Tội ép buộc nhân viên tư pháp làm trái luật pháp.

7/ Điều 299: Tội bức cung.

8/ Điều 300: Tội làm sai lệch hồ sơ vụ án.

Cả 2 cấp xét xử trên, tòa án Nhà nước CS vi phạm pháp luật của chính mình đặc biệt nghiêm trọng và việc đọc bản án bỏ túi đã viết sẵn kết án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế không hề làm tôi run sợ. Ngược lại đứng trước phiên tòa xét xử, tôi trả lời dõng dạc những hoạt động của tôi là hoàn toàn phù hợp với các quyền công dân được quy định ở điều 69 Hiến pháp Nước CHXHCN VN. Các quyền tự do dân chủ đó cũng phù hợp với Công ước Quốc tế về nhân quyền mà nhà nước Việt Nam đã tham gia ký kết. Cho nên tôi đã kiên quyết yêu cầu tòa án Hà Nội và Tòa án tối cao VN xét xử theo đúng luật pháp và tôi không hề xin sự khoan hồng, cũng như không quan tâm đến việc kết án tôi bao nhiêu năm tù giam.

Tại phiên tòa, tôi đã yêu cầu mạnh mẽ 2 luật sư hỗ trợ cho tôi về mặt tư pháp, vạch rõ vụ án xét xử là hoàn toàn trắng trợn và phi pháp. Đặc biệt 2 luật sư tham gia bào chữa cho tôi là LS. Trần Lâm và LS. Đàm Văn Hiếu là những đảng viên CS VN kỳ cựu hơn 50 tuổi đảng và cũng là những người đã chứng kiến toàn bộ diễn biến trong 2 phiên tòa đó. Hai luật sư đã khai thác những điểm vô lý lộ ra trong hồ sơ vụ án, trong nội dung cáo trạng, trong kết luận điều tra, và cụ thể trong các bản cung để chất vấn lại hội đồng xét xử làm toàn bộ hội đồng xét xử lúng túng và bẽ bàng.

Trong lời nói cuối cùng trước khi hội đồng xét xử tuyên án, tôi xin phép được nói không hạn chế thời gian theo quy định đúng với luật Tố tụng hình sự và tôi đã phát biểu như sau: "Đây là một vụ án hoàn toàn phi pháp, nó chà đạp trắng trợn lên chính luật pháp của Nhà nước. Cách hành xử của Toà án là chỉ mang một mình tôi ra để xét xử, tôi thấy thật là đáng xấu hổ thay cho cả một bộ máy công quyền. Người ta không lạ gì mấy chục năm qua Đảng và Nhà nước VN đã vu cáo những người yêu chuộng dân chủ tự do và quyền con người. Gán ghép cho họ nào là: tội phản bội tổ quốc, tội âm mưu lật đổ chính quyền, tội chia rẽ, phá hoại chính sách đoàn kết, tội tuyên truyền chống nhà nước XHCN, tội gián điệp tình báo cho nước ngoài... Nếu nước ta là một nước có chế độ dân chủ, tôn trọng các quyền con người căn bản thì tôi hoàn toàn vô tội. Nếu đem tôi xét xử thì Nhà nước phải tôn trọng triệt để luật pháp của chính mình. Nhà nước không nên lạm dụng quyền lực của mình để đàn áp, khủng bố riêng một mình tôi..."

Trước sự phát biểu thẳng thắn của tôi như vậy, chủ toạ phiên toà đã ra lệnh cho 2 cảnh sát ngồi cạnh tôi trước vành móng ngựa dùng vũ lực xốc nách đưa tôi vào căn buồng bên cạnh không cho tôi nói lời cuối cùng của vụ xét xử. Sự việc đó diễn ra trước mặt mẹ tôi là bà Trần thị Quyết, em trai tôi là Nguyễn Xuân Phúc và gần trăm người dự phiên toà hôm đó tại Trụ sở tòa án Tối cao cuối phố Đội cấn Quận Ba Đình Hà nội

Và cần phải nói thêm rằng, trong những lần được gặp luật sư tại trại giam B 14 để chuẩn bị ra Tòa, tôi đã công khai cổ vũ và động viên mạnh mẽ cả 2 luật sư Trần Lâm và Đàm Văn Hiếu hãy đứng hẳn về phía những người đấu tranh cho dân chủ, bênh vực công lý và lẽ phải trước sự giám sát của sỹ quan trại giam thiếu tá Thế Kiệt.

Vụ xử án đó đã diễn ra cách đây gần 4 năm, nhưng dư âm và những hình ảnh sôi động tranh đấu tại toà án vẫn còn in đậm mãi trong trí nhớ của tôi. Tôi có được sức mạnh như vậy là nhờ noi theo gương đấu tranh dũng cảm vô uý của Tướng Trần Độ, Cụ Hoàng Minh Chính, Hòa Thượng Thích Quảng Độ và các bậc tiền nhân khác.

Mấy Nét Về Cuộc Sống Trong Lao Tù

Sau hơn 15 tháng bị giam cầm tại xà lim B 14 và đưa ra các tòa án ở Hà Nội "xét xử", đến ngày 25-4-2003 tôi bị chuyển sang trại giam Ba Sao - Nam Hà, tỉnh Hà Nam để lao động khổ sai. Trước khi vào buồng 6 phân trại 3, trại giam Nam Hà tôi bị khám xét đồ đạc và bị tịch thu toàn bộ hồ sơ vụ án mà các cơ quan tố tụng ở Hà Nội đã giao cho tôi, như kết luận điều tra của công an, các lệnh giam, cáo trạng của Viện Kiểm sát, bản án sơ và phúc thẩm, các đơn thư tố cáo gửi Đảng và nhà nước... Ngay ở trại giam B 14 và khi bị chuyển đến trại giam Nam Hà, tôi liên tục viết đơn tố cáo vụ bắt giam và xét xử phi pháp, đàn áp các quyền con người của các cơ quan gọi là bảo vệ luật pháp ở VN.

Tại trại giam Ba Sao - Nam Hà, tôi luôn đứng đầu các cuộc đấu tranh đòi cải thiện chế độ lao tù, bênh vực anh em bị tù cùng mình đặc biệt là anh em bà con dân tộc người Thượng ở Tây Nguyên. Vì hành động này, tôi đã bị Ban giám thị trại giam Nam Hà khép tội vi phạm nội quy trại giam. Ngày 11-7-2003, tôi bị kỷ luật cùm chân và biệt giam một mình ở trong xà lim tối tăm có 4m2 trong hơn 3 tháng và bị tước đoạt nốt chút quyền sống tối thiểu của người tù. Cụ thể trong thời gian này có suốt tuần lễ liền tôi không được cung cấp nước sạch làm vệ sinh cá nhân, như: không cho tắm rửa, không đánh răng rửa mặt. Sau giai đoạn này, nhiều ngày không được cho ăn muối, rau xanh, không cho đọc sách, báo, không cho nhận thư, quà cũng như viết thư và gặp gia đình... Người duy trì cai quản lệnh kỷ luật biệt giam tôi trong suốt thời gian này là Thượng uý Vũ Văn Tài, quê gốc Hải Hậu - Nam Định. Viên sĩ quan trẻ, đảng viên ĐCS VN sinh năm 1974 cũng đồng thời là quản giáo trực tiếp tôi tại buồng giam số 6 phân trại 3- trại giam Nam Hà còn có rất nhiều đối xử hành hạ khác đối với tôi từ ngày tôi bị chuyển từ trại B14 Hà Nội đến đây, cho tới ngày 16-12-2003 tôi lại chuyển sang buồng số 1 và 2 phân trại 1, trại giam Nam Hà. ở phân trại này tuy cùng bị giam một chỗ với LM Nguyễn Văn Lý, Nguyễn Vũ Bình và Phạm Hồng Sơn, Trương Văn Sương... nhưng chúng tôi bị tách ra mỗi người một nơi và cấm không được gặp nhau, liên lạc với nhau dù chỉ là nhìn nhau qua khe cửa buồng giam khi được đi ra ngoài gặp gia đình hoặc khi đi gặp cán bộ công an...

Toàn bộ đơn từ của tôi, gửi các cấp lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ như gửi Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Thủ tướng chính phủ Phan Văn Khải. Và đồng kính gửi các cơ quan luật pháp như ông Hà Mạnh Trí Viện trưởng Viện Kiểm sát ND tối cao, ông Nguyễn Văn Hiện chánh án Tòa án ND tối cao, Đại tướng Lê Hồng Anh Bộ trưởng Bộ công an và các cơ quan thông tấn báo chí trong nước đòi giám đốc thẩm vụ án, theo quy định của luật pháp thì đều bị tịch thu, xé bỏ. Ban giám thị trại giam Nam Hà liên tục tổ chức khám buồng giam để tịch thu giấy, bút viết và 3 cuốn sách luật pháp do gia đình gửi. Ba cuốn sách đến nay vẫn bị Ban giám thị trại giam giữ, chưa trả lại là các cuốn: Hiến pháp, Bộ luật Tố tụng hình sự và Bộ luật Hình sự của Nhà nước CHXHCN VN, mặc dù hiện nay tôi đã ra tù được mấy tháng rồi.

Áp Lực Quốc Tế và Dư Luận Tiến Bộ

Trong suốt hơn 4 năm tôi bị nhà nước VN giam cầm, nỗ lực tranh đấu của phong trào đấu tranh đòi thả tôi và những người đấu tranh dân chủ khác khỏi nhà tù ở bên ngoài rất mạnh mẽ, kiên trì và bền bỉ, tạo áp lực lớn lên Chính phủ Việt Nam. Nhiều chính phủ tiến bộ trên thế giới, nhiều tổ chức phi chính phủ khác như: Tổ chức theo dõi nhân quyền HRW, Tổ chức Ân xá quốc tế, ủy ban bảo vệ các nhà báo quốc tế CJP, Tổ chức ký giả không biên giới, Tổ chức luật sư quốc tế... đã lên tiếng phê phán nhà cầm quyền Hà Nội và đòi trả tự do cho tất cả những người tranh đấu dân chủ vô điều kiện, trong đó có tôi.

Ngày 17-10-2002, Tổ chức luật sư quốc tế ở Hoa Kỳ - INTER-PACIFIC LAW GROUP, INC có trụ sở ở thành phố Oakland, California, đã có văn bản gửi Chủ tịch nước Trần Đức Lương đề nghị được sang Việt Nam để bào chữa cho tôi và các trí thức dân chủ trẻ tuổi khác là Nguyễn Vũ Bình và Phạm Hồng Sơn.....

Đoàn luật sư của Việt kiều ở hải ngoại do LS Trần Thái Văn (Nam Cali) kiêm phó thị trưởng thành phố Garden Grôve dẫn đầu cùng 2 LS khác là Nguyễn Tâm (Bắc Cali) và LS Hoàng Duy Hùng (Houston) đã làm các thủ tục đòi sang Việt Nam để bào chữa cho tôi, nhưng bị chính phủ CS Việt Nam ra sức ngăn cản.

Nghị viện Châu Âu EP ra nghị quyết tháng 5-2003, đòi hủy bỏ bản án và trả tự do cho tôi và Lê Chí Quang. Sau đó liên tiếp trong các năm 2004-2005, Nghị viện Châu Âu EP ra nhiều nghị quyết đòi trả tự do cho tôi và các nhà báo Nguyễn Vũ Bình, bác sỹ Phạm Hồng Sơn, Linh mục Nguyễn Văn Lý, bác sỹ Nguyễn Đan Quế, ông Phạm Quế Dương, ông Trần Dũng Tiến...

Ngày 21-9-2002, ở Châu Âu và nhiều nước trên thế giới đã tổ chức biểu tình tuyệt thực trước Toà đại sứ của Nhà nước CS VN từ Oa-sinh-tơn, Pais, Rôma, Luân đôn, Madrid, Moskva, Brussels, Pretoria... Và có 117 dân biểu thuộc Quốc hội Liên Âu đã ký tên vào bức thư chung gửi chế độ Hà Nội và nhiều chính phủ khác trên thế giới, đồng thời tham dự các cuộc biểu tình tuyệt thực. Nhiều nhân vật tranh đấu cho nhân quyền nổi tiếng như ông Nguỵ Kinh Sinh người Trung Quốc, ông Oliver Dupuis dân biểu Quốc hội Liên Âu, ông Sergei kovaliev, bà Lutmila Alekseeva, ông Nguyễn Văn ái... đã tham gia biểu tình tuyệt thực và phản đối đàn áp nhân quyền ở Việt Nam.

Ngày 8-01-2004, các Hạ nghị sỹ, Thượng nghị sỹ Hoa Kỳ như ông Christopher H. Smith, ông Sam Brownback đã cử các trợ lý của mình sang tận Hà Nội, Liên minh châu Âu EU đã cử các bí thư chính trị và báo chí của các Tòa Đại sứ Italia, Hà Lan, Anh... Các vị này đã tới nhà riêng ở Hà Nội gặp mẹ tôi là bà Trần Thị Quyết - 80 tuổi và các em trai là Nguyễn Xuân Phúc, kỹ sư Nguyễn Trung Dũng thăm hỏi gia đình và cam kết sẽ can thiệp với chính phủ Việt Nam để đòi trả tự do cho tôi.

Ngày 24-9-2003, Tổ chức phóng viên không biên giới - trụ sở ở Paris đã gửi thư cho Bộ trưởng tư pháp Việt Nam ông Uông Chu Lưu, phản đối việc bắt giam các nhà báo Trần Khuê, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn, Nguyễn Đan Quế... và đòi trả tự do cho họ.

Các vị dân biểu Ôstrâylia là ông Jack Snelling, nghị sỹ Sato Santoro, các vị dân biểu Pháp và Âu châu, 5 vị dân biểu Mỹ là Loretta San chez, Chiristophe Smith, Ellen Tan Scher, Elijah Cummigs và Edward Royce đã lên tiếng trước Quốc hội và đã gửi thư cho Nhà nước VN phản đối vụ đàn áp những người dân chủ và đòi thả tự do cho họ, trong đó có tôi.

Nhiều nhà báo quốc tế sang Việt Nam và trong cả dịp sang đưa tin về hội nghị ASEM -5 hồi tháng 10 năm 2005 đã tới gia đình tôi tìm hiểu nội dung vụ án lấy tư liệu viết báo công bố với thế giới về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Làn sóng biểu tình rầm rộ của đồng bào hải ngoại ở khắp nơi trên thế giới đã nổ ra không chỉ ở các quốc gia có truyền thống dân chủ tự do như nước Mỹ, Pháp, Na Uy, Bỉ, Ôstrâylia, Hà Lan, CHLB Đức... mà còn diễn ra ở các nước khác thuộc khối XHCN cũ như Matscơva - CHLB Nga, Ba Lan, Tiệp khắc... đòi trả tự do cho các nhà dân chủ trong đó có tôi.

Ngày 18-01-2003, ông Amor Đại diện Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp quốc đã gặp Cộng đồng người Việt Nam ở Châu Âu và hứa với phái đoàn sẽ tiếp tục áp lực lên Hà Nội để Linh mục Nguyễn Văn Lý, Đại lão hòa thượng Thích Huyền Quang, hòa thượng Thích Quảng Độ, cụ Lê Quang Liêm, Nguyễn Khắc Toàn và các tù nhân lương tâm khác sớm ra khỏi chốn tù đầy... (Theo Vietnam Voice Of Democracy và Vietbao.com ngày 20-1-2003).

"Từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 3-2004, 144 tổ chức nhân quyền họp Đại hội nhân quyền thế giới ở thủ đô Quito- Equya Đor Trung Mỹ đã ra nghị quyết bênh vực cuộc đấu tranh đòi tự do tôn giáo, ủng hộ các hoà thượng Thích Huyền Quang, Thích Quảng Độ và linh mục Nguyễn Văn Lý trong đó có nêu việc đòi trả tự do cho Nguyễn Khắc Toàn và những người đấu tranh dân chủ trên mạng. Cần nhắc lại rằng từ những năm 20 của thế kỷ trước Liên đoàn đã đòi chế độ thực dân Pháp phá bỏ bản án tử hình cho cụ Phan Bội Châu, bênh vực giải thoát cho cụ Phan Châu Trinh ra khỏi nhà tù Côn Đảo. Và từ 20 năm qua Liên đoàn đã không ngừng lên tiếng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh vì nhân quyền và dân chủ ở VN". (theo tư liệu của LMVNTD)

Trong bức thư phúc đáp ngày 15-11-2004, của ông János Benyhe Tổng Thư ký Trung tâm Văn bút Hunggary (Magyar PEN Club) gửi thi sỹ Nguyên Hoàng Bảo Việt - hội viên trung tâm văn bút Thụy Sỹ Pháp thoại có đoạn viết:

"Chúng tôi thật vô cùng xúc động, bàng hoàng khi được bạn cho biết những tin tức liên quan đến thân phận đau thương của nhà viết tiểu luận và nhà báo Nguyễn Khắc Toàn. Văn hữu của chúng ta bị giam nhốt từ 2 năm qua chỉ vì đã lên tiếng bảo vệ nhân quyền và dân quyền ở Việt Nam... Trường hợp văn hữu Nguyễn Khắc Toàn đã khiến chúng tôi rất bất bình và công phẫn. Để phản đối sự nhốt tù bất công đối với văn hữu Việt Nam, Trung tâm Văn bút Hunggary chúng tôi quyết định trao tặng danh hiệu và quy chế Hội viên danh dự của Magyar PEN Club cho nhà văn kiêm nhà báo Nguyễn Khắc Toàn. Chúng tôi cũng biết thêm rằng văn hữu tù nhân Nguyễn Khắc Toàn còn được sự ủng hộ của Ân Xá Quốc Tế, Tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, Phóng Viên Không Biên Giới, Hiệp Hội Báo Chí Thế Giới, Uỷ Ban Bảo Vệ Ký Giả cũng như Hội Văn bút Quốc Tế của chúng ta.

Quyết định của chúng tôi sẽ được thông báo ngay cho bà Sara Whyatt, Giám đốc Chương Trình của Uỷ Ban Văn bút Quốc Tế bênh vực nhà văn bị cầm tù".

Ngày 10-8-2005, ông Michael Marine đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chủng quốc Hoa Kỳ tại Hà Nội đã gửi thư cho 3 gia đình, bức thư viết:

"Xin cảm ơn quý vị đã gửi cho tôi bản sao lá thư đề ngày 10-6-2005, mà quý vị đã gửi cho Tổng thống Bush và Thủ tướng Phan Văn Khải.

Tôi rất xúc động bởi những tình cảm mà quý vị bày tỏ trong bức thư và chia sẻ hy vọng của quý vị là con trai và chồng của quý vị, ông Nguyễn Khắc Toàn, bác sĩ Phạm Hồng Sơn và ông Nguyễn Vũ Bình sẽ sớm được phóng thích. Tôi và các viên chức Đại sứ quán thường xuyên đề cập đến các trường hợp liên quan đến thân nhân của quý vị cũng như những tù nhân bất đồng chính kiến khác trong các cuộc gặp với các quan chức Chính phủ Việt Nam.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc giục Chính phủ Việt Nam phóng thích những tù nhân bất đồng chính kiến và cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam."

Ngày 17-8-2005, từ Washington, D.C. ông Scot Marciel - giám đốc văn phòng phụ trách nhân quyền của các nước Miến Điện, Căm pu chia, Lào, Thái Lan và Việt Nam thuộc Bộ Ngoại giao Hoa kỳ đã gửi một bức thư tới 3 gia đình chúng tôi thăm hỏi vấn an và cam kết sẽ can thiệp mạnh mẽ với Chính phủ Việt Nam để những tù nhân này sớm được trở về nhà.

Tháng 11-2005 Ông bà đại sứ Michael Marine và ông Nathaniel G.Jensen, Bí thư thứ 2 cùng tham tán chính trị sứ quán Hoa Kỳ đã ân cần tiếp đón các gia đình tôi và gia đình bác sỹ Phạm Hồng Sơn... Thật vô cùng cảm động về những tình cảm ủng hộ của đông đảo dư luận thế giới đứng đầu là chính phủ Mỹ, các giới chức Myừ và Liên minh Châu Âu - EU đã lên tiếng kịp thời, mạnh mẽ đòi chính phủ VN thả các tù nhân lương tâm và chính trị mà trong đó coự tôi.

Ở trong nước, những cánh chim đầu đàn của phong trào tranh đấu đòi tự do dân chủ đã ngay lập tức và thường xuyên viết bài lên tiếng bênh vực tôi và các bạn tôi. Đồng thời tố cáo Đảng và nhà nước Việt Nam vi phạm các quyền con người, đàn áp dân chủ tự do. Điển hình như các vị: ông Hoàng Minh Chính, ông Lê Hồng Hà, nhà văn Hoàng Tiến, ông Phạm Quế Dương, TS. Nguyễn Thanh Giang, lão cựu chiến binh Trần Đại Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình lúc đó chưa bị bắt cũng lên tiếng và tích cực tham gia vận động nhiều người ký đơn tập thể đòi trả tự do cho tôi và BS. Phạm Hồng Sơn, nhà báo Nguyễn Vũ Bình...

Tháng 10-2005, cụ Hoàng Minh Chính nhân chuyến đi sang Mỹ chữa bệnh cụ đã được mời đọc diễn văn về vấn đề nhân quyền và dân chủ ở VN trước ủy ban đối ngoại Quốc hội Hoa Kỳ. Trong diễn văn này cụ đã đòi trả tự do cho ba chúng tôi là nhà báo Nguyễn Vũ Bình, BS Phạm Hồng Sơn và tôi.

Không kể sao cho hết những tấm lòng của bè bạn trong và ngoài nước hết lòng ủng hộ công cuộc đấu tranh đòi dân chủ hoá đất nước đang dâng trào cuồn cuộn suốt từ Bắc tới Nam. Con đường tranh đấu dân chủ còn rất lâu dài, đầy gian nan nhưng vô cùng vẻ vang và nhất định thắng lợi hoàn toàn. Tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ những chiến sĩ dân chủ và góp sức nhỏ bé của mình vào sự nghiệp chung đó. Tôi cũng xin chân thành cảm ơn tất cả những tấm lòng của bạn hữu ở khắp nơi đã dành cho mình trong thời gian qua và hiện nay. Sự yểm trợ quý báu vô giá ấy của lương tri loài người tiến bộ trên khắp hành tinh, thật sự là nguồn cổ vũ động viên lớn lao cho phong trào tranh đấu vì mục tiêu cao cả của tất cả các lực lượng dân chủ không chỉ ở trong nước mà cả đồng bào ta ở hải ngoại.

Trở Về Để Tiếp Tục Tranh Đấu

Ngày 24-01-2006, trước sự đấu tranh mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước, tôi đã được tạm thời phóng thích khỏi nhà tù Ba sao - huyện Kim bảng - tỉnh Hà Nam. Tôi đã trở về với gia đình sum họp trong dịp Tết cổ truyền năm 2006. Tôi đã trở về với Hà Nội, thành phố thân yêu sau hơn 4 năm xa cách. Tôi cũng trở về để tiếp tục đứng vào đội ngũ những chiến sỹ đấu tranh vì dân chủ, tự do cho Đất nước và cuộc sống ngày mai tươi sáng hơn của cả dân tộc.

Những năm tháng bị giam cầm, đọa đầy không làm tôi chùn bước. Tôi đã từng bị giam cầm, mất tự do gần 1500 ngày đêm nên tôi càng cảm thấy tự do quý giá biết bao. Tôi ý thức được rằng tự do dân chủ không phải là những thứ mà ta cầu xin được. Tự do dân chủ là những giá trị thiêng liêng chúng ta phải đấu tranh giành lấy.

Câu chuyện này đã được tôi viết trong những ngày trước và sau tết, tôi đã nhiều lần mang bản thảo cho hai cụ Hoàng Minh Chính và Lê Hồng Ngọc xem và góp ý. Tôi băn khoăn, nấn ná mãi mới viết xong và thực lòng tôi chưa muốn viết câu chuyện trên. Vì muốn để dành câu chuyện đó vào trong cuốn hồi ký kể về những năm tháng tham gia đấu tranh và thời gian trong chốn lao tù, mà tôi sẽ hoàn thành trong thời gian tới. Những ghi chép của tôi trên đây là một dạng tùy bút nên bố cục và nội dung còn có thể chưa hoàn chỉnh rất mong bạn đọc cảm thông.

Viết xong bản thảo lần thứ nhất giao thừa Bính Tuất 30-1-2006, và kết thúc ngày 25-4-2006.

 Nhà báo tự do, cựu tù nhân chính trị

Nguyễn Khắc Toàn

Số 11 Ngõ Tràng Tiền - Quận Hoàn Kiếm - Hà Nội

Mọi liên hệ với tôi theo Email: gopydtbcct2006@yahoo.com

Ghi chú:

Điện thoại cố định của gia đình: 04. 8 260 244. Mobi: 0904 665 439 và Internet của tôi đã bị cắt sau khi gửi thư góp ý Đại hội ĐCS VN, tham gia ký Lời kêu gọi ủng hộ công nhân đình công, tham gia ký Lời Kêu gọi Tự do thành lập và sinh hoạt đảng phái chính trị ngày 6-4-2006, tham gia vận động và ký Tuyên Ngôn Dân Chủ Tự Do 8-4-2006, tiếp ông Nathaniel G.JenSen, bí thư thứ hai Đại sứ quán Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ tại Việt nam ngày 2-3-2006, tiếp phái đoàn của Uỷ ban quốc tế về quyền con người - Comité internationale des droits de l'homme ngày 10-3-2006, tham gia cùng ông Hoàng Minh Chính tiếp phái đoàn Liên minh Châu Âu tại VN ngày 12-3-2006...

 Mấy dòng viết thêm:

Đến ngày 26 tháng 5 vừa qua Bộ công an Việt nam đã chỉ đạo bưu điện Hà nội khôi phục tạm thời điện thoại cố định số 048 260 244 cho tôi, nhưng bị phá sóng gây ù chói tai thường xuyên, liên tục khi trao đổi với bạn bè. Mobi thì bị phá hủy 4 lần hiện nay đang tạm thời dùng số 091 256 7336 và được "chăm sóc sát sao" 24/24h chặt chẽ. Riêng đường kết nối Internet cá nhân của tôi vẫn chưa được khôi phục trở lại như ban đầu mặc dù tôi đã có đơn khiếu nại, tố cáo với bưu điện Hà nội từ ngày 26/5/2006.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.