Hôm nay,  

Phe Nam Đã Thắng?

01/07/200600:00:00(Xem: 1619)

Dù tế nhị tránh né vấn đề nhậy cảm kỳ thị Bắc Nam không nói, màu sắc địa phương và nguồn gốc Nam Bắc của những người nằm trong Bộ Chánh Trị Đảng và Nhà Nước CS sau Đại hội X tự nó đã nói lên một sự kiện trần trụi: Phe Nam đã thắng một bước. Nhưng phân tích cho thấy đây chỉ một cuộc hưu chiến, hai phe Bắc Nam chỉ tạm thời chấp nhận mô thức mới Nam kinh tế, Bắc chánh trị, thay cho mô thức đã áp dụng từ khi chuyển sang kinh tế thị trường là Nam Thủ Tướng, Bắc và Trung Tổng bí Thư, Chủ tịch Nước. Thực sự không có gì phải ngạc nhiên và húy kỵ cả. Phàm trong chánh trị, trong Đảng là có phe, trong phe là có nhóm; và nơi nào, người nào làm ra tiền, nơi đó và người đó có quyền. Đó là qui luật lạnh lùng nhưng khách quan, trắng trợn nhưng khó mà phủ nhận.

Một, về gốc gác. Trong tam đầu chế cầm quyền Nhà Nước CS có tới hai Nam mà chỉ một Bắc. Ong Nguyễn minh Triết lên làm Chủ tịch Nước gốc gác tỉnh Bình Dương; Ong Nguyễn tấn Dũng lên làm Thủ Tướng, gốc gác Cà Mau. Cả hai sanh ra, lớn lên, ăn học ở thành thị, vô bưng biền chiến đấu, và ra thành công tác --  sự nghiệp chánh trị hoàn toàn ở Miền Nam - không một ngày tập kết ra Miền Bắc Xã hội chủ nghĩa. Cả hai hồi mới tóm thâu được Miền Nam, CS Hà Nội liệt vào "diện cán bộ tại chỗ". Theo thuật ngữ quân sự của Đảng, A là Miền Bắc, B là Miền Nam. Cán bộ gốc Nam tập kết Bắc thuộc "diện"  cán bộ B, khi trở về Nam gôi là "đi B". Còn cán bộ gốc Nam hoạt động ở Miền Nam gọi là "cán bộ tại chỗ". Nội cách dùng chữ trong tổ chức đảng, CS Hà Nội đã cho thấy màu sắc kỳ thị Bắc.  Đảng viên cán bộ đi B và tại chỗ - tức ai gốc gác Nam - ít "chí cốt" với Đảng hơn  cán bộ A. Dưới tiêu chí đó, trong tam đầu chế nói trên Ô Nguyễn phú Trọng là cán bộ A . Nhưng tình hình mới giá trị mới, tuy là A nhưng không bằng B vì B có tới hai người nắm hai chức điều hành Nhà Nước. Quốc Hội CS  tuy được tuyên truyền là cơ quan quyền lực cao nhứt nhưng thực chất có tiếng mà chẳng có miếng, chỉ là chậu kiểng trang trí, bô máy hợp thức hóa, con dấu cao su đóng lên chữ ký của người có quyền ra lịnh mà thôi.

Hai, về địa lý kinh tế chánh trị. Phe Nam phục hồi vị thế như vậy là chậm. Chậm vì do chủ trương cào bằng quá " bạo" của Bộ Chánh trị của Đảng CS đa số gốc A . Cào bằng chẳng những kinh tế mà cào bằng chánh trị nữa để hạ đo ván phe Nam. Cái gì quí và " hiện đại" ở Nam thì chở ra Miền Bắc để tập trung nỗ lực phát triển Miến Bắc nhanh hơn và phồn thịnh hơn. Thí dụ máy móc của Kim Lai An quán in ốp - sết đầu tiên của Saigon gỡ máy ra chở về Hà Nội cho báo Nhân dân ở Hà Nội. Dù vậy Hà Nội chỉ đóng cho ngân sách quốc gia 6.5% trong khi Saigon đóng bốn  lần nhiều hơn. Bóp mũi Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam do CS Hà Nội đẻ ra trong đó nhiều người Nam trí thức đã gia nhập Đảng. Sáp nhập nhiều tỉnh  (Sóc trăng, Trà vinh, Sa đéc, Châu đốc. v.v.) để số trung ương ủy viên của Miền Nam ít đi. Giải tán Cục R cái nôi Đảng vữa Miền Nam Nam thời chống Mỹ, giải tán Đảng ủy Tây Nam bộ  cái nôi của Đảng của Miền Tây thời chống Pháp. Mãi tới khi Miền Nam đói phải ăn độn trên chính cái vựa úa của mình và của cả nước - một sư kiện chưa hề có trong lịch sử dân Việt - các tỉnh ủy viên gốc Nam không thể chịu nổi nữa. Họ một mặt lén "xé rào", giao phương tiện sản xuất nông nghiệp lại cho dân, dưới hình thức khoán sản phẩm. Một mùa thôi An Giang thừa gạo đem đổi lấy nhu yếu phẩm mà Miền Bắc giành nhiều. Mặt khác hễ có họp đảng ở trung ương là "than nghèo kể khổ". Cần thơ, An Giang, trái tim của Miền Tây là tỉnh "liều mạng" nhứt.

Nhưng hay không bằng hên. Liên xô vứt vú sữa, cả Đảng CS Hà nội phải tự cứu nguy bằng chuyện hệ tư duy, chuyển sang kinh tế thị trướng, ở thế chẳng đặng đừng, phẳi  đổi mới theo phe Nam. Tổng Bí thư Nguyễn văn Linh, gốc gác ở Bắc nhưng sự nghiệp chánh trị ở Miền Nam là giải pháp trái độn buổi ban đầu của kế hoạch Bắc Tiến của phe CS Nam. Hai phe Bắc Nam dằng dai so cựa cả chục năm với mô thức thỏa hiệp Nam Thủ Tướng, Bắc Trung Tổng Bí Thư Chủ tịch Nước. Mãi đến Đại hội X, giữa năm 2006 Nguyễn Minh Triết mới vào được Phủ Chủ tịch Nước.

Ba, nhưng phe Nam thực tế chỉ mới chiếm lĩnh được trận địa kinh tế. Phe Nam thắng là nhờ tự thân  và ngoại quốc. Như đã cả hai ông Triết, Dũng là người hoàn toàn sống nhờ kinh tế Miền Nam, lúc ở  thành ăn học cho đến khi vào bưng chiến đấu. Mà kể cả toàn bộ quân du kích hay bộ đội Bắc Việt xâm nhập đều sống nhờ kinh tế Miền Nam. "Cơm áo gạo tiền", thuốc, đường, đều do và của nền kinh tế tài chánh  Miền Nam. CS Miền Nam lúc bấy giờ không có làm kinh tế, chỉ lén thu thuế của người dân Miền Nam thôi. Đến thời mở cửa, CS Miền Nam "tiếp thu" và thừa hưởng được nhiều thuận lợi kinh tế do Miền Nam để lại. Hạ tầng cơ sở, kỹ năng công nhân, tác phong kỹ nghệ, lề lối thương lượng, hợp đồng làm ăn, rất gần gũi với đối tác ngoại quốc đa số theo kinh tế thị trướng.  Đó là lý do khách quan khiến tại sao các nhà đầu tư ngoại quốc đổ vốn ơ Sàigon nhiều hơn ở Hà Nội dù Hà Nội nhà đất rẻ hơn, gần Trung Quốc có thị trường tiêu thụ đông 1 tỷ 1.

Bốn, tuy vậy trận chiến Bắc Nam chưa kết thúc, mới chỉ là hưu chiến, còn hứa hẹn nhiều pha gay cấn khác nữa. Nhiều dấu chỉ cho thấy việc phe CS Nam chưa giã từ vũ khí tranh quyền, khôi phục thế đứng. Trong Đại Hội X đã có dư luận Ô Nguyễn minh Triết lên Tổng bí Thư. Trong những xì căn đan khui như vụ PMU 18, ở trên xa xa người ta thấy có tên Nông đức Mạnh. Có dư luận Ô Nông đức Mạnh chỉ quyền nhiếp chức Tổng bí Thư hai năm vì phàm trong tranh chấp bất phân thắng bại, hai bên phải đồng ý một người Miền Nam gọi là ba phải, Miền Bắc gọi là ba bị lên để làm trái độn. Báo Tuổi Trẻ, tiếng nói của Thành đoàn CS Saigon có thể là phong vũ biểu cần theo dõi trong cuộc đấu đá Bắc Nam. Khuynh hướng thời thượng của Anh Cả Đỏ Trung Cộng đang thịnh hành là Chủ tịch Nước kiêm luôn chủ Tịch Đảng.

Việc phe Bắc đồng ý để Nông đức Mạnh gốc thiểu số Bắc, được tin là giọt máu rơi của Ô Hồ tiếp nắm Tổng Bí Thư Đảng, việc phe Bắc đồng ý để Nguyễn phú Trọng nắm chức Chủ tịch Quốc Hội, cho thấy phe Bắc tự coi mình là sở trường về chánh trị, là dân giỏi chánh trị như truyền thuyết đã có và lan truyền từ lâu ở Saigon, Hà Nội, và Little Saigon. Phe Bắc CS tin chánh trị là "chủ đạo", là con đường lớn và dễ để kiếm tiền khỏi cần làm việc, chỉ ngồi một chỗ làm chánh trị cung đình, hối mại quyền thế, mặc sức tham nhũng trong hành lang quyền lực của Đảng Nhà Nước CS Hà Nội còn bí hiểm hơn thâm cung bí sử nữa nhà Tần nữa. Trái lại phe Nam CS khoái làm kinh tế để kiếm tiền. Nhiều dấu chỉ cho thấy Phe Nam "ăn công ký" với Bộ Đội chia quyền lợi kinh tế, để Bộ  đội làm ăn, dành cho 19 ghế cho 19 tướng lãnh Quân đội lẫn Công an trong Ban Chấp hành Trung ướng, 4 lần nhiều hơn so với Đại Hội 9. Nguyễn tấn Dũng có nhiều kinh nghiệm "móc nối" phe Bắc và thân Trung Cộng.

Truyền thuyết cũng thường nói dân Nam không thích làm chánh trị. Nhưng khi ở thế kẹt phải làm thì "làm tới bến", đảo chánh, lật đổ, cách mạng không nương tay, nhổ cỏ nhổ tận gốc. Liệu cuộc hưu chiến Bắc chánh tri, Nam kinh tế này kéo dài được bao lâu khi mà kinh tế chánh trị là hai mặt của một vấn đề, là môi với răng. Một rừng không thể hai cọp, một nước không thể hai vua.

Nhiều người Việt đau lòng thấy CS đã làm cho tình đồng bào Bắc Nam Trung một nhà bị sứt mẻ. Nhưng làm gì được khi CS là một đảng chuyên cướp chánh quyền, làm bất cứ chuyện gì để đạt mục tiêu dù bạc ác nhứt. Họ đâu có sá gì cái tình đồng bào quá duy tâm trong khi họ là người quá duy vật. 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.