Hôm nay,  

Tiếng Nói Của Đa Số Thầm Lặng

01/08/200600:00:00(Xem: 2315)

Trong đời sống chính trị của một quốc gia, đa số thầm lặng thường được hiểu là khối đa số dân chúng có thái độ phản kháng thụ động đối với chính sách của nhà cầm quyền nhưng cũng không tán thành phương thức tranh đấu của những nhóm chính trị cực đoan, do đó đa số thầm lặng không có vai trò và ảnh hưởng gì tới các biến cố làm thay đổi cục diện chính trị trong nước. Nói như Hoàng đế Nã-phá-luân đệ nhất: “Mười người lên tiếng gây náo động hơn mười nghìn người thầm lặng.” 

Thực tế không đơn giản như vậy. Đa số thầm lặng tuy không lên tiếng vì không muốn trực tiếp tham gia vào hoạt động chính trị vẫn có những đòi hỏi hay khát vọng mà họ mong muốn trở thành hiện thực. Trong một nước dân chủ, tiếng nói của đa số thầm lặng được tự do phát biểu qua các phương tiện truyền thông và các đại biểu của họ tại Quốc hội. Nhờ sự tôn trọng hiến pháp và luật pháp của các cơ quan công quyền, mọi thay đổi quan trọng đều được diễn ra trong hòa bình và trật tự. Dưới một chế độ độc tài toàn trị, tiếng nói của đa số thầm lặng chỉ có thể được phát biểu rất hạn chế và khó khăn bởi những người bất đồng chính kiến dũng cảm gồm một số nhân vật chính trị, một số nhà văn và trí thức tiến bộ. Nhưng khi tình hình đã chín muồi cho một biến cố lịch sử, đa số thầm lặng sẽ bỗng nhiên trở thành lực lượng hậu thuẫn tích cực cho những người lãnh đạo biến cố đó, nhiều khi không tránh khỏi bạo động và hỗn loạn.

Như vậy, đa số thầm lặng có vai trò hết sức quan trọng, đặc biệt dưới một chính thể độc tài, vì nó có tiềm lực rất mạnh sẵn sàng trở thành một lực lượng xây dựng hay lật đổ chính quyền tùy theo nguyện vọng của họ có được thỏa mãn hay không. Một chính quyền sáng suốt sẽ tồn tại vững vàng nếu biết lắng nghe tiếng nói của những đại diện không chính thức của đa số thầm lặng được phát biểu trực tiếp hay gián tiếp qua những bản kiến nghị, những bài tham luận, những tác phẩm văn học nghệ thuật. Quan trọng hơn nữa là khi chính quyền đã biết rõ nguyện vọng của nhân dân và hứa hẹn tôn trọng những quyền tự do căn bản thì cần phải thực thi những lời hứa hẹn đó.

Sức mạnh của đa số thầm lặng trong việc thay đổi lãnh đạo đã được chứng tỏ như một qui luật lịch sử ở nhiều nước dưới nhiều chế độ khác nhau. Tuy nhiên, không phải mọi sự thay đổi lãnh đạo đều đương nhiên thỏa mãn được nguyện vọng của nhân dân. Trong một số trường hợp, do những trở ngại từ bên trong hay bên ngoài, chính quyền đã phải hơn một lần thay đổi như những bước thí nghiệm trước khi đạt được ổn định và phát triển. Những biến đổi chính trị trong khối cộng sản Liên Xô và các nước Đông Âu từ cuối thập kỷ 1980 đến nay là những bằng chứng cụ thể.

Trường hợp Việt Nam

Trong trường hợp Việt Nam, độc quyền lãnh đạo đất nước của đảng cộng sản được đặt trên hai nền tảng: (1) niềm tin vững chắc ở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh (mặc dầu chưa ai thấy rõ hệ tư tưởng này như thế nào), và (2) thành tích chiến thắng hai đế quốc “đầu sỏ” trên thế giới sau Thế chiến II là Pháp và Hoa Kỳ. Cả hai nền tảng này trên thực tế đều đã bị lung lay tận gốc rễ vì ngay cả các đảng viên cộng sản cũng không còn mấy ai tin tưởng ở chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, còn thành tích chiến thắng thì đã được chứng tỏ là cái giá quá đắt và không cần thiết vì dân tộc Việt Nam đáng lẽ đã được độc lập, thống nhất và phát triển từ lâu nếu một nửa đất nước không bị dẫn dắt theo một chủ nghĩa sai lầm đã phải tự hủy thể ngay tại cái nôi sinh ra nó.

Thực tế là các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam rốt cuộc đã phải bình thường hóa quan hệ với các nước tư bản, đặc biệt là Hoa Kỳ, nhận viện trợ Mỹ và kết thân với những đồng minh của Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam. Như vậy hai nền tảng nói trên chỉ còn là những ánh hào quang đang mờ tắt mà đảng và nhà nước vẫn phải cố nhen nhúm lại để duy trì chế độ. Hiển nhiên là chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam còn tồn tại được là nhờ biết kịp thời đổi mới và tìm đường hội nhập vào thế giới không cộng sản. Tuy nhiên, vì đã nắm giữ độc quyền cai trị từ hơn nửa thế kỷ qua và nhất là đang gần như độc quyền chi phối mọi sinh hoạt kinh tế trong nước, lãnh đạo đảng cho đến nay vẫn chỉ đổi mới và hội nhập nửa vời theo “định hướng xã hội chủ nghĩa.”

Trong thời đại toàn cầu hóa, tiến trình đổi mới và hội nhập của Việt Nam cũng tất yếu là một tiến trình dân chủ hóa. Những tiếng nói chống tham nhũng, đòi tự do dân chủ và công bằng xã hội càng ngày càng nhiều hơn và mạnh mẽ hơn. Đa số thầm lặng ở trong nước đã bắt đầu chuyển động với những chỉ dấu bất mãn cao độ và đã trở thành một thách thức lớn đối với đảng và nhà nước. Đã đến lúc chính quyền mới cần đặc biệt chú ý đến những nguyện vọng của đa số thầm lặng này.

Ngoài ra, nếu đảng và nhà nước thật tình nhìn nhận cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một “nguồn nội lực quan trọng” cho sự phát triển của đất nước thì cũng cần phải đáp ứng tích cực những mong đợi chính đáng của đa số thầm lặng ở hải ngoại. Trước nguy cơ nội tại “đe dọa sự tồn vong của chế độ ta” như lời báo động mới đây của cựu Thủ tướng Phan Văn Khải,  chính quyền phải có những nỗ lực hòa giải và hợp tác thật sự với mọi thành phần dân tộc trong và ngoài nước để có thể lành mạnh hóa bộ máy hành chánh, giải quyết các tệ nạn xã hội và thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Để có thể cùng góp phần xây dựng đất nước, vấn đề hòa giải và hợp tác cũng cần được thực hiện trọn vẹn giữa những người trước kia đã từng là đối thủ ở hai bên chiến tuyến nhưng nay đều nhận thấy rằng mình đã phải hi sinh quá lớn và vô ích cho một cuộc chiến huynh đệ tương tàn. Hội chứng Việt Nam không phải chỉ có trong tâm thức của người Mỹ mà cũng hiện diện trong tâm thức của người Việt Nam, kẻ thắng cũng như người thua, với những yếu tố phức tạp từ nguyên nhân đến hậu quả của cuộc chiến.

Sau hai mươi năm đất nước bị chia đôi và tàn phá bởi chiến tranh, lại thêm hơn ba mươi năm một bộ phận dân tộc phải xa lìa quê hương, tâm thức người dân Việt giữa Bắc và Nam, giữa trong và ngoài nước, đã mang những dấu ấn sâu đậm từ những cơ sở tư duy chính trị và môi trường xã hội khác nhau. Những dấu ấn khác biệt ấy đòi hỏi sự thường xuyên trao đổi, vượt lên khỏi các định kiến và ngộ nhận để hiểu biết nhau hơn, ngay cả giữa những người sáng suốt và dũng cảm ở hai bên đã nhìn nhận nhau về lòng yêu nước và mục tiêu tranh đấu chung là tự do, hạnh phúc cho dân tộc.

Nói đến chiến tranh và đa số thầm lặng ở trong và ngoài nước, được hiểu như đa số bất mãn với chế độ hay bất đồng với những nhóm tranh đấu cực đoan, tưởng cũng nên  nhắc đến trường hợp của đa số thầm lặng ở Hoa Kỳ trong cuộc chiến ở Việt Nam để phân biệt lề lối sinh hoạt chính trị ở một nước dân chủ và một xã hội dưới chế độ độc tài. Sự so sánh này sẽ cho thấy sức mạnh của đa số thầm lặng đối với sự tồn vong của một chế độ hay một chính quyền dù là độc tài hay dân chủ. Nhân dịp này cũng ôn lại được bài học về lợi ích quốc gia trong quan hệ quốc tế, thời chiến cũng như thời bình.

Trước hết hãy xem xét trường hợp Hoa Kỳ.

  Nixon và Đa số Thầm lặng

Khi phong trào phản chiến ở Hoa Kỳ lan rộng và lên đến cao điểm năm 1968 biểu hiện tâm trạng chung của nhân dân Mỹ muốn chính phủ chấm dứt cuộc chiến ở Việt Nam và rút quân về nước, Tổng thống Lyndon Johnson đã phải tuyên bố ngưng mọi cuộc oanh tạc trên lãnh thổ Bắc Việt (trừ phía dưới vĩ tuyến 20) và cho biết ý muốn mở cuộc hòa đàm với Hà Nội. Hơn thế nữa, ông còn loan báo quyết định không tái tranh cử tổng thống nhiệm kỳ II. Cuối năm đó, ứng cử viên Richard Nixon sở dĩ thắng được đối thủ Hubert Humphrey, phần lớn cũng vì ông cho mọi người hiểu là ông có một “kế hoạch bí mật” chấm dứt chiến tranh Việt Nam. Thật ra, kế hoạch bí mật đó không hề có mà chỉ là sự điều chỉnh chương trình Việt Nam hóa chiến tranh đã được cựu Tổng trưởng Quốc phòng McNamara quan niệm từ cuối năm 1967 và bắt đầu được thi hành vào tháng Ba năm 1968. Điểm khác biệt trong kế hoạch của Nixon, áp dụng từ tháng Sáu 1969, là nhịp rút quân được thực hiện nhiều và nhanh hơn trong khi công cuộc trang bị và huấn luyện quân đội Việt Nam Cộng Hòa được gia tăng mạnh mẽ hơn. Tháng Mười Một 1969, Tổng thống Nixon công bố “Chủ thuyết Nixon”, nhấn mạnh đến việc Hoa Kỳ giữ vững cam kết viện trợ kinh tế và quân sự cho miền Nam Việt Nam nhưng trao trả hoàn toàn trách nhiệm chiến đấu cho quân đội VNCH. Ông khẳng định rằng chính quyền tiền nhiệm đã “Mỹ hóa cuộc chiến” còn chủ trương của chính quyền do ông lãnh đạo là “Việt Nam hóa công cuộc tìm kiếm hòa bình.” 

Đáng chú ý là trong khi lập kế hoạch rút hết quân về nước theo ý nguyện chung của nhân dân, Nixon đã phân biệt hai khuynh hướng đối lập về phương cách chấm dứt cuộc chiến. Khuynh hướng thứ nhất muốn chính phủ Mỹ bỏ luôn Việt Nam để quay về lo những vấn đề nội bộ. Theo Nixon, đây là chủ trương của một thiểu số chủ bại, ồn ào lớn tiếng nhưng vô trách nhiệm, bất chấp những hậu quả tai hại không chỉ riêng cho miền Nam Việt Nam mà cho cả Hoa Kỳ và thế giới. Cũng trong bài diễn văn trên, ông khẳng định “Một cường quốc không thể xứng đáng với vai trò lãnh đạo nếu nó phản bội đồng minh và bỏ rơi bè bạn của mình”.

Khuynh hướng thứ hai muốn Hoa Kỳ chấm dứt việc trực tiếp tham chiến ở Việt Nam nhưng tiếp tục hỗ trợ cho VNCH có khả năng bảo vệ hòa bình và tự do của mình cũng như của thế giới không cộng sản. Đây là khuynh hướng của đa số dân chúng mà Nixon gọi là “đại đa số thầm lặng”, yêu chuộng hòa bình và tự do, ủng hộ tinh thần trách nhiệm và vai trò cường quốc lãnh đạo của Hoa Kỳ. Đa số thầm lặng không xuống đường biểu tình, hò hét chống đối chính quyền nhưng bày tỏ quan điểm của họ một cách cụ thể qua những phương tiện truyền thông, những lá phiếu bầu Tổng thống và đại diện của họ vào Quốc hội. Một cuộc thăm dò dư luận thực hiện ngay sau bài diễn văn tháng Mười Một 1969 của Nixon cho thấy ông được 77 phần trăm dân chúng tán thành. 

Trong kỳ bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ năm 1970, Tổng thống Nixon lại kêu gọi đa số thầm lặng đứng dậy và khẳng định quan điểm của mình. Kế hoạch rút quân được tiến hành như dự liệu và Nixon đã đại thắng trong kỳ tái ứng cử tổng thống năm 1972 mặc dù chỉ mấy tháng trước đó, năm nhân viên trong nhóm vận động tranh cử của ông đã bị bắt quả tang khi đột nhập trụ sở của Đảng Dân chủ ở tòa nhà Watergate tại Washington D.C. Nhưng vụ Watergate bùng nổ từ giữa năm 1973, với sự lên án gắt gao của dư luận và quốc hội, đã chấm dứt sự nghiệp chính trị của Nixon vào tháng Tám 1974, kéo theo sự sụp đổ mau chóng của VNCH.

Giả thử Nixon không phạm lỗi lầm Watergate để đến nỗi bị mất chức thì miền Nam Việt Nam đã có nhiều triển vọng tồn tại theo các điều khoản của Hiệp định Paris tháng Giêng 1973. Hai chương IV và V trong bản Hiệp định có bảy điều khoản xác nhận “quyền tự quyết của nhân dân miền Nam” với một chính phủ có quân đội riêng, “theo đuổi một chính sách ngoại giao hòa bình và độc lập”, còn vấn đề thống nhất thì “sẽ được thực hiện từng bước bằng đường lối hòa bình trên căn bản thảo luận và thỏa hiệp giữa hai miền Bắc và Nam Việt Nam. Thời gian thống nhất sẽ được thỏa thuận bởi Bắc và Nam Việt Nam.” 

Trong những điều kiện như vậy, viễn tượng thống nhất giữa miền Nam giàu có dưới chế độ trung lập dân chủ và miền Bắc thiếu thốn dưới chế độ cộng sản độc tài chẳng biết đến bao giờ mới có thể trở thành sự thật nhất là khi Liên Xô và khối cộng sản Đông Âu bắt đầu sụp đổ từ giữa thập kỷ 1980. Theo dự đoán của đại diện Hà Nội là cựu Đại sứ Nguyễn Khắc Huỳnh thì “thời gian trung lập chuyển tiếp sẽ kéo dài từ mười đến hai mươi năm”  Chính phủ và Quốc hội Hoa Kỳ đáng bị chỉ trích là đã phản bội đồng minh, nhưng trong cơn khủng hoảng nội bộ trầm trọng và do những quan hệ đã cải thiện với hai nước lãnh đạo cộng sản quốc tế, hiển nhiên là Hoa Kỳ không còn thấy VNCH cần thiết cho lợi ích quốc gia của mình.

Một nguyên nhân quan trọng khác khiến cho VNCH bị bỏ rơi là cảm nhận sai lầm của đa số lãnh đạo và nhân dân Mỹ về Việt Nam cộng sản và Việt Nam quốc gia. Nhìn vào thành tích cách mạng của Hồ Chí Minh và các lãnh tụ cộng sản Việt Nam từ thời chống Pháp, cùng với sức chiến đấu, chịu đựng gian khổ, và những hi sinh to lớn của quân đội và nhân dân miền Bắc do họ lãnh đạo trong suốt hai cuộc chiến, người Mỹ không khỏi cảm phục và có ý nghĩ rằng chỉ có cộng sản Việt Nam mới là những người yêu nước.

Khi đó, họ không biết gì hoặc chỉ hiểu biết rất thiếu sót về những nhà cách mạng yêu nước không cộng sản trước và sau khi đảng cộng sản được thành lập, nhất là về cuộc tranh chấp quốc-cộng với những thủ đoạn của đảng cộng sản tiêu diệt các đảng phái quốc gia, mượn chiêu bài độc lập, tự do và thống nhất để giành lấy chính nghĩa trong cả hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trong khi đó, những quân nhân lãnh đạo miền Nam do Hoa Kỳ lựa chọn sau vụ lật đổ Ngô Đình Diệm đều không có thành tích chính trị, đạo đức hay khả năng để có thể so sánh với giới lãnh đạo miền Bắc và cũng không có được sự tín nhiệm của nhân dân miền Nam. Những tướng lãnh và binh sĩ VNCH chiến đấu anh dũng ngoài mặt trận đều trở thành nạn nhân của những cuộc tranh chấp giữa những tướng lãnh cầm quyền đồng thời là nạn nhân của những nước cờ chính trị của chính phủ Hoa Kỳ.

Quá thất vọng với Nixon về vụ Watergate mặc dù ông đã áp lực được Bắc Việt trở lại bàn hội nghị và ký thỏa ước hòa bình Paris tháng Giêng 1973, đa số thầm lặng đã không còn ủng hộ chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Nixon. Đối với giới lãnh đạo Bắc Việt, vụ Watergate và quyết định bỏ rơi VNCH của Quốc hội Mỹ đúng là “món quà của trời cho”, như nhận xét của chủ tịch Mặt trận Giải phóng miền Nam Nguyễn Hữu Thọ, khiến cho họ có thể đơn phương xóa bỏ hiệp định Paris và thực hiện công cuộc tiến chiếm miền Nam mau hơn cả thời gian dự liệu.

Đa số dân chúng Mỹ, dù vẫn không tán thành những vụ xuống đường của nhóm phản chiến “hippie” với phong cách “văn hóa đối kháng” (counterculture) của họ, đã rõ ràng không còn muốn bận tâm tới tình hình ở Việt Nam sau khi quân đội Mỹ đã được rút hết về nước vào cuối tháng Ba 1973. Sự chuyển hướng của đa số thầm lặng có thể hiểu được vì, đối với họ, chiến tranh Việt Nam đã được giải quyết và họ đã mất hết tín nhiệm đối với Tổng thống Nixon vì những lỗi lầm quá lớn của ông về đạo đức chính trị. Quyết định bỏ rơi VNCH của Quốc hội Mỹ phản ánh tâm trạng chung của nhân dân Mỹ trong những ngày tháng cuối cùng của chính quyền Nixon. Việc Tổng thống Gerald Ford yêu cầu Quốc hội chấp thuận ngân khoản viện trợ 722 triệu cho VNCH ngày 10 tháng Tư 1975 rõ ràng chỉ là một hành động chiếu lệ nhằm tránh cho Hoa Kỳ khỏi bị mang tiếng là phản bội đồng minh. Chỉ một tuần trước ngày Sài-gòn thất thủ, Ford đã phát biểu quan điểm thật sự của ông rằng “cuộc chiến đã chấm dứt” và “đã đến lúc (Hoa Kỳ) phải nhìn về phía trước vào một chương trình cho tương lai để đoàn kết, để hàn gắn những vết thương của quốc gia và để phục hồi sức khỏe và lòng tự tin lạc quan của xứ sở.” 

Đối với dân tộc Việt Nam, một trong những bài học của chiến tranh là không những cần phải biết mình, biết địch mà cần phải biết cả bạn nữa. Qui luật chung trong bang giao quốc tế là lợi ích quốc gia luôn luôn được đặt trên nghĩa vụ đối với đồng minh. Đã hơn 30 năm sau chiến tranh, người Việt Nam hải ngoại nên chấm dứt ôm ấp niềm ai oán bị đồng minh phản bội để chú tâm vào vai trò và ảnh hưởng của mình trong tư cách công dân của những quốc gia sở tại, cũng như khả năng và cơ hội đóng góp quan trọng của mình cho tiến trình hiện đại hóa và dân chủ hóa Việt Nam.  

Ở đây cũng nên nhận xét thêm là phong trào phản chiến trong xã hội Mỹ là một hiện tượng dễ hiểu. Không kể hành vi bị coi như “đâm sau lưng chiến sĩ” của nữ tài tử Jane Fonda hay những phản ứng quá trớn của thành phần “hippie” có tác dụng tiêu cực về văn hóa và xã hội, hầu hết những người chống chiến tranh đều là những người tốt, có lý tưởng, khác với những chính trị gia hoạt động cho quyền lợi của những nhóm tư bản tài phiệt chứ không hẳn vì lợi ích quốc gia hay lý tưởng tự do dân chủ. Càng ngày đa số thầm lặng càng nhận thấy chính phủ của họ đã sử dụng tài nguyên và nhân lực vào một cuộc chiến tranh không cần thiết và họ rất bất mãn đối với việc một cường quốc dùng sức mạnh của bom đạn để tấn công một dân tộc nhỏ yếu ở bên kia bờ biển Thái Bình Dương. Chính đa số thầm lặng này, không phải những nhóm phản chiến ồn ào từ năm 1965, mới thật sự có ảnh hưởng quyết định đến số phận của miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên trách nhiệm là do những chính sách sai lầm của tất cả các chính quyền liên hệ tới hai cuộc chiến ở Đông Dương, từ Truman, Eisenhower, qua Kennedy tới Johnson và nhất là Nixon.

Đa số thầm lặng đã giúp cho Tổng thống Nixon thắng lợi vẻ vang trong cuộc bầu cử năm 1972, nhưng cũng chính đa số ấy, qua những hành động buộc tội của Quốc hội Mỹ, đã làm cho ông phải ra đi trong tủi nhục giữa nhiệm kỳ. Bài học quí giá cho những nhà lãnh đạo chính trị là sự tồn tại của họ tùy thuộc vào lòng tín nhiệm của nhân dân dưới bất kể chế độ chính trị nào. Quan niệm chính trị Á Đông ví dân như nước và lãnh đạo như thuyền. Chở thuyền là nước mà lật thuyền cũng là nước. Mục đích của bài này khi nhắc đến vai trò của đa số thầm lặng ở Hoa Kỳ trong thời chiến chính là để gợi ra những suy nghĩ về vai trò của đa số thầm lặng ở Việt Nam trong thời bình cũng như đa số thầm lặng trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, hiện đang phản ứng linh hoạt trước những biến chuyển của bang giao quốc tế và chính trị quốc nội.  

Việt Nam sau ngày Thống nhất

Với chủ đích thảo luận về tương lai của Việt Nam ngày nay, bài này sẽ chỉ đề cập đến đời sống chính trị ở Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất. Trong suốt hai mươi năm chiến tranh, có thể nói dứt khoát là ở miền Bắc không có một đa số thầm lặng như một thực thể bất mãn với chính quyền (trừ cơn khủng hoảng do Cải cách Ruộng đất gây ra trước đó khiến lãnh đạo Đảng phải nhận lỗi năm 1956.) Với một hệ thống lãnh đạo chặt chẽ và phương pháp tuyên truyền khôn khéo về chính nghĩa chống đế quốc xâm lược và thống nhất lãnh thổ, đảng cộng sản đã lôi cuốn được sự đoàn kết nhất trí và ủng hộ tuyệt đối của toàn thể quân đội và nhân dân miền Bắc.

Có thể nói rằng trong giai đoạn này chính quyền và nhân dân miền Bắc là một. Nhưng từ sau khi chiến thắng và thống nhất đất nước, uy tín của đảng và nhà nước càng ngày càng giảm sút do những chính sách sai lầm trầm trọng về đối nội cũng như đối ngoại.

Cho đến ngày nay thì uy tín đó đã mất hết trước mắt dân chúng ở cả hai miền và chỉ còn là vết tích đau thương của một dân tộc anh hùng đã bị chủ nghĩa chính trị và các cường quốc lôi cuốn vào một cuộc nội chiến và chiến tranh ủy nhiệm với những tổn thất quá to lớn về nhân mạng và tài sản. Những cố gắng duy trì uy tín và quyền lực bằng cách tiếp tục nêu cao thành tích “lãnh đạo tài tình” của Đảng qua cuộc “chiến tranh thần thánh” chỉ là những bám víu tuyệt vọng vào quá khứ, càng làm nổi bật những mâu thuẫn và sai lầm trong chính sách của Đảng đã đưa đến tình trạng suy thoái đạo đức và những tệ nạn xã hội nghiêm trọng chưa từng thấy trong lịch sử.

Ngay sau khi nhận sự đầu hàng của chính phủ đoản mệnh Dương Văn Minh, lãnh đạo miền Bắc đã bắt đầu thực thi chính sách “vắt chanh bỏ vỏ”, chỉ trong vòng sáu tháng đã hoàn tất việc giải tán Chính phủ Cách Mạng Lâm thời và Mặt trận Giải phóng Miền Nam để nắm trọn quyền kiểm soát đất nước dưới chế độ “xã hội chủ nghĩa”. Ngoài việc loại trừ lực lượng đồng minh quan trọng ở miền Nam trong thời gian chiến tranh, những hành động vơ vét tài sản công và tư cùng những biện pháp đối xử tàn nhẫn của nhà cầm quyền miền Bắc đối với mọi thành phần quân và dân miền Nam đã khiến cho toàn thể nhân dân miền Nam sinh lòng bất mãn và công phẫn. Tuy nhiên, trước sức mạnh của phe chiến thắng, nhất là sự kiểm soát nghiêm ngặt của hệ thống công an và các cơ quan nhà nước, phe thất trận không thể làm gì khác hơn là nhẫn nhục chịu đựng hoặc tìm đường bỏ trốn ra nước ngoài.

Trong khi đó, quân đội và nhân dân miền Bắc khi có dịp vào Nam đã phải ngỡ ngàng trước đời sống sung túc và tự do của những đồng bào hay thân nhân mà họ ngỡ là cần được giải phóng và giúp đỡ. Khi đó họ mới nhận thấy rằng những thông tin của nhà nước về tình trạng nhân dân miền Nam bị đế quốc đàn áp và bóc lột “đến tận xương tủy” chỉ là những luận điệu tuyên truyền hoàn toàn trái với sự thật. Một số đã không ngần ngại nói lên những bất mãn của mình qua những bài viết hay tác phẩm về những mất mát quá to lớn của dân tộc trong một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, một số khác đã phê phán chế độ và những người lãnh đạo rất nặng lời.

Ngoài ra, chính sách sai lầm của đảng Cộng sản sau ngày chiến thắng đã làm cho đất nước lâm vào tình trạng nghèo đói và tụt hậu cho đến hơn mười năm sau mới bắt đầu được cải thiện nhờ quyết định “đổi mới” và mở cửa giao thương với cộng đồng quốc tế. Hoạt động kinh tế thị trường và các chương trình viện trợ xóa đói giảm nghèo đã giúp cho cuộc sống vật chất của người dân được dễ chịu hơn. Ý thức và khát vọng về tự do dân chủ và công bằng xã hội có cơ hội được biểu lộ và lan rộng trong các tầng lớp nhân dân mặc dù còn chậm chạp ở các miền quê do sự hạn chế thông tin trong nước.

Những luồng tư tưởng và phương pháp mới về kinh tế, chính trị, giáo dục và văn học nghệ thuật được du nhập qua các nhà kinh doanh và đầu tư, các cơ quan quốc tế có văn phòng ở Việt Nam, các trường đại học và sinh viên du học, các chương trình trao đổi văn hóa, các tổ chức ngoài chính phủ, khách du lịch ngoại quốc và người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương. Đó là những động cơ thúc đẩy nhu cầu dân chủ hóa đến mức độ lãnh đạo đảng cũng thấy cần phải đưa thêm mục tiêu “dân chủ” vào khẩu hiệu vẫn được nêu cao như một sứ mệnh của nhà nước: “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Nếu trong mười năm sau ngày thống nhất nhân dân phải âm thầm chịu đựng thì từ giữa thập kỷ 1980 đến nay, tiếng nói của họ qua những phát ngôn viên không chính thức đã càng ngày càng nhiều hơn và mạnh dạn hơn. Trước nhu cầu phát triển toàn diện và hội nhập với cộng đồng thế giới, một số trí thức đã thẳng thắn đưa ra những đề nghị cải tổ cần thiết về hành chánh, giáo dục và chính trị.

Trong sinh hoạt văn học, một số nhà văn đã dấn bước vào con đường tư duy độc lập và tự do sáng tạo Họ đã can đảm vượt ra khỏi tình trạng nghèo nàn trì trệ của nền văn nghệ chỉ huy, “có sách mà không có tác phẩm,” và họ cũng không còn sợ bị “kỷ luật” như Nguyên Ngọc đã phất ngọn cờ “Đề dẫn” quá sớm vào năm 1979 để bị mất chức Bí thư Đảng đoàn Hội nhà văn. Tiếng nói và tác phẩm của họ phản ánh tâm trạng bất mãn của nhân dân và những vấn đề bức xúc của xã hội, vạch ra những hướng đi mới làm phong phú văn học nghệ thuật Việt Nam khả dĩ có những đóng góp giá trị vào gia tài văn hóa nhân loại.

Tuy nhiên, cánh cửa hé mở cho tự do tư tưởng và sáng tạo do những trao đổi thực tế của đổi mới và hội nhập đã sớm bị ngăn chặn dù không còn đóng kín lại được nữa. Vì quyết tâm “đổi mới chứ không đổi màu” và thường xuyên lo sợ “âm mưu diễn biến hòa bình” của những “thế lực thù địch”, đảng và nhà nước chỉ cho phép xì hơi an toàn trong những giới hạn nhất định.

Hệ thống an ninh của chế độ cộng sản theo dõi và kiểm soát rất chặt chẽ mọi hoạt động của người dân. Khi khát vọng về tự do dân chủ trở thành những yêu cầu chính trị cụ thể và có sự xuất hiện của một số nhân vật bất đồng chính kiến thì bộ máy nhà nước lập tức thi hành các biện pháp đe dọa, bắt bớ và trừng phạt một cách tùy tiện, trái với luật lệ và hiến pháp.

Dù sao chăng nữa, qua những hoạt động giao tiếp với thế giới bên ngoài, đặc biệt qua những phương tiện thông tin tức thời của điện thư và  mạng lưới điện tử càng ngày càng phổ biến giữa trong và ngoài nước, những cuộc vận động cho một xã hội dân chủ trong đó người dân được hưởng mọi quyền tự do căn bản là một tiến trình không thể đảo ngược. Tiến trình này đang diễn ra mỗi ngày một nhiều hơn  và có thể đột biến bất ngờ.

Đa số Thầm lặng ở Việt Nam

Đa số thầm lặng trong một nước độc tài toàn trị khác với đa số thầm lặng trong một nước tự do dân chủ. Thật ra trong một xã hội dân chủ không có đa số thầm lặng vì tất cả mọi người dân đều có quyền tự do và công khai phát biểu những suy nghĩ của họ, hoặc trực tiếp với các nhà lãnh đạo hoặc qua các cơ quan truyền thông độc lập hay các đại diện dân cử tại quốc hội.

Ở Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh Việt Nam, đa số thầm lặng chỉ được Tổng thống Nixon nói đến để phân biệt giữa một đa số dân chúng mà ông tin là tán thành giải pháp rút quân và Việt Nam hóa cuộc chiến với một thiểu số đòi chấm dứt chiến tranh bằng mọi giá qua những cuộc biểu tình phản đối và hành động gây rối loạn. Và Nixon đã được chứng tỏ là đúng khi ông tái đắc cử năm 1972 với đại đa số phiếu. Chỉ đến khi vụ Watergate bùng nổ và quân đội Mỹ đã được rút hết về nước thì không còn có vấn đề phân biệt khuynh hướng đa số hay thiểu số đối với cuộc chiến ở Việt Nam mà chỉ có sự bất tín nhiệm của toàn dân đối với một nhà lãnh đạo cao nhất nước nhưng đã dám coi thường pháp luật. 

Trong một chế độ độc tài đảng trị, mọi quyền hành được tập trung trong tay của một cá nhân hay tập đoàn lãnh đạo, người dân không được phép suy nghĩ hay hành động độc lập, và những người bị tình nghi đều bị công an theo dõi, cảnh cáo, gây khó khăn cho cuộc sống hay trừng trị nặng nề nếu không tuân theo mệnh lệnh của chính quyền.

Mặc dù có một số người có tâm huyết không ngần ngại phát biểu những quan điểm khác biệt phản ánh nguyện vọng chung của nhân dân, đa số vẫn phải âm thầm chịu đựng vì sợ hãi, thường chỉ bày tỏ sự bất mãn hay chống đối qua những câu vè, ca dao thời đại hay những câu chuyện châm biếm truyền miệng. Tuy nhiên, đa số thầm lặng này không hoàn toàn thụ động vì khát vọng tự do dân chủ vẫn được nuôi dưỡng, nảy nở trong tiềm thức của mỗi người và được biểu hiện linh hoạt theo biến chuyển của thời cuộc.

Sau hai mươi năm cực khổ và tang tóc vì sự tàn phá của chiến tranh cộng thêm mười năm bị đói kém sau ngày thống nhất, khát vọng trước mắt của người dân là một cuộc sống trong hòa bình và no đủ. Dù chán ghét chế độ, họ bắt đầu cảm thấy thoải mái khi nhà nước áp dụng những biện pháp cởi mở theo kinh tế thị trường. Đời sống vật chất của nhân dân nói chung rõ ràng được cải thiện so với thời kỳ trước đổi mới. Mọi người đều biết rằng đây là những thay đổi tất yếu trong tiến trình hội nhập với quốc tế và tin tưởng rằng đời sống sẽ được tiếp tục cải thiện về mọi mặt trong tương lai. Họ vui mừng đón nhận sự giúp đỡ của đồng bào từ hải ngọai và tán thành những đề nghị cải tổ của những trí thức có thiện chí ở trong và ngoài nước nhưng không muốn có những xáo trộn về chính trị làm mất tình trạng ổn định xã hội. Họ mong muốn những cuộc vận động cho dân chủ và nhân quyền được tiếp tục qua các chính phủ và tổ chức quốc tế, họ hoan nghênh những cuộc đối thoại thẳng thắn và xây dựng giữa chính quyền và các trí thức quan tâm đến những vấn đề phát triển và bảo vệ đất nước, nhưng họ chưa thể công khai ủng hộ những hoạt động tranh đấu trực diện với chính quyền cho đến khi có những điều kiện thuận lợi cả về mặt khách quan và chủ quan. 

Vấn đề là ở chỗ đã có những điều kiện đó hay chưa"

Quả thật là từ ngày đổi mới đến nay, đời sống của nhân dân nói chung không những chỉ được cải thiện về kinh tế mà sự kiểm soát của nhà nước cũng đã được nới lỏng (chưa phải là “cởi trói” như lãnh đạo đảng từng tuyên bố) đối với một số sinh hoạt khác như cư trú, du lịch, văn nghệ, báo chí, thờ phụng, ngoại trừ tự do tôn giáo và chính trị. Nhưng tất cả những biện pháp cải thiện hay nới lỏng ấy chỉ là những ân huệ ban phát cho người dân do sự cần thiết phải đáp ứng những đòi hỏi tự nhiên trong tiến trình hội nhập với cộng đồng thế giới. Một mô thức lạ lùng đặc biệt của xã hội chủ nghĩa là “cơ chế xin/cho” được áp dụng. Chính sách nới lỏng ấy được kèm theo sự đe dọa và trừng phạt nếu người dân đi quá giới hạn cho phép. Nhưng càng tiếp xúc trao đổi với các nước, nhất là với Hoa Kỳ và Liên Âu, Việt Nam càng bị áp lực phải đổi mới nhiều hơn nữa. Càng chậm thay đổi, càng chịu nhiều thua thiệt. Trường hợp Việt Nam xin gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) là một thí dụ cụ thể. Đành rằng thỏa hiệp WTO không bắt buộc hội viên phải tôn trọng nhân quyền hay thực hiện tự do tôn giáo và chính trị, nhưng những điều kiện về một hệ thống luật lệ minh bạch, thủ tục hợp tác quốc tế, bãi bỏ chế độ bao cấp, tư nhân hóa các khu vực quốc doanh và trao đổi những sản phẩm văn hóa hai chiều đều là những yếu tố thuận lợi cho việc xây dựng một xã hội công dân ở Việt Nam.

Từ nhiều năm qua, nhà cầm quyền trong nước đã rất lúng túng giữa việc duy trì độc quyền lãnh đạo và nhu cầu mở rộng quyền tự do của người dân. Cơ chế độc đảng tập trung quyền hành trong tay nhà nước làm nảy nở tệ nạn bè phái và lạm quyền trong các cơ quan chính phủ. Các công trình xây dựng cơ xưởng, đường xá, cầu cống, hàng hóa xuất nhập cảng, hoạt động đầu tư và viện trợ từ nước ngoài, hết thảy đều đem lại những cơ hội làm giàu mau chóng cho các quan chức và cán bộ các cấp, gây ra tình trạng bất công xã hội và tham nhũng trầm trọng đến độ chính các nhà lãnh đạo cũng phải nhìn nhận là “quốc nạn.”

Đã có những trường hợp dân chúng không nén nổi lòng phẫn nộ trước hành động chiếm đoạt và bóc lột trắng trợn của chính quyền địa phương nên đã xuống đường phản đối, đòi công lý, thậm chí hành hung và bắt giữ những viên chức có trách nhiệm. Hàng chục ngàn công nhân lao động cũng đã tổ chức đình công hàng loạt đòi tăng lương và cải thiện các chế độ lao động, phản đối những biện pháp trừng phạt quá đáng và hành hạ vô nhân đạo, không chỉ ở những công ty có vốn đầu tư nước ngoài mà còn lan ra tới những công ty vốn nội địa. Đây là một hiện tượng chưa từng thấy ở Việt Nam, nhất là đình công bất hợp pháp theo luật lệ hiện hành.

Để xoa dịu sự bất mãn của dân chúng, nhà nước đã cho phép báo chí điều tra và tố giác các vụ lộng quyền và nhũng lạm, nhưng vẫn tìm cách bao che cho những nhân vật quan trọng có liên quan tới những vụ làm ăn quá lớn. Để chứng tỏ có sinh họat dân chủ, trước mỗi kỳ Đại hội Đảng, dân chúng được khuyến khích đóng góp ý kiến về các chính sách và chương trình của đảng và nhà nước. Trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ thấy có sự tham gia đông đảo và sôi nổi của dân chúng đủ mọi thành phần, đặc biệt gồm cả những đảng viên tiến bộ và trí thức trẻ tuổi, như trước kỳ Đại hội X vào tháng Tư vừa qua.

Mọi người hi vọng rằng trước triển vọng gia nhập WTO và một giai đoạn hội nhập mới với cộng đồng thế giới, lãnh đạo đảng sẽ không bỏ lỡ “thời cơ vàng” và có những quyết định bứt phá vì lợi ích của đất nước, có thể lấy lại được sự tin tưởng và ủng hộ của nhân dân. Người ta đã bắt đầu nói đến “Đổi mới giai đọan II”. Nhưng cũng như những lần trước, kết quả cho thấy cuộc tham khảo ý kiến lần này vẫn chỉ là hình thức chiếu lệ vì những ý kiến và đề nghị của nhân dân đã không được Đại hội đem ra thảo luận, trái với chủ trương “đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới” của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Chủ trương này được nêu lên rất rõ trong bản dự thảo Báo cáo Chính trị, là “đổi mới phải vì lợi ích của toàn dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân . . .

Những ý kiến, nguyện vọng và sáng kiến của nhân dân có vai trò quan trọng trong việc hình thành đường lối đổi mới của Đảng.” Ngoài ra, Đảng còn quyết định “không ngừng đổi mới chính trị . . . Nhà nước phải thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người.” 

Đảng và Nhà nước có lý do không nghe theo tất cả những lời khuyến cáo của các chuyên gia kinh tế ngoại quốc hay những yêu cầu thực thi nhân quyền và dân chủ hóa của các chính phủ, các tổ chức quốc tế và những người bất đồng chính kiến ở trong hay ngoài nước, vì có thể có những khuyến cáo hay yêu cầu không, hoặc chưa, thích hợp với thực tế ở Việt Nam. Nhưng khi đưa ra những khuyến cáo hay yêu cầu ấy, những người vận động hay tranh đấu không thật sự chờ đợi đề nghị của họ được chấp thuận toàn bộ và thi hành tức thời. Điều họ muốn là những ý kiến đó được xem xét, trao đổi để có thể đạt được đồng thuận về những bước đi thích hợp và cụ thể nhằm đạt tới mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo thường tuyên bố sẵn sàng lắng nghe những quan điểm khác biệt về những vấn đề quan tâm chung. Đây là một thái độ chính đáng và cần thiết vì sự trao đổi, thảo luận giữa những người thật sự có thiện chí chỉ có thể đem lại kết quả có lợi ích cho đất nước. Đây cũng là cơ hội hòa giải giữa chính quyền và những người bất đồng chính kiến ở trong nước, thực thi chủ trương đoàn kết dân tộc. Rất tiếc là cho đến nay, lời nói của các nhà lãnh đạo vẫn chưa được chứng tỏ bằng hành động.

Bản dự thảo Báo cáo Chính trị được chấp thuận tại Đại Hội X của Đảng đã hai lần lập lại gần như nguyên văn lời nhìn nhận một loạt căn bệnh trầm trọng trong xã hội hiện nay: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân, thiếu trung thực và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức diễn ra nghiêm trọng.” 

Nếu trong mấy chục năm xây dựng, phát huy và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ đem lại kết quả như vậy về mặt xã hội thì không thể phủ nhận rằng đó là một thất bại lớn. Nhưng nền tảng tư tưởng lỗi thời ấy lại được Đảng đem ra sử dụng để xác định phương châm đổi mới, như đã ghi trong bản Báo cáo Chính trị: “Đổi mới không phải là xa rời mà nhận thức đúng, vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, lấy đó làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho hoạt động cách mạng.” 

Như thế là Đảng đã tự mâu thuẫn với chính mình khi quả quyết sẽ “không ngừng đổi mới chính trị” và khi đã đưa ra, cũng trong bản Báo cáo Chính trị này, những phân tích và nhận định xác đáng về xu thế toàn cầu hóa, những vấn đề lớn trên thế giới và trong khu vực, và những bước phát triển cần thiết của Việt Nam trên nẻo đường công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.

Vì tệ nạn tham nhũng và những căn bệnh xã hội được nhắc đến trên đây đã trở nên vô cùng trầm trọng, và vì những đóng góp nhiệt tình của nhân dân với Đại hội Đảng lần này vẫn không được cứu xét và chấp thuận, gần đây trong đa số thầm lặng đã có thêm nhiều khuôn mặt mới thuộc thế hệ trẻ lên tiếng về nhu cầu đổi mới toàn diện.

Công cuộc vận động dân chủ hóa đang được âm thầm nối kết và lan rộng trong các tầng lớp nhân dân. Hơn bao giờ hết, chính quyền cần lắng nghe và trao đổi với những người có ý kiến khác biệt, thực thi những điều hứa hẹn như “thể chế hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả quyền công dân, quyền con người”, và “bảo đảm tự do dân chủ cho mọi hoạt động sáng tạo văn học, nghệ thuật.”  Đa số thầm lặng vẫn theo dõi sát thời cuộc và, dù không muốn mất ổn định chính trị, sẽ trở thành lực lượng xoay chuyển tình hình khi cần thiết. Nhưng nếu nguyện vọng của nhân dân được chính quyền đáp ứng thỏa đáng thì đa số thầm lặng bất mãn sẽ không còn có lý do tồn tại.

Có người ở trong nước đã đưa ra một nhận định bi quan về triển vọng của công cuộc vận động cho tự do dân chủ, là “Trong cả nước bây giờ ai cũng chỉ lo kiếm tiền, làm giàu, không ai quan tâm đến chuyện cải thiện đời sống chính trị.” Nhận xét ấy đúng ở chỗ nó mô tả một hiện tượng xã hội trong đó người dân sau bao nhiêu năm bị nghèo đói, nay nhờ “đổi mới kinh tế”, có cơ hội kiếm ăn và có thể làm giàu. Nhưng vì các hoạt động sản xuất và kinh doanh đều do các cơ quan nhà nước nắm quyền kiểm soát và vì không có một hệ thống luật lệ minh bạch, mọi cơ hội kiếm ăn của người dân ít nhiều gì cũng phải đi qua những cửa ngõ tham nhũng của bộ máy độc quyền, bè phái.

Hầu hết các cơ hội làm giàu đều ở trong tay các xí nghiệp quốc doanh do những đảng viên có thế lực cầm đầu. Tóm lại, hiện tượng bè phái đua nhau sách nhiễu, đua nhau làm tiền, gian lận và ăn chơi sa đọa đưa đến tình trạng suy thoái nghiêm trọng về đạo đức và bất công xã hội. Đa số thường dân, công nhân và nông dân không có cơ hội làm ăn hay điều kiện chạy chọt đều là nạn nhân của nhà nước độc quyền và những người làm ăn bất chính. Đó là trái bom nổ chậm không biết phát nổ lúc nào, cần phải được tháo gỡ kịp thời. Bài trừ tham nhũng và bất công phải được thi hành bởi những cơ quan độc lập; cơ quan Đảng không thể nào đứng ra làm công việc điều tra và xét xử chính đảng viên của mình, một việc làm vừa vô lý vừa vô ích thường được châm biếm là “vừa đá bóng vừa thổi còi.”

Thủ tướng Phan Văn Khải, cũng trong bài diễn văn từ chức đọc trước Quốc hội được trích dẫn trên đầu bài này, đã nhấn mạnh đến “dân chủ” như phương thuốc cần thiết (chắc hẳn ông cũng muốn nói là duy nhất) để chữa chứng bệnh hiểm nghèo đang “đe dọa sự tồn vong” của chế độ: “Dân trí và dân chủ cần trở thành trọng tâm của công cuộc đổi mới trong thời gian tới”. Nói lên điều này, Thủ tướng Khải đã đồng tình với đề xuất của Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Jomo Kwama Sundaram, trong cuộc Hội thảo cấp cao tổng kết 20 năm đổi mới ở Hà Nội một ngày trước đó: “Giai đoạn tiếp theo của đổi mới sẽ bao gồm việc phát triển công dân. Xã hội dựa trên những quyền phổ quát gồm quyền công dân, chính trị và xã hội, kết hợp với trách nhiệm chung của mọi công dân trong việc đóng góp cho cộng đồng.” 

Cựu Đại sứ Pete Peterson, một cựu tù binh trở thành người cổ võ hàng đầu cho hòa giải và hợp tác Mỹ-Việt, cũng trong cuộc hội thảo bàn tròn cấp cao này, đã thúc dục các nhà lãnh đạo đảng hãy can đảm đổi mới về mọi mặt: “Điều mà Việt Nam cần phải có chính là sự dũng cảm chính trị để tiến hành những cải cách.”                                                         

Cải cách quan trọng nhất đòi hỏi dũng cảm chính trị để bắt đầu thực hiện ngay là dân chủ hóa hệ thống chính quyền trên cơ sở tam quyền phân lập với những qui định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm của từng bộ phận, đặc biệt là một hệ thống kiểm soát và thi hành luật pháp nghiêm minh. Đúng như Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Trần Quốc Thuận đã đề nghị là bộ máy nhà nước cần phải có một cuộc “đại phẫu” vì cơ chế hiện nay không phải chỉ tạo ra tham nhũng mà còn tạo ra mối nguy lớn hơn nữa là mất đạo đức trong xã hội: “Cái lớn nhất bị mất, đó là đạo đức. Chúng ta sống trong một xã hội mà chúng ta phải tự nói dối với nhau để mà sống.”

Riêng về cơ quan lập pháp, ông Thuận cũng thẳng thắn nhận xét: “Quốc hội phải thực sự đại diện cho nhân dân, vì quyền lợi nhân dân. . . Thực tế là đại biểu Quốc hội đều biết rằng số phận của họ không gắn với sự tín nhiệm của cử tri, nó gắn với tín nhiệm của một nơi khác. Vậy thì làm sao họ làm theo ý kiến của cử tri được"” Và ông chủ trương phải cải cách “triệt để” bằng cách “mở rộng quyền tự do ứng cử, bầu cử, tranh cử” 

Dân chủ hóa hệ thống chính quyền để giải quyết tham nhũng và phục hồi đạo đức càng trở nên cấp bách vì nguyên do của tham nhũng không phải chỉ đơn giản là lòng tham của những giới có chức có quyền mà chính là những cơ hội đã sinh ra và nuôi dưỡng lòng tham của những giới chức ấy. Đáng kể nhất là những chương trình xây dựng và phát triển trên toàn quốc với những ngân khoản khổng lồ do ngoại quốc cho vay hay tài trợ, các hoạt động thương mại và đầu tư kinh doanh của các doanh nhân trong và ngoài nước. Cần chú ý là hầu hết các doanh nhân ngoại quốc đến Việt Nam chỉ vì mục đích khai thác thị trường chứ không quan tâm đến những vấn đề dân chủ, nhân quyền hay cải thiện đời sống của dân chúng địa phương. Nguy hiểm nhất là những doanh nhân đến từ những nước có truyền thống nuôi dưỡng tham nhũng như Trung Quốc, Đài Loan, Hàn quốc. Đối với họ, quan chức Việt Nam càng tham nhũng, xã hội Việt Nam càng sa đọa, họ càng dễ dàng trục lợi. Vụ xuất khẩu phụ nữ và trẻ em sang những nước này làm nô lệ lao động hay tình dục là một trong những hậu quả của tham nhũng. Hiện tượng này chỉ thấy có dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và đã đạt tới mức báo động trong dư luận của đa số thầm lặng.

Đa số Thầm lặng ở Hải ngoại

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng ba triệu người định cư ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là ở những quốc gia tiền tiến. Trong thời gian hơn ba mươi năm qua, cộng đồng này đã có nhiều cách ứng xử khác nhau đối với chính quyền Xã Hội Chủ Nghĩa ở trong nước, thay đổi trên nhiều mức độ giữa cực đoan và ôn hòa, điển hình là cộng đồng gần một triệu rưỡi người Việt Nam ở Hoa Kỳ. 

Những người phải bỏ nước ra đi vào tháng Tư 1975 và những người sau đó phải vượt biên trong gian khổ hoặc có thân nhân vượt biên bị hải tặc cướp bóc, hãm hiếp, đều oán ghét chế độ và những người lãnh đạo trong nước. Sau đó là những cựu quân nhân, công chức VNCH còn sống sót và được định cư ở Mỹ sau nhiều năm bị giam cầm hành hạ trong các trại tù cải tạo. Họ có thừa lý do để thù hận và chống đối cộng sản đến cùng.

Đối với đợt tị nạn đầu tiên, khi cuộc sống mới đã ổn định và biết được tình trạng khốn khổ của thân nhân và bè bạn còn kẹt lại, nhiều người cầu mong chế độ cộng sản bị sụp đổ để có cơ hội về thăm quê hương và giúp đỡ bà con. Do đó, khi Mặt trận Quốc gia Thống nhất Giải phóng Việt Nam (trong bài này gọi tắt là Mặt trận) do Phó Đề đốc Hoàng Cơ Minh làm Chủ tịch được thành lập năm 1980 ở Hoa Kỳ thì lập tức Mặt trận được sự ủng hộ nhiệt tình của cộng đồng tị nạn.

Nhưng đến năm 1986, khi Đảng Cộng sản tuyên bố đổi mới, mở cửa giao thương với quốc tế, kêu gọi người Việt ở nước ngoài xóa bỏ hận thù và góp phần xây dựng lại quê hương (cũng là thời gian Mặt trận đã có chuyện bất hòa nội bộ), thì cường độ chống cộng trong cộng đồng tị nạn bắt đầu giảm bớt. Trong khi đó, sinh hoạt chính trị trong cộng đồng lại được chia thành nhiều nhóm, không có thực chất và thực lực nhưng lại có quá nhiều lãnh tụ, một hiện tượng thường được người Mỹ nói một cách thậm xưng là “more chiefs than indians” (nhiều lãnh tụ hơn dân). Những người này không những không hợp tác với nhau mà còn tìm cách bôi nhọ, chống phá lẫn nhau. Một nhà báo ở Quận Cam đã có một nhận xét dí dỏm nhưng rất đúng là trong khi các lãnh tụ cộng sản ở trong nước liệng bỏ nón cối đi thì nhiều lãnh tụ cộng đồng ở hải ngoại lại chạy theo nhặt lấy để chụp lên đầu nhau và những người khác ý kiến.

Tiếp theo những bước cải thiện quan hệ hợp tác giữa Hoa Kỳ, Liên Âu, Canada, Úc và Việt Nam, số người Việt Nam ở nước ngoài về thăm thân nhân, kinh doanh, du lịch, làm việc chuyên môn hay từ thiện mỗi ngày một nhiều hơn, trong số đó không ít người đã từng thuộc thành phần chống cộng cực đoan. Điều đó không có nghĩa là tất cả những người gốc tị nạn về Việt Nam đều trở thành thân cộng mà chính vì họ đã nhận biết được những biến đổi thực tế trong các quan hệ giữa thế giới và Việt Nam, thất vọng trước tình trạng chia rẽ trong cộng đồng, và không còn tin tưởng gì vào khả năng giải phóng hay phục quốc của những tổ chức chính trị ở hải ngoại.

Hầu hết những người này, dù không thể quên những sai lầm to lớn của lãnh đạo cộng sản đối với đất nước và những cách đối xử tàn tệ của chế độ mà họ đã phải chịu đựng trong quá khứ, đã mặc nhiên chấp nhận sự hiện hữu của chính quyền cộng sản ở Việt Nam với niềm tin tưởng rằng chế độ này sẽ biến thể trong tiến trình toàn cầu hóa. Ngoài ra, họ còn nhận thức rất đúng rằng qua những chuyến về Việt Nam, dù hoàn toàn phi chính trị, họ có thể đóng góp không nhỏ vào những bước xây dựng một xã hội công dân trong lòng chế độ.

Những người còn quan tâm tới nhu cầu cải tổ chính trị cũng từ bỏ những toan tính lật đổ chế độ và chuyển sang các phương sách vận động, tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền. Tất nhiên vẫn có một số ít người quyết tâm chống cộng đến cùng, không chấp nhận những cuộc tiếp xúc đối thoại với cộng sản và những chuyến về nước của người hải ngoại dù để làm công việc từ thiện.

Một thành phần ở hải ngoại cần được nhắc đến là một số trí thức, đa số là sinh viên du học vào những năm trước 1975, bị coi là thân cộng vì hoạt động chống chiến tranh và chính quyền quốc gia nhưng thật sự là những người có lý tưởng và nặng lòng với quê cha đất tổ. Ở xa nhìn về tổ quốc, họ dễ thấy những nhược điểm và sai lầm của lãnh đạo miền Nam hơn là của miền Bắc, không kể còn thường xuyên được liên lạc và cung cấp thông tin bởi hệ thống kiều vận rất có hiệu lực của cộng sản. Do đó, họ dễ có thiện cảm với những người lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống “thực dân Pháp” và “đế quốc Mỹ”, nhất là khi so sánh những người có thành tích cách mạng với những người giàu có thân Pháp hay những tướng lãnh chịu sự chi phối của Hoa Kỳ. Sau ngày thống nhất, rất nhiều người trong số trí thức này đã trở về quê hương với những dự án, chương trình giúp đỡ nhân đạo, tái thiết và phát triển. Vì được đào tạo và sinh sống lâu năm trong môi trường tự do dân chủ, họ đã bị thất vọng khi đụng phải những thực tế trái ngược về chính sách và lề lối làm việc độc đoán của chính quyền xã hội chủ nghĩa. Nhiều người vì thẳng thắn đề nghị sửa đổi đã bị nhà nước bác bỏ và nghi ngờ, thậm chí không cấp cho thị thực (visa) về nước cho đến những năm gần đây.

Từ những người sốt sắng ủng hộ chính quyền họ trở thành những người bất đồng chính kiến dù ôn hòa, nối kết với những trí thức tiến bộ ở trong nước trong việc lên tiếng và tham gia vào những hoạt động đổi mới trong phạm vi có thể thực hiện được.

Để cho được đầy đủ, không thể không nói đến một số công dân Việt Nam dưới chế độ XHCN xuất ngoại theo những diện khác nhau cũng bất mãn đối với những chính sách độc tài của nhà nước, tình trạng tham nhũng và bất công xã hội, hành động đàn áp, bắt bớ những người vận động cho nhân quyền và tự do dân chủ. Một số người đã quyết định ở lại những quốc gia định cư, lên tiếng chỉ trích chế độ và tranh đấu cho sự nghiệp dân chủ hóa.

Hầu hết sinh viên du học trong những năm gần đây cũng thường xuyên theo dõi tình hình ở trong nước và chia sẻ với nhau, qua những mạng lưới thông tin điện tử nội bộ, những suy nghĩ của họ về những vấn đề quan tâm chung, phản ứng của họ đối với những hành động vô lương tâm vô đạo đức của một số quan chức, và những quyết định bất cập hay sai lầm của nhà nước.

Một số người ôn hòa đã viết bài đăng trên báo chí trong nước, đóng góp những ý kiến và đề nghị thẳng thắn và rất có giá trị về những vấn đề cải tổ giáo dục, cải thiện chế độ lao động, mở mang kinh tế thị trường. Lại có người hăng say hơn, viết thư công khai cho lãnh đạo đảng và nhà nước, nêu lên những vấn đề bức bách cần giải quyết về giáo dục, xã hội và chính trị.  

Như vậy, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài khá phức tạp về thái độ đối với nhà cầm quyền ở trong nước, thay đổi tùy theo các biến chuyển trong quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và các quốc gia dân chủ trên thế giới, đồng thời cũng tùy theo cách đối xử của nhà cầm quyền trong nước đối với người Việt hải ngoại. Tuy nhiên, mọi thái độ có bề ngoài phức tạp đó rốt cuộc có thể qui vào ba thành phần chính: (1) thành phần cực đoan phủ nhận chính quyền cộng sản và chống lại mọi sự giao tiếp với cộng sản, (2) thành phần ôn hòa không-thầm-lặng, không phủ nhận sự hiện hữu thực tế của chính quyền cộng sản nhưng công khai vận động đòi hỏi những cải thiện về nhân quyền và thực hiện tiến trình dân chủ hóa, và (3) thành phần ôn hòa thầm lặng cũng chấp nhận sự hiện hữu thực tế của chính quyền cộng sản và cũng đối lập về quan điểm chính trị, nhưng không phát biểu quan điểm mà chỉ chú trọng đến việc ủng hộ hay tham gia vào những chương trình cải thiện đời sống của đồng bào trong nước.

Thực tế là thái độ cực đoan đang giảm dần xuống mức tối thiểu, trong khi thái độ ôn hòa càng ngày càng lan rộng và đã trở thành sự lựa chọn của đại đa số trong cộng đồng. Nhiều người đã thấy rõ là chính quyền cộng sản không thể bị sụp đổ bằng những lời nguyền rủa hay ước muốn họ sẽ bị lật đổ, trong khi cả thế giới đang hợp tác với họ bằng realpolitik.

Đáng chú ý là không có sự phân biệt dứt khoát giữa hai thành phần ôn hòa thầm lặng và không-thầm-lặng, vì cả hai đều ôn hòa và lặng lẽ tán thành việc làm của mỗi bên. Do đặc tính chung ấy, thành phần thầm lặng phải được kế là đa số trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cũng như đa số thầm lặng ở trong nước, đa số thầm lặng ở nước ngoài vẫn nuôi dưỡng ước vọng về một xã hội tự do dân chủ ở Việt Nam và, dù không muốn có xáo trộn, sẽ nhiệt tình ủng hộ cho sự xoay chuyển tình hình trong nước khi cần thiết. Nếu chính quyền hiện nay đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và chủ động thực hiện tiến trình dân chủ hóa, chủ động “diễn biến hòa bình” thay vì bị ám ảnh bởi “những thế lực thù địch” thì cộng đồng người Việt hải ngoại, thầm lặng hay không-thầm-lặng, đều sẽ hợp thành một nguồn lực dồi dào đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển và bảo vệ chủ quyền của xứ sở.     

Hòa giải và Đại đoàn kết Dân tộc

Như đã nhắc đến ở phần đầu bài này, một bài học lớn của lịch sử là sự tồn tại của một chính quyền tùy thuộc vào lòng tín nhiệm của đa số nhân dân, bất kể dưới một thể chế chính trị nào. Trong một nước dân chủ, một Tổng thống hay Thủ tướng dù tài giỏi đến đâu, chỉ cần phạm một lỗi lầm nghiêm trọng cũng đủ phải từ chức hay bị Quốc hội bãi nhiệm. Ở một nước độc tài, một cá nhân hay một đảng lãnh đạo, dù được nhân dân tín nhiệm lúc ban đầu, nếu cai trị độc đoán và tiếp tục đi ngược lại lợi ích của đất nước và nguyện vọng của nhân dân thì sớm muộn gì cũng sẽ bị lật đổ. Trong mấy chục năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hai lần phạm phải những sai lầm nghiêm trọng nhưng vẫn tồn tại được là nhờ tạo được uy tín do sự lãnh đạo thành công hai cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất lãnh thổ, và nhất là vì biết sửa chữa sai lầm kịp thời. Cuộc Cải cách Ruộng đất 1953-1956 đã làm rung chuyển chế độ vì những vụ giết chóc khủng khiếp và oan uổng hàng chục ngàn nạn nhân, kể cả những người có công lớn với cách mạng, nhưng nhờ biết nhận lỗi và sửa sai, và cũng nhờ hào quang còn mới mẻ của trận đại thắng Điện Biên Phủ, nên chính quyền đã có thể trụ lại được.

Trong mười năm sau khi thống nhất (1975-1985), Đảng lại thi hành những chính sách sai lầm tai hại, vừa đẩy toàn dân vào tình trạng nghèo đói và tụt hậu vừa gây thù oán chồng chất cho hàng ngàn gia đình bị đày ải tới những vùng kinh tế mới, hàng trăm ngàn người bị hành hạ trong các trại tù cải tạo, và hàng trăm ngàn dân vô tội khác phải làm mồi cho cá hoặc là nạn nhân của hải tặc trên Vịnh Thái Lan. Nhưng lần này Đảng và Nhà nước cũng vẫn trụ lại được nhờ kịp thời nhận biết rằng cần phải “đổi mới hay là chết”.

Tình trạng Việt Nam hiện nay khá phức tạp vì Đảng và Nhà nước đang lâm vào một cơn khủng hoảng mới về tín nhiệm đối với nhân dân và chưa tìm được lối ra an toàn. Khác với hai phen lâm nguy trong quá khứ, cơn khủng hoảng mới này oái oăm thay lại xuất phát từ những thành quả tích cực của “đổi mới kinh tế” trong gần hai chục năm gần đây. Thật vậy, việc mở cửa giao thương với thế giới đã đem lại cho Việt Nam biết bao cơ hội gia tăng lợi tức mau chóng để sớm đạt được mục tiêu dân giàu nước mạnh.

Tuy nhiên, do cơ chế tập trung quyền lực vào một đảng lãnh đạo, hầu hết những cơ hội này lại được dành cho các cơ quan nhà nước thay vì mở ra cho các khu vực tư nhân. Nạn lạm quyền và tham nhũng từ trung ương tới địa phương đã hoành hành tới mức độ báo động.

Hiện tượng suy thoái đạo đức và những tệ nạn xã hội khác cũng diễn ra đầy rẫy và nghiêm trọng chưa từng thấy ở Việt Nam. Dân chúng không còn tín nhiệm lãnh đạo, không còn sợ hãi các cơ quan an ninh và đã công khai bày tỏ lòng bất mãn qua những vụ khiếu kiện, biểu tình, đình công đòi công lý. Do đó, những cuộc vận động và tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ, gồm cả tiếng nói của những đảng viên sáng suốt và tiến bộ, cũng gia tăng nhiều hơn và mạnh mẽ hơn. Báo chí không còn giới hạn hoạt động điều tra và tố cáo vào những vụ ức hiếp, bóc lột dân chúng và gian lận tài sản công của những viên chức chính quyền địa phương mà đã vươn tới những bộ mặt quan trọng ở trung ương trong những vụ tham nhũng có tầm vóc liên quan tới những khoản tiền ngoại viện. Đa số thầm lặng đã bắt đầu lên tiếng và hành động.

Cơn khủng hoảng này mà lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã gọi là “quốc nạn” không thể được tiếp tục giải quyết bằng khẩu hiệu và những biện pháp trừng phạt cá nhân trong từng vụ việc chỉ sau khi đã vỡ lở và không thể bao che được nữa. Để tránh tình trạng rối loạn chính trị làm mất ổn định xã hội, cần có những nỗ lực hòa giải và hợp tác giữa chính quyền, nhân dân trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Điểm cốt yếu là những nỗ lực này phải được khởi động từ phía chính quyền. Ý kiến này có thể bị coi là quá lý tưởng, không thực tế, nhưng không thể không đặt ra để tìm những phương cách thực hiện thích hợp, nhất là khi mỗi bên đều đã nhận thấy đó là nhu cầu và mục tiêu cần phải đạt được.

Bản Báo cáo Chính trị đã nhận định rất đúng rằng “Nước ta đang đứng trước nhiều thách thức lớn, đan xen nhau, tác động tổng hợp và diễn biến phức tạp, không thể coi thường bất cứ thách thức nào. . . . Đòi hỏi bức bách của toàn dân tộc ta lúc này là phải tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hơn, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.”  Khi nói đến mục tiêu “Đại Đoàn kết Dân tộc”, Bản Báo cáo đã xác định phương châm thực hiện là “Tôn trọng những ý kiến khác nhau, không trái với lợi ích của dân tộc. Đề cao truyền thống nhân nghĩa, khoan dung, xây dựng tinh thần cởi mở, tin cậy lẫn nhau vì sự ổn định chính trị và đồng thuận xã hội”.  Như vậy, hơn bao giờ hết, vấn đề cơ bản mà chính quyền mới cần phải làm ngay là chuyển những lời nói này thành hành động.

Thực hiện phương châm nói trên cũng tức là thực hiện công việc hòa giải với những người bất đồng chính kiến nhưng thật lòng vì lợi ích của dân tộc. Hầu hết những nhà tranh đấu này đều là cựu đảng viên lâu năm, có công lớn với đảng trong hai cuộc chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nếu những người này, vì bất mãn với lãnh đạo Đảng hay vì nhiệt tình với đất nước mà có những đòi hỏi có vẻ quyết liệt và tức thời về dân chủ hóa thì cần phải hiểu là những đòi hỏi đó được đưa ra làm căn bản thảo luận nhằm tiến đến đồng thuận. Những trí thức ngoài đảng, đặc biệt là giới trẻ, hiểu biết những vấn đề của thời đại và có những đề nghị xác đáng về những bước đổi mới và hội nhập thành công với cộng đồng thế giới, cũng cần được lãnh đạo Đảng lắng nghe thay vì làm ngơ hay bác bỏ. Đáng chú ý là không phải tất cả những người tranh đấu cho dân chủ đều nhất trí với nhau về quan điểm và phương cách thực hiện, nhưng đó chính là lề lối sinh hoạt dân chủ đa nguyên. Chấp thuận thảo luận với những ý kiến khác biệt và tôn trọng quyết định của đa số là đặc đỉểm của tinh thần dân chủ và sáng tạo.

Phương châm thực hiện đại đoàn kết dân tộc trên đây cũng thích hợp với công việc hòa giải giữa chính quyền trong nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Thái độ phức tạp của các thành phần khác nhau và chiều hướng thay đổi thái độ của đa số từ cực đoan sang ôn hòa như đã được phân tích trong một tiết mục ở trên là một chỉ dấu đáng lạc quan về triển vọng gia tăng đóng góp của cộng đồng hải ngoại cho công cuộc phát triển bền vững ở Việt Nam về mọi mặt. Tuy nhiên, những nỗ lực hòa giải và bình thường hóa quan hệ giữa trong và ngoài nước từ nhiều năm qua vẫn còn vấp phải nhiều trở ngại lớn về tâm lý và chính trị mà cho đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Trong một bài viết từ đầu năm 2004, tôi đã phân tích khá chi tiết về hai trở ngại này,  nên xin được miễn nhắc lại ở đây ngoài việc nhấn mạnh vào nhu cầu đổi mới chính trị và nhu cầu “hóa (dấu sắc) giải” hận thù để có thể thực hiện “hòa giải” và “đại đoàn kết” dân tộc. Nhu cầu đổi mới chính trị cấp bách hơn để giải quyết nạn tham nhũng và bất công xã hội, nhưng nhu cầu hóa giải hận thù vẫn có thể thực hiện song hành một cách từ tốn hơn.

Thật ra, vấn đề hòa giải chỉ cần đặt ra giữa chính quyền với đa số thầm lặng ở trong nước và giữa chính quyền với cộng đồng người Việt ở nước ngoài. Mọi người chờ đợi các nhà lãnh đạo mới ở Việt Nam có “dũng cảm chính trị”, thẳng thắn nhìn nhận những sai lầm trong quá khứ và thật tình hòa giải với những nạn nhân của chế độ ở trong và ngoài nước qua thái độ tôn trọng và đối xử bình đẳng hai chiều. Giữa những người dân với nhau, dù ở trong hay ngoài nước, không có nhu cầu hòa giải, nhất là khi họ cùng có những quan tâm và những nguyện vọng chung.

Vì lý do đó, trí thức và nhà văn trong nước đã có nhiều quan hệ thân hữu, trao đổi và hợp tác với đồng nghiệp ở ngoài nước; những người tranh đấu cho tự do dân chủ ở trong nước cũng đã bắt đầu nối kết với những tổ chức ở hải ngoại để cho công cuộc vận động dư luận, nhất là sự ủng hộ của quốc tế, được đẩy mạnh sâu rộng hơn và hiệu quả hơn. Chính quyền hiện nay có khả năng hòa giải dân tộc, có cơ hội hóa giải áp lực của quốc tế, có điều kiện tạo dựng niềm tin của người dân và phục hồi đạo đức xã hội. Vấn đề chỉ còn là có ý muốn và quyết tâm thực hiện hay không.

Có thể không bao lâu nữa, những người tranh đấu cực đoan ở hải ngoại, dù vẫn có thể không thay đổi thái độ đối với chế độ và giới lãnh đạo ở trong nước, sẽ không còn chỉ trích những quan điểm khác biệt, không còn chống đối những nỗ lực dân chủ hóa bất bạo động ở Việt Nam, kể cả những cuộc tiếp xúc trao đổi hay đối thoại với các đại diện của nhà nước XHCN.

Cũng đã đến lúc đa số ôn hòa thầm lặng và không-thầm-lặng ở hải ngoại cần phải có “dũng cảm chính trị” để lên tiếng khẳng định quan điểm của mình, đứng ra tổ chức hay tham gia các diễn đàn nhằm đạt được đồng thuận về những vấn đề quan tâm chung, không còn sợ bị chụp mũ “thân cộng” bởi phía bên này hay bị nghi ngờ là “thế lực thù địch” bởi phía bên kia. 

Bài này dù được viết về đa số thầm lặng ở trong nước và trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, lại nhấn mạnh vào vai trò và trách nhiệm của những người lãnh đạo ở trong nước vì họ đang nắm quyền quyết định vận mạng tương lai của dân tộc, và của chính họ. Cần nhắc lại một điểm vô cùng quan trọng trong phương hướng mới của Đảng và Nhà nước, được xác định trong Đại hội X vừa qua, là “không thể coi thường bất cứ thách thức nào” trong sứ mạng “tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ hóa, phát triển với tốc độ nhanh hơn và bền vững hơn.” Thách thức lớn nhất “không thể coi thường” hiện nay là vấn đề dân chủ hóa. Thách thức ấy không thể vượt qua bằng cách chống lại những cuộc vận động cho nhân quyền, tự do, dân chủ mà chỉ có thể vượt qua bằng những nỗ lực đạt được đồng thuận, tức là một “win-win situation” trong đó đôi bên cùng thoả mãn, thực hiện được mục tiêu đại hòa giải, đại đoàn kết dân tộc.  

Chính quyền mới đang được hưởng một thời gian chờ đợi vừa phải, một decent interval, để chứng tỏ khả năng và tinh thần phục vụ đất nước. Câu hỏi then chốt được đặt ra là, trong thời gian vừa phải này, những nhà lãnh đạo mới ở Việt Nam sẽ có dũng cảm chính trị để biến thách thức thành cơ hội, hay vẫn chỉ tiếp tục đổi mới bằng khẩu hiệu và những lời hứa hẹn để kéo dài độc quyền thống trị, một tình trạng đã được dân chúng gọi một cách hài hước là “Nguyễn Y Vân”"     

Hi vọng rằng chính quyền mới sẽ không bỏ lỡ cơ hội làm lịch sử thay vì phải chịu sự đào thải của lịch sử.

Tháng Bảy 2006

Chú thích:

[1] Napoleon I, Maxims (1804-1815).

[2] “Tôi hết sức day dứt về sự tiếp diễn nghiêm trọng tệ lãng phí, quan liêu và nhất là tệ tham nhũng trong bộ máy công quyền, gây nhức nhối bất bình trong xã hội, cản trở bước tiến của dân tộc và đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. . . Với chức trách, thẩm quyền được giao mà không ngăn chặn, phát hiện được sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước quốc dân, trước Đảng và Quốc hội.” (Phan Văn Khải, Diễn văn từ chức đọc trước Quốc hội ngày 16 tháng 6, 2006).

[3] Richard M. Nixon, diễn văn ngày 3 tháng 11, 1969.

[4] William M. Hammond, United States Army in Vietnam – Public Affairs: The Military and the Media, 1968-1973  (Washington, D.C.: Center of Military History, 1996), tr. 157.

[5] Lê Xuân Khoa, Việt Nam 1945-1995: Chiến tranh, Tị nạn và Bài học Lịch sử (Tiên Rồng xuất bản,  2004), tập I, tr. 531-534.

[6] Dẫn bởi Robert S. McNamara trong Argument Without End (New York: Public Affairs, 1999), tr. 144.

[7] Henry Kissinger, Years of Renewal (New York: Simon & Schuster, 1999), tr. 535. 

[8] “Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội X”, mục II, bài học thứ ba (Vietnam Net, Hà Nội, 3 tháng Hai, 2006).

[9] Như trên, mục I, điểm 5, và mục III, điểm 1.

[10] Như trên, mục II, bài học thứ nhất.

[11] Như trên, mục IX, đoạn thứ mười.

[12] BBC Vietnamese.com, 15.6.2006

[13] BBC Vietnamese.com, 16.6.2006

[14] BBC dẫn lời của ông Trần Quốc Thuận trong bài phỏng vấn của báo Thanh Niên. Xem http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/story/2006/05/060522_system_flaws.shtml

[15] “Dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội X”, mục III, điểm 1.

[16] Như trên, mục XII, đoạn thứ nhất.

[17] Lê Xuân Khoa, “Để tiến tới quan hệ bình thường giữa người Việt hải ngoại và Việt Nam” (báo Ngày Nay, Houston, Texas, 15 tháng Giêng, 2004). Cũng xem thêm: Lê Xuân Khoa, “Vietnamese expatriates: Challenges and Opportunities” (YaleGlobal Online Magazine, Yale University, November 2002; Review of Vietnamese Studíes, Minnesota, November 2002)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.