Hôm nay,  

Sự Thật Không Thể Nói Ra

29/07/200600:00:00(Xem: 1657)

Có những sự thật không thể nói ra.

Cuối tháng 6 và đầu tháng 7/2006 cuộc chiến Trung Đông giữa Do Thái và chính quyền Palestines lại bùng nổ. Lần này Do Thái mở hai mặt trận, một ở phía nam (26/6) tiến vào giải đất Gaza mà Do Thái đã rút quân và giải tỏa các khu định cư năm ngoái và mặt trận phía bắc (13/7) tiến vào nam Liban họ đã rút quân ra năm 2000. Lý do: quân Palestines và quân du kích Hezbollah đã đánh qua biên giới giết nhiều binh sĩ và bắt sống 3 quân nhân Do Thái.

Mặt trận phía bắc đánh vào Liban càng lúc càng trở nên ác liệt và ngày 25/7/2006 Không quân Do Thái đã oanh kích một doanh trại của quân Liên hiệp quốc đóng sát biên giới Do Thái và Liban. Lực lượng Liên hiệp quốc đóng ở Liban (UNIFIL - United Nations Interim Force In Lebanon) được thành lập từ năm 1978 gồm 2000 bộ binh vũ trang và 50 sĩ quan không vũ trang để kiểm soát tình trạng ngưng bắn trên đường biên giới dài 118 km giữa bắc Do Thái và nam Liban. Chính phủ Liban gần như bất lực để quân du kích Hezbollah (gồm chính yếu là người Hồi giáo Shiite được Iran và Syria ủng hộ tiền bạc và trang bị vũ khí) kiểm soát vùng đất phiá nam và quần thảo với quân Do Thái.

UNIFIL đóng tại nhiều điểm chiến lược dọc biên giới, ở những nơi hai bên (Do Thái & Hezbollah) có nhiều hoạt động nhất. Một trong những điểm quan sát quan trọng là cứ điểm Khiyam cách biên giới Liban, Do Thái & Syria 10 km và là nơi có nhiều cơ sở quân sự của quân Hezbollah.

Giữa tháng 7/2006 khi quân Do Thái tiến vào Liban với mục đích càn quét các ổ  tập trung của Hezbollah, vùng Khiyam trở thành một trận địa quan trọng. Trong ngày 25/7 nhiều đạn trọng pháo của Do Thái rơi chung quanh trại Khiyam khoảng 300 mét và Không quân Do Thái thả bom nặng 500kg chỉ cách trại 100 mét. Quân trú phòng Liên hiệp quốc đã cảnh giác Do Thái về việc bắn trọng pháo và thả bom cẩu thả nhiều lần. Quân Do Thái cho biết quân Hezbollah đã kéo sát vào vị trí của quân Liên hiệp quốc để tránh đạn, và hứa rằng họ sẽ cẩn thận không đánh vào vị trí của Liên hiệp quốc. Nhưng tối ngày 25/7 Không quân Do Thái đã oanh tạc vị trí của Liên hiệp quốc làm thiệt mạng 4 sĩ quan Liên hiệp quốc thuộc các nước Canada (thiếu tá Hess-von-Kruedener), Trung quốc (ông Du Zhaoyu không rõ cấp bậc), Áo và Phần Lan (không rõ danh tính).

Ngày 26/7 ông Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan bằng lời lẽ không úp mở tố cáo Do Thái đã cố tình đánh vào vị trí của Liên hiệp quốc. Ông đại sứ Do Thái tại Liên hiệp quốc Dam Gillerman cho rằng ông Tổng thư ký đã quá vội vàng khi lên án Do Thái. Trong khi đó thủ tướng Do Thái Ehud Olmert tỏ ý hối tiếc sự việc đã xảy ra và bà bộ trưởng ngoại giao Do Thái Tzipi Livni nói rằng chính phủ Do Thái nhận được nhiều báo cáo trái ngược nhau, nhưng sẽ hợp tác với Liên hiệp quốc để điều tra sự việc cặn kẻ. Trong khi đó thủ tướng Canada Stephen Harper đặt nghi vấn với Liên hiệp quốc tại sao không di tản căn cứ Khiyam khi hai bên đã đánh nhau bất chấp sự hiện diện của các quan sát viên quốc tế.

Sự thật là từ ông Kofi Annan đến các giới chức Do Thái liên hệ đều biết sự thật ở đâu nhưng không ai có thể nói ra. Sự thật có thể là Do Thái có bằng chứng căn cứ của Liên hiệp quốc tại Khiyam đã giúp đỡ quân Hezbollah bằng cách thông báo tin tức tình báo chiến trường cho họ và sau nhiều lần bỏ bom hoặc bắn trọng pháo vào sát căn cứ để cảnh cáo không có kết quả Do Thái đã đánh thẳng vào căn cứ. Ông Du Zhaoyu là người bị nghi ngờ nhất.

Sự việc xẩy ra nhắc người ta nhớ lại vụ máy bay Hoa Kỳ trong lực lượng NATO đã bắn “nhầm” ba hỏa tiễn Tomahawk vào tòa đại sứ Trung quốc tại Belgrade ngày 7/5/1999 giết 3 nhân viên tòa đại sứ và làm bị thương 20 người. Lúc đó quân đội Nam Tư của ông Slobodan Milosevic đang thi hành chính sách diệt chủng giết người Albania trong tỉnh Kosovo, và Hoa Kỳ dưới danh nghĩa NATO đã oanh tạc quân Nam Tư và thủ đô Belgrade để chận đứng cuộc tàn sát diệt chủng.

Trước phản ứng mạnh mẽ của Trung quốc, tổng thống Clinton viết thư cho Chủ tịch nước Trung quốc Giang Trạch Dân xin lỗi cái ông nói là “một tại nạn không may”. Bộ trưởng quốc phòng William Cohen và Giám đốc CIA George Tenet qua một bản tuyên bố chung nói cuộc tấn công do tin tức sai lạc (faulty information). Bộ trưởng Cohen còn nói rằng máy bay Không quân Hoa Kỳ đã dùng những bản đồ cũ (sic) nên thiếu chính xác.

Trong khi đó tại Trung quốc dân chúng biểu tình khắp nơi, tại Bắc Kinh và tại các tỉnh có tòa lãnh sự Hoa Kỳ. Tòa lãnh sự tại Chengdu bị đốt cháy. Tòa đại sứ tại Bắc Kinh và các tòa lãnh sự ở Quảng Đông, Thượng Hải, Shengyang đều phải đóng cửa. Phó Chủ tịch nước Hu Jintao cũng tham gia biểu tình tại Bắc Kinh để khuyến khích dân chúng xuống đường. Đại sứ Mỹ tại Trung quốc Jim Sasser phải ở trong tòa đại sứ nhiều ngày không dám về nhà với sự bảo đảm an ninh của Trung quốc, mặc dù tư gia ông có Thủy quân Lục chiến canh gát.

Cuối cùng mọi sự cũng êm xuôi, Hoa Kỳ và Trung quốc vẫn chơi với nhau. Cả hai đều biết sự thật ở đâu và sáu năm sau thì mọi sự được trưng bày ra ánh sáng.

Tạp chí Defense & Foreign Affairs Strategic Policy số tháng 11-12/2005 tiết lộ rằng: Các nguồn tin chính thức và được bảo mật của NATO cho biết rằng máy bay Hoa Kỳ bắn 3 hỏa tiễn Tomahawk vào tòa đại sứ của Trung quốc tại Belgrade là hoàn toàn cố ý. Tin tức tình báo của NATO cho biết vào lúc đó nhà lãnh đạo Nam Tư, ông Milosevic người chủ trương tàn sát người Albania ở Kosovo đang ẩn náu trong tòa đại sứ Trung quốc.

Tờ tạp chí nói trên thật ra chỉ xác nhận lại những gì tờ London Observer đã tiết lộ năm tháng sau cuộc tấn công trong số báo ngày 19/10/1999 dựa vào những chi tiết của tờ báo Politiken của Đan Mạch rằng: “Hoa Kỳ đã đánh vào tòa đại sứ Trung quốc sau khi kiểm thính điện tử của NATO cho biết từ tòa đại sứ đã truyền đi những mệnh lệnh đến các đơn vị quân đội Serbia.”

Trong tháng 4/1999 (một tháng trước ngày tấn công) ba sĩ quan của NATO ở những địa điểm khác nhau, một người kiểm soát không lưu ở Naples, một người kiểm thính điện tử ở Macedonia và một sĩ quan cao cấp tại sở chỉ huy ở Brussels cũng đều xác nhận điều này và còn cho biết thêm rằng tòa đại sứ Trung quốc còn chuyển thông tin về các đường bay của hỏa tiễn NATO để các đơn vị quân Nam Tư tránh.

Tháng 7/1999 khi điều trần trước Quốc hội ông Tenet nói trong 900 vụ NATO đánh quân Nam Tư để chận đứng hành động diệt chủng của Milosovic, CIA chỉ dính líu vào một vụ là vụ đánh “nhầm” vào tòa đại sứ Trung quốc.

Đó là sự thật đã được phơi bày. Hai bên đều biết nhưng một bên vẫn biểu tình phản đối và một bên vẫn chối là đánh nhầm. Và lúc này Hoa Kỳ cũng như Trung quốc không ai muốn nhắc lại chuyện đó nữa.

Có thể rằng sự thật của cuộc oanh kích của Không quân Do Thái vào cứ điểm Khiyam của Liên hiệp quốc trong ngày 25/7/2006  cũng gần gần như vậy thôi. Nhưng là sự thật chưa thể nói ra. Ông Kofi Annan biết nhưng không thể không lên tiếng tố cáo để giữ uy tín của lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hiệp quốc. Do Thái cũng không thể nói huỵch toẹt là đánh vì những người có trách nhiệm cứ điểm Khiyam không giữ thế đứng trung lập. Cứ hiểu nhau như thế là đủ, không cần phải nói ra.

Cuộc điều tra bà bộ trưởng Do Thái hứa, do đó, cũng sẽ không dẫn tới đâu. Hãy chờ vài năm nữa mọi sự sẽ rõ ràng trên giấy trắng mực đen./.

July 28, 2006

binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.