Hôm nay,  

Cải Tổ Fbi

01/06/200200:00:00(Xem: 4304)
Ở Việt Nam dưới thời Pháp thuộc, ít người biết về nước Mỹ. Phần lớn có lẽ chỉ biết tên Tổng Thống hay các danh tướng Mỹ trong những năm Thế chiến. Vào cuối thập niên 40, mấy chữ FBI đã đến với tôi, không phải qua các bản tin quốc tế mà qua những tiểu thuyết trinh thám. Thời đó, sau nhiều năm gián đoạn vì Thế chiến, những sách báo từ Pháp đã ào ạt trở lại Việt Nam, tôi thích đọc những tiểu thuyết trinh thám của Peter Cheney do nhà xuất bản "Série Noire" dịch từ tiếng Anh qua tiếng Pháp, nói về hoạt động của các thám tử FBI. Nhưng tôi không nhớ cái tên cúng cơm Văn phòng Điều tra Liên bang bằng tên một người. Đó là Edgar Hoover, thường được gọi là "anh chàng đó" hay "cha nội đó" (ce gars-là) trong bản dịch Pháp văn, đầy trìu mến thân thương đối với một người danh tiếng được quý trọng.
J. Edgar Hoover ngày nay là tên trụ sở FBI ở Washington. Ông là Giám đốc FBI lâu năm nhất từ 1924 đến 1972. Trong gần nửa thế kỷ đó, nước Mỹ đã trải qua biết bao biến chuyển quan trọng, từ cuộc khủng hoảng kinh tế đầu thập niên 30, nạn băng đảng mafia mà một phần đã được tiểu thuyết hóa trong truyện "Bố Già", cho đến nạn tội phạm trong xã hội Mỹ sau Thế chiến, chưa kể đến những sôi động trong những năm chiến tranh lạnh. Hoover là người đã xây dựng FBI thành một cơ quan Cảnh sát hiện đại nổi tiếng trên thế giới trong nhiệm vụ diệt trừ tội phạm có tổ chức, ứng phó được cả với những dạng tội phạm trong thời đại tin học. Trong thời chiến tranh lạnh, nếu CIA là cơ quan hoạt động gián điệp và thâu thập tình báo ở nước ngoài, FBI có sứ mạng phản gián để bảo vệ an toàn hậu phương. Nhưng trong khoảng 10 năm nay, FBI đã gặp phải một số vấn đề ngay chính trong nội bộ của nó. Không kể vụ gián điệp nhị trùng Robert Hansen, FBI đã sơ xuất nghiêm trọng trong nhiệm vụ chống nạn khủng bố, nhất là trong những tháng trước ngày 11-9. Lỗi lầm ở chỗ nào"
Lỗi lầm nằm ở một chỗ có từ ngữ đơn giản nhất để mô tả: "nó đã già rồi". Tôi không muốn nói đến con người, vì càng già càng có nhiều kinh nghiệm và nếu cấp lãnh đạo già, sẽ có những nguời trẻ hơn thay thế. Tôi cũng không muốn nói đến cơ cấu, vì cơ cấu và phương tiện dễ dàng được cập nhật hóa với thời thế. Tôi muốn nói đến "cái già" của thái độ và tinh thần những cấp lãnh đạo. FBI là một cơ quan được quý trọng nể vì. Được tuyển lựa làm việc trong cơ quan là một vinh dự nhiều tuổi trẻ ước mơ. Bởi thế những người đã hy sinh cả cuộc đời cho sự nghiệp cao quý này khi leo dần từng nấc thang để đạt đến cấp chỉ huy, đã tự phát sinh tác phong "thủ" vì chỉ sợ vào lúc sắp về hưu, nếu chẳng may sai phạm trong nhiệm vụ, công lao và sự nghiệp của cả cuộc đời sẽ đi đứt. Nhưng chính vì thói bảo thủ đó, các thế hệ lãnh đạo trong mấy chục năm qua đã tạo cho cơ quan một truyền thống "văn hóa ốc đảo", nghĩa là khép kín, nghi kỵ, thiếu sự hợp tác mật thiết với các cơ quan bạn và tệ hại nhất, nếu có sai lầm thì tìm cách bưng bít để đóng cửa bảo nhau, lấy cớ bảo toàn bí mật công tác.

Tuần này, Bộ trưởng Tư pháp John Ashcroft và Giám đốc FBI Robert Mueller đã chính thức công bố một kế hoạch sâu rộng cải tổ đại quy mô "cấu trúc, văn hóa và sứ mạng" của FBI để có thể đương đầu hữu hiệu hơn với những mối hăm dọa nhằm vào nước Mỹ trong thời đại bọn khủng bố phát động cuộc tấn công của chúng. Những điểm chính của kế hoạch cải tổ là từ nay đến tháng 9 sẽ mướn thêm 900 nhân viên, đặc biệt là những chuyên gia về điện toán, ngoại ngữ và khoa học, tăng cường những cơ sở thu thập và phân tích tình báo, hợp tác chặt chẽ hơn với CIA, đồng thời đổi mới toàn bộ hệ thống điện toán nay đã lỗi thời. Chúng tôi không muốn đi sâu vào chi tiết kế hoạch này, mà chỉ nhấn mạnh những sửa đổi đó rất đúng hướng, đáp ứng được những sự chỉ trích ồn ào của chính giới và báo chí trong mấy ngày qua.
Sửa sai là đúng, vấn đề là thi hành như thế nào. Sự thật 2 năm trước đây, người tiền nhiệm Giám đốc FBI là ông Louis Freeh đã tuyên bố chống khủng bố là ưu tiên cao nhất của FBI và thành lập một chi nhánh riêng của cơ quan này chuyên về chống khủng bố. Thế nhưng chính chi nhánh "chống khủng bố" đó đã bị chỉ trích nặng nề vì đã bỏ sót những dấu hiệu coi như tiên báo cho vụ khủng bố ngày 11-9 năm ngoái. Chính cái truyền thống bảo thủ "ốc đảo" đã kháng cự lại mọi sự cải tổ thực sự bên trong. Ông Robert Mueller đã tựu chức Giám đốc FBI chỉ một tuần lễ trước khi xẩy ra vụ 11-9-01. Chúng tôi hy vọng ông sẽ làm được một sự chấn chỉnh từ gốc đến ngọn, những lỗi lầm nổi bật vừa qua có thể giúp ông phá những rào cản còn sót lại.
Thế nhưng muốn sửa sai, trước hết cần phải thành thực nhìn nhận đã có sai lầm và sai lầm như thế nào. Đây là một điều kiện tiên quyết rất quan trọng, nếu không đáp ứng được điều kiện đó, mọi sự đổi mới hay tái cấu trúc chỉ là thứ trang điểm bề ngoài, không có thực chất và rút cuộc sẽ thất bại như một số hiện tượng chúng tôi đã thấy ở nhiều nơi khác. Về điểm này, một tin rất phấn khởi là sáng thứ năm vừa qua, ông Mueller chính thức nhìn nhận FBI đã thiếu sót nghiêm trọng trước ngày xẩy ra nạn khủng bố 11-9 năm ngoái, vì nếu các nhân viên điều tra tích cực theo dõi những manh mối, họ có thể đã khám phá ra âm mưu của bọn khủng bố. Mueller là người đầu tiên trong chính phủ Bush đã nhìn nhận một sự thật mà cho đến nay, nhiều nhân vật chính quyền đã tìm cách né tránh.
Cải tổ FBI là việc cần. Nhưng điểm quan trọng nhất không phải là con người hay cơ chế, mà là tinh thần. Cái "văn hóa ốc đảo" đó cần phải được quét đi cho thật sạch.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.