Hôm nay,  

Suy Niệm Trên Đường Đời: Những Bàn Tay Lành Thánh

29/09/200100:00:00(Xem: 8408)
Trong thánh lễ Chúa Nhật ngày 23 tháng Chín, 2001 - ngày thứ 13 của cuộc đại khủng bố giết người dã man - Hội Thánh Công giáo khắp hoàn vũ đã đọc lời khuyên của vị Tông đồ Phao-lô: "Tôi muốn nam nhân khi cầu nguyện mọi nơi thì giơ lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ." (1Tm 2:8)

Chắc có lẽ chưa lúc nào dân tộc Hoa Kỳ nói riêng, và thế giới nói chung cầu nguyện nhiều như trong những ngày đau thương, bi thảm này. Cầu nguyện cho những nạn nhân đã phải ra đi "bất đắc kỳ tử", ra đi "tất tưởi" không kịp nói một lời giã biệt với thân nhân mình. Cầu nguyện cho những người sống sót phải đau đớn với các thương tích tinh thần và thể lý, đang được cứu chữa trong các bệnh viện. Cầu nguyện cho những người yêu mến họ. Cho người vợ hiền mới làm lễ vu quy đang mang thai đứa con đầu lòng. Cho người mẹ già đang mong mỏi con trai về với mái ấm gia đình. Cho người chồng đang chờ đợi vợ trẻ đi bay chuyến "định mệnh" số 11 trở lại nhà v.v… Chúng ta cầu nguyện và tưởng niệm 6,333 (con số chưa tổng kết) đồng loại đã hy sinh, và hàng chục ngàn người liên hệ trong dòng họ, bạn hữu, đồng nghiệp, đồng môn.

Thánh Phao-lô muốn chúng ta khi cầu nguyện thì hãy giơ lên, giăng lên, đưa lên những bàn tay lành thánh (holy hands). Bàn tay lành thánh là bàn tay không sờ đụng tội lụy, dâm bôn. Bàn tay lành thánh là bàn tay không nhận tiền bạc, của cải vật chất bất chính, bất công. Bàn tay lành thánh là bàn tay không bạo động, hành hung. Bàn tay lành thánh là bàn tay không phác họa những mưu chước ma quỉ giết người. Bàn tay lành thánh là bàn tay không viết ra những lời độc ác, thâm hiểm, gian dối, ám mờ.

Cùng với bàn tay lành thánh, chúng ta còn cần phải cầu nguyện với lòng dạ thanh thản, không giận hờn hay tức giận (anger), không cãi cọ (argument). Sự tức giận, hay "sân" là một trong ba hạt giống xấu nhất trong lòng con người mà nhà Phật thường bàn luận (tham-sân-si). Cha ông chúng ta đã để lại cho muôn thế hệ minh triết: "Giận mất khôn". Chúng ta hãy tập luyện hằng mỗi giây phút nhằm tiêu diệt hạt nhân tồi tệ ấy. Phương pháp để thực hiện việc khó khăn này không phải là "nén giận", tức cầm giữ sự giận hờn trong lòng, cũng không phải là "xả giận", tức phóng ra, tung ra sự nóng giận vào kẻ làm mình "điên tiết", mà là chuyển hóa (transform), chuyển đổi tâm trí, làm tan biến giận hờn bằng sự cao thượng, bao dung, thứ tha.

Điều thứ ba khi cầu nguyện chúng ta phải giữ sự hòa nhã, không cãi cọ, cãi vã, tranh biện, lý luận, hơn thua, với người nào. Có hai cụ tuổi hạc cùng sống chung trong nhiều năm, và họ không bao giờ cãi vã nhau. Nay một trong hai cụ lên tiếng: Nào chúng mình hãy cãi nhau một lần như các người khác đi. Và cụ kia trả lời: Tôi không biết chuyện cãi lộn xảy ra làm sao. Cụ thứ nhất nói: Này, tôi sẽ đặt một cục gạch ở giữa chúng ta, rồi tôi bảo, Đây là cục gạch của tôi, và ông nói, Không, nó là của tôi, và thế là cuộc cãi vã sẽ bắt đầu. Hai lão ông đã đặt một cục gạch ở giữa họ, và một trong hai cụ nhận: Đây là của tôi, và cụ kia tranh: Không, nó là của tôi. Cụ đầu tiên đáp lại: Quả thực, tất cả là của ông, vậy ông hãy cầm lấy nó với mình! Và hai "tiên ông" đã bỏ đi mà không thể tranh cãi nhau. (Desert Wisdom; Yushi Nomura)

Để cho lời cầu nguyện được hữu hiệu, nghĩa là được Thượng Đế nhậm lời, người cầu nguyện phải rửa sạch bàn tay mình và thanh tẩy trái tim mình.

(Tu Viện Majella, Baldwin Park, CA, 9-24-2001)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.