Hôm nay,  

Bé Viết Văn Việt/ Bài Dự Thi Số 246

10/04/200600:00:00(Xem: 1538)
tn_04102006_2

Các bạn thân mến,

Tuần rồi, chúng mình đọc bài dự thi của bạn Nguyễn Hoàng Quân, gửi từ nước Úc. Chuyện “Bụt” của bạn Quân hay quá. Chưa hết, bạn còn một chuyện “Bụt” tiếp theo, chị Hoa Thủy Tiên yêu cầu phải đăng liên tiếp để hai chuyện khỏi bị lạc nhau:

VẪN LÀ CHUYỆN BỤT

Bữa trước con cao hứng kể chuyện về đứa bạn thân hiền lành như Bụt của con. Nhiều người nghe xong chỉ cười ha ha rồi thôi. Nhiều người nhăn trán nghĩ ngợi:

“Thằng nhỏ Quân coi khờ câm khờ điếc mà cũng biết diễu ha!”

Nhiều người la lên:

“Trời ơi, phải chờ tsunamis rồi cóc mới chịu mở miệng đó hả"”

Riêng bác Lương mà bố mẹ con rất nể phục đã cười cười vỗ vai con, bảo:

“Ô, thằng Bụt của bác!”

Thế là từ đó con sung sướng được hưởng ké cái tên Bụt đáng yêu.

Trong nhà con không còn vang lên tiếng: “Q…u…â…n” nhẹ hều, mà thay vào đó là tiếng “Bụt” trĩu nặng tình cảm.

Thật vậy, đây là tiếng bố dịu dàng:

“Bụt ơi! Mười hai giờ rồi! Dậy ăn điểm tâm đi con.”

Tiếng “Bụt” từ Mẹ lại thường thảnh thốt, chẳng hạn như:

“Í chời! Bụt ơi là Bụt! Mẹ nhờ con đập trứng sao con lại làm nát bét thấy ghê vậy nè"

Và cũng âm “Bụt” ấy từ Uyên, em gái con, thì gay gắt rùng rợn:

“Mấy bịch chips bự của em mới để đây biến đâu rồi hả Bụt"”

Con hiểu tiếng “Bụt” từ bố mẹ nghe êm ái vì phát ra từ lòng thương con thức khuya học thi. Mai mốt thi cử xong rồi, con không biết phải kiếm cớ gì để vẫn được thoải mái ngủ nướng đây!

Còn tiếng “Bụt” từ mẹ lẽ ra không nên đầy hốt hoảng, ai oán kiểu đó. Mẹ nên thông cảm cho con mới phải. Làm sao con biết được rằng”đập” ( “beat” hay “smash”) chỉ là “crack” trứng thôi! Và còn cả ngàn trường hợp chữ không đi với nghĩa mà con phải ráng thuộc nằm lòng nữa chứ! Ví dụ:

. “đánh giày” là o bế làm đẹp giày chứ không phải là uýnh, đập, phang, đá nó.

. “tục ngữ” là lời dạy dỗ chứ không phải là lời chửi tục.

. “ngâm thơ” là kéo từng chữ cho dài ra, chứ không phải là đem bài thơ ngâm vô nước.

. “ăn mặc” chỉ là “mặc” chứ không có “ăn”.

. “buồn cười” hay “tức cười” chỉ là cười thôi chứ không buồn hay tức.

. “cà lăm, cà nhắc, cà chớn” là tật của người ta chứ không phải là thức ăn như “cà rốt, cà tím, cà chua, cà pháo, cà cuống…”

. “đi cầu” là vô “toilet” chứ không phải ra cái bridge” v.v….

Mỗi khi Uyên truy nã kẻ chôm bánh kẹo của nó, con cũng muốn chối bay chối biến đi cho khỏi xấu danh Bụt. Nhưng không thể được. Vì trong nhà chỉ có bốn người. Bố mẹ thì đâu biết thưởng thức mấy món chips (khoai tay dòn), sô cô la, cà rem… hấp dẫn này! Thiệt là bất tiện cho con! Phải chi nhà có chuột hay có nuôi mèo thì đỡ cho con biết mấy!

Lúc mới nghe bố mẹ và Uyên gọi con là Bụt thì bà ngoại con suýt soa giống như lỡ nếm hơi nhiều wasabi:

“Ấy chết! Gọi thế phải tội đấy! Bụt mà chúng mày dám đem ra đùa nghịch hỗn hào thế à"”

May có ông ngoại gạt đi:

“Không sao! Bố con tổng thống Mỹ vẫn được người mình gọi là Bụt nhớn, Bụt bé đấy thôi.”Bà ngoại lúc nào cũng tin tưởng ông ngoại nên gật gù:

“Ừ nhỉ!”

Nhưng Uyên chụp ngay lấy cơ hội trả mối thù bị chôm chips:

“Sao vậy ông ngoại" Có phải vì hai cha con ông ấy cũng nói tiếng Anh giọng Việt như anh Quân không, ông ngoại"”

Ông ngoại nháy mắt trêu con, giả vờ gật đầu. Bà ngoại ngơ ngác không hiểu tại sao cha con tổng thống Bush lại nhái được giọng Việt, nên hỏi tới. Con bỏ chạy lên lầu mà tai vẫn nghe văng vẳng tiếng ông ngoại vừa kể lại chuyện “Bụt học tiếng Anh”, vừa cười ha ha, trong khi bà ngoại gắt lên:

“Ơ hay! Chuyện có thế mà ông cũng cười được!”

Nguyễn Hoàng Quân

(con trai của Ai Cơ Hoàng Thịnh).

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.