Hôm nay,  

Liên Hệ Quốc Tế Và Vấn Đề Dân Chủ Hóa Việt Nam

22/12/200300:00:00(Xem: 5241)
Ngày hôm nay, để hội nhập vào khu vực và thế giới, Việt Nam đã quyết định lập quan hệ ngoại giao bình thường với tất cả các nước bất kể chế độ xã hội của các nước đó. Đây hiển nhiên là một quyết định đi đôi, ăn khớp với quyết định "Đổi Mới" ("Đổi Mới hay là Chết," lời kêu gọi thống thiết của Trường Chinh) lấy ở Đại hội VI của Đảng CSVN (Tháng 12-1986) để đi theo "kinh tế thị trường với định hướng xã hội chủ nghĩa." Song đã theo "kinh tế thị trường" là quay lưng lại với Mác Lê Mao, là gỡ bỏ nền kinh tế tập thể và hợp tác xã, là phải đi tìm thị trường trên quốc tế cho các sản phẩm Việt Nam, bất kể các nước mua vào là tư bản hay xã hội chủ nghĩa.
Thực ra, trong tình hình các nước xã hội chủ nghĩa bị thu hẹp từ hai mươi mấy nước xuống còn có dăm ba sau "cách mạng nhung" ở Đông Âu và Liên Xô (1989-1991) mà thu hẹp sự bang giao và nhất là làm ăn, buôn bán với có 3-4 nước cùng chế độ xã hội với mình thì chỉ có nghĩa là tự vận. Do đó mà trên thực tế, chính sách ngoại giao sau Đại hội VI của Hà nội, mà người thực hiện tài ba đầu tiên là Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch, đã cứu sống chế độ nhưng cùng lúc cũng đã dẫn đến hậu quả là phải từ bỏ phần lớn quan niệm ngoại giao cố hữu của các nước Cộng sản, theo đó bang giao giữa hai nước gồm ba phần: phần quan hệ nhân dân với nhân dân, phần quan hệ Nhà nước với Nhà nước (có nghĩa là giữa hai chính quyền), và phần quan hệ Đảng với Đảng (mà chủ yếu là chỉ áp dụng giữa hai đảng CS với nhau, hay cùng lắm là giữa một đảng CS và một đảng xã hội), trong đó quan hệ Đảng-Đảng là quan trọng hơn cả.
Mấy nước quan trọng hàng đầu
Như cuộc duyệt lại chính sách ngoại giao của Hà nội trên toàn thế-giới diễn ra trong nhiều ngày và mới xảy ra gần đây, trong đó có sự tham dự của Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến mà nhiệm sở là ở Hoa thịnh đốn, Việt Nam ngày nay hãnh diện là có bang giao với trên 150 nước nhưng nếu nói một cách ý nghĩa thì chỉ là với dăm ba nước ở một quy-mô đáng kể, nhìn từ các mặt đầu tư, viện-trợ, trao đổi hàng hóa, hay quyền lợi quốc-phòng, lợi ích quân-sự. Các nước hay khối quốc gia hàng đầu đó gồm có: Hoa-kỳ, Trung-quốc, Liên-hiệp Âu-châu và Nhật-bản. Khối các nước Đông-Nam-Á, hiểu theo một nghĩa rộng, nghĩa là gồm cả Đại-Hàn, Đài-loan vào đây, thì cũng có thể kể được là một đối-tác quan-trọng của Việt Nam trong lúc này.
Điều đáng ghi nhớ là trong 4-5 nước hay/và khối kinh tế nêu tên trên đây, không còn một đơn-vị nào là Cộng-sản, nghĩa là đồng-chế-độ với Hà-nội, hay cựu-CS ngoại-trừ Trung-quốc. Không còn Nga, không còn các nước Đông-Âu, còn như các nước CS rơi rớt thì: Lào là một loại thuộc-quốc (Việt Nam cho nhiều hơn là lấy lại được gì từ nước này), Cuba không có bao nhiêu đồ hàng để trao đổi hay tiền để đầu tư, Bắc-Hàn thì chết đói dở v.v. Nước CS đàn anh độc-nhất còn lại là Bắc-kinh nhưng những trao đổi, làm ăn, buôn bán với Bắc-kinh là một sự thiệt thòi, mất máu không ngừng chảy đối với Hà-nội (qua hàng hóa rẻ, buôn bán lậu, giết chết không biết bao nhiêu kỹ-nghệ hàng tiêu dùng ở VN), chưa kể sức ép khủng khiếp của đàn anh phía Bắc trên Vịnh Bắc-Việt, trong Biển Đông ("Nam-hải" đối với Trung-hoa), nhất là trên hai quần-đảo Hoàng-sa và Trường-sa, rồi trên thượng-lưu sông Mekong.
Một lối thoát: Đi chơi với Mỹ
Trong hoàn-cảnh đó, Hà-nội không có bao nhiêu lối thoát. Đi với Nga thì chắc chắn không được rồi vì Nga ngày nay ngày càng sa sút, không còn là một trong 2-3 siêu-cường như xưa nữa. Súng ống khí-giới của Nga thì tuy vẫn còn tối-tân song nằm ngoài tầm tay hay khả-năng tài-chính của Hà-nội để có thể cạnh tranh với sức mua của Trung-Cộng. Các nước Tây-Âu như Anh hay Pháp cũng có khí-giới tối-tân nhưng gần như chắc là chưa muốn bán cho Việt Nam trong lúc này trong khi tiền của thế-giới cho hay hứa cho vay mượn nhẹ lãi ($2 tỷ 8 vừa rồi) thì đều được ghi vào những mục-đích hòa-bình, không thể dùng đi mua súng, tàu bay, tàu bò được.
Sự thật là đứng về mặt an-ninh, quốc-phòng, Hà-nội không có bao nhiêu lựa chọn: Không thể mua được súng ống, tàu bay, tàu bò của Nga (ít gì cũng đến một độ đáng kể) hay vài nước Đông-Âu, không có cách nào mua được của Pháp, của Anh hay một nước Tây-Âu nào khác, không thể mua được của Nhật hay Bắc-Hàn (Nhật thì không sản xuất còn mua của Bắc-Hàn thì tức-thời Mỹ sẽ cấm vận trở lại), không thể tiếp-tục trao đổi đồ phụ-tùng với Ấn-độ (như đã làm mấy năm nay do sự-kiện cả hai quân-đội đều dùng đồ của Nga), Hà-nội còn sự lựa chọn nào ngoài chuyện đi chơi với Mỹ.
Còn sự lựa chọn bán rẻ linh-hồn cho Trung-Cộng thì cũng không phải là một giải-pháp. Bằng-chứng là Hà-nội đã nhượng bộ dài Bắc-kinh từ 1999 đến nay song những sự nhượng bộ đó chỉ tỏ ra cái thế yếu, chẳng đặng đừng được của Hà-nội chứ Hà-nội chưa lấy lại được phần nào quân-bình đối với Trung-quốc.
Những bước đầu quan-hệ về quân-sự với Mỹ
Cuộc thăm viếng Mỹ chính-thức mới đây của tướng Phạm Văn Trà, Bộ-trưởng Quốc-phòng của Hà-nội, từ ngày 8 đến 13-11-2003, cũng như cuộc ghé thăm "cảng Sài-gòn" của chiến-thuyền Vandergrift của Mỹ để trưng Cờ Hoa, do đó, không thể coi là những điễn-biến bình-thường trong quan-hệ giữa hai nước được. Tuy đây chỉ là những bước đầu trong quan-hệ quân-sự giữa đôi bên, một loại bắt tay thân thiện, sự-kiện cả hai bên đã đồng-ý để cho xảy ra giữa hai quốc-gia tiếng là thù nghịch trong gần nửa thế-kỷ phải được xem là một bước đầu thật ngoạn mục.
Giờ hãy còn quá sớm để đi vào chi-tiết những gì có thể xảy ra được giữa hai nước về mặt hợp tác quân-sự. Những chương-trình trao đổi, ghé thăm, thậm chí đưa cả sĩ-quan của Quân-đội Nhân-dân sang tu nghiệp ở Mỹ là những chuyện có thể và gần như chắc chắn sẽ xảy ra trong nay mai, trong tương-lai trước mắt.
Nhưng đi xa hơn thế thì Hà-nội còn cần thăm dò y-kiến của Bắc-kinh vì ngay từ đầu, Hà-nội không thể đánh cú "sốc" đối với đàn anh phía Bắc được. Cũng tương-tự như việc ký Hiệp-ước song phương Mỹ-Việt về Thương mại hay việc chuẩn-bị xin vào WTO (Tổ-chức Mậu-dịch Thế-giới), Hà-nội đã phải nhường bước cho Bắc-kinh để theo sau lẽo đẽo mà không thực-sự có khả-năng độc-lập để quyết-định những bước tiến quan-trọng này trong quan-hệ với Hoa-kỳ.
Cách nào đi đến độc-lập thực-sự
Để vượt thoát được cái vòng kim-cô của Trung-Cộng, Hà-nội cần phải có sự đồng-thuận rộng rãi trong nội-bộ Đảng, nhất là ở cấp Trung-ương và Bộ Chính-trị. Tài-liệu mật (ký tên Nguyễn Chí Trung) mới tung ra gần đây cũng như Hồi-ký Trần Quang Cơ và những gì ta biết từ Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Đức Tâm nhân kỳ họp Đại-hội Đảng lần thứ IX (vào tháng 4-2001) cho ta thấy là nội-bộ Đảng CSVN, ngay ở chóp bu, cũng đã mất đoàn-kết và Trung-Cộng cũng đã biết để khai thác sự mất đoàn-kết này. Đảng không còn được dân ủng-hộ như trong thời chiến-tranh, Đảng làm mất lòng tin ngay nơi một bộ-phận đáng kể đảng-viên, những bộ mặt sáng giá đã bị đẩy ra rìa (Võ Nguyên Giáp, Phạm Quế Dương, Bùi Tín, còn những người như Trần Độ thì đã bị cô-lập cho đến lúc chết). Nói tóm lại, nếu hôm nay hay ngày mai mà Quân-đội Nhân-dân phải ra đương đầu với một thách-đố quân-sự tầm cỡ thì gần như chắc, quân-đội đó đã mất đầu-thiếu lãnh-đạo.

Về mặt quân-trang, từ súng ống đến khí-giới cao-cấp hay phương-tiện cơ-giới, quân-đội Hà-nội chỉ còn những loại cổ lỗ sĩ mà Nga cho từ thời chiến-tranh Việt Nam hay cùng lắm là từ khi sang đánh Cao-miên, hoặc những loại lấy được của miền Nam. Tất cả những súng ống khí-giới này đều đã thuộc loại có tuổi đời trên 30-40 năm và nếu không han gỉ thì cũng không còn dùng được vào những kiểu đánh chiến-tranh hiện-đại.
Về mặt chiến-thuật, chiến-lược thì việc đào-tạo các sĩ-quan cập nhật về mặt suy tư chiến-tranh của nhân-loại cũng đang thiếu sót trầm trọng. Nga không còn nhu-cầu huấn luyện các sĩ-quan của QĐND Việt Nam, Trung-Cộng thì sau trận chiến biên-giới (tháng 2 năm 1979) thì cũng không còn hứng-thú giúp huấn luyện người của phía Việt Nam, vậy thì đi đâu để có những kiến thức mới về chiến-tranh đời nay"
Vì những lý-do trên nên đi với Mỹ là một quyết-định chiến-lược khôn ngoan của Hà-nội trong lúc này. Nhưng quan-hệ này phải thận trọng, đi từng bước cân nhắc một do Hà-nội không thể đánh thức sự ngờ vực của Bắc-kinh là Việt Nam có thể sẽ tìm cách "phản lại" Bắc-kinh một lần nữa.
Từ khu-vực-hóa vấn-đề an-ninh đến một liên-hệ chặt chẽ hơn
Hà-nội biết là Bắc-kinh rất nhạy cảm trước một sự tái-võ-trang của Việt Nam. Song Hà-nội cũng biết là không làm gì về mặt quân-sự trong lúc này chính là mua một sự đầu hàng trong tương-lai không xa trước áp-lực của anh khổng lồ phía Bắc, nhất là khuynh-hướng của Bắc-kinh trong những năm gần đây là tăng cường khả-năng về hải và không-quân. Ngay các chiến-lược-gia của Mỹ cũng cho là Bắc-kinh có khả-năng đương đầu và thách đố sức mạnh quân-sự của Mỹ trong vòng 15-20 năm nữa, vì vậy nên cái "window of opportunity" (khoảng cách có thể nhảy vào để chụp cơ-hội cho Việt Nam đi với Mỹ) không có là bao.
Giờ đây, ở trong nội-bộ Bắc-kinh đang có một sự chuyển quyền rộng lớn từ thế-hệ Giang Trạch-dân sang thế-hệ Hồ Cẩm-đào và Ôn Gia-bảo. Để cho sự chuyển quyền này được hoàn-tất êm thắm, giới lãnh-đạo Bắc-kinh cần một thời-gian để củng cố quyền hành mới vào trong tay. Chính vì lý-do đó mà Trần Thủy-biển ở Đài-loan và đảng đa-số của ông lại nghĩ lúc này là lúc thuận tiện để đẩy tới giải-pháp "một quốc gia độc-lập" thay vì coi Đài-loan là một phần bất khả phân-ly của Hoa-lục (một cái xương hóc của Quốc-dân-đảng trước đây). Cũng vì lý-do đó mà các lực-lượng dân-chủ đối-lập đã thắng lớn ở Hồng-kông trong kỳ bầu cử vừa qua. Và có lẽ cũng vì lý-do củng cố nội-bộ mà Thủ-tướng Ôn Gia-bảo, khi sang họp ASEAN vào đầu tháng 10 ở Bali (Nam-dương), cũng đã ký một "Tuyên-bố chung về đối-tác chiến-lược ASEAN-Trung Quốc vì hòa-bình và thịnh-vượng" theo đó Trung-quốc đồng-ý tham-gia một "Hiệp-ước thân thiện và hợp-tác Đông-Nam-Á."
Tất cả những yếu-tố này, Hà-nội đã trông ra từ Hội-nghị Trung-ương lần thứ 8 nhóm họp ở Hà-nội vào đầu tháng 7-2003 khi Hội-nghị đưa ra "Chiến-lược bảo vệ Tồ-quốc trong tình-hình mới." Từ đó mới có quyết-định rằng lúc này có lẽ là lúc thuận tiện nhất để nắm lấy bàn tay của Mỹ đã đưa ra từ năm 1999 khi Tổng-tư-lệnh Mỹ ở mặt trận Thái-bình-dương đến thăm Việt Nam, rồi lại do Tổng-trưởng Quốc-phòng Bill Cohen nhắc lại khi ông sang Hà-nội vào tháng 3-2000, sau đó được gợi lại nữa bởi Tổng-trưởng Quốc-phòng Donald Rumsfeld, nghĩa là có sự đồng-thuận của cả hai đảng ở Mỹ.
Nhưng Hà-nội cũng biết là còn phải đi những bước thăm dò và nhỏ nhẹ, như lúc đầu không nên đặt ra vấn-đề cộng-tác lộ liễu với Mỹ về mặt quân-sự. Lúc này, có lẽ Hà-nội chỉ muốn sao cho sự hiện diện của Mỹ, nhất là của Hạm-đội số 7 trong vùng, là một lá chắn mà Hoa-kỳ có thể đưa ra để ngầm hiệu cho Trung-Cộng biết là Bắc-kinh có thể đang đi vào vùng tranh chấp với các nước ASEAN đồng-minh với Mỹ (như Phi-luật-tân, Singapore và Thái-lan). Ở một giai-đoạn cao hơn (nhưng chưa tới) thì có thể sẽ là những sự tập trận, thao diễn phối-hợp với các quốc gia lân-bang mà bề ngoài có thể chỉ là để chống khủng-bố quốc-tế. Và để có thể làm như vậy thì Mỹ bắt buộc phải huấn luyện một số sĩ-quan Việt Nam ngõ hầu có thể phối-hợp công-tác.
Những quyền lợi khác như Mỹ có thể trở lại Cam-ranh hay sửa tàu ở các cảng Việt Nam thì có thể sẽ được đánh đổi với sự viện-trợ quân-sự, quân-bị và quân-trang ở một giai-đoạn xa hơn nữa nếu tình-hình (đặc-biệt là nội-bộ của Trung-Cộng) cho phép.
Vấn-đề dân-chủ-hóa Việt Nam
Qua cuộc viếng thăm Mỹ vừa rồi, chắc chắn ông Phạm Văn Trà đã được nghe nhiều về cái nhìn chiến-lược của Mỹ ở khu-vực Đông-Nam-Á, nhất là trước hiểm-họa Bắc-kinh có thể trở thành một đối-thủ nguy-hiểm trong tương-lai không xa-không những của Mỹ mà còn của cả Hà-nội nữa. Ông Phạm Văn Trà, tuy nói cứng song cũng đã được nghe đầy một tai về những quan-tâm của phía Hoa-kỳ, từ ngay miệng của Tổng-trưởng Ngoại-giao Mỹ Colin Powell, về tình-hình nhân-quyền tồi tệ ở Việt Nam.
Phải nói là Hà-nội gần đây cũng đã có một vài nhượng bộ về mặt nhân-quyền như giảm án của B.S. Phạm Hồng Sơn từ 13 năm xuống còn 5 năm tù, tuyên án thật nhẹ cựu-chiến-binh Trần Dũng Tiến (chỉ cho ông án là 10 tháng để có thể thả được ông ngay ra), cho đánh tiếng là có thể sẽ không đưa cựu-Đại-tá Phạm Quế Dương ra tòa. Nhưng ngược lại, Hà-nội lại chơi trò ú tim, nới một đằng thì lại xiết một nẻo, như đối với các vị lãnh-đạo của Giáo-hội Phật-giáo Việt Nam Thống nhất. Chính sự bất nhất này của Hà-nội đang gây ra một cao-trào phẫn nộ trên khắp thế-giới, lan từ cộng-đồng Việt Nam hải-ngoại đến Quốc-hội Hoa-kỳ và Liên-hiệp Âu-châu sang đến các NGO (tổ-chức phi-chính-phủ). Nó cũng cho thấy là Hà-nội nhiều khi không phải là một đối-tác đáng tin cậy, tay phải làm gì, tay trái không biết. Đây là một điều Hà-nội cần phải nhìn ra thì sự xích lại giữa Hà-nội và Hoa-thịnh-đốn mới có cơ tiến-hành một cách êm thắm mà không bị vấp váp.
Trong khung-cảnh đó, vai trò của người Việt hải-ngoại có thể là gì" Có lẽ việc thúc đẩy tiến-trình phục-hồi dân-chủ ở Việt Nam không ngoài tầm tay của chúng ta nếu như ta biết đâu là sức mạnh thực-sự của ta và đâu là những nhược-điểm ta còn cần phải khắc phục. Nhược-điểm chính của chúng ta có lẽ vẫn là sự phân-hóa trong cộng-đồng hải-ngoại. Khắc phục được điểm này không nhất thiết nằm trong một giải-pháp thống nhất tất cả các lực-lượng thành một mà có thể chỉ là thống nhất cách nhìn, thống nhất một tiếng nói, đạt đến một sự đồng-thuận rộng rãi. Cuộc đấu tranh thắng lợi của đồng-bào Việt Nam chống lại Đài Truyền hình SBS ở Úc mới đây hay cuộc đấu tranh cho cờ vàng ở Mỹ cho thấy chúng ta có thể tập hợp chung quanh từng vấn-đề cụ-thể một. Cuộc đấu tranh cho nhân-quyền hay tự do tôn-giáo ở Việt Nam cũng thế! Chúng ta có đồng-minh, hơn thế nữa, chúng ta giờ đây một số đã thành công-dân, viên-chức Mỹ, Pháp, Úc v.v. (trong đó có cả thành-phần dân-cử), chúng ta cần biết phối-hợp sức mạnh và tiếng nói của chúng ta nhằm thúc đầy tiến-trình dân-chủ-hóa Việt Nam.
Đọc ở Hội-thảo AEI
Ngày 8 tháng 12 năm 2003

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.