Hôm nay,  

Phú Lăng Xa... Phú Lăng Xăng

13/09/200300:00:00(Xem: 5860)
Cò kè bớt một thêm hai, rồi cuối cùng Pháp cũng đồng ý với điều đã đòi hỏi Mỹ từ nhiều năm nay: chấm dứt phong tỏa kinh tế Libya vì tội khủng bố.
Năm 1988, tình báo của Libya đặt bom làm nổ tung một chuyến bay Pan Am của Mỹ trên vòm trời Lockerbie của xứ Scotland khiến 270 người tử nạn. Năm sau, Libya tái diễn thành tích đó với một chuyến bay UTA của Pháp trên lãnh thổ Nigeria, khiến 170 người thiệt mạng. Vì vụ đánh bom năm 1988, với tang chứng rành rành do Mỹ cung cấp, Liên hiệp quốc đã ra nghị quyết cấm vận Libya. Kể từ đó, xứ Libya của lãnh tụ Moammad Gadhafi bị cả thế giới lên án, tẩy chay, cho đến mãi sau này mới chính thức nhận tội và cam kết là sẽ không có hành động khủng bố nữa. Tháng trước, ngày 15, Libya gửi thư xác nhận thì ngày 18, Anh quốc và Bulgaria đệ nạp Hội đồng Bảo an đề nghị thu hồi lệnh cấm vận cho Libya được trở lại cộng đồng quốc tế một cách bình thường. Hai thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an là Anh và Mỹ đồng ý với đề nghị này, một thành viên khác lại chống là Pháp.
Trước đó, quốc gia kịch liệt tranh đấu cho Libya cũng chính là Pháp. Vì những quyền lợi kinh tế và chính trị liên hệ đến xứ này và đến khối Hồi giáo, Pháp thường xuyên gây áp lực với Mỹ để chấm dứt việc trừng phạt Libya.
Thế còn tội đánh bom chuyến bay của hàng không Pháp UTA" Pháp kiện Libya, tòa án Pháp truy tố (... khiếm diện) em rể Gadhafi và năm viên chức khác của Libya về tội đánh bom và năm 1999 được bồi thường 33 triệu, trung bình mỗi nạn nhân được lãnh 194.000 đô la.
Đối với Mỹ, sau khi chối tội không nổi và bị kiệt quệ vì đòn phong tỏa, lãnh tụ Gadhafi bắt đầu chuyển hướng, nhận lỗi và thương thảo việc bồi thường. Tháng trước, Libya đồng ý với Mỹ và Anh là lập ra một quỹ bồi thường trị giá hai tỷ bảy, để mỗi gia đình nạn nhân của chuyến bay sẽ nhận được 10 triệu đô la. So với 194.000 trả cho Pháp thì quả là một trời một vực! Vì vậy, từ ngày 19 tháng trước đến tuần qua, chính quyền Pháp hăm dọa sẽ dùng quyền phủ quyết để bác bỏ đề nghị thu hồi lệnh cấm vận, là điều Pháp kịch liệt đòi hỏi cho Libya từ 1999, từ khi đã được Gadhafi đền 33 triệu. Lý do của việc lập trường đảo điên này là vì Pháp thấy mình bị hớ, được bồi thường quá ít so với những gì Hoa Kỳ giành được.
Không phải “cò kè bớt một thêm hai” thì là gì"
Mười năm sau khi bị Liên hiệp quốc trừng phạt, Libya bắt đầu biết điều và năm 1999 đã giải giao hai tên thủ phạm của vụ đánh bom chuyến bay Pan Am. Từ năm đó, lệnh cấm vận, kể cả buôn bán võ khí và thiết lập đường bay quốc tế với Libya, đã được tạm miễn. Libya bày tỏ sự ăn năn và tìm mọi cách dàn xếp để có quan hệ bình thường với thế giới, nhất là để Liên hiệp quốc chính thức thu hồi lệnh trừng phạt. Chặng đường khó khăn nhất là dàn xếp với Hoa Kỳ thì đã đạt được, với việc con trai Gadhafi lập ra một Hội Từ thiện Quốc tế làm cơ quan thanh toán bồi thường cho nạn nhân của chuyến bay Pan Am. Điều trục trặc bất ngờ là đồng minh chí thiết của Libya là Pháp lại thọc gậy bánh xe để kéo dài lệnh cấm vận nhằm đòi được bồi thường nhiều hơn.

Trong câu chuyện này, chúng ta thấy những gì"
Là tay quán quân chống Mỹ trong thập niên 80, Moammar Gadhafi bắt đầu thấy nhược vì chuyện đối đầu và thấy sợ là xứ mình sẽ thành một Iraq, Syria hay Iran, nên dứt trò khủng bố và đổi mới bộ mặt cho có vẻ văn minh, hoặc ít nhất là đàng hoàng hơn. Trước hết là còn đón nhận đầu tư và canh tân lại xứ sở sau 20 năm đứng trên chiến hào chống Mỹ. Gadhafi cũng e ngại là khủng bố al-Qaeda sẽ theo đạo “ngưu tầm ngưu mã tầm mã” mà dùng lãnh thổ mình làm nơi ẩn núp và là vùng oanh kích của Hoa Kỳ. Osama bin Laden không ưa gì một xứ dù theo Hồi giáo nhưng lại có chế độ thế quyền theo kiểu xã hội chủ nghĩa. Là một quốc gia sản xuất dầu thô lớn nhất Phi châu và đứng hàng thứ tám trên thế giới, Libya cần đầu tư của quốc tế để canh tân hệ thống khai thác dầu và vì vậy, cần được quốc tế coi là một xứ bình thường, có thể làm ăn được.
Trong khi Libya bị thế giới tẩy chay, Pháp là quốc gia tích cực tranh đấu cho quyền lợi xứ này, vì có cơ sở làm ăn tại đó và vì muốn cho thấy là mình luôn luôn có lòng với khối Ả Rập. Libya càng gặp khó khăn với Mỹ thì lá bài của Pháp càng sáng. Nếu việc cấm vận Libya được bãi bỏ, Pháp sẽ phải cạnh tranh với các công ty dầu khí của Âu châu, thí dụ như Agip/ENI của Ý hay BP của Anh, và với các tổ hợp Mỹ cho đến nay vẫn bị đứng ngoài. Bây giờ, Liên hiệp quốc bãi bỏ lệnh phong tỏa mà Pháp lại chống thì rõ ràng là gây phiền nhiễu cho mọi người. Cho khối Hồi giáo, các nước Ả Rập, các đồng minh Âu châu và nhất là cho Liên hiệp quốc. Tổ chức quốc tế này hóa ra chỉ là diễn đàn cuội cho các cường quốc giành giựt quyền lợi đằng sau những nghị quyết hùng hồn mà lếu láo!
Vì vậy, việc Pháp hăm dọa dùng quyền phủ quyết chỉ là trò lăng xăng hù họa và sau khi được hứa đấm mõm thêm tiền, Bộ trưởng Ngoại giao Pháp long trọng tuyên bố, như một con rể bà Tú Đễ: “hãy bỏ qua quá khứ, v.v....” Cuối cùng thì đòn hù của Pháp đã hết, hôm qua Liên hiệp quốc thông qua việc thu hồi lệnh cấm vận và triển vọng đầu tư tại Libya đang đẩy lui cơn sốt dầu hỏa... Triển vọng đó khiến các công ty dầu hỏa Mỹ đang vận động Quốc hội thu hồi Đạo luật cấm vận với Libya để kịp thời có mặt tại chỗ. Trong khi đó, Libya cho biết: “đã dàn xếp với Pháp việc bồi thường thỏa đáng, nhưng...” Nhưng, sáu can phạm của vụ đánh bom chuyến bay UTA vẫn coi như vô tội và đang sống thư thái tại Libya.
Ông tướng Charles de Gaulle của Pháp có dạy: “các quốc gia là những con quái vật lạnh lùng, chỉ vận hành theo quyền lợi”. Chúng ta không thể quên lời dạy của ông ta. Một lũ quái vật.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.