Hôm nay,  

Có Nên Hợp Thức Hóa Việc Mua Bán Tình Dục?

21/07/200300:00:00(Xem: 6054)
Một trăm năm, ồ không, khoảng ba mươi năm trước đây, thậm chí, chỉ mười năm thôi, nếu được hỏi bởi câu hỏi này có lẽ nhiều người, đàn ông cũng như đàn bà, giới thanh lịch cũng như hạng bình dân, sẽ ngại ngùng đưa ra ý kiến về vấn đề có tính cách "cấm kỵ" này. Nhưng nay quả thật đã khác rồi. Mong bạn đọc đừng vội nhăn mặt hay vểnh mày nhìn tôi (nhìn vào những giòng chữ tôi vừa viết), và tự hỏi: "Mi là ai, con quái thai thời đại kia""
Xin thưa, không phải tôi đã "xâm mình" đặt ra câu hỏi, mà là các ông đại diện dân trên khắp thế giới gần đây đã rầm rộ có những chiến dịch vận động phong trào hợp thức hóa việc mua trăng bán gió, biến những hành động lén lút thành một kỹ nghệ có lời để dễ kiểm soát và dễ đánh thuế hơn. Song song với việc một số các chính phủ vẫn đang cố thu nhỏ ngành kinh doanh này, một số khác đang dần hiểu ra rằng sẽ tốt hơn nếu họ hợp thức hoá các hoạt động mại dâm bằng cách cấp giấy tờ cho các tổ chức đường hoàng làm ăn và vui vẻ đóng thuế trên doanh thu, còn hơn phải đương đầu với các tệ nạn dường như càng lúc càng phình to trên đường phố và trong các ngõ ngách dân cư.
Chẳng thế mà Tân Tây Lan vừa thông qua quy chế hợp thức hóa kỹ nghệ mãi dâm để chấm dứt các con số chi tiêu khổng lồ đổ vào việc bài trừ tệ nạn mua bán tình dục, Bỉ Quốc đã vội ghi tên làm hội viên thứ hai các nước ủng hộ việc cấp giấy khai sinh cho ngành công nghiệp có tuổi đời xấp xỉ tuổi của nền văn minh nhân loại. Từ Đông sang Tây, nhà Thờ rầm rộ lên tiếng chống. Kệ. Luật mới cứ ban ra, ai sợ xấu thì đừng dính vào dịch vụ này. Hãy để luật kinh tế quyết định ý thức tồn tại của con người.
Việc mua bán tình dục, tiếng Việt gọi nôm na là nạn mãi dâm, đã trở nên một trong những hoạt động của con người kể từ khi loài sinh vật này biết sống có tổ chức và hợp thành quần thể. Mặc dù liên tục bị chỉ trích và kết án, ngành kinh doanh này đã và vẫn tồn tại song song với lịch sử loài người. Kinh Thánh không ngừng rủa xả hạng gái điếm và những tên thương buôn gái điếm ngay từ tập đầu của Kinh Cựu Ước - Sách Sáng Thế, đến tập cuối của Kinh Tân Ước - Sách Khải Huyền. Sách Lê-Vi dẫn chứng một mệnh lệnh nghiêm khắc về vấn đề mua bán dâm như sau: "Đừng bắt con gái mình làm nghề mãi dâm; cũng đừng biến con gái mình thành gái điếm; đừng để đất này biến thành nhà thổ và trở thành đất của tội ác."
Nhưng ngày nay, ở nhiều nơi, ngay cả ở các quốc gia tự do trên toàn cầu, nhiều người đã tự hỏi phải chăng việc đổi tình dục lấy tiền hoàn toàn tự nguyện, tự ý giữa những con người đã đủ tuổi trưởng thành đã thực sự làm hư hỏng cấu trúc tốt đẹp của xã hội, và phải chăng chính quyền đã chẳng làm nên trò trống gì để ngăn cấm họ tiếp tục điều họ thích và muốn làm trong trò trao đổi phi nhân tính này" Hay có lẽ ít tồi tệ hơn khi để họ đăng ký và trở thành chuyên nghiệp" Như vậy, cái xấu sẽ không tràn ra đường bắt mọi người phải mục kích hàng ngày, hàng đêm; sẽ có thể ngăn chặn được việc lây lan bệnh, hạn chế được nạn nô lệ tình dục và lạm dụng tình dục ở trẻ em"
Những băn khoăn vừa kể cũng là những chủ đề được đặt ra trong cuộc họp giữa các nhà lập pháp Hoàng Gia Bỉ vào ngày 10 tháng 7 vừa qua. Một dự luật vừa được đúc kết để hợp pháp hóa các nhà thổ ở nước này. Trước khi dự luật này ra đời, các nhà thổ ở Bỉ vẫn phải hoạt động lén lút, trong khi đó các gái điếm có đăng ký lại được công khai hành nghề. Theo chân Hòa Lan, một nước láng giềng của Bỉ đã thành công trong việc chỉnh đốn và hợp thức ngành công nghiệp này từ ba năm trước, Bỉ Quốc có cơ hội làm đầy kho bạc nhà nước bằng tiền đóng thuế của các nhà chứa gái mà chẳng phải tốn một xu trả cho các tay tình báo thuế vụ điều nghiên các hoạt động bất hợp pháp của các tổ chức này. Phần đông gái điếm hoạt động ở Bỉ đến từ Đức và các nơi khác. Vì không kiếm được việc làm, nhiều người trong số họ chọn nghề mãi dâm vừa không phải đóng thuế, vừa dễ kiếm tiền để sinh sống. Nhưng nay họ sẽ làm việc như những người công nhân và bắt đầu phải đóng thuế thu nhập như nhiều người có lợi tức khác. Quyết định này có thể đem về cho Bỉ hơn 57 triệu đô-la hằng năm nhờ tiền thuế.
Đây đó nhiều nơi ở Châu Âu, đèn xanh liên tục bật lên, cho phép mở cánh cửa vẫn đóng, hay ra vẻ đóng, trong nhiều thế kỷ. Trong khi Tân Tây Lan đã nhanh chân hơn, thông qua bộ luật hợp thức hóa các hoạt động của nhà thổ từ tháng sáu năm nay, quốc Hội Lỗ Ma Ni vẫn đang rộng bàn việc xây dựng một bộ luật tương tự sau nhiều năm là đề tài nhức nhối của quốc gia này. Cuối cùng, phe thuận thắng phía chống chỉ một phiếu bầu, đủ để mọi tranh luận xếp lại và để các cửa hiệu "massage" trở thành cơ sở kinh doanh hợp pháp như ở các nơi khác trong thế giới tự do. Cả hai phía đã lại ngồi xuống bàn tiếp các quy định cần thiết như việc tuân thủ các nguyên tắc y tế nghiêm ngặt, vấn đế an toàn cho người mua cũng như người bán, và quyền được thuê mướn cũng như quyền được hành nghề của chủ - thợ trong các nhà máy tình dục này.
Nhưng tiền chẳng dễ làm mờ mắt nhiều người. Dù đã nhanh chân bắt kịp trào lưu mới chấp nhận việc công khai hóa ngành kinh doanh không mấy sạch sẽ này, Úc châu vẫn không thể thuyết phục được tất cả người dân Úc ở các đảo thuộc địa. Bất kể Sydney, thành phố lớn thứ hai ở Úc với số dân khoảng 215, 000 người, đã thuận ký tên vào bộ luật mới, Tasmania, một đảo nhỏ thuộc Úc ở phía Nam biển Thái Bình Dương, tuyên bố sẽ theo đuổi việc chống hợp pháp hóa ngành kinh doanh thân xác trên lãnh thổ Tasmania.
Người Việt Nam có câu: "Làm đĩ chín phương, để một phương lấy chồng" không chỉ nhằm đả kích nghề nghiệp này mà còn ám chỉ một thói quen, một hành động khôn ngoan cho những ai theo đuổi một nghề nghiệp đặc biệt. Ta đã vậy còn Tây thì sao"

Cũng thế thôi! Gái điếm ở Châu Âu di chuyển từ nước này sang nước khác để dễ hành nghề hơn và kiếm được nhiều tiền hơn. Gần đây ở Ý Đại Lợi, số gái điếm ngoại quốc đứng ngoài đường chào mời khách ngày càng tăng khiến ông thủ tướng Silvio Berlusconi từ năm ngoái đã phải lên tiếng về khả năng chính phủ Ý sẽ tái cấp giấy phép hành nghề cho các nhà chứa gái. Trước năm 1958, Ý vẫn cấp giấy phép hoạt động cho các nhà chứa; sau đó hình thức kinh doanh này bị cấm cho đến nay. Ở các nơi khác, nhà đương cục vẫn cố ngăn chận nạn mua bán dâm trên đường phố và kết quả là một hình thức "chợ" chạy xuất hiện: Khi chính quyền thành phố Milan từ năm 1998 ra lệnh cấm những người mua "hoa" lái xe đến khu "chợ hoa" nhặt gái, các chị em đã nghĩ ra chiêu thức hóa giải lệnh cấm này bằng cách trang bị giày chạy bộ và vừa đi song song xe của các khách chơi liều, vừa ngã giá.
Ở Anh mới đây, một lệnh mới, nghiêm ngặt hơn vừa được ban hành để hạn chế tệ nạn này trên các đường phố. Nhưng cảnh sát ở nhiều thành phố Anh Quốc buộc lòng phải làm ngơ chịu đựng các khu vực có các hoạt động "không thể tránh khỏi" này. Nghiệp Đoàn Công Nhân Sex Quốc Tế đặt văn phòng chính ở Luân Đôn mới đây vừa gia nhập tổ chức GMB, Tổng Công Đoàn thương mại lớn nhất ở Anh, và tổ chức này đang vận động việc thay đổi những điều lệ trên bộ luật cấm hành nghề mãi dâm. Theo tổ chức này, việc cấm đoán chuyện gạ gẫm mua bán dâm chỉ làm tăng thêm mối nguy hiểm bạo động, và buộc gái điếm phải lệ thuộc vào bọn ma cô và tú bà để kiếm sống.
Mặc dù việc nới rộng ngành công nghiệp tình dục dường như đang đạt đến sự thỏa thuận cần thiết trên hầu hết các nước tự do dân chủ, vẫn có một lực cản mạnh mẽ, trên phương diện đạo đức, từ phía những người không ủng hộ việc mua bán thân xác bằng tiền. Giáo Hội Công Giáo Toàn Cầu công kích mạnh mẽ tiến trình tự do hóa này. Từ Tân Tây Lan, một nhà lập pháp, ông Nick Smith, một đảng viên Đảng Bảo Thủ Quốc Gia, người đã bỏ phiếu chống hành động này, khẳng định: "Tình Dục chẳng phải là thứ để mua hay bán. Nạn mãi dâm chẳng qua chỉ là một hình thức hiếp dâm được trả tiền."
Các vị lãnh đạo tinh thần và những người phản kháng tiến trình tự do hóa loại thế giới nạn này đã dẫn chứng trường hợp của Thụy Điển về biện pháp ngăn ngừa tệ nạn bằng luật pháp cứng rắn. Ở Thụy Điển, từ năm 1999, hình phạt không nhắm vào người bán, mà là kẻ mua. Nếu một người đàn ông bị bắt quả tang đang gạ gẫm mua dâm, anh ta có nguy cơ bị tù sáu tháng. Chính phủ nước này tin rằng bộ luật hoàn toàn thành công trong việc ngăn chặn nạn dịch tưởng không thể nào tránh khỏi, và họ khuyến khích các quốc gia khác làm theo cách này. Gần đây, Quốc Hội Nga đã bắt đầu thảo luận một đề nghị tương tự gởi đến quốc dân.
Ngược lại, những người làm công tác xã hội liên quan đến vấn đề gái mãi dâm lại cho rằng chính bộ luật này đã đẩy hoạt động mua bán tình dục đi sâu hơn vào chỗ bế tắc vì không thể kiểm soát được việc sử dụng và mua bán ma túy trong đám phụ nữ ngoại quốc. Đây cũng là một trong những mục tiêu của luật pháp. Một kết quả thăm dò của cơ quan lãnh đạo y tế và phúc lợi xã hội quốc gia Bỉ cho thấy từ khi áp dụng bộ luật mới, tình trạng mãi dâm trên đường phố không có dấu hiệu giảm đi; nếu có, đó chỉ là tạm thời.
Dù muốn dù không, chính phủ các nước vẫn phải tiếp tục cuộc thập tự chinh làm gọn, làm sạch đất nước của họ bằng cách hạn chế hay hợp thức hoá ngành công nghiệp cổ điển này, nhất là trong những cơ hội giao lưu quốc tế. Ngay từ những ngày đầu tháng 7 năm nay, nhà đương cục Hy Lạp đã bày tỏ thái độ quyết liệt trong chương trình bài trừ tệ nạn mãi dâm ở nước này qua hành động cấp thêm giấy phép đăng ký kinh doanh cho các nhà chứa ở thủ đô Athens để chuẩn bị cho mùa Olympic năm tới khi Hy Lạp đóng vai chủ nhà cho lễ hội Thế Vận 2004.
Nhìn lại quá trình lịch sử của nghề mua bán tình dục ai cũng nhìn nhận rằng ngành kinh doanh này đã có những thay đổi thăng trầm, nhưng trong quá khứ đây chỉ là một hoạt động ngầm, có tính chất mờ ám, do các băng đảng xã hội đen chi phối. Ngày nay, ở một số nơi, trong các quốc gia dân chủ, nơi mọi thứ quyền tự do được rộng mở, như ở tiểu bang Nevada của Hoa Kỳ, các tổ chức mãi dâm chuyên nghiệp đã đạt được những tiến bộ rất đáng kể trong việc bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ của những công nhân nữ phục vụ dịch vụ buôn xác thịt này.
Điển hình nhất, mới đây đài truyền hình Anh Quốc cho chiếu bộ phim nhiều tập "Love for Sale" kể về ý định đưa công việc làm ăn của chủ nhân hai nhà chứa gái ở bang Nevada theo xu hướng đáp ứng thị trường mùa hè. Tháng năm vừa qua, Daily Planet, một nhà chứa công khai ở thành phố Melbourne thuộc Úc, đã được "thả nổi" trên thị trường chứng khoán trong màn tiếp thị của bà bầu Hollywood nổi tiếng Heidi Fleiss khi bà rêu rao: "Ai cũng biết tình dục là một hình thức đầu tư khôn ngoan." Công ty mãi dâm này đang dự định mở một công viên vui chơi bằng các màn tình ái mua vui ở Sydney và một số các chi nhánh khác ở Hoa Kỳ, Ba Tây và Columbia.
Thành phố Cape Town ở tận Nam Phi còn tiến bộ hơn cả Sydney khi chính quyền địa phương vào năm 1999 đã quảng cáo rầm rộ các nhà thổ và xem như là một hình thức hấp dẫn du lịch.
Đứng giữa hai đối cực là nhóm người giữ thái độ bình thản trước các rộn ràng thay đổi hay đều đều như cũ bộ mặt của loại dịch vụ này: Hãy để nó cứ là một maisons closes kiểu Pháp có lẽ tốt hơn. Ngoài mặt thì cấm, nhưng sau lưng thì thả lỏng; ông nhà nước như vậy vừa được tiếng lại được miếng.
Sau cùng, một điều không thể phủ nhận là ngày càng nhiều các cơ quan đứng đầu các quốc gia trên thế giới nhận thức được rằng đổi tình dục lấy tiền là một dịch vụ không thể loại trừ, vì vậy khôn ngoan và thức thời là hãy tập trung vào việc duy trì công nghệ này vừa sạch sẽ, an toàn, lại vừa kín đáo.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.