Hôm nay,  

Đào Cốc Lục Tiên Và Tình Báo

17/07/200300:00:00(Xem: 4884)
Trong truyện võ hiệp Kim Dung, sáu anh em mệnh danh Đào cốc Lục tiên là những kẻ võ công trùm đời, nếu liên thủ thì không ai cự nổi nhưng lại thường cãi nhau về chuyện vu vơ bằng lý luận ngớ ngẩn.
Hình như các chính khách Mỹ đã học được võ công đó của Lục tiên, nếu ta theo dõi cuộc tranh luận nóng hổi về tin tức tình báo...
Hoa Kỳ có nhiều lý do chính phụ, kín hở và đều là chính đáng nếu nhìn từ quan điểm quyền lợi, để mở chiến dịch tấn công Iraq. Điều này là sự thật nếu người ta nhớ lại những lời tuyên bố của hai vị tổng thống đã lãnh đạo xứ này từ hơn 10 năm qua, là Bill Clinton và George W. Bush. Sau khi chiến dịch Iraq mở màn, tranh luận đã bùng nổ trên chính trường Mỹ về lý do tấn công và chính quyền đang bị công kích là gụy tạo hồ sơ và trình bày sự thể sai lạc. Trong một mùa tranh cử, lời tấn công này có giá trị của những trao đổi... ngoài chợ cá và nếu chấp vào đó, người ta sẽ quên mất vấn đề thật nằm bên dưới.
Tuần qua cuộc tranh luận leo thang thêm một nấc khi Hành pháp Mỹ bị đẩy vào thế yếu do một câu 16 chữ của Tổng thống Bush trong bài diễn văn về Tình hình Liên bang hồi đầu năm, theo đó, Hoa Kỳ có chứng cớ là Iraq đã tìm cách mua uranium của xứ Nigeria nhằm chế tạo võ khí hạch tâm. Cố vấn An ninh Quốc gia Condoleezza Rice tuyên bố hôm mùng 10 là đáng lẽ cơ quan CIA đã phải có phản ứng về câu đó nếu thấy không đúng. Hôm sau, Giám đốc CIA George Tenet nhận lỗi về phần mình trong buổi điều trần trước Quốc hội là đã không đề nghị xóa 16 chữ đó. Đầu đuôi chỉ vì đấy là nguồn tin tình báo Anh và nguồn tin này có sai lạc vì vụ mua uranium dường như không có. Hai hôm sau, cả bà Rice và Tổng trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld lại chữa cháy thêm với lý luận rằng về kỹ thuật thì câu đó không sai và Tổng thống không có chủ tâm lừa gạt dư luận vì chỉ là lời trích dẫn nguồn tin tình báo Anh. Nghĩa là nếu có sai thì do sự sai lầm của Anh, chứ lãnh đạo Mỹ vẫn ngay tình. Trước sự bối rối đó, các chính khách Mỹ, nhất là từ đảng Dân chủ, đã nhào lên công kích và Nghị sĩ Cộng hòa John McCain, Tư lệnh Lực lượng Ăn có Chính trị, đã đòi mở cuộc điều tra về vụ này... Người ta không thể đếm nổi là hiện nay Quốc hội Mỹ đang có bao nhiêu cuộc điều tra trong tay áo, kể từ vụ khủng bố 9-11 đến nay, với kết quả âm u lú lẫn thế nào thì chưa ai rõ.
Ta hãy đi lại từ đầu...
Chế độ Saddam Hussein tại Iraq không hề che dấu ác ý đối với Hoa Kỳ và tội ác của chế độ đối với người dân Iraq và các lân bang trong vùng là một sự thật không che dấu. Vì vậy, chế độ này tất nhiên vi phạm mọi cấm đoán của Liên hiệp quốc hay Hoa Kỳ nhất là trong những việc gây khó khăn nguy hiểm cho Mỹ. Saddam Hussein đã có kế hoạch mưu sát cựu Tổng thống George Bush và nếu Mỹ có cấm Iraq trồng cà chua hay phong lan thì họ cũng sẽ trồng để chứng minh với thế giới Hồi giáo là Iraq không sợ Mỹ. Huống hồ là thực hiện kế hoạch trang bị võ khí tàn sát hoặc bắt tay với đối thủ cũ là al-Qaeda để tấn công Hoa Kỳ. Vì vậy, không nên ngạc nhiên khi Hussein liên tục vi phạm 17 Nghị quyết Liên hiệp quốc từ 1991 đến nay và cũng vì lý do này mà Nghị quyết thứ 17 được Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua với 15 phiếu thuận, không phiếu chống. Người ta đã quên tỷ lệ 15-0 này rồi khi cho là Mỹ ngụy tạo hồ sơ để tìm lý cớ tấn công Iraq.
Vấn đề ở đây không là phản ứng tấn công của các chính khách. Nghề của họ là bới lông tìm vết với sự ngụy tín điển hình của chính trường: nói trước quên sau, nói một đàng làm, một nẻo, lờ hẳn những lý luận chủ chiến của Bill Clinton ngày xưa để đả kích lập trường chủ chiến của George W. Bush ngày nay. Như những tay hồ lỳ trong sòng bạc, họ muốn chẵn cũng ăn, lẻ cũng hốt. Trong một mùa tranh cử, nếu các ứng viên không lên lưới nói nhảm thì người ta mới ngạc nhiên. Và truyền thông báo chí thì không lỡ dịp bán báo khi khai thác mọi tiết lộ hay phát biểu để gây sôi nổi trong dư luận.
Vấn đề ở đây nghiêm trọng hơn nhiều, và nằm ở lãnh vực khác. Đó là lãnh vực tình báo.

Quốc hội Mỹ đang điều tra như một đám thày bói sờ voi xem vì sao mà Hoa Kỳ không biết trước được vụ khủng bố 9-11. Cuộc điều tra là cơ hội cho các chính khách Cộng hòa đổ lỗi cho chính quyền Dân chủ của Bill Clinton và nhất là việc ông Clinton ra lệnh chấm dứt việc điều tra và truy lùng Osama bin Laden từ những năm 1998 trở về sau. Nếu muốn điều tra để sống cho qua ngày, Quốc hội Mỹ sẽ còn phải điều tra vể khả năng tình báo của cơ quan CIA - khốn nỗi do một đảng viên Dân chủ điều khiển sau khi được một tổng thống Dân chủ bổ nhiệm - khi không nắm vững nội tình Iraq: từ kế hoạch chế tạo võ khí tàn sát đến tương quan chính trị giữa các đảng phái, phe cánh, sắc tộc, tôn giáo của xứ này. Saddam Hussein còn sống hay đã chết" Ai đang lãnh đạo chiến dịch phá hoại đang có nguy cơ trở thành một phong trào du kích tự phát" Các nhóm phá hoại này có thể nào thủ đắc võ khí tàn sát do chế độ cũ để lại hay không" Lực lượng nào hay các nhân vật nào trong xã hội Iraq là có khả năng ổn định tình hình hoặc hợp tác với Mỹ" Sắc dân Shiite và sự yểm trợ của Iran sẽ ảnh hưởng ra sao đến Iraq thời hậu Saddam" Mối quan hệ của al-Qaeda với các phe cánh Hồi giáo tại Iraq là thế nào"
Đa số người Việt vẫn còn ôm ấp huyền thoại toàn năng của CIA hoặc lý luận lẩm cẩm là “Mỹ nó tính hết rồi” mà quên mất bao thất bại về tình báo trước sự xâm nhập của Bắc Việt hoặc sự lũng đoạn của cộng sản ở trong Nam. Cho đến khi sự thể đó quá trầm trọng và trở thành một vấn đề chính trị thì các chính khách Mỹ bèn bọc xuôi, khóa sổ và rút lui. Sự việc ngày nay dường như không khác.
Chỉ vì, giữa ngần ấy câu hỏi chưa có giải đáp, ta chỉ nghe tin CIA tung tiền mua chuộc phe này hoặc tấn công nhân vật khác do Bộ Quốc phòng đề nghị y như những già đã xảy ra trong Nam sau 1963. Và giờ này người ta có thêm tin CIA không nắm vững kế hoạch chế tạo võ khí hạch tâm đến nỗi Tổng thống Mỹ trong bài diễn văn quan trọng nhất trong năm đã phải trích dẫn nguồn tin tình báo Anh và rồi ân hận về việc đó! Bảo rằng đó là âm mưu của CIA để đánh lạc hướng địch thủ thì ta chỉ thấy mưu đó khiến quân mình bắn quân ta! Đào cốc Lục tiên không chỉ tung hoành trong chính trường mà còn thi thố tài năng đổ lỗi vu vơ hoặc ngáng chân bậy bạ trong một lãnh vực sinh tử của quốc gia.
Hoa Kỳ đang có phản ứng đế quốc khi mở rộng việc can thiệp vào tình hình thế giới. Nhìn trên quan điểm thuần túy về quyền lợi thì đây là phản ứng chính đáng. Điều rắc rối là lãnh đạo Mỹ phải tìm ra lý do chính đáng cho việc can thiệp này. Khủng bố (quan hệ giữa al-Qaeda với Iraq), nhân quyền (chế độ Saddam Hussein tàn sát thường dân), tâm lý (gây hãi sợ trong thế giới Hồi giáo để diệt trừ phản ứng chống Mỹ), quyền lợi (để chiếm lĩnh các mỏ dầu hoặc chế ngự toàn khu vực), tự vệ (vì Baghdad chế tạo võ khí tàn sát và có thể sử dụng hoặc phổ biến võ khí này)... ngần ấy lý do đều có thể được đa số dân chúng ủng hộ nếu được trình bày rõ ràng. Cái khó của chính quyền là không thể đưa ra ngần đó lý do mà tùy diễn đàn trong ngòai, quốc nội hay quốc tế, lại nhấn mạnh đến một lý do nào đó có sức thuyết phục cao nhất. Trong một thế giới đã nhất thể hóa, lối ăn nói quá đa dạng hoặc ngoắt ngóeo như vậy tất nhiên gặp phản ứng. Lãnh đạo Hoa Kỳ thì muốn can thiệp rộng, quần chúng Hoa Kỳ thì tự hỏi “có đáng không”, đồng minh nửa vời thì đả kích đế quốc Mỹ để bảo vệ quyền lợi của họ, kể cả những toa rập tội lỗi với Iraq.
Việc tranh luận hay đả kích vì vậy là điều tất yếu như chuyện nắng mưa.
Nhưng không tất yếu chút nào khi Hoa Kỳ muốn xông ra như một con voi trong hàng sành hàng sứ mà con mắt tình báo thì kèm nhèm nhìn không xa hơn chính trường Mỹ quanh thủ đô. Vì vậy, Saddam Hussein có thể có võ khí tàn sát và vẫn còn, mà CIA sẽ chỉ phát giác được sau khi võ khí này gây tổn thất cho binh lính hay thường dân Mỹ.
Như Osama bin Laden đã làm năm 2001, mà Quốc hội sờ voi sờ mãi chưa ra cái đuôi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.