Hôm nay,  

Vấn Đề Thuyền Nhân Đến Úc

22/07/200300:00:00(Xem: 4806)
Phỏng vấn Ông Đoàn Việt Trung, CTCĐNVTD/UC, về thuyền Hào Kiệt

Hữu Nguyên

LTS: Suốt mấy tuần qua, dư luận tại Úc đều xôn xao quanh việc thuyền Hào Kiệt chở 54 thuyền nhân Việt Nam tới sát bờ biển Úc, bị chính phủ Úc đưa lên chiến hạm chở tới Christmas Island, một hòn đảo cách bờ biển Úc tới 1800 cây số. Đồng ý hiện tại, trong khi chờ đợi bộ di trú Úc phỏng vấn, điều tra các thuyền nhân, không một ai trong chúng ta có thể vội vàng kết luận, các thuyền nhân trên thuyền Hào Kiệt có đủ tư cách tỵ nạn hay không. Tuy nhiên, trên phương diện pháp lý cũng như nhân đạo, việc chiếc thuyền Hào Kiệt đã tiến sâu vô khu vực di trú đúng như luật pháp của Úc đã quy định, trong khi các thuyền nhân trên chiếc thuyền đó lại bị đối xử như những thuyền nhân ở ngoài khu vực di trú, đã khiến dư luận Úc bất bình. Để có thể phần nào làm sáng tỏ những vấn đề quanh số phận của các thuyền nhân trên chiếc thuyền Hào Kiệt, sau đây, Sàigòn Times trân trọng kính mời qúy độc giả theo dõi bài phỏng vấn Ông Đoàn Việt Trung, Chủ tịch CĐNVTD/LBUC, người đã thường xuyên tích cực tranh đấu cho quyền lợi, hạnh phúc và sự đoàn tụ của người tỵ nạn trong suốt nhiều năm qua.

* * *

SGT: Thưa ông, một trong những điểm tranh cãi then chốt nhất quanh thuyền Hào Kiệt là vị trí của nó khi bị phát hiện. Lúc đầu chính phủ Úc tuyên bố là thuyền Hào Kiệt bị phát hiện ở ngoài “migration zone” nên phải đưa tới Christmas Island. Sau thủ tướng Howard lại thú nhận là thuyền Hào Kiệt được phát hiện ở trong “migration zone”. Tiếp đó, trong cuộc họp báo tại Adelaide, tổng trưởng Philip Ruddock lại tuyên bố: "Trong hay ngoài khu vực di trú thì họ [53 thuyền nhân] cũng vẫn bị đưa tới Christmas Island để giải quyết" (Inside the migration zone or outside the migration zone, they are going to be processed on Christmas Island). Vậy xin ông giải thích rõ hơn "migration zone" nghĩa là gì"
Đoàn Việt Trung: Thưa lúc trước, phạm vi hoạt động của đạo luật Di Trú bao gồm khắp nước Úc. Đến năm 2001, chính quyền Howard thay đổi luật để đặt nhiều vùng ngoài khơi Úc thành "excision zones", tức là vùng bị "cắt ra". Theo chính quyền thì mục đích của việc tạo ra những vùng "ngoại vi" này là để nếu Bộ Di Trú đánh rớt thanh lọc thuyền nhân thì họ không có quyền xin tái xét ở Refugee Review Tribunal (Hội Đồng Tái Xét Tỵ Nạn), hay ở các toà án. Như thế, Bộ có thể mau chóng hồi hương họ mà không tốn thời giờ và tốn tiền tranh cãi ở toà.
Thái độ khắt khe của chính quyền có 2 luận cứ căn bản. Một là sợ sẽ có làn sóng thuyền nhân ồ ạt. Hai là sợ nếu không giam giữ thì thuyền nhân sẽ bỏ trốn. Tôi nghĩ cả hai lập luận này đều thiếu căn cứ vững chắc. Nước Úc là một lục địa ở giữa đại dương mênh mông. Tìm cách đến Úc bằng đường biển là chuyện thập phần nguy hiểm. Một làn sóng thuyền nhân mới từ VN trong lúc này là chuyện không tưởng. Còn nếu giam thuyền nhân thì tại sao không làm như thế với những người đến Úc bằng máy bay rồi xin tị nạn, mặc dù số người nàyï đông hơn" Ngay trong nhóm này, con số người trốn lại Úc sau khi bị đánh rớt thanh lọc rất thấp, mặc dù họ không bị giam.
SGT: Theo sự giải thích của ông, thì việc chính phủ Úc đưa các thuyền nhân từ chiếc thuyền Hào Kiệt khi nó được phát hiện cách bờ biển Úc chỉ có 3 cây số, nghĩa là trong khu vực di trú được luật pháp Úc quy định, đến Christmas Island là nơi cách bờ biển Úc cả 1800 cây số, có nên hiểu là một việc làm vi luật"
Đoàn Việt Trung: Trong lá thư của Ban Chấp Hành CĐNVTD/UC gửi đến Bộ Trưởng Di Trú ông Ruddock ngày 07/7, chúng tôi không dùng chữ vi luật, mà chúng tôi chỉ viết rằng hành động đưa số thuyền nhân này đến đảo Christmas là "không phù hợp với tinh thần của đạo luật Di Trú", do đó CĐNVTD yêu cầu ông Ruddock đưa họ vào tạm trú trong nội địa Úc. Còn cáo buộc chính phủ Úc phạm pháp là một việc nghiêm trọng, chúng tôi cần phải hội ý với các luật sư rành về Luật Di Trú trong thời gian sắp tới để coi có cơ sở chắc chắn cho quan điểm này không.
SGT: Ông nghĩ việc làm đó của chính phủ Úc, nhằm mục đích gì"
Đoàn Việt Trung: Cả Thủ Tướng Howard lẫn Bộ Trưởng Ruddock đã đã tuyên bố rằng chính quyền muốn dằn mặt các thuyền nhân khác để họ đừng tưởng là chính sách ngăn chặn thuyền nhân của Úc đã trở nên dễ dãi hơn. Ông Howard còn đi xa hơn, ông nói là sẽ làm vậy dù ngân sách có tốn bao nhiêu đi nữa.
SGT: Một trong những luật sư nổi tiếng tranh đấu cho nhân quyền và quyền lợi của người tỵ nạn tại Melbourne là luật sư Eric Vadarlis đã cho rằng, hành động dùng chiến hạm chặn một chiếc thuyền con không có võ trang cách bờ biển Úc có 3 cây số, buộc họ phải lên chiến hạm rồi trở lại một hòn đảo cách đó 1800 cây số là hành động cướp biển. Luật sư Eric Vadarlis cũng khẳng định, những thuyền nhân trên chiếc thuyền Hào Kiệt phải được đưa vô lãnh thổ Úc để được xét xử (It's really piracy on the high seas. They should be turned around and brought to mainland Australia and processed in Australia.). Ông nghĩ sao về nhận định này"
Đoàn Việt Trung: Thưa, ông Vadarlis nói đúng, chính quyền Úc đã quá nặng tay. Nhiều người ở Úc và trên thế giới sẽ khó quên hình ảnh trên báo chí, một chiếc thuyền nhỏ xíu, bị một tàu chiến khổng lồ chặn và áp tải. Chặn các con tàu buôn lậu của Bắc Hàn thì chưa làm, nhưng chặn thuyền con chứa những thuyền nhân đang cầu cứu, thì Canberra đang hăng say làm.
Và điều ông Vadarlis đòi hỏi là mang họ vào nội địa Úc, là hợp lý. Bởi vì, nếu đặt ra 2 vùng, mà người đến vùng nội vi cũng bị đem ra các hải đảo xa xôi như người đến vùng ngoại vi, thì chia vùng để làm gì" Ngoài ra, việc mở lại trại giam trên đảo Christmas để cầm giữ họ sẽ rất tốn kém so với các trại trong nội địa.
SGT: Việc chính phủ Úc giam giữ 53 thuyền nhân tại một hòn đảo cách bờ biển Úc 1800 cây số sẽ gây rất nhiều khó khăn cho họ trong việc nhận trợ giúp luật pháp cũng như trợ giúp nhân đạo từ các hội từ thiện, cũng như của cộng đồng người Việt tại Úc, phải không thưa ông"
Đoàn Việt Trung: Tôi nghĩ ngoài mục đích tránh né việc thuyền nhân xin kháng cáo chiếu theo Luật Di Trú, việc đặt ra các vùng ngoại vi cũng là để cô lập thuyền nhân, khiến cho giới truyền thông, các vị dân biểu nghị sĩ, các tổ chức và cá nhân muốn giúp đỡ họ sẽ bị khó khăn và tốn kém. Cuối tuần qua bà Trần Thủy Phụng từ Melbourne qua Perth để thăm chồng là ông Nguyễn Văn Hoà đang bị giam trong tù. Khi tôi hỏi bà Phụng là sau này có đi đảo Christmas không nếu Bộ Di Trú bằng lòng để tôi và bà đến thăm thuyền nhân, thì bà tỏ vẻ khổ tâm. Theo tôi biết thì thỉnh thoảng bà làm việc ở nông trại, hiện bà đang túng thiếu, phải khó khăn lắm mới có tiền bay qua Perth thăm chồng. Qua đến Perth, bà Phụng đã được anh Phạm Quốc Hiệp, Tổng Thư Ký của BCHLB, và bà Trần Mỹ Điệp và ông Vũ Ngọc Thọ là đại diện một số hội đoàn ở Tây Úc lo chỗ ở và đưa đón giúp đỡ bà tận tình.
SGT: Trong bản tin CĐNVTD/UC ngày 5 tháng 7 vừa qua, ông có đề cập đến việc giới thiệu luật sư thiện nguyện để đại diện cho những người Việt trên chiếc thuyền Hào Kiệt. Xin hỏi việc đó đã xúc tiến đến đâu"
Đoàn Việt Trung: Hiện nay chúng tôi đã tìm được một vị luật sư người Úc ở Perth cho ông Hoà, và một vị trạng sư Úc. Cả hai ông đều có nhiều kinh nghiệm, và đều làm việc miễn phí. Còn về số 53 người trên đảo Christmas, Bộ Di Trú đang mướn một hãng luật sư để đại diện cho họ trong việc xin tỵ nạn. Nếu sau này họ bị Bộ Di Trú đánh rớt thanh lọc mà chúng ta tin là họ bị rớt oan, thì cũng sẽ cần tìm luật sư giúp họ kháng án lên tòa trên.
SGT: Cũng trong bản tin CĐNVTD/UC tuần trước cho biết là theo thân nhân của ông Hoà, người mà chính quyền Úc truy tố với tội danh tổ chức chuyển người, thì ông Hoà từng bị chế độ CSVN tra tấn và tù đày. Ông về Việt Nam hồi tháng 3, khi việc thả truyền đơn bị bại lộ thì ông và những người cùng làm việc thả truyền đơn với ông, và gia đình họ, xuống thuyền vượt biên. Thưa ông, nếu điều này là sự thật, thì chắc chắn họ phải được công nhận là những người tỵ nạn"
Đoàn Việt Trung: Nếu người nào hoạt động đòi tự do dân chủ cho VN, rải truyền đơn, bị lùng bắt, rồi phải vượt biển tầm trú cùng với những người cùng hoạt động với ông ta, thì Úc nên cho họ quy chế tỵ nạn vì điều đó hợp lý. Chúng tôi mong Bộ Di Trú Úc cho điều tra một cách đứng đắn và phán xét công minh về tư cách tỵ nạn, nếu có, của những thuyền nhân trên thuyền Hào Kiệt. Nhưng tôi đã từng thấy Bộ Di Trú, và cả RRT, có một số quyết định hết sức vô lý. Có trường hợp người tầm trú bị Bộ Di Trú bác đơn với lý do là "Việt Nam bây giờ là một thành viên của Ủy Hội Nhân Quyền LHQ, vậy thì tất nhiên tình hình nhân quyền tại VN đã có cải thiện". Thưa, Libya, với thành tích vi phạm nhân quyền, cũng là thành viên của Ủy Hội này! Trong một trường hợp khác thì RRT trích điều khoản trong luật hình sự của CSVN nói rằng "tội" vượt biên 2 lần chỉ bị phạt tù 2 năm. RRT không những chấp nhận chuyện chế độ CSVN đã coi thường luật tị nạn quốc tế khi cho rằng đi tầm trú là "tội", mà lại còn dựa vào bộ luật của Đảng CSVN để kết luận là người tầm trú kia nói bị tù 5 năm là phóng đại, để bác đơn xin tị nạn của họ. Ngay cả chánh án Michael Kirby của Toà Tối Cao cũng từng viết trong một vụ án kia rằng RRT là một "charade", một màn trình diễn. Tháng Tư vừa qua, tôi viết một bài bình luận được đăng trên nhật báo Herald Sun để chỉ trích rằng hệ thống RRT bất công tận gốc rễ. Các viên chức RRT là do Bộ Trưởng Di Trú mướn và sa thải, những ai cãi lại chính sách của Bộ Trưởng thì đã không ở đó lâu.
Tháng trước tôi viết thư đến Toà Án Liên Bang, trình bày rằng viên chức RRT thì rành rọt về luật pháp Úc, mà lại không cho người tầm trú được có luật sư đại diện là một sự bất công. Vừa sẵn có lòng nghi ngờ người tầm trú, nhiều viên chức RRT lại vừa tỏ vẻ hoàn toàn tin tưởng vào những gì Bộ Ngoại Giao Úc và nhà nước VN nói, thì lại càng thêm bất công. Vì Bộ Di Trú và RRT đã có thành tích bất công, nên tôi rất mừng là những thuyền nhân này sẽ có quyền xin toà án tái xét nếu họ bị đánh rớt thanh lọc oan.
SGT: Thưa ông, nếu 53 thuyền nhân được công nhận tư cách tỵ nạn thì việc ông Nguyễn Văn Hòa về VN để đưa 53 người lên thuyền vượt biên đâu có thể bị truy tố về tội buôn bán người bất hợp pháp (people smuggling)" Trái lại, ta phải đánh giá ông ta là một anh hùng"
Đoàn Việt Trung: Một luật sư vừa cho tôi hay rằng theo điều khoản 73.3 của đạo luật Criminal Code Act 1995 về tội chuyển lén người, tức people smuggling, thì để buộc tội ông Hòa, chính quyền Úc chỉ cần chứng minh rằng ông ta đã tổ chức hay góp phần để giúp chiếc thuyền đến được Úc, và rằng ông ấy được "hưởng lợi" (nguyên văn là "benefit", không nhất thiết là phải lấy tiền của khách). Nếu đúng vậy, thì có lẽ thuyền nào cũng có people smuggler vì thuyền nào cũng phải có thực phẩm, nhiên liệu, người lái, người sửa máy v.v. Khi dự luật này được bàn cãi ở Thượng Viện thì TNS Barney Cooney (Lao Động, Victoria) phản đối điểm này, nhưng dự luật vẫn được TV thông qua. Ông Hòa có phải là "anh hùng" hay không, và 53 thuyền nhân kia có lý do chính đáng để xin tỵ nạn hay không, chúng tôi chưa dám vội kết luận, mà còn phải tìm hiểu thêm. Nhưng dù câu trả lời như thế naò đi nữa, thì trong tương lai vẫn có thể có thuyền nhân Việt đến Úc, Mã Lai v.v. để xin tị nạn. Và ngoài thuyền nhân Việt, cũng có thuyền nhân khác nữa. Vì chính quyền Úc có sức mạnh quá lớn so với thuyền nhân, nên có thể xảy ra việc hành xử quá lố. Vì vậy cần phải lên tiếng về mặt nguyên tắc, về cách thức đối xử với người tầm trú đến Úc bằng đường biển nói chung, chứ không chỉ riêng với người Việt.
SGT: Thưa ông, những lời tuyên bố gần đây của tổng trưởng di trú Úc, Philip Ruddock sai lầm như thế nào trên phương diện luật pháp" Lời tuyên bố đó ảnh hưởng ra sao khi nhân viên của bộ di trú xét xử tư cách tỵ nạn của những thuyền nhân"
Đoàn Việt Trung: Ông Ruddock tuyên bố rằng gần đây những người tầm trú từ Việt Nam, bằng thuyền hay máy bay, phần lớn là di dân kinh tế. Tuy ông không nói thẳng, nhưng dụng ý ám chỉ thuyền nhân trên chiếc Hào Kiệt khá rõ ràng. Trong lá thư ngày 07/7, BCH chúng tôi đã nêu lên với ông Ruddock 2 mối quan ngại. Một là ông đã tỏ vẻ như có thành kiến và đã phán xét trước khi Bộ Di Trú lấy lời khai về trường hợp của họ. Hai là lời tuyên bố của ông sẽ làm các viên chức thanh lọc sẽ cảm thấy khó xử, vì nếu ban cho họ quy chế tỵ nạn là làm mất mặt Bộ Trưởng của mình. Trong lá thư, BCHLB yêu cầu ông khuyến cáo viên chức của ông phải làm việc công minh.
SGT: Như ông từng trình bầy về thực trạng vi phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo của chính quyền CSVN, vậy xin hỏi, những nhân viên của bộ di trú khi đến đảo Christmas Island phỏng vấn các thuyền nhân, họ có được những kiến thức cần thiết về tình trạng vi phạm nhân quyền tại VN hiện nay hay không"


Đoàn Việt Trung: Những viên chức đó là ai thì tôi chưa biết, nhưng nói tổng quát thì Bộ Di Trú không có sự hiểu biết sâu rộng về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. BCHLB cũng đã viết thư để nói rằng CĐNVTD sẵn sàng giúp viên chức Bộ hiểu rõ hơn, bằng cách cung cấp một số tài liệu, hoặc bằng cách gởi người đến thuyết trình nếu Bộ có các khoá huấn luyện viên chức thanh lọc. Chúng tôi chưa biết họ có sẽ chấp nhận lời đề nghị của CĐNVTD hay không.
Thưa ông, tôi cũng xin nêu lên một khía cạnh khác của vấn đề. Việc thuyền nhân Việt đến Úc làm cho nhiều người dân Úc thắc mắc là tình hình nhân quyền ở Việt Nam hiện nay ra sao. Vì vậy, khi BS Nguyễn Mạnh Tiến, Chủ Tịch CĐNVTD/NSW, và tôi lên tiếng trên truyền thông Úc về thuyền nhân Hào Kiệt, thì chúng tôi cũng nhân đó nói về các vụ đàn áp ở Việt Nam. Chúng tôi đã nói chuyện với đài truyền hình số 10, SBS, các đài phát thanh Triple J, 2SM, 3AK, SBS, ABC, các báo The Age, The Australian, Daily Telegraph, các thông tấn xã Reuters và AAP, v.v. Ngoài ra, trên một bài quan điểm trên báo The Age vào ngày 03/7, chúng tôi phổ biến một cách chi tiết tin tức về việc giam giữ HT Thích Quảng Độ, LM Nguyễn Văn Lý, việc Hà Nội đàn áp đồng bào người Thượng v.v. Và chúng tôi nói rằng tình hình nhân quyền ở VN còn rất tồi tệ, cho nên rất có thể vẫn có những người vì bị đàn áp nên buộc phải trốn khỏi nước, do đó phải cứu xét họ một cách kỹ lưỡng và công bằng, chứ không nên có thành kiến cho rằng tất cả đều là tỵ nạn kinh tế.
SGT: Cảm ơn thì giờ qúy báu của ông. Cuối cùng, xin hỏi ông, tương lai của 53 thuyền nhân và anh Nguyễn Văn Hòa sẽ ra sao" BCH Cộng đồng người Việt liên bang và người Việt nói chung nên làm gì để giúp đỡ họ"
Đoàn Việt Trung: Trong một nước, chính quyền là thế lực mạnh nhất, vì họ có nhân viên và có ngân sách quốc gia. Những người tầm trú như nhóm thuyền nhân Hào Kiệt là thế lực yếu nhất, vì họ thấp cổ bé miệng và không có lá phiếu. Chính quyền Úc đã nói muốn trừng phạt và đối xử khe khắt với họ để dằn mặt cho thuyền nhân khác đừng tới Úc. Nếu nói nôm na thì ví như một anh chàng khổng lồ King Kong đang muốn bóp nghẹt một người nhỏ xíu để mấy người khác đừng đến quấy rầy mình. Cũng may, nước Úc là nước dân chủ nên trong xã hội có 4 thế lực khác có thể kềm chính quyền để đừng quá tay. Và BCH cũng như đồng hương đều có thể góp phần ảnh hưởng đến 4 thế lực này.
Một là tư pháp, tức là các cấp toà án. Việc đầu tiên là tìm luật sư. Hiện nay, việc này tạm xong. Trong tương lai, nếu thấy nhóm Hào Kiệt quả thật đáng được hưởng quyền tỵ nạn, bị đối xử bất công và cần phải gây quỹ để giúp đỡ họ, thí dụ để trả các án phí hay các phí tổn luật sư, chúng tôi rất mong quý đồng hương sẽ hỗ trợ.
Hai là lập pháp, nói chi tiết hơn là các đảng đối lập trong Quốc Hội. Nếu trong tương lai cần kêu gọi họ hỗ trợ, thì CĐNVTD sẽ mời gọi quý đồng hương viết thư hoặc đến gặp Dân Biểu Thượng Nghị Sĩ của mình.
Ba là truyền thông. Chúng ta cần phải lôi kéo lòng dân Úc về phiá thuyền nhân, qua một nỗ lực lên tiếng rộng lớn và trường kỳ. Những người đại diện của CĐNVTD thì tìm cơ hội để được lên tiếng trong các cơ quan truyền thông Úc, và mọi đồng hương đều có thể làm những việc như viết thư đến báo Úc (như một số người đã làm trong 2 tuần qua), hoặc nói chuyện với bạn bè ở sở làm v.v.
Và bốn là các hội đoàn Úc tranh đấu giúp thuyền nhân. Một việc làm thực tế nhất là tham gia hay hỗ trợ cho các tổ chức này, vì có thêm mình là họ có thêm sức mạnh. Quý đồng hương có thể vào website www.ajustaustralia.com để biết đến các tổ chức ở vùng mình.
Trong vài năm qua, một vài anh em chúng tôi làm việc với các tổ chức này để tranh đấu cho thuyền nhân Iran, Iraq v.v. Nhờ quen biết sẵn, nên khi vụ thuyền nhân Hào Kiệt xảy ra, họ đã giúp chúng tôi tìm luật sư cũng như tiếp tay với CĐ trong việc vận động với Quốâc Hội.
Thưa ông, việc giúp thuyền nhân Hào Kiệt, giống như mọi việc khác, phải kiên trì thì mới thành công. Nhưng vì vậy mà công việc cứ tiếp tục chồng chất. Thí dụ như, việc vận động giúp thuyền nhân ở Phi Luật Tân mấy năm nay chưa xong thì đến vụ Hào Kiệt. Việc cộng đồng thì nhiều, mà khắp nước Úc các anh chị em hoạt động cộng đồng thì làm việc không ăn lương, lo sinh kế xong thì chỉ còn chút đỉnh thời giờ, vì vậy khó có thể làm hết việc. Chúng tôi xin mời gọi mọi đồng hương hãy tích cực tiếp tay với chúng tôi trong các công việc của cộng đồng, mỗi người một việc dù lớn dù nhỏ, tùy sở thích và hoàn cảnh của mình. Xin cám ơn Sàigòn Times đã cho tôi cơ hội thưa chuyện với đồng hương.


Dân Biểu Julia Irwin Phản Đối Chính Phủ Giam Giữ 53 Thuyền Nhân tại Christmas Island

Hoàng Tuấn

CABRAMATTA: Dân biểu Julia Irwin đã công khai bầy tỏ sự bất bình đối với chính phủ Úc, đặc biệt là tổng trưởng di trú Philip Ruddock, trong việc giam giữ 53 thuyền nhân Việt Nam tại Christmas Island.
Trong cuộc gặp gỡ tại văn phòng dân biểu liên bang Julia Irwin vào chiều Thứ Sáu, 11 tháng 7 vừa qua, bà đã thẳng thắn trình bầy cùng đại diện Sàigòn Times sự phẫn nộ của bà sau khi bà tham dự chuyến viếng thăm Christmas Island. Bà cho biết, sau khi rời Sydney vào ngày 4 tháng 7, bà đã đến Christmas Island vào ngày 6 tháng 7. Lúc đó, đáng lẽ những thuyền nhân Việt Nam phải được đưa tới đảo, nhưng không hiểu vì lý do gì, đã có sự trễ nải. Vì vậy, bà đã không có cơ hội tiếp xúc và thăm hỏi các thuyền nhân.
Nhận xét về tiện nghi trên đảo dành cho thuyền nhân, bà Julia Irwin đã mô tả, mỗi phòng giam giữ 4 người, chật hẹp đến độ còn nhỏ hơn phòng giam tù. Vì vậy, bất cứ ai trong phòng cần phải thay quần áo, 3 người còn lại phải đứng chờ ở ngoài phòng giam. Tuy mỗi phòng giam đều có máy lạnh, nhưng không khí ẩm thấp. Đặc biệt, phòng ăn cho những thuyền nhân được dựng một cách sơ sài. Phòng ăn tuy có mái, nhưng bốn bề đều không có vách che. Vì vậy, nếu trời mưa to, gió lớn, chắc chắn nước mưa sẽ hắt vô, ướt át vô cùng. Bà Julia Irwin cho rằng, với điều kiện sống chật hẹp như vậy, một người bình thường khó có thể sống nổi vài ngày, nói chi đến chuyện họ phải sống ở đó đến vài tháng, thậm chí cả vài năm.
Trước việc giam giữ các thuyền nhân trên đảo Christmas Island, bà Julia Irwin khẳng định, việc giam giữ đó rõ ràng thiếu nhân đạo, gây tốn kém cho ngân qũy quốc gia, lại vừa phi lý. Theo bà, nếu chính phủ đã có những luật lệ quy định về khu di trú trên mặt biển, thì một khi những thuyền nhân Việt Nam [trên chiếc thuyền Hào Kiệt] đã vô cách bờ biển chỉ vài cây số, đáng lẽ họ phải được đưa vô đất liền, chứ không thể đầy họ lên một hòn đảo cách duyên hải Úc cả 1800 cây số. Bà cũng khẳng định, nếu những người trên thuyền [Hào Kiệt] không phải là người Việt mà là người Anglo-Saxon, chắc chắn chính phủ đã không đối xử với họ tệ hại đến như vậy.
Bà Julia Irwin cũng chân thành bầy tỏ sự lo ngại, cách hành xử cùng những lời phát biểu của chính phủ sẽ vô hình chung tạo nên những thành kiến, ảnh hưởng đến quá trình xét xử tư cách tỵ nạn của 53 thuyền nhân. Hậu quả, có thể những thuyền nhân thực sự là những người tỵ nạn, sẽ bị buộc phải trở lại Việt Nam, và khi đó, họ sẽ bị chế độ CSVN đối xử tàn nhẫn.
Cuối cùng, bà Julia Irwin cũng hứa, một khi quốc hội liên bang tái nhóm vào tháng tới, bà sẽ trình bầy trước quốc hội sự bất bình của bà về sự đối xử hà khắc của chính phủ đối với 53 thuyền nhân trên chiếc thuyền Hào Kiệt.
Bà Julia Irwin là dân biểu liên bang vùng Fowler, nơi có tỷ lệ người Việt đông nhất nước Úc. Suốt thời gian qua, bà luôn luôn quan tâm và hậu thuẫn những vấn đề được người Việt tỵ nạn CS lưu tâm như đấu tranh chống CSVN bách hại tôn giáo, để giành tự do dân chủ tại Việt Nam.
Thái độ phẫn nộ của bà Julia Irwin đối với chính phủ của thủ tướng John Howard là hoàn toàn hợp lý. Vì như chúng ta đã biết, trong khi điều 14 của bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền xác nhận quyền xin tỵ nạn của bất cứ công dân nào, tại bất cứ quốc gia nào, chính phủ Úc trong thời gian gần đây đã thông qua những đạo luật, cho phép chính phủ ngang nhiên giam cầm người tầm tỵ vô hạn định trong những điều kiện vô cùng khó khăn. Thực tế cho thấy, có nhiều phụ nữ, thậm chí ngay cả trẻ em, đã bị chính phủ Úc giam giữ suốt nhiều tháng, nhiều năm, cho đến khi họ được chính phủ Úc cấp chiếu khán, hoặc bị trục xuất khỏi nước Úc.
Là quốc gia tự do dân chủ, luật pháp của Úc thừa nhận, bất cứ ai cũng đều được coi là vô tội cho đến khi được tòa án và bồi thẩm đoàn xét xử là có tội. Điều này có nghĩa, khi những người tầm tỵ đến Úc, trong khi tư cách tỵ nạn của họ chưa được xét xử một cách tường tận, đáng lẽ luật pháp Úc phải tạm coi họ là những người được quyền sống như một người tỵ nạn, và phải đối xử với họ như những con người. Trái lại, trên thực tế, với luật pháp của Úc hiện nay, chúng ta đã đối xử với người tầm tỵ còn tệ hơn là đối xử với những tội phạm.
Hậu quả, trong thời gian qua, nhiều cơ quan thuộc LHQ, nhiều tổ chức nhân quyền trên thế giới, nhiều chính phủ của các quốc gia, thậm chí ngay cả nước Cộng Hòa Nam Phi, cũng đều lên tiếng phản đối chính sách hà khắc của chính phủ Úc đối với những người tầm tỵ.
Hy vọng, tiếng nói của dư luận Úc, của những người Úc có lương tâm, trong đó có dân biểu Julia Irwin, sẽ khiến chính phủ Úc tái xét những luật lệ hà khắc, để có được những chính sách mềm mỏng, hợp tình, hợp lý và nhân đạo đối với những người tầm tỵ, bất kể họ đến từ đâu, vào bất cứ thời điểm nào.

MỘT MIẾNG KHI ĐÓI BẰNG GÓI KHI NO! - BÁO SÀIGÒN TIMES KÊU GỌI ĐỒNG HƯƠNG GIÚP ĐỠ 53 THUYỀN NHÂN
Tuần Báo Sàigòn Times Úc Châu tha thiết kêu gọi qúy độc giả khắp nơi trên thế giới, vì tình đồng bào, nghĩa tỵ nạn, xin hãy giúp đỡ 53 thuyền nhân hiện đang bị giam giữ tại Christmas Island bằng cách gửi sách, báo, video, đồ chơi cho trẻ em, hoặc quần áo (nhớ không gửi đồ ăn) về địa chỉ: DIMIA, Christmas Island IRPC, Vagabond Road, Phosphate Hill, Christmas Island, INDIAN OCEAN 6798, AUSTRALIA. Sự giúp đỡ của qúy vị không những sưởi ấm lòng người trong cơn hoạn nạn, mà còn góp phần giúp chính phủ Úc thấy được sự quan tâm và lòng nhân ái của cộng đồng người Việt đối với những đồng hương hiện đang bị chính phủ Úc giam giữ.


NGƯỜI TỴ NẠN VƯỢT QUA THỬ THÁCH ĐẦU

CANBERRA: 53 người Việt tỵ nạn trên chiếc Hào Kiệt đã vượt qua được thử thách di trú đầu tiên và đang tiến hành thủ tục xin cấp “chiếu khán bảo vệ tạm thời” - temporary protection visa - (có nghĩa là được nhận là người tỵ nạn) hầu được tự do sinh sống trong xã hội.
Theo ký giả Patricia Karvelas của nhật báo The Australian ngày 15/7 vừa qua thì nhân viên di trú, sau khi thẩm vấn sơ khởi những người tỵ nạn hiện đang bị giam giữ ở đảo Giáng Sinh, đã quyết định rằng đa số đều được quyền cứu xét đơn xin tỵ nạn chính trị chiếu theo những bổn phận của Úc theo công ước quốc tế về người tỵ nạn. Những quyết định này là một gáo nước lạnh tạt vào lời tuyên bố trước đây của TT di trú Philip Ruddock rằng họ là di dân kinh tế.
Trong tuần này, một toán luật sư và thông ngôn thuộc chương trình Cố Vấn và Trợ Giúp Làm Đơn Di Trú (Immigration Advice & Application Asisstance Scheme), sẽ đến đảo để giúp cho 24 người đàn ông, 13 phụ nữ và 16 treœ em chuẩn bị hồ sơ chi tiết hơn để được cứu xét tỉ mỉ hơn.
Tổng Giám Đốc Hội đồng Tỵ Nạn Úc Châu (Refugee Council of Australia), bà Margaret Piper, cho biết rằng việc những người tỵ nạn này vượt qua được buổi sơ thẩm là một việc có tầm vóc đáng kể. Bà nói: “Họ đã được xác nhận không phải là di dân kinh tế và đã được thẩm định có quyền xin sự bảo vệ của Úc. Họ sẽ được quyền nộp đơn xin tỵ nạn và đơn của họ sẽ được cứu xét, và tôi nghĩ rằng họ sẽ nhận được kết quả nhanh chóng”.
Nếu thành công, họ sẽ được cấp chiếu khán, nếu thất bại, họ có quyền khiếu nại lên Refugee Review Tribunal. Bà Piper nói thêm: “Họ đã được xác định là những người tầm tỵ đích thực. Chuyện này không có nghĩa là họ đã được chấp nhận tư cách tỵ nạn, nhưng đây là một bước tiến quan trọng. Họ đã vượt qua được chướng ngại đầu tiên và không phải ai cũng vượt qua được chướng ngại này”.
Philip Ruddock cũng xác nhận như trên vào ngày thứ Sáu 11/7 vừa qua, trước khi lên phi cơ đi Luân đôn và Bangladesh, ông nói: “Tôi được báo cáo rằng những chi tiết được cung cấp trong buổi thẩm vấn sơ khởi đã được nhân viên của bộ thẩm định phiến diện (prima facie) cho thấy họ có quyền kêu gọi bổn phận bảo vệ của chúng ta, và do đó, đơn xin của họ sẽ được cứu xét kỹ lưỡng hơn chiếu theo luật pháp của chúng ta”.
Ông Đoàn Việt Trung, chủ tịch CĐNVTD/UC đã hân hoan lên tiếng đón nhận tin vui này. Ông cho biết ông nghĩ rằng người tỵ nạn đã phải bỏ nước ra đi vì bị đàn áp, bắt bớ bởi vì “tình hình vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam”. Ông Trung cũng nói thêm rằng ông hy vọng những người tỵ nạn này sẽ được đối xỬ một cách công bình. Ông cũng lập lại lời yêu cầu trước đây rằng những người này nên được chuyển về một trại tạm giam người tầm tỵ trên đất liền. Ông cũng yêu cầu TT Ruddock chấp thuận cho CĐNVTD/UC được quyền viếng thăm họ.
Hôm Chủ Nhật vừa qua bà Trần Thủy Phụng đã bay từ Melbourne sang Perth để thăm nuôi ông Nguyễn Văn Hòa trong tù. Bà một lần nữa khẳng định rằng chồng bà không phải là một tên buôn người.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.