Hôm nay,  

Nói Chuyện Với Hà Bỉnh Trung: Kỷ Niệm 50 Năm Cầm Bút

02/05/200100:00:00(Xem: 3942)
Lời Tòa soạn : Nhà văn, Nhà thơ Hà Bỉnh Trung , kỷ niệm 50 cầm bút của ông hôm 6-5-2001 tại Virginia bằng những sinh hoạt văn nghệ và triển lãm 20 Tác phẩm đã xuất bản từ 1952. Ông sinh ngày 15-9-1922 tại Ninh Bình, Bắc Việt. Cựu Chủ bút Tuần báo Quê Hương (Hà Nội, 1951-1952), cựu Chủ bút Tạp chí Đà Lạt Tiến (báo Quân trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt, 1954-1955), cựu Chủ bút Tạp chí văn học Cỏ Thơm (Virginia, 1996). Hiện nay ông là Chủ tịch Câu lạc bộ Văn Học - Nghệ thuật vùng Hoa Thịnh Đốn và là Chủ bút Tạp chí Văn học Kỷ Nguyên Mới (Virginia, từ 2000).

*
Cuộc đời cầm bút của ông có rất nhiều thăng trầm và chia cắt với bằng hữu, trong đó có Thế Lữ , Nguyễn Tuân, Ngọc Hoàng và Quang Dũng.

Để đánh dấu sự nghiệp của một Nhà văn, Nhà thơ chúng tôi xin giới thiệu cuộc phỏng vấn ông của Nhà báo Phạm Trần, đồng thời cũng để chia sẻ với Bà Hà Bỉnh Trung về cuộc sống với một người chồng Nhà văn :

H.- Tại sao anh viết văn "

Đ.- Tôi không biết có phải viết văn là một năng khiếu mà Trời đã ban cho mình hay không, nhưng tự nhiên thì lúc còn nhỏ tôi thiên về văn. Chung quanh tôi thì những người bạn lớn tuổi hơn hay bằng tuổi thì toàn là những người thích văn chương. Thứ hai nữa là, lúc lớn lên thì phong trào văn chương của Việt Nam đang mở ra một con đường mới rất phong phú, nối liền giữa văn hóa cổ và văn minh mới của Tây phương, lãnh đạo bởi các nhóm Nam Phong, Đông Dương Tạp chí rồi đến nhóm Hàn Thuyên và Tự l ực Văn đoàn. Nhưng tôi đã chịu ảnh hưởng rất mạnh của nhóm Tự lực Văn đoàn. Vì thế mà tôi thích theo dõi rồi mê viết văn.

H.- Anh vừa nói anh có những người bạn cùng thời với anh cũng thích văn chương thì thưa anh, trong số những người bạn của anh, đã có những người nào trở thành những nhà văn nổi tiếng không "

Đ.- Đúng ra thì có những người bạn lớn tuổi hơn thì họ đã nổi tiếng trước khi tôi quen biết họ thí dụ như : Nguyễn Tuân, Ngọc Hoàng (nhóm Tiểu thuyết Thứ Bảy) và người bạn vong niên rất quý tôi và tôi cũng coi như là đàn anh và có thể là bậc thầy là Thế Lữ . Lúc nào anh Thế Lữ ở Hà Nội về Hải Phòng là tôi đến thăm cho bằng được để nghe anh ấy nói chuyện về Thơ. Còn bạn học cùng lớp về sau này mới nổi tiếng là Quang Dũng tức Bùi Đình Diệm là bạn học ngồi cùng một bàn, cách nhau có một, hai người. Mới đầu thì anh ấy cũng chỉ là một học sinh bình thường thôi. Về sau này, tự nhiên anh ấy đi theo kháng chiến và anh ấy có những bài thơ rất nổi, nhờ phổ biến ở trong Nam chứ ở miền Bắc anh ấy không nổi tiếng bằng trong Nam. Lúc đầu thì tôi cũng chẳng biết Quang Dũng là ai ca, mãi về sau đưa ảnh ra thì bấy giờ mới nhận ra đó là bạn mình hồi 15,16 tuổi.

H.- Thưa Anh, anh vừa đề cập đến hai người bạn, một người anh coi như đàn anh và bậc thầy là nhà thơ Thế Lữ, nhưng đây là lĩnh vực Thơ còn lĩnh vực Văn thì anh chịu ảnh hưởng của ai "

Đ.- Tôi thích Khái Hưng. Tôi thích những đường văn rất là êm dịu và có tính cách lãng mạn và rất thơ của ông nhất là Tác phẩm Hồn Bướm Mơ Tiên thì tôi coi như một bài thơ văn xuôi. Do đó, Văn thì tôi chịu ảnh hưởng của Khái Hưng.

H.- Như vậy thì Thơ là bài nào anh làm đầu tiên và Truyện thì truyện nào anh viết đầu tiên "

Đ.- Truyện thì cuốn đầu tiên là Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình, in ra năm 1952 tại Hà Nội, sau khi tản cư về. Còn Thơ thì thường thường những bài thơ đầu tiên cũng không hay gì nên cứ sửa đi, sửa lại chứ không phải là nguyên văn bài thơ từ đầu. Thí dụ như bài thơ Trên Cát làm năm 1941 ở bãi biển Đông Châu, Thái Bình. Hồi mới lớn lên thì gặp cô nào cũng thấy xinh đẹp do đó mà đã có những bài thơ hơi tình tứ một tí.

H.- Thưa anh, anh vừa đề cập đến hai người bạn trong làng văn và làng thơ hồi tiền chiến. Phần đông thì hồi đó những nhà văn và nhà thơ đi kháng chiến, nhưng tại sao anh không đi kháng chiến "

Đ.- Tôi cũng có theo kháng chiến, nhưng kháng chiến theo mặt khác ví dụ như mình ủng hộ đồng bào Nam bộ là những người khởi đầu đánh Tây trước nhất; mình ủng hộ những chiến sỹ ở Nam bộ và các Thương phế binh lúc bấy giờ chạy ra ngoài Bắc. Tôi đã tham gia vào Phong trào đó và Phong trào Bình dân Học vụ chứ không có đi lính. Nếu mà mình đã đi thì phải là chỉ huy chứ không phải là cầm súng như là một người thường thì nó không đúng với trình độ và ý nguyện của mình.

Thời đó, ở trường hợp của tôi thì có muốn vào trường Lục quân Trần Quốc Tuấn thì cũng không vào được vì lúc đó họ ngả về những người có khuynh hướng tả. Về hữu thì học không thích. Hơn thế nữa, tôi sinh trưởng trong một gia đình mà lúc bấy giờ người ta gọi là Phong kiến, cổ thì không hợp với với người ta. (Chú thích : Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, do ông Hoàng Đạo Thủy -cựu Hướng đạo-đứng đầu, dưới thời chính phủ Hồ Chí Minh, có khuynh hướng nghiêng về Việt Minh để tuyển chọn ứng viên.)

H.- Cuộc đời văn nghiệp của anh nó bị cắt quãng như thế nào từ khi anh viết truyện, làm thơ cho đến khi anh di cư vào Nam rồi sang Hoa Kỳ "

Đ.- Hồi ở ngoài Bắc, lúc còn là dân sự thì cũng đi dậy học nên có thì giờ để viết, nhưng mà lúc ấy mình mới viết nên cũng dè đặt, cẩn thận lắm, không viết vội vàng nên sáng tác có phần chậm. Tuy nhiên vì lúc đó mình có tự do nên muốn viết gì thì viết và mình xuất bản ra được từ 1952. Đến năm 1953 là tôi bị động viên vào Quân đội và vào Đà Lạt rồi thành ra bị ngắt quãng sau 2 quyển xuất bản rồi. Cuốn đầu như tôi đã nói là Truyện dài Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình và cuốn Hoa Thơm, thơ dịch Pháp- Việt đối chiếu. Sức sáng tác và xuất bản của tôi bị ngắt quãng trong thời gian thụ huấn quân sự ở Đà Lạt rồi, sau khi đất nước chia đôi năm 1954, tôi phải ở lại luôn miền Nam.

Hồi ở Quân đội, lúc đầu tôi ở ngành Chiến tranh Tâm lý về sau đi Mỹ về thì chuyển sang ngành Quân huấn nên không có dịp họat động về văn chương mấy, chỉ thỉnh thoảng có những bài Thơ hay Kịch thơ thì gửi đăng báo Quân đội vậy thôi. Đúng ra thì ở trong Quân đội, muốn hoạt động về Văn hóa - Văn học phải có giấy phép của Bộ Quốc phòng, nếu không thì bị cấm. Do đó mà tôi chỉ có thể sáng tác cất đi, để giành, lúc nào thuận tiện thì mình xuất bản. Ví dụ như những Truyện hay Thơ mà có tính cách lãng mạn thì không hợp với thời kỳ chiến tranh, sợ làm nản lòng các chiến sỹ ở tiền tuyến nên tôi không muốn xuất bản. Lúc đó tôi quan niệm rằng nếu có xuất bản thì cũng chỉ nên xuất bản những Truyện viết về quân đội và có nội dung kích thích tinh thần Quân đội thì hãy nên xuất bản, nếu không thì không có lợi cho cuộc chiến đấu,chiến tranh ý-thức-hệ mà mình đang phải đương đầu.

Vì vậy mà trong suốt 20 năm ở miền Nam tôi chỉ xuất bản được có 2 quyển đó là tập Anh Hoa, thơ dịch Anh- Việt đối chiếu, và quyển Truyện dài Những Ngả Đường, rồi ngắt quãng cho đến năm 1975.

H.- Từ ngày anh sang Mỹ thì động lực nào đã thúc đẩy anh viết văn trở lại và anh đã có bao nhiêu Tác phẩm, kể cả Thơ và Truyện "

Đ.- Khi sang Mỹ thì tôi cũng mang theo được một số lớn các tác phẩm viết sẵn ở Sài Gòn nhưng chưa có dịp xuất bản vì không có phương tiện thì đúng hơn. Lúc đầu còn phải đi kiếm ăn nên không giám bỏ tiền ra xuất bản. Sau này, nhờ được sống trong một nước có tự do tuyệt đối và có phương tiện nhiều hơn về in ấn nên bắt đầu cứ mỗi năm thì tôi cho in một quyển. Cho tới ngày hôm nay (10-3-01) , kể cả 4 cuốn đã xuất bản ở Việt Nam thì tôi đã xuất bản được 17 tập. Năm nay tôi sẽ in 3 tập nữa. Tổng số từ 1952 đến 2001 là 20 quyển.

H.- Anh vừa nói cuộc chiến mà chúng ta đã trải qua đã hạn chế sự phổ biến của các Văn nghệ sỹ thì thưa anh, cuộc chiến đó ai cũng biết đã ảnh hưởng đến tinh thần của mọi người, nhưng đối với các Văn nghệ sỹ thì có lẽ đã ảnh hưởng rất lớn đến sự xúc động của con tim, khối óc khi họ sáng tác. Vậy những tác phẩm được viết ra bởi những con tim ấy, vì lý do này lý do khác, đã không được xuất bản vì lý do chính trị thì điều này có làm anh bực rọc, khó chịu không " Nếu anh băn khoăn, khó chịu thì anh đổ lỗi cho ai "

Đ.- Điều đó tôi cũng rất khó chịu. Nhưng vào thời gian đó, có những tác phẩm xuất bản đã có ảnh hưởng đến tinh thần của quân đội, không nhiều thì ít, trong khi những người ở hậu phương , sống trong cảnh phù hoa đô hội mà người lính thì ở nơi tiền đồn, rừng sâu một mình mà đọc những truyện ủy mị quá thì họ nhớ nhà, kém tinh thần đi. Do đó là một yếu tố vô tình phản chiến cho nên quân đội của miền Nam thua mau, một phẩn cũng do văn hóa, nhất là những bài Nhạc có nội dung rất là phản chiến. Nhưng tôi không dám đổ lỗi cho ai bởi vì lúc đó tâm trạng của những người viết Văn, làm Nhạc -nói chung là làm văn hóa-thì thấy cuộc chiến tranh kèo dài quá lâu và sống quá khổ về tinh thần thì người ta viết lên thế thôi. Nếu mà lúc đó mình cũng dùng biện pháp kiểm duyệt gắt gao,cấm cho ra thì cũng chẳng khác gì những người ở ngoài Bắc lúc ấy họ cấm những thơ hay nhạc ủy mị. Do đó mà mình thấy rõ là Văn hóa ở trong Nam tiến rất mạnh và rất phong phú hơn miền Bắc nhiều bởi vì có tự do. Cái giá của tự do cao như vậy đấy.

H.- Thưa anh, là một Nhà văn thì chắc là anh cũng theo dõi sinh hoạt của các Nhà văn, mới cũng như cũ, ở hải ngoại sau 1975. Anh có thể chia ra được những khuynh hướng của họ không , Thơ cũng như Văn "

Đ.- Nói về Văn thì đa số hay nói trở lại cuộc chiến. Cũng có những Nhà văn viết chống Cộng, nhất là những chuyện xẩy ra dưới chế độ Cộng sản sau 1975 như Nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn thì đa số Tác phẩm của anh ấy là nói về đời sống dưới chế độ Cộng sản nên rất ăn khách. Hoặc như Nguyễn Mộng Giác thì viết về chiến tranh Việt Nam. Một số thì viết về hồi ký, về biên khảo. Nói về Tiểu thuyết, tức là hư cấu, thì rất ít người viết. Về thơ thì đa số nghiêng về trữ tình, lãng mạn vì bây giờ thời bình rồi. Vì ở một xứ tự do mà nói về chiến tranh thì cũng vừa phải thôi, nếu nói nhiều thì người ta cũng chán. Chỉ có vấn đề tình cảm thì luôn luôn trong lòng người nào cũng có tình yêu, cũng có tình cảm cả nên đa số có vẻ ưa thích thơ về trữ tình, lãng mạn.

Ngay đến ở trong nước bây giờ người ta cũng phải chuyển qua thơ tình. Có thể nói là đại đa số những bài thơ ở trong nước bây giờ cũng phải ngả về tình cảm chứ không còn những bài cứng nhắc nghe không có lọt tai như trước nữa.

H.- Thưa anh, các Nhà văn ở hải ngoại đã thật sự viết về cuộc sống của mình ở hải ngoại chưa "

Đ.- Đúng như vậy. Tôi thấy rất ít người nói về cuộc sống của mình ở hải ngoại. Đa số cũng có ý muốn tìm một con đường mới lạ hơn nhưng rồi họ cũng lại trở về những chuyện ở trong nước nhiều hơn, tức là đời sống đã qua rồi, chứ còn đời sống hiện tại thì rất ít người đề cập tới.

H.- Thưa anh tại sao như vậy"

Đ.- Có thể vì cái tình hoài hương vẫn còn rất mạnh, vẫn còn nhớ về những quá khứ của mình, quá khứ vàng son hay đau thương của mình lúc mình ở trong nước nên bây giờ muốn kể lại và đặt mình vào trong khung cảnh ở trong nước nhiều hơn là ở ngoài.

H.- Thưa anh, các tác phẩm có giá trị về lịch sử thì thường tường thuật lại cuộc sống ở một giai đoạn lịch sử nào đó. Nhưng, từ năm 1975 cho đến bây giờ, như anh nói, chưa có tác phẩm nào của các nhà văn nói nổi lên cuộc sống hiện tại. Tỷ dụ như : tình trạng gia đình, văn hóa xã hội bị thay đổi; phong tục tập quán cũng phần nào bị thay đổi vì do ảnh hưởng bởi nền văn hóa của các nước tạm dung. Cũng như tình trạng ly dị, ly thân, giáo dục con em đã thay đổi nhiều quá, vậy tai sao các Nhà văn không nhìn thấy và viết về những khía cạnh này "

Đ.- Tôi nghĩ là cũng chỉ là một thời gian nào đó thôi. Nếu mà các nhà văn hiện giờ có viết về tình trạng và hoàn cảnh của mình ở trong nước ngày xưa thì đó cũng là một cách ghi lại một giai đoạn lịch sử để cho các thế hệ sau này biết là những người đã sống trong thời gian đó cảm nghĩ như thế nào và đã có những kỷ niệm đau khổ của những người dân thường như thế nào thì tôi thấy việc đó cũng rất có ích.

Tuy nhiên tôi nghĩ, cũng đến lúc các nhà văn ở đây sẽ viết về những hoàn cảnh, lối sống ở đây và văn hóa Âu-Mỹ đã có ảnh hưởng như thế nào và những người di tản qua đây đã sống như thế nào. Những người tị nạn về lý do kinh tế khác với di tản về chính trị. Có nhiều hoàn cảnh khác nhau mà tôi nghĩ các nhà văn sau này có thể ghi lại giai đoạn, có thể gọi là lịch sử, của người Việt tị nạn hay di cư qua đây để sống.

H.-Thưa anh, vấn đề sinh hoạt của Thơ và Văn bây giờ ở trong nước như thế nào "

Đ.-Tôi thấy là so với trước thì khá hơn nhiều. Thí dụ như về Thơ thì trước đây chỉ độ 10 phầm trăm là nghe được thôi. Còn toàn những Thơ sắt máu, thù hận, một chiều thành ra khô khan. Ngay đến Nhạc cũng thế, ngày xưa họ hát theo lối Opera của Tàu, của Nga rú lên nghe rất chối tai. Bây giờ họ cũng phải chuyển sang Nhạc dịu để rung vào tâm hồn người nghe. Riêng về mặt Nhạc thì họ đã thay đổi rất nhiều, trông thấy rõ ràng và cũng có nhiều bài rất hay. Thơ cũng thế, tất nhiên là họ cũng phải chuyển qua hướng đó mới có người đọc chứ trước thì họ có lối bao cấp, nhà nước cấp tiền cho in nên đã in ra mỗi cuốn cả chục ngàn cuốn mà tiêu thụ cũng hết vì họ phân phối cho các Ty thông tin-Văn hóa phổ biến cho dân chúng đọc. Ai không đọc thì lấy giấy gói kẹo hay dùng vào việc gì cũng được.

Tuy bây giờ, đã hết được Nhà nước bao cấp in phát không và dù đã thay đổi như vậy mà mỗi đầu sách (mỗi cuốn) như Thơ cũng chỉ in ra giỏi lắm 500 cuốn và Truyện từ 500 đến 1000 cuốn là nhiều. Đối với một dân số, bây giờ ở trong nước gần 80 triệu người, mà chỉ in được có bằng ấy trong khi ở ngoài nước, tất cả trên thế giới, mình có khoảng 2 trịêu người di tản mà mình cũng in Thơ 500 hay Truyện 1000 cuốn thì tôi thấy số độc giả ở trong nước rất là yếu, không hơn gì 2 triệu người mình ở trên toàn thế giới. Nhưng nếu so với 2 triệu người mình ở ngoài này với số sách mỗi cuốn xuất bản có 1,000 cuốn thì tôi thấy số người đọc của mình ở ngoài này cũng quá yếu.

Về Văn thì cũng có những Truyện (Tiểu thuyết), có thể nói là một nửa, thường thường viết về đời sống ở trong nước, phản ảnh tình trạng xã hội hiện nay bị ảnh hưởng, suy sụp nhiều vì chiến tranh. Một số ít, gọi là "Nhà văn phản kháng" thì những truyện của họ cũng nói về cái xấu, khuyết điểm của chế độ trong cuộc chiến tranh. Loại truyện này rất ăn khách, nhưng ở trong nước thì sách của họ bị bị kiểm duyệt hay bị cấm, khi lọt ra ngoài nước thì rất được hoan nghênh và nhiều người đón đọc. Còn những người không dám phản kháng thì chỉ viết theo chung chung, cũng gần như đóng khung , tuy có thêm một chút tự do nhưng rất ngặt nghèo về chính trị nên không được phát biểu đúng cái ý nghĩ, cảm giác của mình đã bị chôn giấu rất nhiều.

H.- Nói về chuyện 50 năm thì, theo như lời anh kể, anh có rất nhiều thăng - trầm. Vậy nếu muốn nói cho đúng sự thăng-trầm của Hà Bỉnh Trung thì chính anh, anh muốn nói như thế nào "

Đ.- Tôi thấy là đúng ra, nếu nói là cầm bút, thì phải nói là 60 năm. Tôi bắt đầu viết từ năm 1940. Nhưng nếu tính từ lúc có tác phẩm in ra thì là 50 năm. Nhưng trong 50 năm mà mới có 20 quyển thì tính trung bình 2 năm rưỡi mới có một quyển sách thì đối với một người cầm bút là hơi yếu. Nhưng với tôi, ngoài đời sống trong quân ngũ đã hạn chế phần nào sáng tác của tôi, nhưng vì khi tôi viết thì tôi hơi thận trọng, có khi đọc đi đọc lại, nghĩ từng chữ, từng câu. Có khi theo cách đọc ngoài Bắc, trong Nam và miền Trung về một chữ khác nhau, nhất là vấn đề văn phạm, nên cứ mỗi khi chạm đến chữ nào đó mà mình không dám chắc thì tôi phải tra Tự điển, dù mất nhiều thời giơ,ø nhưng ít lỗi nhiều hơn.

Hoặc là tôi không có chương trình làm việc nhất định như là ngày nào cũng phải viết 4 hay 2 tiếng. Không. Tôi lại cứ chờ khi nào có hứng, có văn hứng hay là lúc nào nghĩ được một cốt truyện nó hay, nó hấp dẫn thì mới viết được. Mà đến lúc ấy thì không phải một, hai giờ một ngày mà có khi là viết suốt ngày, kéo dài liên tiếp mấy ngày liền để cho nó xong, ít nhất vài chương, chứ tôi không có chương trình làm việc nhất định. Hơn nữa lúc tôi viết thì tôi lại hay viết tay, viết xong rồi sửa chữa lại xong xuôi rồi mới ngồi đánh máy lại nên mất nhiều thời giờ.
Nếu tôi biết đánh máy theo lối của Mỹ, cứ ngồi vào máy Điện toán (Computer) mà đánh ngay, thì cái văn nó lại chạy mất ngay ! Tôi biết hai cái đó là cái thói xấu đấy, nhưng mà nó đã là cái thói xấu rồi, khó chữa lắm. Bao giờ tôi cũng phải viết trước, nhất là về Thơ, bởi vì mình không thể nào mang máy chữ đi chơi được. Lúc nào tôi cũng đi tay không, có cái bút, mảnh giấy. Gặp cảnh nào đẹp, nghĩ đến một cái gì hay thì mình phải ghi ngay lập tức, nếu không đi chơi về là quên. Có khi giữa nửa đêm đang nằm mà chợt nghĩ ra một câu thơ hay thì phải vùng dậy ngay mà ghi chứ mà để đến sáng hôm sau là quên. Cái đó, tôi nghĩ cũng là một khuyết điểm mà tôi đã gặp.

Mặt khác thì hồi còn ở trong nước vì vấn đề đời sống và tài chánh của tôi cũng còn hạn hẹp nên không thể in ấn nhiều được. Chẳng hạn như Thơ hồi đó, có in ra cũng bán được rất ít nên tôi cứ dè dặt, không sinh hoạt được liên tục.

H.- Nếu một độc giả muốn nói về Hà Bỉnh Trung thì họ nên nói ông là Tác giả Cổ hay giữa Cổ và Tân "

Đ.- Cái này thì tôi cứ theo trào lưu của xã hội đấy. Như hồi trước, khi còn sống trong xã hội phong kiến thì mình viết về xã hội ấy rồi sau cứ chuyển dần, chuyển dần. Từø cực hữu sang đến cực tả thì mình cũng cứ phải theo làn sóng thay đổi của xã hội. Nhưng mà mình vẫn có cái suy nghĩ và chịu ảnh hưởng cổ nhiều hơn là kim. Nhất là khi nói đến cực tả thì không ai có thể đi từ cực hữu sang thẳng đến cực tả được. Tất nhiên là đi đến chỗ trung dung là cùng. Vì thế mà tôi cũng cứ thay đổi theo thời gian: mới đầu thì tôi cũng theo cổ ca tụng những phong tục của mình như phong tục nhuộm răng đen nên tôi mới viết cuốn Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình. Đúng ra không phải là tôi ca tụng cái răng đen mà ca tụng cái tinh thần cổ của người đàn bà Việt Nam, tinh thần của xã hội cổ Việt Nam. Cho đến khi xã hội biến chuyển và thay đổi nhiều thì tôi lại theo những trào lưu mới như đã thể hiện trong các cốt truyện từ quyển thứ nhì rồi đến thứ ba và về sau này thì dần dần khác đi, thay đổi tùy theo từng giai đoạn lịch sử.

H.- Thưa anh là người đã đọc cuốn Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình của anh thì tôi thấy nó phản ảnh buổi giao thời của xã hội Việt Nam từ cổ sang tân vào thời ấy. Vậy có phải anh đã bị ảnh hưởng của Tự lực Văn đoàn không "

Đ.- Cái đó đúng. Tôi chịu ảnh hưởng của Tự lực Văn đoàn nhiều lắm. Tuy nhiên, tôi luôn có cái ý là dù Truyện hay Thơ, tôi luôn luôn có chủ tâm chứa đựng đạo đức ở trong đó để đến cuối cùng người đọc có thể rút tỉa ra được một bài học.

H.- Thưa anh, nhiều người nhận định rằng lối viết "kết luận có hậu" là lối viết của những nhà văn đứng tuổi. Cũng có người cho rằng văn của Hà Bỉnh Trung không bạo dạn, trầm trầm của một ông già đi theo phong tục tập quán, đi theo nề nếp của gia đình, của gia phong. Cũng có nhiều người nhận xét rằng thời đại bây giờ đã thay đổi rồi mà tại sao văn của ông Hà Bỉnh Trung cứ đứng một chỗ thì anh nhận định như thế nào "

Đ.- Đúng đấy. Như tôi đã nói, khi mà xã hội thay đổi nhanh quá, rất là đột biến thì mình không thể nào mà mình có thể đi quá trớn từ phong kiến cổ kính sang đến xã hội buông thả , hay có cuộc sống rất bê bối chẳng hạn, thì nó hơi mạnh quá. Thứ hai nữa là nếu mình kể những chuyện đó và đặt chúng vào khung cảnh bây giờ chẳng hạn thì có nhiều ảnh hưởng xấu hơn cái tốt. Chẳng hạn như là xã hội có những thứ như thuốc sái, đàng điếm, lừa dối nhau, ly dị, vợ chồng bỏ nhau chẳng hạn thì tôi thấy nó có hại cho con cháu mình và thế hệ sau này. Không phải vì có những thứ đó mà tiểu thuyết của mình hay hơn. Thế cho nên tôi cứ giữ cái trung dung thôi.

H.- Vậy thưa anh có thể nói được rằng Nhà văn Hà Bỉnh Trung lúc nào cũng tự chế mình, không giám viết cái gì để có ảnh hưởng xấu "

Đ.-Đúng như vậy. Cũng như trong phim ảnh. Khi người ta đánh giá một cuốn phim từ một X đến ba X (x,xx,xxx) chẳng hạn để mô tả cảnh trai gái yêu đương thì tôi không bao giờ đi vào hai X hay ba X. Nếu có thì cũng chỉ chớm một chút thôi. Chẳng hạn như màn trai gái tới chỗ "yêu nhau" thì cũng chỉ thoáng một chút thôi chứ không kéo dài hay mạnh bạo quá dễ gây hiểu lầm với độc giả. Hơn nữa cái lối viết đó không phù hợp với bản tính và tuổi tác của tôi.

H.- Như vậy thì độc giả của Hà Bỉnh Trung là thành phần như thế nào "

Đ.- Tôi nghĩ đa số là trung niên và phụ nữ nhiều hơn. Thanh niên thì có lẽ họ muốn mạnh bạo hơn, nhưng tôi thấy có nhiều thanh niên bây giờ cũng "cổ" lắm, "bảo thủ" lắm. Nhưng số này ít hơn giới trung niên từ 50 đến 60.

H.- Có lẽ việc sáng tác như làm Thơ chẳng hạn cũng lấy đi rất nhiều thời giờ của cuộc sống riêng tư của anh. Vậy điều này có làm cho anh khó chịu hay là càng làm cho anh thích sống hơn, phấn khởi hơn.

Đ.- Đúng ra thì như các cụ vẫn nói là "Thê tróc, Tử phọc" (suốt ngày bị ràng buộc với vợ con). Thế nhưng mà trong hoàn cảnh mà bị vợ con quấy rầy, cứ phải lo cho vợ cho con nhiều quá thì không làm được cái gì hết. Tất nhiên là chỉ có làm được cái bổn phận của một người chồng và một người cha mà thôi. Nếu đã là Nhà văn mà còn bị cái cảnh "Thê tróc, Tử phọc" như vậy là không làm được. Thứ nhất là nếu mà có một người vợ ghen bậy chẳng hạn, thấy viết một bài thơ hay là một cái Truyện mà trong đó tả hình dáng một người con gái hay đàn bà đẹp nào chẳng hạn thì lại nói :" Viết cho con nào", con này là con nào đấy "" thì không còn làm được nữa. Cái đó thì không bao giờ có thể trở thành một người viết văn được. Thứ hai nữa là con mà nó cũng cứ quấy, mè nheo chẳng hạn, cứ bắt đón đưa đi chỗ này, chỗ kia thì cũng hết thời gian mà làm việc rồi.

Tôi được cái may mắn là tôi và Bà vợ thì mỗi người làm một việc, hồi tôi còn ở trong quân đội thì Bà vợ tôi làm ở bộ Kinh tế, mỗi người một việc. Lúc nào rảnh rỗi thì tôi sáng tác mà gia đình vẫn hạnh phúc, không có xáo trộn gì cả.

H.- Nếu muốn viết về Hà Bỉnh Trung thì viết như thế nào để phản ảnh đúng lối suy nghĩ của một Nhà văn và một Nhà thơ "

Đ.-Tôi nghĩ là tùy theo mỗi độc giả. Có người cho tôi là Nhà thơ của tình yêu. Có người cho tôi là một Nhà văn có văn cách giống như Tự lực Văn Đoàn. Có người nói là tôi viết văn lúc nào cũng lồng một bài học trong câu chuyện đó. Tôi nghĩ là tùy theo người đọc, mỗi người họ xếp tôi vào một vị trí khác nhau. Tôi không biết phải tự xếp như thế nào cả "

H.- Giữa hai lĩnh vực Thơ và Văn thì anh có năng khiếu nhất về lĩnh vực nào "

Đ.- Đúng ra thì tôi có Truyện xuất bản trước như truyện Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình chẳng hạn, nhưng tôi làm thơ trước nên có thể nói tôi ngả về thơ nhiều hơn.

H.- Nếu nói về Thơ thì cái nhìn của anh về Thơ ở hải ngoại như thế nào "

Đ.- Tôi thấy bây giờ rất ít người làm thơ theo đúng luật, theo lối cổ mà làm thơ tự do nhiều hơn. Bởi vì khi nào làm thơ không theo luật tức là làm thơ tự do. Thơ văn xuôi cũng là thơ tự do, nghĩa là muốn viết sao thì viết nên gọi là thơ tự do. Thơ mà làm đúng luật, nhất là thơ luật Đường thì bây giờ không có ai làm cả, trừ những người lớn tuổi ngày trước có theo dõi những các Nhà thơ Đường luật. Đa số, nhất là thanh niên bây giờ, họ không còn chú ý đến luật làm thơ nữa. Tôi quan niệm là cũng như hội họa, trước khi lập ra phái lập thể chẳng hạn, những người theo phái trìu tượng cũng phải biết, phải học luật lệ về hội họa, phải biết tỷ lệ phân chia đầu, mình hay chân tay chẳng hạn. Như danh họa Picasso chẳng hạn, ông ta bao giờ cũng có một bài toán cho một bức tranh, làm sao có tương đối và cân đối như hồi còn học ở nhà trường chứ không thể nào không đi học vẽ mà tự nhiên cứ vẽ trìu tượng không thôi. Hoặc là một người không nắm vững luật thơ mà đã làm thơ tự do thì uổng đi. Ít nhất mình cũng phải biết căn bản thì rồi mình muốn chế biến ra sao thì chế.

H.- Vậy vui buồn trong 50 năm cầm bút của Hà Bỉnh Trung ra sao "

Đ.- Trước hết là thời kỳ trước 75, viết ra nhiều mà không xuất bản được mấy nên cũng không được vui. Rồi đến sau 75 thì cứ nghĩ sẽ phải bỏ đi hết. Đến khi sang Mỹ thì lại có dịp viết và sắp xếp để xuất bản và có nhiều thời giờ và tư do để viết là lúc tôi vui nhất. Ở đây, nhiều khi tôi đã phải "trốn" gia đình ra ngoài biển một tuần hay đôi khi đến cả một tháng để viết cho xong vì chỉ có những thời gian như thế mới giúp tôi mau chóng hoàn thành một tác phẩm.

H.- Vậy thưa anh, trung bình thì bao nhiêu lâu thì anh viết xong một Tác phẩm "

Đ.- Cũng lâu. Có quyển tôi chỉ viết trong một tháng thôi. Nhưng cũng có quyển kéo dài cả đến sáu, bẩy tháng. Bởi vì khi viết văn mình phải có nhiều thì giờ, phải có ý kiến liên tục chứ không thể cứ mỗi ngày viết vài tiếng rồi lại nghỉ, hôm sau viết tiếp. Cái thói quen của tôi là như vậy. Khi nào đã viết là viết liên tục.

H.- Thưa anh, trong số 20 Tác phẩm của anh thì chia ra như thế nào "

Đ.- Truyện dài thì tôi có 4 Truyện dài : Răng Đen Ai Nhuộm Cho Mình, Những Ngả Đường, Chỉ Hồng và Dốc Nửa Chừng và 5 tập Truyện ngắn. Về thơ thì tôi có 2 tập Thơ dịch, 1 tập Thơ tiếng Anh và 8 tập thơ sáng tác, cả kịch Thơ.

H.- Nguyên do nào anh viết kịch Thơ "

Đ.- Về kịch Thơ thì tôi chịu ảnh hưởng của Vũ Hoàng Chương, sau khi được xem vở Vân Muội của Nhà thơ diễn xuất ở Hà Nội với Đinh Hùng đóng vai Vân Muội và về sau đóng vai Cô Gái Ma. Tôi cũng rất mê kịch Thơ của Thế Lữ, Khái Hưng và của cụ Vi Huyền Đắc và cũng vì được bố tôi hay cho đi theo coi hát chèo cổ Bắc việt nên tôi cũng học được cách dàn dựng các nhân vật cho một vở kịch Thơ. Vì vậy mà tôi cũng đã viết được 8 vở kịch ngắn, nhưng chưa được trình diễn rộng trải vì người diễn viên , ngoài việc nói còn phải biết ngâm thơ nên rất khó kiếm vai.

Hồi xưa, ngay đến anh Vũ Hoàng Chương cũng phải nhờ cả đến Đinh Hùng đóng vai trai giả gái để diễn xuất nên kịch thơ khó phổ biến. Ở hải ngoại bây giờ lại càng hiếm người làm được.

H.- Như vậy thì cách dàn dựng nội dung và đối thoại cho một vở kịch Thơ và một Truyện dài có khác nhau không "

Đ.- Về kịch thì chủ yếu là đối thoại, làm sao mà chọn được những chữ cho "kêu" và "hay", chứ không cần phải nói rõ cái cá tính. Truyện dài hay Truyện ngắn có những nhân vật thì mình phải xây dựng theo tính nết riêng từng nhân vật. Vì vậy mà viết Truyện mất nhiều thời giờ hơn dựng một vở kịch.

H.- Thưa chị Hà Bỉnh Trung, xin chị cho biết cảm tưởng là người vợ của một Thơ và Nhà văn "

Đ.- Mỗi người chúng tôi trách nhiệm một việc. Như bên Việt Nam thì tôi lo các con,buôn bán, phụ gia đình còn nhà tôi đi làm việc. Hai người chúng tôi cùng công sức nhau xây dựng gia đình. Tôi thì lúc nào cũng coi nề nếp gia đình là trọng. Còn cái công việc nhà tôi viết văn, tôi biết ông ấy viết văn nhưng trước hết là mình phải tin nhau. Tôi cũng ít khi đọc những tác phẩm của nhà tôi viết. Có khi ông ấy cũng không đưa cho mình đọc mà tôi cũng chẳng có cái gì gọi là thắc mắc cả. Thấy nhiều người khen văn ông ấy hay.... đến lúc sang đây, không còn buôn bán gì nữa, ông ấy bắt đầu xuất bản sách thì tôi mới bắt đầu đọc. Tôi thấy văn và thơ của ông ấy cũng hay, nếu so sánh với thơ của những người khác thì tôi thấy thơ ông ấy có hồn.

H.- Có khi nào anh đưa bản thảo cho chị coi trước không "

Đ.- Cũng thỉnh thoảng. Đôi khi tôi cũng có góp ý của tôi, nhưng ý chính vẫn là của nhà tôi.
H.- Giữa đời sống của một người vợ và đời sống của một Nhà văn, có khi nào đời sống một Nhà văn làm cho chị khó chịu không "

Đ.-Không. Đối với tôi thì tôi không thấy có điều gì khó chịu cả.

H.- Chị có tìm thấy trong các Tác phẩm của Anh một hình ảnh nào phản ảnh về chị không"

Đ.- Cũng có chứ.

H.- Chị vừa mới nói chị thích tồn cổ, vậy đời sống của một gia đình tồn cổ có ảnh hưởng tới một Nhà văn không "

Đ-. Tôi nghĩ là có. Hơn nữa, nhà tôi thuộc gia đình cổ nên không bao giờ ông ấy giám làm những việc như người khác nhay chính bạn của ông ấy làm. Bản chất của nhà tôi không có thể làm việc gì trái với bản tính của ông ấy.

H.- Là một Phụ nữ, chị muốn Nhà văn viết về người Phụ nữ như thế nào "

Đ.- Theo tôi thì cứ nên nói sự thực. Tùy từng thời điểm. Như ngày xưa thời của tôi chỉ biết có chồng và con thôi. Bây giờ thì khác, có thể có người thích xe xua, cũng đi giao dịch ở ngoài, với cách khác nhau. Còn lớp trẻ bây giờ thì khác, họ không giống như thời chúng tôi. Có nhiều người không có ý đồ xây dựng đời sống gia đình như trông nom, giáo dục con cái như thời xưa là điều đáng tiếc.

H.- Chị muốn cho anh Hà Bỉnh Trung viết đến bao giờ "

Đ.- Cái đó là tùy ông ấy thôi. Ông ấy nói là ông ấy sẽ tiếp tục viết cho đến khi nào không còn viết được nữa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.