Hôm nay,  

Sương Mù Hậu Chiến: 100,000 Lính Mỹ Rối Thần Kinh

02/05/200100:00:00(Xem: 4094)
NEW YORK (AP) - Ký giả Richard Pile của AP viết:

Sự mù mờ và khủng kiếp của xung đột võ trang, chiến lược gia Carl von Clausewitz của nước Phổ thế kỷ 19 gọi đó là “sương mù của chiến tranh”.

Trong khi cựu Thượng nghị sĩ Bob Kerrey đối diện với những lời tố cáo nói ông lãnh đạo một toán quân sát hại dân làng vô tội ở Việt Nam, nhiều điều phải dựa vào ký ức của các cá nhân.

Nhưng các nhà tâm lý học, sử gia và cựu chiến binh tham chiến ở Việt Nam nói dù những ký ức rõ nhất về cuộc chiến cũng đã phai mờ với thời gian, vì sự căng thẳng và có khi cả vì mặc cảm tội lỗi đã giết hay vì còn sống sót.

Thời gian ba chục năm đã làm mòn hay lệch lạc những nhận thức. Cái gọi là nút chặn tâm lý đã không cho phép tóm thâu, sắp đặt lại các chi tiết cho mạch lạc. Một số cựu chiến binh đã tô điểm thêm hoặc trong tâm khảm đã tự biên soạn lại những kinh nghiệm của họ, rồi lọt vào trạng thái tin rằng những điều chính họ đặt ra là sự thật.

Đại tá hồi hưu Robert Burke, đã từng chỉ huy một tiều đoàn phi đạn ở Việt Nam nói: “Một số lớn những chuyện người ta nhớ rõ ràng, nhưng thật ra không có. Người khác sẽ nói lại chuyện đó khác hẳn, để rồi người tin là có lại nói “À phải rồi, đúng vậy”.

Việt Nam là nơi không có cách nào phân biệt được kẻ thù Việt Cộng với người dân thường, chiến trường ở đây thuộc vào một loại mới nữa.

Bác sĩ Chaim Shatan là một giáo sư về môn phân tâm học ở Viện Đại học New York và một nhà khảo cứu tiền phong về những hậu chứng của trạng thái rối loạn căng thẳng thần kinh mà có đến 100,000 cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam mắc phải. Shatan nói: “Chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến chống du kích. Nó rất khác với các cuộc thế chiến, khác với cả cuộc chiến tranh Triều Tiên. Bạn không thể biết bất cứ cái gì từ đâu đến. Có một lúc bạn thấy tràn ngập - nhưng 15 giây sau, không có gì hết”.

Trong cuộc phỏng vấn Shatan nói hàng trăm cựu chiến binh đã cho thấy rõ họ gập nhiều khó khăn khi phải nhớ lại những biến cố gây chấn động tâm não.

Ông nói: “Phần lớn những người đó đã phải phấn đấu gay go khi tập trung những ký ức của họ. Bạn có thể không bao giờ biết mặc cảm tủi hổ hay tội lỗi khi mình còn sống sót trong khi những người khác chết - dù là bạn hay là thù”.

Theo lời ông Kerrey, toán biệt kích mà ông chỉ huy khi còn là một thanh niên 25 tuổi, ban đêm 25-2-1969, đã “giết lầm” từ 12 đến 14 thường dân ở làng Thanh Phong tỉnh Bến Tre.

Nhưng một người trong toán biệt kích 7 người đó, Gerhard Klann nói với CBS và New York Times rằng Kerrey đã ra lệnh giết những thường dân đó - một số bị dồn lại một chỗ và bắn thẳng vào họ.

Hai chuyện thuật lại đó khác nhau qua xa khiến khó lòng tìm thấy sự dung hòa ở giữa, và cũng không có cách nào trộn lẫn vào nhau để tạo thành một chuyện duy nhất và chính xác.

Giáo sư Shatan nói mặc dù hai mẩu chuyện khác nhau “cũng có thể cả hai cùng nói sự thật với khả năng tối đa của họ. Nhưng đưa ra những chi tiết thì thật khó”. Bác sĩ Frank Ochberg, cựu Giám đốc Bệnh Viện Quốc gia về Tâm Thần và cũng là một nhà khảo cứu về tình trạng hậu chứng rối loạn thần kinh, nói đó là “mhững ký ức thoáng qua như bóng đèn chụp hình chớp nhoáng” với những chi tiết không thể nào quên.

Nhưng trong sự phát triển ký ức trong tiềm thức, lại có những yếu tố khác xen vào, chẳng hạn như yếu tố “mong muốn tìm cách biến đổi sự thật” để cho nó phù hợp với hình ảnh mà riêng mình ưa thích. Bác sĩ Ochberg nói như vậy.

Ông nói sự chấn thương của xung đột “có thể làm người ta nhớ lại sự việc trong một phần của bộ óc khiến người ta chỉ nhớ đặc biệt đến một chi tiết và hoàn toàn quên những chi tiết khác”. Về những ký ức trong vụ hành quân của toán biệt kích SEAL, ông nói: “Những chi tiết có thể đã bị biến đổi với tất cả những người trong cuộc - kể cả những nhân chứng Việt Nam”.

Bác sĩ Henry Roediger, một chuyên gia về môn tâm lý nhận thức tại Đại học Washington ở St Luois, nói có thể cả Kerrey và Klann đều nói lên điều mà họ tin là sự thật”. “Nhưng, ông tiếp, nếu những người dân đó bị quy lại lại một chỗ và bị bắn bỏ, tôi thấy khó cho Kerrey có thể quên được điều đó”.

Và Roediger nói: “Nếu có trường hợp đó, tôi tin là sẽ có người hay nhiều người đứng ra nhìn nhận đó là sự thật”.

Trong cuốn sách :“Từ Nhà đến Chiến tranh: Một lịch sử của Phong trào Cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam” sẽ được xuất bản tuần này, tác giả Gerald Nicosia biện luận những gì xẩy ra ở Thanh Phong là chuyện thường và “và cả nước không muốn nghe nhũng chuyện như vậy” đã khiến các cựu chiến binh “chôn sâu chúng trong tâm khảm”.

Nicosia nói trong một cuộc phỏng vấn qua e-mail: “Những cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam đã làm những chuyện tệ hại nhất mà nước này chưa từng làm”. Thế rồi, ông nói tiếp, họ có ít cơ hội để nói về những kinh nghiệm của họ.

Tác giả đó nói: “Ngay dù chỉ tìm cách nói ra, họ cũng bị dán cho nhãn hiệu là ‘bài Mỹ’ và bị đá vào mông bởi một đất nước đã gửi họ đi làm chuyện bẩn thỉu đó. Câu hỏi mà các ông không cần hỏi là tại sao phải mất lâu thời gian đến thế để một người như Bob Kerrey phải thú nhận những tàn bạo phạm phải ở Việt Nam, mà là hỏi tại sao chúng ta đã làm cho quá khó khăn để những người cựu chiến binh, nam cũng như nữ, nói lên những gì họ đã kinh nghiệm qua”.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.