Hôm nay,  

Những Chuyển Biến Của Phong Trào Dân Chủ Vn

13/04/200600:00:00(Xem: 5831)
- Trong hai ngày 6 và 8 tháng 4 vừa qua, hơn 100 nhà đấu tranh dân chủ đã cùng ký tên và cho phổ biến hai văn kiện mang tính chất nền tảng của công cuộc dân chủ hóa Việt Nam hiện nay. Lời Kêu Gọi Cho Quyền Thành Lập và Hoạt Động Đảng Phái Tại Việt Nam có 116 chữ ký, trong đó nhấn mạnh đến việc đòi hỏi Hà Nội hủy bỏ đều 4 hiến pháp, tức bãi bỏ sự độc quyền chính trị của đảng Cộng sản Việt Nam và kêu gọi các đảng phái hoạt động bí mật trong nhiều năm dài tại quốc nội hãy can đảm đứng ra hoạt động công khai. Bản Tuyên Ngôn Dân Chủ Cho Việt Nam có 118 chữ ký, trong đó nhấn mạnh đến mục tiêu của công cuộc giành tự do, dân chủ cho Việt Nam hôm nay là làm cho thể chế chính trị ở Việt Nam phải bị thay thế, nhằm thiết lập các quyền cơ bản của toàn dân như quyền tự do thông tin ngôn luận, quyền tự do hội họp, lập hội, lập đảng, quyền tự do hoạt động công đoàn, quyền tự do tôn giáo được tôn trọng.

Nội dung của hai văn kiện tuy không có gì mới so với những điều đã được nhiều tổ chức, đảng phái và các nhà đối kháng đề cập đến trong hơn 2 thập niên vừa qua, nhưng cách đặt vấn đề của hai văn kiện và nhất là sự ký tên của hơn 100 nhà đấu tranh tại quốc nội, đã tạo một chuyển biến mới, đáng quan tâm. Đó là thay vì đứng tên của một số người mang tính đại diện cho nhóm này, tập hợp kia như nhiều bản lên tiếng trong quá khứ, sự ký tên công khai của hơn 100 người, đủ mọi thành phần xã hội cho thấy là công cuộc đấu tranh giành tự do dân chủ cho Việt Nam không chỉ giới hạn nơi các tổ chức đấu tranh, các nhân vật đối kháng hay ở các vị lãnh đạo tôn giáo mà mở rộng đến mọi thành phần quần chúng. Nói cách khác, sự xuất hiện hai văn kiện với chữ ký của hơn 100 nhà đấu tranh đã khởi đầu một hình thái công khai mang tính chất quần chúng của phong trào dân chủ tại Việt Nam.

Phong trào dân chủ này không là một tập hợp mang tính đấu tranh chính trị, tôn giáo hay xã hội do một số người nào đó thành lập với những cơ chế có sẵn rồi kêu gọi nhiều người khác tham gia mà nó gần với một phong trào quần chúng, quy tụ trên sự đồng thuận của số đông. Trong tinh thần đó, sự xuất hiện của một phong trào dân chủ tại Việt Nam, chính là hình thái hoạt động và đấu tranh công khai của những nhóm quần chúng dưới dạng công nhân đình công, nông dân khiếu kiện, các giáo hội đòi tự do tôn giáo và các nhà đối kháng đòi bầu cử và ứng cử tự do, v,v... Nói cách khác, những hình thái đấu tranh như các cuộc đình công của hàng chục ngàn công nhân Việt Nam trong thời gian qua, sự tập trung dân chúng tại công viên Mai Xuân Thưởng, Hà Nội để khiếu nại ruộng đất bị cướp bóc hiện nay, sự lên tiếng đòi tự do ngôn luận, kêu gọi tẩy chay bầu cử quốc hội của các nhà đối kháng và nhất là hàng chục đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo tuyên bố tự thiêu tập thể để phản đối sự đàn áp tôn giáo.... đã bắt đầu lan rộng ra trong toàn xã hội mà cách đây nửa năm chưa hề thấy.

Những hình thái đấu tranh nói trên tuy khởi đầu bằng sự tự phát của mỗi thành phần quần chúng và không có sự phối hợp hay liên lạc giữa các nhóm, nhưng tất cả đều nhắm tới một mục tiêu duy nhất, đó là tạo những áp lực đấu tranh lên chế độ Hà Nội. Sự lên tiếng của hơn 100 nhà đấu tranh qua hai văn kiện nói trên là một nỗ lực biểu hiện ước muốn tạo sự phối hợp, liên kết giữa các tập hợp đấu tranh quần chúng trong những ngày tháng tới. Bởi vì nếu các nhóm quần chúng, giữ vị trí độc lập, đấu tranh tự phát theo từng lợi ích riêng tư thì không chỉ bị cô lập mà có thể bị kẻ thù cho người xâm nhập, dẫn đi trật mục tiêu hay thõa mãn các yêu sách giai đoạn, quên mục tiêu đường dài của công cuộc đấu tranh là cùng với toàn dân lật đổ ách thống trị độc tài Cộng sản.

Hơn thế nữa, để đi đến những đối đầu công khai trên mặt trận chính trị vào lúc công cuộc đấu tranh đã ở giai đoạn chín mùi, phong trào dân chủ nào cũng trải qua những giai đoạn đấu tranh từ hoạt động bí mật đến bán công khai, rồi công khai bức phá xích xiềng độc tài trong những giờ cao điểm. Trong những giai đoạn đấu tranh đó, sự lên tiếng của các nhà đấu tranh hiện nay là một chuyển biến tích cực, nhằm ráp nối các hình thái đấu tranh quần chúng vào trong một phong trào dân chủ rộng lớn cho những ngày tháng tới.

Đây là diễn trình đã từng xảy ra tại Đông Âu và Liên Xô cũ khi mà những đòi hỏi của từng thành phần quần chúng được kích lên từ các cuộc đình công, lãng công, khiếu kiện, chống ô nhiễm môi trường.... để tạo những áp lực thay đổi lên chính quyền. Đa phần thì chính quyền cưỡng lại các đòi hỏi thay đổi của dân chúng, cho nên nhiệm vụ của các nhà đấu tranh là điều hướng những bất mãn của quần chúng thành những đợt sóng lớn đòi dân chủ. Các nhà dân chủ tại Đông Âu như Lech Walesa của Ba Lan, Vaclav Havel của Tiệp Khắc đã biết điều hướng những bất mãn của từng thành phần công nhân, nông dân, thanh niên và quần chúng nói chung vào những thế trận mà khởi đầu là lên tiếng đồng loạt qua các bản kiến nghị, tuyên ngôn như những nhà đấu tranh tại Việt Nam đang làm. Khi sự lên tiếng đạt con số vài trăm ngàn người tham gia thì đó chính là giờ cao điểm của sự tổng nổi dậy trong toàn dân.

Lý Thái Hùng

April 12 2006

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.