Hôm nay,  

Asia-50: Vinh Danh Nhật Trường Trần Thiện Thanh ‘anh Không Chết Đâu Anh’

09/04/200600:00:00(Xem: 10226)
- Trời mưa tháng hai năm nay sao buồn quá nhắc tôi mùa xuân 1975 hơn ba thập niên qua rồi. Cơn mưa rào mùa Xuân của năm mới 2006 không ngăn cản ý muốn chúng tôi đi xem buổi Vinh Danh Nhạc Sĩ Trần Thiện Thanh do Trung Tâm Asia tổ chức, chúng tôi xếp thành hàng dài trước rạp La Mirada trong đoàn người nối tiếp nhau. Mưa lớn tại miền nam Cali hình như rất hiếm hoi, mưa như thiên nhiên khóc thương nhung nhớ người nhạc sĩ tài hoa được vinh danh ngày hôm nay hay mưa như đồng cảm nhớ thương về những huyền thoại can trường của người lính trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Hình như tôi đã mang tâm trạng ưu tư khi thiên nhiên ướt lạnh bên ngoài khiến cho lòng mình xôn xao khi an tọa bên trong rạp, rồi theo dõi một show hát có quá nhiều kỷ niệm xưa hiện về.

Bài hát "Anh Không Chết Đâu Anh" của đài truyền hình số 9 năm xưa cho tôi xem hoạt cảnh có Nhật Trường - Thanh Lan, giờ đây được vang lên trong tiếng đạn đại bác, tiếng súng máy nổ thật dòn, tiếng động cơ ầm ĩ của phi cơ trực thăng với những âm thanh nổi surround sound thật sống động và sân khấu sáng rực vì màu sắc lửa cháy quyện lấy âm thanh chiến tranh, hình ảnh những đơn vị nhảy dù đang chiến đấu tại cao điểm 31; Và khúc nhạc phẩm mở đầu được dùng làm chủ đề của chương trình Asia 50 với tiếng hát Thanh Lan trong cô đơn, hoạt cảnh đầu tiên này cho thấy sự xót thương của người quả phụ nghe tin buồn đi nhận xác chồng. Người cô phụ ràn rụa nước mắt, khiến cho khung cảnh rạp chùn xuống khi xung quanh bao người lệ rơi. Một sự khởi đầu thật sự giao động lòng tôi. Xung quanh tôi khán giả đang chăm chú theo dõi chương trình ca nhạc đặc biệt do Trung Tâm Asia thực hiện ngày hôm nay, mang chủ đề "Anh Không Chết Đâu Anh/Nhật Trường Trần Thiện Thanh/Tình Yêu, Cuộc Đời và Sự Nghiệp".

Vinh Danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa:

Trong quyển bút ký chiến tranh "Mùa Hè Đỏ Lửa" của nhà văn Nhảy Dù Phan Nhật Nam có kể chúng ta nghe về trận đánh Charlie, tôi xin trích một đoạn dẫn nhập bài viết về Charlie trong quyển sách của anh như sau:

"CHARLIE, Tên nghe quá lạ...

Quả tình nếu không có trận chiến mùa Hè 1972, thì cũng chẳng ai biết đến Charlie, vì đây chỉ là tên quân sự dùng để gọi một cao độ nằm trong chuỗi cao độ chập chùng vùng Tân Cảnh, Kontum. Charlie, “Cải Cách” hay “C,” đỉnh núi cao không quá 900 thước trông xuống thung lũng sông Pô-kơ và Đường 14, đông-bắc là Tân Cảnh với mười hai cây số đường chim bay, đông-nam là Kontum, thị trấn cực bắc vùng Tây Nguyên. Charlie bị bao vây bởi Căn Cứ 5, Căn Cứ 6 ở phía bắc, những mục tiêu quân sự nổi tiếng, những vị trí then chốt giữ cửa ngõ vào Tân Cảnh mà bao nhiêu năm qua, bao nhiêu mùa hè, mùa mưa rào, báo chí hằng ngày trong và ngoài nước phải nhắc tới khi những hạt mưa đầu mùa rơi xuống vùng núi non, cạnh sườn cực tây địa giới nước Nam.

Trận đánh trên cao điểm:

Anh Năm (Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Tiểu Đoàn Trưởng 11 Dù) bố trí quân “hết sẩy”. Cứ điểm C hay Charlie chính thống, cao độ 960 giao cho “thằng 1”, đại đội 1 do Thinh, trung uý khoá 25 Thủ Đức chỉ huy. Thinh trẻ tuổi đời lẫn tuổi lính. Thinh có vẻ yếu trước mắt mọi người vì Thinh...đẹp trai!..."

Đoạn văn trên Phan Nhật Nam giới thiệu địa lý của Charlie và người anh cả là Mũ Đỏ Nguyễn Đình Bảo. Về trận đánh Charlie thì người sĩ quan chỉ huy các đơn vị Nhảy Dù ngay từ lúc khởi đầu cuộc hành quân này là Đại Tá Trần Quốc Lịch, Lữ Đoàn Trưởng Liên Đoàn 2 Nhảy Dù (LĐ2ND). Trong tuần lễ Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù thất thủ ông bị bệnh sốt nặng, vì thế nên Trung Tá Nguyễn Thu Lương Trưởng Phòng 3/Sư Đoàn Nhảy Dù được đề cử tạm thời thay thế chỉ huy LĐ2ND. Trong bài viết rất dài thuật lại các diễn tiến của trận đánh Charlie và về Trung Tá Nguyễn Đình Bảo, Thiếu Tá Bùi Đức Lạc, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 1 Pháo Binh Nhảy Dù tham chiến trận Charlie ngay từ khởi đầu cuộc hành quân. Đọc bài viết người ta thấy sự thân tình giữa 2 chiến hữu Trung Tá Nguyễn Đình Bảo và Thiếu Tá Bùi Đức Lạc. Thiếu Tá Lạc quan sát từ trực thăng khi bay trên đầu căn cứ Charlie theo dõi để yểm trợ cho Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù (TĐ11ND) đã kể lại chuyện cũ lắm oan khiên, lắm đắng cay cho những Thiên Thần mang số 11 nghiệt ngã tại Charlie, VH xin trích dẫn những đoạn trực tiếp về mưa pháo tranh hùng tại cao điểm Charlie như sau:

"Trước khi ra về tôi bàn thảo thật kỹ với Bảo, chúng tôi trao đổi một vài kinh nghiệm về pháo của địch, chúng tôi thông cảm nhau hơn, sự hiểu biết của chúng tôi cùng một cung đàn, buổi nói chuyện không bị lạc điệu, nên rất dễ nói chuyện, trước khi ra về tôi còn nói đùa với Bảo.

-Căn cứ này giống căn cứ A Lưới ở Hạ Lào quá, (tôi và Bảo cùng ở căn cứ A Lưới) mày cứ tưởng tượng, hướng tây ở đây là hướng bắc của A Lưới là đúng ngay boong.

-Ừ nhỉ, tiếng bắn của 130 ly cũng xa như vậy, nhưng ở đây ít súng hơn, nó chỉ có hai khẩu mà thôi…

Ngày 9 tháng 4 năm 1972 mới sáng sớm, trung đoàn địch được lùa vào trận tuyến, chúng như những con thiêu thân, muốn chiến thắng đầu tay đến với chúng, thây chết ngập sườn đồi, ta thu gần hai trăm súng, lúc này súng đạn của địch rất cần cho các chiến sĩ Mũ Đỏ 11 Nhảy Dù, không tiếp tế không tản thương, nguồn tiếp tế đạn dược chính là địch, con cháu bác lại có dịp được thưởng thức bắp chuối B41, cùng ngô rang AK47... Pháo của địch ngày đêm, địch được tiếp tế đạn dược đầy đủ, chưa bao giờ địch quân được ưu đãi như lúc này, không bị nhòm ngó, tự do điều chỉnh, bắn một quả không trúng, thì trăm quả phải trúng, xin nhấn mạnh là Charlie không phải là đỉnh quân sự tốt, nên là mục tiêu tốt cho pháo binh, tôi khẽ ca bản nhạc Mấy Dặm Sơn Khê của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông:

“Anh đến đây rồi anh như bóng mây...

Mấy ai ra đi... hẹn ngày về dệt thắm tơ vương…” “

Nguyễn Đình Bảo và bao chiến hữu của tuổi trẻ Việt Nam, sinh ra đời với dòng hào kiệt bảo vệ quê hương:

“Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt

Xếp bút nghiên theo việc đao cung”

Họ mang mào áo hoa dù, đầu đội tổ quốc của ý chí làm trai thời ly loạn. Charlie bị Bắc quân vây hãm ở cấp số 1 tiểu đoàn Nhảy Dù đương đầu với 1 sư đoàn (SĐ chính qui 320/Thép) cộng thêm các đơn vị tăng, pháo, các đơn vị hậu cần. Điều cho thấy quyết tâm của chúng muốn dứt chốt Charlie:

"Chúng tôi lại còn phải quan tâm đến đường tiếp tế đạn dược. May mắn cho chúng tôi là sau nhiều lần chúng dùng Sư Đoàn 2 Sao Vàng cố gắng cắt đứt trục giao thông từ Kontum tới Tân Cảnh, nhưng đều bị các đơn vị thuộc Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù chặn đứng dễ dàng, nay LĐ3ND đã về hoạt động tại chiến trường An Lộc, cùng với LĐ1ND và Bộ Tư Lệnh SĐND/VN, một Liên Đoàn BĐQ vào thay thế nhiệm vụ này. Trời bỗng dưng u ám, cỏ cây mới tháng tư mà như đã sang Thu, sau khi ban 3 trình bầy tình hình trong đêm, tình hình đạn dược, tôi an tâm vì tình hình đạn dược của các Pháo Đội, hôm nay không ngờ đây là chuyến bay chót trong đời tôi trên vùng trời Charlie còn Bảo ở dưới nói vọng lên, tôi gắng gượng điện đàm ngắn với Bảo, tôi biết lúc này Bảo đang để tâm tới đơn vị của anh, bao nỗi khó khăn đang làm anh phải nhức đầu..."

Cuối cùng Charlie hứng những cơn mưa pháo dập vùi các chiến hào phòng thủ, mặc dù những Thiên Thần Mũ Đỏ vẫn giữ vững tinh thần tiếp tục chiến đấu. Nhảy Dù VNCH không bao giờ, và không bao giờ chấp nhận đầu hàng, để rồi người anh cả Nguyễn Đình Bảo hứng chịu một quả đạn 130 ly lọai delay. Tôi đọc đoạn này trong nỗi xót xa, ngậm ngùi:

"Tối hôm đó tuy rất mệt mỏi, nhưng tôi không dám lơ là, tôi cho lệnh tác xạ TOT trên những mục tiêu mà chắc chắn địch quân đang ở đó, vì chúng đang chờ úp hụi TĐ11ND, tất cả những điểm này đều chung quanh Charlie, không có điểm nào xa quá 2 cây số, nhất là tôi được báo cáo, địch đang pháo vào Charlie dữ dội, sau đợt pháo này chúng sẽ tấn công, kế hoạch tiền pháo hậu xung chúng áp dụng suốt ngày đêm, nhưng những loạt TOT làm chúng không còn tấn công Charlie được sau các đợt pháo như chúng thường làm, chúng trả đũa bằng cách pháo dữ dội vào tất cả các vị trí của ta, lúc đó là 01:00G sáng ngày 12-4-1972. Không ngờ rằng lần TOT đó chính là lần mà tôi tạ từ với Bảo. Ngày 12-4-1972, ngày Quí Dậu, tức 19 tháng 2 năm Nhâm Tý lúc 09:00G...

Tôi lững thững ra ngoài hầm nhìn lên Charlie, khuôn mặt Bảo độ lượng hiện ra trong đám sương mù trắng xóa, ánh mắt anh vẫn trong sáng,..."

Trung Tá Bảo khi đến cao điểm Charlie, ông thích ngắm Charlie mỗi khi chiều xuống đứng trên cao nhìn ánh hoàng hôn đỏ rực chân trời từ xa xa thật là đẹp mắt và rồi cuối cùng ông đã vĩnh viễn ở lại với Charlie, để cho một bi hùng ca "Người Ở Lại Charlie" ở vĩnh viễn trong lòng mỗi chúng ta:

"Anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie

Anh! Anh! Hỡi anh giã từ vũ khí

Vâng, chính anh là ngôi sao mới

Một lần này chợt sáng trưng

Là cánh dù đan bằng tiếc thương vô cùng

Này anh! Anh! Hỡi anh ở lại Charlie

Anh! Vâng, chính anh là loài chim quý

Ôi, cánh chim trùng khơi vạn lý

Một lần dậy cánh bay

Người để cho người nước mắt trên tay

...

Toumorong, Dakto, Krek, Snoul

Ôi Dambe, Đức Cơ, Krek, Snoul

Trưa Khe Sanh gió mùa, đêm Hạ Lào thức sâu

Anh! Cũng anh vừa ở lại một mình,

vừa ở lại một mình

Charlie, tên vẫn chưa quen người dân thị thành.

...

Ngàn đời của nhớ thương

Gởi bức chân dung trên công viên buồn."

Hình ảnh oai hùng đó được đoàn nghệ sĩ của Trung Tâm Asia lập lại những gương can đảm của các chiến binh của QLVNCH, họ chiến đấu trong hào hùng, trong can trường của Nguyễn Đình Bảo và các chiến hữu trong TĐ-11 Nhảy Dù của nhạc phẩm "Người Ở Lại Charlie”. Hình ảnh cảm động trên sân khấu thể hiện người vợ ôm lá quốc kỳ VNCH khi tiễn đưa người chồng vị quốc vong thân. Nhạc Trần Thiện Thanh vinh danh hình ảnh người chiến sĩ ra đi như trong bài bi hùng ca bất tử dành cho Mũ Đỏ Nguyễn Văn Đương được Asia dùng làm chủ đề, chính nó đã sống mãi trong tâm thức chúng ta; Và buổi cuối tuần của âm nhạc Trần Thiện Thanh mưa rơi lạnh buốt bên ngoài rạp, bên trong rạp lệ bờ mi, lệ lòng tuôn rơi như nói lên sự biết ơn và nỗi cảm thông về sự gan dạ của những Thiên Thần Mũ Đỏ với một lòng tử chiến chống quân thù cho sự an lành của người dân tại hậu phương:

"Anh không chết đâu anh, người anh hùng mũ đỏ tên Đương

Tôi vẫn thấy đêm đêm một bóng dù sáng trên đồi máu

Nghe trong đêm kêu gào từng tiếng súng pháo đếm mau

Và tiếng súng tiếng súng hay nhạc chiêu hồn đưa anh đi anh đi

Anh, anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con

Anh vẫn sống thênh thang trong lòng muôn người biết thương đời lính

Trong tim cô sinh viên hay buồn thường nhắc nhở những chiến công

Chuyện nước mắt ướt sân trường đại học chuyện anh riêng anh riêng anh"

Trên sân khấu hình ảnh của bao hùng binh trong QLVNCH ngày nào thật oai phong lẫm liệt ghì tay súng gìn giữ các chốt phòng thủ được dàn dựng lại trong tiếng động chiến tranh bao phủ không gian, khói lửa mịt mù, đạn nổ rền tai. Như nhà văn Phan Nhật Nam đã nhận xét chúng ta hãy xem Asia-50 là buổi gặp gỡ tri ân người lính năm xưa hơn là một buổi văn nghệ giải trí thuần túy. Nhiều người đi xem đã đồng ý như vậy:

"Ôi đất mát trên đồi xanh tình yêu khóc ngất bên cỏ tranh

Đâu cánh dù ôm gió, đây cánh dù ôm kín đời anh

Trong những tiếng reo hò kia lẻ loi tiếng súng anh nhiệm màu

Ôi tiếng súng sau cùng đó, anh còn nghe tầm đạn đi không anh

Không, anh không, anh không chết đâu em anh chỉ vừa bỏ cuộc đêm qua

Tôi thấy mắt anh bên ngọn nến vàng hắt hiu niềm nhớ

Trên khăn tang cô phụ còn lóng lánh dấu ái ân

Giọt nước mắt nóng bây giờ và còn hằng đêm cho anh cho anh..."

Vinh Danh Nhật Trường Trần Thiện Thanh:

Tôi được những dòng chân tình từ vị chỉ huy một Lữ Đoàn Dù năm xưa hiểu hoàn cảnh của những chiến sĩ đã chịu phong sương mưa pháo tại Charlie, ông viết:

"Là người chiến sĩ dù ở phương diện chỉ huy hay chấp hành mệnh lệnh thượng cấp, những anh em chúng tôi gần gủi nhau qua màu áo, cùng chia sẻ những thời điểm của cuộc chiến khốc liệt, những nghiệt ngã từng ngày trải qua trong những công tác bảo vệ quê hương. Tôi có những lúc thật đau xót khi nhìn thấy đồng đội gục ngã, hay bứt rứt khi rơi lệ thấy một góa phụ thơ ngây trong vầng khăn tang trắng ngày mai đi nhận xác chồng. Người lính mang nặng tình yêu gia đình và tình yêu quê hương, họ cần hậu phương thông cảm. Trong cái nhu cầu không nói ra như vậy thì âm nhạc của Trần Thiện Thanh đã đến và được vang lên như để sưởi ấm tâm tình người lính, đan cử như những bài tình ca nói lên tâm trạng người lính hay bi khúc như Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh hoặc nhiều bài ca khác của anh Trần Thiện Thanh, đã đến với đám đông quần chúng nỗi niềm cảm thông sâu sa về những khó khăn, những hiểm nguy của họ ngoài tiền tuyến.

Tôi muốn cám ơn anh Trần Thiện Thanh vì anh đã cho anh em chúng tôi những bản nhạc viết về người lính và cho người lính đã thực sự đi vào lòng người. Anh không chết đâu anh. Trần Nhất Lang".

Tôi tham khảo bài viết của Thiếu Úy Phạm Phong Dinh, rất trẻ trong Liên Đoàn 72 Quân Y, anh mê y khoa cũng như văn chương, và là nhà văn viết biên khảo chiến tranh, nhất là quyến sách vô cùng giá trị "Thiên Hùng Ca - Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Anh đã viết về những cảm nghĩ cá nhân về nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh là:

"Nhật Trường Trần Thiện Thanh, người Ca Sĩ – Nhạc Sĩ Của Lính Và Của Những Người Yêu Lính đã từ giã chúng ta trong một buổi trưa đầu hè ở California ngày 13.5.2005. Anh có những đóng góp bất tử cho dòng âm nhạc nghệ thuật thêm phong phú, nhất là những nhạc phẩm diễn tả về người Lính. Tôi cảm thấy buồn nhiều khi nhìn xung quanh nhiều bằng hữu đã ra đi. Cõi trần gian này tạm bợ, cuộc sống này ngắn ngủi, ngẫm nghĩ lại chí hướng làm trai thì tôi rất thích thơ của Nguyễn công Trứ, và tôi xin gởi đến anh Nhật Trường Trần Thiện Thanh ý nghĩ riêng tư là:

"Làm người mấy ai không chết

Lưu tấm lòng son rạng sử xanh"

(Nhân Sinh Tự Cổ Thùy Vô Tử

Lưu Thủ Đan Tâm Chiếu Hãn Thanh)..."

Trong một cuộc phỏng vấn, tôi đã hỏi anh Phạm Phong Dinh (PPD) là tại sao chúng ta phải vinh danh Nhật Trường Trần Thiện Thanh thì PPD cho biết như sau:

PPD: Nhật Trường TTT là một nhạc sĩ lớn của nền âm nhạc Việt Nam vì những tác phẩm của anh phản ảnh nhiều khía cạnh nghệ thuật và cuộc đời anh đã đóng góp. Nhật Trường Trần Thiện Thanh thường được nhắc đến, nghĩ đến và yêu mến như là một nhạc sĩ của lính, viết nhạc cho lính và cho những người yêu lính. Chính anh là người đem hình ảnh của người lính QLVNCH thăng hoa trên một kích thước được đo bằng những nốt nhạc bất tửvới ý chí hào hùng và bi tráng nhất trong dân gian cũng như vườn hoa âm nhạc Việt Nam. Từ đó hình ảnh của người lính VNCH thân quen của chúng ta đã trở thành bất tử trong lòng dân tộc và lịch sử Việt Nam. Tôi thấy là trong dòng nhạc của Trần Thiện Thanh, người lính của QLVNCH được thể hiện từ những người trai thế hệ khoác áo chiến binh xông pha nơi chiến trận bảo vệ quê hương, và trong ý nghĩa như vậy thì dù người lính hào hùng nhưng họ cũng rất bình thường trong cuộc đời, họ biết yêu thương, biết hẹn hò, và biết dệt mộng đẹp tương lai. Qua dòng nhạc của Trần Thiện Thanh, hình ảnh của gương chiến đấu anh dũng của người lính hy sinh mạng sống cho một hậu phương yên bình đã hiện hữu rất đậm nét. Như vậy thì chúng ta vinh danh Nhật Trường Trần Thiện Thanh cũng đồng nghĩa với sự vinh danh những người lính trong QLVNCH, sự tôn vinh một giai đọan lịch sử khốc liệt mà những chàng trai thế hệ VNCH của chúng ta đã cống hiến máu xương cho nền tự do của Miền Nam. Tôi thiết nghĩ không ai trong chúng ta sẽ phủ nhận những giá trị của một kho tàng nhạc Lính quý báu của Trần Thiện Thanh.

VH: Là một nhà văn viết biên khảo, đặc biệt về lịch sử của quân lực VNCH, anh nghĩ sao những chủ trương của Asia và nhất là Asia-50 về sự vinh danh những đóng góp của nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh"

PPD: Từ lúc những chương trình đầu tiên của những thập niên trước, tôi nghĩ từ những bước đi chập chững, mò mẫm, người ta đã nhìn thấy hướng đi nghệ thuật vừa đa dạng, vừa lành mạnh của Trung Tâm Asia nhằm duy trì nét văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam ở hải ngọai, song song đó cũng để đối đầu với một nền văn hóa bị kiềm chế lồng trong phạm vi nghệ thuật xét rằng quá yếu kém, một nền văn hóa bị kiểm duyệt và tác phẩm làm theo mệnh lịnh của nhà cầm quyền. Tôi có dịp theo dõi nhiều băng Asia tôn vinh những giá trị nhân bản, giá trị nghệ thuật, và giá trị của nền văn hóa đông và tây kết hợp trong ngôn ngữ Việt Nam, ví dụ hai bộ DVD 48 và 49 vừa qua. Những băng video trước đó về Chiến Tranh Và Hòa Bình, Vinh Danh Người Lính hay Hành Trình Tìm Tự Do đều có giá trị riêng của nó. Tóm lại, tôi hoàn toàn đồng ý việc làm của Trung Tâm Asia.

VH: Anh thích những bài ca nào của Nhật Trường thì anh xin cho biết"

PPD: Nói chung thì theo tôi vì nhũng nốt nhạc của Trần Thiện Thanh sáng tác quá êm ái, nhẹ nhàng tình tứ và lãng mạn khi viết về nhạc tình yêu và tuổi trẻ, hoặc đong đầy tính chất bi thương của những người lính ngòai mật trận, là người lính QLVNCH, nên tôi hiểu và đã thích nhiều bài nhạc, có thể nói bài nhạc nào của người nghệ sĩ tài hoa này tôi đều thích hết.

Kế tiếp nhà văn Lê Tam Anh viết nhiều về kỷ niệm đời lính, cũng như đã trải qua vòng tù tội của CSVN giam anh. Nhận xét về Asia làm show hát tưởng niệm Nhật Trường cho Asia-50, anh ghi nhận những cảm nghĩ về Trần Thiện Thanh gửi tôi như sau:

“Trần Thiện Thanh rất xứng đáng được mọi người nhớ đến. Khi anh mất đi, tôi có viết một bài nói về anh như một ngôi sao bắc đẩu vừa vụt tắt. Cuộc đời của anh hình như vẫn gắn liền với người lính cho tới hơi thở cuối cùng! Do đó tôi nghĩ một việc vô cùng ý nghĩa như khi Trung Tâm Asia tổ chức show hát nhạc của anh, vinh danh anh với số khán giả kỷ lục. Người ta đã nhớ đến anh qua những sáng tác của anh cho ngàn đời sau, cho lịch sử âm nhạc. Theo tôi, nhạc và lời ca của anh đã gắn liền với lịch sử dân tộc. Sau này 50 năm nữa hay 100 năm nữa, những thế hệ hậu bối muốn tìm hiểu chuyện quá khứ, nhất là về giai đoạn chiến tranh tồi tệ nhất lịch sử Việt Nam có sự hiện diện của người CSVN mang bản chất phá hoại, người ta có thể sẽ xem lại DVD này của Asia để biết thêm về cuộc chiến cũng như về Nhật Trường Trần Thiện Thanh. Cuộc chiến tranh Việt Nam trong giai đoạn vừa qua, chính anh, Trần Thiện Thanh, đã ghi đậm nét người lính Việt Nam Cộng Hòa, anh đã thi vị hóa những mối tình giữa người lính và em gái hậu phương được thăng hoa thật đẹp đẽ.”

Tôi gặp TQLC Lý Khải Bình trong buổi vinh danh Trần Thiện Thanh, anh Bình rất tích cực hoạt động trong cộng đồng tại Nam Cali. Có thời gian anh cùng các bạn thực hiện một chương trình đưa tiếng nói nối kết những anh chị em của QLVNCH xích lại gần nhau qua làn sóng phát thanh FM106.3. Anh cho tôi cảm tưởng thật lòng của người chiến sĩ Cọp Biển về ca nhạc sĩ Nhật Trường Trần Thiện Thanh như sau:

"Nói đến nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thì đối với tuổi thanh niên lứa tuổi 20s trong thời chiến của anh em chúng tôi, nhạc của anh chiếm một chổ đứng quan trọng trong tâm tưởng của những người đã từng một thời khoác áo lính và khoái nhạc của Trần Thiện Thanh, có thể nói rằng nhạc của anh như một loại hành trang mang theo của những chiều tàn hành quân trên đường trở về hậu cứ được nghỉ ngơi, được nghe chiếc radio lọai transistor của hiệu Panasonic nhỏ bằng lồng bàn tay (palm pocket) vang lên nhạc Trần Thiện Thanh, chẳng hạn như các bài tình ca Không Bao Giờ Ngăn Cách, Mùa Đông Của Anh hay Khi Người Yêu Tôi Khóc bỗng thấy hồn mình lâng lâng, cái cảm giác vui tươi, cái cảm giác yêu đời, nhớ người yêu, lòng xao xuyến bất tận. Tất cả những ngày tháng đó khi còn làm người trai áo trận, giầy saut là những kỷ niệm khó phai, mà sự đóng góp của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đối với những anh em lính tráng thật đáng quý và thật đáng nhớ. Cám ơn anh Nhật Trường, dù hồn anh ở đâu, chúng tôi sẽ mãi nhớ ơn anh."

Nhà thơ Hoàng Ngọc Liên, một cựu sĩ quan Dù cao niên, có mối liên hệ tình bạn văn nghệ thân thiết với Nhật Trường Trần Thiện Thanh, ông sáng tác thơ tặng người nhạc sĩ đa tài này qua bài "Nhật Trường Trần Thiện Thanh: Người Bạn Trẻ Đã Đi Rồi!" khi được tin Nhật Trường giã từ cõi đời:

“Mình cứ ngỡ không bao giờ ngăn cách,

Sẽ cùng nhau tham dự hết cuộc chơi

Khi được tin Người Bạn Trẻ Đã Đi Rồi

Mình ngơ ngẩn như một phần mình vừa mất

Đành Cõi Tạm: Ai cũng về với Đất

Có lẽ đâu Bạn đi sớm cho đành"!

Khiến cuộc chơi vắng bóng Trần Thiện Thanh

Người Ở Lại Charlie, xa cách mãị

Tôi còn nợ cuộc đời nhiều Oan Trái

Hệ lụy nào qua khỏi Bến Vô Thường

Đã ”Lập Thân Tối Hạ Thị Văn Chương”

Thì tự nhủ “tài tình thiên cổ lụy”!

Thanh Đàm, Nhã tập, Minh Văn, Diễm Ý

Bạn thoát rồi hệ lụy khúc Vô Thanh.

Ai sẽ ca : “Anh Không Chết Đâu Anh”

Để tiễn bạn về Bên Kia Bờ Giác"

Xin hẹn Bạn trong một Miền An Lạc

Nơi không còn hệ lụy của trần gian.”

(Vĩnh biệt Trần Thiện Thanh!)

Trong tác phẩm "Charlie, Ngọn Đồi Quyết Tử", tập thơ và hồi ký của Trung Úy Nguyễn Văn Lập, Pháo Đội Trưởng Tiểu Đòan 2 Pháo Binh Dù có bài thơ dài và hồi ký với đầy đủ chi tiết khá dài về trận đánh Charlie mà anh tham dự, tôi xin trích đoạn lại như sau:

“Vào Charlie

Trăm con chim lạ về rừng

Cờ treo hai ngọn, lẫy lừng chiến khu

Kontum gió núi, sương mù

Theo quân vào cuộc, sinh, từ, quê hương

Ba lô, súng trận, sa trường

Tiếng quân reo, dấy biên cương ngút ngàn

Điệu sầu nửa phím tơ loan

Áo phong sương đã mấy lần tả tơi

Xung phong vũ khúc lên đồi

Bom rơi, pháo nổ, thây người ngả nghiêng...

… Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù, Song Kiếm Trấn Ải Charlie đã để lại nơi đây người anh cả Nguyễn Đình Bảo cùng ba trăm đồng đội, và Tiểu đoàn về được tới Võ Định trước sau chỉ có mấy chục người, chưa được trọn một đại đội. Sau Hiệp định Paris, Đại Úy Hùng mập, Đại đội trưởng 113 được trao trả. Xạ thủ đại liên Nguyễn Tấn Vinh dọc đường dẫn ra đất Bắc, nhiều lần bọn cán binh Việt cộng đòi giết để trả thù cho đồng bọn...

Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã đánh hai trận lẫy lừng nhất trong quân sử Việt Nam Cộng Hòa. Trận Charlie lãnh cở 10,000 quã đạn đại bác đủ loại trên một căn cứ nhỏ xíu, chưa có trận nào mà một đơn vị của quân đội ta bị pháo khủng khiếp đến như thế. Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù bị mất hơn 4 đại đội, nhưng đã tiêu diệt được ít nhất cũng một Trung Đoàn Cộng Sản Bắc Việt của Sư Đoàn 320 Thép, ở tỷ số một đổi bốn. Sau chỉ một tháng bổ xung quân số rồi ra tái chiếm Quãng Trị, chỉ trong một đêm đến sáng của một ngày tháng 6 năm 1972, Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù và đề lô pháo binh đã bắn cháy 26 xe tăng địch gần bờ sông Mỹ Chánh, có lẽ quân sử thế giới cũng chưa có một đơn vị nào lập được một kỳ công hiển hách như thế trong không đầy 24 tiếng đồng hồ, và cũng chính nhờ Tiểu Đoàn 11 Nhảy Dù đã dùng hỏa tiển TOW bắn cháy một xe tăng T54 của địch định khóa đuôi Đại đội 1 Trinh Sát Dù của Thiếu Tá Dũng, Đại Đội Trưởng, mà tôi đã thoát chết được khi đi đề lô cho Đại đội này ngay sát bờ Nam sông Mỹ Chánh, Hải Lăng, Quãng Trị cuối tháng 6 năm 1972…”.

Nhà văn Nguyễn Văn Thành tại Minneapolis, Minnesota, là một cựu quân nhân trong QLVNCH cho tôi bài cảm tưởng khi anh đi xem show Asia-50 này:

"Tôi rất thích nghe nhạc của Nhật Trường - Trần Thiện Thanh, anh là một nhạc sĩ tài hoa. Lời ca tiếng nhạc của anh luôn thấm sâu trong lòng mọi người. Anh đã viết thật lòng những cảm xúc về cuộc sống thực tại trong thời kỳ sôi bỏng của đất nước chiến tranh. Anh ca ngợi sự hào hùng, sự anh dũng của người trai chinh chiến xông pha ngoài trận tuyến và tình yêu của người em gái hậu phương đến với người lính chiến nơi sa trường.

Chính anh là một người lính nên anh thông hiểu thân phận và đã lột tả thật chân tình được tâm sự của một người lính trẻ qua chất thơ dòng nhạc tài tình với âm điệu êm dịu để khi ai hát lên những ca khúc của anh người nghe đã bùi ngùi xúc động. Nhạc do Trần Thiện Thanh sáng tác đã chinh phục được cảm tình và lòng ái mộ của mọi người khi anh xuất hiện trong sinh hoạt văn nghệ đầu thập niên 60 trở về sau. Anh đã được công chúng công nhận là “nhạc sĩ của lính”.

Có xem chương trình Đại Nhạc Hội “Anh Không Chết Đâu Anh” vinh danh Nhật Trường-Trần Thiện Thanh do trung tâm ASIA thực hiện mới ôn lại cái quá khứ oanh liệt, và nó đã đưa mọi người về với dĩ vãng của một thời hào hùng, nơi đó có Phá Tam Giang, có Khe Sanh, có Lao Bảo, có Charlie, có Quảng Trị, những vùng đất quê hương khổ lụy vì bom đạn chiến tranh, và có hình ảnh thật đẹp khi những trai khoác chiến y bảo vệ non sông. Không khí trong rạp hát dâng lên tâm trạng vừa nhớ thương quê hương, vừa xót xa cho thân phận người lính ở những đoạn bi thương như có Đại Úy Đương hay Đại Tá Bảo, rồi lại vui tươi với Tình Lính, Người Yêu của Lính, hình ảnh của hầu hết những người lính trẻ năm xưa; Tôi chứng kiến nhũng nụ cười của khán giả, cũng như nhìn thấy những xúc cảm khi họ không ngăn được những giòng nước mắt khi nghe nhạc của Trần Thiện Thanh gợi nhớ về một quá khứ bi hùng. Trung tâm ASIA đã gột tả được cuộc đời và sự nghiệp âm nhạc của một nhạc sĩ thật đáng kể trong nền âm nhạc Việt Nam. Từ Minnesota về tôi chỉ ước ao xem lại những hình ảnh hào hùng xưa của QLVNCH. Tôi rung cảm vì những bài hát trước mắt tôi. Sân khấu đem lại những kỷ niệm của lịch sử cần được ôn lại. Rồi hôm thứ 7 cuối tuần của Asia-50 trời đã mưa tuôn như khóc ai, như nhớ ai: "Chiều thứ bảy mưa rơi, ai bảo anh lại tới, ai bảo anh nhiều lời cho mắt em lệ rơi.”, và tôi nhìn sân khấu với mắt nhòa lệ rơi."

Nhà văn Dương Viết Điền, tác giả của cuốn sách hot seller về chiến tranh "Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân" nói lên sự uy dũng của QLVNCH, anh đến với gần như một tiểu đội bạn bè cùng thân nhân, tôi gặp anh khi xếp hàng vào cửa, dáng người HO này vẫn còn đậm nét uy dũng. Đi xem show về, anh đã viết email gửi tôi đôi dòng cảm tưởng như sau:

"Trong lúc đang ngồi xem chương trình văn nghệ mang chủ-đề “Anh Không Chết Đâu Anh, Nhật Trường Trần Thiện Thanh, Tình Yêu, Cuộc Đời và Sự Nghiệp”, lòng tôi cảm thấy rất xúc động. Khi các nghệ sĩ trình diễn những bản nhạc của Trần Thiện Thanh nói về cái chết của Đại Tá Nguyễn Đình Bảo tại căn cứ Charlie, của Đại Úy Thuỷ Quân Lục Chiến Vũ Mạnh Hùng trên cầu Bình Lợi, của Đại Uý Pháo Binh Nhảy Dù NguyễnVăn Đương trên đỉnh đồi 31 vv…, bỗng nhiên tất cả rừng núi ở khắp bốn vùng chiến thuật tại miền nam Việt Nam trước đây như hiện lên trong tâm trí của tôi với những chiến địa bao phủ đầy khói súng, với những trực thăng chở quân tiếpviện cho các đơn vị ở vùng biên giới xa xăm, với những hình ảnh các cánh hoa dù của lực lượng nhảy dù đang nhảy xuống tại các căn cứ nằm trên ngọn đồi trọc để tiếp ứng cho những đơn vị bạn đang giao tranh khốc liệt với Cộng quân vv…

Những hình ảnh này bỗng làm cho tim tôi xao xuyến rồi xúc động mãnh liệt khiến tôi nhớ lại sự hào hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã một thời vang bóng. Thảo nào lúc Miền nam Việt Nam bị bức tử, rất nhiều quân nhân của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đã tiếp nối sự oai hùng đó bằng cách tự sát để rồi họ đã trở thành Những Anh Hùng Vị Quốc Vong Thân.

Thảo nào ngày bọn CSVN xâm chiếm miền Nam, VNCH có Ngũ Hổ Tướng Quân đã tuẫn tiết. Thảo nào sau khi ở tù 17 năm về, tướng Lê Minh Đảo đã dõng dạc tuyên bố: “Kiếp sau, tôi vẫn muốn trở thành một người lính VNCH”.

Tiếp theo những ý nghĩ của tôi khi nhìn về dĩ vãng từ sân khấu là những giai điệu và lời ca của các bản nhạc lại triền miên làm réo rắt tim tôi, đưa tôi đi từ cảm xúc này sang cảm xúc khác vàlàm cho tim tôi khi hồi hộp khi đau lòng, khi nghẹn ngào khi tiếc nuối, khi sôi sục khi hờn căm. Nghẹn ngào vì những mối tình đẹp tuyệt vời đầy thủy chung như thế nhưng vì mệnh số mà phải sinh ly tử biệt, hờn căm vì cuộc sống ở miền Nam chúng ta thật thanh bình và hạnh phúc, ấy thế mà giặc từ bắc phương đem quân vào gieo tang tóc cho miền Nam làm cho nhân dân ta phải chịu bao điêu linh thống khổ vì mớ lý thuyết xã hội chủ nghĩa rỗng tuếch.

Nói chung, những bản nhạc của Nhật Trường Trần thiện Thanh trong đêm trình diễn đã vĩnh viễn đi vào lòng người. Xem thế, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã đóng góp công sức rất lớn trong việc phát huy và bảo tồn truyền thống oai hùng của QLVNCH qua âm nhạc. Cám ơn trời, cám ơn đời đã tạo nên một nhạc sĩ đầy tài hoa suốt đời chỉ biết dấn thân phục vụ cho quân đội qua lãnh vực văn học nghệ thuật.Và sau cùng cám ơn Trung Tâm Asia cho ra Asia Show 50 là một việc làm chính đáng, tôi cho là rất cần thiết”, Dương Viết Điền, California, 25/02/06.

Nhớ lại khi đứng trước rạp La Mirada trời mưa lạnh gía, hàng người vẫn kiên nhẫn, vẫn dài nối đuôi vào cửa, tôi gặp khá nhiều bạn bè đi tham dự show Asia-50 này như Dương Viết Điền, Lương Minh Sơn, Lý Ngọc Chương, Võ Trung Hiếu và Đỗ Xuân Lư từ Los Angeles, Chung Tấn Long, Lý Mạnh Hào và Hùynh Nhật Quang từ bắc Cali xuống. Có anh đi mang cả gia đình, có anh đi xe chung với bạn bè, tựu trung các anh thuộc những binh chủng khác nhau trong QLVNCH. Hôm sau gặp anh Đỗ Xuân Lư, anh cho biết là màn đầu khi mở màn và màn kết thúc show hát khi bài ca "Anh Không Chết Đâu Anh" trong tiếng bom đạn đã mang anh về những ngày cũ trên quê hương có ngày vui An Lộc hay Quảng Trị khi quân ta toàn thắng, một thời mà những người lính trong QLVNCH xả thân bảo vệ quê hương, nó cho anh cái cảm nhận về sự hào hùng của những thế hệ khoác áo chiến binh vì đất nước.

Anh Chung Tấn Long thì cho biết anh rất vui được xem những hoạt cảnh, những bài ca nói lên sự can đảm, lòng quả cảm và show hát đã thật sự vinh danh những người lính hy sinh cho quê hương, là người quân nhân trong dòng huyết quản anh nghĩ 6 tiếng lái xe đi đường xa từ bắc xuôi nam Cali thật đáng đồng tiền bát gạo. Còn nhiều ý kiến của người tham dự xem show mà họ đã tỏ vẻ rất hài lòng một show hát có thể liệt vào hạng hay nhất và lôi cuốn anh nhất trong bất cứ show nhạc nào hay băng nhạc nào khi nói về sự hào hùng của QLVNCH. Nếu hàng quan khách có bao nhiêu người xúc động để cho tôi nhiều ý kiến và nhận định, thì từ phía trên sân khấu hai anh Phan Nhật Nam và Nam Lộc cũng đã góp ý. Theo anh Nam Lộc nhìn từ hướng trên sân khấu thì:

“Quả thật Trần Thiện Thanh đã và đang sống lại với chúng ta qua buổi họp mặt tưởng niệm và vinh danh anh, nó lớn hơn và đi ra ngoài khuôn khổ của một chương trình đại nhạc hội. Bởi vì hiếm có khi nào khán giả lại mua vé ngồi thêm 4 tiếng đồng hồ trong rạp để xem xuất thứ hai dù biết là cùng một chương trình. Cũng ít có buổi nhạc hội nào mà người xem đã khóc sụt sùi, nhưng không phải là những giọt lệ buồn mà khóc vì lòng tri ân quý mến cùng niềm cảm phục dành cho sự hy sinh âm thầm và chịu đựng gian khổ của những người lính quân lực VNCH. Và cũng ít có chương trình ca nhạc nào mà khán giả đã tự động đứng lên nhiều lần để vỗ tay cho các màn trình diễn.

Chưa bao giờ người ta thấy khán giả và nghệ sĩ sống với nhau như một đại gia đình, chia sẻ những câu chuyện vui buồn, những kỷ niệm đậm sâu, những thiên chiến sử bi hùng. Họ cùng cười với nhau và cùng chan hòa nước mắt, cả từ bên ngoài cho đến phía trong sân khấu. Từ trẻ đến già, từ quan đến lính, họ quên đi tất cả, chỉ để sống thật lòng, sống thật hạnh phúc với dòng nhạc và hình ảnh của Nhật Trường-Trần Thiện Thanh trong một buổi chiều, một buổi tối mà trời California bỗng dưng lạnh, mưa và buồn như gợi nhớ những ngày hành quân năm xưa. Ôi, “nhớ ơi là nhớ, đến bất tận...”. Những dòng nhạc, mà cả âm điệu, cả tâm tình lẫn lời ca dường như ai cũng có thể thấp thoáng nhìn thấy một khoảng đời mình trong đó. Nó chân thành và gần gũi với mọi người và đó là lý do mà người ta hát... “Anh không chết đâu anh...”!”.

***

Như nhạc sĩ Nam Lộc vừa nói, tôi xem lại DVD Asia-50 những hoạt cảnh có nhạc Nhật Trường Trần Thiện Thanh vang lên nét đa dạng, nét phổ quát để mọi người dễ nhớ hay có kỷ niệm riêng với mình từ những êm dịu, những du dương, những ngọt ngào của Không Bao Giờ Ngăn Cách, Mùa Đông của Anh, Bảy Ngày Đợi Mong, Khi Người Yêu Tôi Khóc... đến những ray rứt nóng bỏng vì chiến tranh của Anh Không Chết Ðâu Em, Người Ở Lại Charlie, Chiều Trên Phá Tam Giang, và còn quá nhiều để kể ra hết... Sân khấu đem người xem về những hào hùng gợi nhớ năm xưa, tôi cho là đây là một tác phẩm độc đáo khi xem DVD từ những chi tiết của những hoạt cảnh đến kỹ thuật âm thanh thu hình.

Nhận định sau cùng của người viết khi đọc nhiều tài liệu về trận đánh Charlie của các anh em Nhảy Dù mà nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã đưa vào âm nhạc, thật sự có quá nhiều điều để nhắc nhở lại QLVNCH và những kỷ niệm năm xưa đã lắng sâu vào quân sử.

Chúng ta thấy được sự chiến đấu can trường của các chiến sĩ thuộc TĐ11ND, chính họ đã bẻ gẫy một trung đoàn và gây thiệt hại nặng nề cho một trung đoàn khác thuộc Sư Đoàn 320, vốn được mệnh danh là Sư Đoàn Thép của CS Bắc Việt. Tưởng cũng nên biết thêm là chỉ sau vài tháng tại bờ phía nam của sông Mỹ Chánh, Quảng Trị, TĐ11ND đã chiến đấu vô cùng anh dũng diệt tan 1 Tiểu Đoàn Chiến Xa T54 và một Tiểu Đoàn Bộ Binh Tùng Thiết của CS Bắc Việt; Ghi nhận tại tuyến đầu Mỹ Chánh TĐ11ND đụng nặng với Sư Đoàn 304 và Trung Ðoàn Thiết Giáp 204 gây tiêu hao cho địch quân. Và chính TĐ11ND đã vinh dự đoạt Giải Nhất Đơn Vị Diệt Tăng Mùa Hè 1972 của Tổng Thống VNCH. Nhắc lại công trạng của anh em Thiên Thần Mũ Đỏ nói riêng hay toàn thể các cựu quân nhân QLVNCH nói chung nhân ngày kỷ niệm 30 tháng 04 năm 2006 là rất cần thiết. Tôi mong rằng thế hệ trẻ của VNCH hãy hãnh diện vì cha anh của họ.

Khi tham dự Buổi Lễ Vinh Danh Nhật Trường Trần Thiện Thanh này thì tôi chú ý điểm son mà Mũ Đỏ Phan Nhật Nam đề nghị là hãy xem Asia-50 là buổi gặp gỡ tri ân người lính năm xưa hơn là một buổi văn nghệ giải trí thuần túy. Do đó tôi phải dùng phần lớn chi tiết trong bài viết của Mũ Đỏ Bùi Đức Lạc tham dự trực tiếp trận đánh từ trên không nhìn xuống, ông đã nghẹn ngào, ông đã tức giận khi chứng kiến những đồng đội, những chiến hữu của mình gục ngã khi bom đạn xé nát căn cứ Charlie.

Nếu khán giả Mỹ đã khóc thương khi xem những cuốn phim như Pearl Harbor kể lại Đệ Thất Hạm Đội Hoa Kỳ bị đoàn phi công quyết tử Nhật Bản đánh đắm gây tê liệt cho hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương vào ngày 7 tháng 12, năm 1941 hay phim The Alamo nói về cuộc chiến giữa Hoa Kỳ và Mễ Tây Cơ tại Texas vào năm 1836 khi đôi bên tranh giành đất đai, 200 lính Hoa Kỳ dưới sự chỉ huy gan dạ của một "Nguyễn Đình Bảo Hoa Kỳ" là Trung Tá Chỉ Huy Trưởng William B. Travis, đã thề nguyền không chịu thua, không chịu đầu hàng hàng ngàn quân lính Mễ Tây Cơ vây hãm với mưa pháo tấn công, dưới sự chỉ huy hung hãn của viên tướng Antonio López de Santa Anna, Mễ Tây Cơ nhất quyết bứng gốc tiền đồn Alamo, sự chiến đấu không cân xứng này về lực lượng khi mà bên ít quân bị bên nhiều quân lấy thịt đè người, và sau cùng đã làm quân Hoa Kỳ thua cuộc y chang như một Charlie của Nguyễn Đình Bảo vào năm nào.

Tôi xem hai cuốn phim Mỹ này tôi chứng kiến người Hoa Kỳ tức giận, khán giả bàng hoàng đau xót đến rơi lệ. Hôm nay tại đây khán giả đã rơi lệ vì những “Alamo Việt Nam”, những “William B. Travis Việt Nam” như Nguyễn Đình Bảo, như Nguyễn Văn Đương và như bao anh hùng khác của Việt Nam Cộng Hòa mà những hình ảnh cũ đã hiện diện trong nhiều bài ca của Nhật Trường Trần Thiện Thanh, nếu người đi xem đã tiếc thương cho người lính của QLVNCH thì xin tất cả hãy đồng ý với Phan Nhật Nam, cũng như đồng ý với Phạm Phong Dinh là chúng ta hãy vinh danh Nhật Trường Trần Thiện Thanh, tức chúng ta vinh danh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng, đã kiên cường khi nằm xuống trong sứ mạng bảo vệ quê hương.

Cũng như những cây bút quân đội Dương Viết Điền, Phạm Phong Dinh, Phan Nhật Nam, Lê Tam Ca, Lý Khải Bình, Nguyễn Văn Thành, Trần Nhất Lang hay bao người khác đã tỏ lòng biết ơn Nhật Trường Trần Thiện Thanh vì những tác phẩm để đời của anh được diễn đạt toàn vẹn trong show hát này, người viết bài xin ghi chú riêng là cám ơn Trung Tâm Asia cùng nhiều ca sĩ, nhạc sĩ, MCs, diễn viên, vũ công hay những người sau hậu trường đã trực tiếp đóng góp cho Asia-50, một DVD sự khơi dậy lòng hào hùng anh dũng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mãi mãi: "Anh Không Chết Đâu Anh".

Việt Hải, Los Angeles

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Bốn người được báo cáo đã bị giết chết hôm Thứ Năm sau một vụ cảnh sát rượt đuổi qua nhiều quận đã kết thúc trong trận đấu súng trên đường Miramar Parkway theo sau một tên cướp có vũ khí tại Coral Gables, tiểu bang Florida.
Mỗi năm lên tuổi già đi, tưởng đâu đã được an nhàn, nào ngờ đảng Cộng sản Việt Nam vẫn phải tối mắt đấu tranh để tồn tại vì các chứng nan y: Suy thoái tư tưởng; Đạo đức xuống cấp; Tham nhũng; và, Lợi ích nhóm trong trong cán bộ,đảng viên.
Bản thông báo của cảnh sát đưa ra hôm Thứ Năm ngày 5 tháng 12/2019, cho biết cô bé mất tích tên Lara Nguyen, 12 tuổi, cư dân thị trấn Menda. Lần cuối cô bé được nhìn thấy là tại nhà cô bé này ở đường Coppice Street, khoảng 8 giờ sáng hôm Thứ Tư ngày 4 tháng 12/2019.
Sài Gòn: Trong 11 tháng kiều hối đạt 4,3 tỷ USD, dự kiến cả năm 2019 dự kiến 5,3 tỷ USD, tăng trên 9% so với năm 2018. Kiều hối về đã giúp sản xuất kinh doanh, giải quyết khó khăn đời sống người thân, giải quyết việc làm, tạo điều kiện cho kinh tế Tp SG phát triển.
Do dự đoán thời tiết sẽ có 40-50% cơ hội mưa rào vào Thứ Bảy tới, 7 tháng 12 - ngày sự kiện ‘Winter in the Grove’, Thành phố sẽ dời sự kiện này đến ngày thứ Năm tuần sau, vào ngày 12 tháng 12, và chương trình sẽ bắt đầu lúc 5:00 giờ chiều đến 8:00 giờ tối
Tại nhà hàng Diamond 3, Westminster, Nam California, Tối thứ Sáu, ngày 29 tháng 11 năm 2019, Hội Đồng Hương Quảng Nam – Đà Nẵng (QNĐN) đã tổ chức buổi tiệc tri ân các mạnh thường quân và các ân nhân đã ïđóng góp cho chương trình cứu trợ Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa Quảng Nam Đà Nẵng.
Hôm biểu tình 17/11, lãnh tụ trẻ Joshua Wong hô lớn khẩu hiệu "Hồng-kông là Bá-linh mới !" trước đông đảo dân Hồng-kông tụ tập tại Công trường Edimbourg trong khu phố doanh thương.
Chính phủ Trump đang thắt chặt các đòi hỏi làm việc đối với một số người nhận phiếu thực phẩm, một sự thay đổi dự kiến sẽ loại bỏ các lợi ích của Chương Trình Hỗ Trợ Dinh Dưỡng Bổ Sung (SNAP) cho 688.000 người lớn.
Tổng Thống Donald Trump hôm Thứ Tư đã đột ngột bãi bỏ cuộc họp báo đã được lên lịch trình để kết thúc chuyến đi đầy tranh cãi tới Anh cho cuộc họp năm thứ 70 của Tổ Chức Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương gọi tắt là NATO.
Có 422.9 triệu khẩu súng đang lưu hành, khoảng 1.2 khẩu cho một người Mỹ, và 8.1 tỉ dây đạn được bán vào năm ngoái, chứng tỏ súng là phổ biến tại Mỹ, theo National Shooting Sports Foundation cho biết.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.