Hôm nay,  

Phan Châu Trinh, Nhà Tiên Tri Của Thời Đại

23/03/200600:00:00(Xem: 5924)
- (Trình bày tại Lễ kỷ niệm húy nhật thứ 80 của Phan Châu Trinh do Hội Đồng Hương Quảng Nam và Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng tổ chức tại Anaheim, ngày Chủ nhật 19-3-2006.)

Phan Châu Trinh là nhà tiên tri của thời đại, thấy trước hướng đi dân chủ của thế giới và của Việt Nam. Chủ trương của ông chẳng những thích hợp với thời đại của ông, mà còn thích hợp với thời đại hôm nay và sẽ thích hợp với mọi thời đại trong tương lai.

1.- ĐẶC ĐIỂM CHỦ TRƯƠNG CỦA PHAN CHÂU TRINH

Điểm thứ nhất, Phan Châu Trinh là người đề xướng PTDT và là người Việt Nam đầu tiên đề xướng thuyết nhân quyền và dân quyền tại nước ta vào đầu thế kỷ 20. Xin chú ý PTDT là một TIẾN TRÌNH VẬN ĐỘNG VĂN HÓA VÀ CHÍNH TRỊ. Tiến trình vận động văn hóa rất chậm chạp, không hùng tráng, không đau thương, nên ít gây xúc động, ít hấp dẫn hơn những biến cố ở dạng bùng nổ.

Điểm thứ hai, người PHÁP THẤY RÕ SỰ NGUY HIỂM CỦA PHAN CHÂU TRINH VÀ PTDT. Pháp chận đứng bằng hai cách: Thứ nhất Pháp bắt giam Phan Châu Trinh và những nhà lãnh đạo PTDT trên toàn quốc sau vụ xin xâu chống thuế năm 1908. Thứ hai, sau đó không lâu, Pháp mở hai phong trào văn hóa khác là phong trào luyện tập và thi tài thể dục thể thao của Ducouroix để thanh niên giải trí, và phong trào văn chương lãng mạn, thay thế đề tài thơ ca yêu nước của PTDT bằng đề tài tình cảm uỷ mị. Cả hai phong trào nầy nhắm làm cho thanh niên quên đi chuyện tranh đấu chính trị, chuyện đòi hỏi dân quyền.

Điểm thứ ba, PTDT KHÁC VỚI PHONG TRÀO ĐÔNG DU (PTĐD) của cụ Phan Bội Châu ở hai điều căn bản là:

* Điều thứ nhất: PTDT chủ trương bất bạo động, trong khi PTĐD chủ trương bạo động chống Pháp.

* Điều thứ hai: PTDT chủ trương không cầu viện nước ngoài, trong khi PTĐD chủ trương cầu viện Nhật Bản, để chống Pháp.

Tuy nhiên, Phan Châu Trinh và Phan Bội Châu có một điểm rất giống nhau là cả hai là những nhà yêu nước vĩ đại vào đầu thế kỷ 20, hy sinh bản thân, hy sinh gia đình để phụng sự đất nước vô vị lợi, và hai người rất tôn trọng nhau.

Điểm thứ tư, CHỦ TRƯƠNG CỦA PHAN CHÂU TRINH và PTDT HOÀN TOÀN ĐỐI NGHỊCH VỚI HỒ CHÍ MINH và ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM (CSVN). Có sáu điều đối nghịch căn bản:

* Điều thứ nhất: Phan Châu Trinh và PTDT kết hợp chủ trương “dân vi quý” của Mạnh Tử với tư tưởng dân chủ Tây phương của Voltaire, Montesquieu, Rousseau... trong khi Hồ Chí Minh và CSVN chủ trương độc tài theo chủ nghĩa Mác xít duy vật.

* Điều thứ hai, PTDT là phong trào văn hóa bất bạo động trên nền tảng văn hóa dân tộc. Chủ nghĩa CS là chủ nghĩa dựa trên bạo động, tranh đấu giai cấp, theo chủ thuyết ngoại lai.

* Điều thứ ba, Phan Châu Trinh chủ trương tự lập, chống lại việc cầu viện ngoại bang. Hồ Chí Minh và đảng CSVN chẳng những cầu viện và còn tình nguyện thừa hành mệnh lệnh của ngoại bang, làm tay sai cho ngoại bang. Mục đích bạo động và cầu viện nước ngoài của HCM và CSVN cũng khác với mục đích bạo động và cầu viện nước ngoài của cụ Phan Bội Châu.

* Điều thứ tư, Phan Châu Trinh và PTDT chủ trương NÂNG CAO DÂN TRÍ, ĐỀ CAO DÂN QUYỀN VÀ NHÂN QUYỀN. Ngược lại, Hồ Chí Minh và CSVN thiết lập một chế độ độc tài toàn trị mà một học giả Pháp, ông Jean Lacouture, đã đặt tên là “autocolonisation”, tức là một chế độ thực dân do người trong nước tự lập, có thể dịch là “thực dân nội địa”. Thực dân nội địa cũng giống thực dân Pháp, thi hành chính sách ngu dân, vì dân càng ngu, càng dễ khống chế, càng dễ độc tài, càng dễ bóc lột.

* Điều thứ năm, Phan Châu Trinh chủ trương xã hội pháp trị, tức tổ chức xã hội trên căn bản pháp luật công bình. Mọi thành phần xã hội, từ người đứng đầu quốc gia đến người cùng đinh đều phải chịu sự chế tài của luật pháp, đều được xét xử như nhau trước pháp luật.

Hồ Chí Minh và CSVN chủ trương độc tài đảng trị, hết sức dị ứng với chủ trương pháp trị do Phan Châu Trinh đề xướng. Đảng CSVN chẳng những chống đối chủ trương pháp trị của PTDT, mà quyết tâm tiêu diệt tất cả những ai nói đến pháp trị.

* Điều thứ sáu, Phan Châu Trinh chủ trương tự do chính trị, tự do bầu cử và tam quyền phân lập theo quan niệm của Montesquieu (Pháp), tức tổ chức chính quyền theo mẫu mực tây phương hiện nay. Hành pháp, lập pháp, tư pháp hoàn toàn độc lập với nhau.

Chế độ CSVN ngày nay không chấp nhận tự do chính trị. Việc bầu cử theo khẩu hiệu đảng cử dân bầu, và đặc biệt CSVN cũng có hình thức tam quyền, nhưng không phân lập, mà là “tam quyền đồng quy”, nghĩa là hành pháp lập pháp và tư pháp đồng quy về một mối, do đảng CSVN cầm đầu.

Đưa ra sáu điều so sánh trên đây để thấy rõ chủ trương của Phan Châu Trinh và PTDT hoàn toàn khác biệt với đường lối của Hồ Chí Minh và đảng CSVN. Vì vậy Tố Hữu đã mỉa mai Phan Châu Trinh như sau: “Muôn dặm đường xa, biết đến đâu"/ Phan Châu Trinh lạc lối trời Âu...” (“Theo chân Bác”, viết năm 1970.) Năm 1975, sau khi chiếm Đà Nẵng, CSVN đã thăm dò dẹp bỏ bức tượng Phan Châu Trinh trước trường Phan Châu Trinh, nhưng gặp dư luận bất lợi, nên đã bỏ qua việc nầy. CSVN rất sợ truyền bá chủ trương dân chủ pháp trị của Phan Châu Trinh.

2.- TRỞ LẠI CHỦ TRƯƠNG CỦA PHAN CHÂU TRINH

Ôn lại lịch sử cận đại, chúng ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy hoàn cảnh thời Phan Châu Trinh vào đầu thế kỷ 20 khá giống với hoàn cảnh Việt Nam ngày hôm nay vào đầu thế kỷ 21.

Thứ nhất là vào đầu thế kỷ 20, các phong trào võ trang kháng Pháp đều thất bại. Xu thế ngày nay trên thế giới không tiện cho việc sử dụng quân sự, nghĩa là cũng không thể võ trang chống cộng, mà cần tranh đấu chính trị.

Thứ hai là vào đầu thế kỷ 20, chế độ Pháp là chế độ thực dân. Ngày nay, CSVN cũng là một chế độ thực dân. Chế độ thực dân nội địa CSVN xem ra còn hiểm độc hơn chế độ thực dân Pháp.

Về văn hóa, giống như chế độ thực dân Pháp, CSVN chủ trương ngu dân để dễ bề thống trị. Đảng CSVN kiểm soát hoàn toàn nền giáo dục, sách vở, báo chí trong nước. Bằng nhiều cách khác nhau, CSVN làm cho dân Việt trở nên đui mù câm điếc, và hoàn toàn bị cộng sản chi phối, ám ảnh. Chính bệnh “cộng ám” là chất độc màu da cam làm tê liệt não bộ dân Việt trong hơn nửa thế kỷ qua.

Về chính trị, hiện nay, người dân trong nước dưới 30 tuổi ở miền Nam và dưới 50 tuổi ở miền Bắc, chưa được đọc bản TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN của LHQ, hoàn toàn không biết gì về những nguyên tắc dân chủ, dân quyền, nên chỉ biết sống theo bổn phận và nghĩa vụ công dân do CS quy định.

Như thế, căn bản của vấn đề là PHẢI CÓ DÂN TRÍ MỚI CÓ THỂ PHÁT HUY DÂN CHỦ. Trước tình hình hiện nay ở trong nước, chủ trương NÂNG CAO DÂN TRÍ, để từ đó VẬN ĐỘNG DÂN QUYỀN, do Phan Châu Trinh và PTDT đề xướng cách đây đúng một thế kỷ, rất cần được phát động trở lại. Việc phát động trở lại chủ trương của Phan Châu Trinh và PTDT hiện có một số thuận lợi như sau:

Thứ nhất, thời đại trước là thời đại của phong trào thực dân trên toàn thế giới. Các nước tiên tiến trên thế giới đều chủ trương thực dân. Ngày nay là thời đại của xu thế dân chủ hóa toàn cầu, các nước tiên tiến trên thế giới đều kêu gọi dân chủ. Ngoài chủ trương dân chủ hóa toàn cầu do Hoa Kỳ đưa ra, vừa qua ngày 25-1-2006, Hội đồng Âu Châu đã công bố nghị quyết số 1481, lên án chủ nghĩa cộng sản là tội ác chống nhân loại, và các chế độ toàn trị cộng sản đã vi phạm nhân quyền tập thể.

Thứ hai, thời trước, vì thiếu thông tin, báo chí, các chế độ thực dân, độc tài che giấu những cuộc đàn áp, những cách bóc lột của họ, nên không ai biết tội lỗi của CS. Ngày nay, báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, Internet tràn lan trên thế giới. Do đó, CSVN không còn có thể giấu kín hoạt động được nữa.

Thứ ba, hiện nay, CSVN đang muốn gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). CSVN bắt buộc phải thay đổi luật lệ, mở rộng dân chủ trong một số phạm vi. Do đó, chúng ta có thể tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông ngày nay, để phổ biến sinh hoạt dân chủ trên toàn cầu về Việt Nam.

Xin hãy cùng nhau tiếp tục con đường Phan Châu Trinh. Hãy góp phần nâng cao dân trí, hãy gieo trồng hạt giống dân quyền, hãy thắp sáng ngọn đuốc dân chủ. Cuộc vận động tuy chậm chạp, lâu dài, và đòi hỏi nhiều kiên nhẫn, nhưng là đây con đường dẫn đến tương lai đất nước, tương lai dân tộc.

Khi nói đến vận động quần chúng, xin hãy chú ý khối đại đa số quần chúng ở nông thôn, chứ không phải chỉ có một thiểu số ở thành thị. Đừng bao giờ quên lời Phan Châu Trinh, “dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được”.

Vấn đề còn lại là vận động như thế nào dưới chế độ độc tài CS. Giống như thời Phan Châu Trinh, điều nầy tùy thuộc vào khả năng của từng cá nhân, từng tổ chức hay đảng phái chính trị, trong việc liên lạc, giao thiệp, trao đổi với người trong nước. Tuy công cuộc vận động rất khó khăn. Chúng ta chưa biết khi nào sẽ đến đích, nhưng nếu chúng ta không bắt đầu, thì không khi nào chúng ta kết thúc. Dầu mức đến còn xa, nhưng nâng cao dân trí vẫn luôn luôn thiết thực bổ ích về lâu về dài cho dân tộc chúng ta.

Tóm lại, Phan Châu Trinh là nhà tiên tri của thời đại, thấy trước hướng đi dân chủ của thế giới và của Việt Nam. Chủ trương của ông chẳng những thích hợp với thời đại của ông, mà còn thích hợp với thời đại hôm nay và sẽ thích hợp với mọi thời đại trong tương lai. TỰ DO, DÂN CHỦ, DÂN QUYỀN, NHÂN QUYỀN LÀ GIẤC MƠ VÀNG MUÔN THUỞ của loài người, chứ không phải riêng của dân tộc Việt Nam. XIN THÀNH KÍNH BIẾT ƠN CHÍ SĨ PHAN CHÂU TRINH.

TRẦN GIA PHỤNG

(Cali, 19-3-2006)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.