Hôm nay,  

Bạt: Mấy Ghi Nhận Về Bếp Lửa

28/03/200600:00:00(Xem: 5666)
- Nhà văn thường là kẻ bất công với chính mình: bất công với những gì hắn đã viết ra. Hắn thường nhìn lại tác phẩm của hắn với con mắt nghi ngờ, không toại nguyện. Càng nghi ngờ, không toại nguyện, khi đó là tác phẩm đầu tay mà ngày nào, khi “chưa phải là nhà văn”, hắn đã hoàn tất với tất cả say mê cuồng nhiệt, tình cảm mà mai đây, khi đã là nhà văn rồi, không dễ dầu gì hắn tìm lại được. Với hắn dường như tác phẩm thật sự là tác phẩm hắn đang viết, sẽ viết, đang hoàn tất, sẽ không hoàn tất bao giờ. Trong khi cuốn sách đầu tiên, đối với hắn, chỉ là bước chân dọ dẫm, những âm vang ngơ ngác của một thời: thời mới lớn. Dường như tác phẩm đầu tay của một nhà văn luôn luôn gắn bó vào chính cái thời mới lớn đó. Nó đánh dấu một thời mới lớn, nó thể hiện những say mê và ước vọng của thời mới lớn, nó chính là cái thời ngu ngơ bất trắc đó. Cho nên trong chủ quan của nhà văn, nó là cái gì nhất thiết phải được vượt qua, một cách nào đó, phải được chối bỏ. Nó không còn là một khởi điểm. Nó là một lỡ lầm mà nhà văn muốn quên đi như một nỗi thất bại. Trường hợp Philippe Sollers mới đây khi lên tiếng phủ nhận và loại bỏ tác phẩm đầu tay [Une Curieuse Solitude] ra khỏi toàn bộ tác phẩm của mình là một trường hợp điển hình.

Tác phẩm đầu tay càng sớm trở thành cổ điển, nó càng là lý do để tác giả nó hoài nghi và phủ nhận chính nó. Phải chăng đó là ý thức khốn khổ của nhà văn khi bắt đầu nhận thức rằng mình “chỉ là một nhà văn”, bắt đầu có được một cái nhìn thấu suốt qua căn phần và định mệnh “nhà văn” của mình. Phải chăng nơi đây, nhà văn cũng không khác gì nhà triết học, nói theo một bực thầy hiện đại, chính là kẻ “đời đời khởi nghiệp”. Viết, một cách nào đó, là viết chống lại những gì mình đã viết, nhất là chống lại những tình cảm sôi nổi ngày nào thể hiện qua những trang sách đầu tiên. Viết, một cách nào đó, là chống lại tác phẩm đầu tay của mình, một khi sự "kiêu hãnh của tuổi nhỏ [đã] nhường chỗ cho sự bình tĩnh ý thức”, một khi người ta "bắt đầu cầm bút thực sự."

Mấy ý nghĩ tự phát và chủ quan trên đây đã đến với tôi sau khi đọc Bếp Lửa và sau khi đọc bài tựa do chính tác giả viết lên đầu tác phẩm đầu tay của mình trong lần xuất bản thứ hai [nhà xb Sáng Tạo, 1965]. Tám năm sau lần xuất bản thứ nhất [1957-1965], Thanh Tâm Tuyền đã có dịp nhìn lại tác phẩm đầu tay của mình như một kẻ đứng ngoài kinh nghiệm của chính mình, nhìn lại vào nó bằng một cái nhìn chân thật đến tàn ác, nếu cần.

“Cuốn sách mỏng mảnh, yếu ớt và chưa thành hình dáng này của một người mới lớn”. Tác giả muốn nói gì với chúng ta qua lời thú nhận đó" Một cuốn sách chưa thành hình, một tác phẩm dở dang, đúng hơn là một kinh nghiệm đã hoàn tất" Cuốn sách của một người mới lớn liệu có thoát ngoài kinh nghiệm của chính tâm hồn mới lớn đó" “Lúc hắn viết cuốn sách này, hắn chưa phải là một nhà văn, không muốn là nhà văn. Hắn chưa biết mình muốn gì vì hắn muốn tất cả.” Tất cả ở đây phải chăng là toàn thể cái kinh nghiệm sống mà hắn muốn thể hiện lên những trang sách thứ nhất đó" Cuốn sách đầu tiên, đó chưa là kinh nghiệm của tác phẩm mà là tác phẩm của một kinh nghiệm. Cho nên khi nhìn lại cuốn sách đầu tiên của mình, để trở lại với một ý nghĩ ở trên, tôi nghĩ, nhà văn có thề phủ nhận nó như là tác phẩm chớ không thể phủ nhận nó như là một kinh nghiệm, một kinh nghiệm mà chính hắn đã trải qua, một kinh nghiệm làm biến đổi tâm hồn hắn, đã dìu hắn đến ngồi vào bàn viết, viết dòng chữ đầu tiên: “Tôi tìm Thanh ở chỗ làm việc của nàng…”, dòng chữ đầu tiên hay chính là lời nói đã tìm được cơ hội thốt lên và chính hắn cũng tan biến vào lời nói đó, chính hắn là lời nói đó.

Có lẽ không phải tình cờ khi phần đông các tác phẩm đầu tay đều viết ở ngôi thứ nhất. Hay nói một cách đơn giản hơn: nó là lời nói của một con người, một kinh nghiệm. Con người đó đã từng sống thật trước khi biến thành nhân vật tiểu thuyết và tác giả không là kẻ sáng tạo nên nhân vật tiểu thuyết của mình: hắn chính là nhân vật tiểu thuyết đó [Narcisse chết: hắn là kẻ không biết dùng chữ, đáng tiếc!].

Tác phẩm hay là sự tiếp nối của một kinh nghiệm sống , một thảm kịch sống. Phải chăng trong ý nghĩ đó, Bếp Lửa nhất thiết là một cuốn sách, nói theo tác giả, của một người “chưa phải là một nhà văn, không muốn là một nhà văn”. Viết Bếp Lửa điều này cũng có nghĩa là sống (một lần nữa) cái thảm kịch của chính nó đồng thời mời gọi người đọc tham dự không phải vào một thế giới phù phép, giả ảo của chữ nghĩa, mà vào một thế giới còn nồng nàn hơi thở của sự sống. Nếu nhận rằng có một hố sâu ngăn cách giữa văn chương và thực tại, giữa chữ và nghĩa, thì ở đây, vinh quang của Bếp Lửa chính là ở chỗ nó nó chưa rơi vào sự sa đọa của tác phẩm, nó là cuốn sách còn là cuốn sách hiểu trong ý nghĩa đơn sơ nhất của danh từ, cuốn sách của một người “chưa phải là một nhà văn”.

Bởi nhà văn cần thiết là một con người sa đọa, hắn hy sinh thực tại cho mộng tưởng, hắn hy sinh thế giới cho hình ảnh, hắn hy sinh sự sống cho chữ nghĩa vân vân…. Hãy nghe Thanh Tâm Tuyền nói: “Mỗi nhà văn chính là kẻ sống sót”. Kẻ sống sót với “sự thật” của những người chết “truyền lưu” cho hắn. Nói khác đi, sự thật chính là sứ mạng của nhà văn.

Nếu Bếp Lửa thể hiện một sự thật, một kinh nghiệm, thì thất bại chính là tên gọi của sự thật, của kinh nghiệm đó. Trong một bài viết về Thanh Tâm Tuyền, tôi có đi tới một nhận xét: “Đọc Thanh Tâm Tuyền tức là một cách nào đó tham dự vào cuộc phiêu lưu trắc trở của một ý thức lạc loài và bất hạnh. [Đi Tìm Tác Phẩm Văn Chương, Huỳnh Phan Anh, nhà xb Đồng Tháp, trang 174].

Nhân vật Bếp Lửa chính là một trường hợp điển hình của ý thức khốn khổ đó. Một ý thức khốn khổ hay một ý thức trong cuộc hành trình vô vọng giữa hư vô và đổ vỡ. Một ý thức mà giấc mộng “biến cải thế giới”, “thay đổi cuộc đời”, “tự do và chọn lựa”…. chỉ là một nỗi “đam mê vô ích", giữa những thế lực mù quáng của định mệnh và lịch sử không ngừng “lấn áp ở mọi phía”. Một ý thức, trong cô đơn và bất lực, bị kết án phải “đi một mình suốt đời” giữa bốn bề hỗn động, tối tăm.

Cuốn sách mở ra một cuộc hành trình, hành trình vào cõi đêm thâu. Trên từng câu ngắn, trên từng ý nghĩa cô đơn, người đọc không đọc mà lắng nghe, lắng nghe cái âm vang lạc loài của những bước chân cô đơn, quờ quạng.

Thảm kịch của Bếp Lửa là thảm kịch của con người như một ý thức bị vây khổn. Nó bị kết án vì nó là một ý thức. Nó khốn khổ vì nó là một ý thức. Ý thức, đó chính là căn bệnh khốc liệt nhất, là “con sâu ở giữa tim, giữa hồn, giữa não”, là cái chết ngày một lớn lên, là sa mạc ngày càng rộng mở.

Bếp Lửa hay là định nghĩa của một con người như một ý thức, một ý thức như một nỗi khốn khổ. “Đi đâu cũng chỉ là mày – đau khổ và nhục nhã. Mà nào riêng có đất này hổ nhục thôi đâu, mọi nơi mắt mày cũng chỉ nhìn thấy như vậy. Không trốn được đâu, trừ phi mày trốn được lòng mày”.

Đi đâu" Đó là câu hỏi khốc liệt từng phút từng giấy đốt cháy tâm tư con người giữa sa mạc quạnh hiu bát ngát. Đi đâu rồi cũng vẫn thế, ý thức đời đời vẫn là nỗi bất lực đớn đau, ý thức sau cùng chỉ là những tiếng ngọ nguậy của bầy cua, nó vô vọng bẻ gẫy và vượt qua những giới hạn của mình, tìm đến những chân trời kỳ diệu của ước muốn và mộng tưởng.

Nhân vật Bếp Lửa không ngừng loay hoay, tìm kiếm, lặn hụp, phá phách trong một thế giới đầy ắp những cái ngẫu nhiên, không thường tồn, không tất yếu. Một thế giới rạn nứt, vô phương hàn gắn. Một thế giới về chiều. “Về đâu bây giờ"” Trong cái thế giới âm u, xám ngắt, câu hỏi thốt lên, âm thầm nhưng man rợ làm sao, bởi đó là câu hỏi còn là câu hỏi, bởi đó là tiếng thét gọi của một ý thức đang lâm vào đường cùng, bởi đáp lại nó, chỉ có niềm im lặng của hư vô và bóng tối điệp trùng.

Và cuộc hành trình vẫn tiếp tục, còn mãi mãi với nhân vật Bếp Lửa, cuộc hành trình không hứa hẹn về đâu. “Tôi không nhớ mình đang nằm ở đâu, mình đến đây làm gì. Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế. Tôi có thể tự tử được. Nhưng tôi tự nhủ: cũng thế thôi, phải, cũng thế thôi.” Họa may, cuộc hành trình kia rồi sẽ đưa người ta tới cái chết, như một thất bại sau cùng, như một đoạn đường sau chót của một chuyến phiêu lưu.

Liệu còn có cách kết thúc nào khác cho một câu chuyện như thế" Cái chết xuất hiện như một người tình đúng hẹn. Cái chết không kết thúc nhưng hoàn tất, như người ta hoàn tất một tác phẩm, một công trình có ý nghĩa, một ý nghĩa.

“Tôi có thể tự tử được.” Tưởng tượng nhân vật Bếp Lửa đã thốt lên câu đó với tất cả sự sung sướng của tâm hồn. Tưởng tượng đó cũng là câu văn hồn nhiên trong sáng nhất của Bếp Lửa. Bởi thảm kịch ý thức đã đạt tới cao độ của nó: “Chưa bao giờ tôi cảm thấy nỗi tuyệt vọng ghê gớm đến như thế.” Cái chết như một cách giải quyết sau cùng. Thất bại sau cùng cũng là chiến thắng đầu tiên của ý thức khốn khổ.

Nhưng tại sao nhân vật Bếp Lửa đã không chấp nhận cái chết lựa chọn và tự do đó"

Tôi nghĩ rằng, hơn ai hết, hắn thừa nhận rằng cái chết thể hiện sự tự do tuyệt đối của con người như là một khả năng lựa chọn, đồng thời chính nó cũng phủ nhận con người như một khả năng lựa chọn, đồng thời chính nó cũng huỷ diệt khả năng lựa chọn đó. "Cũng thế thôi." Cái chết không thay đổi được gì. Hơn nữa, cái chết ở đây còn là sự thất bại của chính sự thất bại.

Trong viễn tượng đó, ta có thể nói Bếp Lửa là hành trình của một ý thức khốn khổ còn là ý thức khốn khổ, là kinh nghiệm của một sự thất bại còn là sự thất bại. Chấp nhận con người như một ý thức khốn khổ, chấp nhận con người như một thất bại, phải chăng đó cũng là cách chấp nhận chính đời sống này" Cái chết là khởi điểm của Bếp Lửa nhưng không là cùng đích của nó. Đúng hơn, nó là sự hình thành của một thái độ. Phải chăng đó cũng là một giá trị cao cả của Bếp Lửa"

Huỳnh Phan Anh.

NQT sao lục

Tanvien.net

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.