Hôm nay,  

Phỏng Vấn Bs Nguyễn Đỗ Thanh Phong - Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ Cđnvtd/lbuc

17/02/200300:00:00(Xem: 5088)
LTS: Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong là một trong số những trí thức trẻ tuổi tích cực tham gia các sinh hoạt của cộng đồng trong thời gian mười năm trở lại đây. Bên cạnh kiến thức, sự hiểu biết, lòng nhiệt tình, Bác sĩ Phong còn là một người có khả năng lãnh đạo, biết khuyến khích và vận dụng tài năng, trí tuệ của những người chung quanh vào công việc chung. Nhân dịp Năm mới, Sàigòn Times đã hân hạnh được Bác sĩ Phong chấp thuận cho thực hiện một cuộc phỏng vấn, và sau đây là nguyên văn bài phỏng vấn BS qua email của Sàigòn Times.

Hỏi: Xin Bác sĩ vui lòng cho biết tiểu sử cùng quá trình BS tham gia các sinh hoạt của cộng đồng"
Đáp: Kính thưa anh, tiểu sử và quá trình tham gia sinh hoạt Cộng Đồng của tôi thì cũng còn non trẻ. Tôi đi vượt biên cùng người em trai, rời Việt Nam năm 1984 và đến Úc năm 1986. Sau khi hoàn tất hai năm Trung Học thì tôi theo học ngành Y Khoa và hiện nay tôi đang theo học năm cuối của ngành chuyên khoa về tim. Tôi bắt đầu tham gia sinh hoạt Cộng Đồng từ năm 1993 qua các đoàn thể Tôn Giáo, Tổng Hội Sinh Viên Tiểu & Liên Bang, Hội Chuyên Gia, Hội Y Tế và hiện nay là Phó CT Ngoại Vụ của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu và là ủy viên của Hội Đồng Đại Diện Trung Ương Liên Minh VNTự Do.
Hỏi: Trong cương vị Phó Chủ Tịch CĐNVTD/LBUC, đặc trách ngoại vụ, Bác sĩ đánh giá đâu là những thành công trên phương diện ngoại vận của CĐNVTD/UC trong năm 2002 vừa qua"
Đáp: Cá nhân tôi rất lấy làm hài lòng với cách thức làm việc và sự vận hành của BCH CĐ Liên Bang trong năm qua. Không riêng gì về khía cạnh ngoại vận, mà hầu hết về các phương diện khác tất cả các thành viên trong BCH đã làm việc rất chặt chẽ, sẵn sàng hỗ trợ cho nhau mà không phân chia chỉ làm những việc liên quan đến phần vụ của mình. Trong năm qua, chúng tôi đã có những quan hệ thường xuyên với Bộ Ngoại Giao Úc để cập nhật và vận động lên tiếng về những vấn đề đàn áp nhân quyền tại VN. Cụ thể như việc CS VN đàn áp đồng bào Thượng và thảm trạng của những đồng bào này khi tị nạn tại Cam Bốt. Chúng tôi đã yêu cầu Bộ Ngoại Giao Úc và Cao Ủy Liên Hiệp Quốc can thiệp khi Cam Bốt có ý định trả họ về VN. Ngoài ra, vào tháng 9/2002 anh Đoàn Việt Trung và BS Bùi Trọng Cường (Cố Vấn BCH Liên Bang) đã đại diện BCH tham dự buổi thảo luận với Bộ Ngoại Giao Úc và các tổ chức Phi Chính Phủ về vấn đề nhân quyền trong các giao thương hay viện trợ. Vấn đề quan trọng liên quan đến việc này là vận động Úc đặt vấn đề nhân quyền tại VN khi có những thương lượng giao thương hoặc khi Hà Nội vận động Úc muốn tham gia vào World Trade Organisation.
Những việc khác mà chúng tôi cũng đã làm như: Thu thập hơn 15000 chữ ký của đồng bào gửi cho Liên Hiệp Quốc tố cáo việc vi phạm nhân quyền (cưỡng ép di cư) khi nhà cầm quyền Cộng Sản VN ký kết nhượng đất và lãnh hải cho Trung Quốc, vận động các Dân Biểu lên tiếng về việc Đài Truyền Hình SBS đã cho trình chiếu những phim ảnh một chiều, thiếu trung thực đầy tính cách tuyên truyền của Việt Cộng, và gần đây nhất là phát động chiến dịch “Bảo Trợ Tiếng Nói Dân Chủ”.....
Hỏi: Bên cạnh những thành công và thuận lợi, đâu là những trở ngại cần giải quyết, thưa BS"
Đáp: Vấn đề trở ngại lớn nhất hiện nay của chúng tôi phải nói là vấn đề nhân sự. Công việc gì cũng vậy, nếu chúng ta muốn có một kết quả và sự ảnh hưởng rộng lớn thì chúng ta cần phải trải rộng địa bàn hoạt động của chúng ta khắp nơi. Muốn như thế thì vấn đề nhân sự rất quan trọng và cần phải đáp ứng. Do vậy, chúng tôi rất tha thiết kêu gọi sự tham gia của tất cả quý đồng hương ở khắp mọi nơi. Tất cả chúng ta đều có sức mạnh lá phiếu và nếu chúng ta biết xử dụng những lá phiếu này đúng mức bằng cách vận động các Dân Biểu tại địa phương mình quan tâm hoặc lên tiếng tại Quốc Hội về vấn đề đàn áp tôn giáo, nhân quyền tại VN thì ít nhiều nó sẽ có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại của Úc. Những sự lên tiếng của cộng đồng thế giới sẽ góp phần hỗ trợ tinh thần và bảo vệ sự an toàn cho các nhà đối kháng trong nước.
Hỏi: Tháng 9 năm ngoái, CĐNVTD/UC có phát động Chiến dịch Chuyển Tin Về VN, và BS là Trưởng Ban Điều Hợp chiến dịch tại NSW. Thưa BS, Chiến dịch này đã đạt được những thành công cụ thể gì" Chiến dịch đã tạo được những phản ứng như thế nào từ cộng đồng người Việt tại Úc, cũng như từ trong nước" Và trong hiện tại cũng như tương lai, tại Úc cũng như tại những quốc gia khác, Chiến dịch CTVVN nên được duy trì và mở rộng như thế nào, thưa BS"
Đáp: Thưa anh, Chiến Dịch Chuyển Tin Về VN do CĐNVTD/UC phát động vào tháng 9 vừa qua đã đạt được 3 điểm chính mà theo tôi là những thành công đáng ghi nhận:
a. Sự hợp tác và liên kết chặt chẽ của nhiều hội đoàn, tổ chức trong CĐ tại khắp các tiểu bang/ lãnh thổ: Từ những tổ chức chính trị cho đến những hội đoàn xã hội và các đoàn thể trẻ, chiến dịch chuyển tin đã được sự hưởng ứng và hỗ trợ thật tích cực. Qua đó, công tác này đã tạo cơ hội cho tất cả các thành viên trong CĐ có cơ hội cùng chung vai liên kết, chia sẻ gánh vác công cuộc đấu tranh chung.
b.Tạo cơ hội cho giới trẻ quan tâm đến các vấn đề tại VN và giúp cập nhật những tin tức cho các đồng bào tại hải ngoại. Tôi đã có dịp được chứng kiến những cảnh tượng các bạn trẻ với vốn liếng chỉ vài ba câu tiếng Việt nhưng đã không ngần ngại đi cả ngày xin từng đồng để mua tem gửi thư về VN, họ là những bạn trẻ sống và lớn lên tại Úc với vốn liếng hiểu biết rất ít về VN nhưng đã trở nên bất mãn với cách đối xử tàn nhẫn, vô nhân của CSVN đối với các vị lãnh đạo các tôn giáo, các nhà đấu tranh cho nhân quyền trong nước. Họ cũng đã căm phẫn với sự kiện CSVN bán nước và lãnh hải của tổ tiên cho Trung Quốc để đánh đổi lấy sự bảo toàn quyền lợi cá nhân. Tôi cũng đã có dịp nhìn thấy những cảnh các cụ già dám đóng góp $50.00, $100.00 tay run run dặn dò con cháu hãy tiếp tục gửi tin tức thường xuyên về VN... Đây là những niềm khích lệ rất lớn cho chúng tôi khi xuống đường làm những công tác như trên.
c. Tác động vào khối quần chúng trong nước và góp phần phá vỡ bưng bít thông tin: Chúng tôi đã có nhận được những thư hồi âm kín đáo từ trong nước cám ơn hoặc xin thêm tin tức. Thêm vào đó, nếu chúng ta nhìn vào những sự kiện đàn áp ráo riết gần đây như việc xử án anh Lê Chí Quang, anh Nguyễn Khắc Toàn, ba người cháu Cha Lý, chận bắt ông bà Phạm Quế Dương, Ông Trần Dũng Tiến đã nói lên nổi lo sợ của Hà Nội đối với làn sóng đấu tranh dân chủ và nhân quyền ngày càng lan rộng. Phá vỡ bưng bít thông tin sẽ góp phần chuyển những ngọn lửa đấu tranh này đến khắp mọi nơi. Điều này giúp cho công cuộc đấu tranh chung và cần được tiếp tục trong tương lai.

Hỏi: Được biết, trong thời gian qua, CĐNVTD/UC cũng mở chiến dịch Mỗi người là một nhà truyền thông nhằm kêu gọi những ai có dịp về VN, nên tâm sự với thân nhân, bạn bè trong nước về những báo chí, tin tức hậu thuẫn cho tự do dân chủ được phổ biến trên đài phát thanh, hay trên internet. Vậy xin BS cho biết, chiến dịch này có được CĐNVTD/UC phát động trên tất cả các cơ quan ngôn luận Việt ngữ tại Úc hay không" Và sự hậu thuẫn của các cơ quan ngôn luận Việt ngữ đối với chiến dịch này như thế nào"
Đáp: Chiến dịch “Mỗi người là một nhà truyền thông” đã được chúng tôi cố gắng phổ biến thật rộng rãi trong mọi khả năng của mình đến quý đồng hương qua các tờ Bản Tin Cộng Đồng và qua các cơ quan ngôn luận Việt Ngữ tại Úc. Trong thời gian qua, chúng tôi đã nhận được những sự hậu thuẫn rất tốt từ các cơ quan truyền thông cho các chiến dịch, công tác nói chung trong đó có quý báo. Chúng tôi hy vọng rằng sẽ tiếp tục nhận được những sự hỗ trợ như vậy trong tương lai.
Hỏi: Một số người cho rằng, qua chiến dịch Mỗi người là một nhà truyền thông, CĐNVTD/UC đã đặt trọng tâm vào việc tuyên truyền người Việt trong nước. Như vậy, tại sao CĐ không kêu gọi những nhà truyền thông có dịp về thăm VN khi trở lại Úc nên nói lên những sự thật mắt thấy tai nghe về những thối nát của CS tại VN để người Việt hải ngoại hiểu rõ hơn sự bản chất khủng bố, tham nhũng, hối lộ của chúng"
Đáp: Thưa anh, theo tôi mục tiêu chính yếu của chiến dịch này đúng là quảng bá thông tin hai chiều, khai thác làn sóng đồng bào đi ra vào VN ngày càng đông. Có lẽ việc thông tin khi về trong nước khó khăn hơn là khi đi trở ra ngoài, do đó nó được nhấn mạnh nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi rất đồng ý và kêu gọi tất cả quý đồng hương có dịp về thăm VN, là chúng ta cần phải quan tâm thông tin hai chiều để cả hai khối đồng bào trong và ngoài nước có thể nắm rõ tình hình của nhau hầu có thể hỗ tương và phá vỡ những bức màn bưng bít thông tin mà chế độ CS đang cố gắng bao trùm trên đất nước.
Hỏi: Hân hạnh được biết BS là Chủ tịch Ủy Ban Dự Thảo Tu Chính Nội Quy của CĐNVTD/NSW, vậy xin BS cho độc giả SGT biết mục tiêu chính của việc tu chính nội quy" Thành phần của Ủy Ban gồm những ai" Diễn tiến việc dự thảo tu chính hiện đến đâu, cùng những việc phải làm của Ủy Ban trong thời gian tới"
Đáp: Như quý độc giả cũng biết, trong Đại Hội CĐ ngày 17/11/02 vừa qua thì việc thành lập Ủy Ban Dự Thảo Tu Chính Nội Quy (UBDTTCNQ) đã được toàn thể Đại Hội biểu quyết thành lập, qua sự điều hợp của Hội Đồng Tư Vấn & Giám Sát. Ủy Ban được thành lập với mục đích nghiên cứu và dự thảo tu chính Bản Nội Quy cho phù hợp với tình hình Cộng Đồng hiện nay. Chúng tôi trong Ủy Ban DTTCNQ đã được Đại Hội bầu ra gồm 7 thành viên như sau: Ông Mai Đức Hòa, Ông Trần Đức Nhuận, Ông Nguyễn Tấn Đơn, Bà Phạm Minh Lan, Bà Trần Thị Băng Tâm, Ông Đỗ Nghiêm Quỳnh và cá nhân tôi. Sau đó, chúng tôi đã có mời 2 vị Luật Sư cố vấn gồm : LS Nguyễn Văn Thân và LS Hoàng Lập Chí để cùng nghiên cứu và làm việc.


Ngay sau khi UB được thành lập thì chúng tôi đã có thông báo kêu gọi những đóng góp ý kiến từ những “ Hội Viên Tán Trợ ”, tức những hội viên cá nhân. Riêng các góp ý từ các “Hội Viên Thường Trực” thì chúng tôi đã nhận được từ Hội Đồng Tư Vấn & Giám Sát. Từ đó đến nay, chúng tôi làm việc thường xuyên với nhau hầu như mỗi tuần để bàn thảo và chuẩn bị Bản Dự Thảo. Hy vọng rằng, trong thời gian ngắn tới chúng tôi sẽ hoàn tất Bản Dự Thảo và sẽ trao cho Hội Đồng Tư Vấn & Giám Sát và BCH CĐNVTD/NSW. Dĩ nhiên, các điều khoản đề nghị tu chính sẽ được đem ra thảo luận để toàn thể Đại Hội chọn quyết định trong Đại Hội Tu Chính Nội Quy.
Hỏi: Nhiều vị trong cộng đồng muốn bản dự thảo sẽ được phổ biến rộng rãi trên các cơ quan truyền thông để mọi người có cơ hội đọc, suy nghĩ và đóng góp. Bác sĩ nghĩ Ủy Ban có thể đáp ứng nguyện vọng này của bà con không"
Đáp: Thưa anh và thưa quý vị, điều này quả thực vượt qua khỏi quyền hạn của Ủy Ban Dự Thảo Tu Chính Nội Quy. Vấn đề phổ biến rộng rãi bản dự thảo này trên các cơ quan truyền thông trước Đại Hội Tu Chính Nội Quy thuộc về quyền hạn của BCH CĐNVTD/NSW và Hội Đồng TV & GS. Trách nhiệm của chúng tôi là nghiên cứu và đề nghị những dự thảo tu chính cùng HĐTV & GS cũng như BCH CĐ. Do đó, tôi xin phép được nhường câu trả lời và quyết định này lại cho những quý vị có trách nhiệm.
Hỏi: Nhìn vào sinh hoạt văn hóa nghệ thuật của CĐNVTD/NSW trong thời gian qua, nhiều người nhận thấy, trong bản Nội Quy của CĐ cần phải có những điều khoản để văn hóa nghệ thuật của cộng đồng phát triển, phản ảnh lòng yêu nghệ thuật, tinh thần sáng tạo của cộng đồng người Việt trong quá trình hội nhập vào xã hội Úc và nhất là phải phản ảnh được lòng yêu tự do dân chủ và vai trò tích cực của cộng đồng trong việc đấu tranh giành tự do dân chủ tại quê nhà. Bác sĩ có suy nghĩ gì về quan niệm này"
Đáp: Tôi đồng ý hoàn toàn về quan niệm này. Trong Bản Nội Quy hiện tại đã có nói rất rõ về quan niệm ở trên. Tôi xin phép được trích dẫn như sau: Chương I, Điều 2: Lập trường và mục tiêu hoạt động: 2.1 Không chấp nhận chủ nghĩa và chế độ Cộng Sản dưới bất cứ hình thức nào.
2.2 Góp phần tranh đấu để mang lại Tự Do, Dân Chủ và Nhân Quyền cho dân tộc VN.
2.3 Giúp đỡ người Việt tại tiểu bang NSW hội nhập vào xã hội Úc, góp phần xây dựng và phát triển một nước Úc đa văn hóa và tốt đẹp.
2.4 Bảo tồn, phát huy và quảng bá những giá trị tinh thần và văn hóa của dân tộc Việt Nam.
Do đó, phần còn lại là chúng ta cần đầu tư khai triển tinh thần ở trên hơn nữa để tiếp tục đóng góp thêm cho CĐ chúng ta tại đây.
Hỏi: Trong Đại Hội Liên Minh Việt Nam Tự Do toàn thế giới kỳ 7 được tổ chức tại vương quốc Bỉ vào cuối tháng 9 năm 2002, Đại Hội đã đưa ra 4 nhận định, trong đó nhận định 3 cho rằng “Cộng đồng người Việt tại hải ngoại đang có những thay đổi đáng kể. Do đó cần có những phương thức vận động mới phù hợp với những thay đổi này.” Thưa BS là một trong 15 ủy viên được bầu vào Hội Đồng Đại Diện Trung Ương Liên Minh VNTD, xin BS cho biết cụ thể những thay đổi đáng kể của CĐ người Việt hải ngoại cùng những phương thức vận động mới"
Đáp: Thưa anh, như tôi đã có dịp trình bày trong bài “Vai Trò Ngoại Vận của Cộng Đồng Hải Ngoại Trong Cục Diện Đấu Tranh Hiện Nay” thì sau hơn 27 năm tha hương chúng ta ngoài việc hòa nhập vào các sinh hoạt bản xứ và ổn định cơ cấu cộng đồng, chúng ta còn được thừa hưởng một đội ngũ giới trẻ với lực lượng tiềm năng dồi dào. Lực lượng giới trẻ này được đào tạo và trang bị đầy đủ về hai phương diện, ý thức tự do, dân chủ và kiến năng kỹ thuật thuộc đủ mọi lãnh vực. Đây là nguồn tài lực phong phú, tuy nhiên khối tiềm năng này vì trưởng thành tại hải ngoại lại có ít nhiều suy tư và tâm thức chính trị khác với thế hệ tị nạn đầu tiên nên chúng ta cần phải có những ý niệm đề cao dân tộc linh động để phù hợp vận dụng. Những phương thức đấu tranh hoặc lý luận cực đoan sẽ khó lòng vận động hoặc được tầng lớp này tiếp nhận một cách dễ dàng. Chúng ta cần phải giúp các thế hệ trẻ này thấy được nguyên nhân đã và đang đưa đến thực trạng của xã hội VN hiện nay. Sự bất công, nghèo đói, tham nhũng, thiếu nhân quyền, dân chủ... cũng như tạo ý thức trách nhiệm và khả năng đóng góp của các bạn trẻ ấy là những phương thức vận động khả thi và phù hợp.
Thêm vào đó, số người đi ra vào trong nước ngày càng tăng. Đây là cửa ngõ mà chúng ta cần khai dụng tối đa để phá vỡ bức màn bưng bít thông tin mà CSVN đang cố gắng bao trùm lên khối đồng bào trong nước. Chúng ta làm sao phải vận động lượng người ra vào này như những đường giây thông tin liên lạc. Những ý niệm dân sinh, nhân quyền, công bằng xã hội, dân chủ, tự do cũng như tình trạng nghèo đói của đất nước so sánh với các nước Á Châu láng giềng cần phải được truyền đạt cho những người dân trong nước. Song song đó, những tin tức nóng bỏng trong nước cũng cần phải thông tin nhanh chóng ra hải ngoại để chúng ta kịp thời phản ứng. Nói một cách khác, chúng ta cần phải tranh thủ mọi phương diện ngay cả những khối người đi du lịch, hoặc hợp tác lao động, hoặc du học sinh từ trong nước ra, để vận động và cho họ thấy được sự thật và viễn cảnh của đất nước VN trong tương lai nếu không có sự thay đổi.
Hỏi: Trong phần nhận định 4, Đại Hội cho rằng: “Quốc tế tuy vẫn làm ăn buôn bán với Hà Nội, nhưng càng ngày càng nhận thấy những khó khăn đến từ cơ chế độc tài, lạc hậu và yếu tố nhân quyền vẫn được dùng để tạo áp lực.” Như vậy, theo BS, vấn đề nhân quyền được quốc tế đặt ra với VN, nên hiểu như là một lá bài được quốc tế sử dụng nhằm tạo áp lực buộc CSVN tạo điều kiện dễ dãi cho quốc tế làm ăn buôn bán, hay thực sự quốc tế quan tâm đến tự do, dân chủ và nhân quyền của người Việt Nam"
Đáp: Tôi nghĩ chúng ta cần hiểu vấn đề “nhân quyền được quốc tế đặt ra” một cách uyển chuyển và đặt nó tùy thuộc vào mỗi trường hợp. Những sự kiện chính trị quan trọng xảy ra gần đây như : sự tham chiến của Úc tại Đông Timor mặc dù đã bị nhiều áp lực từ chính quyền Nam Dương, sự ra mặt hỗ trợ cho Đức Đạt Lai Lạt Ma, Bà Aung San Suu Kyi đấu tranh cho nhân quyền, dân chủ tại Tây Tạng và Miến Điện và gần đây nhất là sự lên tiếng phản đối Hà Nội đã đàn áp thô bạo các bậc tu sĩ (Cha Nguyễn Văn Lý, Thầy Thích Quảng Độ, Cụ Lê Quang Liêm....), các nhà đấu tranh cho nhân quyền trong nước, các sắc dân người Thượng và đặc biệt là đạo luật Nhân Quyền mà Hạ Viện Mỹ đã thông qua, nói lên xu hướng chung của Cộng Đồng Quốc Tế là ủng hộ các phong trào đấu tranh quần chúng đòi tự do, dân chủ và nhân quyền. Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là yếu tố nhân quyền không được dùng để bảo đảm quyền lợi của quốc tế khi giao thương với VN. Điều này cũng dễ hiểu bởi vì với một cơ chế độc tài, lạc hậu và một guồng máy quan liêu, tham nhũng cộng đồng quốc tế đã phải dùng yếu tố nhân quyền để đặt điều kiện đảm bảo cho quyền lợi của họ. Do đó, khi hiểu như thế chúng ta cần phải khai thác các yếu tố trên để góp phần tạo áp lực Việt Cộng tôn trọng nhân quyền. Ví dụ như việc vận động các chính quyền quốc tế hoặc các tổ chức phi chính phủ đặt những yêu sách nhân quyền có lợi cho dân tộc VN trong các giao thương, viện trợ như: quyền tự do báo chí (giúp minh bạch hóa những thông tin liên quan đến vấn đề đầu tư và qua đó phá vỡ độc quyền thông tin), quyền tự do giao thương hàng hóa (ví dụ: cho phép báo chí, phim ảnh, nhạc... ở hải ngoại được phổ biến và bán tại VN mà không bị chọn lọc, cấm đoán như trường hợp video Vân Sơn vừa qua và ngay cả những tờ báo của chúng ta ở đây như SaiGon Times, Việt Nam Dân Chủ.v.v...)
Hỏi: Cảm ơn BS. Bây giờ xin được hỏi BS câu cuối. Trở lại Đại Hội LMVNTD, tôi được biết, Đại hội đánh giá là “mặc dù phong trào dân chủ ở Việt Nam đang ngày một phát triển, nhưng cho đến nay vẫn chưa có một tổ chức đối kháng công khai nào được hình thành và trụ được dưới sự đàn áp của chế độ CSVN. Đây là một cái gút quan trọng cần phải gỡ. Vì cho đến khi nào, Việt Nam chưa có một tổ chức đối kháng công khai xuất hiện, thì cuộc đấu tranh cho dân chủ sẽ khó mở rộng.” Xin hỏi BS, “cái gút quan trọng” đó “cần phải gỡ” như thế nào" Và đối với một chế độ quen đàn áp, khủng bố như chế độ CSVN, một tổ chức đối kháng công khai xuất hiện liệu có bị CS bóp nghẹt từ trong trứng nước" Như vậy nên có một tổ chức đối kháng công khai hay một tổ chức đối kháng bí mật"
Đáp: Thưa anh, theo tinh thần của Đại Hội LMVNTD lần thứ 7 vừa qua, thì chúng tôi nhận định rằng với tình hình đấu tranh hiện nay chúng ta có hai cái gút quan trọng mà cần phải được tháo gỡ. Thứ nhất là phá vỡ bức màn bưng bít thông tin để xóa bỏ tâm lý sợ hãi của quần chúng. Suốt bao năm qua, dân tộc ta đã bị Cộng Sản VN cai trị bằng bạo lực qua các hình thức đàn áp dã man và dùng chính sách độc quyền truyền thông cũng như bưng bít thông tin để trấn áp tinh thần và áp đặt ý thức Cộng Sản. Do vậy mà tâm lý sợ hãi chế độ vẫn còn đè nặng trong tâm trí người dân, nên sự chống đối trong nước vẫn còn riêng rẽ chưa đủ để làm sức bật đẩy chế độ độc tài vào thế sụp đổ. Cái gút thứ hai là nhu cầu hình thành một hay nhiều tổ chức đối kháng công khai tại VN để đối đầu với Việt Cộng. Qua các tổ chức đối kháng công khai này, thì phong trào đấu tranh mới có cơ hội mở rộng mạnh mẽ và người dân có điểm tựa can đảm vùng lên. Vào tháng 9/2002 vừa qua chúng ta đã thấy được sự công khai của Nhóm Dân Chủ tại trong nước. Đây phải nói là một bước tiến quan trọng của tiến trình đấu tranh của chúng ta. Sự kiện có một nhóm người dám công khai thành lập một “Nhóm” đứng ra đòi hỏi dân chủ cho VN đã làm cho Hà Nội lúng túng. Phải mất một thời gian sau chúng mới bắt đầu ra tay đàn áp. Qua đó, chúng ta trong cũng như ngoài nước phải cùng nhau hiệp lực, đồng loạt phản ứng hỗ trợ cho các phong trào này. Có như thế thì mới có thể giảm đi tâm lý sợ hãi của quần chúng và mở rộng trận chiến dân chủ và nhân quyền trên toàn cõi VN. Nhân dịp năm mới, chúng tôi xin kính chúc anh Hữu Nguyên và Tòa Soạn Báo Sài Gòn Times cùng quý độc giả một năm mới an khang và thịnh vượng. Xin thành thật cám ơn anh.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Viện Kiểm Soát Nhân Dân Tối Cao tại Việt Nam đã đề nghị ngưng thi hành án lệnh hành quyết với tử từ Hồ Duy Hải để điều tra lại vụ án này, theo bản tin của Đài Á Châu Tự Do cho biết hôm 2 tháng 12.
Tuần báo OC Weekly đã viết twitter cho biết đóng cửa sau khi chủ nhân là công ty Duncan McIntosh Company đóng cửa tuần báo giấy một ngày trước Lễ Tạ Ơn.
Cha mất rồi. Em buồn lắm, vì không về thọ tang Cha được. Em đang xin thẻ xanh. Sắp được phỏng vấn. Vợ chồng em định năm sau, khi em đã thành thường trú nhân, sẽ về thăm Cha Mẹ. Ngày tạm biệt Cha lên đường đi Mỹ du học bốn năm trước, đã thành vĩnh biệt.
Tôi khẳng định những việc tôi làm là đúng đắn và cần thiết để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn. Những gì tôi làm không liên can đến vợ con và gia đình tôi. Vì thế, tôi yêu cầu công an Hồ Chí Minh chấm dứt ngay việc sách nhiễu, khủng bố gia đình tôi.
Brilliant Nguyễn là một thanh niên theo trường phái cấp tiến và chủ thuyết Vô Thần (*). Chàng ta không tin ma quỷ đã đành mà cũng chẳng tin rằng có thần linh, thượng đế. Để giảm bớt căng thẳng của cuộc sống, theo lời khuyên của các nhà tâm lý và bạn bè, chàng ta đến Thiền Đường Vipassana ở Thành Phố Berkeley, California để thực hành “buông bỏ” trong đó có rất nhiều cô và các bà Mỹ trắng, nhưng không một ý thức về Phật Giáo
Có những câu chuyện ngày xửa ngày xưa mà chẳng xưa chút nào. Có những chuyện hôm nay mà sao nó xa xưa vời vợi. Chuyện ngày xưa... Có một ngôi chùa ở vùng quê thanh bình, trước mặt là đồng lúarì rào, cánh cò chao trắng đồng xanh. Trong chuà có vị hoà thượng già hiền như ông Phật, lông mày dài bạc trắng rớt che cả mắt...
Ông Gavin Newsom, Thống đốc tiểu bang California, đã tuyên bố ân xá cho hai người đàn ông từng dính vào hai vụ hình sự khác nhau khi họ mới 19 tuổi và đang mong muốn không bị trục xuất về Việt Nam.
Hoang Nguyen, 43 tuổi, bị bắt và bị truy tố về tội trộm sau khi bị cho là đổi nhãn giá trên hơn ba mươi chai rượu vang tuần trước, theo hồ sơ tòa.
Bé ngọc ngà của Mẹ cố thở chút không khí ít oi còn trong buồng phổi. Giây phút cuối. Để ngàn sau dân Hong Kong sống xứng đáng Con Người.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.