Hôm nay,  

Bản Tin Của Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam Ở Thụy Sĩ

23/04/200300:00:00(Xem: 4115)
Genève ngày 16 tháng 4 năm 2003
Vinh Danh Dân Tộc Tây Tạng*
Đặt dưới sự chủ tọa của đại sứ nước Libye, một chế độ khét tiếng độc tài sắt máu, khóa Họp thứ 59 của Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vừa khai mạc tại Genève. Thật là một bi hài kịch đối với giới truyền thông báo chí và các tổ chức quốc tế tranh đấu bảo vệ Nhân Quyền. Từ mấy năm qua, Ủy Hội Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bị khống chế bởi một nhóm Nhà nước hội viên có thành tích hủy hoại những quyền Tự do căn bản của con người, chẳng hạn như Việt Nam, Trung Hoa, Cuba, Syrie, Cộng hòa Dân chủ Congo, Algérie, v.v.
Tại một phiên họp mới đây của Ủy Hội, ngoại trưởng Pháp Dominique de Villepin đã thao thao bất tuyệt, trổ tài hùng biện trong bài diễn văn về tính cách hợp pháp bắt buộc phải có đối với sự dùng đến võ lực (ám chỉ các nước "liên minh" trong cuộc chiến Irak), về Quyền Dân tộc Tự quyết và Quyền làm Người. Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam có bổn phận phải nhắc lại: Cách nay năm mươi năm, Trung Cộng xua quân thôn tính Tây Tạng. Những nguyên tắc căn bản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc và Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền bị chà đạp một cách trắng trợn và tàn bạo. Sự vi phạm cực kỳ nghiêm trọng các Quyền Dân tộc Tự quyết và Quyền làm Người còn tiếp diễn đến hôm nay. Hơn một triệu người Tây Tạng đã bị Hồng quân xâm lược bắt giữ, tra tấn, hành quyết hoặc ám sát. Suốt năm thập niên, xứ Phật đã sống trong một đại thảm kịch. Năm 1958, những hành động chống trả đầu tiên của kháng chiến quân Khampa đã biểu lộ lòng công phẫn của dân tộc Tây Tạng và báo hiệu trước cuộc tổng khởi nghĩa của người dân ở thủ đô Lhassa (10 tháng 3 năm 1959). Sự trấn áp dã man của chế độ Bắc Kinh, đồng minh của Nhà nước Pháp, đã buộc Đức Đạt Lai Lạt Ma phải vượt dãy Hi Mã Lạp Sơn đến tị nạn tại Ấn Độ. Tiếp theo là cuộc hành trình đầy hiểm nguy đi tìm mảnh đất tạm dung của nhiều trăm ngàn đồng bào của Ngài, trong bốn mươi năm cuối cùng của thế kỷ hai mươi. Nhân ngày Kỷ niệm những cuộc nổi dậy của dân cư Khampa ở hai bên bờ sông Tsang Po, chúng ta cùng nhau vinh danh một dân tộc nổi tiếng sùng đạo và hiếu hòa, bị hành hạ đến nổi phải hy sinh tuẫn tiết vì đức tin vô lượng. Đồng thời cũng để bày tỏ mối cảm thông và tình đoàn kết gắn bó với những anh chị em Tây Tạng, sống lưu vong hoặc bị đày ải ngay trên quê hương dưới gót sắt đế quốc chiếm đóng. Nhân cách và lòng can đảm của dân tộc Tây Tạng rất xứng đáng được chúng ta kính trọng và quý mến.

* Bài viết bằng Pháp ngữ dưới tựa đề "Peuple Tibétain martyrisé" ("Dân Tộc Tây Tạng bị đày đọa khổ nhục") đã đăng trên hai nhựt báo Thụy Sĩ La Tribune de Genève và Le Matin ngày 27 tháng 3 năm 2003 và tạp chí Nhân Quyền "Droits de l'Homme" số mùa Xuân năm 2003.

Nguyên Lê Nhân Quyền
Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
Ligue Vietnamienne des Droits de l'Homme en Suisse
Vietnamese League for Human Rights in Switzerland .

** Đính kèm: Bài thơ "Mưa" của Nguyên Hoàng Bảo Việt viết cho anh chị em Tây Tạng

Bài thơ viết cho anh chị em Tây Tạng
Mưa

Trời mưa suốt đêm
Mưa hoài mưa không ngớt
Tôi lắng tai nghe

Đạn đại bác rơi vào quê hương em
Đạn rơi hoài rơi hoài chưa dứt

Mắt trừng nhìn thấu đêm thâu
Hai con ngươi tựa hai vì sao
Nóc trái đất bừng bừng lửa cháy

Lưng gầy còm đồng lúa trơ trụi
Dòng suối nước mắt mặn
Đói lắm khát lắm
Đá chảy tuyết khô
Mẩu bánh mì còn bằng ngón tay
Chén cơm màu đất cằn cỗi
Con én cuối cùng rời bỏ thủ đô
Đau niềm đau bồ câu mang xiềng xích
Một Bình Nhưỡng Á châu một Đông Âu Budapest
Bao nhiêu tu viện sụp đổ
Nền trời phơi trần da thịt đẵm máu
Bọn hung dữ lồng lộn giết trẻ con
Cát sỏi nhét đầy cổ họng
Tiếng kêu cứu thất thanh giữa ban ngày
Sợi dây thừng thắt lại
Nước mắt đầm đìa hai má người Mẹ hiền
Bóng tối chực nuốt chửng hiện tại
Bàn tay tàn nhẫn bóp mãi
Quả bong bóng đỏ vỡ tan
Giữa không khí địa ngục
Ánh lửa bất khuất vừa lóe lên
Đuốc tự do ngùn ngụt
Cả núi rừng cả đồng bằng
Cả một dân tộc
Cả một loài người

Tay trói vòng sau lưng
Em hiên ngang ưỡn ngực
Miệng hát hoài hát to
Hàng trăm ngàn hàng triệu tiếng dội
Trong đó có người yêu của em


Chúng nó yếu thế hèn nhát
Mũi súng chờ nhả đạn vào trán em
Chúng đẩy em sát chân tường
Chúng muốn gì nữa"
Thân em không manh áo giáp
Lửa xém gương mặt trái xoan
Chúng muốn gì nữa"
Thân em phơi rõ vết thương
Giọng em hát thêm khỏe
Em tin em không chết trong quên lảng
Bài ca yêu nước nuôi sức mạnh tự vệ
Hai vì sao sáng chiếu thẳng vào cuộc đời
Chúng nó khiếp hãi không biết phải làm sao
Đôi mắt diều hâu nhìn em trâng tráo

Tôi sẽ một lần đi tới
Trưa vượt Trường Sơn khuya ngược Cửu Long
Bè bạn đồng loại cùng đi tới
Hai bên bờ sông Tsang Po
Từ những mái nhà nhỏ khóm cây xanh
Véo von tiếng chim họa mi
Dũng sĩ Khampa đức tin ngời nét mặt
Vô ích vô ích
Bọn hung dữ giận dữ chẳng làm được gì
Những mùa xuân sẽ đến
Em không gục đầu đợi bóng tương lai

Đêm nay trời còn mưa
Làm sao tôi ngủ được
Hồn tôi còn phiêu lưu
Đạn đại bác nổ chưa dứt
Tôi sẽ tìm đến em
Bè bạn đồng loại cùng đi một đường
Bốn chân trời gom lại
Dù gần hay xa
Nam băng dương lên Bắc cực
Sài Gòn sang Lhassa
Bàn tay nối bàn tay
Đức tin làm phép thuật nhiệm mầu
Bốn bề vây bóng tối

Tôi lắng tay nghe
Bước chân hy vọng về không xa...

Nguyên Hoàng Bảo Việt (1958)

+

Nhân Quyền Và Tự Do Tôn Giáo Tại Việt Nam: Hai Chính Sách Khác Biệt Và Đối Chọi

Ủy ban Tự do Tôn giáo - Liên hội Tin lành Canada
Lời người dịch : Đây là tài liệu do một người bạn nước ngoài thuộc giới chức Liên Hội Tin lành Canada chuyển*. Nhận thấy tài liệu này là một nghiên cứu có giá trị, đánh giá chính xác về chính sách tôn giáo chung của chính quyền Việt Nam, nên xin dịch để các nhà lãnh đạo tôn giáo và cộng đồng Việt Nam thấy rõ nhiều điều sâu sắc về tình trạng nhân quyền và chiến luợc tôn giáo của Nhà nước cộng sản từ cái nhìn của một người nước ngoài. Không một sự lừa mị nào có thể bưng bít mãi.
Bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Pháp xin đọc trên tạp chí Eglises d'Asie của Hội Thừa sai Paris, số 371, 16 mars 2003 (eglasie@mepasie.org),
(Bản tiếng Pháp và tiếng Việt do Nguyễn Hữu Tấn-Đức dịch)
--
Kinh Nghiệm của Hội Thánh Tin Lành
Việt Nam ngày nay là một nước chứa những mâu thuẫn khổng lồ. Khách du lịch ở thành phố có thể tha hồ chứng kiến nhiều biểu hiện của đời sống tôn giáo. Nhà thờ và chùa chiền lúc nào cũng đầy người. Chính quyền Việt Nam từ giữa thập niên 1990 đã làm một cuộc chuyển hướng quay lưng lại chủ nghĩa Mácxít lịch sử, cổ võ - tất nhiên với hậu ý - những "văn hoá và tôn giáo truyền thống" như thờ phụng tổ tiên, đạo ông bà, đạo thần linh, đặc biệt nơi các đân tộc ít người. Các tập tục cổ truyền trước kia thường coi là mê tín dị đoan, bị khinh miệt. Ngày nay nhà cầm quyền chấp nhận tôn giáo là "một nhu cầu của một số người" và công bố tự do tôn giáo toàn diện.
Tuy nhiên Nhà nước vẫn kiểm soát cách chi li các tổ chức của sáu tôn giáo được nhìn nhận (Phật giáo, Công giáo, Hoà hảo, Cao đài, Tin lành và Hồi giáo - chú thích của người dịch). Tự do tôn giáo bị giới hạn khắt khe. Các tổ chức tôn giáo đều bị chính trị hoá : không một sinh hoạt tôn giáo nào có thể nằm ngoài vòng bảo hộ, kiểm soát của Nhà nước mà không bị đánh giá là "bất hợp pháp" và tức khắc bị "đàn áp cách hợp pháp" và gắt gao, có khi còn phải chịu những biện pháp "ngoài vòng pháp luật" nghiêm khắc hơn nữa. Tình trạng này ngày càng xấu hơn ! Ngày 24 tháng 1 qua, tại buổi bế mạc Hội nghị chín ngày của Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, các nhà lãnh đạo tuyên bố rằng họ đã quyết định "tăng cường sự kiểm soát của Nhà nước trên các sinh hoạt tôn giáo, và đây là lần đầu tiên Trung ương Đảng thông qua một nghị quyết về các sinh hoạt tôn giáo" [1].
Lời tuyên bố này như một gáo nước lạnh đổ lên đầu giáo dân Tin lành, đặc biệt những người sắc tộc. Sau đây là một số chứng từ chọn lọc sơ lược, tất nhiên không thể phản ánh toàn diện thực tại.
* Báo cáo nhận được hàng tuần ở nước ngoài kể lại những cuộc tấn công "bất hợp pháp" của công an vào nhữõng nhà nguyện tại gia rồi kết tội và đánh phạt nặng nề những người tham dự.
* Có những quản nhiệm kitô giáo thường xuyên bị cảnh sát triệu tập để tra vấn và rốt cuộc - như nhiều trường hợp đã xẩy ra - bị hành hung.
* Hàng trăm nhà thờ và chi hội bị giải tán - có tới 400 nhà thờ thuộc người sắc tộc Eđê tỉnh Dak Lak, trong đó một số nhà thờ đã từng sinh hoạt nhiều năm trước, bị đóng cửa trong mùa thu 2002 vì lý do có vài tín hữu bị hồ nghi đấu tranh chính trị. Nhiều quản nhiệm bị giam giữ, có người bị xử và kết án. Một số đông "biến mất", có nghĩa là hoặc họ phải trốn tránh đâu đó hoặc đã phải chịu một "biện pháp ngoại toà" ác liệt.
* Khi giải tán những nhà thờ ở Dak Lak, thường xảy ra trong một buổi lễ công cộng, các quản nhiệm bị buộc phải thề từ nay không được nhóm lại thờ phượng Đức Chúa Trời, cầu nguyện, dạy học hoặc ban phép bí tích. Hôn thú, ma chay theo nghi lễ kitô đều bị nghiêm cấm.
* Chiến dịch chống người kitô Hmông và dân miền Thượng gồm những "khoá huấn luyện" về chính sách tuyên truyền phá Kitô giáo, nhiều khi buộc người dự phải uống một chất pha ghê tởm bằng máu thú vật và rượu nếp hầu biểu lộ công khai sự bỏ đạo Kitô và trở về đạo thần linh. Cảnh sát cũng khám xét từng nhà để truy tầm và tịch thu Kinh thánh và sách tôn giáo.
* Đại đa số giáo dân Tin lành Việt Nam thuộc những dân tộc ít người. Từ 1975 đến nay không một trang Thánh kinh hoặc sách đạo nào bằng ngôn ngữ người sắc tộc được chính quyền cho phép in và phổ biến.
Từ con số 160.000 người năm 1975, cộng đồng Tin lành đã vượt lên 1 triệu 200 ngàn người năm 2002 ; nhưng sau 27 năm mới chỉ được phép mở một lớp thần học cho 15 chủng sinh.
* Từ 1997 đến nay, khoảng 15.000 người kitô Hmông miền Tây-bắc đã bị trục xuất ra khỏi quê quán của họ chỉ vì họ theo đạo Kitô. Trở thành dân tị nạn miễn cưỡng, họ phải trải qua nhiều thử thách gian truân. Cuộc di tản này đã gây nhiều xáo trộn xã hội và tổn thương cho môi trường thiên nhiên bởi vì không thể đi nơi nào khác, người Hmông bật rễ bắt buộc phải chặt cây non và đốn rừng đang mọc để làm ruộng.
* Hàng trăm quản nhiệm kitô đã nằm tù rục xương theo "biện pháp hành chánh". Ngày nay tính tối thiểu còn hơn một chục người sống sót. Một số đã chết vì thiếu ăn hoặc thiếu thuốc men khi đau ốm. Tháng 8 năm 2002, một người Hmông tên Mua Bua Senh bị công an đánh chết vì không chịu từ bỏ đức tin của mình.
Cuối tháng 12 năm 2002, nhiều bản thông báo cho biết công an đã đột nhập vào nhà người Hmông tỉnh Lai Châu giữa những buổi lễ an bình, tịch thâu kinh sách, rồi xịt ga độc làm nhiều người bị ngộ độc trầm trọng.
Ngay cả những sinh hoạt bình thường của Hội thánh Tin lành Việt Nam (HTTLVN-miền Nam và HTTLVN-miền Bắc, cả hai đều được chấp nhận là hợp pháp, mà ước lượng của Nhà nước chỉ tính có một phần ba tổng số tín đồ Tin lành cả nước), cũng bị Ủy ban tôn giáo của Chính phủ cản trở, gây khó khăn. Trong 14 năm trời, HTTLVN (miền Bắc) chỉ được phép họp đại hội có một lần.
Làm sao cắt nghĩa được sự khác biệt, sự mâu thuẫn giữa hai thực tại mô tả trên đây " Một đàng thì rêu rao một tự do tôn giáo hình thức bề ngoài, đàng khác gây ra những khổ hạnh tàn nhẫn mà đại đa số cộng đồng tín hữu Tin lành cũng như tín đồ các tôn giáo khác phải dai dẳng chịu đựng trong đời sống thường ngày.

Hai Chính Sách Khác Biệt
Sau nhiều năm bị sách nhiễu, kỳ thị, bách hại, giáo dân Tin lành Việt Nam cũng như những ai quan tâm đến vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo, đứng trước những sự kiện và bằng chứng không thể chối cãi, đều phải công nhận rằng chính quyền cộng sản Việt Nam có hai chính sách khác biệt và đối chọi nhau về tôn giáo.
Thứ nhất là một "chính sách công khai", được ghi trên giấy trắng mực đen trong Hiến pháp quốc gia, công bố tự do tôn giáo cho mọi người công dân. Mặc dù chính sách này chỉ áp dụng có chừng mực và giới hạn từ nghị quyết này tới nghị định khác, với hậu quả là dung túng cán bộ nhân viên Nhà nước vi phạm trắng trợn chính sách tự do tôn giáo mà họ có nhiệm vụ bảo vệ, tín đồ các tôn giáo nói chung vẫn kiên nhẫn chịu đựng và khắc phục để sống còn tại Việt Nam.
"Chính sách công khai" được thi hành cách tinh xảo dưới sự chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Mặt trận Tổ quốc và Ủy ban Tôn giáo của Chính phủ, qua các cơ quan truyền thông chính thức. Tuyên truyền của Chính quyền phủ nhận hoàn toàn mọi vi phạm của Nhà nước đối với tự do tôn giáo. Ở Việt Nam không có tù nhân lương tâm, chỉ có tội phạm hình sự. Thậm chí chính quyền còn trắng trợn kể công về "sức khỏe" bề ngoài của các tôn giáo, đặc biệt sự phát triển nhanh chóng của đạo Tin lành nơi các sắc tộc miền Cao.
Nhiều người ngoại quốc du lịch hoặc sinh sống tại Việt Nam, kể cả những công chức ngoại giao, thường ngộ nhận về "chính sách công khai" này khi họ chứng kiến những sinh hoạt tôn giáo có vẻ sống động : họ coi đó là những bằng chứng của tự do tôn giáo và sẵn sàng chấp nhận "chính sách công khai" như phản ánh phần nào thực tại.
Thứ đến là một "chính sách đối nội", được thi hành bí mật bởi các cơ quan quyền lực như cánh tay mặt của Đảng cộng sản Việt Nam. Chính sách này không đếm xỉa gì đến tự do tôn giáo như đã quy định trong Hiến pháp và được pháp luật bảo đảm. Trách nhiệm chủ trương và cổ võ "chính sách đối nội" là Đảng cộng sản, Bộ chính trị, Mặt trận Tổ quốc, Ủy ban Tôn giáo của Chính phủ và những đơn vị đặc biệt của Bộ An ninh.
Kẻ nào tiết lộ "chính sách đối nội" và những biểu hiện của nó sẽ bị tố cáo là phản động, là kẻ thù của cách mạng cộng sản, là rối loạn tâm thần, có ý đồ đen tối chống lại quốc gia Việt Nam, do đó vi phạm pháp luật. Trường hợp nổi tiếng là linh mục Nguyễn Văn Lý, chỉ vì thẳng thắn khẳng định Việt Nam không có tự do tôn giáo mà phải bị kết án 15 năm tù về "tội chống Nhà nước".
"Chính sách đối nội" phủ nhận toàn bộ "chính sách công khai " và được áp dụng bí mật, cho nên các cơ quan an ninh tha hồ thi hành cách nghiệt ngã ngoài vòng pháp luật. Các thỉnh cầu của những nạn nhân của "chính sách đối nội" đòi quyền được xét xử theo "chính sách công khai" đều bị bỏ qua hoặc lấp liếm. Nhiều người gửi thỉnh nguyện thư kêu gọi "chính sách công khai" cứu chữa đều bị các cơ quan quyền lực địa phương cô lập và trừng phạt nặng nề ngoài vòng pháp luật.
Trong nhiều trường hợp xảy ra, khi tự do tôn giáo bị vi phạm lộ liễu với những bằng chứng không chối cãi được, thì chính quyền gán những hành vi đó cho những cán bộ bất lương hoành hành ở những nơi xa xăm hẻo lánh, có lẽ chưa quán triệt chủ trương và đường lối sáng suốt của "chính sách công khai". Điều quái gở là cách biện minh này lại thoả mãn nhiều người, kể cả những chính khách ngoại giao đại diện cho những quốc gia mệnh danh là bảo vệ nhân quyền. Thế giới quan của họ hình như không bao quát nổi một hệ thống chính trị vận hành với một chính sách hai mặt hoàn hảo như thế. Trí nhớ và lương tâm của nhiều thế hệ, vong hồn của bao tín đồ nạn nhân của sự đàn áp dã man của chế độ cộng sản tiêu tan trong chớp mắt !

Những Tư Liệu Dồi Dào
Bản báo cáo của Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về tự do tôn giáo sau chuyến viếng thăm Việt Nam năm 1998 đã đưa ra ánh sáng những mâu thuẫn trong luật pháp và thực hành về mặt tôn giáo. Không một đề nghị nào của Bản báo cáo được thực hiện tại Việt Nam.
Đã từ lâu tín hữu Tin lành Việt Nam cũng như đồng đạo và thân hữu của họ trên thế giới đều nhận thức rõ hai chính sách nói trên. Các Ủy ban Tự do Tôn giáo của Liên hội Tin lành Thế giới và Liên hội Tin lành Canada đã trình bày chi tiết những hành vi tàn bạo của "chính sách đối nội" trong một số tài liệu được dẫn chứng nghiêm chỉnh [2]. Giữa năm 2002, hội International Christian Concern đã xuất bản một tài liệu về sự đàn áp người kitô Hmông [3]. Những năm vừa qua, Compass Direct, một thông tấn xã chuyên môn quan sát hiện tượng đàn áp Kitô giáo trên thế giới, đã phát hành hằng chục tài liệu đáng tin cậy về hậu quả của "chính sách đối nội" trên 1 triệu 200 ngàn tín đồ Tin lành ở Việt Nam.
Các báo cáo hàng năm của Bộ Ngoại giao Mỹ về tình trạng tôn giáo từ năm 1998 tường trình rõ ràng, đôi khi kín đáo, những lạm dụng và bất công kinh niên mà tín đồ các tôn giáo phải chịu đựng. Sau cuộc thăm viếng hồi đầu năm 2002, Ủy ban Tự do Tôn giáo của Quốc hội Mỹ kết luận rằng Việt Nam hội đủ tiêu chuẩn của một "miền đáng quan tâm đặc biệt" - một nhãn hiệu dành riêng cho những nước vi phạm trắng trợn tự do tôn giáo.
Sự quan sát tỉ mỉ của các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch, và gần đây Amnesty International, đã làm các tổ chức này tập trung sự chú ý của họ vào những vi phạm nhân quyền và tự do tôn giáo nơi người kitô miền Thượng vùng Cao nguyên Trung phần Việt Nam [4]. Trong nhiều năm, trung tâm "Freedom House về Tự do Tôn giáo" đã tường thuật cách xử đối tệ bạc của chính quyền đối với phong trào người kitô Hmông ở các tỉnh miền Tây-bắc [5].
Mặc dù có đầy đủ tài liệu như thế về tính cách dã man của "chính sách đối nội" đối với tôn giáo, các nước dân chủ Tây phương vẫn giữ một thái độ nhút nhát rụt rè trước những vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Các tổ chức quốc tế ít khi dám nói sự thật về những chuyện thật xảy ra trên đất nước này. Thậm chí có vài cơ quan của Liên Hiệp Quốc lại cho Việt Nam một điểm tốt, khiến chính quyền Việt Nam lại dùng điều này như chứng cớ để phủ nhận mọi tố cáo về vi phạm nhân quyền [6].
Hãy xem qua vài chứng cớ tiêu biểu gần đây của "chính sách đối nội" này.

Những Chứng Cớ Tiêu Biểu
Phong trào người kitô Hmông ở các tỉnh miền Tây-bắc
Cuối thập niên 1980, một số người thuộc dân tộc Hmông miền Tây-bắc bắt đầu theo đạo Kitô. Ước lượng thận trọng nhất đưa ra con số tối thiểu 250.000 tín đồ Tin lành. Từ khi ra đời, phong trào này luôn bị chính quyền Việt Nam đàn áp tàn bạo. Hàng trăm quản nhiệm bị giam cầm trong những điều kiện dã man. Hiện nay một số người vẫn còn nằm trong tù. Nhưng kể từ giữa thập niên 1990, Đảng cộng sản đã thay đổi chiến thuật của họ bằng cách cổ võ tôn giáo truyền thống Hmông mà họ từng khinh miệt như đồ mê tín dị đoan vô bổ, nhưng từ nay được đánh giá là những tập tục tốt và lành mạnh, mục đích là để kích động người Hmông không theo đạo vào cuộc đấu tranh chống lại phong trào Kitô đang phát triển mạnh.
"Chính sách đối nội" tức thì khởi phát một loạt chiến dịch đại qui mô và có hệ thống đánh vào cộng đồng người Hmông miền Tây-bắc, đặc biệt ở các tỉnh Lào Cai và Lai Châu, hầu ngăn chặn và đảo ngược đà phát triển của phong trào theo đạo [7]. Những khoá huấn luyện cùng với nghi lễ được tổ chức khắp vùng, buộc người tham dự phải ký giấy công khai từ bỏ đạo mới và nhiều khi phải uống một chất pha bằng máu thú vật và rượu nếp. Tài liệu tuyên truyền và nhiều vật liệu được chuẩn bị dành cho cán bộ hữu trách ; một số tài liệu khác cũng được phát cho dân chúng. Tháng 10 năm 2001, một ấn phẩm 80 trang viết bằng tiếng Việt và tiếng Hmông được xuất bản dưới tựa đề "Đừng tin những lời phun nọc rắn" [8], trong đó Ủy ban Tôn giáo Chính phủ cố tình xuyên tạc ý nghĩa của danh từ Hmông chỉ "Thiên Chúa", coi đó là bằng chứng của mưu đồ thiết lập một giang sơn Hmông... Thậm chí bộ máy tuyên truyền không ngần ngại bôi nhọ, chế diễu đức tin và nếp sống của người theo đạo. Giáo dân là những kẻ lười nhát, chúng khuyên người ta tránh lao động và đừng làm bổn phận công dân. Chúng tin và làm cho người khác tin là sỏi đá có thể trở thành con gà, con heo hay con ngựa, và trái đất sẽ nổ tung vào năm 2000. Những chuyện tàm phào như thế, được lập đi lập lại đến ngấy mà không một mảy may bằng chứng, đều phát xuất từ "chính sách đối nội" .
Một điều hiển nhiên mà ai cũng biết là phong trào theo đạo Kitô đã giúp chống nạn mù chữ trong cộng đồng người Hmông. Họ được học Kinh thánh và các sách đạo bằng hai thứ tiếng Việt và Hmông. Khi đã thân quen với những đồng đạo người Kinh, họ bắt đầu viết đơn, gửi kiến nghị lên các cấp chính quyền tỉnh và chính phủ, tường trình những lạm dụng mà họ là nạn nhân, nêu đích danh những cán bộ lộng hành, đòi được quyền tự do sống đạo thể theo "chính sách công khai", được cùng hưởng sự tự do mà họ thấy giáo dân người Kinh được hưởng ở Hà Nội.
Có hàng trăm đơn khiếu nại viết với lời lẽ đơn sơ mà mạch lạc được gửi lên địa phương và trung ương, nhưng đại đa số bị nhà cầm quyền bỏ qua rồi rơi vào quên lãng. Trên thực tế, như nhiều trường hợp đã xảy ra, những người gửi đơn kiện, thay vì được chiếu cố đền bù cho những bất công lạm dụng, lại bị đe dọa, bắt bớ, đánh đập, tù tội, khi các cán bộ lộng hành bị cấp trên chất vấn. Gần đây một số tài liệu này đã đến tay các tổ chức nhân quyền.
Một báo cáo của hội International Christian Concern giữa năm 2002 dẫn chứng nhiều mẫu đơn như thế, cùng với một thư hồi âm hiếm hoi của một cơ quan hữu trách, lần này là của Ủy ban Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Lào Cai [9]. Các tác giả của những đơn kiện bị một trận răn quở nên thân vì đã vi phạm các thứ thủ tục kỳ quái mà họ chưa hề nghe tới. Những ai đệ đơn xin được Nhà nước công nhận là có đạo và do đó được phép thuộc vào Hội thánh Tin lành Việt Nam (Miền Bắc) đều bị trả lời cách vặn họng là họ không thể là tín đồ kitô bởi vì họ không hiểu những điều họ tin và vì không ai chấp nhận sự theo đạo của họ. Họ không thể thuộc HTTLVN (Miền Bắc) bởi vì mọi liên hệ giữa Hội thánh này với họ đều bất hợp pháp. Họ không được đòi "tự do tôn giáo" bởi vì tại Việt Nam các "thế lực thù địch" khai thác sự tự do này để chống lại cách mạng. Theo tài liệu này, "cán bộ địa phương thi hành nghiêm chỉnh chính sách và đường lối của Đảng và Chính phủ về tôn giáo; họ không cấm đạo mà chỉ nghiêm cấm các sinh hoạt bất hợp pháp như phổ biến tài liệu và truyền bá đạo Kitô, nhóm họp, thu nhận và dùng Thánh kinh và sách thánh đủ loại, thiết lập những tổ chức tôn giáo trong làng xã, gầy dựng một quỹ nhà thờ..." Theo cái lô gích quái gở này, tất cả những điều ngăn cấm trên không dính dáng gì với tự do tôn giáo: những sinh hoạt ấy bất hợp pháp bởi vì "chính sách đối nội" của Đảng và Nhà nước đã quyết định như thế. Để trả lời một thỉnh nguyện thư được trình bày mạch lạc trước đó, cán bộ địa phương đã chẳng nói toạc ra rằng tự do tôn giáo không phải cho người Hmông, ý nói rằng "chính sách công khai" không dành cho họ...
Một tài liệu của Freedom House phổ biến tháng 11.2002 đã tiết lộ chi tiết vụ một người kitô Hmông tên Mua Bua Senh, 36 tuổi, bị công an đánh chết [10]. Số là từ tháng 5.2001 đến tháng 6.2002 anh Senh và gia đình anh đã viết bảy thỉnh nguyện thư kiện đích danh các cán bộ xã Điện Biên Đông đã hành hung anh tàn nhẫn vì anh không chịu từ bỏ đạo. Được gửi lên Chính phủ trung ương, những thư kiện này hoàn toàn bị ỉm đi. Anh Senh được chở từ bệnh viện này đến nhà thương khác, và sau cùng, tháng 8.2002 anh phải chết vì những vết thương dồn dập do công lực gây nên. Gia đình anh viết một thư khác, mang chữ ký của nhiều người cùng làng làm chứng là anh đã bị cưỡng ép bỏ đạo và bị đánh đập vì anh từ chối. Chính quyền trung ương không hề hồi âm. Sau đó gia đình anh Senh và ba gia đình kitô khác bị công chức địa phương trục xuất ra khỏi nhà. Không một cán bộ nào phải nhận trách nhiệm trước công lý. Rõ ràng nhân viên Nhà nước có thể vi phạm cách vô tội vạ "chính sách công khai" của Hiến pháp về tôn giáo, vì họ sẵn có sau lưng một điều khoản bí mật của "chính sách đối nội" là "rửa sạch tôn giáo", đặc biệt nhắm vào người kitô Tin lành mà họ cố tình xuyên tạc chính cái danh xưng, cho rằng "đạo Tin lành là đạo Huê kỳ", hầu biện hộ cho chủ trương tiêu diệt một thứ "thuốc ngủ tinh thần". Trong các tài liệu nội bộ cũng như khi trao đổi với giáo dân, chính quyền thường dùng từ "tiêu diệt" khi nói về tín đồ Tin lành...


Sự bất công lớn nhất đang đè nặng lên người kitô Hmông mà người nước ngoài thường không thấy, là những cuộc bắt bớ tàn bạo và liên tục từ 1997 đã đuổi chừng 15.000 người Hmông ra khỏi quê nhà của họ miền Tây-bắc để lánh nạn vào miền Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Một số đông phải bỏ nhà cửa đất đai của mình dưới nhữngĩ đe doạ ngầm hoặc bạo động lộ liễu. Một số khác bán tháo được chút tài sản, rồi luồn trốn vào miền Nam, cách xa quê hương của họ 1200 cây số. Trên đường đi cũng như khi tới vùng đất mới, họ luôn bị lạm dụng, khai thác. Đầu năm 2002, một nhóm người gồm 120 gia đình đang dựng nhà, khai hoang để trồng tỉa ở mạn nam tỉnh Dak Lak, bị quân đội Việt Nam bắt giam rồi đuổi ra khỏi nơi họ đang tạm trú, đúng lúc khởi mùa gặt hái đầu tiên. Họ được chở đi đến một vùng quân sự hẻo lánh về phía tây của tỉnh để khai hoang trồng trọt cho quân đội, và được hứa sẽ có lương. Nhưng lương không bao giờ trả, mà chỉ được nuôi sống qua ngày khi họ còn làm việc. Khi công việc xong, họ bị bỏ rơi một mình, không đất đai, không ai giúp đỡ. Chân ướt chân ráo ở một vùng xa lạ, họ là nạn nhân tất yếu của bệnh sốt rét mà không thể trông cậy vào sự giúp đỡ thuốc men của Chính phủ. "Chính sách đối nội" đã đuổi họ khỏi nơi chôn nhau cắt rốn của mình, biến họ trở thành những người di dân bất hợp pháp, làm con mồi cho mọi lạm dụng bất nhân. Sự bất công đến mức lộ liễu khi chính quyền tố cáo họ cổ võ cuộc "di dân quốc nội" phạm pháp, gây nên sự xáo trộn xã hội và phá hoại sự đoàn kết quốc gia [11].

Chính sách đàn áp người kitô miền Thượng
Số giáo dân Tin lành giữa các sắc tộc ít người miền Cao nguyên - thường được gọi cách tập thể bằng danh từ "người Thượng" - ngày nay hơn 400.000 người. Cũng có một số nhỏ người sắc tộc theo đạo Công giáo. Năm 1975, hầu hết các quản nhiệm kitô miền Thượng đều bị bắt giam và đối xử khắc ngiệt trong trại cải tạo. Khi được thả ra năm 1981, những người sống sót chỉ thấy còn lại một giáo hội hao mòn, tàn tạ [12]. Nhưng sau một thời gian tái thiết, số tín đồ Tin lành lại "nổ bùng" [13] lên trong thập niên 1990. Về mặt xã hội, có thể nói rằng chính vì bị dồn vào tình trạng tuyệt vọng - bị người Kinh dành đất và kềm ngoài lề phát triển kinh tế - mà họ phải đi tìm sự giúp đỡ trong tinh thần cộng đồng và tương trợ của Hội thánh.
Mặc dù bị đánh giá là "bất hợp pháp" (theo nghĩa không được Nhà nước nhìn nhận) và luôn luôn là đối tượng của những sách nhiễu nhập nhằng, phong trào Tin lành miền Thượng vẫn sống mạnh, nhiều cộng đoàn mới được ra đời, không những chỉ sinh hoạt bình thường mà còn phát triển. Trong số đông các nhà nguyện cá nhân, một số lớn tính đến hàng trăm giáo dân. Tuy rằng theo truyền thống lịch sử, các nhà nguyện cá nhân miền Thượng đều thuộc Hội thánh Tin lành VN (miền Nam), nhưng chính quyền Việt Nam luôn từ chối không cho ghép họ vào thể chế này, kể cả khi HTTLVN (miền Nam) được chính thức nhìn nhận vào tháng 4 năm 2001 [14].
Tháng 2 năm 2001 xảy ra một biến cố bất ngờ làm chính quyền lúng túng : hàng nghìn dân miền Thượng rầm rộ biểu tình phản đối việc người Kinh dành đất và những vi phạm tự do tôn giáo. Một cuộc đàn áp hung bạo đã giáng xuống, nhắm đặc biệt vào giáo dân Tin lành mà chính quyền đổ hết trách nhiệm cho các cuộc biểu tình. Cuộc đàn áp này đã được tổ chức Human Rights Watch tường thuật tỉ mỉ trong một bản báo cáo đầy đủ với tính thuyết phục dưới tựa đề "Repression of Montagnards : Conflict over Land and Religion in Vietnam's Central Highlands" hồi tháng 4.2002, và gần đây hơn, trong một tài liệu tóm tắt và cập nhật hoá dầy 20 trang, tựa "New Assault on Rights in Vietnam's Central Highlands" (21.01.2003).
Bản báo cáo gần nhất của Human Rights Watch có trích một tài liệu 21 trang của Đảng cộng sản Việt Nam, tựa đề "Tư liệu tuyên truyền để chống lại mưu đồ của địch nhằm thiết lập một 'quốc gia thù địch Đê-ga' và 'đạo Đê-ga' " [15]. Các tác giả tài liệu tuyên truyền này kết luận thẳng ruột ngựa rằng, muốn dẹp bỏ mối đe doạ chính trị hiển nhiên của một nhúm dân miền Thượng theo đạo Đê-ga thì nhất thiết phải giải tán toàn bộ 440 chi hộ của Hội thánh Tin lành của cả tỉnh [16].
Từ lâu chính quyền Dak Lak đã thông báo cho giáo dân tỉnh này rằng "chính sách công khai" không áp dụng cho họ, nay nắm được cuộc đấu tranh chính trị của một nhúm người kitô theo "đạo Đê-ga" như một cái cớ thuận lợi để đóng cửa hơn 400 nhà nguyện trong tỉnh vào mùa thu 2002. Ngày 19.10.2002, mục sư Dương Thành, chủ tịch HTTLVN (miền Nam) đã gửi cho Thủ tướng một lá thư phản đối kịch liệt biện pháp này. HTTLVN (miền Nam) đã nhận được hàng chục bản báo cáo của các quản nhiệm bị ép phải giải tán nhà nguyện và ngưng mọi sinh hoạt tôn giáo địa phương [17]. Một phương pháp dùng để giải tán các nhà nguyện và ngăn chận mọi sinh hoạt tôn giáo được quảng bá rộng rãi trên đài truyền hình của Nhà nước. Human Rights Watch có thu một chương trình vidéo dài 25 phút vào ngày 28.09.2002 tại Dak Lak.
Xem phim vidéo này, một quan sát viên từng am hiểu thực tại Việt Nam đã phân tích như sau : Trong những buổi lễ công cộng theo lối nghi thức như được tả trong tiểu thuyết của Orwell [18], từng đoàn thể người Thượng được triệu tập dưới sự chủ toạ của các cơ quan hữu trách từ địa phương đến cấp tỉnh. Một đoạn phim cho thấy một biểu ngữ : "Ủy ban lãnh đạo Tin lành thành lập bất hợp pháp, nay tự nguyện giải tán". Trong những buổi lễ khác, nhiều biểu ngữ tương tự cũng xuất hiện, có khi mang cả tên làng của những người có mặt. Nét mặt của những người tham dự cuộc diễu hành, tay cầm micro chăm chú đọc những lời tự thú và tình nguyện bỏ "đạo Kitô bất hợp pháp" để đi theo Đảng, diễn tả bất cứ điều gì chứ không thể là một cử chỉ "tự nguyện". Từng đống "vật liệu bất hợp pháp và nguy hiểm" bị tịch thu được phơi bày la liệt trên màn ảnh, nhưng người ta chỉ thấy có Kinh thánh và sách bổn. Có những người ì ạch ký tên lên những văn bản, coi như họ đang tự nguyện đầu hàng. Trong một đoạn khác, đạo diễn cho thấy một người đàn ông gốc gác bộ lạc, nhưng dáng dấp hoàn toàn xa lạ với những người sắc tộc trung bình, làm khán giả mường tượng đến một thứ người rừng rú thời sơ khai, hùng hổ lết ra khỏi cái lều của hắn làm bằng vỏ cây ở tận cuối rừng, rồi đứng phát biểu trước máy quay phim (có phụ âm nói tiếng Việt) : "Tôi đã theo đạo Tin lành trong 5 năm trời. Họ chẳng làm gì cho tôi cả, chẳng làm gì cả, tuyệt đối chẳng làm gì cả !" Tác dụng của mẩu phim này là biểu lộ sự khước từ cả đạo Kitô lẫn các dân tộc thiểu số.
Báo tỉnh Dak Lak ngày 17.05.2002 cho đăng một tin ngắn về huyện Krong Pak với tựa đề "161 gia đình gồm 405 giáo dân đã tự nguyện bỏ đạo Tin lành". Ở đây cũng như trong chương trình truyền hình nói trên, "chính sách đối nội" đã lấn áp lãnh vực công khai. Nó gây một áp lực mãnh liệt đến nỗi cán bộ nhân viên Nhà nước không thể cưỡng lại sự đắc chí là đã làm cho giáo dân bỏ đạo Kitô để trở về đạo thần linh, cho dù họ phải nói xạo. Thật ra các quản nhiệm ở huyện này chẳng tìm đâu ra được dấu vết 161 gia đình mà người ta cho là đã phản thệ.
Một số báo cáo nội bộ đề cao việc thi hành "chính sách đối nội" đối với đạo Tin lành. Ngày 22.05.2002, cán bộ an ninh huyện Khánh Sơn gửi lên cấp trên tỉnh Khánh Hoà một bản báo cáo thành tích, tự hào đã "huy động được 18 gia đình giáo dân gồm 90 người bỏ đạo của họ". Trong một trường hợp khác, công an Khánh Sơn tuyên bố đã tặng mỗi gia đình 100.000 đồng VN (chừng 7 mỹ kim) như quà thưởng cho chín gia đình chấp nhận từ bỏ đạo [19]. Không thấy đả động gì tới một hoạt động chính trị. Những báo cáo loại đó đủ chứng minh điều không thể chối cãi, là thật sự có một "chính sách đối nội" chống đạo Kitô.
Chính quyền tỉnh Dak Lak còn chứng tỏ khả năng sáng tạo khi họ tìm cách bao che biện pháp đóng cửa các nhà nguyện. Họ ra chỉ thị cho cán bộ cấp huyện và làng, bắt những người trách nhiệm các nhà thờ địa phương (mục sư, thầy giảng và quản nhiệm), đặc biệt tại huyện Dak Rlap, nhưng không loại trừ những nơi khác, phải khẳng định bốn điểm sau đây [20] :
1. Không ai có chức vụ "mục sư" hay "thầy giảng" trong khu vực này cả. Lý do là vì Chính phủ không bao giờ nhìn nhận ai được Ban đại diện của HTTLVN (miền Nam) bổ nhiệm, cho dù họ có chứng chỉ chính thức của Hội thánh.
2. Khu vực này không hề có nhà thờ. Lý do là vì không được chính quyền nhìn nhận, cho dù ai cũng biết có những nơi có hàng trăm giáo dân đã từng nhóm họp đọc kinh, thờ phượng từ nhiều năm qua, và đã ký giấy chấp nhận họ là thành phần của HTTLVN (miền Nam).
3. Các ủy ban lãnh đạo nhà thờ địa phương phải giải tán.
4. Cơ sở các nhà thờ phải giở xuống. Kẻ nào dùng nhà mình để làm việc phụng tự sẽ bị chính quyền tịch thu đồ đạc, từ màn trướng đến bàn ghế... (Gần đây có ba nhà thờ đã bị hủy phá tại Dak Lak).
Tại sao các quản nhiệm trong khu vực này lại ký những điều sai trái chống Hội thánh như thế " Họ đã ký với buồn tủi và nước mắt bởi vì họ không thể đối kháng lại áp lực của chính quyền. Họ còn đổ nhiều nước mắt hơn nữa khi họ sám hối trước mặt Đức Chúa Trời. Chính quyền bảo họ rằng đó là lệnh của cấp tỉnh, và nếu họ không chịu ký hôm nay thì ngày mai họ sẽ phải ký. Và nếu ngày mai không ký thì sẽ bị ép mãi rồi đến lúc cũng phải chấp nhận ký. Đây là nguyên do tại sao phần lớn các nhà thờ không được thờ phượng và dịp Noel 2002 vừa qua không có thánh lễ.
Tại sao chính quyền Dak Lak lại ép các quản nhiệm ký những giấy đó " Dễ hiểu thôi : chỉ vì họ tìm cách tự bảo vệ trước những hành vi mà họ đã phạm. Theo chính quyền, khu vực này chỉ có vài nhà thờ, mà họ đã nhìn nhận rồi. Còn số 400 nhà thờ mà ông chủ tịch HTTLVN (miền Nam) nêu lên trong thư ông gửi Thủ tướng, không bao giờ có cả ! Vả lại, các quản nhiệm đã ký giấy chứng nhận là những nhà thờ đó không hề có mà ! Vậy thì, sở dĩ một số lớn các nhà thờ như thế không hề có, thì làm sao có thể đóng cửa nó được ! Đây là lời tuyên bố của ông chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Dak Lak trước một phái đoàn Cộng đồng Châu Âu hụt hẫng sau cuộc thăm viếng miền Cao nguyên hồi tháng 11.2002 [21]. Cùng thời điểm này, Ban đại diện HTTLVN (miền Nam) khi thăm viếng Hà Nội cũng bị chính quyền quở trách rằng có những quản nhiệm đã tung ra những lời xuyên tạc, vu khống, và do đó phải chịu trách nhiệm về hành động này trước Nhà nước.
Nhìn lại lịch sử gần đây, đặc biệt sau biến cố tháng 2.2001, ban lãnh đạo HTTLVN (miền Nam) đã từng khẳng định bản chất phi chính trị của Hội thánh, và trong một thư luân lưu, đã cảnh giác giáo dân Dak Lak trước mọi liên hệ với những phần tử và tư tưởng của phong trào chính trị Đê-ga. Tuy thế chính quyền cũng lợi dụng sự khuấy động chính trị của một nhúm người thuộc phong trào này - mặc dù họ đã tự tách rời ra khỏi Hội thánh - để vơ đũa cả nắm và ngăn chặn sinh hoạt hiếu hoà và căn bản là tôn giáo của toàn thể giáo dân Tin lành.

Những cơ quan hợp pháp của Hội thánh
Việt Nam đã nhìn nhận tính cách hợp pháp của HTTLVN (miền Bắc) vào năm 1958 và của HTTLVN (miền Nam) hồi tháng 4.2001. Thực ra sự nhìn nhận này hiện nay cũng chỉ dùng để quấy nhiễu hai phần cơ thể của Hội thánh. "Chính sách đối nội" luôn chơi trội "chính sách công khai".
Trong một thư gửi Thủ tướng và Ban Tôn giáo vào tháng 5.2002, Ban đại diện HTTLVN (miền Bắc) than phiền rằng từ năm 1988 đến nay chính quyền không cho phép mở một đại hội nào, và luôn ngăn cản người Tin lành làm nhiệm vụ tôn giáo theo hiến chương của Hội thánh đã được chính thức chấp nhận và bảo đảm bởi một điều luật của Hiến pháp về tự do tôn giáo, tức do "chính sách công khai" hẳn hiên [22]. Lý do tại sao HTTLVN chưa được phép mở đại hội là vì chính quyền đã thất bại trong việc lèo lái theo "chính sách đối nội" để nắm vững hàng giáo phẩm chóp bu của Giáo hội [23]. Mặc dù ban lãnh đạo HTTLVN (miền Bắc) đã từng bị sách nhiễu, cấm đoán, chỉ vì liên hệ với giáo dân Hmông miền Tây-bắc, nhưng tháng 11.2002 vừa qua họ đã can đảm chấp nhận hàng trăm nhà thờ Hmông vào Hội thánh thể theo hiến chương của Hội thánh [24]. Chính quyền phát sùng !
Cuộc đàn áp chống phá các nhà thờ người Hmông tiếp diễn không ngừng. "Chính sách đối nội" toàn thắng. Trung tuần tháng 1.2003 vừa qua, các cơ quan nhân quyền nhận được một số báo cáo không lành phát xuất từ ba nguồn tin khác nhau, cho biết một biến cố đã xảy ra vào hai ngày 28-29 tháng 12.2002 tại hai huyện Điện Biên Đông và Mường Lai, tỉnh Lai Châu. Công an đã xâm nhập vào nhà nguyện rồi xịt một chất ga độc giữa lúc giáo dân đang cầu nguyện. Một số nạn nhân bắt giữ bốn nhân viên công lực trong một thời gian ngắn và buộc họ phải ký biên bản chấp nhận trách nhiệm về cuộc tấn công và mọi hậu quả có thể xảy ra cho sức khoẻ của những người có mặt. Sau cuộc tấn công không lâu, một phụ nữ ngộ ga độc đã bị hư thai. Tờ biên bản dị thường này cùng với chữ ký của những tội phạm đã được các nạn nhân chuyển lên cơ quan hữu trách của Bộ An ninh ở Hà Nội.
Không đầy hai năm sau khi được nhìn nhận chính thức, ban lãnh đạo HTTLVN (miền Nam) phải công nhận rằng tình trạng hiện tại còn phức tạp hơn thời "bất hợp pháp" trước kia. Có người nghĩ rằng có thể vì đã đi vào cuộc chơi "hợp pháp" với Ban Tôn giáo Chính phủ mà mục sư Phạm Xuân Thiều, 60 tuổi, chủ tịch HTTLVN (miền Nam), đã sớm tổn mạng hồi tháng 6.2002 [25]. Ban lãnh đạo Tin lành đành lại phải đưa các sinh hoạt quan trọng của Hội thánh vào tư thế "chui" vì lý do "chính sách đối nội" luôn luôn đối chọi với "chính sách công khai". Hơn nữa chính quyền không ngừng có mưu đồ vận động, lèo lái một vài nhân vật có chỗ yếu.
Từ khi được chính thức nhìn nhận, nhu cầu ưu tiên của Hội thánh là mở một chủng viện để đào tạo mục sư. Ngày 3.1.2003 vừa qua, HTTLVN (miền Nam) mới được phép mở một lớp chủng sinh. Trước 1975, có 120.000 tín đồ Tin lành với hơn 100 sinh viên tại chủng viện Nha Trang, vài chục chủng sinh tại Viện thần học Sài Gòn, và vài trăm sinh viên người sắc tộc tại các trường thần học Ban Mê Thuột và Đà Lạt. Nhưng không đủ để đáp ứng nhu cầu của Hội thánh vào thời điểm đó. Từ 27 năm nay tất cả các chủng viện đều bị đóng cửa và Hội thánh không hề được phép soạn một chương trình đào tạo chủng sinh. Nhiều mục sư được truyền chức trước 1975 đã qua đời. Ngày hôm nay, với gần một triệu thành viên thực thụ, biện pháp mà Nhà nước vừa ban hành chỉ cho phép độ 50 sinh viên theo học lớp thần học. Người ta cho đó là tự do ! [26]

Phong trào nhà nguyện tại gia
Trên toàn lãnh thổ Việt Nam hiện nay có hơn 2000 nhà nguyện cá nhân (cũng gọi là nhà nguyện tại gia) thuộc chừng 30 chi hội Tin lành. Nhà nước coi tất cả các nhà nguyện này là "bất hợp pháp", có nghĩa là bất kỳ lúc nào cũng có thể bị công an xâm nhập, các quản nhiệm và thành viên bị tố cáo, phạt tiền, giam giữ dưới biện pháp hành chánh. Và điều này xảy ra không ít. Trong số các nhà nguyện này, có nhiều chi hội đã từng sinh hoạt bình thường với danh nghĩa tôn giáo ngay từ trước khi cộng sản nắm chính quyền (như hội Pentecotiste, Baptiste, Mennonite và những danh xưng khác).
Cách xử đối mà chính quyền dành cho phong trào nhà nguyện tại gia thuộc đủ loại : từ cởi mở bao dung đến sách nhiễu liên tục, không kể hành hung thô bạo và sau cùng là và đàn áp trắng trợn. Phải cần rất nhiều giấy mực mới có thể tả ra được bao nhiêu điều cay đắng mà tín đồ Tin lành phải chịu đựng dưới "chính sách đối nội".

Kết Luận
Việt Nam có một "chính sách công khai" viết trên giấy trắng mực đen trong Hiến pháp, bảo đảm tự do tôn giáo của người công dân. Nhưng việc thi hành chính sách này lệ thuộc vào một nguyên tắc là Nhà nước có trách nhiệm kiểm soát tính pháp lý và sự chân chính của các tôn giáo. Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam "xem mặt đặt tên" đánh giá người này hoặc nhóm kia đáng được nhìn nhận là hợp pháp hay không hợp pháp, và chấp nhận hay không chấp nhận ban lãnh đạo của một tôn giáo. Áp dụng vào trường hợp Hội thánh Tin lành Việt Nam thì chính sách này loại trừ đa số người tín hữu. Những nhóm nào được nhìn nhận hợp pháp và phục tùng chính sách thì Nhà nước bố thí cách nhỏ giọt và bất thường một tự do tôn giáo mà nhiều nước khác coi là bình thường. Tại Việt Nam "chính sách công khai" luôn trì trệ so với tiêu chuẩn quốc tế, vi phạm hàng ngày những hiệp ước quốc tế mà Việt Nam đã ký.
Thực tại hiển nhiên là "chính sách công khai" về mặt tôn giáo luôn bị khống chế bởi một "chính sách đối nội" mácxít giáo điều và nghiệt ngã. "Chính sách đối nội" không những làm người ta ngộ nhận về "chính sách công khai", mà còn cho phép Nhà nước đe doạ, kỳ thị, ép uổng, sách nhiễu và đàn áp giáo dân. Để biện minh cho sự "cảnh giác" của họ trước vấn đề tôn giáo, tức cho "chính sách đối nội", chính quyền cộng sản đưa ra lập luận rằng tôn giáo là mũi tiền phong của một mưu đồ quốc tế do những kẻ thù của Việt Nam lèo lái dưới chiêu bài "diễn tiến hoà bình" nhằm phá hoại cách mạng. Vũ khí của cuộc diễn tiến hoà bình này mang tên "dân chủ", "nhân quyền" và "tự do tôn giáo". Cũng như trong chiến tranh du kích, mọi phương tiện đều được vận dụng. Trên mặt trận tôn giáo, mãnh lực của "chính sách đối nội" được thể hiện thẳng thừng qua những chiến dịch dai dẳng và qui mô nhằm "chận đứng và đảo ngược" phong trào theo đạo Tin lành, đặc biệt nơi các dân tộc ít người, bằng cách dùng những phương pháp ngoài pháp luật cực kỳ dã man.
Thiết nghĩ không cần phải mất công thuyết phục chính quyền Việt Nam nên cố gắng xét lại cách thi hành "chính sách công khai" của họ. Điều này không thể thực hiện ngày nào "chính sách đối nội" còn hoành hành. Trước cái chính sách ác nghiệt và không thể chấp nhận này, các quốc gia tôn trọng dân chủ và nhân quyền, cũng như những người hảo tâm và công ty quốc tế có hợp đồng với Việt Nam, phải dám thẳng thắn đối đầu. Chỉ khi nào chính quyền Việt Nam hiểu được rằng "chính sách đối nội" nếu còn duy trì sẽ mang đến những hậu quả tai hại cho họ trên mặt quốc tế, thì mới có thểâ hy vọng có một sự thay đổi thật sự.
Bài thuyết trình này chỉ nhấn mạnh vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Nhưng cũng có thể dùng cái mô hình "hai chính sách" trình bày trên đây để cắt nghĩa sự thất bại của Việt Nam trên toàn diện vấn đề nhân quyền nói chung.

-- Distinct and Conflicting Policies : Religious Human Rights in Vietnam - The Protestant Experience, do Ủy ban Tự do Tôn giáo - Liên hội Tin lành Canada (Religious Liberty Commission of the Evangelical Fellowship of Canada) biên tập và phổ biến, 12 trang, Ottawa, 27.01.2003.
(www.evangelicalfellowship.ca)

Chú thích :
[1] Theo đài BBC, bản tin của đài Tiếng nói Việt Nam ngày 21.01.2003 về Thông báo của Hội nghị lần thứ 7 của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, cũng như những báo cáo chính thức khác cùng báo chí quốc tế đều trình bày chi tiết những biện pháp nổi bật của chính sách kiểm soát tôn giáo. Nếu những biện pháp này được thi hành, chắc chắn đời sống tôn giáo sớm muộn sẽ không khỏi bị đẩy lùi vào tình trạng lén lút.
[2] Ủy ban Tự do Tôn giáo của Liên hội Tin lành Thế giới đã xuất bản tài liệu On the Cruel Edges of the World (Bangkok, tháng 3.1999) vàThe Persecution of Protestant Christians in Vietnam (Singapore, tháng 2.2000). Ủy ban Tự do Tôn giáo của Liên hội Tin lành Canada đã xuất bản Religious Human Rights in Vietnam - A Report, tập trung vào tình trạng người Tin lành (Ottawa, tháng 2.2002).
[3] The Anti-Christian Campaign in Vietnam Revealed, Washington DC, tài liệu dựa trên thư từ giữa người kitô Hmông với các cơ quan Chính phủ.
[4] Xem trang nhà của các tổ chức này trên mạng lưới, đặc biệt một tài liệu rất phong phú về vấn đề đàn áp dân miền Thượng: Repression of Montagnards : Conflict Over Land and Religion in Vietnam, do Human Rights Watch xuất bản (tháng 4.2002).
[5] Freedom House Center for Religious Freedom, Washington DC, đã xuất bản Directions for Stopping Religion (tháng 11.2000), và 'Correct Thinking' in Vietnam (tháng 7.2001). Những tài liệu này có cho đăng một chỉ thị tối mật của Đảng cộng sản Việt Nam về đạo Tin lành. Xem trên mạng lưới : freedomhouse.org/religion
[6] Xem phản ứng của các cơ quan truyền thông chính thức Việt Nam trước bản báo cáo của Human Rights Watch ngày 21.01. 2003, trong New Assault on Rights in Vietnam's Central Highlands.
[7] Xem các tài liệu của Freedom House đã trích.
[8] Tài liệu tích trữ tại Centre for Faith and Public Policy thuộc Liên hội Tin Lành Canada ở Ottawa, Ontario.
[9] Xem tài liệu của International Christian House đã trích.
[10] Ngày 7.11.2002, Freedom House Center for Religious Liberty, Washington DC, đã công bố một tấm hình và những chứng cớ khác của vụ sát nhân này.
[11] Những lời tố cáo này được viết trong nhiều tài liệu Nhà nước và phổ biến trên các cơ quan truyền thông.
[12] Theo các quản nhiệm tỉnh Dak Lak, tỉnh này có 17.000 giáo dân vào năm 1975. Khi họ được trả tự do năm 1981, chỉ còn độ 3500. Năm 2000 con số này đã tăng lên tới 150.000.
[13] Từ này được dùng trong một số tài liệu nội bộ của chính quyền.
[14] Tháng 10.2001, ông chủ tịch của HTTLVN (miền Nam) đã ký chỉ thị (số 279) chấp nhận hơn 400 nhà thờ trong tỉnh Dak Lak như thành phần của Hội thánh. Chính quyền từ khước chỉ thị này.
[15] Danh từ 'Đê-ga' được dùng để chỉ một nhóm người Thượng di tản bên Mỹ và những thành viên còn ở Việt Nam (hàng ngũ Đê-ga không đếm quá 5% theo đạo Tin lành). Chính quyền Việt Nam coi nhóm Đê-ga như hiện thân cuối cùng của lực lượng FULRO, một phong trào đấu tranh dành độc lập cho người Thượng mà Nhà nước đã càn quét hồi đầu thập niên 1990. Nhóm Đê-ga phản đối chính sách tước đoạt đất đai bất hợp pháp và thiếu tự do tôn giáo trên miền Cao nguyên. Họ tổ chức những cuộc biểu tình quần chúng để chống đối những vi phạm đó. Hành động này chỉ là một sinh hoạt bình thường trong một nước tự do dân chủ, nhưng không thể chấp nhận trong chế độ độc tài toàn trị. Chính quyền cảm thấy bị đâm vào chỗ nghiệt khi có những phần tử Đê-ga quá khích đòi quyền tự trị mà hậu quả là một nước Đêga độc lập. Mặc dù những người theo Đê-ga đã tự tách rời ra khỏi Hội thánh Tin lành Việt Nam, và HTTLVN đã từng khẳng định bản chất phi chính trị của đạo, chính quyền vẫn viện cớ là tất cả mọi người kitô miền Thượng đều theo mưu đồ chính trị của nhóm Đê-ga nhằm lật đổ chính quyền Việt Nam để mà đàn áp. Nhà nước cộng sản đã phản ứng cách nghiêm khắc và quá độ để trừng trị một phong trào chính trị ôn hoà. Hàng trăm nhà thờ nhà nguyện bị giải tán. Nhiều quản nhiệm phải chạy trốn hoặc mất tích. Theo bản báo cáo của Human Rights Watch ngày 21.01.2003, có hơn 70 người bị bắt giam. Tên của họ được nêu rõ trong tài liệu.
[16] Báo cáo của Human Rights Watch, trang 5, 6, 7.
[17] Xem bài 'Stealing Christmas' trong báo Ottawa Citizen, ngày 23.12.2002.
[18] George Orwell, nhà văn Anh (1903-1950), tác giả cuốn tiểu thuyết giả tưởng nổi tiếng "1984 " xuất bản năm 1949, mô tả một xã hội loài người dưới ách toàn trị, nạn nhân bất hạnh của những kỹ thuật khuynh đảo, những mánh khoé lèo lái tinh vi, nhằm biến dạng thực tại, xuyên tạc sự thật, ngu độn hoá tập thể, sỉ nhục quần chúng... (chú thích của người dịch).
[19] Báo cáo của Human Rights Watch, trang 6.
[20] Tài liệu thu thập từ 20 bản báo cáo của nhiều quản nhiệm kitô tỉnh Dak Lak.
[21] Đàm thoại giữa tác giả và vài thành viên của phái đoàn Cộng đồng Châu Âu.
[22] Hồ sơ của văn phòng Liên hội Tin lành Canada, Ottawa.
[23] Xem Plan 184A và 184B, tư liệu 'Mật' của chính phủ, trong Direction for Stopping Religion, Freedom House, tháng 11.2000.
[24] Xem Church opens its doors to Hmong trong tuần báo Far Eastern Economic Review, 7.11.2002, phần Intelligence.
[25] Xem Vietnam's Hidden Tragedy trong tạp chí Christianity Today, 9.09.2002.
[26] Xem thông báo của Compass Direct ngày 16.01.2003 : Vietnam Government to allow Protestant Ministerial Training.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.