Hôm nay,  

Mõ Sàigòn: Ăn Mặn Khát Nước

03/09/200200:00:00(Xem: 3921)
Liễu Sinh người huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Giang, có vợ là Hàn thị, cùng quê quán nên ra chiều tương đắc. Ngày nọ, Liễu Sinh gọi Hàn thị đến, mà bảo rằng:
- Vợ chồng mình chung sống đã mấy năm, mà đường con cái chẳng thấy gì hết cả. Tui chỉ sợ mỗi ngày thêm mỗi lớn, rồi con mọn sau này tui biết liệu làm sao" Khi đã tắt hơi mà con còn thơ dại, thì nỗi đau đó mần răng mà bay mất" Lúc ở tuyền đài còn vui thú được chăng" Hay lại đeo mang cái tâm hồn bất định. Chừng lúc ấy làm sao mà siêu thoát. Mà đón tìm vầng sáng của Chân như. Mà… bái bai cái đeo tràn của Nghiệp"
Hàn thị nghe thế, liền đổi ngay sắc mặt, rồi nói với chồng rằng:
- Phu xướng phụ tùy. Lời giáo huấn đó ngàn năm em vẫn nhớ. Hà cớ gì chàng lại đón nọ đón kia, để chốn tâm can thiếp dâng điều lo sợ, rồi ảnh hưởng đến thai nhi còn đang trứng nước, thì ở mai này thiếp biết dạy làm sao, khi đứa con thơ cứ luôn hồi luôn hộp…
Nói rồi, buồn dâng mắt biếc, khiến Sinh đứng gần cũng ruột dạ nao nao, bèn khoác tay qua mà nhỏ to niềm tâm sự:
- Tui nghe nói Vía Bà ở phủ Khai Phong thường luôn linh ứng, nên mong có ngày đến đó dạo chơi, đặng xin tí con thơ nối giòng nối tộc. Chớ cứ nơi đây mà chờ mong tin tốt, thì e có ngày trớt quớt hết trọi trơn, rồi lúc ấy làm sao mà hối kịp…
Rồi làm như tấm lòng thành đã chạm đến người trên trước. Chưa được năm tròn đã có đặng hoàng nam - ào một phát sinh đôi mới hởi lòng hởi dạ - nên trong lúc người say say như thế, mới nhoẻn nụ cười mà nghĩ tựa như ri:
- Một mặt con bằng mười mặt của. Ta tuy chưa giàu, nhưng đã có con, thì cũng cứ coi như đã… nứt vách rồi vậy. Thôi thì đứa lớn ta đặt là Liễu Bạc, đứa nhỏ Liễu Vàng cho thật chắc ăn, thì mới mong cõi thế ni có ngày phất lên đặng!
Và thời gian như nước ròng nước lớn. Thắm thoát bao ngày đã đến tuổi thành nhân, nên Sinh gọi hai con vào ngay bên cạnh. Trao ít lương khô cùng hai ba chai nước, rồi nhắn nhủ đôi lời nghe thấu ruột thấu gan:
- Tre già măng mọc. Lẽ tự nhiên ngàn xưa vẫn thế. Chớ măng nào lại chạy khơi khơi, mà chẳng biết chi đến ngày tre sắp lặn. Nay mẹ của con đã đầu hai thứ tóc. Còn phận cha hiền lại mõi gối chồn chân, thì không thể giữ con yêu mà lo hoài mãi được. Thôi thì chuyện chia ly rồi ra cũng có. Hai con lên đàng tự lập lấy thân, thì mới đáng coi là người hữu dụng. Chớ cứ rong chơi rồi cười hoài như thế, thì đến bao giờ mới thành quân tử được đây"
Và thế là hai đứa con dòng họ Liễu tạ từ cha mẹ ra đi. Liễu Bạc, nhờ Trời ban cho tư chất thông minh lanh lẹ, nên khi đến quê người, đã mau chóng lao vào đường thương vụ. Trước là tích lũy kinh nghiệm khi làm thuê. Sau gom vốn ra cho mình thương hiệu, rồi không biết có phải đất tổ ông bà mau kết dính, mà thoáng ít năm tròn đã xứng mặt hùng anh. Xứng cho đám tha nhân giật mình ngưỡng mộ. Mà nói hổng phải chứ thiên hạ thường hay nói tới: Họa Phước khôn lường như nắng chợt trời mưa. Như trái trên tay còn rơi ào xuống bụi. Còn Liễu Bạc thiệt là hết biết, bởi ly loạn dâng tràn mà dzớt được người thương, khiến hỷ sự nơi xa mà quê nhà không biết đặng - làm cô dâu mới ánh mừng lên mắt biếc - bởi khỏi lo rầu cái chuyện của nàng dâu. Của sớm của hôm của ly trà pha đậm, nên chữ phu thê cứ dzầy mà phang tới. Như lửa thêm dầu như nắng dọi ngoài xa. Như bướm như hoa như tơ trời đan dệt…
Còn Liễu Vàng thì thiệt là trời ơi đất ới, khi khác anh mình như nắng hạn, mùa Đông. Như đứa đi xe đứa an lòng cuốc bộ, nên chọn cày thuê làm phương cách sống. Giữa chốn quê người không có một người thân. Không có ai quen để kết bè kết bạn. Thời may gặp được người con gái. Biết sống quên mình để nghĩ đến người thương, nên nhoáng tay ra dzớt ngay liền cái rẹt. Trước là có kẻ cận kề hôm sớm tối. Sau nữa bớt u buồn khi ly loạn tùm lum, mà chẳng được tin chi của quê nhà hết cả.
Rồi một hôm lửa chiến tranh đã không còn thiêu đốt. Tất cả người người đều thở nhẹ mừng vui, thì Liễu Bạc biết tin em ngay trên… trời trên mạng - liền… i-meo cho em để hẹn mùa Xuân sắp tới - sẽ đưa vợ đi dzìa thăm quê củ làng xưa. Thăm tổ thăm tiên thăm dòng thăm tộc. Liễu Vàng nghe thế mới mừng thôi hết biết, liền gọi vợ vào để san sẻ mừng vui. San cái âu lo bao ngày mang muốn nặng:
- Lúc nàng về với ta. Ta nghèo không đủ tự lập. Bây giờ đến hồi sung túc, mà không biết cha mẹ chồng là ai, thì tự hậu trước sau ta nghe như có gì không phải! Nay anh của ta đã hẹn ngày Xuân tới. Sẽ đưa vợ hiền thăm lại mái nhà xưa, thì ta không thể trú nơi đây mà rung đùi mãi được. Vậy nàng hãy thu xếp trong ngoài đâu vô đó. Đợi gió sang mùa ta sẽ bước liền ngay. Chớ không thể cứ… ngây thơ chần chờ thêm nữa đặng…
Vợ của Liễu Vàng là Nghiêm thị, mới nhìn chồng một phát, rồi nhỏ nhẹ nói rằng:
- Thiếp đã lấy chàng, thì niềm vui của chàng là niềm vui của thiếp. Nỗi lo của chàng thiếp chẳng… biết gì đâu. Hà cớ chi lại đón trước đón sau cho mẻ sứt tình phu phụ. Thôi thì bấc đến đâu dầu đeo theo đến đấy, đặng ước của chàng sớm hiện thực thành luôn. Chớ hông thể cứ dây dưa rồi không quyết liền ngay được. Mà giả như thiếp có bệnh hoạn thế nào đi chăng nữa, cũng chắc một lòng hết hợp thì… tan. Chứ chẳng dở dở ương ương cho chàng thêm vướng bận!

Rồi chim Én cứ gọi nhau về tới tới. Báo hiệu đổi mùa cho thiên hạ mừng vui, khiến Liễu Bạc bắn tin về quê nhà mong đợi, là: Chiều ba mươi Tết sẽ đoàn viên bên ấy. Cho thỏa tấm lòng mong đợi với chờ trông. Cho thỏa khát khao của bao ngày cách biệt. Liễu Sinh nghe thế mới mừng vui hết biết, liền gọi vợ vào mà dạy bảo điều hay, đặng lũ con xa khỏi ra ngoài cái… trận:
- Tết này. Hai thằng Bạc Vàng sẽ đem vợ về đây, thì bà phải nghe tui mới mong nhiều cái lợi. Chớ đừng có hốp tốp mà mất mùa… thu vén, thì đạo vợ chồng khó trọn chữ tào khang. Khó đến trăm năm như ngày xưa ước hẹn…
Hàn thị ngẩn mặt ra một chút, rồi vội hỏi chồng rằng:
- Năm hết tết đến. Con nó về thăm vợ chồng mình, thì đúng là chuyện mừng vui. Sao lang quân nói đến những điều hơi lạ - khiến thiếp dẫu đã gần… đất hơn trước - cũng chẳng thể nào hiểu thấu được đâu. Cái ý cao xa như trời như vực…
Liễu Sinh nghe thế, mới bực bội mà nói rằng:
- Tiền bạc có thể biến những lời dối trá thành sự thật. Ta sẽ tìm ra cách giải quyết tình thế này - mà không bao giờ để cho chúng nó biết - cái gì đã thực sự xảy ra.
Hàn thị hổng biết nói làm sao, khi chẳng hiểu mô tê gì hết cả, nên ngập ngừng trong lòng trong ý, rồi thốt đôi lời như sống tận trong mơ:
- Từ nào tới giờ. Thiếp vẫn cho mình là kẻ khôn ngoan. Là hiểu thông mọi vấn đề vấn nạn. Nhưng hôm nay thiếp buồn thôi hết biết, bởi hổng hiểu chàng muốn đặng cái gì đây" Muốn cái chi chi mà đoán hoài không được"
Liễu Sinh liền nén ngay cơn giận, mà tự nhủ rằng:
- Ta vẫn nghe người xưa hay nói: Mỗi người một điều, dỡ lều mà đi. Nay vợ của ta có điều không hiểu, thì phận làm chồng phải dọn đường cho thông suốt. Chớ lẽ nào lại quát mắng đuổi đi, thì tự hậu trước sau khó lòng êm ấm đặng!
Đoạn, dang tay kéo Hàn thị lại gần, rồi mới thủng thẳng thủng tha giải bày niềm tâm sự:
- Vợ chồng cùng tuổi, ngồi duỗi mà ăn. Nay đến lúc được… ăn, thì lẽ đâu lại tan đàn xẻ nghé! Ta nói vậy. Nàng nghĩ có đúng không"
Hàn thị vội đưa tay rờ trán chồng, thấy cũng nằm ở… ba bảy độ xê, bèn lộ vẻ đăm chiêu mà không làm chi hơn được. Liễu Sinh thấy thế mới cười đôi mắt tít, rồi nói đôi lời như gió thoảng vào tai:
- Đối với ta, Đô là tất cả! Nên mọi chuyện trên đời. Từ tình nghĩa thân sơ đến người quen kẻ thích. Nếu có Đô, sẽ xuôi chèo mát mái. Chớ không ngược đường như trống ngược kèn xuôi. Như đứa khóc la đứa tươi cười hết nụ. Nay hai con ta sẽ về quê ăn tết. Trước thăm vợ chồng mình sau thắm đượm bà con, thì ta không thể hổng… kiếm thêm trong phen này nữa đặng. Vậy bà mau mau hãy làm y theo kế, để Đô đỏ Đô vàng sẽ lúc nhúc chạy vô, thì tự hậu trước sau mới mừng vui thêm được. Chớ xuân bất tái lai mà không ào tính toán, thì liệu mai này còn… cơm cháo được chăng"
Hàn thị nghe như mở cờ trong bụng, bèn hớn hở bên chồng như thời mới cưới, rồi nói những lời như mật chảy vào tai:
- Thật lâu thiếp mới… đồng ý với chàng thêm một chuyện. Vậy tự sự thế nào" Chàng cứ mạnh dạn nói ra. Chớ đừng nhấp nháy nhấp nha kẻo tim này thêm bệnh!
Lúc ấy, Liễu Sinh mới đứng lên đóng cửa lại, rồi nói với vợ rằng:
- Ba mươi con về. Vậy ngày hai mươi chín bà hãy đem gạo giấu đi. Chỉ để một ít trong lu cho vừa tô cháo bự, cùng đám khô cá bà đem đi cất hết, thêm chuối chín trong vườn cũng chặt bỏ liền ngay, rồi đem áo xé đi mà may ào vá lại, cùng bắp sắn trong bồ bà kêu người tống hết, thêm mấy chục gà bà bán hết dùm tui, cọng hai mấy con ngan bà cho người sang lại, rồi ra phố… thuê người chiều ba mươi mau đến. Đòi nợ đang còn của năm củ ngày xưa, cọng lời lãi tăng lên cho tròn câu… đoàn tụ. Cứ như thế chẳng cần làm chi hết ráo, mà Lộc từ trời cứ tuôn đổ ào vô, rồi đợi ra Giêng ta mừng thu tài hoạch. Kế sách đó bà làm ơn ghi nhớ, thì hậu vận mai này sẽ sáng rỡ liền ngay. Sẽ tỏ như đêm có trăng vàng chiếu dọi. Chớ lỡ mất đi cơ trời đang tới tới, thì uổng phí chừng nào cái Lộc thấy liền ngay. Uổng phí chút lương khô của hôm ngày tiễn biệt…
Tối đó, Hàn thị thấy trong người khoan khoái, bèn phè cánh nhạn ra mà ngủ. Chợt trong giấc mơ, thấy Bụt hiện về. Vừa khóc vừa mếu, rồi nói những lời nghe thấy mẹ thấy cha:
- Phần đông. Con người sống theo dục vọng. Luôn luôn Thu đoạt những gì của người khác để phục vụ riêng mình. Họ cho như thế là họ đã Được. Nhưng rốt cuộc họ không có gì cả. Vì không ai khỏi chết, và chết là Mất. Thế thì những gì họ Thu được, xem như không có. Tất cả đều tiêu tan. Như vậy Thu không phải là Được, mà chỉ tạo thêm buồn trong cuộc sống. Tự mình làm cho mình sớm Mất mà thôi!
Hàn thị giật mình tỉnh dậy. Mồ hôi ướt đầm ra cả áo. Nhìn sang bên kia, thấy chồng đang say trong giấc điệp, liền chùng lòng tự nghĩ:
- Nhớ ngày ta xuất giá, mẹ có gọi ta vào chốn hậu liêu, mà dặn rằng: Trong đời của một người. Không có cái gì tồn tại. Tiền tài, danh vọng, quyền thế… đều sẽ mất đi. Chỉ có tình thương, là giữ được tất cả. Nay ta vì Tiền, mà toan làm điều bất chính. Thử nghĩ có nên chăng"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.