Hôm nay,  

Vấn Đề Phân Định Ranh Giới Việt-hoa

10/01/200200:00:00(Xem: 4286)
(VNN) Ngày 25 tháng 12, năm 2000, Chủ Tịch nước của Cộng Sản Việt nam, Trần đức Lương, sang Trung cộng trên danh nghĩa là viếng thăm thiện chí, nhưng thực ra là để ký Hiệp Ước phân định ranh giới Vịnh Bắc Việt. Một năm trước đó, vào tháng 12, 1999, Việt cộng và Trung Cộng đã ký Hiệp ước về lãnh thổ trên đất liền. Và Hiệp ước này đã được Quốc Hội Việt cộng phê chuẩn vào tháng 6, 2000. Còn ranh giới trên Biển Đông, chưa thấy có dấu hiệu được hai bên giải quyết. Ta lần lượt duyệt qua việc phân định ranh giới trên đất liền, trong vịnh Bắc Việt.

I Ranh Giới Trên Đất Liền.

1. Mục tiêu và Thỏa Hiệp về căn bản pháp lý giải quyết tranh chấp.

Đỗ Mười, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt nam và Võ văn Kiệt, Thủ Tướng Việt cộng vào 5 tháng 11, 1991 sang Bắc Kinh để thiết lập bang giao giữa hai nuớc đã ký 3 hiệp uớc. Trong số này có một hiệp ước tạm thời liên quan đến biên giới. Tạm thời vì mới chỉ đặt căn bản chỉ hướng cho hai bên áp dụng những biện pháp cần thiết để duy trì hòa bình và yên tĩnh dọc theo biên giới. Hai bên lúc đó chỉ đề cập đến những vấn đề an ninh, buôn lậu, trật tự xã hội, di chuyển qua biên giới. Họ mong muốn rằng biên giới Việt Hoa trở thành một biên giới hòa bình và hữu nghị.

Còn việc phân định biên giới sẽ được thực hiện sau bằng phương pháp thương thuyết.

Ngoài ra, ngay từ thời kỳ sau 1954, Đảng Lao Động Việt nam và Đảng Cộng sảnTrung Hoa trong những văn thư trao đổi giữa 2 bên, nhất là vào những năm 1957-1958 đã đồng ý rằng ranh giới Việt Hoa do các thỏa ước Pháp-Hoa phải được tôn trọng, và rằng tình trạng nguyên vị về ranh giới phải được triệt để duy trì trong khi chờ đợi việc dàn xếp giữa hai chính phủ".

Được biết vào những năm sau khi Pháp chiếm Việt nam, Pháp đã ký nhiều hiệp ước với Trung Hoa có liên quan đến biên giới từ 1885 đến 1895.

Các Hiệp ước ngày 25 tháng 4, 1886 ký ở Tien-Tsin trong điều khoản 5; Hiệp định 26 tháng 6, 1887 và công ước 26 tháng 6, 1895 trong các điều khoản I đến III bổ túc cho hiệp định 26 tháng 6,87 ấy, cả 2 đều được ký ở Bắc kinh ấn định rõ vị trí địa lý các Mốc đánh dấu chủ quyền, dựa vào các cứ điểm thiên nhiên hay nhân tạo cố định.

Về sau, có khoảng 300 Mốc đánh dấu ranh giới giữa 2 quốc gia được đặt tại các địa điểm ấy.

2. Tình trạng ranh giới trên đất liền trước và sau cuộc chiến tranh 17 ngày của Trung Cộng và Việt cộng"

Vào tháng 2 năm 1979, Trung Cộng dàn khoảng 350.000 quân dọc biên giới Việt-Hoa, và đưa 220.000 quân tiến sang đánh phá 6 tỉnh Việt nam dọc biên giới. Mục đích của cuộc điều quân này là để dạy Việt nam một bài học như Đặng tiểu Bình đả công bố vì Việt nam mamg quân đang đánh Khmer đỏ, một Đảng Cộng sản mà Trung Cộng đỡ đầu. Quân của Trung cộng tiến sâu vào nội địa Việt nam, có nơi tới 40 cây số, chiếm đóng 23 thị trấn thuộc các tỉnh biên giới là Quảng Ninh, Lạng sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, và Lai Châu. Trung cộng tuyến bố rằng đã dạy xong cho Cộng Sản Việt nam một bài học và họ cho rút quân tất cả quân đội về bên kia biên giới vào ngày 16 tháng 3, sau 17 ngày xâm lăng. Tuy nhiên, quân Trung Cộng vẫn còn chiếm đóng tại các ngọn đồi và các địa điểm chiến lược, với các dàn radar và các đài quan sát mà lính biên phòng Trung Cộng gọi là "thuộc phần đất của Việt nam".

Sau trận chiến đó, đồn quan thuế của Việt cộng được thiết lập khoảng 480 thuớc về phía Nam Hữu Nghị Quan, nếu so với vị trí cũ trước năm 1979. Dù đã thiết lập bang giao, nhưng Trung cộng vẫn liên tục lấn chiêm đất. Tháng 5, 1992, một cuộc chạm súng đã xẩy ra tại quốc lộ số 1 ở Lạng sơn, gần Hữu Nghị Quan. Lý do của cuộc chạm súng là lực lượng quân sự Trung cộng ngang nhiên di chuyển cột đánh dấu biên giới vào sâu trong nội địa Việt nam khoảng 400 thước. Đến tháng 7, 1992, Trung cộng chiếm 36 nơi, và tổng số đất bị lọt vào tay Trung Cộng là 8.000 hectares dọc theo biên giới. Sau đó, lại có những loạt biến cố khác: lính biên phòng Trung cộng trục xuất nông dân Việt nam ra khỏi vùng tranh chấp và đốt nhà họ như tại Cao Bằng, Lạng Sơn. Có nơi, quân Trung cộng đưa nông dân của họ sang lập nghiệp.

Cho đến ngày ký Hiệp ước phân định ranh giới trên đất liền vào tháng 12, 1999, hai bên chỉ loan báo rằng họ đã giải quyết được 70 địa điểm tranh chấp nằm dọc theo biên giới giữa hai nước, dài độ 1,300 cây số. Quốc dân Việt không được cung cấp đầy đủ tin tức hay chi tiết liên quan đến các tình trạng và vị trí 70 địa điểm bị chiếm đóng đó, và những phần đất Trung cộng đã chiếm có trả lại cho Việt nam không"

Đó là chưa kể đến những đất đai mà Trung Cộng đã chiếm trước đây, như vào hồi 1954, khi Trung cộng đưa công nhân sang xây giúp Việt cộng đường hỏa xa Hà nội - Hữu Nghị Quan, các công nhân ấy đã "lầm lẫn" di chuyển mốc đánh dấu chủ quyền vào nội địa Việt nam 300 thước, như Việt cộng đã nêu ra. Trung cộng phản kháng, tuyên bố rằng vị trí ấy đúng là giao điểm đánh dấu biên giới.

Vấn đề ấy cũng đã không được giải quyết giữa hai bên nhất là trong thời gian mối bang giao giữa hai đảng anh em rất thấm thiết và đầm ấm suốt 2 thập niên từ 1954 đến 1975.

II. Phân định ranh giới Vịnh Bắc Việt.

Thông cáo chung giữa Chủ tịch nước Trần đức Lương và Giang trạch Dân nhân dịp ký hiệp ước ấn định ranh giới vùng Vịnh vào 25 tháng 12, 2000 nói: "Hai hiệp ước (trên đất liền và vịnh Bắc Việt) giúp tạo các điều kiện tiên quyết làm cho các ranh giới trên đất liền và trong vùng vịnh thành biên giới hòa bình, hữu nghị và ổn cố trường cửu". Nhờ đó "gia tăng tín cậy và hiểu biết hỗ tương, phát triển mỗi quốc gia dễ dãi hơn và đóng góp vào sự nghiệp hòa bình, hợp tác và phát triển trong vùng và thế giới".

1. Căn bản pháp lý. Cũng giống như hiệp ước về biên giới trên đất liền đã ký một năm trước đó, hai bên đã đồng ý sử dụng các hiệp ước Pháp và Trung Hoa làm căn bản pháp lý và thêm vào những thỏa hiệp về sau mà hai bên sẽ chấp thuận. Đó là hiệp ước 9 tháng 6, 1885 và công ước 20 tháng 6, 1887.

Điều 2 Công ước về Vịnh Bắc Việt nói rằng "về hướng Quảng Đông, các điểm tranh chấp nằm về phía Đông và Đông Bắc Móng Cái, ở phía bên kia ranh giới do Ủy Hội Phân Định Biên Giới qui định sẽ thuộc về Trung Hoa. Các đảo về phía Đông kinh tuyến Ba Lê 105 độ 43 của kinh tuyến Đông, nghĩa là đường phân ranh Bắc Nam chạy qua mũi phía Đông của đảo Tch'a-kou hay Ouan-chau (Trà Cổ), và họp thành biên giới cũng thuộc về Trung Hoa. Các đảo Go-tho và các đảo khác về phía tây của kinh tuyến ấy sẽ thuộc về Việt nam". Một đường phân ranh Đỏ chạy Bắc Nam, bắt đầu từ điểm ráp gianh giữa 2 quốc gia tại Móng cái, trên bản đồ kèm theo để ấn định ranh giới trên Vịnh.

Vào tháng 8 năm 1974 và tháng 10 năm 1977, đã có các cuộc thương nghị phân định ranh giới trong vùng Vịnh, nhưng không đạt được kết quả.

2.Tranh chấp về đường phân ranh.

Trong phiên họp vào tháng 8 năm 1974, phía Việt cộng viện dẫn Công Ước 1887 về biên giới dựa trên kinh tuyến Greenwich, 108 độ, 3 phút 13 giây Đông hay kinh tuyến Ba Lê 105 độ 43 của đường kinh tuyến Đông làm đường phân ranh lãnh thổ v.v...

Tuy nhiên phía Trung Hoa đã phản bác rằng đường ranh Đỏ ấy có mục tiêu chỉ dẫn quyền sở hữu chủ các đảo mà thôi, nhưng không là đường phân ranh về lãnh thổ. Vì thế các cuộc họp không đạt được kết quả.

Căn cứ vào đó, phía Trung Hoa kêu nài rằng Việt nam chiếm tới 2/3 lãnh thổ trong vịnh Bắc Việt, rằng Trung Hoa phải ký hiệp ước ấy vì ở thế yếu, do Pháp ép buộc. Nhưng không bao giờ phía Trung Hoa nói tới sự kiện rằng khi Pháp điều đình với Trung Hoa, Pháp đã cắt một phần đất thuộc Lai Châu bây giờ, cho Vân Nam của Trung Hoa để đổi lấy làn ranh ấy. Riêng về việc cắt một phần lãnh thổ như trên cho Trung Hoa, Pháp đã làm một việc bất hợp pháp. Mặt khác, hình thể Việt nam chạy theo hình chữ S. Từ mỏm đầu chữ S, nơi giáp ranh giữa Việt nam và Trung Hoa, Ủy Ban Pháp Hoa Phân Định Lãnh Thổ kẻ một đường mầu Đỏ Bắc Nam là một điều công bằng và hợp lý. Phần lãnh hải nằm về phía Tây (nằm trong đường ranh) thuộc Việt nam. Phần lãnh hải này thuộc Việt nam cũng phù hợp với Thuyết Lãnh Thổ Kế Cận mà Công Pháp Quốc tế vẫn hằng nhìn nhận. Cuối cùng, đường Mầu Đỏ trên bản đồ có mục đích phân chia quyền sở hữu chủ các hải đảo trong vịnh, như Trung cộng nói, nếu không phải là đường ranh phân chia lãnh thổ, thì là đường gì"

Với kiểu ăn nói cố hữu của công sản như vậy, Trung Cộng trong nhiều năm qua đã lạm dụng quyền hành và đơn phương nới rộng chủ quyền của mình trong Vịnh Bắc Việt.

3. Trung cộng Hành sử chủ quyền trong Vịnh.

Ngày 19 và 30 tháng 8, 1992, 2 tầu của Trung cộng được đưa ra khơi để tìm dò dầu hỏa trong vịnh Bắc Việt. Rồi ngày 30 tháng 9, tầu Nam Hải 6 được đưa vào vùng mục tiêu mà Hà nội nói là ở 112 cây số Đông Nam hải cảng Ba Lạt. Tàu khác tên là Phấn Đấu 5 đã hoàn tất công tác nghiên cứu địa chất vào 30 tháng 8 tại vùng Nam vịnh Bắc Việt. Tầu này hoạt động ngay tại của bể Hải Phòng, cách tỉnh Thái Bình 70 dậm (khoảng 120 cây số). Dù bị Việt cộng phản đối, Trung cộng trả lời rằng các tầu khoan dầu ấy hoạt động trong phạm vi lãnh thổ Trung Hoa chiếu theo làn ranh của Vịnh.

Các tầu ấy đã xâm phạm quá sâu vào phía Tây của vịnh, sau khi vượt qua đường ranh Mầu Đỏ.

Trung cộng còn đi xa hơn bằng cách vẽ lại bản đồ Biển Đông: tuyên bố rằng toàn vùng Biển Đông mà Trung cộng gọi là Nam Hải thuộc quyền sở hữu của Trung cộng: phía Tây giáp bờ biển Việt nam, phía Đông giáp bờ biển Phi Luật Tân và phía Nam, giáp bờ biển Mã Lai Á. Căn cứ vào bản đồ này, Trung cộng chiếm 3 triệu trong tổng số 3.5 triệu cây số vuông. Như thế, phần lớn lãnh hải trong vịnh Bắc Việt cũng thuộc quyền sở hữu của Trung Cộng.

III. Nhận xét

Nội dung của các cuộc thương thuyết về phân định lãnh thổ không được phổ biến. Người ta không biết rõ là phần đất nào bị mất, phần đất nào đã thu hồi được, ngoại trừ các viên chức nắm giữ quyền hành trong Đảng. Dân tôc Việt nam có quyền đòi hỏi Đảng Cộng Sản Việt nam phải công bố rõ điều này.

1. Nhìn vào thực tại về biên giới trên đất liền và trong vùng vịnh Bắc việt, cũng như có những bằng chứng về việc Trung Cộng lấn chiếm đất mà Việt cộng hoặc không quyết tâm đòi lại hay không phản ứng đủ, và rất nhiều trường hợp chỉ phản ứng lấy lệ trong việc bảo vệ lãnh thổ để khỏi bị chê trách, người ta có quyền nghi ngờ rằng đây là việc chuyển nhượng tài sản quốc gia trá hình. Điều này đã được tìm thấy trong văn kiện mà Phạm văn Đồng ký ngày 14 tháng 9 năm 1958, với tư cách Thủ tướng Chính phủ nước Việt nam Dân Chủ Cộng Hòa gửi cho Chu ân Lai, Tổng Lý Quốc Vụ Viện, nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, nhìn nhận thẩm quyền lãnh thổ của Trung Cộng trên Biển Đông.

2.Qua tiến trình thương thảo giữa phai phe, như Hàn niệm Long, thứ trưởng ngoại giao Trung cộng đặc trách Đông Nam Á, và cũng là trưởng phái đoàn thương thuyết biên giới với Việt cộng từ thập niên 1970, thì đây là công việc giữa hai Đảng: Cộng sản Việt nam và Cộng sản Trung Hoa. Hành pháp hay Quốc Hội chỉ là các tổ chức ngoại vi của Đảng. Vì vậy việc mỗi cơ quan này có tham dự vào việc ký kết hay phê chuẩn chỉ để thực hiện mục tiêu của Đảng. Đặc biệt rõ hơn là trường hợp Đỗ Mười, Tổng Bí Thư của Đảng CSVN ký thỏa hiệp tạm thời thiết lập mục tiêu, nguyên tắc cho việc ký hai hiệp ước trên, vì Đỗ Mười không có một vai trò gì trong chính quyền.

Các Hiệp ước này không có giá trị gì đối với quốc dân Việt nam.

3.Đảng Cộng sản Việt nam phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc chuyển nhượng bất hợp pháp đất đai này, dù vì lý do gì chăng nữa, nhất là tự đặt mình dưới sự chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Trung Hoa, trong mưu đồ tìm sự hỗ trợ để được tồn tại va triệt tiêu mọi lên tiếng về sự chuyển nhượng này.

4.Đối với Trung Hoa, quốc dân Việt nam coi đây là việc riêng của hai Đảng Cộng Sản, không liên hệ gì đối với quốc dân Việt nam. Và hai hiệp ước trên nếu Trung Cộng không trả lại những phần đất đã chiếm sẽ bị coi là vô hiệu.

Do đó, Trí Thức Việt Nam Hải Ngoại vào ngày 22 tháng 7 năm 1994, sau đó là Ủy Ban Bảo Vệ Lãnh Thổ trong các Tuyên Cáo vào ngày 29 tháng 4 năm 1995 và ngày 18 tháng 12 năm 2000 lên tiếng về vấn đề ấy.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.