Hôm nay,  

Mặt Trái Của Toàn Cầu Hóa

20/12/200600:00:00(Xem: 13452)

Mặt trái của Toàn cầu hóa

...Dân Việt tại Việt Nam có thêm việc làm trong khi dân Việt tại California phải đi tìm việc khác...

Trong vòng ba tuần nữa, Việt Nam sẽ chính thức và toàn diện bước vào sân chơi toàn cầu hoá khi trở thành hội viên của Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và vừa đạt thỏa thuận với Hoa Kỳ về quy chế thương mại bình thường và vĩnh viễn PNTR. Mở đầu một thời kỳ mới với rất nhiều triển vọng vào năm tới, Việt Nam nên cần quan tâm đến những vấn đề gì thuộc mặt trái của hiện tượng toàn cầu hoá nói trên" Diễn đàn Kinh tế đài RFA tìm hiểu về đề tài ấy qua cuộc trao đổi với kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa do Việt Long thực hiện.

Hỏi: Ngày 11 tháng Giêng tới đây, Việt Nam sẽ chính thức trở thành hội viên của tổ chức WTO sau khi đã đồng thời đạt thỏa thuận về quy chế thương mại bình thường và vĩnh viễn với Hoa Kỳ. Viễn ảnh 2007 vì vậy là rất nhiều triển vọng rộng mở cho Việt Nam.

Theo thói quen của Diễn đàn Kinh tế này, chúng ta thường báo trước những mặt tiêu cực của mọi biến chuyển kinh tế để những người trong cuộc, dù là quốc doanh, tư doanh hay thường dân, có thể chuẩn bị ứng phó. Lần này, chúng tôi xin đề nghị là chúng ta cũng sẽ trao đổi về mặt trái hoặc những rủi ro của việc toàn cầu hoá đó vào năm tới.

Câu hỏi đầu tiên của chúng tôi vì vậy là Việt Nam nên tự chuẩn bị cho những gì sẽ xảy ra"

- Cũng theo tập quán của diễn đàn này là trình bày nghịch lý, tôi xin được nói ngay rằng Việt Nam sẽ chưa gặp hoặc thấy ra những rủi ro hay vấn đề trong sáu tháng trước mặt đâu.

Qua năm tới, tốc độ tăng trưởng của khu vực Đông Á có thể giảm sút vì thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, chủ yếu do chu kỳ suy trầm nhẹ tại Hoa Kỳ. Đó là bức tranh toàn cảnh. Trong khu vực đó, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn sẽ được duy trì ở mức gần 8%, khoảng 7,6 đến 7,8% như năm nay và không giảm sút như các xứ khác nhờ điều mà tôi xin gọi là “hiệu ứng WTO và PNTR”. Nhờ sự lạc quan từ hai bờ Thái bình dương - tại Việt Nam và từ thị trường xuất khẩu và đầu tư lớn nhất là Hoa Kỳ - thì sau vài tuần rà soát lại thủ tục để đôi bên cùng bơi trên một dòng nước, dù kinh tế Mỹ có thể bị suy trầm nhẹ và nhập khẩu ít hơn, Việt Nam vẫn không bị ảnh hưởng nặng, hoặc nặng như các nước Đông Á khác. Một phần không nhỏ cũng do sự hiện hữu và tác động của cộng đồng người Việt sống tại Mỹ!

Hỏi: Trên diễn đàn này, ông hay cảnh báo về những thách đố Việt Nam có thể gặp sau khi gia nhập WTO. Lần này, ông lại có vẻ lạc quan! Ông có thể giải thích vì sao không"

- Trên diễn đàn này, quả thật là chúng ta đã liên tiếp cảnh báo về nổi khó khăn Việt Nam sẽ gặp, từ tình trạng thiếu thông tin khiến dân chúng và doanh nghiệp chưa biết rõ về luật chơi mới của WTO cho đến các vấn đề về lao động và nông nghiệp, hay những đòi hỏi về cải cách doanh nghiệp và ngân hàng, v.v.... Tuy nhiên, nghịch lý nếu có ở đây chỉ là vấn đề thời điểm. Ngay trước mắt, sự lạc quan vẫn là quy luật phổ biến và có nói thì cũng chẳng ai nghe. Sự lạc quan ấy sẽ thổi lên cả chục trái bóng đầu tư hay đầu cơ, kể cả trong thị trường chứng khoán hay bất động sản của Việt Nam. Sau đấy mới bị xối nước lạnh.

Hỏi: Chuyện xối nước lạnh ấy, có cách gì người ta thấy trước được không"

- Tôi xin mượn một ẩn dụ thật ra phổ biến trên các thị trường tài chánh, là khi thấy bà già hay gánh hàng xén cũng chơi “stock”, là ôm tiền mặt đầu tư vào thị trường chứng khoán như đánh bạc thì ta biết là giá cổ phiếu sẽ sụt thê thảm. Đấy là chỉ dấu tiên báo ít sai lắm! Sự hồ hởi của quần chúng ít thông tin về thị trường là hiện tượng phổ biến. Cho nên, qua năm tới, Việt Nam sẽ còn lạc quan và chỉ thấy thành quả của một thiểu số sôi nổi ở mặt ngoài nên chưa nhìn ra một làn sóng đáy đang thách đố chính phạm trù toàn cầu hóa.

Hỏi: Qua mấy kỳ trước, ông từng đề cập tới mặt trái của hiện tượng ấy khi phân tách phản ứng bảo hộ mậu dịch và bảo vệ nông sản tại các nước giàu khiến các xứ đang phát triển như Việt Nam có thể sẽ bị thiệt hại mà cứ tưởng rằng từ nay nhờ toàn cầu hoá mà mức sống của người dân nghèo sẽ được cải thiện. Vấn đề có nằm ở đó hay chăng"

- Thưa đúng như vậy và đây là vấn đề mà Việt Nam cần quan tâm sau khi hồ hởi với WTO. Vấn đề ở đây là thời điểm và giác độ khảo cập, là cái phương hướng tìm hiểu nội vụ.

Hỏi: Ông có thể trước tiên trình bày bối cảnh của vấn đề này, sau đó phân tách những yếu tố quyết định rồi ảnh hưởng của chúng hay không"

- Hiện tượng toàn cầu hóa hay kinh tế nhất thể hoá trên thế giới thực ra chỉ trở nên toàn  diện từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, ngẫu nhiên lại trùng hợp với sự sụp đổ của Liên xô và mô thức kinh tế chính trị học Mác-Lênin. Kể từ đấy, ngoại thương và đầu tư tài chính đã bành trướng mạnh và thực tế nâng cao mức sống của người dân tại các nước nghèo, kể cả các nước Đông Âu hay Trung Âu. Biến chuyển ấy cũng trùng hợp với quyết định đổi mới của Việt Nam sau năm năm do dự chỉ đổi mới ở khẩu hiệu và biểu ngữ. Kể từ 1991, người ta ca tụng tự do mậu dịch và kinh tế thị trường rồi càng hồ hởi lạc quan vì hiệu ứng của cách mạng công nghệ tín học, của nền kinh tế tri thức, v.v... Thế rồi....

Hỏi: Thế rồi, nghĩa là ông đang nói đến làn sóng đáy, thế rồi chuyện gì đã xảy ra"

- Thế rồi người ta khám phá rằng thành quả của toàn cầu hóa lại không được phân phối đồng đều cho người dân ở hai thế giới xin tạm gọi là giàu và nghèo. Đây là một nghịch lý rất lạ có thể giải thích những vấn đề Việt Nam sẽ gặp sau này.

Kết quả của toàn cầu hoá là các nước nghèo càng tham dự thì mức sống người dân tại đấy càng sung túc hơn, một cách tương đối theo tốc độ gia tăng lợi tức. Điển hình là tại Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và cả các nước Âu châu trong khối Xô viết cũ lẫn các xứ Hồi giáo Trung Đông. Mạnh nhất và nhanh nhất là tại Đông Á với lợi tức đồng niên một đầu người tăng bình quân là hơn 6% một năm trong 10 năm qua. Hiệu ứng thịnh vượng ấy kéo theo một sự lạc quan phổ biến trên các thị trường chứng khoán và địa ốc của họ.

Nhưng, mặt trái của vấn đề là người dân tại các nước giàu lại thấy là họ nghèo đi. Hoặc lợi tức hay lương bổng không tăng mạnh như họ mong đợi hoặc đã thấy tại các xứ khác. Nói cho dễ hiểu là dân Đức hay dân Pháp thì thấy việc làm và lợi tức của họ đã chảy qua Ba Lan hay Hungary; dân Mỹ thì cho là họ mất việc và mất lương vì hãng xưởng dời qua Mexico, đầu tư tại Hoa lục hoặc đặt làm gia công tại Ấn Độ.... Nói cho gần gũi vớI cộng đồng Việt Nam thì nhiều shop may của người Việt tại Mỹ phải đóng cửa và nhà đầu tư vượt Thái bình dương về lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam và xuất khẩu ngược về Mỹ. Dân Việt tại Việt Nam có thêm việc làm trong khi dân Việt tại California phải đi tìm việc khác, nhiều người bèn tìm cơ hội mới tại Việt Nam và kiếm ra tiền còn nhanh hơn!

Hỏi: Ông đang trình bày một hiện tượng rất lạ mà xét ra cũng có vẻ hợp lý. Nhưng, thưa ông, đấy là cảm quan ấn tượng của thị trường và xã hội hay là thực tế của kinh tế"

- Quy luật của kinh doanh là tìm nơi sản xuất ra rẻ nhất với lợi nhuận cao nhất. Doanh giới của thiên hạ hiểu rõ quy luật ấy và đạt lợi nhuận rất cao, có thể được thấy trên thị trường chứng khoán. Nhưng, mặt trái của loại quyết định kinh doanh phải nói là chính đáng ấy là tỷ trọng của lương bổng hay lợi tức của công nhân viên bị giảm sút khi doanh nghiệp đầu tư ra ngoài, hoặc đặt làm gia công ở nước ngoài, ở các nước nghèo mà có khả năng thỏa mãn doanh nghiệp. Người dân ở các nước nghèo có thêm việc làm và nếu lại có trình độ tay nghề cao – là trường hợp chưa xảy ra cho Việt Nam – thì họ còn góp phần nâng cao năng suất và lợi tức của doanh nghiệp đầu tư, từ các nước giàu.

Ngược lại, phần vụ lao động - tức là lực lượng công nhân viên tại các nước công nghiệp phát triển - lại chiếm một tỷ trọng nhỏ hơn so với tư bản. Lực lượng ấy không thấy lợi tức của họ gia tăng đáng kể. Ít ra gia tăng không nhanh bằng thành phần lao động của các nước nghèo. Đồng thời, cuộc cách mạng về công nghệ tin học còn khiến họ bị mất việc ngay trong lĩnh vực họ tưởng là có ưu thế cao là công nghệ thông tin. Họ tự thấy là nạn nhân của toàn cầu hoá. Vì sống trong các nước dân chủ - người ta không thể trở thành công nghiệp tiên tiến nếu không có dân chủ - họ bèn vận động vào chính trường.

Hỏi: Đây chỉ là hiện tưởng cục bộ tại một số quốc gia công nghiệp hay là trường hợp phổ biến trong các nước giàu"

- Tôi nghĩ là xu hướng này có thể thấy tại mọi nơi, kể cả từ quốc gia Tây phương ít vấn đề nhất và có kinh tế và tương lai gắn bó nhất với Á châu là Australia. Nó là trào lưu phổ biến tại Pháp, Đức, Nhật, Ý hay Tây Ban Nha và cả Hoa Kỳ. Tại nhiều nơi, họ nói đến “chủ nghĩa kinh tế dân tộc”, tức là hạn chế tự do đầu tư và mậu dịch để bảo vệ quyền lợi quốc gia. Tại Hoa Kỳ, sau giai đoạn năm năm tăng trưởng ngoạn mục cùng các đầu máy kinh tế khác của thế giới, từ 2001 đến 2005, người dân bắt đầu than phiền là công nhân viên không được tưởng thưởng đúng mức, lợi tức gia tăng quá chậm vì toàn cầu hoá. Người ta nói đến mậu dịch công bằng, “fair trade”, thay vì mậu dịch tự do, “free trade”.

Chính làn sóng đáy ấy cũng góp phần đưa tới kết quả bầu cử tháng trước tại Mỹ mà vì có thói ghét Mỹ hoặc chỉ biết bọc xuôi theo truyền thông thuộc dòng chính lưu của Hoa Kỳ, nhiều người kể cả tại Việt Nam cho là vì vụ Iraq. Ngoài vụ Iraq, đảng Dân chủ còn thắng cử tại Mỹ vì phản ứng bảo vệ quyền lợi của lao động và nghiệp đoàn, với hậu quả tất yếu là bảo hộ mậu dịch và nghi ngờ toàn cầu hoá. Mà việc ấy không chỉ là hiện tượng đặc thù của Mỹ vì cũng đang và sẽ được thấy tại Âu châu, tại Pháp, Ý, Đức, Tây Ban Nha.

Hỏi: Ông đang chấm vào một điểm bất ngờ mà nhức nhối của toàn cầu hoá. Theo như ông dự đoán thì tình hình sẽ ra sao và ảnh hưởng thế nào tới Việt Nam khi đang hồ hởi bước vào toàn cầu hoá"

- Chúng ta không thể biết chắc mọi chuyện về tương lai, nhưng căn cứ trên những biến đổi vừa qua, đây là những điều có thể xảy ra với xác suất cao trong năm tới, nhất là từ giữa năm trở đi, tức là sau khi Việt Nam hết reo vui vì viễn ảnh toàn cầu hóa.

Thứ nhất, vì kinh tế toàn cầu trong năm tới sẽ tăng trưởng chậm hơn do hiệu ứng của suy trầm nhẹ tại Mỹ, các nước sẽ cạnh tranh kịch liệt hơn để giành thị phần xuất khẩu. Kết quả là phản ứng bảo hộ mậu dịch sẽ chỉ tăng chứ không giảm giữa các nước.

Thứ hai, toàn cầu hóa sẽ bị khựng và các nước sẽ thỏa hiệp song phương hoặc từng nhóm với nhau để trao đổi và chia sẻ lợi ích. Hiện tượng kinh tế nhất thể hoá có thể bị chặn và thay thế bằng kinh tế tự do trong từng khối với hậu quả bất lợi cho các nước nghèo.

Trong từng khối đó, người ta có thể thấy lạm phát gia tăng, lãi suất được nâng cao và các thị trường tài chính chuyển động mạnh, lên rất nhanh mà sụt cũng mau. Thị trường chứng khoán tại Việt Nam mà hồ hởi sảng thì nhiều người sẽ phá sản.

Thứ tư, tại các nước giàu, thị trường sẽ bị chính trường chi phối mạnh hơn, doanh nghiệp bị kiểm soát kỹ hơn để hãm đà đầu tư vào các nước nghèo và bảo vệ quyền lợi của công nhân viên ở nhà. Vì vậy, họ thận trọng hơn khi đầu tư vào các nước nghèo như Việt Nam nếu môi trường nơi đó không thực sự thông thoáng và có lợi.

Nói chung, sự thăng trầm của thị trường hay tâm lý của tác nhân kinh tế chỉ là chu kỳ, có lúc triều cương, có khi thoái trào. Việt Nam lại gia nhập cuộc chơi ấy khi toàn cầu hóa có thể bị khựng, từ giữa năm tới trở đi. Dù là cuối năm, ta vẫn cần nói đến nghịch lý ấy.

Cảm ơn ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.