Hôm nay,  

Trao Giải Nhân Quyền

10/12/200600:00:00(Xem: 2962)

Trao Giải Nhân Quyền

Vào buổi chiều chủ nhật này, Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam sẽ tổ chức Lễ Kỷ Niệm Ngày Quốc Tế Nhân Quyền lần thứ 58 và Lễ Trao Tặng Giải Nhân Quyền Việt Nam Năm 2006 cho hai người -- Đỗ Nam Hải và Nguyễn Chính Kết. Đó là một phần những gì mà một tổ chức nhân quyền hải ngọai có thể làm được để công nhận giá trị và sự hy sinh của những người đang liều thân đòi hỏi các quyền căn bản cho đồng bào. Nhưng thực sự, các hy sinh đó vẫn lớn lao hơn những gì người ta có thể trao tặng, vì họ, những người liều thân đó, đang lấy chính sinh mệnh và tất cả những gì họ có trong đời ra để đặt lại các nền móng mới, để thiết lập một xã hội công bằng, tự do và dân chủ.

Nếu độc giả đang ở vùng Nam California, xin mời tới dự lễ vào 2 giờ chiều Chủ Nhật 10-12-2006 tại Westminster City Community Center, 8200 Westminster Blvd., Westminster, CA 92683. Và trường hợp độc giả đang ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, xin hãy trong cách riêng của mình tìm hỗ trợ những người họat động nhân quyền quốc nội, bằng cả vật chất và tinh thần. Họ là những người đang bị bao vây trong các nhà tù hữu hình và vô hình, và cực kỳ tinh vi của nhà nứơc CSVN.

Nơi các nhà tù đó, hữu hình sẽ là các công an khu vực, tại xã hay phường, một chế độ toàn trị mà chỗ nào cũng đầy công an, và tòan là cấp tá trở lên. Như lời các tác giả Trần Hiền Thảo, Hà Thị Đông Xuân và nhóm sinh viên viết trong bài "Nhà nước cảnh sát"" ghi nhận:

"… quân hàm của các anh công an phường rất cao, mặc dù "phường" chỉ là cấp hành chính thấp nhất của thành phố, thị xã, hay thị trấn. Nói khác, phường chỉ tương đương cấp xã, nhưng người phụ trách công an phường phải là cấp tá, có bậc lương cao gấp 3 hay 4 lần người đứng đầu cơ quan hành chính cấp phường - tức là ông chủ tịch uỷ ban. So với thời chiến tranh ác liệt, đứng đầu quân sự một tỉnh chỉ là cấp thượng tá hay đại tá, còn đứng đầu công an một tỉnh chỉ là thiếu tá (ông bà chúng tôi cho biết) thì nay - dù là thời bình - đã khác hẳn… Sau này mới rõ: cấp phường không có hạ sĩ quan, mà chỉ toàn là sĩ quan."

Đọc thế mới biết, đặc quyền đặc lợi đã trao hết cho những hệ thống công an này. Và như thế, ngay cả các cán bộ nhà nứơc một hôm lương tâm chợt tỉnh, có muốn làm điều mình muốn, có muốn đòi quyền lên tiếng, đòi quyền tụ họp, đòi quyền lập hội, đòi quyền ra báo… thì họ cũng bó tay thúc thủ., vì nhìn chỗ nào cũng toàn là công an cấp tá đang rình lập công lên tướng...

Và cũng như thế, chúng ta mới thâm cảm được sự hy sinh của các nhà họat động nhân quyền qúôc nội. Họ chỉ có tấm lòng thiết tha với đồng bào, và  dám hy sinh cả an nguy của chính họ và gia đình họ.

Bản thân tôi đều có quen phần nào với cả Đỗ Nam Hải và GS Nguyễn Chính Kết. Khi anh Hải còn du học bên Uc, tôi có cơ may trao đổi vài điện thư. Và anh Kết thì khi gửi điện thư, mới biết rằng nhiều người anh quen ở Sài Gòn lại là người tôi quen cả - trong đó có nhiều bạn là thời đi học. Nói như thế không phải là kiểu người sang bắt quàng làm họ, nhưng chỉ để nói rằng tôi hiểu rất rõ họ cũng từng là người đời thường như mình, cũng đã và đang có những quan tâm rất đời thường, có nỗi lo lắng cho con, cho vợ, cho kinh tế gia đình, cho an nguy bản thân và gia đình, và tận cùng là khi họ quyết định làm việc khó làm để cứu toàn dân ra khỏi vòng vây của một xã hội bất công. Lựa chọn bước ra để lên tiếng, để đòi các quyền tự do cho đồng bào... là một lựa chọn sinh tử. Một thời tôi đã sống trong xã hội đó, và tôi hiểu.

Chúng ta nơi hải ngọai không thể nào hình dung hết các sự truy bức của công an, và không thể nào mường tựơng được hết các nỗi sợ của những người phải đối diện với các công cụ đàn áp sắt thép đó.

Một đôi khi, nhiều người trong chúng ta về VN thăm nhà. Thấy mọi chuyện có vẻ như bình thường. Dưới mắt đa số Việt Kiều là như thế. Nhưng để dẫn vợ con về VN mà sống, mà xây dựng đất nứơc thì hầu hết vẫn ngần ngại. Tại sao như thế" Chỉ có thể giải thích rằng, chúng ta linh cảm rằng mọi chuyện thực sự không như bề ngoài nhìn thấy. Cái linh cảm về một nỗi sợ mơ hồ cũng hệt như khi chúng ta vào rừng và linh cảm thấy có thú dữ sau lưng. Chúng ta không thấy, nhưng vẫn sợ, vẫn bất an…

Cái linh cảm này không phải chuyện lý luận. Bạn có thể lý luận chứ. Thí dụ, bạn không thích con mình mới lớp ba, lớp tư là phải sinh họat đòan. Hay là bạn múôn con mình sinh họat trong Hướng Đạo VN, một tổ chức mà nhà nứơc đang cấm. Hay bạn muốn làm báo, in sách… những việc mà nhà nứơc đang cấm. Nhưng linh cảm này không phải lý luận, vì có những cái chỉ mường tượng thôi.

Tôi còn nhớ một hội nghị Tin Lành Liên Hữu vài năm trứơc. Nơi đó có hội nghị nhiều mục sư Việt từ khắp nơi về Quận Cam họp, trong đó có nhiều mục sư từ trong nứơc ra với tư cách du lịch. Được tin riêng, tôi vẽ địa chỉ ngôi nhà thờ trên đường Euclid cho anh bạn phóng viên đi. Khi anh chụp xong vài ảnh, và xin phỏng vấn, thì anh bị từ chối, và được các mục sư xin xóa các tấm ảnh đã chụp. Thế mới thấy, nỗi sợ dù cách xa quê nhà ngàn dặm vẫn còn đeo đẳng vào các mục sư như thế. Phần chính, họ lo sợ cho tín hữu của họ, và hội thánh của họ dễ dàng trở thành con mồi bị truy bức.

Một lần, tôi được các anh bên Mạng Lưới Nhân Quyền mời gặp một giáo sĩ Tin Lành vừa từ Cam Bốt vào Mỹ. Giáo sĩ là một chức vụ chỉ cho người đang học làm Mục Sư. Người này đã bị công an truy nã ở Sài Gòn, vì hội thánh này đang bị đàn áp. Khuôn mặt của anh trẻ hơn là tôi hình dung từ trứơc. Trên các nét mặt đó của vị giáo sĩ, tôi thấy hiện ra đầy đủ hình ảnh của tuổi trẻ Sài Gòn... Tôi xin phỏng vấn và chụp hình. Tất nhiên là được, vì anh sẵn sàng kể hết những nỗi khổ mà anh và hội thánh của anh đang chịu đựng. Nhưng với điều kiện không đăng báo, không phổ biến, vì vị mục sư cấp trên của anh đang bị tù, và các bạn anh đang ẩn trốn tại nhiều nơi ở quê nhà, trong đó có người đã sang Cam Bốt và chờ tị nạn. Nhìn khuôn mặt anh, một người Việt còn rất trẻ, vừa tốt nghiệp đại học vài năm ở Sài Gòn, tôi thấy cả một thế hệ mới chỉ xuất hiện trong các bản tin ngoài luồng. Và trong nhiều trừơng hợp, họ không muốn các thông tin đó lộ ra, vì lý do này hay kia. Nếu anh im lặng, sống lặng lẽ, có lẽ anh sẽ thành công về đời sống ở Sài Gòn. Nhưng chỉ vì bứơc ra tuyên xưng đức tin với giáo hội Tin Lành này của anh. Hóa ra, chuyện đàn áp Tin Lành đâu phải chỉ riêng đối với người Thượng, như các bản tin qúôc tế. Mà người Kinh mình cũng bị đẩy vào một rổ như thế.

Thực sự, tôi là Phật Tử, nhưng mỗi lần nghe bất kỳ ai bị áp bức, dù nạn nhân có là người Phật Tử, Tin Lành, Công Giáo hay cả Hồi Giáo... toàn thân tôi run rẩy, xúc động. Nhiều khi, chỉ đọc các thư viết, tôi cũng khóc. Vết thương của người thực sự là vết thương của tôi. Lằn roi trên vai người vẫn là lằn roi trên vai của tôi. Và thế gian mình vẫn đầy chuyện áp bức như thế. Và biết tới bao giờ thì chúng sinh mình hết nghiệp...

Hay như trừơng hợp mới đây. Công an đã làm gì để Mục Sư Nguyễn Hồng Quang và 8 viên chức Tin Lành Mennonite rút tên ra khỏi Khối Dân Chủ 8406" Đơn giản lắm, công an dàn dựng ra một Giáo Hội Mennonite thân nhà nứơc, nhiều người gọi cho tiện là Giáo Hội Quốc Doanh, và giáo hội này đang xin Mennonite Quốc Tế công nhận tư cách pháp nhân. Thế là công an hòan tất công tác nhẹ nhàng: hoặc là Cục Phản Gián đã gài điệp viên vào Mennonite và dựng giáo hội mới, hoặc dùng áp lực truy bức để dàn dựng ra…

Xin mời đồng hương Nam California tới dự Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam và nghe chuyện về những ngừơi đang hy sinh để đòi các quyền căn bản cho tòan dân. Không có gì trên trần gian này xứng đáng với hy sinh của họ. Nơi đó, họ mang theo những hình ảnh ước mơ của chúng ta, và của cả toàn dân…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.