Hôm nay,  

Truyện Ngắn Chọn Lọc: Ông Già Bến Tre

28/10/200100:00:00(Xem: 4682)
Bốn tháng trước, trong mục dự thi Người Việt Trên Đất Úc của Sàigòn Times số 216, chúng tôi đã hân hạnh giới thiệu cùng độc giả bài viết của tác giả Hải Âu, nhan đề "Chuyến hải trình thê thảm". Thời gian đó, chúng tôi được trò chuyện cùng tác giả và đã bầy tỏ lòng cảm mến đặc biệt đối với văn phong của ông. Chúng tôi cũng tha thiết đề nghị tác giả, nếu có thì giờ, nên tiếp tục sáng tác, ghi lại những kỷ niệm, cảm xúc của mình để đăng báo cho độc giả chia xẻ. Kết quả, tuần qua, tác giả Hải Âu đã gửi đến cho chúng tôi hai truyện ngắn, trong đó có truyện "Ông Già Bến Tre" được hân hạnh ra mắt cùng độc giả trong trang báo này.

Trong truyện ngắn "Ông Già Bến Tre" tác giả Hải Âu đã tạo dựng những bi kịch của người Việt tỵ nạn ở một góc độ mới, giúp người đọc nhìn thấy cuộc sống phức tạp, đầy cảm bẫy của những thanh thiếu niên đến Úc cô đơn không có thân nhân, và mối quan hệ chìm nổi, lúc ẩn lúc hiện, giữa cuộc sống của người Việt tỵ nạn tại Úc với thân nhân còn sống tại quê nhà. Cùng với diễn tiến của thời gian, sự việc, bi kịch trong truyện cũng phát triển, và càng ngày càng khốc liệt, ở Úc cũng như ở Việt Nam. Đặc biệt, trong 3 đoạn cuối, bi kịch của câu truyện đã lên đến tột đỉnh khiến người đọc vô cùng xúc động xót xa, như cảm thấy hiện ra trước mắt hình ảnh hai cha con dìu nhau trong câm lặng, và đâu đây, người đọc như nghe thấy tiếng nấc nghẹn ngào của người cha, "Ai về Bến Tre, cho tui theo với!"...

Đọc xong truyện ngắn "Ông Già Bến Tre", tiếng nấc của người cha vẫn là một dư âm ngân nga trong lòng độc giả, tạo nên những thao thức, những băn khoăn đầy bi kịch của thân phận người tỵ nạn, phải sống xa quê hương... Rõ ràng, nếu ở trên đất Việt, một ai bỗng thốt lên, "Ai về Bến Tre, cho tui theo với", người nghe đều nghĩ đó chỉ là một câu nói, một lời gọi bình thường của một người lỡ độ đường muốn quá giang xe... Nhưng nghe câu nói đó ở trên đất Úc, một vùng đất cách Việt Nam cả một đại dương, người nghe không thể không xót xa nhận ra, đó là tiếng gào tuyệt vọng của một người Việt mất nước, mất quê hương, mất luôn cả người thân... đang muốn tìm về quê cũ, muốn thấy lại bóng hình xưa, nhưng đường xưa lối cũ đã không còn nữa.

Mặc dù không phải là người cầm viết chuyên nghiệp, nhưng cách miêu tả, ngôn ngữ đối thoại và bố cục câu truyện của tác giả vững vàng, thể hiện được ý tưởng mà tác giả muốn gửi gắm. Sàigòn Times chân thành cảm ơn tác giả Hải Âu và sau đây, chúng tôi trận trọng giới thiệu cùng qúy độc giả truyện ngắn "Ông Già Bến Tre".

*

Dạy ngồi một mình trong cái ga ra chật hẹp và tối tăm. Hai tay nó bưng lấy đầu. Thân hình nhỏ thó của nó ép sát vào một góc. Nó không khóc, nhưng tại sao thấy lòng buồn quá. Hai hôm nay, Dạy không ăn gì, từ lúc xảy ra việc anh nó - thằng Lớn đánh nó. Kể ra thì thằng Lớn đánh nó cũng đúng, vì nó đã theo bạn bè, đi chơi lêu lổng và bỏ học. Thầy, cô giáo ở trường gửi thư về báo cáo, nên nó phải chịu đòn.

Dạy ngồi im lặng, đầu óc cũng suy nghĩ miên man. Nó cảm thấy hận đời lắm. Phải chi có thật nhiều tiền, mình muốn làm gì cũng được. Chẳng ai dám nói đến mình một tiếng, kể cả thằng anh "quái quỷ" kia! Rồi nó nhớ ngược về quá khứ, cái giòng đời oan nghiệt kia, đã tạo ra cảnh éo le này - 16 năm về trước, khi nó chỉ vừa gần 8 tuổi, anh nó thương nó lắm mà. "Ổng" đi đâu cũng cõng nói đi, ngay cả đi xem hát tuồng trong xã. Nhớ ngày đó, có đoàn vọng cổ ở trên tỉnh về, diễn vở "Cây sầu riêng trổ bông", có kép Thành Được và đào Phượng Liên hát mùi rệu, thấy thằng anh nó quệt vội nước mắt, nó cũng bày đặt, bắt chước làm như anh!

Dạy không biết tại sao anh em nó lại có mặt ở cái đất này! Xứ sở gì mà chỉ có tiền mới sống được" Ngày xưa còn ở quê nhà, chỉ có ba, má nó và hai anh em sống dưới mái nhà tranh cất dọc bên con đê lớn. Mùa nước lên, nhớ lời má nó thường bảo: "Tụi nhỏ đi bắt cá, bắt tôm đi bây", thế là hai đứa nó chỉ cần một ít xâu lưới, lội ngược dòng là có đủ cho cả nhà ăn mấy bữa. Rồi định mệnh đưa đẩy, vào một buổi chiều,nó và thằng lớn chèo thúng trên sông đi vớt củi. Tự dưng trời bỗng mưa như trút nước, gió thổi giật từng cơn. Hai anh em ngồi chùm hủm trong lòng thúng, rét run cầm cập. Nước ở đâu cứ cuồn cuộn đổ về, chảy xiết. Cả hai đứa nó bị giòng thác "tán ngược" đó, kéo trôi ra biển. Trời tối hù, gió đã im. Nhưng nhìn bốn bề chỉ toàn nước là nước. Nó còn nhớ lần đó, thằng Lớn đã ôm chặt nó, nói những câu an ủi như để trấn an: "Em đừng sợ nha". Nó nhỏ nhẹ đáp: "Dạ" để trả lời, mặc dù... nó thừa biết thằng anh nó, chẳng có cách gì!

Rồi... một tòa nhà to cao sừng sững hiện ra. Sao mà trên đó có nhiều đèn quá! Đèn sáng trưng cả một khoảng trời. Đã vậy, còn có những "ông đèn mặt trời" chiếu rọi vào anh em nó. Dạy còn nhớ, có mấy ông Tây đã dùng xuồng máy chạy đến và... ẵm nó lên "lầu". Nó không chịu, còn lắc lư cái đầu rồi nhào về phía anh nó.

Bây giờ nó mới hiểu, hồi đó... chiếc thúng huyền diệu ấy, khi khổng khi không, tự nhiên đã đưa mình đi... tỵ nạn! Thật vậy, khi anh em nó được vào đến đảo, chẳng biết ai nói mà bà con, cô bác ở đây ai cũng nhìn anh em nó bằng cặp mắt thán phục và gán cho cái tên là "thúng chai vượt đại dương". Cả hai chỉ biết cười và đã dễ hòa nhập với cuộc sống đau thương từng ngày mong đợi ở nơi này. Nó hay lân la đến chỗ người lớn hay túm năm tụm ba trò chuyện, và lác đác nghe được chuyện oán than của mọi người về việc mấy ông "cách mạng" hay bắt bớ, cướp của dân mình lắm! Có lần Dạy hỏi thằng lớn thì nó nói im đi, chuyện người lớn mà. Nó sợ ba má nó ở nhà, cũng bị mấy ông "cách mạng" bắt đi quá!

...16 năm trôi qua, Dạy đã thật sự trưởng thành. Hai anh em nó ngày đầu đến Úc, đã có lúc tưởng phải chia tay. Thằng lớn đi ở nhà khác và nó cũng phải đi ở nhà khác. Dạy được ở trong nhà ông Wayne, còn anh nó thì lại ở nhà ông Les. Nhà ông Wayne đông con lắm. Toàn là những đứa mặt đen không hà. Ngày đầu mới về, ông thương Dạy lắm, bắt nó phải ngồi chung với mấy đứa kia, uống sữa và ăn bánh mì mỗi sáng. Cứ theo cái kiểu điều độ đó. Dạy đã không chịu nổi. Nói thì ông không hiểu. Nó đâm ra bực tức. Bọn trẻ kia lớn hơn nó, cứ nhìn nó cười - Rồi Dạy bỏ ăn. Nó thèm được ăn cơm có cá kho và bông súng, được uống nước trong chiếc chum mẻ với chiếc gáo dừa! Có những lần, Dạy khóc gọi tên anh, nó nằng nặc đòi đi gặp cho được thằng Lớn mới hả dạ. Ông Wayne nhìn nó lắc đầu nói gì đó, nó không hiểu - nhưng cũng đoán được rằng nó đã làm cho ông ta thất vọng! Dạy đâm ra lì lợm hơn, nó đánh nhau với mấy đứa "lọ nồi", và có lúc bực tức quá đã phát ra tiếng chửi thề, như có lần nó đã nghe được từ anh nó!

16 năm ấy là cả một khoảng trời vui, buồn lẫn lộn. Dạy có biết đâu rằng, ngày anh em nó đi, cái hậu quả tàn khốc nhất đã giành cho người ở lại" Ba má nó bị đám du kích xã kéo tới nhà "chia buồn" bằng cách đánh ông già gẫy mấy cái răng. Số là sáng hôm sau, không thấy con về, hai ông bà già vừa khóc vừa mếu máo đi lên xã báo cáo mất con vì thiên tai. Nhà thì nghèo xơ nghèo xác chứ có vốn liếng của cải gì đâu, thế mà bọn thằng Mận, thằng Thinh chẳng đứa nào tin, đòi ông bà phải đưa chúng về để khám nhà cho bằng được.

Khám nhà chẳng thấy gì ngoài mấy cái hũ chai, chum mẻ... lại thêm tiếng khóc rưng rức của ông Tình, bà Nhớ. Chúng sốt ruột lên cơn du đãng và ăn cướp, giáng mấy báng súng vào đầu, vào mặt và lên thân xác ông bà già vô tội. Rồi từ đó, họ đã trở thành hai tên tội phạm, tự nguyện đem thân lên xã làm... kiểm điểm và được phát cho mỗi người một cái chổi để đi quét đường, làm đẹp... thôn, xã. Vừa buồn lại vừa đói vì chẳng có gì ăn. Ba má nó ngày càng sức cùng lực kiệt. Bà Nhớ đã lăn đùng ra chết vì kiệt sức sau nhiều ngày chịu đựng cơn mưa dầm khắc nghiệt. Ông Tình đã ôm xác bà, gói trong chiếc chiếu thường ngày của hai vợ chồng, rồi đào lỗ chôn trên mô đất cao ở sau nhà. Ngày mỗi ngày, trước khi dẫn xác đi hành tội, ông đến mộ bà, quấn điếu thuốc rê đưa lên miệng, bập bập cho ra khói rồi nói chuyện một mình, như tưởng tượng đang nói với người còn sống! Ông để mấy củ khoai trước mộ bà, và dặn... bà ăn trước, khi về ông mới ăn. Tội nghiệp ông già Tình, lủi thủi, đờ đẫn - nhìn mộ vợ mà nước mắt chan hòa. Ông bước đi xiêu vẹo, còn cố nhắn lại lời tạm biệt: "Tui đi nghe bà".

Cũng phải mất vài tháng, ông mới được "trả lại tự do" - sống côi cút một mình, nhờ bà con hàng xóm thương tình đã giúp đỡ ông trong cơn hoạn nạn. Ông làm một cái bàn thờ, đặt sát vách trên cái bàn gỗ ọp ẹp, không có hình ảnh vợ, con - chỉ có mỗi một bát nhang cắm trong chiếc ly sành, rồi ông khóc và xì xụp khấn vái bà Tình và hai thằng con, có sống khôn thác thiêng thì hiện về cho ông thấy để ông đỡ nhớ. Bà con láng giềng cũng cực khổ, cơm đùm áo đụp như ông, nhưng được cái là tấm lòng họ thật tốt. Họ thấy áo ông rách bắt ông cởi ra cho họ đem về vá lại. Có người giúp cho ông chén gạo, người cho con tôm, con cá mới đi lưới về. Ông xúc động đến nghẹn ngào, chỉ biết nói lời cám ơn. Nhưng ở khóe mắt ông là những giọt nước mắt chờ chực lăn dài...

Ngày tháng cứ dần trôi qua, anh em nó đã bỏ lại những người thân yêu, có một thời đã bao dung, che chở và nuôi nấng, để tự đi tìm một cuộc sống khác, lập một cuộc đời khác cho riêng mình. Thằng Lớn đã đi làm và Dạy thì vẫn còn đi học. Nó nhớ lại cái ngày nà hai anh em nó dắt díu nhau đi từ Canberra, để về đến cái thủ đô của người Việt này, sao mà lòng nó vui chi lạ. Nó thèm muốn và háo hức có bạn cùng quê lắm. Thằng Lớn khuyên nó nên cố gắng đi học tiếp, để cho có tương lai như người ta, nó chỉ gật đầu ậm ừ cho qua chuyện. Dạy thích thú trong bỡ ngỡ và thâm tâm chỉ muốn... đi tìm bạn.

Một buổi chiều, sau khi tan học, vừa ra khỏi cổng trường đã có mấy thằng lạ hoắc đứng lớ ngớ, rồi đến làm quen với nó. Sau một hồi trò chuyện, cả bọn gợi ý đưa dùm Dạy về nhà. Thế là Dạy đồng ý và cùng bọn nó lên xe. Trên đường đi, đám tụi nó nói chuyện rôm rả lắm, chỉ mới quen biết thôi mà sao hợp "gu" quá, như đã thân nhau từ thuở nào" Mấy thằng bạn mới còn mời Dạy đi ăn phở và uống nước mía nữa chứ! Trời ơi, đã quá. Tự nhiên khi không lại có người... mời ăn! Giữ đúng lời hứa, bọn nó đưa Dạy về nhà. Hơn một tháng trời, Dạy chẳng học hành gì cả - đeo cặp ra khỏi nhà như là một chiếu cố lấy lệ, chứ vào đến lớp rồi là đầu óc trống rỗng, cứ mơ tưởng đến mấy "ông tướng" lát nữa đây sẽ đến đón Dạy. Có bao giờ nó làm home work đâu. Mỗi lần thầy cô hỏi đến bài vở là nó tỏ thái độ ngao ngán, chán chường, thành thử thầy cô cũng bỏ ngơ... Thằng Dạy thích vậy, nó đánh trúng "tim đen" của mọi người xung quanh nó, kể cả trong học đường. Tất cả mọi thứ lỗi lầm do nó gây ra, hoặc... bê tha, trụy lạc nó đều đổ cho bởi, tại, vì... home work!! Nhờ vậy mà nó được thảnh thơi.

Quá một tuần rồi, Dạy đã bỏ học. Nó đi theo mấy thằng bạn mới. Thằng nào cũng thật nhiều tiền. Bọn nó bày cho Dạy uống bia, hút thuốc và.... cả chơi bời nữa. Sau rồi, cả bọn rủ Dạy đi bán "trắng". Lúc đầu Dạy không hiểu và còn sợ sệt. Bọn bạn chia công việc cho Dạy là đứng một góc xem tụi nó bán và canh chừng cảnh sát! Nó thấy thích thú và quá dễ để kiếm tiền, vả lại mua được sự hồi hộp là một điều quả là... khoái chí trong tâm tưởng của thằng thanh niên mới lớn như nó. Đầu tiên Dạy còn bỡ ngỡ, ngại rằng không có vốn. Bọn bạn bè hè nhau cho mượn.

Có lần Dạy hỏi thằng Long sao mà nhiều tiền quá vậy" Nó cười với Dạy, rồi còn chê nó ngu quá - thì tiền "buôn bán" chứ đâu! Nó bảo với Dạy, muốn giống được như nó thì để cho nó giới thiệu với "anh Cả" - anh Cả là ai mà mới nghe đến tiếng, nó đã cảm thấy khiếp vía lắm - và Dạy im lặng, chờ đợi.

Như mọi ngày, Dạy lại đeo cặp ra khỏi nhà. Bọn thằng Long đã đậu xe sẵn ở bên đường, nhìn thấy Dạy, nó rề xe tới. Dạy nhảy ngay vào trong xe, cả bọn mất hút ở cuối đường. Hôm nay là đúng hẹn, ngày đầu tiên đám bạn đưa Dạy đi "trình diện anh Cả". Dạy thấy trong lòng nôn nao lắm - không biết người này ra sao! Xe dừng lại trước một căn flat sơ sài, nằm ngay gần phía sau một cái club nọ, mà Dạy và đám bạn đã có lần đến đây để uống bia. Sau tiếng gõ cửa, là một cô gái trẻ có khuôn mặt thật đẹp xuất hiện- cô ta chẳng nói năng gì, chỉ im lặng và ra hiệu mời cả bọn vào nhà. Dạy nghe chúng bạn gọi là chị Hạnh và xưng "chúng em" ngọt xớt. Người con gái đó, có mái tóc dài đến lưng, nhuộm vàng nhợt nhạt, nhưng đôi mắt thật buồn, với chiếc cổ cao và dáng người thon gọn trong bộ đồ ôm sát, đã làm Dạy cảm thấy rung động trong phút gặp đầu tiên. Dạy rón rén ngồi xuống bộ sa lông bày biện thật đẹp. Trên chiếc bàn, kê ở phía góc là một chiếc đèn ngủ đứng và một bình hoa tươi mới cắm. Trên tường treo đủ loại tranh lớn, nhỏ có thứ tự ngăn nắp. Dạy chú ý nhất vào những bức tranh của nàng "kiều nữ" Á đông, đã khiến cho Dạy có cảm giác thật "đê mê". Hạnh và đám bạn đã biến vào trong, chỉ còn mỗi mình Dạy ngồi bơ vơ, không ai trò chuyện. Một lát sau, Hạnh mang ra cho Dạy một lon bia và mời nó uống. Hạnh ngồi kề bên và cười với nó. Phải nói rằng, Dạy đã "chết ngất" trong cái vội vã tận cùng của thằng con trai mới lớn khi nghe thấy tiếng cười, giọng nói của Hạnh cùng những cử chỉ thật tự nhiên của nàng.

...Người có cái biệt hiệu "anh Cả" từ trong bước ra, một tay cầm lon bia, tay kia bắt tay Dạy. Nó tự nhiên như có một cảm giác thật lạnh chạy ngược từ đằng sau gáy. Nhưng, Dạy đã nhanh chóng lấy lại được bình tĩnh, sau cái ngoắc tay "ra hiệu" bảo Hạnh vào trong của anh Cả. "Anh Cả" trực khoảng 50 tuổi, người nhỏ thó, có khuôn mặt rất là cô hồn, vì những vết thẹo và rỗ chằng chịt. Nhưng được cái ông ăn nói rất dịu dàng, lịch sự với Dạy, một điều anh, hai điều em. Dạy mến ông ngay và không còn một chút đắn đo hay do dự gì nữa...

Kể từ ngày đó, thằng Dạy đã đầu quân "làm lính" cho anh cả. Sau mỗi lần thực hiện những "phi vụ" bán buôn trên đường phố, nó được chia cho một số tiền khá bộn. Việc học hành đối với nó bây giờ không còn là quan trọng. Cái quan trọng nhất là tiền. Tiền sẽ làm cho nó thỏa mãn mọi thứ. Từ một thằng bé quê mùa, ngốc nghếch, thật thà chân chất, Dạy đã trở thành một tay ma ranh, côn đồ lúc nào không hay. Có lần, anh Cả "lệnh" cho nó phải lên tận nhà một thằng bạn trong "băng" ở mãi tận Brisbane để cho hắn một bài học, và Dạy đã thi hành trót lọt. Nó mãn nguyện với tài năng của nó, vì muốn được lòng anh Cả.

Người con gái có cái tên Hạnh thật dễ thương mà ngày đầu tiên Dạy đã gặp, bây giờ đã tàn tạ và thật giống như là một cái xác không hồn. Hạnh đã vì tiền, đem đổi thân xác mình cho tên "đầu nậu", hòng mong vớt vát chút tương lai giàu có. Nhưng "tương lai" chẳng tìm thấy đâu, chỉ thấy một trời mờ mịt. Hạnh đã tự làm "nô lệ tình dục" cho anh Cả, để đổi lấy chút "trắng" hòng thỏa mãn cơn nghiền. Bây giờ nàng cũng giống như bọn thằng Dạy, thằng Long, nhảy ra buôn bán ngoài đường cho khách Úc, Việt, tối về lại bị bọn nó thi nhau thỏa mãn về thể xác.

Đời sống của băng bụi đời như tụi nó đang được đếm từng ngày. Hai hôm trước, Dạy đã trở về nhà. Thằng Lớn vặn vẹo Dạy, tra hỏi nó đi đâu lâu mà không tin tức, còn bỏ học hành, để thầy cô tìm kiếm. Rồi nó đã bợp tai Dạy. Nể tình là anh ruột, Dạy im lặng chịu đựng. Nó lẳng lặng đi vào phòng, vác chiếc nệm mang xuống ga ra. Thằng Lớn nhìn nó bằng đôi mắt chứa đầy "sát khí" và bắt nó từ rày cấm ra khỏi nhà, "ở yên trong đó". Và Dạy đã y lời. Nó uể oải lắm. Rờ lại túi tiền, chỉ còn mấy chục bạc. Mấy chục này có thấm thía gì đâu, chỉ sau một cú "choác" là trắng tay ngay. Nó không biết mình đã vướng vào con đường nghiện ngập cái chất trắng ấy lúc nào. Vì đã lao vào làm ăn với tụi bạn theo đúng luật chơi là "bán nó phải biết xài nó". Tiền kiếm được từ con đường phạm pháp không chân chính đó, tuy có nhiều thiệt nhưng vẫn không đủ cho Dạy hài lòng. Có bao nhiêu là hết bấy nhiêu sau mỗi lần đi chơi về.

...Ở quê nhà, ông già Tình vẫn lủi thủi sống cuộc đời cô độc, nhưng được cái, những lúc quá buồn ông thường rảo qua nhà hàng xóm nói dăm ba câu chuyện và cảm thấy khuây khỏa phần nào. Ông than thở, trách móc cuộc đời rồi buồn tủi cho cái tuổi Canh Thìn của ông. Thật đúng là Canh cô, mồ, quả! "Bán anh em xa, mua láng giềng gần" là vậy. Chẳng còn ai đâu ở bên cạnh ông bằng hàng xóm. Sớm khuya tối lửa tắt đèn mới thấy họ là những người thân thích nhất. Mười mấy năm rồi, ông nhang khói cho hai thằng con trai và bà vợ, không lúc nào ngơi nghỉ. Dù nhà chẳng có miếng gì để bỏ bụng, nhưng nhang đèn nhất định là phải có. Để ông đốt, cắm lên cái bàn thờ mộc mạc, rồi ngồi một bên tâm sự mình ên.

Sáng hôm nay có người mặc đồ lớn tìm vào trong xã hỏi thăm nhà ông. Họ xưng là "dịch vụ" ở Sàigòn đến lo cho ông đi đoàn tụ với mấy người con bên Úc. Ông già chưng hửng như người từ trên trời rớt xuống. Ông níu áo cái ông gọi là "dịch vụ", như cố níu kéo một vưu vật vừa tìm thấy được. Ông chảy nước mắt khi nghe người ta đọc tên hai thằng con ông. Một là Nguyễn Văn Bình tự Dạy, và một nữa là Nguyễn Văn Hòa tự Lớn, bảo lãnh cho hai ông bà Nguyễn Văn Tình và Lê Thị Nhớ là cha, mẹ - đi đoàn tụ gia đình. Trời ơi! Có phải ông đang ở trong mơ không" Không, đúng là sự thật. Ông tự lấy tay tát nhẹ vào má mình! Người đàn ông tự xưng là dịch vụ ở Sài gòn đã cười với ông, rồi trao cho ông một khoản tiền của thằng con lớn từ nước ngoài gửi về. Sau đó còn dặn dò sẽ đến đón ông đi phỏng vấn trong tương lai thật gần. "Mèn đét ơi 2 thằng con tui còn sống". Ông cứ lập đi lập lại mãi câu nói này với người đàn ông đó, rồi đưa tay chùi nước mắt.

"Mười mấy năm rồi con ơi, cha cứ tưởng các con đã ra người thiên cổ"!

Tiễn người đó ra cửa, ông còn chưa muốn rời. Ông muốn giữ "họ" lại, vì như sợ vuột mất một quý nhân.

Ông già Tình vui mừng lắm. Hôm nay, tự dưng lại có người mang tiền đến cho ông. Nhưng cái mừng nhất là biết được hai thằng con còn sống. Chắc giờ này nó lớn hẳn lên và thay đổi nhiều. Ông tự hỏi tại sao mấy chục năm rồi, các con ông không thư từ, liên lạc với ông" Ông trách móc, rồi lại nghĩ hay là tụi nó sợ liên lụy cho mình" Bọn thằng Mận, thằng Thịnh đã nghỉ làm du kích lâu rồi, bây giờ thì ở nhà nuôi gà, chăn vịt, đi bắt cá, bắt tôm như bao người khác, chúng cũng phải trải qua những khốn khổ tận cùng của kiếp người trong cái xã hội mà toàn những cái loa quảng cáo, đánh bóng cho chế độ! Người ta gieo vào tim óc của bà con thôn, xã là bọn thằng Mận, thằng Thịnh hồi đó làm việc cho thời "bao cấp" nên phải hống hách, quyền binh. Giờ thì hết rồi, cho tụi nó ở nhà chăn vịt. Ôi thôi, việc đời mà - nay thế này mai thế khác. Ông tự an ủi rồi sẽ có ngày mấy cha con được gặp nhau.

Lững thững đi trên con đê làng quen thuộc, ông ghé chợ mua ít đồ về cúng cho bà Tình, gặp ai ông cũng cười, cũng nói, cũng khoe về hai thằng con ông còn sống. Tụi nó đang làm đơn bảo lãnh ông! Bà con nghe thấy cũng phát mừng như người trong cuộc. Họ ca ngợi ông ăn ở có đức, cho nên trời Phật ngó xuống thương ông. Họ chia vui với ông còn xách đồ giùm cho ông và cứ làm như là ngày mai ông sẽ xa hẳn cái thôn xã lầy lội này để đến một thiên đường mà hằng có thật nhiều người mơ ước! Nơi đó, tràn ngập toàn hoa thơm cỏ lạ. Đời sống như thần tiên và chan chứa tình người.

Một ngày cuối tháng 6, ông già Tình xúng xính trong bộ pyjama màu trắng đã ngả sang màu cháo lòng, nhưng cũng còn coi là tạm được, đi cùng ông dịch vụ ngồi trong chiếc xe hơi mới toanh. Bà con hàng xóm tiễn chân ông lên đường xuất ngoại. Ông nhìn thẳng vào mắt từng người như một lần cuối cùng trang trọng biết ơn. Rồi ông chảy nước mắt. Giọt nước mắt của ông đã làm mủi lòng mọi người, có ai trong đó đã sụt sùi, gởi những cái nhớ, cái thương theo chân người đi viễn xứ! Xe chạy, ông vẫn còn cố ngoái đầu nhìn lại và đưa chiếc tay gầy guộc ra ngoài khung cửa vẫy vẫy, như muốn nói lời chào... vĩnh biệt. Lẽ ra, ông phải mừng lắm chứ! Mừng vì sắp được gặp lại các con. Nhưng ngay chính ông cũng không thể giải thích được, tại sao ông lại quá buồn như vậy" Xe chạy dọc theo những con đường đất ngoằn ngoèo dẫn ra ngoài lộ lớn. Mỗi một tấc đất là cả một tấm lòng. Bao nhiêu kỷ niệm từ hồi còn trẻ ở chính nơi này đã trở lại với ông. Những con đê làng, những hàng chợ quán hay bờ tre, ruộng lúa và bầy cò trắng gọi nhau... Quê hương là vậy đó, đã một thời gắn bó níu chân ông. Mọi hình ảnh trong quá khứ như mờ mờ, ảo ảo thi nhau hiện về, và cứ thế làm cho nước mắt ông lăn dài, nhỏ giọt - giờ sắp sửa xa rồi!

Phi trường Tân Sơn Nhứt chật kín người. Ai cũng tay xách, nách mang. Ông Tình bước vội vào trong cửa với chỉ độc nhất một chiếc giỏ lát. Ít thuốc rê, bã trầu, một chiếc khăn tay đã cũ cùng ít kẹo mè "hương vị quê hương" nằm gọn lỏn phía trong. Ngoài cái "gia tài" ấy chẳng còn gì nữa. Người dịch vụ gửi ông cho một hãng hàng không tên Hằng. Và chia tay ông từ đó. Cô Hằng tốt bụng lắm, cô nói chuyện huyên thuyên với ông, như không muốn để thời gian trống vắng, sẽ làm cho ông buồn. Rồi cô đưa ông lên máy bay, làm tất cả mọi thủ tục giùm ông. Sau cái vẫy tay chào, ông còn nghe loáng thoáng Hằng chúc ông đi bình an, mạnh khỏe. Ông khoan khoái ngồi bên cửa sổ, nhìn ra ngoài. Tiếng động cơ phản lực gầm rú, ông thấy lòng nhẹ nhõm nhưng lại chợt thở dài, lo nghĩ vẩn vơ. Ông sợ rồi đến Úc sẽ chẳng có ai ra đón, mặc dù cô Hằng đã nói chắc với ông rằng các con ông sẽ đến đón ông về. Máy bay tăng tốc độ và nhấc bổng. Lòng ông nao nao. Những cơn buồn vui xoáy tròn, đảo lộn như nhắc nhở lại quãng đời già của ông trên quê hương khốn khổ!

Mấy hôm nay thằng Dạy đi biệt. Nó đã không giữ đúng lời hứa với anh nó là "ở yên trong ấy". Nó theo đám bạn ở Melbourne mới lên, đi chơi hết chỗ này đến chỗ nọ, cũng như để kết hợp chuyện "làm ăn". Thằng bạn mới cũng tên Bình giống nó. Hai đứa nó thích nhau lắm. Chúng xâm tay, xâm chân cho nhau. Thằng Dạy tự cảm thấy hận đời và cho rằng nó chính là đứa hận đời nhiều nhất nên đã chọn xâm hai chữ "F... off" lên hai bàn chân của nó. Thằng bạn mới cũng chẳng chịu thua, nó cũng tự xâm lấy cho mình. Chúng lái xe lên city, vào một club nọ của người Tàu ở phố "Chệt", gây chuyện rồi đánh lộn. Cả hai thằng cùng đám bạn bị băng "Tiểu Quỷ" (Little Evil) của Chệt rượt chạy có cờ, cả bọn tán loạn. Dạy và thằng bạn nhảy vào chiếc xe của thằng bạn nó đậu ở gần đó và rồ máy chạy tháo thân. Ba giờ sáng, trong cơn hoảng loạn, hai thằng cùng có một cái tên giống nhau đó - đã lao vào một trụ đèn đường. Thằng bạn chết tại chỗ. Còn Dạy chỉ bị chấn thương. Nó cố ráng sức để bò ra nhưng không kịp. Cái trụ đèn oan nghiệt ấy đã đè ập xuống, kết thúc hai mạng người, những thằng thanh niên trẻ có tính hiếu thắng, ưa gây sự và thích tự do ngoài khuôn khổ. Hồn của hai đứa đã rời bỏ thân xác, nhưng trong khóe mắt đang trợn ngược của chúng, lại chứa đựng những giọt nước mắt xót xa....

Ông Tình đến Sydney trong cái lạnh cóng người. Ông rét run cầm cập, hờ hững bước đi theo chân mọi người ra cổng, lòng ông băn khoăn lo lắng. Như có linh tính báo trước, tự nhiên ông nhớ đến thằng út. Lát nữa gặp nó đây, ông sẽ không biết làm sao, ông sẽ ôm nó mà khóc hay sẽ cắn vào má nó" Tay xách chiếc giỏ lát, hành trang đi nước ngoài của ông, cùng bộ đồ pyjama đã ngả màu. Những người quan thuế phi trường nhìn ông với nụ cười thông cảm!

Thằng Lớn đã ra đón ông. Trong lòng nó thật thương ông lắm. Nó hồi hộp đợi chờ. Ông Tình bước ra ngoài, ngơ ngác trước cái khác lạ của một xứ sở mới. Ông nghe tiếng gọi "cha" từ đằng xa. Bàng hoàng và xúc động, ông ôm thằng con lớn thật chặt và tuôn trào nước mắt. Ông nói với nó thật nhiều trong cái lạnh đầu mùa của trời đất Sydney, miệng ông run run, môi ông lắp bắp... Thằng Lớn cũng khóc khi nghe ông kể về mẹ nó, đã chết sau khi chúng nó đi. Rồi ông dáo dác đưa mắt tìm thằng Dạy. - Nó đâu rồi" Ông hỏi. Thằng Lớn khoác vai ông ra cửa phi trường, chẳng thể trả lời ông.

Ông già Tình buồn bã bước vào nhà. Trên đường về, thằng Lớn đã thuật lại cho ông nghe về thằng Dạy. Bây giờ và quá khứ hồi còn nhỏ của nó là cả một trời tương phản. Tuy lòng thật buồn, nhưng ông cứ luôn miệng nhắc nhở thằng Lớn, là hãy thương em và tha thứ cho em. Rồi Lớn đưa ông xuống cái ga ra, giang sơn của thằng Dạy. Ông nhìn thấy chăn mền, quần áo của nó, cầm lên từng cái, ông ôm vào lòng như muốn tìm hơi hướng của con. Ông mong mỏi con sẽ về. Rồi tưởng tượng khi nó thấy ông, nó sẽ khóc và cả hai cha con cùng khóc. Sở dĩ ông thương thằng Dạy nhiều nhất vì nó là thằng con Út. Hồi nó xa ông nó còn nhỏ xíu và dễ thương lắm. Nó lanh lợi, khôn ngoan và có hiếu... ông nghĩ vậy vì nhớ lại lúc Dạy còn nhỏ, có được cái gì, từ viên kẹo đến củ khoai, nó cũng mang về cho cha, cho má ăn trước mặt nó, nó mới vui lòng!

Thằng Lớn ngồi xuống trước TV, nó mở lên xem có chương trình nào coi cho đỡ buồn. Nhưng hàng chữ News Update hiện lên đã làm cho nó khựng lại. Nó định đổi qua đài khác, thì bỗng nhiên trên màn hình là cảnh một chiếc xe bị trụ đèn đè lên bẹp dúm, tiếng người xướng ngôn viên tường thuật có hai thanh niên Á châu đã chết... và tin tức sẽ được tường thuật vào lúc 6 giờ chiều. Lớn lẳng lặng đứng lên tắt TV. Tưởng có gì hay, không dè cứ mỗi lần mở TV là thấy chuyện chết chóc, bắn giết, đụng xe hoặc ăn cướp, hãm hiếp... Ôi! cái xứ sở gì mà chán phèo. Nó khuyên ông Tình đi ngủ cho lại sức. Nó muốn đi chợ mua cái gì về ăn.

Đang chuẩn bị ra shop, thì có tiếng gõ cửa. Nhìn ra, nó thấy hai nhân viên cảnh sát đứng chờ bên ngoài. Linh tính cho thấy có chuyện chẳng lành về thằng Dạy. Nó lật đật bước ra.

- Hi.

Người cảnh sát viên chào nó, và tiếp:

- Ông có một người em sống ở đây"

Lớn đáp nhẹ:

- Dạ, đúng vậy.

- Ông có thể cho tôi được gặp nó" - Ông ta hỏi Lớn.

Lớn trả lời:

- Em tôi không có ở nhà, nó đi vắng mấy ngày nay.

Viên cảnh sát tỏ vẻ thất vọng, và có vẻ hơi buồn. Rồi ông ta nhìn thẳng vào Lớn và hỏi:

- Ông có thể cho chúng tôi biết, em của ông có điểm gì đặc biệt không"

Lớn đáp:

- Dạ, tôi không hiểu.

Người cảnh sát lập lại:

- Đặc điểm như xâm trổ tay, chân, mặt mũi...

Lớn ngẫm nghĩ giây lát, rồi lắc đầu:

- Thưa tôi thực sự không rõ. Nhưng tại sao ông lại hỏi về em tôi" Có chuyện gì đã xảy ra"

Người cảnh sát tỏ dấu muốn vào nhà và yêu cầu Lớn cho xem căn phòng của thằng Dạy. Lớn kể lại từng chi tiết về Dạy, về lối sống biệt lập của thằng em, nó đã chọn cái ga ra làm cái giang sơn riêng của nó. Viên cảnh sát lắc đầu ngao ngán. Rồi như để trách móc Lớn, ông ta buông thõng một câu:

- Ông là anh mà chẳng có trách nhiệm gì cả! Ông để thằng em của ông sống trong một cái ga ra như thế này mà ông thấy được sao"

Rồi ông đã thuật lại chuyện gì đã xảy ra đêm qua cho thằng Lớn nghe. Số là cảnh sát ở phố Tàu đã được tin có đánh lộn xảy ra và lập tức đến nơi. Cảnh sát đã bắt được một số thành viên của cả hai băng đảng cả VN lẫn Tàu. Nhân chứng đã nhìn thấy chiếc xe màu xanh hiệu Commondore mang biển số Melbourne rời khỏi hiện trường và kết thúc tại trụ đèn đường ở Ashfield. Trong xe là hai thanh niên Á châu. Họ chết cùng một kiểu, mặt bầm tím, máu mũi và miệng ứa ra vì dập ngực. Hai cái xác được đưa vào bệnh viện Royal Alfred. Nhưng người ta không biết thằng nào là thằng Dạy và thằng nào ở Melbourne" Vì cả hai đứa đều có cái tên giống nhau, ở mỗi bàn chân đều có xâm hai chữ "F...off" cuộc đời.

Thế rồi viên cảnh sát yêu cầu Lớn đi ngay với họ đến bệnh viện để nhận diện. Nghe xong, Lớn tá hỏa tam tinh, nước mắt bỗng trào ra, chảy dài nhỏ giọt. Nó không kịp chào người cảnh sát, chạy vội vào phòng gọi ông Tình trong cơn hoảng hốt và đau đớn:

- Cha ơi! Thằng Dạy chết rồi!

Tội nghiệp ông già mắt nhắm mắt mở khi nghe tiếng thằng Lớn hốt hoảng. Ông hỏi lại nó:

- Con nói gì vậy Lớn"

Lớn nhìn cha trong đau đớn nghẹn ngào, nó lập lại:

- Cha ơi! Thằng Dạy nó... chết rồi!

Rồi Lớn gục đầu vào lòng ông khóc tức tưởi. Phải chăng, Lớn đang ân hận" Đã một thời hai anh em cùng chung số phận được làm con nuôi trong những gia đình giàu có. Nó cứ tưởng nó sẽ bảo bọc được cho em nên mới quyết định ra riêng. Từ ngày sống chung với em, nó chỉ lo làm lụng kiếm tiền, không hề quan tâm đến em nó. Cứ mỗi lần có chuyện gì, người ta nói về thằng Dạy thì nó lại đánh đập, chửi rủa và mạt sát thằng em. Phải rồi, cũng tại nó, vô tình nó đã đẩy thằng Dạy vào vũng lầy tội lỗi mà nó có biết đâu" Giờ thì Dạy đã chết! "Em đã ra nông nỗi này cũng chỉ tại anh"! Lớn nằm dài ra sàn, tay đấm ngực vò đầu. Nó khóc tức tưởi, "tội nghiệp cho em tôi" - Lớn gào lên vỡ òa nước mắt. Hai người cảnh sát cũng đã đi. Trong cái không gian ấy, ở cái thời điểm ấy - đã có hai người, một già một trẻ - đang đau đớn, xót xa... câm lặng!

Đám ma thằng Dạy được tổ chức trong vội vàng. Vài đứa bạn trong "băng" của Dạy và người được gọi là anh Cả, cũng đã có mặt hôm đó. Ông ta tự giới thiệu "Anh kết nghĩa" và dúi một xấp tiền vào tay thằng Lớn, bảo là chia xẻ với tang quyến trong việc ma chay. Nhưng... còn một đôi mắt thật đỏ, với khuôn mặt thật buồn - mà có mấy ai để ý hay biết được, đang ở bên kia đường dõi nhìn" Người đó, chẳng ai khác - là Hạnh - Nàng đã âm thầm yêu Dạy. Có thể từ khi được gần gũi, cùng nhảy ra ngoài đường "buôn bán", Hạnh đã mến cái khí khái của Dạy chăng"

Bên này, ông già Tình ôm ảnh con vào lòng khóc ngất, ông cứ ngỡ rằng cuộc đời của ông từ đây sẽ biến đổi, cha con lại được gần nhau, tâm sự buồn vui! Ông chẳng trông cậy gì nhiều vào thằng Lớn, vì ông tin rằng chỉ có Dạy mới biết thương ông. Lần cuối cùng, đưa chiếc hòm vào lò thiêu mang thân xác con ông trong đó - ông đã gào khóc và tha thiết gọi tên con, nhìn cái ống khói cao trên nóc nhà quàn đang thiêu đốt - ông như cố tìm một phần linh hồn nào của Dạy, khẩn khoản bảo nó hãy nhìn xuống đây, "nhìn cha và anh đi con" rồi hãy biến vào tan loãng - ông rấm rức, đau khổ và... thất thần...

Thằng Lớn đưa hộp tro của Dạy lên chùa, ông già Tình ngăn lại:

- Hãy để cho cha được ôm ấp, được gần gũi em con"!

Rồi ông lại nức nở, Lớn gạt tay ông ra và nói:

- Cha giữ lại được gì chứ" Nó đã chết rồi! Để trong nhà... xui lắm!

Rồi nó vọt xe đi. Những lời nói của thằng Lớn làm cho vết thương của ông như bị xoáy sâu hơn nữa, và nỗi đau đớn xót xa càng trở nên cùng cực...

Ông thẫn thờ tìm xuống cái ga ra, nơi mà thằng con út đã một thời làm giang sơn ngự trị. Ông dở từng cái áo, cái mền. Rồi ông hôn hít. "Dạy ơi"! - Ông gọi tên con, gọi mãi trong đau khổ, trong cái xót xa của một người cha vừa mất con. Mắt ông nhạt nhòa - hình ảnh thằng Dạy ngày nó được tám tuổi. "Dạy ơi, con ơi!" - Không có tiếng trả lời. Ngoài trời mưa bắt đầu lác đác rơi, những giọt mưa rớt lộp độp trên mái ga ra như một điệu nhạc buồn, hòa cùng tâm trạng của ông. Một nỗi thất vọng vô bờ...

Mới 5 giờ sáng, trời vẫn còn tối hù vì mùa đông. Thằng Lớn nghe tiếng lục đục, xào xào của bọc ny lông. Rồi tiếng mở đèn và tắt đèn. Nó uể oải ngồi dậy. Nhìn ra ngoài, màn kính che phủ một lớp sương mù dày đặc. Nó bước vội ra khỏi phòng, liếc mắt nhìn phòng cha, chẳng thấy ông đâu cả. Lớn mở cửa - một bóng người vừa bước vội ra. Nó lật đật thay đồ rồi vội vã chạy theo không kịp rửa mặt, chải đầu. Nhìn từ xa, Lớn thấy cha nó tay xách nách mang những bọc ny lông đựng rác màu đen, mà nó đoán là áo quần trong đó. Nhưng cha nó đi đâu bây giờ chứ" Nó chầm chập dõi bước theo chân cha và im lặng. Ông Tình mặt thất thần, đờ đẫn. Hai hàng nước mắt còn đọng trên mi. Có lẽ ông đã khóc nhiều lắm. Thỉnh thoảng ông đưa cánh tay lên quệt vội. Ông đi về hướng nhà ga, nơi đó có bến xe bus. Từ xa, Lớn thấy ông lăng xăng, hỏi người này, người nọ. Toàn những khuôn mặt xa lạ - Người Úc, người Việt hay người Tàu. Ai ông cũng hỏi, và Lớn chỉ thấy họ lắc đầu. Ông leo lên từng xe bus, rồi lại bước xuống, tay ông ôm chặt những bao đồ, rồi ông lại ngồi phịch xuống kêu gào. Không một ai hiểu cho ông cả. Bây giờ, từ xa Lớn đã nghe thành tiếng. Cái đau đớn nghẹn ngào của một kiếp người - Mất con và mất cả quê hương: "Có ai về Bến Tre cho tui theo với""

Lớn tiến lại gần cha hơn. Nó nhìn vào mặt cha mà chan hòa nước mắt: "Cha ơi! Đi về". Rồi nó tự hỏi: "Chẳng lẽ cha bị điên thật rồi sao"". Nhưng ông Tình đã không còn nhìn ra nó nữa. Mắt ông thẫn thờ như đang dõi về một cõi xa xăm nào đó, Lớn khoác vai ông dìu đi. Hai cha con lầm lũi bước đi trong câm lặng. Thỉnh thoảng ông lại thốt lên: "Có ai về Bến Tre, cho tui theo với!"

Hải Âu

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.