Hôm nay,  

Bạn Gái Nhỏ To

28/10/200100:00:00(Xem: 4387)
Thưa các chị,

Trong những số báo trước, em chỉ dám viết những chuyện vui buồn vu vơ để sau khi đọc xong, nếu có buồn, các chị cũng không buồn nhiều. Nhưng hôm nay, em xin các chị tha lỗi, để em kể cho các chị nghe một câu chuyện thật thương tâm và cũng thật phi lý. Em nói thiệt để các chị hiểu, chuyện thương tâm và phi lý ở Việt Nam thì nhan nhản "đầy đường" đầy phố. Em có nói tối ngày cũng không hết. Nhưng chuyện em chép ra ở đây khác hẳn tất cả những chuyện thương tâm khác tại Việt Nam.

Chắc các chị còn nhớ, cách đây ngót hai chục năm, chính phủ ở bên Việt Nam này họ thu vét tiền bạc, của cải, đàn ông con trai rồi lùa hết đi sang Miên đánh nhau. Họ bảo dân Miền Nam mình ăn chơi sung sướng với Mỹ ngụy lâu rồi, bây giờ tới lúc phải có bổn phận làm nghĩa vụ cộng sản quốc tế. Thế là mấy trăm ngàn thanh niên vô tội ở Miền Nam bị lùa đi Miên làm bia đỡ đạn, chết nhiều vô số kể. Người chết đã vậy, người sống sót, tàn tật trở lại quê nhà trở thành gánh nặng cho gia đình cũng cơ cực, thê thảm không bút nào tả xiết. Điều vô lý là chính quyền Việt Nam từ trên xuống dưới, lúc nào cũng ra rả đề cao chính sách thương binh liệt sĩ, nhưng trăm voi chả được chén nước sáo, họ để mặc thương phế binh sống chết không ai trông nom, chăm sóc. Thời đó, dân Miền Nam còn sợ cộng sản, nên chả ai dám kêu ca phàn nàn. Báo chí cũng im thin thít ngậm miệng ăn tiền. Cho đến những năm gần đây, thấy không khí có vẻ dễ thở một chút, các báo chí Miền Nam mới rụt rè viết bài kể khổ. Nhưng tuy viết bài, họ vẫn không dám chỉ trích chính phủ mà chỉ kêu gọi độc giả mở rộng lòng từ thiện, đóng góp tiền bạc giúp đỡ nạn nhân.

Câu chuyện em chép ra dưới đây nhan đề "Hãy Giúp Họ" của tác giả Hồng Thu được đăng trên tạp chí Phụ Nữ xuất bản tại Sàigòn sẽ cho các chị thấy, một thanh niên Miền Nam sau khi sang Miên làm bia đỡ đạn, bị trúng đạn hóa điên rồ. Khi trở về quê, anh trở thành gánh nặng cho người mẹ ngoài 70 tuổi. Nhưng điều vô lý là chỗ, mỗi tháng người thương binh chỉ được chính quyền trả cho có 353 ngàn đồng trợ cấp, trong khi tiền thuốc men mỗi ngày mẹ của anh phải lo đã từ 100 ngàn đến 120 ngàn đồng, khiến người mẹ phải vay nợ tứ tung. Đó là chưa kể tiền ăn uống mỗi tháng 500 ngàn đồng, cùng các chi phí vặt vãnh khác. Và ở Miền Nam, Miền Bắc, số phận những người bất hạnh như anh không phải là ít. Sau đây, mời các chị theo dõi bài viết của tác giả Hồng Thu, để các chị thấy được một trong muôn một những bi kịch người ở lại đang phải chịu đựng...

*

Người đàn ông trần truồng, đu người trên song sắt rỉ sét. Đôi mắt anh dài dại trên gương mặt lấm lem và bẩn thỉu. Bên ngoài, người mẹ già 72 tuổi cầm từng gáo nước lạnh tạt vào. Đưa tay quệt mồ hôi trên trán, bà giải thích: "Trời nắng, nó dễ lên cơn lắm". Giọng mẹ nghèn nghẹn như có nước mắt ở trong.

Nhớ lại 18 năm trước, mái ấm nho nhỏ nằm ven kênh Phú Định quận 8 không lúc nào vắng tiếng cười. Nhiều người trong xóm bảo: "Đó là ngôi nhà của hạnh phúc". Ở đấy, mẹ Nguyễn Thị Thừa tần tảo nuôi mười hai người con của mình khôn lớn. Các con của bà mẹ, tuy học không cao, nhưng người nào cũng có một nghề nghiệp ổn định.

Thời gian thấm thoát trôi đi, các con của mẹ đều trưởng thành, lập gia đình, ra ở riêng. Chỉ còn mỗi anh Phạm Văn Út sống với mẹ. Mẹ lo cho Út lắm, đã mười tám tuổi rồi mà cậu vẫn rất nhút nhát. Hễ có cô gái nào trong xóm nghịch ngợm, trêu ghẹo là mặt cậu đỏ gay cúi gầm xuống.

Nhiều lần mẹ mắng yêu: "Cha bây, vậy sao hỏi vợ được"" Những lúc như thế, Út chỉ cười bẽn lẽn: "Con ở nhà nuôi má nghen".

Vào tháng Sáu năm 1983, Phạm Văn Út nhận được giấy báo của phường đội, điều động anh bổ sung quân cho mặt trận Tây Nam. Thế là anh Út tạm biệt mẹ, lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự.

Mẹ kể: "Trước khi đi, nó còn dặn dò tui ráng giữ gìn sức khỏe để chờ nó về cưới vợ, cho tui có cháu ẵm bồng. Ai dè!" Mẹ lại sụt sùi.

Năm đầu tiên, mẹ liên tục nhận được thư của Út. Anh kể chuyện tập trận, kể truyện chiến đấu... Lá thư nào cũng kín đầy hai trang giấy. Đến khoảng cuối năm 1984, thư đi thì có nhưng thư về thì không. Út bặt vô âm tín từ dạo ấy. Mẹ lo quá, mỗi đêm, thay vì ngủ mẹ lại tụng kinh cầu nguyện. Nhưng tin tức từ đứa con trai út vẫn biền biệt.

Đầu năm 1986, mẹ nhận được một lá thư, đề tên người gửi là Út, nhưng nét chữ thì không phải. Mẹ linh cảm có điều gì đó đã xảy đến.

Cuối năm 1986, mẹ sững sờ khi thấy Út và hai người bạn đứng trước cửa. Ly nước trên tay mẹ vỡ tan. Mẹ khóc thành tiếng vì vui mừng. Con trai mẹ vẫn khỏe mạnh. Nhưng sao lạ quá, nó chỉ cười hềnh hệch trước cửa, ú ớ vài câu gì đó chẳng rõ lời.

Như có ai đánh mạnh vào gáy khi mẹ nhìn vào đôi mắt của Út. Đó là một đôi mắt dài dại, thất thần. "Trời ơi, con tôi đã trở thành tàn phế sao"", mẹ gào lên khi nhận giấy chứng nhận thương binh bậc 1/4 của anh. Thì ra, trong một trận đấu, vết thương chí hiểm đã biến anh thành người ngây dại.

Sáng, mẹ gọi Út dậy, chẳng nói chẳng rằng, Út vung tay đấm thẳng vào mặt mẹ. Máu ở mũi mẹ chảy ra. Mẹ đứng chết trân nhìn đứa con trai điên loạn. Nó cười ngặt nghẽo một lúc thì ôm đầu rú lên.

Chiều. Út bỗng nhiên cởi truồng, chạy lòng vòng quanh xóm, gặp ai anh cũng đuổi đánh. Thỉnh thoảng anh ngọng nghịu hỏi những người xung quanh: "Uốc (thuốc lá), có uốc không""

Các anh chị em của Út họp lại bàn bạc với nhau: "Phải xây một căn phòng nhỏ để nhốt nó ở trỏng thôi", người anh lên tiếng. Mẹ nức nở: "Tụi bây đừng đối xử với nó như vậy, tội lắm".

Nhưng cuối cùng, họ không thể làm khác hơn. Căn phòng nhỏ 6m vuông được dựng lên phía sau nhà, phía trước là những thanh chấn song sắt. Út được nhốt vào đấy, với một cái xích ở chân.

Hàng ngày Út vẫn ăn, vẫn ngủ trong căn phòng ấy. Nhưng hễ ai mặc quần áo cho Út là Út lại xé nát ra. Chăn màn, chiếu gối, bất cứ thứ gì có trong tay, anh cũng xé tất. Quạt máy bật lên, chỉ mới hôm trước, hôm sau đã cháy. Tất cả cũng chỉ vì anh đứng... tè vào đấy.

Vết thương của anh Út đã thành sẹo, nhưng di chứng vẫn còn mãi. Giấy chứng nhận thương binh của anh Phạm Văn Út có ghi rõ:

Vết thương sọ não còn một mảnh nhỏ nội sọ vùng chẩm và một mảnh nằm ngoài hộp sọ, để lại di chứng tâm thần sa sút, mất trí khôn hoàn toàn.

Bị thương vào tháng 6 năm 1984 tại mặt trận Tây Nam. Được đưa đi điều trị và xuất ngũ vào năm 1986. Năm 1986, bà Thời đưa anh đến bệnh viện 175 để điều trị. Nhưng các bác sĩ hoàn toàn bó tay. Mỗi tháng anh nhận được $353,200 tiền trợ cấp cho thương binh. Nhưng chi phí tiền thuốc men của anh từ $100,000 - $120,000 một ngày. Chi phí ăn uống trên $500,000 một tháng. Mỗi ngày anh ăn hết gần 2 ký gạo và thức ăn. Do không ý thức được nên anh thường xuyên ăn đất đá và dị vật. Những lúc như thế, bà Thời lại phải nhờ bà con chòm xóm đưa anh đến bệnh viện để bác sĩ gắp chúng ra.

Hoàn cảnh của mẹ con anh Út rất đáng thương. Mẹ anh, bà Thời năm đó đã 72 tuổi, nhưng gánh nặng về người con mất trí vẫn còn đó. Tháng nào, mẹ cũng chạy đôn chạy đáo để vay tiền nuôi con, vì tiền trợ cấp thương binh của anh không đủ trang trải chi phí ăn uống, thuốc men.

Khi không còn là một con người, có lẽ cuộc sống của người ta còn tệ hơn cả loài vật. Út cũng vậy, anh ăn đất, ăn giun và cả cát. Có hôm, mẹ đang ngủ bỗng nghe ú ớ phía sau. Bật dậy, mẹ thấy Út đang bị kẹt đầu ở khe tường, gần mái tôn. Thì ra, do dây xích bị tuột, Út trèo lên mái tìm cách thoát ra ngoài. Lỗ nhỏ quá cho nên anh bị kẹt đầu ở trong, máu dồn lên mặt tím bầm. Hoảng sợ, mẹ chạy nhờ hàng xóm đưa Út xuống. Mẹ kể: "Đã đưa đi nhiều bệnh viện, nhưng người ta lắc đầu, vì không thể chữa khỏi".

Cuộc sống của Út sau này sẽ ra sao, câu hỏi ấy cứ bị ám ảnh mẹ mãi. Tuổi mẹ giờ đã cao lắm rồi. Anh chị em của Út đều nghèo khó, không lo nổi thân mình, sau này ai sẽ nuôi Út đây: "Tui sợ nhứt là điều đó cô ạ", mẹ nghẹn ngào. Hai hàng nước mắt của mẹ lăn mãi, lăn lãi trên gương mặt nhăn nheo đầy vết chân chim.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.