Hôm nay,  

Chuyện Miền Thôn Dã: Chim Trời Cá Nước

21/09/200600:00:00(Xem: 3449)

....Gõ sừng mục tử gọi cô thôn
Ngàn mai gió cuốn chim bay mỏi
Dặm liễu sương sa khách bước dồn ..
(Bà Huyện Thanh Quan)
Cứ mỗi buổi chiều về, từng đàn chim, cò, vạc, diệc .. vội vã bay về tổ, chúng đâu biết rằng con người đã giăng lên một tấm lưới để hòng bắt chúng!
Từ lúc ánh nắng chỉ còn thoi thóp trên các ngọn cây, tôi xăng xái đi theo mấy ông già đi lưới chim cho biết. Họ vác hai cây sào bằng cây trúc đá dài tới hơn 15 m, một cheo lưới đan bằng nylon

nhỏ như sợi nhợ câu mà trong vắt.
Ngày qua ngày chim thường bay theo lối cố định, và thường là giữa hai rặng cây cao. Hai cây sào được mắc lưới vô sẵn rồi mới dựng lên giống như cái lưới ở sân bóng chuyền, bề dài thì tuỳ

theo khoảng trống mà mình phải giăng ngang, còn bề cao chừng 3m mà thôi.
Ở cái dây dưới đáy cột vài ba ống lon sữa bò có đựng mấy hòn sỏi, để khi chim dính lưới thì bị giật kêu lên tiếng loong coong báo cho thợ săn biết.
Vì ỷ y "đường xưa lối cũ" nên bầy chim vẫn vươn cổ về phía trước mà mải miết bay cho mau về đến tổ, nên chim không để ý nhìn thấy lưới rập cho đến khi lao vào lưới. Vì đang đà đập cánh

nên con chim bị vướng vào mắt lưới còn khó thoát hơn là con cá muốn tự gỡ mình ra khỏi.
Tiếng ống lon khua lên kèm theo tiếng kêu thét hãi hùng, tiếng đập cánh của bầy chim, người ta vội nhổ sào hạ lưới để bắt chim bỏ vô lồng rồi giăng bẫy lên lại, vì chim chỉ bay về tổ lúc trời cập

quạng tối mà thôi.
Đêm càng khuya thì chim bay càng ít, chỉ thỉnh thoảng buông xuống màn đêm tiếng kêu rã rời của con vạc đi ăn đêm. Chim đêm ít khi dính, nhưng lại dính nhiều dơi lắm. Con dơi khi bị dính lưới

thì hét lên kêu cứu, và đàn dơi quay lại để cứu bạn, thế là cả đàn sa lưới hết.
Chim bán rất được giá, nhất là chim cu, chim gáy, chim ngói hay vịt nước chàng bè, mà dơi người ta cũng mua mắc lắm. Con dơi quạ lớn như chuột cống, cánh xải dài cả thước thì bán cho

tiệm nhậu, còn dơi muỗi thì họ lấy kim tiêm hút hết máu nó ra để pha rượu uống tiêu trừ bách bịnh !!!
Không thể nói là người VN vì nghèo đói mà ăn những loài thú hoang dã có khi rất nhỏ bé, bởi vì có nhiều người giàu có, cán bộ cấp cao sẵn sàng bỏ ra cả trăm đô la mà ăn tim uống máu, uống

mật một con rắn.
Bây giờ họ tin tưởng mù quáng vào những nấm linh chi, máu dơi, mật rắn .... Có người tin rằng uống mật gấu ngựa trị dứt được ung thư gan. Nhưng làm sao biết được đó là mật gấu ""
Có gì đâu, thì tới tận nơi coi người ta chích thuốc cho con gấu mê đi, dùng một kiếng soi có bóng điện luồn vào trong bụng của con gấu, họ hướng dẫn cho một người khác dùng kim tiêm dài

thọc vô mà hút mật gấu ra.
Như thế là chắc ăn như bắp, khỏi sợ mật giả.
Thế mà .. hỡi ơi ... Đêm hôm trước người ta đã "chôn" trong bụng con gấu một cái lọ, giống như lọ đựng thuốc Bi ngày xưa, trong đó có mật gà hay vịt (thứ này trong chỗ tiệm ăn họ vất đi thiếu

gì ).
Uống xong, nếu khỏi bịnh thì khen mật gấu hay, nếu lỡ có chết thì nói giá mà được uống sớm hơn thì không đến nỗi chết .

Viết đến đây tôi nhớ tới chuyện xảy ra sau 75:
-Có chàng Bộ Đọi đóng quân trên mạn ngược Tuyên Quang mua được một miếng cao Sơn Dương (cao nấu bằng xương dê núi) nhỏ bằng nửa cái hộp quẹt, anh gói lại cẩn thận rồi cất đi.


Hồi đó đồ phụ tùng xe đạp còn quá hiếm, Công Thương bán ra thì có anh mua được cái ghi đông, anh khác mua được vỏ ruột, mà có khi chính những anh này đang không có cái xe nào, anh ta

sẽ bán lại món đồ mới mua được.
Anh Bộ Đọi mua được cái má phanh (chong Lam chúng em kêu là cục gôm thắng)
Nó là cái cục cao su màu đen to bằng ngón tay, khi mình bóp thắng thì cục cao su này sẽ xiết vô vành xe cho hãm lại.
Vì không có xe, nên anh ta cũng gói lại cất trong balô để dành.
Khi có người về phép, anh gửi cục cao Sơn Dương về làm quà cho bố, nhưng mấy tháng sau, khi luc soạn balô anh lại thấy cục cao thì mới biết rằng mình gửi nhầm cục cao su rồi.
Ấy vậy mà có người quen ghé ngang nhà, ông bố lấy rượu ra đãi mà rằng:
-Thằng Hai nhà tôi ở mạn ngược có gửi về biếu một miếng cao Sơn dương tốt lắm, nó đen tuyền, càng ngâm rượu càng dẻo, mỗi khi ra ruộng về, tay chân gân cốt bải hoải, tôi chỉ uống một cốc

là đêm nằm ngủ khoẻ re

Đã nói chuyện chim trời rồi bây giờ nói chuyện cá dưới nước.
Không gì khoái bằng đi câu. Đã có câu đố dân gian về thú đi câu:
-Ở dưới nhấp nháy, ở trên sướng.
Ở trên giựt mạnh, ở dưới đau.
Ở dưới đau, ở trên sướng ...

Không chỉ đi câu mới sướng mà khi đi thả lưới, quăng chài, tát đìa, soi cá đêm đều sướng cả. Không chỉ vì mình bắt được cá ( Ở Mỹ nhiều khi ăn không hết, bán không ai mua phải năn nỉ đem

cho) mà khi dính cá thì trong lòng khoái tỉ gì đâu á.
Nhưng cũng có những cách bắt cá không nên chút nào, đó là thuốc cá.
Ngày xưa không biết ai là người biết được loại cây lá gì trên rừng có thể làm cá ngất ngư hoặc lờ đờ hoặc chết nổi lên ngay"
Lá ngón rất độc với cơ thể con người nhưng khi vò ra thả dưới nước thì cá tôm vẫn tỉnh bơ, nhưng hột thàn-đát đã già, mà mình giã ra chừng 100 hột, bao bằng miếng vải mùng, lên phía đầu

con suối hay con kinh nước đang chảy mà vo, bọt sẽ nổi trắng xoá như bọt xà bông, nó trôi đến đâu, cá tôm lươn rùa cóc nhái gì cũng nổi lên hết và trôi vào tấm lưới đã giăng sẵn phía cuối

giòng nước, bắt không sót một con kể cả cá rồng rồng.
Trong rừng phía Nam lại có loài giây thuốc cá, người ta cắt từng đoạn rồi phơi khô để dành, mỗi lần muốn đi thuốc cá thì ngâm nước cho mềm, giã dập ra rồi đưa lên ngọn suối mà vò.
Chắc các bạn đều biết củ sắn (người Bắc thì gọi là củ đậu) mà người ta hay thái nhỏ ra làm nhưn bánh xèo đó. Trái của nó coi ngon lành như đậu cô-ve nhưng to bản hơn, nó lại rất sai trái

nhưng hồi tôi lên Thủ Dầu Một và Phương Lâm thì không thấy ai ăn cả, hỏi ra mới biết nó có chất độc, ăn chết liền.
Lấy hột củ sắn này giã chung với tro lá kè và một ít phân gà rồi thả xuống giòng nước thì cá lóc cá trê lớn cũng đều nổi lên hết.
Những chất độc này khi ngấm vô con cá, người ta ăn cá vào có làm hư hao tạng phủ dần dần hay không thì không ai biết.
Từ khi thuốc trừ sâu du nhập vào VN, có người còn dùng ngay loại độc hại này mà đi thuốc cá, họ cũng cứ cho rằng bỏ vô làm mắm hay kho nấu chín lên là thuốc độc bốc hơi hết, ăn vẫn an

toàn.

Nếu một ngày nào đó bị ngã lăn ra mà chết thì hàng xóm sẽ chắc lưỡi:
-Trời ! Trúng cơn gió độc quá !

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.