Hôm nay,  

Góc Nhạc Cổ Điển

07/10/200600:00:00(Xem: 5955)

Chúng tôi mong nhận được mọi ý kiến đóng góp và bài vở của bạn đọc về mọi vấn đề liên quan đến nhạc cổ điển như ca kịch opéra, ballet, kỹ thuật (recording), album mới, concert bạn mới đi nghe...Thư từ bài vở xin gởi về classical@vietbao.com.

Mặc dù rất thành công về phương diện nhạc phim, 9 giao hưởng mới thật sự là cốt tủy của sự sáng tạo của ông. 

Sir Malcolm Arnold

Sir Malcolm Arnold (1921-2006) vừa tạ thế ngày 23 tháng 9 vừa qua, hưởng dương 84 tuổi.  Ông là người đã viết nhạc cho phim Cầu Sông Kwai (The Bridge on the River Kwai) và đã thắng giải Oscar năm 1958 với tác phẩm này.

Lúc 17 tuổi, sau khi đi xem Louis Armstrong, ông bắt đầu học trumpet và dần dà đã được học bổng vào Royal College of Music.  Sau khi ra trường ông gia nhập London Philharmonic và đã trở thành principal trumpet.   Nhưng đến khi 30 tuổi, ông hoàn toàn chuyển sang sáng tác.  Năm 1970 ông được Hoàng Gia Anh phong tước Commander (CBE) và năm  1993 được phong tước Knight.

Nằm ở vị trí giữa một Benjamin Britten (1913-1976) cấp tiến và một Sir William Walton (1902-1983) bảo thủ, ông là nhạc sĩ Anh Quốc được giới phim ảnh ưa chuộng nhất.  Ông thú nhận ông mang nặng ảnh hưởng của Berlioz; tuy nhiên, đôi khi ông lại  được sánh ngang với Jean Sibelius.  Thật ra thì ta có thể an toàn sắp ông chung vơi Elgar và Holst.  Nhạc của ông có nhiều giai điệu rõ rệt và rất là "trưởng-thứ" (tonal).  Ông được xem là "một trong những nhạc sĩ quan trọng nhất trong thế kỷ 20" và là "nhạc sĩ Anh Quốc được thâu thanh nhiều nhất".  

Khi nhắc đến những thành quả của Arnold, người ta hay nói đến 9 giao hưởng của ông.  Ông cũng viết hơn 20 concerto, bao gồm guitar concerto cho Julian Bream và harmonica concerto cho Larry Adler.  Ông viết tổng cộng 6 bộ vũ khúc, trong đó có 2 bộ vũ khúc Anh Quốc, một bộ Scottish, một bộ Irish, một bộ Welsh, và một bộ Cornish.  Một bài trong 2 bộ vũ khúc Anh được dùng làm nhạc chủ đề cho chương trình What the Papers Say trên truyền hình Anh Quốc.  Một tác phẩm phổ thông khác của ông là Divertimento cho Flute, Oboe, và Clarinet.

Nhưng phần lớn những tác phẩm của Sir Arnold mà người ta biết đến là nhạc phim.   Ông viết tổng cộng 132 bản nhạc cho phim, trong số đó nổi tiếng nhất là Cầu Sông Kwai.  Sir Arnold nói rằng "đây là công việc khó khăn nhất từ xưa tới nay."  Ông chỉ có 10 ngày vì nhà sản xuất muốn trình bày phim với Royal Command Performance.  Ông thuật lại rằng đoạn The Colonel Bogey thâu thanh rất khó khăn.  Ông dùng 17 người lính Irish và một người chơi piccolo, diễn hành trên cát, vừa đi vừa huýt sáo.  Phầm nhạc hòa tấu thâu chồng lên sau đó.  Cái tài của Sir Arnold là ông có thể cảm nhận tính bi kịch trong nhạc phim và chọn nhạc phù hợp với màu sắc và không khí của phim.

Trong những năm đầu thập niên 1970, nhạc của ông hay bị các dàn nhạc Anh Quốc tránh né, điển hình là dàn BBC Radio 3 và BBC Proms.  Họ không thích sự thành công của ông với nhạc phim và tính chất quá giai điệu trong nhạc của ông, trong khi loại nhạc vô giai điệu (atonal) đang thịnh hành.

Nhạc của ông thường được các dàn nhạc trẻ và không chuyên nghiệp trình diễn.  Lý do là nhạc của ông dễ tấu, giai điệu du dương, dễ cảm nhận vì ông liên kết nhiều yếu tố của các loại nhạc khác nhau: từ classical, jazz cho đến dân gian, kể cả nhạc phổ thông (popular).

Mặc dù rất thành công về phương diện nhạc phim, 9 giao hưởng mới thật sự là cốt tủy của sự sáng tạo của ông.  Chúng chuyên chở tất cả những tư tưởng sâu thẳm nhất và hàm chứa những trùng trùng phức tạp, phản ảnh một tâm khảm hoang mang đầy mâu thuẫn.  Ở con ngưòi ông, tuy nhìn bề ngoài có vẻ thực tế, rộng lượng, và vui vẻ, nhưng nội tâm lại đầy những dằn vặt của cuộc đời, với hai lần thất bại trong hôn nhân, một lần chết đứa con gái lúc còn sơ sinh, nghiện rượu, và bệnh căng thẳng, khiến ông đã có lần toan tự tử.

Sir Malcolm Arnold từ trần ngày thứ bảy 23 tháng 9 năm nay tại Norfolk, Anh Quốc vì chứng viêm ngực (chest infection).  Tác phẩm cuối cùng của ông Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ (The Three Muskerteers) ra mắt lần đầu tiên tại Alhambra Theater,  Bradford trong cùng ngày này.  Thật ra tác phẩm này không phải là một tác phẩm  mới mà chỉ là sự góp nhặt những mảnh vụn nhạc của ông, và được soạn lại bởi John Longstaff.  Các mảnh vụn nguyên bản được sưu tầm bởi Anthony Meredith.

Tony Palmer, đạo diễn phim Về Miền Vô Định (Toward the Unknown Region), một phóng sự về cuộc đời Sir Malcolm Arnold đã phát biểu:  "Tôi biết không một nghệ sĩ nào khác, có thể ngoại trừ Maria Callas, đã đau khổ quá nhiều để cảm hứng chúng ta, để hoan lạc chúng ta, và khiến chúng ta cười."

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.