Hôm nay,  

Nhà Trần Khởi Nghiệp (18). Phần 4: Nhà Trần Thay Nhà Lý

18/09/200600:00:00(Xem: 19057)
Trần Việt Bắc

Sau khi giúp vua Huệ Tông dẹp xong loạn lạc, họ Trần coi như làm chủ Đại Việt. Trần Tự Khánh đã được vua Huệ Tông phong đến chức Phụ quốc thái úy(108)là chức cực phẩm. Tuy nhiên chuyện bất ngờ xảy ra: "Tháng chạp (NV: 1223), ngày Kỷ Mão. Phụ quốc Thái úy Trần Tự Khánh lìa trần trong ngôi nhà ở Phù Liệt. Nhà vua cùng Thái hậu đến viếng tang rồi khóc hết sức thảm(109). Trần Tự Khánh được đặt cho tên thụy là Kiến Quốc Vương" (ĐVSL). Trần Tự Khánh vùng vẫy vùng châu thổ sông Hồng 14 năm, làm giặc 7 năm (1209-1216), phò vua Huệ Tông 7 năm, "đánh đông dẹp bắc", những loạn lạc gần như tạm yên. Trần Tự Khánh chết, anh là Trần Thừa nắm trọn binh quyền họ Trần, thừa hưởng những thành công của Tự Khánh.

Tháng giêng năm 1226, vua Huệ Tông "cho Thái Tổ (Trần Thừa) làm Phụ quốc Thái úy, làm Nội thị Phán Thủ, cất cử quan Thượng phẩm hầu là Trần Báo làm tước Vương và thụy hiệu (110)là Hiển Thành" (ĐVSL). "Trần Tự Khánh chết, truy phong làm Kiến Quốc Đại Vương; lấy Trần Thừa làm Phụ quốc Thái uý, khi vào chầu không xưng tên"(ĐVSKTT).

Sức khỏe của vua Huệ Tông và việc Chiêu Thánh công chúa lên ngôi

Vua Huệ Tông và hoàng hậu họ Trần không sinh được hoàng tử nào mà chỉ có được hai công chúa là Thuận Thiên(111)(sinh năm 1216) và Chiêu Thánh (Lý Phật Kim, sinh năm 1218). "Bính Tý, [Kiến Gia] năm thứ 6 (1216) ….Vua có bệnh trúng phong, chữa thuốc không khỏi mà chưa có thái tử, trong cung chỉ sinh công chúa mà thôi. …. (1217) vua dần dần phát điên, có khi tự xưng là Thiên tướng giáng, tay cầm giáo và mộc, cắm cờ nhỏ vào búi tóc, đùa múa từ sớm đến chiều không nghỉ, khi thôi đùa nghịch thì đổ mồ hôi, nóng bức khát nước, uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh. Chính sự không quyết đoán, giao phó cả cho Trần Tự Khánh. Quyền lớn trong nước dần dần về tay kẻ khác.(ĐVSKTT). Vậy là từ khi chưa về với Trần Tự Khánh (1216) nhà vua đã không khỏe từ thể xác tới tinh thần.

Từ bé tới khi lên làm vua lúc 17 tuổi (vua Huệ Tông sinh năm 1194, lên ngôi 1211), nhà vua đã quen sống trên nhung lụa nhưng tháng giêng năm 1214 (bôn tẩu khỏi kinh thành) tới tháng giêng 1216 (về theo Trần Tự Khánh), đúng hai năm, vua Huệ Tông đã phải lang thang từ kinh thành cho tới Lạng Châu là miền rừng thiêng nước độc. Thật là khó mà tránh được bệnh tật cho một người không quen với hoàn cảnh này. Làm vua thì bị mẹ và đám ngoại thích họ Đàm kềm kẹp và bị Trần Tự Khánh thao túng. Rồi lại phải chứng kiến cảnh cực kỳ đau lòng là mẹ ruột giết những em của mình mà không làm gì được. Nhà vua còn phải chứng kiến cảnh chém giết triền miên, cung điện bị tàn phá, dân chúng điêu linh. Bản thân nhà vua, tự cầm quân mấy lần nhưng đều thất trận, có lần sắp bị vong mạng vì đám giặc cỏ. Việc này ảnh hưởng tới tâm thần nhà vua rất nhiều và nhà vua đã "dần dần phát điên".

ĐVSL không nói rõ về sức khỏe của vua Huệ Tông, chỉ viết là nhà vua khi còn bôn ba ngoài kinh thành đã cắt tóc (“thí phát”, các vua nhà Lý rất trọng Phật Giáo) và có ý nhường ngôi vua, nhưng không nói rõ là muốn nhường ngôi cho ai. Lúc này, năm 1224, khi lúc mới được 30 tuổi, Huệ Tông đã chán ngán thế sự. Người con gái thứ hai là Chiêu Thánh công chúa, 7 tuổi, được nhà vua rất thương yêu nên nhường ngôi cho cô công chúa này: "Tháng 6, nhà vua nhường ngôi cho con thứ hai là Công chúa Chiêu Thánh. Chiêu Thánh lên ngôi lấy thụy hiệu là Chiêu Vương, tôn vua Huệ Tông làm Thái Thượng Vương, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo"(ĐVSL). Sau khi nhường ngôi vua Huệ Tông đi tu ở chùa Chân Giáo, tuy nhiên vẫn theo dõi những diễn biến trong triều đình .

Biến cố này được ĐVSKTT ghi lại như sau: "Giáp Thân, [Kiến Gia] năm thứ 14 [1224] , (Từ tháng 10 về sau là niên hiệu cuả Chiêu Hoàng Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1; Tống Gia Định năm thứ 17). Bệnh của vua ngày càng tăng mà không có con trai để nối nghiệp lớn, các công chúa đều được chia các lộ làm ấp thang mộc, uỷ nhiệm cho một mình chỉ huy sứ Trần Thủ Độ quản lĩnh các quân điện tiền hộ vệ cấm đình. Mùa đông, tháng 10, xuống chiếu lập công chúa Chiêu Thánh làm Hoàng thái tử để truyền ngôi cho. Vua xuất gia ở chùa Chân Giáo trong đại nội. Chiêu Thánh lên ngôi, đổi niên hiệu là Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 1, tôn hiệu là Chiêu Hoàng ".

Một cô bé 7 tuổi lên ngôi vua, biết đổi niên hiệu, lấy tôn hiệu" Bắt buộc phải có bàn tay đạo diễn nhúng vào. Đương nhiên là họ Trần làm đạo diễn, nhưng người nào là đạo diễn chính, ai là đạo diễn phụ và ai là người chủ xướng trong biến cố này"

Vai trò của Trần Thủ Độ

Trần Thủ Độ là em con ông chú của Trần Thừa và Trần Tự Khánh. Trần Thủ Độ là một võ tướng có tài dưới quyền Tự Khánh. Lần đầu xuất trận lúc khoảng hai mươi tuổi (Thủ Độ sinh năm 1193), khi theo Tự Khánh đánh kinh đô Thăng Long (năm 1213) và thắng trận, sau đó lại đánh thắng hai nhân vật cự phách ở vùng Hồng là Đoàn Thượng và Đoàn Văn Lôi trong lúc trên đường đi trấn nhậm Lạng ải.

Năm 1224, Trần Thủ Độ được triệu về Thăng Long làm Điện tiền chỉ huy sứ (lúc 31 tuổi), chỉ huy lực lượng bảo vệ nội cung, đây là một chức vụ rất quan trọng, có thể duy trì hay lật đổ một triều đại nếu có hậu thuẫn bên ngoài. Vua Thái Tổ nhà Lý là Lý Công Uẩn đã giữ chức vụ này và đã thay thế nhà Tiền Lê, làm vua đầu tiên của nhà Lý. Trần Thủ Độ với chức vụ Điện tiền chỉ huy sứ muốn bắt chước việc này để nhà Trần thay nhà Lý.

(Người viết xin sao lại những đoạn trích trong hai bộ sử là ĐVSL và ĐVSKTT song song, để những sử liệu này bổ túc lẫn nhau, ngõ hầu có thể tìm hiểu rõ hơn về giai đoạn biến chuyển quan trọng này)
Một năm sau khi Lý Chiêu Hoàng lên làm vua, Trần Thủ Độ bắt đầu“đạo diễn” cảnh thay đổi triều đại. Thủ Độ cho người "viết dùm" Chiêu Hoàng tờ chiếu "Ất Dậu, Thiên Chương Hữu Đạo năm thứ 2 [1125]…. mùa đông tháng 10 , xuống chiếu tuyển con em của quan viên trong ngoài sung vào các sắc dịch trong nội, như lục hỏa thị cung ngoại, Chi hậu, Nội nhân thị nội (112), ngày đêm thay phiên nhau chầu hầu"(ĐVSKTT). Với tờ chiếu này, Thủ Độ chính thức đưa thân quyến họ Trần vào cung, tiếng là hầu hạ, nhưng là để bao vây cô nữ chúa nhỏ bé, dò xét động tĩnh trong nội cung và chờ cơ hội thuận tiện : "Điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ coi giữ mọi việc quân sự trong ngoài thành thị. Cháu gái Thủ Độ bằng chú là Trần Bất Cập làm Cận thị thự lục cục chi hậu (113), Trần Thiêm làm Chi ứng cục, Trần Cảnh làm Chính thủ"(ĐVSKTT).

Trần Cảnh là con thứ của quan Phụ quốc thái úy Trần Thừa, một cậu bé cùng tuổi với Chiêu Hoàng (sinh năm 1218) và có tướng mạo đẹp, Thủ Độ đưa cậu bé này đi sát với Chiêu Hoàng. Dù là vua đi nữa, đứa bé nào mà chẳng muốn có bạn chơi chung, ngoại trừ bị bệnh tâm thần. Chiêu Hoàng, một cô bé mới 8 tuổi, không thể nào ngoại lệ. Thấy Trần Cảnh gần mình "Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu, đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh… Lại một hôm, Chiêu Hoàng lại lấy khăn trầu ném cho Cảnh, Cảnh lạy rồi nói: "Bệ hạ có tha tội cho thần không" Thần xin vâng mệnh". Chiêu Hoàng cười và nói: "Tha tội cho ngươi. Nay ngươi đã biết nói khôn đó". Cảnh lại về nói với Thủ Độ "(ĐVSKTT). Thế là "cá đã cắn câu", cô nữ chúa nhỏ bé đã chọn Trần Cảnh làm bạn để nô đùa. Thủ Độ thấy đã tới lúc cần phải hành động …

Trần Thủ Độ về bàn với Trần Thừa và bà thái hậu họ Trần(114)(mẹ của Chiêu Hoàng) về những hành động “lấy tay vốc “nước”té ướt cả mặt Cảnh”của Chiêu Hoàng. Thấy Chiêu Hoàng thân cận với Trần Cảnh, Thủ Độ bày vẽ gán ghép chuyện vợ chồng cho hai đứa bé con 8 tuổi (năm 1225) chưa biết chuyện gì (115)!

" Thủ Độ nói: "Nếu thực như thế thì họ ta thành hoàng tộc hay bị diệt tộc đây""…." Thủ độ sợ việc [33b] tiết lộ thì bị giết cả, bấy giờ mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm (116). Thủ Độ đóng cửa thành và các cửa cung, sai người coi giữ, các quan vào chầu không được vào. Thủ Độ loan báo rằng: "Bệ hạ đã có chồng rồi". Các quan đều vâng lời, xin chọn ngày vào chầu"(ĐVSKTT). Cổng nội cung bị đóng, trong cung chỉ còn lại vua Huệ Tông, hoàng hậu họ Trần, Lý Chiêu Hoàng, Thái hậu họ Đàm và những người hầu hạ, còn quan lại nhà Lý thì bị chặn không cho vào. Chỉ những vị quan nào Thủ Độ muốn mời vào để…. "diễn xuất" …!

"Mùa đông, tháng 11 (Nv:1225), Thái Thượng Vương thấy nữ Vương còn nhỏ, lấy làm lo âu mới cho mời Phùng Tá Chu đến mà định mưu nói rằng: "Trẫm vì không có đức, Trẫm mắc tội với trời, cho nên bị tuyệt hậu, không có con để nối dõi. Nay Trẫm truyền ngôi cho con gái, nhưng thấy một người đàn bà mà khiến bảo đám đàn ông, như có điều là bọn chúng không giúp cho, tất đến lúc hối hận lại thì cơ nghiệp đã mất rồi. Chi bằng Trẫm theo cái phép thuở xa xưa của Đường Nghiêu, cái thể thức gần đây là Nhân Tổ (117), để kén chọn người hiền mà trao ngôi cho. Nay có điều Trẫm thấy là mỗ (118)người con thứ hai của Thái úy (Trần Thừa) tuổi hãy còn nhỏ mà tướng mạo khác thường, tất có thể giúp đời, yên dân. Cho nên, Trẫm muốn dùng làm con mà làm chủ cở nghiệp nước nhà. Vả lại, Trẫm thấy Chiêu Vương cũng xứng đôi với mỗ. Các khanh hãy vì Trẫm mà nói với quan Thái úy rõ (119)" (ĐVSL) . Vua Huệ Tông bàn tính việc nhường ngôi cho họ Trần với Phùng Tá Chu (người thân cận của họ Trần, chắc đây là một diễn viên đã được họ Trần Thủ Độ chọn lựa)! Có lẽ vua Huệ Tông đã không thể có chọn lựa nào khác! Phùng Tá Chu, Phan Lân và Nguyễn Ngạnh là những người mà Trần Tự Khánh đã sai đi để đưa em gái của ông là Trần Thị Dung (Trần thái hậu) về với Huệ Tông. Ảnh hưởng đến quyết định của vua Huệ Tông hơn cả là bà Thái hậu họ Trần, người làm nội công cho việc thay đổi triều đại. Ngoại thích họ Trần đã làm chủ triều đình, nhà Lý coi như đã mất với quyết định không thể chọn lựa này của Thái Thượng hoàng Huệ Tông.

(còn tiếp)

108) Theo thiển ý, chức "Phụ quốc thái uý" tương đương với chức tể tướng hay Thủ tướng ngày nay
109) Trước đó thì ghét cay ghét đắng, nhưng sau đó lại như thế này! Vua Huệ Tông thì tâm thần không sáng suốt, tuy nhiên thái hậu và đám ngoại thích không nhìn thấy là nhà Lý đang từ từ rơi vào tay họ Trần hay sao"

110) Trần Báo được phong tước vương và thụy hiệu thì chắc là ông này vừa qua đời. Người viết chưa tra cứu được Thượng phẩm hầu Trần Báo có liên hệ thế nào với Trần Tự Khánh. Ông này chắc là phải có liên hệ rất gần với Tự Khánh nên mới được phong tới Thượng phẩm hầu, rồi khi chết được phong tước vương . Trần Hải là con Trần Tự Khánh được phong tước Hiển Đạo Vương khi còn sống. Vậy theo phỏng đoán của người viết thì Trần Báo là em Trần Hải, con Trần Tự Khánh.
111) ĐVSKTT: "Mùa hạ, tháng 6, hoàng trưởng nữ sinh ở bãi Cửu Liên, sau phong làm công chúa Thuận Thiên". Người viết chưa tra cứu được tên thật của vị công chúa này. Công chúa Thuận Thiên sau này được gả cho con cả Trần Thừa là Trần Liễu (Thuận Thiên công chúa là con của bà cô Trần Liễu - Trần Thị Dung), tuy nhiên khi bà này có thai 3 tháng, Trần Thủ Độ bắt gả cho Trần Cảnh là em Trần Liễu vì lúc này Thái Tông Trần Cảnh chưa có con trai.

112) Ghi chú trong ĐVSKTT: "Lục hỏa thị cung ngoại: sáu hỏa (có lẽ là sáu đội lính) hầu ngoài cung; Chi hậu, Nội nhân thị nội: các chức chi hậu và nội nhân hầu bên trong".

113) Ghi chú trong ĐVSKTT: " Cận thị thự lực cục chi hậu: chức chi hậu ở sáu cục của cận thị thự là thự giữ việc hầu cận vua"(câu này có vẻ khúc mắc khó hiểu, tuy nhiên người viết sao lại giống như bản chính).

114) Trần thái hậu lúc này đã có “cảm tình” với quan Điện Tiền chỉ huy sứ lâu rồi, từ khi ông này vào cung (1224) hay trước đó (") và vua Huệ Tông thì đang ở chùa Chân Giáo.
“Hoàng hậu mới cùng với Thủ Độ tư thông, rồi bàn mưu ở trong cung làm tờ chiếu để vua nhà Lý truyền ngôi cho nhà Trần”(VSK ĐTGCM).

115) Cuối thời Lý, câu “nữ thập tam nam thập lục” chưa có trong dân gian hay sao mà họ Trần bắt Trần Cảnh và Chiêu Hoàng “tảo hôn” sớm thế này! Dù “lửa gần rơm” nhưng đứa bé trai 8 tuổi thì làm sao mà làm đượ c “chuyện người lớn”. Chắc là tại Trần thái hậu và quan Điện tiền chỉ huy sứ quá “sốt ruột” nên tự châm lửa “đốt rơm”!

116) Quan Điện tiền chỉ huy sứ rõ là vẽ chuyện ! Ai dám vào đây mà giết! Quân đội coi nội cung thì ngài coi. Ngoài thì Phụ quốc Thái úy Trần Thừa nắm toàn bộ binh lực họ Trần.

117) ND: "Nhân Tổ tức là Lý Nhân Tông. Lý Nhân Tông riêng trong hoàng tộc thì đối với Lý Huệ Tông cũng là hàng "Tổ". Nhân Tông (tức Nhân Tổ) không có con truyền ngôi cho cháu là Dương Hoán, tức là Lý Thần Tông".
118) ND: " Người chép sử ở vào triều nhà Trần nên kiêng tên húy của vua Trần Thái Tông là Trần Cảnh mà chép tên "mỗ"…"[/i]

119) NV: "Thưa thượng hoàng, Quan Thái úy đã biết sự việc rất rõ ràng từ đầu tới cuối rồi ạ !"

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.