Hôm nay,  

Lão Ngoan Đồng’ Hoàng Anh Tuấn Đã Ra Đi

07/09/200600:00:00(Xem: 3827)

Từ phải: Hoàng Anh Tuấn, Đỗ Vẫn Trọn.

10 giờ sáng, Mai Hân gọi điện thoại báo một hung tin:  Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn đã chết.

Tôi vội vã đến viện dưỡng lão Mission De La Casa, San Jose, nơi anh đang điều trị.  Căn phòng lạnh buốt.  Chị Phương Trâm, người bạn đời sau này của anh đang thu gom quần áo, đồ đạc còn lại.  Hai chị em buồn bã ôm nhau khóc.

Tôi nhìn thấy trên đống đồ nực mùi tử sinh có cái nón nỉ màu đen gắn hình Chúa Jesus mà anh hay đội từ nhiều năm nay.  Tôi xin chị Trâm cái nón này như một kỷ vật còn lại giữa anh em chúng tôi.

Không tin, nhưng đó là sự thật.  Thi sĩ Hoàng anh Tuấn, người anh văn nghệ của chúng tôi, tác giả của những bài thơ nổi tiếng cùng thời với nhà thơ Nguyên Sa đã vĩnh viễn ra đi lúc 8 giờ sáng ngày 1 tháng 9 năm 2006, hưởng thọ 74 tuổi.

"Bài Công Chúa Tháng Chín" như một lời gửi gấm của anh.

"...Trời mai sớm giải khăn san thấp thoáng

Cỏ ven đường nghiêng né bước chân ngoan

Có một nàng công chúa sắp đi ngang

Trên tà áo còn nguyên màu cổ tích

Xin trở lại thuở ngày xưa tinh nghịch

Cầm tay nhau  lần đó để xa nhau

Để ước ao khi thương nhớ nghẹn ngào

Được cầm lại bàn tay em công chúa ..."

Tôi báo tin cho chị Kiều Chinh, anh Du Tử Lê.  Cả hai người bàng hoàng, giọng run run hỏi tôi.  Thật không Trọn!

Những người anh thân thiết nhất của tôi:  Du tử Lê, Vũ Bình Nghi, Đào Qúi Châu, Khánh Trường... dần dần ngã bệnh.  Và những người anh trước đó đã im ỉm nằm sâu trong lòng đất:  Mai Thảo, Nguyên Sa, Cao Đồng Khánh, Phạm Huấn, Thanh Tâm Tuyền ... mới đây là anh Đỗ Ngọc Yến, và giờ đến lượt anh Hoàng Anh Tuấn.  Ai Còn" Ai mất" Đời người như bóng ngựa hồ qua kẽ cửa.  Sống/ Chết.  Thật là cõi vô thường.

Tôi gặp anh Hoàng Anh Tuấn tại toà soạn báo anh Du Miên ở quận Cam vào cuối năm 1981, lúc đó anh Tuấn từ tiểu bang Ohio qua.  Và tôi, cũng vừa từ trại tỵ nạn Thái Lan sang Mỹ được vài tháng.  Tôi kể cho anh Tuấn những chuyến vượt biên hãi hùng của tôi, với 13 lần lênh đênh trên biển cả, đùa giỡn với tử thần.  Anh hỏi tôi thích làm gì"  Tôi bày tỏ ý định muốn trở thành đạo diễn.  Anh bảo: "Bắt đầu đi.  Anh giúp em".  Từ đó, hai anh em thân với nhau. Ngày nào tôi cũng cùng với anh Tuấn, anh Mai Thảo, anh Du Tử Lê gặp nhau.  Anh Mai Thảo khi "ngất ngưỡng" hay mắng anh Tuấn, nhưng là " mắng yêu".  Cuối cùng vẫn là một câu nói rất trưởng thượng của anh Mai Thảo.  "Thằng Tuấn làm thơ hay thật... " Qua anh Mai Thảo tôi biết nhiều về anh Tuấn hơn.  Thi sĩ họ Hoàng xuất thân trong một gia đình giàu có tại Hà Nội.  Năm 1948 du học bên Pháp, định theo ngành Triết nhưng do thi sĩ Nguyên Sa rủ rê về Paris .  Mê văn nghệ, thích lang bạt kỳ hồ nên học đạo diễn.  Năm 1958 về nước.  Chỉ 2 tháng sau thơ của Hoàng Anh Tuấn, nhất là thể thơ lục bát chinh phục người đọc trên các báo văn nghệ và các nhật báo ở Sài Gòn.  Lần đầu tiên anh Mai Thảo và anh Văn Quang đến gặp anh Hoàng Anh Tuấn.  Anh Mai Thảo hỏi: "Ê, mày là Tuấn hả, dân Paris về chứ gì, làm thơ khá lắm, đi uống rượu với bọn tao không..."  Chuyện này anh Tuấn kể cho tôi nghe.  Anh Tuấn rất tiếu lâm, hồn nhiên nhưng cũng rất "gàn".  Anh chỉ nhượng bộ anh Mai Thảo.  Có lúc, anh cũng quát tháo ầm ỹ, nhưng chỉ một lúc sau là bông đùa, trêu chọc mọi người nên anh Du Tử Lê gọi anh là "Lão Ngoan Đồng-  Châu Bá Thông".  Chị Kiều Chinh gọi anh là đạo diễn: "Trẻ mãi không già".  Còn tôi, thân mến gọi anh là "Hoàng Công Tử".

 Với anh Hoàng Anh Tuấn lúc nào cũng là bạn hữu.  Người lớn tuổi hoặc nhỏ tuổi hơn, anh cũng xưng hô với nhau là "tao- mày".  Đôi lúc anh cũng ngây ngô.  Một buổi sớm khác với thường lệ, anh ăn mặc chỉnh tề đến tòa soạn tuần báo Yêu, dáng vẻ như đang đợi chờ ai.  Tôi hỏi: "Hôm nay anh làm gì mà quan trọng vậy "".  Anh nghiêm nghị trả lời : "Anh có hẹn với một người rất giàu có muốn làm phim".  Tôi hỏi ai vậy" Anh kể ra thì tôi biết ngay là người nào.  Hoá ra là một người rất mê thơ của anh Tuấn, nhưng lại "tàng tàng".  Anh Tuấn như bị xìu xuống. 

Một hôm tôi với anh đi San Francisco.  Anh chỉ một người Mỹ đen rồi nói : "Cô đó giống người trên mình quá hả Trọn".  Ý ảnh nói giống người miền Cao Nguyên của tôi.

Năm 1990 khi đón Ba Mẹ tôi từ Việt Nam sang đoàn tụ.  Anh Tuấn dõng dạc tuyến bố: "Năm 1947, cháu đã tham dự đám cưới hai bác".  Ba tôi rất đỗi ngạc nhiên.  Tôi mới giải thích cho Ba Mẹ tôi biết khi làm giấy tờ bảo lãnh cho gia đình , tôi điền tên anh Tuấn là nhân chứng của đám cưới Ba Mẹ tôi.  Cả nhà phì cười.  Anh Tuấn khi viết báo, viết chuyện phiếm dùng nhiều bút hiệu khác nhau như : Thợ Đấu, Thợ Nói... Kể chuyện về anh Hoàng Anh Tuấn, chúng tôi có quá nhiều kỷ niệm.  Tôi và ảnh chu du rất nhiều nơi.  Anh rất thích đi Trung Quốc, tôi có hứa đưa anh đi nhưng rồi anh ngã bệnh nên chưa đi được.

Anh Hoàng Anh Tuấn sau một thời gian làm báo với anh Du Miên ở quận Cam thì về Virginia cộng tác với anh Nguyễn Thanh Hoàng, chủ nhiệm tờ Tiền Phong.  Được gần 1 năm thì anh về lại quận Cam.  Thời gian này, tôi thường lái xe chở anh Tuấn, anh Mai Thảo lên San Jose chơi.  Chúng tôi hay đến San Jose lúc nữa đêm, thành phố chìm đắm trong sương mù, nổi bật những ngọn đèn vàng lấp lánh như một thảm hoa.  Tôi gọi San Jose là "Thung Lũng Hoa Vàng" trong ý niệm đó.  Anh Tuấn rất thích San Jose và có ý định làm việc chung với tôi tại đây.

Năm 1987 anh lên San Jose. Anh xem tôi như người bạn vong niên.  Hai anh em sống gần nhau trong một căn phòng nhỏ trên đường số 19, San Jose.  Chị Phương Trâm nấu ăn rất ngon nên hay đãi đằng bạn bè tại đây.  Nơi chốn này đánh dấu nhiều kỷ niệm giữa chúng tôi .  Một số truyện ngắn của tôi cũng được viết tại đây.  Anh Tuấn mỗi lần uống rượu hay kể cho tôi nghe chuyện làm phim, làm báo, làm thơ.  Một bữa có anh Nguyễn Xuân Phác, lúc đó là chủ nhiệm tờ báo Dân Tộc, nhà thơ Trần Nghi Hoàng, anh Lưu Thế Ngọc, anh Nguyễn Thừa Dzu…... Chúng tôi ngồi bệt xuống thảm  uống rượu với nhau.  Mọi người  tâm sự  chuyện làm báo bên Mỹ.  Chật vật với quảng cáo. Khổ sở trăm bề.  Không có cái thời vàng son năm nào của các anh làm báo trước 1975. Anh Tuấn đập cái ly nhìn mọi người buồn buồn với thế sự "bẽ bàng" này.

Năm 1988, anh cùng ca sĩ Mai Hân chủ trương tờ báo "Thung Lũng Tình Yêu", một vài tháng thì tờ báo đình bản.  Sau đó, tôi chuyển giao vai trò chủ bút tuần báo Yêu thuộc Hệ Thống Truyền Thông VIên Thao để anh và nhà văn Sao Biển phụ trách.  Năm 1992, tôi mời anh làm Giám Đốc Đài phát Thanh Sài Gòn.  Đây là chương trình phát thanh Việt Ngữ đầu tiên trên làn sóng AM-1500 tại Hoa Kỳ.

Sau một thời gian dài cộng tác với Hệ Thống Truyền Thông VIên Thao, đến năm 1998 thì anh bị bệnh, thường hay xiủ nơi làm việc.  Chứng bệnh mà anh cũng không hiểu tại sao mỗi ngày bụng và người anh như bị "trướng".  Anh mập ra nhiều.  Tháng 1 năm 2005, bác sĩ phát giác anh bị ung thư phổi.  Tháng 2 năm 2005, anh được đưa vào viện dưỡng lão Mission De La Casa - San Jose.  Thời gian này nhà báo Phạm Huấn ( đã mất) là người bạn tri kỷ nằm cùng phòng với anh.  Tháng 4 năm 2005, chị Phương Trâm và cô con gái của anh Tuấn cùng với anh Phạm Hùng tổ chức ra mắt thi phẩm đầu tay "Yêu Em, Hà Nội và những bài thơ khác" của Hoàng Anh Tuấn tại viện dưỡng lão này.  Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn và nhà báo Phạm Huấn đều ngồi xe lăn, người chằng chịt ống truyền thuốc.  Thi sĩ Hà Thượng Nhân sức khỏe rất yếu nhưng cũng đến tham dự và phát biểu cảm tưởng.  Buổi ra mắt tập thơ trong một phòng ăn của viện dưỡng lão diễn ra thật xúc động. Giới văn nghệ và bạn bè tham dự khá đông đủ.

Tập thơ "Yêu em, Hà Nội và những bài thơ khác" được phát hành là nhờ Hoàng Thu Thuyền, cô con gái của anh thu góp lại để in thành tập.  Nhiều bài thơ hay mà anh đã làm từ năm 1949 đến nay chưa thấy in trong tập thơ này. 

Hoàng Anh Tuấn sinh ngày 7- 5- 1932 tại Hà Nội.  Ngoài tài làm thơ, viết văn, viết báo, viết kịch với những vở kịch như:  Ly Nước Lọc, Hà Nội 48 ... Anh còn là đạo diễn điện ảnh với những phim :  Ngàn Năm Mây Bay, Xa Lộ Không Đèn... Có người gọi anh là đạo diễn.  Có người gọi anh là nhà thơ.  Anh vẫn thích gọi thi sĩ hơn là đạo diễn.

Anh lập gia đình khi du học bên Pháp.  Vợ anh là chị Ngô Thị Liên, một người đàn bà rất trí thức.  Họ có với nhau 6 người con là  Hoàng Hôn Thắm, Hoàng Ánh Thép, Hoàng Thu Thuyền, Hoàng Hương Thao, Hoàng Mạc Tuyên, và cô gái út là Hoàng Thái Trang kết duyên cùng anh Trần Văn Học, con trai của cố thi sĩ Nguyên Sa.

 Thời gian sau này anh sống chung với chị Khương Thị Phương-Trâm.  Suốt thời gian anh bị bệnh, chị Trâm là người cận kề chăm sóc anh.  Tuy đời sống chị khó khăn, phải chăm lo mẹ già trên 90 tuổi, đau ốm triền miên và đứa con trai 25 tuổi không bình thường.  Vậy mà, ngày đêm chị canh cánh bên cạnh để lo cho anh Hoàng Anh Tuấn.  Chị rất quả cảm và có nghị lực phi thường.  Nhiều lúc, tôi có cảm tưởng như chị sẽ bị gục ngã trước gánh nặng gia đình.

Thi sĩ Hoàng Anh Tuấn là một trường hợp vô cùng đặc biệt.  Chưa có tác phẩm nhưng lại vô cùng nổi tiếng như một tài thơ lớn của thi ca Việt Nam.  Người ta biết nhiều đến anh qua bản nhạc "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội" viết chung với cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương trên một căn gác ở đường Trần Hưng Đạo- Sài Gòn vào năm 1966, lời từ thơ của Hoàng Anh Tuấn:

"Mưa hoàng hôn

Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn

Thoảng hương tóc em ngày qua

Ôi người em Hồ Gươm về

nương chiều tà

Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hòa

Thương màu áo ngà

Thương mắt kiêu sa

Hiền ngoan thiết tha

Thơ ngây đôi má nhung hường

Hà thành trước kia thường thường

Về cùng lối đường

Khi mưa buốt, lạnh mình ướt

Chung nón dìu bước

Thơm phố phường

Mưa ngày nay

Như lệ khóc phần đất quê hương tù đày

Em ngoài ấy còn nhớ hẹn xưa miệt mài

Giăng mắc heo may

Sầu rơi ướt vai

Hồn quê tê tái..."

 Những năm gần đây, nhạc sĩ Phan Nguyên Anh phổ nhạc "Bài Thơ Hà Nội" của anh được ca sĩ Như Mai trình bày khắp nơi.

"Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói

Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ

Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa

Anh nắn nót một trường thi lãng mạn

Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ trạm

Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai..."

Cái đáng yêu nhất của Hoàng Anh Tuấn là không bao giờ giữ lại thơ của mình.  Thơ của anh thường tặng rất nhiều "Nàng Thơ". Anh còn có tài vẽ và viết chữ rất đẹp.  Trỗi bật nhất là đề tặng thơ trên tà áo dài:

"Ngọn gió nào êm ái

Xin về tà áo em

Ngọn gió nào diụ hiền

Cho áo em mềm mại

Cho mềm mại áo em

Ngọn gió nào dễ thương

Tà áo em khép lại ..."

 Anh Hoàng Anh Tuấn làm thơ rất nhanh.  Có lúc, hút chưa xong điếu thuốc đã có ngay một bài thơ.  Chỉ một khoảng khắc mà ý thơ và chất thơ của anh quyện thành một bài lục bát diễm tuyệt :

"Dìm ta vào tận cuối sâu

Lần theo mê cảm lối vào riêng em

Buổi mai nào khoác hồn đêm

Mưa lay song khép, trăng then cửa cài

Cung cầm cong vút âm giai

Cỏ thưa nép mộng ngấn vài giọt sương"

Cách đây 2 tuần, tôi vào viện dưỡng lão thăm anh.  Anh vẫn cười nói huyên thuyên.  Anh kể chuyện này, chuyện nọ. Căn phòng rộn rã tiếng cười nói của anh.  Hôm nay, trong căn phòng này tôi thấy u uất làm sao.  Ánh đèn mờ nhạt.  Tiếng cười.  Tiếng nói.  Dáng đi nặng nề của anh đều im lặng.  Im lặng để tôi đừng bật thành tiếng khóc.

Mỗi lần có một người thân ra đi là anh em văn nghệ chúng tôi xích lại gần nhau hơn.  Tôi nhớ mãi câu nói của anh Mai Thảo: "Chúng ta có một loại tiền tệ riêng mà người ngoài không xài được".

Sau hôm anh đi, tôi đến với đêm Vũ Thành An.  Gặp nhiều bạn bè, ngồi uống rượu với nhau.  Ai cũng tưởng nhớ đến anh.  Anh Phạm Đức Vượng- Nguyễn Trung Quang- Trần Định, cầm tay tôi xiết mạnh.  Đêm đó, tôi uống thật nhiều, thật say.  Tôi không cầm giữ được xúc động.  Tôi choàng vai anh Nguyễn Xuân Hoàng, anh Cao Sơn khóc oà lên.  Tôi khóc nức nở.  Tôi nói : "Em nhớ anh! anh Tuấn ơi!"

Hôm nay, gia đình anh, bạn bè anh, người thân anh sẽ đến trước linh cữu của anh để nhìn anh lần cuối.  Anh vẫn cười, vẫn vui nha anh Hoàng Anh Tuấn - Lão Ngoan Đồng Châu Bá Thông. 

Mai này, có dịp nào ngang qua đường Hai Bà Trưng nơi nhà thờ Tân Định- Sài Gòn, em  sẽ thắp một nén nhang trước tro cốt anh  được đặt tại đó.  Em cúi đầu ngưỡng vọng về anh, về một thi sĩ tài hoa rất đáng yêu.

Chào anh.  Vĩnh biệt anh.  Anh Hoàng Anh Tuấn !

Bài viết vừa xong.  Giọt lệ của em cũng vừa chảy xuống.

đỗ vẫn trọn

( San Jose, ngày 4 tháng 9/ 2006 )

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.