Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Long Tân, Chiến Tích Oai Hùng Của Quân Đội Úc

21/08/200600:00:00(Xem: 2467)

LND: Tiểu đoàn 6 bộ binh Úc (6 Royal Australian Regiment gọi tắt là 6RAR) được thành hình vào tháng 6 năm 1965 ở trại Alamein, Enoggera Queensland, và có đủ túc số tiểu đoàn (full strength) vào tháng 9/65. Sau thời gian thao luyện tại quân trường, tiểu đoàn được gởi sang tham chiến ở Việt Nam vào tháng 5/66, và ba tháng sau, đã lập nên chiến tích lẫy lừng tại Long Tân. Sau trận Long Tân, tổng thống Lyndon B. Johnson đã gởi bằng khen ngợi, tuyên dương sự dũng cảm của cả đại đội D. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm trận giao tranh đẫm máu ở Long Tân, nơi mà sự anh dũng của các quân nhân thuộc tiểu đoàn 6 Bộ Binh Hoàng Gia Úc đã khiến cho cộng quân phải táng đởm kinh hồn suốt nhiều năm sau đó và luôn luôn giật mình khi phải đối đầu với các toán quân Úc, tạp chí The Bulletin, số đề ngày 15/08/06 có đăng bài viết của ký giả Bernie Lagan tựa đề Escape From Hell - Vượt Thoát Từ Hỏa Ngục, phỏng vấn bốn cựu quân nhân Úc từng tham dự trận chiến này. Sau đây là phần lược dịch của bài báo.

*

Phi công trực thăng Bob Grandin, 25 tuổi đứng thư giãn gần chiếc trực thăng UH-1 Iroquois (thường được gọi là Huey). Đâu đây vẳng lại tiếng ban nhạc đang tập dượt cho buổi trình diễn của hai ca sĩ nhạc trẻ Litle Pattie và Col Joye từ Úc sang ủy lạo chiến sĩ. Ông Grandin cảm thấy khoái trá vô cùng vì được giao trách nhiệm chở hai nghệ sĩ này từ Vũng Tàu đến căn cứ Núi Đất. Ông là phi công trẻ nhất của Không Quân Hoàng Gia Úc tham chiến tại Việt Nam. Ngày hôm ấy, 18/08/1966, ông không rời xa chiếc trực thăng của mình.
Một số tin tức đáng lo ngại đã xảy ra trong thời gian gần đây. Khoảng 3 giờ sáng ngày trước đó thì cả căn cứ đã bị đánh thức bởi một loạt những tiếng nổ nhỏ tại các đồn điền cao su ở phía Đông, tiếp theo là tiếng đạn rít gió và một loạt những tiếng nổ quá gần. Pháo kích! Hai mươi hai người bị thương, một người sau đó chết vì vết thương quá nặng. Cuộc pháo kích kéo dài chưa đầy một giờ đồng hồ thì chấm dứt.
Đa số trong căn cứ cho rằng đấy chỉ là một cuộc pháo kích thuộc loại bắn đại rồi tháo chạy (shoot and scoot) của du kích VC địa phương. Chỉ có một người không nghĩ như thế: Thiếu Tá Harry Smith, 33 tuổi, tuy nhỏ con nhưng đầy sự tự tin. Tỉnh thức và đã chuẩn bị sẵn sàng, đại đội của ông gởi một văn thư báo cáo, vào khoảng 3g30 sáng, lẫn vào những tiếng nổ của đạn mọt-chê (mortars), ông còn nghe được tiếng đạn đại bác xé gió. Ông không dám đoan chắc trăm phần trăm. Nhưng, nếu sự thật đúng như ông nghĩ thì đấy là dấu hiệu cho thấy có sự hiện diện của một lực lượng khác nguy hiểm hơn, đang ẩn nấp đâu đó.
Ông Smith không phải là người xa lạ với chiến cuộc. Vốn từng là lính nhảy dù và cũng từng phục vụ trong lực lượng đặc biệt, ông đã ghi chiến tích đầu tiên khi mới 22 tuổi với khẩu súng trường M1 ở chiến trường Malaya một thập niên trước đó.
Các toán tuần phòng của tiểu đoàn 6RAR, kể cả các trung đội từ những đại đội Alpha, Bravo và Charlie đã được điều động càn quét khu vực chung quanh vài giờ sau khi cuộc pháo kích chấm dứt. Họ tìm được những địa điểm đặt vũ khí của địch quân cũng như dấu vết chuyển quân của chúng. Một toán trinh sát SAS gần Bình Giã thấy được 10 tên cộng quân đang rút lẹ vào rừng và sau đó họ báo cáo “thấy sự di động thường xuyên của địch quân”.
Bây giờ, 36 giờ sau cuộc pháo kích, trong lúc ông Grandin đang thư giãn gần chiếc trực thăng thì thiếu tá Smith thống lãnh đại đội Delta - bao gồm 120 người thuộc tiểu đoàn 6 Bộ Binh Úc cùng với ba chuyên viên pháo binh (artillery specialists) của Tân Tây Lan - lên đường hành quân, hướng về khu rừng cao su. Đa số các quân nhân này là lính quân dịch (national service men), nhập ngũ chưa tới một năm. Một số cảm thấy bực bội vì phải hành quân lùng Việt Cộng ngay ngày mà căn cứ có đại nhạc hội.
Trong số những người không bực bội tí nào vì chuyện này là ông Buddy Lea, lúc ấy 25 tuổi, tiểu đội trưởng thuộc trung đội 10 (một trong ba trung đội của đại đội Delta). Ông là người gốc dân đảo Kanaka, gia đình sinh sống ở Cape York từ khi tổ tiên vô Úc làm việc tại các vườn mía. Như thượng cấp của mình, ông Lea không nghĩ sẽ có cuộc chạm súng nào trong cuộc hành quân này. Chỉ có thể đụng một vài tên du kích lẻ tẻ thôi. Ông cũng biết rằng khoảng 80% những bạn đồng ngũ trong đại đội là tân binh, và vì thế, trong cương vị lính chuyên nghiệp (career soldier), ông cảm thấy mình có bổn phận phải bảo vệ họ.
Bước sát gót chân thiếu tá Smith là người trầm lặng nhất đại đội Delta: ông Phil Dobson, quân y của đại đội, 25 tuổi, và cũng là một quân nhân chuyên nghiệp. Ông đã được huấn luyện để trị liệu băng bó những vết thương chiến trường và mang theo trong balô thuốc morphine cùng nhiều cuộn băng. Ông nghĩ mình chỉ phải điều trị những vết thương thông thường trong hành quân như bị vấp ngã, bị nóng ngất, bị đứt tay.v.v. mà thôi.
Thế nhưng, đến cuối cuộc hành quân thì thiếu tá Smith, ông Lea và ông Dobson đều trở thành những người hùng mà tên tuổi được vinh danh mãi mãi trong lịch sử. Và sau đây là câu chuyện của họ trong ngày lịch sử ở Long Tân.
Chặng đường 4 cây số giữa căn cứ của Úc ở Núi Đất và đồn điền cao su ở Long Tân ở phía Đông là một đoạn đường dốc thoai thoải. Thiếu tá Smith thúc quân đi nhanh hơn. Họ phải vững bước với một ba lô nặng 40 ký trên lưng giữa trời nắng gắt oi bức để truy lùng kẻ địch mà gần như mọi người tin rằng đã lẩn trốn mất từ lâu.
Địa điểm mà bọn Việt Cộng đặt súng pháo kích vào căn cứ đã bị đại đội Bravo phát hiện trước đó. Tin rằng địch quân đã chạy xa hơn về hướng Đông và lẩn trốn trong khu rừng già sau đồn điền cao su, thiếu ta Smith ra lệnh cho lính dàn hàng ngang để dò theo dấu xe bò tải thương của chúng. Khoảng 3g35 trưa, ông nghe có tiếng súng nổ ở cánh hữu của mình. Trung đội 11, tiến quân theo hình mũi tên đã gặp được ba tên Việt công đang lầm lũi bước trong rừng cao su trước mặt. Họ nổ súng và một tên giặc ngã quÿ. Hắn được đồng bọn khiêng đi nhưng làm rớt lại một khẩu AK-47 giữa vũng máu đỏ thắm.


Thiếu tá Smith cho phép trung đội 11 truy đuổi địch quân. Lúc bấy giờ không một ai nghĩ đến tầm quan trọng của khẩu AK-47 cũng như bộ quân phục xanh cứt ngựa của những kẻ địch đang tháo chạy: bọn chúng không phải là du kích địa phương mà là lính chính quy của Bắc Việt. Điều mà thiếu tá Smith không được biết là việc người ta đã dò được làn sóng truyền tin của lính chính quy VC hai tuần trước đó trong khu vực này. Ba tên lính Việt cộng chạy về nơi mà một lực lượng chính quy của Cộng Sản Bắc Việt với khoảng từ 2500 đến 3000 tên (sau này được biết là trung đoàn 275 thuộc sư đoàn 5 của Việt Cộng) đang ẩn nấp kỹ lưỡng giữa đồn điền cao su. Toán quân Úc không ngờ rằng quân địch ở rất gần, và những phát súng mà họ bắn vào toán tuần tiễu của bọn Việt Cộng đã báo động cho quân địch biết về sự hiện diện của đội quân Úc. Vào 4g08 chiều cùng ngày, bọn Việt cộng dùng hai khẩu đại liên bắn xối xả vào trung đội 11. Ông Lea kể lại: “Cả rừng cao su bất thình lình bùng nổ với hàng loạt đạn đại liên ròn rã khắp nơi. Lúc ấy tôi lập tức cho rằng đây phải là một đội quân hùng hậu. Loạt mưa đạn tiếp tục rơi xối xả và chúng tôi nghĩ rằng Đ.M. nó, tụi nó còn đông hơn mình tưởng nữa. Chuyện tai ác tệ hại nhất là không thấy tụi nó đâu cả”.
Chỉ trong vòng hai phút, 10 người trong tiểu đội tiền phong của trung đội 11 đã bị bắn gục. Ông Smith thuật lại: “Tôi quả thật vô cùng lo ngại về tình hình của trung đội 11. Họ không thể rút lui. Họ bị kềm chặt tại chỗ. Phân nửa trung đội đã tử vong hoặc bị thương. Và rồi tình hình trở nên tồi tệ hơn nữa”.
Các viên sĩ quan điều pháo (fire control officers) của thiếu tá Smith kêu pháo binh Tân Tây Lan (artillery battery) mở cuộc pháo kích vào vị trí của địch. Tiếng gầm vang dội của những khẩu đại bác này báo động cho căn cứ biết về cuộc chiến. Buổi đại nhạc hội được chấm dứt ngay tức khắc. Nữ ca sĩ Little Pattie được chở khỏi căn cứ ngay lúc ấy. Trong khi đó, giữa rừng cao su, trung đội 10 của ông Lea tháo bỏ balô và bò về hướng bọn Việt cộng.
Ông Lea bùi ngùi nhớ lại: Anh chàng Jack Jewry trẻ măng bò lên cạnh tôi rồi nói "Ê, áo của cậu nát tơi tả hết rồi. Cậu lãnh nhiều viên đạn quá đấy”. Tôi nói: “Không đâu”. Anh ta quả quyết : “Có mà". Lúc ấy quả thật tôi đã nhận ba phát đạn vào người, một viên xuyên thủng bụng của tôi. Jack nói anh ta sẽ cố giúp tôi bịt vết thương. Thế rồi tôi nghe thêm một tràng đạn đại liên nữa và xác anh đổ sụp xuống người tôi. Quả thật anh ta đã hy sinh tính mạng để cứu tôi”.
Ông Dobson trong lúc ấy chọn một chỗ đất trũng xuống để băng bó vết thương cho đồng đội. Ông hồi tưởng: “Chỉ trong vòng 20 phút là tôi biết rằng đây là một chuyện khá đặc biệt, với số lượng đạn mà địch bắn xối xả về hướng chúng tôi cũng như về con số đồng đội tôi bị thương. Tôi không nhớ được tên của người thương binh đầu tiên. Từ hông xuống đến mắt cá chân của anh ta bị rách, mở rộng toang hoác như thể một viên bác sĩ giải phẫu dùng dao mổ rọc dọc cái chân của anh vậy. Đó là lần đầu tiên mà tôi thấy được xương đùi của con người. Chúa ạ. Quả là một cú sốc khó quên. Tới bây giờ tôi vẫn nhớ mãi hình ảnh ấy”.
Ông không để cho bất kỳ một người nào trong số 19 người bị thương được trao cho ông băng bó chăm sóc. Có hai người lính khác, tuy không hề bị thương tích nhưng quá lo sợ nên lên cơn khủng hoảng. Ông Dobson kể lại: “Họ bị hoảng sợ quá đỗi. Tôi đặt họ ngồi dựa lưng vào gốc cây, rồi sau đó phải đẩy họ qua hướng khác vì họ chỉ biết ngồi rũ liệt và khóc nức nở khi đạn của địch chĩa vào chỗ họ ngồi. Tôi cảm thấy mình vô dụng quá đỗi vì không giúp gì thêm được cho chiến hữu của mình cả”.
Trời bỗng đổ mưa tầm tã giữa lúc đạn bay xối xả và chết chóc khắp nơi. Những giọt nước mưa cùng làn mưa miểng đạn rơi ào ạt khắp nơi. Trời đất rung chuyển vì loạt đạn đại bác đang được pháo binh câu vào vị trí của Việt Cộng. Từng đợt, từng đợt sét thắp sáng bầu trời. Con số cộng quân nhảy vào trận đánh ngày càng gia tăng mà đại đội nhỏ bé này lại gần hết cả đạn dược rồi.
Thiếu ta Smith gọi về Núi Đất để yêu cầu trực thăng thả thêm đạn dược tiếp viện. Viên trưởng phi hành đoàn của ông Grandin là ông Frank Riley nghe được lời kêu tiếp viện này và hết sức giận dữ khi thấy không quân Úc vẫn còn lưỡng lự vì trước đó đã có lệnh cấm không cho trực thăng bay qua chỗ đang có giao tranh. Ông Grandin kể lại: Lúc ấy Frank nói “Tôi là trưởng phi hành đoàn của chiếc trực thăng này và tôi có toàn quyền quyết định về hoạt động của nó. Không có thằng nào có thể ngăn cản tôi được cả”, và tôi nói với anh ta rằng “DDấy là một hành động điên rồ cùng cực anh Frank à”. Anh nạt tôi: "Nếu thế thì chú mày đếch cần phải theo tao. Tao đếch cần thằng phi công phụ nào cả”.
Nhưng sau đó thì ông Riley chấp thuận nghe lời khuyên của ông Grandin rằng họ cần có một kế hoạch rõ rệt. Họ đồng ý sẽ bay thật nhanh và thật cao để tránh đạn của Việt cộng. Khi tới ngay giữa trận giao tranh thì họ bay sát ngọn cây, nghiêng trực thăng qua một bên và thẩy những thùng đạn xuống tiếp viện. Họ bắt đầu rời căn cứ Núi Đất lúc 5g45 chiều. Ông Grandin là phi công phụ. Ông kể lại: “Lúc ấy có một trận bão thật lớn cách chúng tôi khoảng hai cây số, ngay trên bầu trời Long Tân, mưa như trút vậy. Khi khởi hành thì chúng tôi bay thật nhanh thế nhưng chúng tôi phải bay chậm lại vì mưa lớn quá khiến chúng tôi không thể nào nhìn xa được. Vì thế, chúng tôi gần như không nhúc nhích vậy, và mỗi lúc phải bay thấp dần, thấp dần, sát trên ngọn cây. Tôi không thể nào tin được rằng mình sẽ không bị bắn rớt”.
Ông Grandin nói tiếp: Khi ấy trời vẫn mưa tầm tã, tôi giữ liên lạc với đại đội Delta qua máy gọi và Frank lái chiếc trực thăng. Chúng tôi đâm thẳng vào một cây cao, tôi cố dựa sát vào ghế, thu người nhỏ lại để không trở thành một mục tiêu rõ rệt cho địch quân. Tôi liên lạc với quân nhà dưới đất và thông báo “DDang xuống hàng đây”. Chúng tôi lộn một vòng rồi quay một vòng, trực chỉ hướng mà chúng tôi đang tiến về. Các thùng đạn rớt ngay xuống chỗ quân Úc đang đứng”. Một chiếc trực thăng thứ nhì của Úc cũng tham gia vào cuộc tiếp viện đầy nguy hiểm này.
Khi trời tối thì xe bọc sắt của Úc (Armoured Personnel Carrier - APC) đã nhảy vào vòng chiến. Pháo binh Úc và Hoa Kỳ cũng tiếp tay pháo binh Tân Tây Lan để nã xuống đầu thù. Hơn 3,000 viên đạn đại bác đã hoàn thành sứ mạng của chúng. Cộng quân rút lui, với tổn thất nặng nề: khoảng gần 300 xác VC để lại chiến trường, và hơn 1000 lính VC bị thương.
Ông Smith nói: “Mỗi lần VC chúng thẩy một tiểu đoàn vào trận là chúng bị ngốn sạch. Cuối cùng thì địch không còn quân để thẩy vào vòng chiến nữa".
Đêm ấy, hai ông Grandin và Riley được lệnh bay ra chiến trường để tải thương. Ông Grandin nói: “Chúng tôi là chuyến trực thăng cuối cùng bay đến đó. Khi ấy, tất cả thương binh đã được chở về. Chúng tôi chỉ còn việc mang xác những người lính Úc đã hy sinh mà thôi...”

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hoan hỷ chào nhau cầu xưa quá bước Dặm đường im kẽ tóc với chân tơ Tan hợp cười òa. Kia vòm mây trắng Và bắt đầu. Và chấm hết. Sau xưa… . 4.2021 (Gửi hương linh bạn hiền Nguyễn Lương Vỵ, lễ 49 ngày)
Trong mọi hoàn cảnh Anh vẫn không ngừng hoạt động, Anh vẫn cứ đứng ở ngoài nắng - chữ của Mai Thảo. Với tôi, Nhật Tiến - Én Nhanh Nhẹn RS, vẫn cứ mãi là một Tráng Sinh Lên Đường
Lời dịch giả: Đây là bức tâm thư của cựu tổng thống George W. Bush gởi người dân Mỹ trong lúc cả nước đang sôi sục sau cái chết của George Floyd.
NYC với mình như căn nhà thứ hai, thế mà đã hơn một năm rồi mới lên lại. Thường thì hay lên mùa Giáng Sinh, hay Tháng Hai mùa đông để coi tuyết ở Central Park, và tháng Mười Một để coi lá vàng. Lần nầy chỉ mới tháng ba, nhưng có lý do
Xúc động với kỷ niệm. Thơ và nhạc đã nâng cảm xúc về những cái đẹp mong manh trong đời... Đêm Nhạc Người Về Như Bụi, và buổi ra mắt Tuyển Tập 39 Văn Nghệ Sĩ Tưởng Nhớ Du Tử Lê đã hoàn mãn hôm Thứ Ba 14/1/2019.
chiều rớt/xanh/ lưỡi dao, tôi khứng! chờ ... mưa tới. Hai câu cuối trong bài “chiều rớt/xanh/lưỡi dao” anh viết cuối tháng 9/2019 như một lời giã biệt. Và, cơn mưa chiều 7.10.2019 đã tới, anh thay áo mới chân bước thảnh thơi trở về quê cũ. Xin từ biệt anh: Du Tử Lê!
trong nhiều năm qua, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng trưởng ở mức hai con số, nhưng tỷ lệ quay trở lại thấp (chỉ từ 10% đến 40%) . Chi tiêu của khách du lịch quốc tế tại Việt Nam không cao
Theo bảng xếp hạng chỉ số cảm nhận tham nhũng của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2018, Việt Nam đứng hạng 117/ 180 với mức điểm 33/100. Bao giờ mà chế độ hiện hành vẫn còn tồn tại thì “nạn nhũng nhiễu lạm thu” sẽ vẫn còn được bao che và dung dưỡng khắp nơi, chứ chả riêng chi ở Bộ Ngoại Giao
Chính phủ Hoa Kỳ đã hứa tài trợ 300 triệu đô la để làm sạch môi trường bị nhiễm chất độc da cam của phi trường Biên Hòa và hôm 5 tháng 12 là bắt đầu thực hiện việc tẩy rừa tại khu vực này, theo bản tin hôm 6 tháng 12 của báo Tuổi Trẻ Online cho biết như sau.
Hơn 1.000 người có thể đã bị giết bởi lực lượng an ninh ở Iran trong các cuộc biểu tình gần đây, theo một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao cho biết hôm Thứ Năm
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.