Hôm nay,  

Nói Chuyện Với Hội Bạn Người Cùi Việt Nam

12/04/200400:00:00(Xem: 5487)
Như thường lệ, hàng năm Hội Bạn Người Cùi Việt Nam vẫn tổ chức một buổi Đại Nhạc Hội gây quỹ giúp cho những bệnh nhân phong cùi, những con người có thể coi là khốn khổ, bất hạnh nhất trên đất nước Việt Nam. Năm nay, trong dịp chuẩn bị cho Đại Nhạc Hội kỳ thứ 10 được tổ chức vào lúc 1 giờ trưa ngày Chủ Nhật tại Hội Trường Valley High School, 1801 S. Greenville St, Santa Ana; người viết có dịp nói chuyện với một số nhân vật trong ban Tổ Chức. Để trả lời câu hỏi: "Lý do nào đã thúc đẩy Anh, Chị tìm đến với những Người Phong Cùi Việt Nam"", những người được hỏi đã cho biết như sau:
-Nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang, Trưởng Ban Nhạc Moon Flower, người luôn có mặt trong hầu hết các buổi văn nghệ cộng đồng: Tôi đã đến với Hội Bạn Người Cùi từ hơn 10 năm nay, khi chương trình còn khởi đầu ở Tustin. Sau khi nhận lời mời giúp cho buổi trình diễn văn nghệ, tôi thấy ý nghĩa của công việc rất tốt, rất đẹp, nên đã tham gia vào sinh hoạt luôn, rồi càng ngày càng thấy gắn bó. Không năm nào mà Moon Flower không có mặt trong các buổi văn nghệ gây quỹ, coi như đó là bổn phận của một người Việt Nam. Cá nhân tôi đã về Việt Nam rất nhiều lần, có khi tới ba lần trong một năm, đi suốt từ Nam ra Bắc. Nhiệm vụ của tôi là đến thẳng với những con người bất hạnh đó, tìm ra nhu cầu thực sự của họ, đề ra dự án, rồi về đây báo cáo lại với Hội, trình bày với anh chị em để cùng tìm biện pháp giải quyết. Tôi thực sự đã bị cuốn hút vào công việc, vì ý nghĩa tốt đẹp của công việc, và cũng vì một lý do riêng nữa: muốn làm những nhân chứng sống cho các hoạt động của hội, những nhân chứng cho nỗi khổ đau tột cùng của một con người. Như mọi thành viên khác, chúng tôi không đến với Hội như những thành viên thông thường, vì Hội không cấp phát giấy tờ gì ghi là Hội viên cả, chúng tôi đến với Hội bạn những người phong cùi bằng tấm lòng của chúng tôi mà thôi.
-Anh Nguyễn văn Công, Thư Ký Hội, một trong những sáng lập viên của Hội: Trong tất cả những sinh hoạt từ thiện khác như giúp người khuyết tật, trẻ em mồ côi.. chúng tôi nhận thấy những người phong cùi là những người bất hạnh hơn cả. Họ bị xã hội bỏ rơi tàn nhẫn. Bản thân họ thì đau khổ vô tận. Vì lý do đó, mà chúng tôi đã tìm đến với họ, ngoài mục tiêu giúp đở họ bớt đau khổ, chúng tôi còn muốn giáo dục con cái họ, nâng cao đời sống vật chất của họ được phần nào hay phần ấy, và giúp họ bớt đi mặc cảm trong cuộc sống của họ.
-Ca Sĩ Ngọc Minh: Như những người đã lãnh nhận nhiều ơn Trên từ lúc vượt biển sang đến bên này, Ngọc Minh luôn tìm cơ hội để có thể đền đáp chút nào những hồng ân ấy. Nhận thấy anh chị em trong Hội Bạn Người Cùi rất tốt đẹp và trong sáng, các công tác đã được báo cáo đều đặn, sự đóng góp đã được chia xẻ đến tận nơi tận chốn qua các tu viện ở Việt Nam, Ngọc Minh đã tham gia bằng tất cả tâm hồn mình. Sau một thời gian hoạt động, càng ngày càng bị cuốn hút vào các công tác, càng ngày càng muốn làm nhiều hơn, chia xẻ nhiều hơn. Dù cho nhiều lúc cũng có những va chạm, cảm thấy chán nản, nhưng rồi vì mục đích cao đẹp kia, mình lại bỏ qua, và tiếp tục hoạt động mạnh hơn nữa. Hy vọng có thể làm việc với Hội mãi mãi, không ngừng nghỉ.
-Chị Nguyễn thị Soi, một thành viên tích cực của Hội từ ngày thành lập: Thấy những bệnh nhân phong cùi khổ quá, nên em muốn làm chút gì cho họ. Qua những người này, mình cũng muốn đóng góp đôi chút cho quê hương. Em đã đi đến từng khu, từng làng để tìm hiểu tình hình những người khốn khổ này và báo cáo lại cho Hội để lập chương trình. Ở Việt Nam, chúng em được sự giúp đỡ của nhiều giới lãnh đạo Công Giáo nên đã thực hiện được công việc không trở ngại mấy. Trở ngại chính là vấn đề sức khỏe mà thôi. Vì đôi khi phải lên tận Lai Châu, gần Trung Quốc, hay phải đến Pleiku là hai nơi khốn khổ nhất, nghèo nhất. Ở những nơi này, người cùi phải bị dồn vào sâu trong rừng, vừa đói ăn, vừa thiếu y tế, họ bị coi như những con vật, không phải con người nữa. Nên càng đi sâu, càng thấy phải làm nhiều hơn để giúp đỡ họ. Sau 10 năm hoạt động, em thấy rất phấn khởi và có nhiều niềm vui vì đã giúp được nhiều công việc. Em dự định trong tương lai sẽ tìm đến các hãng xưởng Mỹ để xin giúp đỡ thêm.
-Chị Ann Phụng Nguyễn: Tôi đã tham gia với Hội được hơn 7 năm. Hồi trước, đọc sách, thấy nhiều vị ngoại quốc đã hy sinh thân mình cho những người cùi Việt Nam, như các Cha Damien, Cassaigne, họ đã đến với người cùi để cuối cùng, đã quên mình mà chết như những người cùi khác, tôi rất cảm động và khâm phục. Vì không thể bắt chước được các vị Thánh đó, tôi cũng muốn làm một chút chi cho những con người khốn khổ này. Rồi càng đi hoạt động, mới thấy nhiều điều bất hạnh ghê gớm vẫn xẩy ra, thúc đẩy tôi hoạt động hơn nữa. Như chị Châu, nhà ở Cam Ranh, đã được Hội giúp đỡ chiến đấu chống lại bệnh tật, và giúp tạo được một căn nhà mới. Hôm dọn vào, thấy căn nhà mới, vừa mừng cho chị Châu, lại bất ngờ buồn bã. Chị có đứa con gái 21 tuổi, vừa sinh con đầu lòng được một tháng thì khám phá ra mình cũng bị bệnh cùi. Cả nhà khóc dữ lắm. Chị Châu lo lắng quá sức vì không biết năm đứa con còn lại có bị bệnh cùi hay không. Riêng cô con gái thì đau đớn, chỉ sợ chồng bỏ, sợ con lây bệnh. Tất cả mọi người không ai cầm được nước mắt.

-Bác Sĩ Mai Khanh, y sĩ chính của Hội, mỗi năm vẫn hy sinh tất cả các ngày nghỉ để lo cho bệnh nhân ở Việt Nam: Thật ra, không có lý do gì chính về việc giúp cho những người bệnh nhân này cả, chỉ biết là việc cần phải làm thì làm thôi. Mình đã được sung sướng, được may mắn ở đây, thì phải nghĩ đến những con người bất hạnh kia, họ quá khốn khổ, không có một cái gì giống con người cả. Thân thể thì bệnh hoạn, tinh thần thì sa sút. Họ không có tương lai của một con người. Không những chỉ những người mắc bệnh đã đau khổ, mà con cháu họ cũng đau đớn nữa. Họ không có gì để so sánh với những con người khác. Khó khăn chính của họ là không có một hệ thống nào lo lắng cho họ cả! Ở các nuớc khác, thì bệnh cùi không phải là một vấn đề lớn. Các chính phủ tân tiến khác có một hệ thống để săn sóc những người cùi, nhưng ở Việt Nam, nhà nước cảm thấy hãnh diện là bệnh cùi không có chi quan trọng. Sau mấy chục năm, vẫn không có một chính sách nào chuẩn bị cho người mới mắc bệnh cùi một cách đàng hoàng. Cho nên, một khi đã phát ra rồi, thì không còn chữa được nữa trong khi chỉ cần chẩn bệnh sớm thì có thể chữa được ngay. Vì không có chính sách, nên những người bệnh lại mặc cảm, gặp bệnh là lùi sâu vào trong rừng, nên bệnh càng nặng hơn, đến khi mù mắt, rụng tay, rơi chân, thì hết thuốc chữa. Điều đau khổ hơn là có một số người chỉ bị bệnh về da thôi, nhưng lại tưởng là bệnh cùi, nên bị xa lánh, bị cô lập ngay. Con cái không được đi học nữa. Mọi người kỳ thị, sợ hãi, làm cho những người bệnh bị dồn vào chân tường, cô đơn, đau đớn tinh thần nhiều hơn thể xác. Ở Việt Nam, không có sự trợ giúp nào dành cho những người cùi cả. Địa phương tự lo. Mà nếu địa phương tự lo, liệu họ đã lo được gì cho những người bị cô lập này.
Một vấn đề nữa cũng được đặt ra là thiếu giáo dục trong việc chăm sóc người bệnh. Không ai dậy cách làm thế nào để không lây bệnh cho nhau. Găng tay không có, dụng cụ sát trùng không có, hiểu biết nông cạn, nên bệnh lây lan hoài. Trong khi đó, bệnh HIV lại được đặt tầm quan trọng hơn bệnh cùi. Bởi vậy, nếu Hội Bạn Người Cùi không bắt tay vào giúp đỡ thì thật rất thiếu người lo cho họ. Những người cùi phải tự lo lấy sinh mạng của mình. Trợ cấp của chính quyền chỉ là nhỏ giọt, không đủ cho người cùi cầm hơi.
Do đó, chúng ta, nếu có thể làm được gì cho họ, thì cứ làm, đừng tính toán. Hãy đem đến cho họ chút niềm vui qua những hy sinh của mình: thời gian và tiền bạc.
-Anh Nguyễn Sang: Công việc của Hội rất xứng đáng, rất cần thiết cho những người đau khổ ở quê nhà. Những người cùi là những người ngặt nghèo nhất, họ không có sự trợ giúp của chính quyền, bị bỏ rơi, xua đuổi. Không thuốc men, không lương thực, họ bị cô lập, chết dần chết mòn ở những nơi hẻo lánh, xa xôi. Họ là những hình ảnh rất tang thương của đất nước.
-Cô Đỗ Thảo, Kế toán của Hội: Cháu muốn làm việc giúp người cùi, một phần cũng vì lòng thương cảm đối với những con người thật bất hạnh đó, nhưng một phần cũng vì muốn tự làm điều tốt cho bản thân. Mình đã được đầy đủ quá rồi, thì nên chia xẻ cho những ai kém may mắn khác. Khi chia xẻ như vậy, niềm vui của mình mới được trọn vẹn. Đó là ý kiến riêng của cháu. Có lẽ trong số những ân nhân của Hội, nhiều người có những ý nghĩ khác tốt đẹp hơn. Do đó mà việc làm của Hội đã phát triển khá mạnh.
Cháu xin báo cáo như sau:
-Quỹ còn lại của năm 2002: $ 36,223.11
-Gây quỹ trong năm 2003: $184,030.00
Gồm có: Bán vé số: $ 21,500.00
Vé vào cửa: $ 26,000.00
Bán thực phẩm:$ 3,187.00
Aân nhân : $133,343.00
-Chi tiêu trong năm 2003:
Giúp bệnh nhân phong cùi: $167,218.00
Tổ chức Đại Nhạc Hội 9: $ 18,679.00
Làm DVD & Video: $ 3,015.00
Giải thưởng xổ số: $ 2,350.00
Chi phí điều hành: $ 2,464.97
-Quỹ còn lại tính đến ngày 31/12/03: $26,535.79
Đó là những con số mà Hội muốn báo cáo công khai. Điều đáng nói là số tiền này chưa tính đến chi phí đi đường, (vé máy bay, xe đò, xe buýt.), tiền ăn đường cũng như tiền quán trọ... những Hội viên về Việt Nam đều sử dụng đến tiền túi của mình, mà không động đến quỹ chung của Hội. Mong rằng trong những năm tới, sự bảo trợ của những người từ tâm, những tâm hồn cao quý của dân Việt, những ai muốn để lại gia tài bằng chữ "Đức" cho con cháu... sẽ tăng thêm để có thể giúp được những con người khốn khổ, bất hạnh Phong cùi này xoa dịu phần nào nỗi đau miên viễn mà khối óc và bàn tay của Con Người không thể nào xóa đuợc.
Chu Tất Tiến.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.