Hôm nay,  

Lấy Bàn Cân Chống Cộng Để Đo Tt Bush & Tns Kerry?

12/04/200400:00:00(Xem: 5011)
Có khoảng 140 ngàn người Việt rời nước đến định cư tại Mỹ vào cuối năm 1975. Trong thời gian đầu, phải sống trên một đất nước khác ngôn ngữ, xa lạ phong tục tập quán và thời tiết, người Việt tị nạn đã dùng nhiều thì giờ buổi ban đầu để thích ứng với cuộc sống. Trên lãnh vực chính trị, người Việt hoàn toàn xa lạ mặc dầu năm đầu tiên, họ gặp ngay cuộc bầu cử tổng thống, và nước Mỹ kỷ niệm 200 lập quốc. Vì chưa phải là công dân Mỹ nên người Việt lúc bấy giờ cũng không ai nghĩ tới chuyện bầu bán gì cả. Họ đang chúi đầu vào công ăn việc làm để sinh sống. Cũng trong thời gian nầy, có nhiều người Việt làm việc quá khổ, không chịu đựng nổi, nên đành trông nhờ vào Food Stamp để sống, và quyết tâm đi học. Một số người thành công nhưng cũng có một số khác thất bại. Nhưng dầu sao, họ cũng ghi nhận được nhiều kinh nghiệm quí báu trong cuộc sống mới. Nhưng một điều không thể chối cãi, cả khối tị nạn Việt Nam lúc nầy, không một ai không thể quên được sự hận thù Cộng sản. Nếu có một lãnh tụ anh minh nào xuất hiện lúc bấy giờ, kêu gọi họ trở về nước để giải cứu quê hương, chắc chắn, không tất cả, nhưng hầu hết những bạn trẻ chưa có gia đình, hoặc những gia đình chưa có con, thân nhân bà con đang đang mắc kẹt ở quê nhà... họ sẵn sàng trở về nước chiến đấu. Dĩ nhiên thành phần nầy chiếm khoảng hai phần ba trong số 140 ngàn.
Hai mươi chín năm sau!
Hơn một phần tư thế kỷ trôi qua. Tất cả đã thay đổi và con số người Việt tị nạn cũng tăng lên khoảng mười lần. Quả thực như vậy. Lấy ví dụ như người viết bài nầy. Khi đến Mỹ năm 1975, chỉ có hai vợ chồng và một cháu nhỏ hơn một tuổi. Hai mươi chín năm sau, gia đình đã vọt lên 8 người gồm 4 con, một dâu và một cháu; chưa kể chị em, bà con ruột thịt qua Mỹ những năm sau đó. Nếu một anh độc thân, bây giờ anh có mái ấm gia đình ít lắm cũng bốn người. Và những gia đình đầy đủ bà con ruột thịt, hiện tại họ sẽ có đông gấp bội. Hiểu như vậy, số người Việt đã trưởng thành tại Mỹ tăng khoảng 60%, và trong số 60% nầy, có lẽ có khoảng 50% không còn biết gì và cũng không chút nào hận thù Cộng sản.
Với thành phần qua Mỹ sau năm 1975 gồm nhiều lý do như: vượt biên, vượt biển, tù nhân chính trị, con lai, đoàn tụ, hôn nhân, du học, du lịch (hai thành phần nầy, một số tìm cách ở lại Mỹ luôn) v..v.. Thành phần đông đảo nhất là tù nhân chính trị, thường được gọi là H.O. Ngoài hai ông bà có số tuổi trẻ nhất cũng xấp xỉ 50 và cao hơn. Nhung đứa con, đứa lớn nhất, chúng có thể vào khoảng 10 tới 14 tuổi khi người chồng vào tù năm 1975. Những đứa sau nầy chắc chắn còn rất nhỏ. Với số tuổi đó, dù có sống dưới chế độ cộng sản gần 20 năm, không thấy chiến tranh, không thấy thân nhân chết vì chiến tranh, chúng cũng khó lòng mang một sự căm hờn cộng sản như cha ông chúng.
Bây giờ, con số người Việt trở thành công dân Mỹ khá đông. Một số cũng bắt đầu ra tranh cử với những chức vụ nhỏ lớn trong chính quyền, và bắt đầu đi bầu cử người mình mong muốn. Cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới là một thách thức lớn trong tập thể cộng đồng Việt Nam. Lý do: hai ứng cử viên rõ ràng có hai khuynh hướng khác biệt về Việt Nam, theo nhận xét của người tị nạn.
Không có một thống kê chính xác cho biết người Mỹ gốc Việt đã đi bầu đông bao nhiêu, nhưng theo cách nhìn của những người tham dự bầu cử, thành phần các tù nhân chính trị chiếm đa số. Họ cũng là những người rất tha thiết với sinh hoạt trong cộng đồng, rất quan tâm đến chuyện chống Cộng và sự hận thù Cộng sản còn khá cao. Thành phần giới trẻ thế hệ thứ hai, như chúng tôi đã trình bày ở trên, họ không mấy thiết tha chuyện chống Cộng, vì từ căn bản, họ không nhìn được cộng sản đã làm gì cho họ phải hận thù. Mơ ước của họ là muốn xây dựng một quê hương thanh bình và phồn thịnh. Dưới thể chế nào cũng được, ai cầm quyền cũng không quan trọng, nhưng mang lại một đất nước có một khuôn mặt trẻ trung, tự do và tiến bộ gần giống như Hoa Kỳ là được. Cái nhìn của các bạn trẻ đối với đất nước bây giờ, không phải là đảng Cộng sản, nhưng là một chế độ độc tài và không có tự do. Nếu bạn hỏi họ về Việt Nam, có thấy Cộng sản không, chắc chắn họ trả lời: Không thấy Cộng sản đâu cả. Nhưng họ thấy có độc tài cách cai trị, có tham nhũng ở phi trường, trong các cơ quan chính phủ, xã ấp...không có tự do tôn giáo v.v.. Nghĩa là những điều nầy được sửa chữa lại, mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Nhưng đối với những người đã tham dự cuộc chiến trước 1975, họ vẫn thấy Cộng sản, vẫn còn Cộng sản và bắt buộc Cộng sản phải rút lui, không cai trị đất nước nữa.
Trở lại việc bầu cử Tổng thống. Người Việt Nam, thế hệ lớn tuổi, đa số đều nghĩ rằng đảng Cộng Hòa (do Tổng thống Bush đang lãnh đạo) chống Cộng. Nhưng khi hỏi tại sao biết đảng Cộng Hòa chống Cộng, không ai trả lời câu hỏi chính xác. Vì sự thực, ý tưởng đảng Cộng Hòa chống Cộng chỉ là một dư âm còn lắng động lại trong tâm người Việt của những thập niên 60, 70. Được hỏi tại sao đảng Dân Chủ không chịu chống Cộng, câu trả lời cũng không làm ai thỏa mãn. Có thể hành động của Thượng Nghị Sĩ John Kerry thuộc đảng Dân Chủ đã chứng minh đảng Dân Chủ không chống Cộng, lại còn thân Cộng.
Theo Giáo sư Canh, một trong những người Việt, cũng là nhà hoạt động chính trị, biểu tượng cho thành phần chống Cộng tích cực. Ông dẫn giải những điều mà ông cho rằng TNS Kerry thân Cộng:
TNS Kerry ngâm tôm DL Nhân Quyền cho Việt Nam khi đã được Hạ Viện thông qua với 410 phiếu thuận, chỉ có 1 chống. Giáo sư Canh cho thấy mục tiêu của TNS Kerry là ủng hộ Cộng sản Việt Nam.
Bị TNS Bob Smith của TB Hampshire chất vấn, Kerry trả lời ông không chống DL nầy, ông ủng hộ, nhưng chưa đúng lúc thuận lợi để bàn tới. Trả lời như vậy, có nghĩa Kerry sợ mất lòng Việt cộng.
Đồng bào Việt tại Florida đã gặp Kerry và nói thẳng với ông ta là kẻ tiếp tay cho Việt cộng. Kerry trả lời DL nầy làm giảm những tiến bộ nhân quyền. Hơn 300 đồng bào Việt biểu tình chống Kerry tại Boston. Kerry giải thích thông qua DL chưa hẳn là phương cách hữu hiệu để Việt Nam thay đổi, nhưng cách tốt nhất là mở cửa rồi gây áp lực từ bên ngoài.
Giáo sư Canh cũng dẫn chứng lời tuyên bố sau đây từ miệng ông Kerry, và giáo sư cho rằng Kerry bênh vực CSVN:
"Chủ tịch nước Việt Nam ngay ngày hôm sau có cuộc tấn công ngày 11 tháng 9.01, đã gởi thư cho Hoa Kỳ tỏ ra xúc động về tấm thảm kịch nầy, chia buồn với chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ và gia đình nạn nhân. Việt Nam phản đối hành vi khủng bố gây ra chết chóc và đau khổ cho thường dân".
Giáo sư Canh cũng chứng minh bức thư Bộ Ngoại Giao Việt Nam gởi cho Kerry, chia sẻ thảm họa 9.11 ở New York, ông Canh cho rằng đó cũng là bằng chứng thân Cộng:
"Thưa Nghị sĩ, Tôi rất bàng hoàng và vô cùng xúc động về tấm thảm kịch xảy ra cho nước Mỹ vào sáng ngày 11 tháng 9.01. Tôi xin gởi đến ông và qua ông đến gia đình nạn nhân lời chia buồn sâu xa nhất của tôi. Tôi tin rằng chính phủ và nhân dân Mỹ sẽ sớm vượt qua lúc khó khăn này. Chúng tôi lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của quân khủng bố và muốn cộng tác chặt chẽ với Hoa Kỳ và các quốc gia khác chống lại các hành vi khủng bố".
(Chúng tôi xin để độc giả thẩm định về nhận xét chống Cộng theo ý giáo sư Canh).
Nói chung, TNS John Kerry đã không được lòng đồng bào tị nạn, và được coi là thân Cộng vì không chịu cho thông qua DL nói trên.
Đối với đảng Cộng Hòa do Tổng thống Bush đang lãnh đạo, người Việt cho rằng ông cứng rắn với Cộng sản Việt Nam. Họ khâm phục thái độ dứt khoát và tỏ ra mạnh mẽ khi tiến quân đánh Iraq để xóa tên Saddam Hussein, một nhà lãnh đạo độc ác, gian manh không thua gì Việt cộng. Nhưng lính Mỹ cứ chết dài dài ở đây, không dứt. Lại cũng mới đây, dân Việt sau khi ca ngợi ngọn lửa cuộc chiến Iraq chưa tắt, Tổng thống Bush đã mời Tổng trưởng Quốc phòng Phạm Văn Trà qua thăm Hoa Kỳ và được tiếp đón long trọng. Tiếp đến, chiến hạm USS Vandergrift cặp bến Sài gòn dưới những đôi mắt ngỡ ngàng nhưng sung sướng của chính quyền lẫn dân chúng. Điều nầy chắc chắn không làm người Việt tị nạn hài lòng, nhưng biết làm sao vì chưa học được bài học cũ. Ông Bush đang bị tai tiếng về chuyện Tổng thống Aristide của nước Haiti tố cáo ông ta bị Mỹ bắt cuốn gói ra đi, không được làm tổng thống nữa. Một "tội phạm" thứ hai sau Saddam Hussein. TT Bush cải chính, nhưng khó ai tin vì họ biết rằng đây là "sở trường" của chính phủ Mỹ. Vấn đề kinh tế không khá chi hơn, và có thể kéo dài đến sau cuộc bầu cử Tổng thống. Ông phó TT lại mang tiếng công ty của ông tăng giá hàng quốc phòng bất hợp pháp, làm tổn hại gần 2 tỉ Mỹ kim của đồng bào. TT Bush giảm thuế, bọn nhà giàu được hưởng trọn vẹn, nhà nghèo ít lợi tức, có giảm cũng như không. Những lý do nầy đối với người Việt cũng "buồn phiền" lắm, nhưng họ cứ tạm trấn an cõi lòng, đổ lỗi cho kinh tế nước Mỹ trồi trụt, và ông Bush "xui xẽo" gặp đúng vào thời điểm như vậy.. Vấn đề đạo đức, chắc chắn ông Bush được đồng bào tin tưởng, không như ông Bill Clinton; nhất là khối Thiên Chúa Giáo, ông Bush chống lại chuyện phá thai. Chuyện yêu nước, ông Bush không tòng quân vào những đơn vị chiến đấu thực sự, nhưng nhờ thế lực của ông Bush bố, TT Bush gia nhập vào Lực lượng Vệ binh Quốc gia nên không qua Việt Nam chiến đấu. Nói theo kiểu Việt Nam thời trước 75, ông Bush là loại lính "kiểng". Chuyện nầy đối với người Việt không mấy quan trọng, nhất là các vị H.O, đa số cũng đã từng chỉ huy loại lính nầy trong đơn vị ngày trước.
Trong bốn năm qua, người Việt có thể nhìn thấy rõ TT Bush đã làm được gì và chưa làm được gì qua các lãnh vực kinh tế, nhân quyền, tôn giáo và quân sự cho nước Việt Nam. CSVN đã hưởng được lợi lộc nào, đắng cay nào từ phía chính phủ của TT Bush" Cuối cùng, Tổng thống Bush được một số đồng bào ủng hộ công khai. Số còn lại không hẳn ủng hộ Kerry nhưng không chống đối. Dĩ nhiên thành phần nầy không dám công khai vì sẽ bị cho là thân Cộng như Kerry.
Đối với Thượng Nghị sĩ John Kerry, ông có thực là một Tổng thống sẽ thân Cộng, làm lợi cho Cộng nếu ông đắc cử không"
Đây là một câu hỏi rất khó trả lời cho những ai nhìn thời cuộc một cách khách quan, nhưng sẽ rất dễ cho những người có tính thần chống Cộng cực đoan. TNS Kerry, nếu không có vụ ông chận đứng Dự luật Nhân quyền cho Việt Nam mới đây, có lẽ không mấy người Việt để ý và biết nhiều về ông. Chính vì Dự luật nầy, ông đã trở thành một mũi dùi tấn công từ phía người Việt và bị kết tội là thân Cộng, làm lợi cho Cộng.
Xuất thân từ trường Đại học nổi tiếng Yale, tòng quân và trở thành một trung úy trong binh chủng Hải quân. Kerry nổi tiếng gan dạ, có tinh thần đồng đội cao và được nhiều huy chương. Nhưng sau khi trở về Mỹ, ông trở thành một tay phản chiến "nặng ký". Nhưng sau đó, ông bị các đồng đội tố cáo những tội như:
Kerry điều trần trước Quốc hội là lính Mỹ trực tiếp hãm hiếp, xẻo tai, chặt đầu, lấy dây điện thoại cột phận sinh dục cho điện chạy, chặt tay chân, cho nổ tung thân thể, bắn loạn vào thường dân, tàn phá làng mạc, bắn hạ chó mèo để chơi, bỏ thuốc độc vào lương thực và nói chung, làm tan hoang nông thôn Việt Nam. (Sau nầy ông nói lại là chỉ nghe nói, không thấy tận mắt).
Kerry ngăn chận Thượng Viện biểu quyết Dự luật H.R 2833, là Dự luật Nhân quyền tại Việt Nam năm 2001, khi Hạ Viện đã thông quan với số phiếu 410/1. Kerry cũng chống đối Dự luật H.R 1587 với mục đích như trên.
Kerry đã nói dối khi nằm trong UyÛ ban Quân vụ đặc trách về MIA/POW, muốn cắt giảm ngân khoản dành cho việc điều tra và tìm kiến quân nhân Mỹ mất tích hoặc chết tại Việt Nam.
Kerry quyết liệt vận động việc bình thường hóa bang giao với Việt Nam. Đây không phải là vấn đề chính trị mà vì người anh họ của Kerry, ông Forbes, Tổng quản trị Collier International vừa ký hợp đồng hàng tỉ Mỹ kim với Hà nội.
Kerry đã ném trả lại qua hàng rào Tòa Bạch Cung những huy chương của ông được chính phủ trao tặng. (Tóm tắt bức thư Tr/tá Glenn Lackey gởi Kerry).
Một số người khác lại ca ngợi ông như là một chiến sĩ dũng cảm, và có tinh thần đồng đội cao. Những huy chương đồng, bạc, chiến thương bội tinh v.v. đã chứng minh điều đó. Người ta đã kể lại câu chuyện Kerry rượt theo một tên Việt cộng và giết chết hắn vì hắn đã giết bạn đồng đội của ông. Nhưng ông trở thành kẻ phản chiến vì, câu chuyện được kể lại như sau:
Trong cuộc hành quân trên sông Mêkông, Kerry nhìn thấy một thuyền nhỏ di chuyển gần chiếc tàu của ông. Ông ra lệnh bắn cảnh cáo, nhưng binh sĩ đã nổi súng ào ạt vào chiếc thuyền con. Khi bước qua thuyền, ông thấy chỉ còn một em bé và bà mẹ sống sót. Một em bé khác nằm chết bên bao lúa. Ông không dám nhìn mặt đứa bé đã chết, vì sẽ ám ảnh ông suốt đời. Ông trở thành một tay phản chiến sau đó. Nhưng hơn 30 năm sau, ông trở thành một người ủng hộ cuộc chiến Iraq.
Những người bênh vực Kerry lý luận: Ông chống chiến tranh Việt Nam vì sau khi tham dự trận chiến đó, ông thấy được mặt trái của nó. Mặt trái đó không chỉ là những tang thương như hình ảnh em bé nói trên mà còn là một trận chiến vô tận. Kerry suy nghĩ: Làm sao mà quý vị có thể bảo một người rằng người đó sẽ là người cuối cùng bỏ mạng ở Việt Nam" Kerry cũng cảm nhận người chiến binh Mỹ có thể đang chiến đấu cho một cuộc chiến không có lối thoát, không kết thúc, không có người thắng kẻ bại, một cuộc chiến dai dẵng bất tận. Lý do đó đưa đẩy ông trở thành kẻ phản chiến sau khi trở về nước. Nếu cuộc chiến nầy được chấm dứt sớm như ông nghĩ thì có nhiều chiến hữu của ông đã khỏi chết. Cuộc chiến nầy chấm dứt gần 6 năm sau khi ông tham dự vào chuyện phản chiến; điều nầy khiến nhiều người ủng hộ ông cho rằng việc làm của ông là đúng.
Nhưng sau nầy, ông lại ủng hộ cuộc chiến tại Iraq. Nhóm ủng hộ lý luận Kerry không phải là người thay đổi lập trường, nhưng vì ông biết cuộc chiến nầy không giống cuộc chiến Việt Nam. Một cuộc chiến người Mỹ quyết tâm đánh bại quân thù với bất cứ giá nào, đánh càng nhanh càng tốt.

Cuộc bầu cử Tổng thống năm nay, chắc chắn người Việt sẽ đi tham dự đông hơn, vì họ không muốn TNS John Kerry trở thành Tổng thống Hoa Kỳ. Nếu ông trở thành Tổng thống, có thể ông sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho Việt Nam nhưng không thuận lợi cho những người đang chống Cộng. Chúng tôi không dám bênh vực khen chê đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ, và thực tế hơn, ông Bush hay ông Kerry. Mặc dù chúng ta đang sống trong một quốc gia dân chủ và tự do, nhưng đối với cộng đồng người Việt, mỗi cá nhân phải tự hiểu rằng sự tự do dân chủ cũng có giới hạn của nó. Là những người Mỹ gốc Việt, nhưng tư tưởng và truyền thống vẫn in sâu là người Việt gốc Việt. Nếu ai thoát ra khỏi "định luật bất thành văn" đó thể không có lợi cho chính bản thân mình. Hơn nữa, hai ứng cử viên Tổng thống lần nầy sẽ mang lại nhiều tranh cãi gay cấn trong cộng đồng chúng ta.
Chúng tôi đã nói nhiều lần về chính quyền nước Mỹ. Họ không giúp cho riêng một quốc gia nào cả, nhưng chỉ phục vụ cho chính sách đã được hai đảng đề ra. Cả hai đảng đều thực thi chính sách đó tuy đường lối có thể khác nhau. Con đường nào cũng đến La Mã. Nước Mỹ không bao giờ đặt chuyện tự do dân quyền, dân chủ của một quốc gia khác ngang với quyền lợi của chính sách đất nước; nhưng đó chỉ là chuyện phụ để "điều hành" chính sách đó đi đúng tới đích. Nói dễ hiểu hơn như phóng một xa thuyền lên Hỏa tinh. Mục đích chính là xa thuyền phải đến được Hỏa tinh; từ đó xa thuyền sẽ mang lại những tin tức quý báu cho các khoa học gia để nghiên cứu, tính tới chuyện xa hơn. Những điều kiện như thời tiết, vận tốc, áp lực, sức gió, phương hướng v.v. chỉ là những điều kiện phụ để điều chỉnh tốt đẹp, đưa phi thuyền vào đúng quỹ đạo tiến lên Hỏa tinh. Vì vậy, nhân quyền, tự do tôn giáo, dân chủ, phá giá cá Basa, phái đoàn nầy sang Mỹ, Nghị sĩ kia qua Việt Nam v.v là những điều kiện cần có để đưa chính sách Mỹ đi đúng hướng mà thôi. Những đòi hỏi hay thỉnh nguyện thư đưa lên TNS, Dân biểu để nhờ họ giúp đỡ, can thiệp về an sinh, luật lao động, áp bức... là chuyện phải làm, và họ sẽ làm được cho dân chúng. Nhưng nói người Mỹ gốc Việt nhờ họ đòi hỏi những việc ngoài tầm tay, lái chính sách nước Mỹ chạy trật ra ngoài con đường đã định sẵn, thì đến cá nhân ông tổng thống hay hết dòng họ TNS, Dân biểu cũng không làm được, nói chi tới một hai người. Những Dân biểu, Nghị sĩ hay cả đến Thống đốc người Mỹ gốc Việt trong tương lai, hăm he vào được Quốc hội sẽ dùng tư thế đó để tiêu diệt CSVN, giải phóng đất nước, đều là chuyện không tưởng, mang bệnh mộng du.
Sống trên đất Mỹ gần 30 năm, chúng ta đã chứng kiến bao nhiêu cuộc bầu cử Tổng thống, bao nhiều lần đổi thay đảng cầm quyền giữa Cộng Hòa và Dân Chủ, bao nhiêu khuôn mặt tầm vóc lớn lãnh đạo đất nước, nhưng mọi chuyện đều trôi chảy bình thường. Đối với vấn đề Việt Nam, chính sách Mỹ có nhiều thay đổi, nhưng tiếc thay những thay đổi đều mang lại thuận lợi cho chính quyền Việt Nam hơn là cho những mơ ước của đồng bào tị nạn. Khi TT Regan đắc cử, người Việt vui mừng vì tin tưởng ngày trở về quê hương không còn xa, nhưng chuyện đâu cũng vào đó. Hơn mười năm trước đây, khi ông Bill Clinton lên làm Tổng thống, người Việt đa số đều lo âu. Họ sợ đảng Dân Chủ thân Cộng, đạo đức ông Clinton lại bê bối... nhưng rồi ông đã nắm vận mệnh đất nước suốt 8 năm vẫn tốt đẹp, chính sách Mỹ đi đúng đường. Qua tới TT Bush con lên lãnh đạo, đồng bào lại hân hoan vì Cộng Hòa trở lại, Việt cộng trước sau gì cũng tiêu. Người Việt thất vọng. Việt cộng không tiêu mà còn xích gần lại Mỹ hơn nữa. Trước đây đồng bào rất ca ngợi TNS John McCain vì tấm hình ông chụp với tên VC, đàng sau có lá cờ vàng ba sọc đỏ to lớn. Sau nầy, đồng bào lại chống vì ông McCain tuyên bố không còn tù binh Mỹ tại Việt Nam, và ủng hộ chuyện bình thường hóa Việt-Mỹ. Nói chung, người Việt thường đúng ý mình thì khen, trái ý mình là chống, ngay cả trong cộng đồng cũng vậy. Người Mỹ và các cộng đồng khác khôn hơn chúng ta, họ nhìn xa hơn, họ tính đường dài chứ không tùy hứng, làm có chủ đích chứ không làm để lấy tiếng.
Chúng ta cũng không nên nhìn quá khứ để luận anh hùng, xem hiện tại để xét đoán tương lai bất cứ một vị Tổng thống Hoa Kỳ nào cả. Cá nhân Tổng thống không làm nên cơm cháo gì, kể cả Tổng thống đó tốt hay xấu trong quá khứ. Người Việt thường hay quá quan tâm đến những hành vi của quá khứ, nhất là một vết tích không đáp ứng được nguyện vọng; vết tích đó sẽ hằn sâu trong tâm não suốt đời. Người Mỹ không giống chúng ta. Họ có thể thay đổi như chóng chóng, miễn sao sự thay đổi đó mang lại lợi ích cho cá nhân hay đại cuộc. Sự thay đổi đối với người Việt là một phản bội, chao đảo, không lập trường và không trung thành; nhưng với người Mỹ, sự thay đổi đôi khi là một điều hay nếu thích ứng được với hoàn cảnh. Nếu cứ ôm vào quá khứ thì dân Mỹ đã không bầu ông Bill Clinton làm tổng thổng, nhưng Clinton vẫn thành công trong suốt hai nhiệm kỳ của ông. Sự thay đổi của Mỹ khi bỏ rơi Việt Nam, trước mắt thế giới, Mỹ bị tai tiếng là phản bội và không trung thành với người bạn Việt Nam, 58 ngàn binh sĩ đã chết một cách vô lý; nhưng chắc chắn Mỹ đã hành động đúng đường theo chính sách của Mỹ. Dân chúng Việt Nam có buồn cũng rán chịu.
Con đường đến ngày bầu cử còn xa, có lẽ chúng ta bàn bây giờ hơi quá sớm. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề bầu cử vào hai số báo tháng 8 và tháng 10. Chúng tôi chỉ đưa ra một vài nhận xét để đóng góp cho sự quyết định của đồng bào:
Đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ, ông W. Bush hay J. Kerry, chẳng có ai chống Cộng hay thân Cộng, cũng chẳng có ai làm lợi hay làm hại cho chính quyền Việt Nam. Chính sách của Mỹ đang đi mới là quan trọng. Chúng ta không nên ngồi đó khen ông nầy chống ông kia, nhưng tốt hơn, nên ngồi lại để tìm hiểu con đường Mỹ đang đi với Việt Nam như thế nào. Nhân quyền, tôn giáo không phải là mục tiêu chính của Mỹ, nhưng là một trong những việc làm để Mỹ thăng bằng đúng con đường họ đã vạch ra. Chúng ta nhìn vào đó để điều chỉnh lại cuộc tranh đấu cho tự do và nhân quyền trên quê hương. Hiện tại, chính quyền Mỹ đang tiếp tục tiếp đón những nhân vật cao cấp của Việt Nam sang Mỹ, đang có những phái đoàn kinh doanh lớn đến Việt Nam, đang có những "cò cưa" bớt một thêm hai trong lãnh vực kinh tế, đang có những khuôn mặt trẻ, hy vọng của cộng đồng, chịu làm tay sai cho Mỹ để đi đêm với CSVN, đang có những anh mồm to la hét đòi nhân quyền, tự do, nay bắt đầu trở cờ... đang có nhiều con cái ông lớn Việt Nam du học tại Yale, Havard, M.I.T, Stanford... vậy thì kêu gọi Mỹ chống lại chính quyền Việt Nam có lẽ trở thành "cung đàn lạc điệu". Những cuộc tranh đấu cho những người trong nước đang bị cầm tù vì tự do, vì nhân quyền, là điều phải làm và phải có. Việc nầy đều có lợi cho cả Mỹ lẫn cả chúng ta và người trong nước. Thành thực mà nói, nếu khi nước Mỹ không còn những tổ chức đòi hỏi nhân quyền, tự do... chắc chắn chính phủ Mỹ phải thuê người ăn lương để làm việc nầy. Do đó, chúng ta nên nương theo chiều gió thuận lợi của chính sách Mỹ để tranh đấu, không cần thiết phải ông nầy hay đảng nọ mới được.
Với ý kiến chúng tôi, chúng ta không nên có những cuộc "xuống đường" ra mặt chống ông John Kerry về tội thân Cộng hay phản chiến. Làm như vậy sẽ tạo cho dân chúng Mỹ nghĩ rằng, người Việt chỉ muốn một ông Tổng thống chống Cộng và lo việc lợi cho nước họ, họ có quan tâm gì tới quyền lợi của dân chúng Mỹ đâu, dù họ đã là công dân Mỹ. Người Mỹ nhìn ra sự mâu thuẫn nơi người Mỹ gốc Việt. Họ là công dân Mỹ, chấp nhận và ca ngợi sự cưu mang của Mỹ, luôn ủng hộ chính sách Mỹ, thậm chí khi đánh Iraq, họ còn xin tình nguyện qua tham chiến với Mỹ. Có người vui mừng xin được nhận nước Mỹ làm quê hương thứ hai v.v. Nhưng khi ông chánh khách Mỹ nào nói tới chuyện "thân thiện" với chính quyền Việt Nam, họ chống đối. Họ không biết rằng đó là quyền lợi của Mỹ sao" Họ tự hỏi tại sao người Việt không biểu tình chống TT Bush khi ông cho đón tiếp Tổng trưởng Quốc Phòng Phạm Văn Trà như một thượng khác, tên nầy đã chỉ huy quân sĩ để giết gần 58 ngàn chiến binh Mỹ" Tại sao TT cho chiến hạm Mỹ cặp bến Sài gòn, biểu lộ một tình thân hữu tốt đẹp với CSVN" Tại sao có những công việc buôn bán làm ăn giữa Mỹ và Việt đang diễn ra" Nếu so sánh hai việc làm có tính cách "thân cộng" giữa ông Bush và Kerry, chưa chắc ai đã thua ai. Họ cũng nghĩ rằng việc ông Kerry phản chiến, vì ông đã tham dự cuộc chiến, ông đã thấy và ông có quyền phát biểu tư tưởng cá nhân ông mà thôi. Còn việc làm của TT Bush là kế hoạch của một đảng đang lãnh đạo đất nước. Tại sao người Việt lại chống những chuyện thân cộng chưa xảy ra, mà không chống những chuyện đó đã và đang xảy ra"
Thứ đến, sau nầy những vị trong cộng đồng chúng ta ra tranh cử các chức vụ lớn trong chính quyền, người Mỹ cũng khó lòng bầu cho chúng ta, vì họ sợ bầu mấy ông Việt lên chỉ lo chống Cộng, đòi hỏi cái lợi cho dân họ mà bỏ quên cái lợi chung cho dân Mỹ. Chúng ta có ghét ông Kerry thì rỉ tai với nhau, đừng bỏ phiếu cho ông nhưng đừng vạch lưng cho người thấy. Đánh giặc cũng chừa một lối cho địch chạy thoát để tiêu diệt. Nếu ví chúng vào trong rọ để giết, trước sau gì chúng cũng phải chiến đấu cho tới chết, ta lại bị thiệt hại thêm. Cả cộng đồng lên tiếng chống ông Kerry, nếu ông đắc cử thì có thể tạo thêm khó khăn cho cộng đồng chúng ta sau nầy. Nên nhớ rằng, cảm tình dân chúng dành cho TT Bush và TNS Kerry ngang ngửa 50/50. Những nhân vật trong chính quyền sẽ thay đổi, nhưng tình cảm dân chúng Mỹ tồn tại mãi mãi. Hậu thuẫn của các nhân vật trong chính quyền chỉ là giai đoạn những hậu thuẫn từ dân chúng lâu dài. Giữa hai chọn lựa: cộng đồng chúng ta nên chọn sự thương mến của dân chúng Mỹ hay chính quyền Mỹ, chúng tôi xin chọn sự thương mến từ dân chúng Mỹ. Nếu một ngày nào đó có Tòa lãnh sự Việt cộng tại Houston, xin đừng ngạc nhiên. Vì thời điểm chưa cần làm nên chưa có; khi cần, có lợi cho dân Houston, Tòa lãnh sự sẽ xuất hiện bất chấp chuyện chống đối của người Việt. Quyền lợi của hơn 3 triệu dân Houston làm sao bỏ được. Lúc nầy nếu chúng ta chống, có nghĩa chúng ta chống lại quyền lợi của dân địa phương. Thử hỏi lúc nầy ai sẽ là người thiệt thòi"
Chúng ta thử làm một bài tính giữa lợi và hại. Nếu ông Bush làm TT thêm bốn năm nữa, Việt Nam được lợi gì" Rồi cũng như bốn năm đã qua, chắc chắn không có gì thay đổi, mà sợ rằng CSVN còn hưởng thêm nhiều phúc lợi hơn bây giờ. Nếu CSVN chỉ cần hé mở ý định hợp tác với Mỹ chống khủng bố, chúng tôi bảo đảm 98% ông Bush sẽ xếp chuyện nhân quyền Việt Nam vào hộc tủ ngay, không cần suy nghĩ. Nếu ông Kerry thắng cử, Việt Nam được lợi gì" Chưa ai biết. Dĩ nhiên lời tuyên bố và đường lối của Kerry khi làm Tổng thống không như lúc làm TNS. Chúng ta chống Kerry ra mặt, sỉ nhục ông, nói xấu ông, ghép cho ông những ngôn từ không đẹp v.v. khi ông làm TT sẽ không quên chuyện người Việt dành cho ông, và ông cũng có thể không mấy thiết tha những yêu cầu của cái cộng đồng "cực đoan" nầy. Nhưng nếu chúng ta trình bày những sai lầm của ông trong tinh thần dân chủ, không chống ông bằng phương thức cực đoan như bây giờ, chắc chắn ông vẫn giữ được sự khâm phục và quý mến với chúng ta. Sẽ sẵn sàng giúp đỡ chúng ta nếu ông có thể.
Mặc dù chúng ta đã là công dân Mỹ, nhưng thuộc loại công dân "ăn nhờ ở đậu", không phải công dân mũi lõ mắt xanh. Chúng ta không bị đàn áp, đè nén, kỳ thị nên không cần dùng tới chữ "chống". Việc chính trị, chính sách của Mỹ, chúng ta nên tham dự và hài hòa đóng góp, khôn ngoan. John Kerry là một Nghị sĩ xuất thân từ Harvard, bốn nhiệm kỳ ngồi vững như sắt trong Thượng viện, 150 triệu dân Mỹ đang dành cảm tình cho ông, ngang ngửa với TT Bush, tầm vóc của ông dù chưa làm TT nhưng cũng đã khuynh đảo được Quốc Hội, ông không phải là một chính trị gia vừa. Qua những lý do nói trên, chúng tôi muốn việc chống đối TNS Kerry, với cá nhân, là quyền riêng tư, rất tốt, nhưng xin đừng nhân danh cộng đồng Việt Nam, mang cờ xí biểu tình để chống TNS John Kerry. Dù ông nào làm Tổng thống nhiệm kỳ tới, chuyện họ cần phải đương đầu là sự bành trướng và hậu quả nguy hiểm của bọn khủng bố. Chuyện Việt Nam đối với Mỹ không có gì phải băn khoăn lo sợ. Trong lúc cộng đồng chúng ta lại quá đặt nặng ông TT sắp tới phải lo cho Việt Nam. Lúc nầy người Việt biểu tình chống ông Kerry vì ông "ngâm" dự luật nhân quyền hay phản chiến, có lẽ chúng ta thiếu khôn ngoan và làm không đúng thời điểm.
Là công dân Mỹ, chúng ta nên thay đổi kiểu Mỹ để thích ứng cho mục tiêu chúng ta muốn đạt tới. Cũng không nên cực đoan, vì cực đoan không mang lại kết quả. Hai mươi chính năm trôi qua chứng minh điều đó. Ai thích ông Bush, đi bầu cho ông ta. Ai ghét ông Kerry, bỏ phiếu ông ta vào thùng rác. Đó là thái độ của một công dân trong một quốc gia dân chủ. Không nên xem chuyện chống đối một cá nhân giống như chuyện chống Cộng. Uy tính của cộng đồng Việt Nam không thể để cho dân bản xứ coi chúng ta là một dân tộc ích kỷ và thiếu khôn ngoan. Cộng đồng chúng ta thuộc loại thiểu số, còn son trẻ, chúng ta cần Mỹ nhưng Mỹ không cần chúng ta. Chúng ta dựa vào thế lực của Mỹ để chống CSVN chứ không bắt Mỹ phải chống Cộng theo ý chúng ta. Nếu chống Cộng có lợi cho Mỹ, chúng ta không cần đòi hỏi họ cũng làm, nhưng không có lợi thì chuyện phản đối của người Việt cũng chỉ là muối bỏ biển. Đã sống trên đất Mỹ gần 30 năm, chúng ta không lo ông nào làm Tổng thống, không sợ đảng nào cầm quyền, chỉ lo sợ các tay đại tư bản Mỹ muốn ông Tổng thống làm gì cho CSVN mà thôi./.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.