Hôm nay,  

Kisinger, Lê Đức Thọ Tranh Cãi Về Ngưng Bắn

15/07/200100:00:00(Xem: 6467)

Vương Hồng Anh tổng lược

Đại tướng Cao Văn Viên kể về các cuộc hội đàm ngưng bắn (Tiếp theo)
Như đã trình bày trong số trước, ngày 19 tháng 10/1972, ông Kissinger đã hướng dẫn phái đoàn Hoa Kỳ đến Dinh Độc Lập để trình bày với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các thành viên cao cấp của chính phủ VNCH về nội dung thỏa hiệp ngưng bắn mà ông Kissinger và Lê Đức Thọ đã thảo luận tại Paris. Theo ghi nhận của Đại tướng Cao Văn Viên, thì khi họp với Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, trong thâm tâm ông Kissinger cứ tưởng rằng văn bản sẽ được thỏa thuận và được ký kết một cách ổn thỏa, thì nay đã thất bại. Sau đây là những diễn biến kế tiếp được tổng lược dựa theo hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên do Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ xuất bản, dịch giả Duy Nguyên chuyển dịch sang tiếng Việt và đồng ý cho VN sử dụng để biên soạn các bài viết về cuộc chiến VN. Trong tiến trình tổng lược, VB có đối chiếu tham khảo tài liệu của cựu Đại tướng Westmoreland và các tài liệu khác của Trung tâm Quân sử Lục quân Hoa Kỳ.
* Những sự kiện quan trọng trong hạ tuần tháng 10-1972
Sau cuộc họp với Tổng thống VNCH, ông Kissinger đã gửi cho Lê Đức Thọ một điện văn nói rằng tuy Hoa Kỳ sẵn sàng muốn ký kết thỏa thuận vào ngày 31 tháng Mười nhưng thực tế không thể cho phép giữ đúng thời hạn như đã định. Trong lúc đó, CSBV được thông báo rằng mọi cuộc oanh tạc của Hoa Kỳ vào miền Bắc sẽ chấm dứt vào ngày 25 tháng Mười. Về phần mình, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã lên đài phát thanh và đài truyền hình để trình bày quan điểm của chính phủ VNCH không chấp nhận một sự liên hiệp.
CSBV không chịu ngồi yên. Địch tung ra một loạt tuyên truyền bằng cách cho phổ biến văn bản thỏa thuận này và cho biết theo lịch trình thì sẽ có cuộc ký hiệp định vào ngày 8 tháng Mười và cho rằng Tổng thống Thiệu làm cản trở hòa bình, đồng thời kêu gọi Hoa Kỳ cứ tiến hành ký kết vào ngày 31 tháng Mười. Trước những diễn biến bất ngờ này, ông Kissinger liền mở cuộc họp báo để giải thích về văn bản hiệp định cho công luận Hoa Kỳ. Theo lời ông Kissinger thì “hòa bình đã trong tầm tay” và bấy giờ chỉ còn đúc kết lại bằng một cuộc bàn thảo cuối cùng với đại điện CSBV nữa là xong.
Suốt trong tháng 11, nhiều thư từ qua lại giữa Sài Gòn và Hoa Thịnh Đốn, nhưng rốt cuộc không có điểm thay đổi nào đáng kể trong văn bản nói trên. Cũng trong tháng này, các phi cơ vận tải khổng lồ C-5 và hải vận hạm chở sang VN một số quân cụ và tiếp liệu quan trọng gồm chiến đấu cơ F-5 và A-37, phi cơ trực thăng, chiến xa M-48 và đại bác 175 ly.
Cũng trong tháng tháng 11/1972, Lực lượng Hoa Kỳ tại Việt Nam tiến hành chuyển giao một số căn cứ quân sự còn lại cho các đơn vị VNCH. Với những trang cụ quân khí mới nhận được này, Bộ Tổng Tham Mưu QL.VNCH liền cho thành lập thêm các phi đội C-130 vận tải và phi đội chiến đấu F-5. Tuy nhiên phần lớn các trang cụ quân khí này được xem là những trang cụ thay thế sau này, chiếu theo các điều khoản ghi trong thỏa hiệp ngưng bắn. Kế hoạch chuyển giao quân cụ vội vàng này được mệnh danh là Tăng Cường Thêm (Enhance Plus) đều nhắm đến hai mục đích chính trị lẫn quân sự.
Cũng trong tháng 11/1972, vào ngày 20, tại Paris, ông Kissinger, đại diện Hoa Kỳ và Lê Đức Thọ, đại diện Cộng sản Hà Nội đã tiếp tục cuộc thương thảo về một thỏa hiệp ngưng bắn.
* Tổng thống Nixon và thỏa hiệp ngưng bắn.


Trong khi ông Kissinger và Lê Đức Thọ nối lại cuộc thương thảo, thì tại Hoa Thịnh Đốn, Tổng thống Nixon đã cứu xét các thiếu sót và dị biệt trong bản sơ thảo thỏa hiệp ngưng bắn (do Hoa Kỳ và Cộng sản Hà Nội soạn ra) mà chính phủ VNCH đã nêu ra trong cuộc họp với ông Kissinger tại Sài Gòn vào các ngày 18 và 19 tháng 10/1972. Đại tướng Viên ghi lại rằng Tổng thống Nixon “đáng được chúng tôi biết ơn” khi ra lệnh phái đoàn Hoa Kỳ phải tái cứu xét các điểm dị biệt này. Nhưng chính vì vậy mà nảy sinh hai loạt vấn đề. Các vấn đề chính như: khu phi quân sự phải được xem là lằn ranh phân chia hai miền Nam Bắc như đã ghi trong Hiệp định Genève 1954; CSBV phải rút 25 ngàn quân về Bắc và VNCH cũng giảm số lượng quân tương tự; Cuộc ngừng bắn nên được áp dụng cho toàn lãnh thổ Đông Dương; Các cuộc dàn xếp sẽ được quốc tế giám sát bằng một lực lượng hùng hậu, có khả năng quán xuyến được việc giám sát một khi thỏa hiệp ngưng bắn có hiệu lực.
Ngoài những điểm chính còn một số điểm phụ mà Chính phủ VNCH yêu cầu Hoa Kỳ phải lưu ý: bản dịch cần phải được sửa lại để làm sao cả hai bản tiếng Việt và tiếng Anh có cùng một cách hiểu và tránh những suy diễn lệch lạc có thể xảy ra đối với nhóm chữ Hội đồng Hòa Hợp Hòa Giải Dân Tộc; những sắp xếp làm sao để bốn bên có thể cùng ký văn bản chính thức.
Cũng cần ghi nhận thêm rằng trước đó, vào ngày 9 tháng 11/1972, phụ tá của ông Kissinger là tướng Alexander M. Haig, Jr đến Sài Gòn để trao bức thư tay của Tổng thống Nixon cho Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Theo lời Đại tướng Cao Văn Viên, do chính phủ VNCH vẫn kiên quyết giữ vững lập trường của mình nên tướng Haig dọa rằng nếu Việt Nam Cộng Hòa không chịu ký thì Hoa Kỳ sẽ đơn phương ký kết với Cộng sản Bắc Việt. Trước đó vài ngày, bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cũng đã ra tuyên bố là Gia Nã Đại, Hung Gia Lợi, Ba Lan, Nam Dương đã đồng ý sẽ tham gia Ủy hội Quốc tế Kiểm soát và Giám sát đình chiến.
* Ông Kissinger và Lê Đức Thọ tranh cãi về ngưng bắn
Trở lại với cuộc họp của ông Kissinger và Lê Đức Thọ ngày 20-11-1972. Thọ đến trước và tuyên bố với báo chí rằng BV rất nghi ngờ thiện chí của Hoa Kỳ. Mặc dù Thọ không công khai nói rõ trong tuyên bố của mình, song Thọ có ý ám chỉ đến ý này khi đề cập đến các chuyến tiếp tế trang bị quân khí được Hoa Kỳ chuyển giao đến Sài Gòn trong tháng 11 và cho rằng Hoa Kỳ đã không chịu ký kết văn bản thỏa hiệp được soạn thảo để chuẩn bị ký kết vào ngày 31 tháng 10 trước đó.
Suốt trong cuộc họp với Lê Đức Thọ, ông Kissinger nêu ra các đòi hỏi của VNCH và Hoa Kỳ. Mấy ngày đầu trao đổi, bàn bạc, thì sự việc có vẻ suôn sẻ và cảm thông. Thế nhưng khi bước sang ngày 23-11, Thọ đột nhiên trở chứng. Thọ bác bỏ những yêu cầu của Hoa Kỳ và một lần đòi loại bỏ cho bằng được chính phủ VNCH. Điều này chứng tỏ Thọ nhận được chỉ thị mới của Hà Nội khiến ông Kissinger phải khựng lại vì thái độ trở mặt này. Ông Kissinger hỏi Thọ nhưng không được giải thích thỏa đáng. Ông Kissinger nhắc lại rằng Hoa Kỳ đã bày tỏ thiện chí bằng cách cho ngưng oanh tạc lãnh thổ miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra để mong có sự tiến bộ trong hòa đàm, thì được Thọ trả lời rằng vì Hoa Kỳ đã đưa ra nhiều đòi hỏi mới. Hai bên chấm dứt các cuộc nói chuyện vào ngày 25-11, nhưng đồng ý sẽ tái tục vào đầu tháng 12. Trong thời gian này, ông Nguyễn Phú Đức, đặc sứ của VNCH đến Hoa Thịnh Đốn mang theo bức thư của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu gửi Tổng thống Nixon, trong thư giải thích rõ lập trường của chính phủ VNCH. (V)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.