Hôm nay,  

Cần 1 Giải Pháp Toàn Bộ Cho Cuộc Chiến Do Thái- Hezbollah

05/08/200600:00:00(Xem: 1966)

Cuộc chiến tranh Trung Đông bùng nổ trở lại ngày 12/7/2006 làm cho thế giới hết sức lo âu giữa một mùa hè nóng gắt chưa từng thấy. Nhiều người lo ngại cuộc tấn công của Do Thái vào nam Liban để dẹp đoàn dân quân Hezbollah sẽ kéo theo, trước hết các nước Trung Đông, sau đó là các siêu cường vào một cuộc chiến lan rộng khởi đầu cuộc thế chiến thứ III. Người ta nhớ lại nguyên nhân “không đáng gì” đã đưa thế giới vào cuộc đại chiến thứ nhất giết chết 10 triệu người tại Âu châu và trên 116.000 quân nhân Mỹ (năm 1914 đế quốc Áo-Hung là một thế lực lớn tại Âu châu. Nga Hoàng cấu kết với một liên minh người Slavs -có cùng gốc với người Nga - để làm yếu đế quốc Áo-Hung.

Ngày 28/6/1914 một người Slav gốc Serbia ám sát hoàng tử Francis Ferdinand, người sẽ nối nghiệp cầm quyền đế quốc Áo-Hung. Áo-Hung nhân dịp đánh định tiêu diệt liên minh Salvs, Nga tấn công Áo-Hung, Đức bênh vực Áo-Hung tuyên chiến với Nga, Pháp liên minh quân sự với Nga cùng với Anh tuyên chiến với Đức. Trong vòng một tháng Âu châu chìm trong khói lửa. Hoa Kỳ chưa phải là một lực lượng quan trọng nên lúc đầu chỉ biết ngồi nhìn, ba năm sau mới nhập cuộc) và lo sợ một phản ứng dây chuyền như vậy có thể xẩy ra.

Chính vì lo sợ cuộc tấn công vũ bão của quân đội Do Thái có thể tạo phản ứng dây chuyền như những biến cố đã sinh ra trận Thế chiến I, các vị lãnh đạo Thiên Chúa giáo đã nói đến sự tiên đoán tận thế của chúa Jesus như một nhắc nhở các vị lãnh đạo chính trị đừng dẫm lên vết xe cũ.

Tuy nhiên cuộc tấn công của Do Thái hiện nay không có điều kiện dẫn thế giới vào một cuộc đại chiến, xét cả về mặt định tâm khai thác cơ hội của cả hai phía bạn và địch của Do Thái.

Năm 2000 Do Thái rút quân ra khỏi Liban sau 18 năm quần thảo với dân quân Hezbollah và mới đây (năm 2005) rút quân ra khỏi Gaza cho thấy Do Thái đã thấm mệt sau 58 năm (từ 1947 đến 2005) liên tục chiến tranh và muốn tìm một giải pháp hòa bình với sự bảo đảm của Liên hiệp quốc.

Nhưng vấn nạn là biên giới phía bắc (giáp với Liban đang bị lực lượng dân quân Hezbollah kiểm soát) liên tục bị quấy rối. Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc đã có quyết nghị 1559 năm 2004 quy định quân đội Liban giải giới Herbollah nhưng quân đội Liban không có khả năng thi hành, do đó Do Thái cần có một giải pháp dứt khoát.

Dịp đến khi ngày 12/7 vừa qua dân quân Hezbollah vượt biên giới đột nhập đất Do Thái giết 8 lính Do Thái và bắt đi hai quân nhân. Do Thái đã dùng toàn lực hải lục không quân đánh quân Hezbollah và phong tỏa Liban, nhưng với một chương trình rõ ràng là tạo cơ hội để thế giới phải đi đến một giải pháp dứt khoát và lâu dài. Và chương trình này được cả bạn (như Hoa Kỳ, Anh và lần này có Pháp) lẫn phe địch (các nước trong khối A Rập) hiểu và thông cảm.

Hoa Kỳ không thể khai thác cơ hội để đánh Iran (để chận đứng chương trình chế tạo bom nguyên tử) vì đang kẹt vào cuộc chiến Iraq và sự đe dọa hỏa tiễn của Bắc hàn. Các nước A Rập như Saudi Arabia, Ai Cập, Jordanie là những quốc gia A Rập theo hệ phái Shuni nên cũng không có lý do gì để bênh vực Hezbollah vốn là một cánh tay dài của Iran (một nước Hồi giáo đa số theo hệ phái Shite nhưng không phải là một nước A Rập, người Iran thuộc gốc Ba Tư).

Trong khung cảnh đó, Liên hiệp quốc (thực chất là 5 ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an: Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Trung quốc) trước sau cũng đồng thuận đưa ra những quyết nghị buộc hai bên ngưng bắn và chuẩn bị một lực lượng hòa bình đến Trung Đông. Liên bang Nga và Trung quốc không thấy có nhu cầu tạo rắc rối tại Trung đông. Một đoàn quân giữ gìn hòa bình có khả năng không cho Hezbollah tự do hoạt động quân sự (ngoại trừ hoạt động trong khuôn khổ của quân đội Liban) sẽ đến Liban thay thế lực lượng UNIFIL (United Nations Interim Force in Lebanon), trong đó quân đội Pháp có thể sẽ đóng một vai trò quan trọng. Pháp sẽ nhân cơ hội này vừa làm lành với Hoa Kỳ, vừa chứng tỏ vị trí của mình trên thế giới.

Nhưng lực lượng Liên hiệp quốc (dù với quyết tâm của quân đội Pháp) có thể làm tròn sứ mệnh không" Câu trả lời dựa vào hai câu hỏi:

(1) Do Thái có thể tận diệt dân quân Hezbollah không"

(2) Thế giới có một giải pháp toàn bộ giải quyết tận nguồn gốc của cuộc chiến tranh Trung Đông không"

Về câu hỏi thứ nhất, kinh nghiệm của chiến trường Việt Nam từ trận Điện Biên Phủ (đại tá trọng pháo cụt một tay Charles Piroth tự vận sau khi bảo đảm với bộ tham mưu Pháp sẽ làm câm họng súng của quân ông Võ Nguyên Giáp không thành) cho đến các chiến dịch không kích ác liệt của Không quân Hoa Kỳ vào miền Bắc Việt Nam (như chiến dịch Rolling Thunder kéo dài hơn 3 năm - từ tháng 3/1965 đến tháng 11/1968) vẫn không ngăn được miền Bắc đưa quân và vũ khí vào miền Nam cho thấy các cuộc không kích và trọng pháo quân Do Thái đang ngày đêm bắn vào Liban nếu có thể làm suy yếu trong nhất thời cũng không diệt được Hezbollah.

Hezbollah là một lực lượng du kích. Họ có kinh nghiệm 18 năm (1982-2000) đánh nhau với Do Thái và chắc chắn họ học kỹ các bài học chiến tranh của chiến trường Việt Nam nên sẽ không dễ dàng để cho quân Do Thái tiêu diệt. Dân quân Hezbollah còn có khả bắn hỏa tiễn từ miền Nam Liban (nơi quân Do Thái trên nguyên tắc đã cày nát bằng đại pháo và không kích và đưa bộ binh vào càn quét) vào đất Do Thái cho thấy Hezbollah đã  chuẩn bị kỹ lưỡng các hầm bí mật và khi quân truy lùng Do Thái đi qua họ sẽ chui ra khỏi hầm bí mật hòa lẫn với dân và tiếp tục chiến đấu.

Thứ hai, có một giải pháp giải quyết tận gốc vấn đề của Trung đông không" Cái gốc vấn đề là quyết định sai lầm của người Anh trong thập niên 1940 để cho người Do Thái chạy tránh nạn diệt chủng của Đức Quốc xã trở về định cư ngay giữa đất của người A Rập, chẳng những tranh giành đất đai với người Palestine mà còn là mối đe dọa chung cho khối A Rập trong vùng. Và quyết nghị của Liên hiệp quốc năm 1947 thành lập hai nước Palestine và Do Thái trong vùng mở đầu cuộc chiến tranh giữa Do Thái và Palestine, và cuộc đối đầu dai dẵng giữa Do Thái và khối A Rập.

Cuộc đối đầu này đã có những diễn biến phức tạp. Năm 1956 sau khi đại tá Nasser của Ai Cập quốc hữu hóa kênh đào Suez, Do Thái đã âm mưu với Anh và Pháp đánh chiếm bán đảo Sinai tiến quân vào sát bờ tây kênh đào đe dọa sự lưu thông của một thủy đạo quốc tế tạo cớ cho Anh và Pháp chiếm kênh đào Suez. Tổng thống Eishenhower kịp can thiệp để tránh Liên bang Xô viết nhảy vào. Anh và Pháp phải rút quân lui trả kênh đào lại cho Ai Cập. Biến cố này đánh dấu ảnh hưởng của Hoa Kỳ tại Tây Âu (mà cho đến lúc đó nằm trong tay của Anh và Pháp), và sự mất dần ảnh hưởng của đế quốc Anh. Đệ tứ Cộng hòa Pháp sụp đổ và tướng De Gaulle thiết lập đệ ngũ Cộng Hòa, mở đầu cuộc cuộc kèn cựa giữa Pháp và Hoa Kỳ, và cũng là khởi điểm của nỗ lực thành lập khối Liên hiệp Âu châu để làm đối trọng với Hoa Kỳ.

Cuộc khủng hoảng Suez (Suez crisis) đã đẩy khối A Rập vào khối Liên xô và biến Do Thái thành đồng minh của Hoa Kỳ và là nguyên nhân của các biến chuyển phức tạp tại Trung đông từ đó cho đến nay. Sự đồng minh này phát sinh từ một nhu cầu chiến lược của chiến tranh lạnh trong thập niên 1960 đã dần dần trở thành một quan hệ Hoa Kỳ không thể gỡ ra được do áp lực chính trị nội bộ khi người Mỹ gốc Do Thái trở nên một lực lượng chính trị có khả năng thao túng quốc hội và truyền thông của Hoa Kỳ.  Quan hệ này nếu giúp Hoa Kỳ giữ được ảnh hưởng tại khu dầu hỏa Trung Đông cũng là nguyên nhân của nhiều hệ lụy làm giảm sút uy tín của Hoa Kỳ trên thế giới.

Trong hai vấn đề nêu trên vấn đề Do Thái không tiêu diệt được lực lượng Hezbolah không phải là một vấn đề nan giải. Hezbollah có thể trở thành một lực lượng chính trị tại Liban như họ đã chuẩn bị từ nhiều năm qua. Một mình họ hay liên minh với các đảng chính trị khác Hezbollah có thể lãnh đạo Liban và sẽ không thể hành động như một lực lượng khủng bố. Quan hệ Do Thái – Hezbollah sẽ trở thành quan hệ giữa hai quốc gia và sẽ được hành xử trong cung cách đó.

Vấn đề thành hình một nước Palestine với biên giới phân minh và công bình mới là vấn đề khó giải quyết. Sau cuộc chiến này nếu thế giới vẫn không thuyết phục được Do Thái trả đất lại cho người Palestine mà họ đã chiếm đóng trong trận đánh năm 1967 thì tình hình Trung Đông vẫn còn như một cái núi lửa nằm im chỉ chờ dịp để phun lửa. Do Thái đã rút ra khỏi giải Gaza (và sẽ rút sau cuộc tấn công này), nhưng họ đã xây một bức tường ngăn chia biên giới Do Thái với vùng Tây ngạn theo một họa đồ bọc quanh các khu định cư của người Do Thái nằm sát ranh giới và do đó đã chiếm đất đai của người Palestine. Vấn đề này sẽ rất khó giải quyết. Và đó là một trong những vấn nạn của một giải pháp toàn bộ.

Cuộc đấu súng giữa Do Thái và Hezbollah sẽ không có cơ lan rộng trước khi Liên hiệp quốc có những quyết nghị buộc hai bên ngưng bắn và sắp xếp một đội quân Liên hiệp quốc hùng hậu đến nam Liban để ngăn không cho Hezbollah đánh phá Do Thái và tạo điều kiện cho Do Thái rút quân về.

Nhưng nếu thế giới, nhất là Hoa Kỳ, vẫn chưa buộc được Do Thái trả lại đất cho Palestine thì giải pháp gì cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Cái núi lửa Trung Đông sẽ bùng dậy bất cứ lúc nào.

Trần Bình Nam

Aug. 4, 2006 binhnam@sbcglobal.net

www.tranbinhnam.com.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.