Hôm nay,  

Chăm Sóc Các Vị Cao Niên: Không Để Các Cụ Bị Té Ngã

03/06/200600:00:00(Xem: 1361)

Tất cả chúng ta - con, cháu hiếu thảo - đều mong muốn ông bà, cha mẹ "sống đời với con". Và những vị cao niên cũng muốn được sống lâu, sống khoẻ để vui với con cháu, để nhìn thấy con cháu trưởng thành. Mục "Chăm sóc ông bà, cha mẹ" xin kính gởi đến các vị cao niên và con, cháu những bài viết liên quan đến sức khoẻ và đời sống của các vị cao niên, mong có thể giúp được các vị cao niên phần nào trong việc chăm sóc cho mình khi tuổi đã cao, và giúp các con, cháu chăm sóc ông bà, cha mẹ.  

ĐỀ PHÒNG TÉ NGÃ

Mọi người đều có thể bị trượt ngã, nhưng khi đã cao tuổi, một vụ té ngã nhẹ cũng có thể gây ra những thương tích nặng nề. Cơ thể của các vị cao niên dễ bị thương tích hơn và lâu lành lặn hơn những người trẻ tuổi. Đối với các vị cao niên, té ngã là một trong những nguy cơ về sức khoẻ đáng lo nhất. Vì vậy, ngăn ngừa té ngã là một nỗi lo hàng đầu nếu gia đình bạn có người cao tuổi.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các vị cao niên phải hạn chế cử động. Vì quá sợ té ngã, có thể các vị cao niên sẽ hạn chế di chuyển, và các con cháu cũng ngăn cản các vị "ông/bà, ba/má cứ ngồi yên, để con lấy dùm cho". Thật ra, hạn chế di chuyển càng làm nguy cơ té ngã tăng thêm: vì ít cử động, cơ thể các vị càng yếu hơn, khả năng giữ thăng bằng càng giảm, và lại càng dễ bị té ngã hơn. Ít cử động còn gây ra táo bón, ăn mất ngon, mất ngủ, hệ thống tuần hoàn làm việc yếu.

Cách hay nhất để đề phòng té ngã là tập thể dục để làm tăng khả năng giữ thăng bằng, độ đàn hồi của bắp thịt và sức mạnh của cơ thể. Hãy khuyến khích các vị cao niên tập thể dục tuỳ theo sức khoẻ, hoạt động thể dục càng nhiều càng tốt.

Ngoài ra, một số loại thuốc cũng làm giảm khả năng giữ thăng bằng, như thuốc an thần, thuốc trị bệnh trầm cảm (antidepressant), và thuốc trị bệnh cao huyết áp. Nếu được, có thể hỏi bác sĩ xem có thể giảm liều lượng dùng các thứ thuốc này không.

Các vị cao niên cần được thử nghiệm xem có mắc bệnh loãng xương hay không (osteoporosis). Những người mắc bệnh loãng xương cần phải cẩn thận hơn, vì xương dễ gãy hơn khi bị ngã. Những vị cao niên mắc các bệnh lẫn (dementia), Parkinson, thị lực kém, thấp khớp (arthritis) cũng dễ bị té ngã hơn.

Nếu thường cảm thấy chóng mặt hay bị tê cóng, các vị cao niên cần phải đứng lên thật chậm và dùng gậy hay các loại chống đỡ khác. Nên nhờ chuyên viên về vật lý trị liệu hướng dẫn cách dùng gậy để dùng đúng cách và an toàn.

Dưới đây là một số điều có thể làm để ngăn ngừa té ngã trong nhà.

- Nhìn chung, trong nhà bạn cần dẹp bỏ tất cả những thứ có thể làm cho các vị cao niên trượt hay vấp, như những tấm thảm trơn trợt, những bậc thềm nữa-bậc (half-step) khó nhìn thấy, và thêm vào những thứ giúp cho các vị tránh té ngã như đèn sáng hơn, tay cầm, ghế có tay vịn …

- Sửa chữa những chỗ thảm bị rách, bị cong.

- Sàn nhà phải bằng phẳng. Dẹp bỏ những chỗ lồi lõm như ngạch cửa ở cửa ra vào.

- Dẹp bỏ các chướng ngại vật ở các đường đi và hành lang như giỏ rác, dây điện và các vật nhỏ khác.

- Nếu có thể, tránh không để cho các vị cao niên phải xử dụng cầu thang.

- Các loại đồ đạc như ghế, giường … không nên quá cao hay quá thấp, để cho các vị cao niên có thể ngồi vào dễ dàng.

- Các loại đồ đạc có chân cong ra ngoài rất dễ gây vấp ngã. Không nên để các loại đồ đạc này ở đường đi.

- Sửa chữa ngay những thứ đồ đạc hư, cọc cạch.

- Để thảm cao su (rubber mat) trên sàn trong bồn tắm, và trên sàn bếp ngay trước bồn rửa chén.

- Cần lau dọn ngay những thứ đổ ra sàn nhà.

- Đèn cần sáng nhưng không quá chói. Treo màn hay để chụp đèn để giảm độ chói của ánh sáng đèn và ánh nắng. Các công tắc bật đèn cần phải để ở những nơi như lối ra vào phòng, ở ngay trên và dưới cầu thang. Trong phòng của các vị cao niên, cần có đèn ngủ ngay bên cạnh giường. Để đèn vào buổi tối ở hành lang, phòng tắm, bếp, cầu thang, hay bất cứ nơi nào ông bà, cha mẹ của bạn có thể đi vào buổi tối.

- Các vị cao niên cần phải mang các loại giày thoải mái, không bị trơn trợt, gót thấp. Tránh các loại giày hở gót hay ngón chân.

- Nhiệt độ trong nhà không được quá cao, vì nhiệt độ cao có thể gây chóng mặt.

- Để điện thoại ở những nơi dễ lấy.

Mong các vị cao niên luôn an toàn, tránh được mọi tai nạn té ngã.

Nguyễn Minh Hà

(Nguồn: "How to care for aging parents" - Virginia Morris)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.