Hôm nay,  

Sài Gòn Mãi Mãi Là Sài Gòn

27/05/200600:00:00(Xem: 2578)

Người Việt Nam không có tập tục dùng tên người để đặt địa danh; dùng tên Hồ Chí Minh để đặt cho Sài Gòn là đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc.

1.- TẦM NHÌN CHIẾN LƯỢC

Vào cuối thế kỷ 15 đầu thế kỷ 16, người Âu Châu tìm ra hai hải trình để qua Á Châu giao thương. Thứ nhất, họ đi xuống phía nam Phi Châu, qua Mũi Hảo Vọng, vòng theo bờ biển đi lên, và qua Ấn Độ. Thứ hai, họ qua Mỹ Châu, vượt Thái Bình Dương đến Phi Luật Tân. Người Tây Ban Nha dùng hải trình thứ hai, còn các nước khác dùng hải trình thứ nhất. Năm 1521, người Tây Ban Nha đặt chân lần đầu đến vùng quần đảo sau nầy là Philippines (Phi Luật Tân). Sau đó họ lập thành phố Manila năm 1571.

Theo hải trình thứ nhất, sau khi đến Ấn Độ, người Bồ Đào Nha chiếm Malacca năm 1511, kiểm soát việc buôn bán hương liệu tại eo biển nầy và quần đảo Mã Lai. Người Bồ Đào Nha tiếp tục qua vịnh Xiêm La (Thái Lan), vòng theo Chân Lạp (Cambodia), đi lên phía bắc, đến Champa (Chiêm Thành), Đại Việt, rồi đến Trung Hoa, Nhật Bản. Người Bồ Đào Nha chính thức thiết lập trung tâm thương mãi tại Áo Môn (O Moon), ở Quảng Châu (Trung Hoa), năm 1557, mà từ đây họ gọi là Macau (chữ Pháp là Macao), dưới đời vua Trung Hoa là Minh Thế Tông (trị vì 1522-1566, niên hiệu là Gia Tĩnh).

Qua lại trên vùng biển từ Malacca lên Trung Hoa, chắc chắn người Bồ Đào Nha đã ghé lại buôn bán với các nước dọc bờ biển họ đi qua, từ Mã Lai trở lên. Đặc biệt, người Bồ thường hay trao đổi với người Chăm ở Cam Ranh và Phan Rang. Nếu Champa và các nước phía nam liên kết với người Bồ Đào Nha, để chống lại Đại Việt, thì thật là nguy hiểm, chẳng những cho xứ Đàng Trong và còn nguy hiểm cho cả nước ta.

Lúc bấy giờ, tại nước ta cuộc Nam Bắc phân tranh bắt đầu từ năm 1627. Cai trị Đàng Trong là Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên. Ông là con của Nguyễn Hoàng, lên thay cha cầm quyền từ 1613 và từ trần năm 1635. Ông vừa lo xây dựng miền Nam, vừa phải đối phó với miền Bắc, vừa tiếp tục kiếm cách mở đường Nam tiến.

Nguyên vào năm 1611, người Chăm đem quân tấn công miền biên giới. Nguyễn Hòang cử chủ sự Văn Phong cầm quân, đẩy người Chăm xuống tới núi Đèo Cả, lấy vùng đất mới, đặt làm phủ Phú Yên, gồm hai huyện Đồng Xuân (phía tây) và Tuy Hòa (phía đông). Nói cách khác, biên giới phía nam nước ta thời Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên mới chỉ ngang Phú Yên mà thôi.

Phía nam Phú Yên, từ Bình Định ngày nay vào đến Bình Thuận ngày nay là nước Champa. Phía nam Champa, tức phía nam Bình Thuân ngày nay, vùng châu thổ hạ lưu sông Cửu Long, là nước Chân Lạp (Cambodia). Vùng nầy thật ra, thời xa xưa là nước Phù Nam (Funan), một vương quốc hiện diện từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ sáu. Vào giữa thế kỷ thứ 6, Chân Lạp đem quân xâm lăng và sáp nhập Phù Nam vào Chân Lạp. Địa bàn gốc của Chân Lạp cao nên gọi là Lục Chân Lạp. Nước Phù Nam cũ, thấp, thường bị ngập lụt, nên gọi là Thủy Chân Lạp.

Người Chăm vốn rất thiện chiến, lại thường hay gây hấn với nước ta. Nếu trong lúc giao thương với Bồ Đào Nha, người Chăm liên kết với người Bồ và được người Bồ trang bị võ khí tối tân, để chống lại Đại Việt, thì thật là nguy hiểm chẳng những cho xứ Đàng Trong, mà còn nguy hiểm cho cả nước ta. Sãi Vương, với một tầm nhìn chiến lược xa rộng, đã hóa giải ngòi thuốc nổ phương nam, hết sức êm thắm.

Trước đây, không có tài liệu nào ở trong nước, kể cả Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim, viết về các hoạt động ngoại giao của Sãi Vương trong giai đoạn người Tây phương mới xuất hiện. Theo giáo sư Phan Khoang, trong Việt sử xứ Đàng Trong, lúc nầy có hai điểm đáng chú ý sau đây: Thứ nhất, bộ Đại Nam liệt truyện tiền biên, khi viết về bốn người con gái của Sãi Vương, đến mục "Ngọc Vạn" và "Ngọc Khoa", đã ghi rằng: "Khuyết truyện", tức thiếu truyện, nghĩa là không có tiểu sử của hai người nầy. Thứ hai, dựa vào tài liệu Chân Lạp và Pháp, ông Phan Khoang phát hiện ra rằng có một công nữ, con của Sãi Vương, đã qua Chân Lạp làm hoàng hậu năm 1620. Căn cứ trên hai yếu tố nầy, ông Phan Khoang đoán rằng hoàng hậu Chân Lạp lúc đó phải là một trong hai cô gái của Sãi Vương, nhưng không biết là người nào"

Tài liệu gần đây, bộ gia phả của gia đình chúa Nguyễn, ấn hành năm 1995, cho biết Sãi Vương đã gả người con gái thứ nhì là Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp là Chey-Chetta II (trị vì Chân Lạp 1618-1628) năm 1620; và đã gả người con gái thứ ba là Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Champa là Poromê (trị vì Champa 1627-1651) năm 1831. Sách Thế phả không cho biết lý do, cũng như diễn tiến hai cuộc hôn nhân nầy.  

Đưa hai người con gái ra nước ngoài làm hoàng hậu hai vương triều lân bang, là hai quyết định ngoại giao thầm lặng của Sãi Vương, để theo dõi hoạt động của các nước chung quanh, và nhất là hoạt động của người Tây phương tại vùng Đông Nam Á. Có thể Sãi Vương không muốn làm ồn ào hai cuộc hôn nhân nầy, mà chỉ lặng lẽ tổ chức hôn lễ cho hai con, nên các bộ chính sử nhà Nguyễn không viết ra.

Cuộc hôn nhân của Ngọc Vạn cho thấy rõ cả hai bên Đàng Trong Đại Việt và Chân Lạp đều muốn dựa vào nhau để tồn tại. Vua Chân Lạp là Chey-Chetta II (trị vì 1618-1628) muốn cầu thân với Đàng Trong để chống lại áp lực của Xiêm La (Thái Lan). Lúc đó, Sãi Vương mới lên cầm quyền, tình hình giao thiệp với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài bắt đầu căng thẳng. Những tin tức về sự xuất hiện của người Tây phương làm cho nhà chúa càng thêm lo ngại. Ông gả con gái mình để tạo quan hệ ngoại giao trong khu vực, và đồng thời để hướng đến một tương lai xa cho đất nước. Đoàn tùy tùng của bà Ngọc Vạn khá đông đảo. Có người sẽ giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình Chân Lạp. Riêng bà Ngọc Vạn, bà lập một xưởng thợ và nhiều hiệu buôn tại gần kinh đô. Rồi đây, bà Ngọc Vạn sẽ cho chính quyền Đàng Trong nhiều tin tức quan trọng về tình hình chính trị Chân Lạp.

Về cuộc hôn nhân của bà Ngọc Khoa, tài liệu ngoại quốc cho biết rằng vào năm 1639, tức 8 năm sau hôn lễ, cuộc giao thương giữa Champa và người Bồ Đào Nha không còn được nghe nói đến nữa. Phải chăng việc nầy do ảnh hưởng của bà Ngọc Khoa ở Champa" Theo truyền thuyết Champa, bà Ngọc Khoa đã dùng sắc đẹp mê hoặc vua Poromê, khiến ông chặt bỏ cây "kraik", biểu tượng thiêng liêng của vương quốc Champa. Vì vậy sau đó vương quốc Champa sụp đổ.

2.- HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG

Ba năm sau cuộc hôn nhân của bà Ngọc Vạn (1820), Sãi Vương cử một sứ bộ sang Chân Lạp (Cambodia) năm 1823, xin vua Chey-Chetta II nhượng cho người Việt khu dinh điền ở vùng Mô Xoài, gần Bà Rịa ngày nay. Nhờ sự vận động của hoàng hậu Ngọc Vạn, vua Chân Lạp đồng ý cho người Việt đến đó canh tác.

Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp. Mô Xoài là bàn đạp để người Việt dần dần tiến xuống đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1698, Minh Vương Nguyễn Phúc Chu (cầm quyền 1691-1725) cử Nguyễn Hữu Cảnh (hay Kính) làm kinh lược đất Chân Lạp, lúc đó vẫn còn phần đất đồng bằng sông Cửu Long. Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Đồng Nai (người Hoa gọi là Nông Nại) đặt thành huyện Phước Long, lấy đất Sài Côn đặt thành huyện Tân Bình. Hai huyện nầy được đặt dưới quyền của phủ Gia Định.

Cuối cùng, người Việt tiến xuống tới mũi Cà Mau vào khoảng giữa thế kỷ 18. Năm 1744, Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát (cầm quyền 1738-1765) cải tổ hành chánh, chia Đàng Trong làm 12 dinh, trong đó có 3 dinh thuộc Chân Lạp cũ là Trấn Biên (Biên Hòa), Phiên Trấn (Gia Định), và Long Hồ (Vĩnh long).

Đất Sài Côn thuộc dinh Phiên Trấn, nguyên là một thị trấn nhỏ trước khi người Việt đến định cư. Theo ông Vương Hồng Sển, trong sách Sài Gòn năm xưa, ấn hành ở Sài Gòn năm 1960, thì địa danh nguyên thủy của đất nầy là Sài Gòn, theo cách đặt tên của người Chân Lạp, nhưng khi phiên âm qua chữ Nho (chữ Hán), thì người ta đọc là Sài Côn.

Ngay từ khi người Việt đến định cư, do vị trí địa lý thuận lợi, Sài Gòn biến thành trung tâm chính trị, văn hóa và kinh tế của toàn bộ đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1731 (tân hợi), để thống nhất sự lãnh đạo quân đội Việt ở tại đây, chúa Nguyễn lập Sở Điều khiển ở Sài Côn hay Sài Gòn (Gia Định). Khi chúa Nguyễn bỏ Phú Xuân chạy vào nam năm 1775, Sài Côn trở thành thủ phủ mới của chúa Nguyễn. Lực lượng nhà Tây Sơn nhiều lần đánh chiếm miền Nam, cũng đặt bộ chỉ huy tại Sài Côn.

Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm Sài Côn năm 1787, ông ra lệnh xây thành Sài Côn năm 1790 theo kiểu Tây phương, gần như bát giác, được gọi là "Quy thành" (thành rùa, vì có hình dáng như con rùa), còn có tên là "Gia Định kinh". Tại đây, chúa Nguyễn đặt triều đình và bộ chỉ huy các chiến dịch hành quân chống Tây Sơn. Thành rất kiên cố, được xây bằng đá ong Biên Hòa, cao khoảng 4,8m., có tám cửa ra vào, nằm ở thôn Tân Khai, tổng Bình Dương lúc đó. Thành nằm ở khu vực bao quanh bằng các đường ngày nay là Lê Thánh Tông (đông), Nguyễn Đình Chiểu (sau 1975, tây), Đinh Tiên Hoàng (bắc), và Nam Kỳ Khởi Nghĩa (sau 1975, nam). (Nguyễn Đình Đầu dịch của Trương Vĩnh Ký, Ký ức về Sài Gòn và các vùng phụ cận, Nxb Trẻ, TpHCM, 1997, tt. 9 và 53.)

Sài Gòn, Sài Côn hay Gia Định kinh không phải chỉ thuận lợi trong giao thông nội bộ, mà còn thuận lợi trên hải trình đông tây và bắc nam. Sài Gòn gần như nằm giữa con đường từ Ấn Độ qua Phi Luật Tân, từ Trung Hoa xuống Indonesia. Vì vậy, chẳng bao lâu, Sài Gòn trở thành một hải cảng quốc tế sầm uất, giúp chúa Nguyễn phát triển nền kinh tế. Nhờ vậy, Nguyễn Phúc Ánh mới có điều kiện tăng cường quân lực, tiến đánh nhà Tây Sơn.

Sau khi thống nhất đất nước và lên ngôi vua năm 1802, vua Gia Long chia nước thành ba phần: Bắc Thành, Trung ương và Gia Định Thành. Gia Định Thành từ phía nam Bình Thuận trở vào. Thủ phủ của Gia Định Thành là thành Gia Định hay Sài Côn hoặc Sài Gòn.

Năm 1832, trong đợt cải tổ hành chánh, vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành, nhưng Gia Định vẫn giữ vai trò trung tâm của miền Nam. Năm 1859, Pháp đánh chiếm Gia Định, và tự động công bố Sài Gòn là hải cảng thương mại tự do ngày 22-2-1860. Trong bốn tháng đầu tiên, 60,000 tấn gạo đã được xuất cảng. Đến cuối năm đó thì có 111 tàu Âu Châu, 140 thuyền buồm Trung Hoa và gần 100,000 tấn hàng đã xuất cảng.

Sau khi triều đình Huế ký hòa ước 1874, nhượng toàn bộ sáu tỉnh Nam Kỳ cho Pháp, tổng thống Pháp ký sắc lệnh ngày 8-1-1877, chính thức thành lập thành phố Sài Gòn. Thành phố Sài Gòn được xếp vào loại thành phố lớn (grande municipalité), hoặc thành phố hạng nhất (municipalité de première classe).

Pháp bảo hộ Việt Nam bằng hòa ước 1884, thành lập Liên Bang Đông Dương ngày 17-10-1887. Đứng đầu Liên bang Đông Dương là viên toàn quyền (gouverneur général), do tổng thống Pháp bổ nhiệm. Ngày 12-11-1887, tổng thống Pháp ra sắc lệnh đặt Sài Gòn làm thủ phủ của Liên Bang Đông Dương và đặt phủ toàn quyền tại Sài Gòn.

Hiệp định Genève chia hai đất nước ở vĩ tuyến 17. Chính phủ quốc gia, và sau đó các chính phủ Cộng Hòa, đã chọn Sài Gòn làm thủ đô của miền Nam. Như thế, dầu nhiều lần đổi chủ, Sài Gòn vẫn giữ tên Sài Gòn và luôn luôn giữ vai trò chính trị, kinh tế, văn hóa, quan trọng chẳng những trong toàn quốc mà cả Đông Nam Á nữa. Trước năm 1975, các nước Đông Nam Á đã mệnh danh Sài Gòn là "Hòn ngọc Viễn đông".

 3.- MỘT SỰ ÁP ĐẶT THÔ BẠO

Trái với hiệp định Paris (27-1-1973), Bắc Việt đưa quân cưỡng chiếm Nam Việt tháng 4 năm 1975. Năm sau, nhà cầm quyền Hà Nội tổ chức bầu cử quốc hội ngày 25-4-1976 trên cả nước, theo công thức "đảng cử dân bầu". Dân chỉ được bầu những người do Mặt trận Tổ Quốc thuộc đảng Lao Động (tức đảng Cộng Sản) tuyển chọn. Trong phiên họp ngày 2-7-1976 tại Hà Nội, quốc hội mới, theo lệnh của đảng Lao Động, quyết định đổi tên nước thành Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, chọn Hà Nội làm thủ đô, và đổi tên Sài Gòn thành Thành phố Hồ Chí Minh (TpHCM).

Tại Tây phương, có một số nước dùng tên danh nhân để đặt tên thành phố. Ví dụ Alexandria ở Ai Cập, St. Petersburg ở Nga. Khi chọn như thế, danh nhân được chọn phải là người có công và được dân chúng quý trọng. Ngược lại, nếu không được dân chúng quý trọng, thì dân chúng sẽ xóa bỏ ngay nếu gặp hòan cảnh thuận lợi. Ví dụ thành phố St. Petersburg hay Petrograd của Nga được nhà nước cộng sản Liên Xô đổi thành Leningrad năm 1924, và thành phố Volgograd đổi thành Stalingrad năm 1925, đều đã bị dân chúng Nga loại bỏ và thay thế bằng tên cũ ngay sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

Tại Việt Nam, người Việt Nam hoàn toàn không có tập tục dùng tên danh nhân để làm địa danh. Ví dụ tại Huế, cầu Trường Tiền bắc qua sông Hương, khánh thành năm 1889, dưới triều vua Thành Thái (trị vì 1889-1907) nên được đặt tên là cầu Thành Thái. Sau khi vua Thành Thái bị lưu đày năm 1916, cầu được đổi tên là Chémenceau, để kỷ niệm vị thủ tướng đã đưa nước Pháp đến chiến thắng trong thế chiến thứ nhất (1914-1918). Tuy nhiên, trước sau dân chúng vẫn chỉ gọi là cầu Trường Tiền.

Ở Hà Nội, cầu Long Biên khánh thành năm 1902, được gọi là cầu Paul Doumer, tên của vị toàn quyền Pháp ở Đông Dương từ 1897 đến 1902, nhưng dân chúng vẫn chỉ gọi là cầu Long Biên hay cầu Sông Cái.

Năm 1945, khi cướp chính quyền, ông Hồ Chí Minh và Mặt Trận Việt Minh đã dùng tên những nhân vật lịch sử để đặt tên thành phố hay tỉnh. Ví dụ thành phố Đà Nẵng gọi là thành phố Thái Phiên. Tỉnh Quảng Nam gọi là tỉnh Trần Cao Vân... Dầu Thái Phiên, Trần Cao Vân đều là người Quảng Nam, và đều là những nhà ái quốc vĩ đại, đã hy sinh thân mạng khi khởi nghĩa chống Pháp, rất được dân chúng kính trọng, nhưng dân chúng vẫn không hưởng ứng việc dùng tên danh nhân để đặt tên địa phương. Sau đó, Đà Nẵng và Quảng Nam trở về với tên gọi truyền thống như cũ.

Việc đổi tên Sài Gòn thành TpHCM là một sự áp đặt gượng gạo và thô bạo. Người Việt Nam không có tập tục dùng tên người để đặt địa danh; dùng tên Hồ Chí Minh để đặt cho Sài Gòn là đi ngược lại truyền thống văn hóa dân tộc. Sài Gòn là thành quả của cuộc Nam tiến, bao nhiêu xương máu của tiền nhân đổ ra để xây dựng nên thành phố Sài Gòn; dùng tên Hồ Chí Minh để đặt cho Sài Gòn là cướp công tiền nhân, phủ nhận lịch sử đất nước. Sài Gòn là "Hòn ngọc Viễn đông"; dùng tên Hồ Chí Minh để đặt cho Sài Gòn là làm hoen ố "Hòn ngọc Viễn đông". Sài Gòn là thủ phủ của miền Nam từ mấy trăm năm nay; dùng tên Hồ Chí Minh để đặt cho Sài Gòn là xúc phạm đến dân chúng miền Nam nói riêng và dân chúng Việt Nam nói chung.

Năm 1945, tại Hà Nội, Hồ Chí Minh đã đọc bản tuyên ngôn thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, tiền thân của Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Hồ Chí Minh cũng đã từng sinh sống và làm việc tại Hà Nội khoảng 15 năm, từ 1954 đến 1969. Nếu Cộng Sản Việt Nam dùng tên Hồ Chí Minh để đặt cho thành phố Hà Nội, dân chúng Hà Nội nói riêng và dân chúng toàn quốc nói chung, có chịu không" Cần nhớ lại rằng tổng đốc Hoàng Diệu là vị tướng lãnh duy nhất trong lịch sử dân tộc, đã hy sinh theo thành, khi Hà Nội lọt vào tay quân Pháp năm 1882, nhưng dân chúng cũng không hưởng ứng việc lấy tên Hoàng Diệu để đặt tên thành phố Hà Nội vào năm 1945.

Trong khi đó, đối với Sài Gòn, Hồ Chí Minh chỉ là một kẻ xa lạ, ghé bến Sài Gòn trong thời gian ngắn, để xuống tàu, trốn qua Pháp, nhắm mục đích xin vào học trường Thuộc Địa Pháp năm 1911, mà bị Pháp từ chối. Sau đó, Hồ Chí Minh qua Liên Xô, theo đường lối chính trị cộng sản, về Việt Nam cướp được chính quyền, rồi sinh sống ở Hà Nội, không trở lui Sài Gòn ngày nào, làm sao có thể dùng tên Hồ Chí Minh để áp đặt lên thành phố Sài Gòn"

Do đó lâu nay, ngoài giấy tờ văn phòng liên hệ đến nhà nước cộng sản, dân chúng Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước, không ai gọi là TpHCM, mà đều gọi là Sài Gòn. Chắc chắn nhà cầm quyền Cộng Sản biết rõ điều nầy. Biết thì biết, nhưng vì tự ái, vì muốn lợi dụng tên ông Hồ cho những mưu đồ chính trị, nhất là vì muốn đề cao một thứ "lá diêu bông" chính trị, gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh", nhà cầm quyền Cộng Sản vẫn cương quyết duy trì tên TpHCM. Ngoan cố và không biết phục thiện, không chịu sửa sai, là một trong những căn bệnh ấu trĩ của Cộng Sản Việt Nam.

Lịch sử cho thấy rằng tất cả những chế độ độc tài, trước sau gì cũng sẽ bị đào thải.  Theo trào lưu dân chủ hóa toàn cầu, nhanh hay chậm, chế độ CS toàn trị sẽ phải thay đổi. Bạo lực CS cũng sẽ không còn nữa. Những gì của Cộng Sản đi ngược với lòng dân, sẽ đi theo đảng Cộng Sản.

Rồi đây, tên TpHCM của Cộng Sản Việt Nam sẽ cùng chung số phận như tên Leningrad, Stalingrad của Cộng Sản Liên Xô, sẽ phải bị loại bỏ. Ngược lại, Sài Gòn tự nhiên sẽ trở lại Sài Gòn. Như St. Peterburg trở lại St. Petersburg. Như Volgograd trở lại Volgograd. Địa danh Sài Gòn sẽ mãi mãi tồn tại với dân tộc Việt Nam, với truyền thống văn hóa cổ truyền. Đó là quy luật tự nhiên của lịch sử. Đó là điều chắc chắn không thể chối cãi. Bằng chứng là trong quá khứ, cũng như trong hiện tại, ở trong cũng như ngoài nước, dù cường quyền CS hiện còn đó, không ai muốn nhận mình là người TpHCM, mà thường hãnh diện rằng mình là dân Sài Gòn, và ai ai cũng thích thú chia sẻ với nhau bài ca: "Dừng chân trên bến khi chiều nắng chưa phai/ Đường xa thấp thoáng muôn tà áo tung bay/Nếp sống vui tươi nối chân nhau tới nơi đây/Sài Gòn đẹp lắm, Sài Gòn ơi, Sài Gòn ơi!".

Vâng, Sài Gòn đẹp lắm. Sài Gòn sẽ trở lại Sài Gòn. Sài Gòn mãi mãi là Sài Gòn.

TRẦN GIA PHỤNG

(Toronto, 23-5-2006)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
DB Rick Miller thuộc Đảng Cộng Hòa, đại diện khu vực Sugar Land, đã bị phản ứng gay gắt sau khi ông chụp mũ các đối thủ tranh ghế ông chỉ vì họ là người Mỹ gốc Á trong địa hạt đông ngưởi gốc Á.
Ai quyết tâm đi tìm chân lý và hướng thượng cuộc đời trong tinh thần – Tu là cõi phúc – đều hưởng được sự bình an trong tâm hồn, tức là hưởng được hạnh phúc, Thiên đàng, Niết bàn, Cõi phúc ở trần gian
nữ tài tử Julia Roberts và cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama sẽ có chuyến đi đặc biệt thăm Việt Nam trước khi sang Malaysia dự chương trình "Leaders: Asia-Pacific"
ông có tập Thơ Lửa, cùng làm với Đoàn Văn Cừ, gồm những bài thơ đề cao cuộc kháng chiến chống Pháp, do Cơ quan Kháng chiến Liên khu III xuất bản, được in ở Thái Nguyên năm 1948
James Nguyen Fernandes, 43 tuổi, bị buộc tội 6 vụ tấn công, gồm 2 tội tấn công cố ý sát hại, và 6 tội phạm tội liên quan súng, theo hồ sơ tòa án cho biết.
Cục Cảnh sát Hình sự của Bộ Công an mới đây thừa nhận Việt Nam là một “điểm nóng” của nạn buôn người và di cư bất hợp pháp, với lợi nhuận hàng năm lên đến hàng chục tỉ đôla.
Khi chưa thấy ánh mặt trời, Tôi đã cảm nhận được muôn ngàn đau khổ, Của mẹ cha, Của bà con và của muôn triệu người dân gần xa trong nước, Lúc mẹ ôm bụng bầu chạy từ chỗ nầy sang chỗ khác,
Theo bản tin từ đài KUSI, Dân biểu Cộng Hòa Duncan D. Hunter cho biết ông sẽ nhận một tội sử dụng sai trái quỹ vận động khi ra tòa vào hôm Thứ Ba ngày 3 tháng 12/2019 trước Chánh án Thomas J. Whelan.
Mùa cháy rừng hiện nay nêu bật việc cần phải nhanh chóng đạt được các mục tiêu loại bỏ carbon đầy tham vọng của California, và bản báo cáo ‘Lộ Trình 2045’ đặt ra sơ đồ định hướng để đạt được mục tiêu đó
Tổng Thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm Thứ Hai, 2 tháng 12, lên án các nhà Dân Chủ tại Hạ Viện về việc tổ chức điều trần luận tội trong khi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh NATO tại London
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.