Hôm nay,  

Bút Ký Văn Nghệ: Khúc Hát Ân Tình

24/05/200600:00:00(Xem: 2245)

Từ phải: Các nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Thanh Sơn.

Niềm Hy Vọng Kéo Dài 2 Thập Niên

Là một người cực kỳ đam mê thưởng thức các bộ môn giải trí có liên quan đến 2 chữ âm nhạc, nhưng thú thật, tôi là một trong nhóm người "ca không hay và đàn nghe cũng dở ẹc"! Chẳng những vậy, khi lớn lên, dù gần như đêm nào tôi cũng có mặt ở vũ trường hoặc phòng trà, nhưng với mục đích không phải để "nhảy đầm" mà chính là để bù khú với các em vũ nữ hoặc ca sĩ quen biết. Vì vậy, cho đến hôm nay, mỗi khi ra sàn khiêu vũ, tôi cũng chỉ nhảy những bước căn bản như một người mới học chớ không có "te... tiếc", hay "phăng... phiếc" gì cả! Nói tóm lại, từ những ngày còn rất nhỏ, tôi đã tự biết rằng mình không có khiếu về âm nhạc hoặc nhảy nhót.

Tuy nhiên, không biết vì một yếu tố tâm lý đặc biệt hoặc vì một định mệnh lạ lùng nào, mà ngay từ những ngày còn rất ấu thơ, các sinh hoạt văn nghệ lại có sức ám ảnh đầu óc tôi một cách dị kỳ. Ngoài ra, cả đời tôi còn đã từng bị chi phối khá nặng nề bởi nhiều "em" có đời sống gắn liền với 2 chữ "sân khấu" hoặc "sân quay"! Họ chẳng những đã thờ ơ "đi qua đời tôi" mà có "em" còn tàn nhẫn dừng lại... giẫm nát hồn tôi! Điều đặc biệt nhất là tuy bị hành hạ tàn nhẫn như vậy nhưng tôi đã không hề oán hận mà vẫn cứ lăn xả vào những nơi nào có tiếng kèn giọng quyển dập dìu!

Một trong nhiều sinh hoạt văn nghệ đã từng ám ảnh đầu óc tôi lâu dài nhất là nhạc phẩm "Khúc Hát Ân Tình" với đoạn mở đầu như sau:

"Người từ (là) từ phương Bắc, đã qua dòng sông... sông dài, tìm đến phương này, một nhà thân ái. Ơi ...tình Bắc duyên Nam, là duyên... tình chung muôn đời... ta đắp xây".

Tôi không còn nhớ rõ là đã nghe lần đầu tiên vào năm nào và do ca sĩ nào hát, nhưng vì nội dung của bài ca đó đã tạo cho người nghe hình ảnh của cuộc di cư ồ ạt với hơn một triệu người từ Bắc vô Nam nên tôi nghĩ là phải sau năm 1954 và qua làn sóng của "đài phát thanh Sài Gòn" chớ không phải "đài phát thanh Pháp Á". Lần đó, qua tiếng nhạc và lời ca phát ra từ cái radio 5 đèn hiệu Philip, ánh mắt của Cha tôi chợt như mơ màng rồi bỗng trở thành nồng nàn khi hướng về phía Mẹ tôi đang ngồi đong đưa trên võng. Tuy chỉ mới lên 10 tuổi, nhưng vì thường được nghe "chuyện đời xưa" do Cha tôi kể trong những khi tôi đấm lưng Người nên tôi hiểu nguyên cớ của "ánh mắt mơ màng và nồng nàn" đó: Cha tôi đã tức khắc lên tàu hỏa rời Hà Nội vô Nam ngay từ sau buổi lễ chính thức thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng vào năm 1925, để rồi sau đó, một cuộc "tình Bắc duyên Nam" đã nẩy nở vì quê ngoại tôi gốc ở Long Xuyên.

Kể từ sau lần đầu tiên nghe bài ca đó cho mãi đến tận những ngày gần "mất nước", tôi đã nghe thêm hàng ngàn lần "Khúc Hát Ân Tình" trên cả hệ thống truyền thanh lẫn truyền hình, và lạ lùng... mỗi lần nghe là tôi lại chú ý thêm một đoạn kế tiếp và có thêm một niềm xúc cảm mới: "Gặp nàng, nàng là thôn nữ, mắt duyên cười say... môi hồng, tình thắm đôi lòng, mộng vàng chung bóng. Ơi... mạch đất dâng hương, là hương, cần lao chung đời... vai sánh vai".

Mẹ tôi là con gái út trong một gia đình khá giả nên không là "thôn nữ", nhưng môi của Mẹ tôi hồng, và mắt của Mẹ tôi rất say sưa mỗi khi Người nói hay nhìn về phía Cha tôi. Cho đến ngày làm chuyến vượt biên cuối cùng ra nghĩa trang Los Gatos để sang bên kia thế giới, Cha Mẹ tôi chưa một lần nằm ngủ riêng giường, và tôi cũng chưa từng một lần nào nghe hai Người to tiếng với nhau trước mặt con cái. Do đó, đối với anh em tôi, không còn câu hát hay câu nói nào đúng hơn để diễn tả cuộc sống "tình Bắc duyên Nam" của Cha Mẹ tôi bằng những chữ: "...tình thắm đôi lòng, mộng vàng chung bóng... cần lao chung đời... vai sánh vai...".

Thú thật, khi lớn lên ra đời và vì thường hay mò mẫm vào các xóm đạo của người Bắc di cư, tôi cũng đã từng trải qua không phải chỉ một mà là nhiều cuộc "tình Bắc duyên Nam". Nhưng tiếc thay, tôi đã không có cái may mắn như Cha tôi nên không được "cần lao chung đời... vai sánh vai..."! Nhiều lúc, nghe "Khúc Hát Ân Tình" rồi nhìn lại đời mình, tôi đã thầm ganh tỵ với mối "tình Bắc duyên Nam" tuyệt vời kéo dài hơn nửa thế kỷ của Cha Mẹ tôi.

Kế tiếp, theo với sự leo thang ngày một gay gắt của chiến tranh, có nhiều đêm... ngồi nhìn những trái hỏa châu treo lơ lửng trên nền trời ngoại ô đen như mực, rồi nghe lồng trong tiếng đại bác từ xa vọng về, tiếng hát của một nữ danh ca - qua nhạc bản "Khúc Hát Ân Tình" - vang ra từ cái radio transitor, nỗi bâng khuâng trong tôi chợt biến thành niềm hy vọng chứa chan về một... "ngày mai hạnh phúc, nơi nơi reo cười, quê hương thôi đau, sầu ngăn sông núi... cách chia. Ta đem yêu thương... về cho Phương Bắc...".

Tôi đã hy vọng chứa chan về một ngày mai - khi niềm đau về một quê hương rách nát và nỗi sầu "đi cách sông về cách núi" không còn nữa - lúc ấy, trong khi tác giả bài hát cùng với nhiều người khác tưng bừng "đem yêu thương... về cho Phương Bắc..." -thì- tôi sẽ hân hoan và hiên ngang đem đàn con của mình về thăm quê nội, tức thành phố Hà Nội ngàn năm văn vật, một nơi mà tôi và đàn con của mình chỉ được nghe Cha tôi kể lại chứ chưa được thấy tận mắt bao giờ.

Sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975 - niềm hy vọng kéo dài suốt 2 thập niên đó của tôi trở thành tuyệt vọng! Bạo quyền Hà Nội đã dập tắt... ước mơ của tác giả nhạc phẩm "Khúc Hát Ân Tình"... ước mơ của 3 thế hệ trong gia đình tôi... và ước mơ của hàng mấy chục triệu người dân miền Nam, một uớc mơ nhỏ bé nhưng đầy tình tự dân tộc là... "đem yêu thương... về cho Phương Bắc..."! Ngược lại - từ phương Bắc - họ đã đem thù hận, tù đày, tang thương, chia lìa, và chết chóc... về cho phương Nam! Niềm đau về một quê hương đã rách giờ càng thêm nát, và nỗi sầu "đi cách sông về cách núi" bỗng chốc trở thành xa cách cả một đại dương thăm thẳm nghìn trùng! Cha tôi là... người từ phương Bắc, đã qua dòng sông để có được mối "tình Bắc Duyên Nam" tuyệt diệu, rồi "xác tục ngàn năm lưu hải ngoại - hồn thiêng vạn dặm gửi non sông" (trích 2 câu thơ trước cổng nghĩa trang Los Gatos - California)! Còn tôi, thay vì đem đàn con về thăm quê nội như giấc mơ hằng ấp ủ mỗi khi nghe bài ca "Khúc Hát Ân Tình".

Một sáng tàn Đông năm 1978, tôi xé lòng mình đem đàn con xuống ghe làm cuộc lưu vong hành vô hạn định!

Từ đó hoang đường nửa kiếp sau

Tha hương nghe gió thét mưa gào

Mỗi độ Xuân về tê tái lạnh

Mỗi Tết là nghe ngực trống đau...

(trích "Quà Tết" của Nguyên Thanh).

Những Nghệ Sĩ... Bị Đời Quên

Tôi không còn được nghe và dần quên bài ca "Khúc Hát Ân Tình" tuyệt vời đó kể từ buổi sáng thiên hôn địa ám 30 tháng Tư 1975 cho đến hết ngày hôm qua.

Sáng ngày 15/05/2006 - trong một chuyến xuôi Nam, lúc đi uống cà phê với vài ca sĩ thân quen, tôi giật bắn mình như gái ngồi phải cọc khi hàng chữ quen quen "Những Khúc Hát Ân Tình" trên một tờ bích chương quảng cáo văn nghệ dán trên tường đập vào mắt tôi. Thì ra đó là "Đại Nhạc Hội trực tiếp thu hình Paris by Night 83" sẽ diễn ra vào ngày thứ Bảy, 27 tháng 5 năm 2006 sắp tới đây tại hội trường Knott's Berry Farm (Charles M. Schulz Theatre) trên đường Beach Blvd thuộc thành phố Buena Park - Nam Calfornia.

Đọc kỹ nội dung tờ bích chương quảng cáo nói trên, bao nhiêu hoài niệm cũ tưởng chừng đã hoàn toàn xóa mất trong tôi bỗng nhiên sống lại một cách mãnh liệt như một người vừa tìm lại được một báu vật thân yêu bị đánh mất từ lâu!

Viết đến đây, tôi xin dừng lại để nghiêng mình tạ lỗi với lão nhạc sĩ Xuân Tiên, tác giả của nhạc phẩm "Khúc Hát Ân Tình" - một bài ca như đã nói ở phần trên là "đã từng ám ảnh đầu óc tôi lâu dài nhất". Tôi đã thưởng thức và tôi thuộc lòng từng chữ của bài ca đó từ những ngày còn thơ ấu. Tôi đã nhìn hạnh phúc của Cha Mẹ và gia đình tôi qua nội dung của bài ca đó. Tôi đã lớn lên và vui buồn qua từng giai đoạn trưởng thành theo với bài ca đó. Cuối cùng, tôi đã hy vọng để rồi tuyệt vọng cũng với bài ca đó qua từng vận nước thịnh suy! Nhưng tôi có lỗi vì, thú thật, tuy biết tên tác giả của bản nhạc nhưng ít khi nào tôi nhớ đến 2 chữ Xuân Tiên. Tôi tin rằng... không phải chỉ có mình tôi mà là dường như hầu hết khán thính giả - tệ nhất là kể cả một vài ca sĩ chuyên nghiệp - thường ít quan tâm đến tên tác giả của những tác phẩm mà mình hằng yêu thích hoặc ca hát lấy tiền! Có khi còn trớ trêu và bạc bẽo đến độ người đời chỉ nhớ tên của người ca sĩ đã thành danh qua một nhạc phẩm nào đó mà không buồn biết đến tên tác giả của nhạc phẩm đó!

Ngày hôm nay, qua tờ bích chương quảng cáo Đại Nhạc Hội trực tiếp thu hình Paris by Night 83, khi biết rằng sẽ có tiết mục "Vinh Danh" 3 nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - Thanh Sơn - và Xuân Tiên, tôi mới chợt nhớ đến công lao và tên tuổi của người đã sáng tác ra một tác phẩm có liên quan đến niềm vui và nỗi buồn của cả đời tôi. Một lần nữa, tôi xin nghiêng mình tạ lỗi với lão nhạc sĩ Xuân Tiên, tác giả của gần hoặc hơn 200 nhạc phẩm, trong đó có nhiều bài bất hủ như Khúc Hát Ân Tình, Hận Đồ Bàn, Về Dưới Mái Nhà, Chờ Một Kiếp Mai...

Cách đây 2 tuần, tôi có viết một bài bút ký văn nghệ tựa đề "Âm Nhạc KHÔNG Biên Giới" và đã đăng trên báo và website Saigonusa News ở vùng Bắc Cali cùng nhiều tờ báo ở các địa phương khác. Trong bài viết nói trên, sau khi nhìn nét xúc động đến nghẹn ngào của lão nhạc sĩ 89 tuổi Lữ Liên khi tiếp nhận bảng "Vinh Danh" do ông Tô Văn Lai - Giám Đốc của Trung Tâm Thúy Nga - trao tặng trong DVD "Âm Nhạc KHÔNG Biên Giới", ở phần kết luận, tôi có đề cập đến nỗi thiệt thòi và đời sống eo hẹp của giới nghệ sĩ sáng tác so với giới nghệ sĩ trình diễn. Đồng thời, tôi đề nghị với các trung tâm văn nghệ có tầm vóc là... nếu có thật sự quý mến nhau thì xin hãy "Vinh Danh" nhau khi còn sống - vì... một trăm lời khen và một ngàn buổi lễ vinh danh cũng sẽ là quá muộn nếu chúng ta chỉ làm như những đứa con bất hiếu: Sống thời con chẳng cho ăn - đợi khi cha thác (mới) làm văn tế ruồi!

Qua nguồn tin từ vài ca sĩ của Trung Tâm Thúy Nga, tôi được biết rằng 2 nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Thanh Sơn đã đến thành phố Little Saigon từ Việt Nam. Tôi nhờ mấy ca sĩ đó thu xếp để tôi được gặp và mạn đàm thân mật với 2 nhạc sĩ nói trên trước khi tôi trở về lại vùng Bắc Cali. Riêng nhạc sĩ lão thành Xuân Tiên thì đến ngày 20 tháng 05 mới từ Úc qua tới Hoa Kỳ nên tôi đành đợi gặp trong ngày trình diễn Đại Nhạc Hội trực tiếp thu hình "Những Khúc Hát Ân Tình".

Tối ngày 15/05/2006 - 2 nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 và Thanh Sơn bước vào nhà của một ca sĩ thuộc Trung Tâm Thúy Nga để gặp tôi với thái độ khá dè dặt. Tôi ngầm thông cảm rằng sự dè dặt đó phát xuất từ cung cách viết bài câu khách kém tự trọng của một số "nhà báo" rẻ tiền và vô lương tâm khiến cho người được phỏng vấn sau đó gặp nhiều khó khăn hệ lụy! Để đánh tan nỗi ám ảnh xấu xa đó, tôi mở lời cho 2 nhạc sĩ biết rằng đây là một buổi mạn đàm thân mật giữa một người mê nhạc với người nhạc sĩ sáng tác chớ không phải là một cuộc phỏng vấn "có phục kích"! Kế tiếp, tôi đưa bài bút ký tựa đề "Âm Nhạc KHÔNG Biên Giới" mà tôi đã viết trên báo Saigonusa News và mời 2 ông đọc trước để biết cung cách viết lách của tôi, rồi nếu không còn nghi ngại, cuộc mạn đàm sẽ tiếp theo sau. Tôi bước tránh ra ngoài hàng hiên hút thuốc để cho 2 nhạc sĩ được tự do đọc bài và trao đổi ý kiến với nhau thoải mái.

Khi trở vào, tôi sững sờ ngạc nhiên trước nỗi xúc động còn hằn rõ nét trên gương mặt của 2 người nhạc sĩ cao niên! Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 trước và nhạc sĩ Thanh Sơn tiếp theo, cả 2 đều bày tỏ ý kiến giống nhau là rất cảm kích về sự nhận định cùng đề nghị của tôi trong bài viết về những điều kém may mắn mà giới nghệ sĩ sáng tác đã phải chịu đựng nhưng... không nói nên lời! Riêng nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, bằng giọng nói đầy xúc động, cho biết là... ông đã đến Hoa Kỳ trước đây 4 lần và có thể sẽ còn nhiều dịp khác nữa. Tuy nhiên, theo ông... lần đến Hoa Kỳ này có thể sẽ là lần quan trọng nhất trong đời sáng tác nhạc của ông vì... ông sẽ được đối diện và trực tiếp nói chuyện với một số lượng khán thính giả hải ngoại đông đúc qua 2 xuất diễn trong một hội trường rộng lớn sang trọng, và ông sẽ có dịp ngỏ lời cảm tạ đến những đồng hương đã từng nghe và yêu thích nhạc của ông. Ngoài ra, buổi lễ "Vinh Danh" chính thức trên sân khấu có thu hình của một trung tâm âm nhạc hàng đầu hải ngoại là Trung Tâm Thúy Nga sẽ còn là một niềm hãnh diện... không chỉ riêng trong ngày hôm đó mà là sẽ được tồn tại lâu dài về sau qua cuốn băng DVD. Đồng thời, ông tiếp với giọng nói càng lúc càng xúc động... buổi lễ "Vinh Danh" sắp tới cũng không phải chỉ đem vinh dự về cho riêng cá nhân ông mà các con cháu đời sau cùng thân bằng quyến thuộc của ông cũng sẽ được hưởng thơm lây!

Nhạc sĩ Thanh Sơn thì chậm rãi hơn và cũng rất xúc động. Ông nói: Giới nghệ sĩ sáng tác chúng tôi từ lâu đã đành phận chấp nhận sự kém may mắn khi so với giới nghệ sĩ trình diễn trên nhiều phương diện. Ngoài ra, việc tiếp xúc và được người đời biết về sự hiện hữu của mình trên đời này sau hơn 3 thập niên xa cách, còn được nhắc đến những gì mình đã đóng góp... quả tình là những việc rất hiếm hoi xảy ra! Do đó, buổi lễ "vinh Danh" là một trong những việc làm hết sức quan trọng và cực kỳ cần thiết đối với giới nghệ sĩ sáng tác chúng tôi, nhất là khi tuổi đã xế chiều, nay ở mai đi không biết bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, giống như một người đi hỏi mượn nợ cho người khác thì bao giờ cũng dễ hơn hỏi mượn nợ cho chính mình. Chúng tôi, với niềm tự trọng tối thiểu, không thể trơ trẽn mở miệng xin xỏ người khác "Vinh Danh" cho mình. Vì vậy, chúng tôi rất trân trọng hảo ý của Trung Tâm Thúy Nga, nhất là ông giám đốc Tô Văn Lai, người đã đích thân về tận Việt Nam để trình bày ý định "Vinh Danh" chúng tôi, rồi lo lắng mọi việc đưa chúng tôi sang đây. Đồng thời, chúng tôi cũng rất cảm kích khi thấy có những nhà văn nhà báo như anh đã hiểu, đã thông cảm, và đã nói giùm chúng tôi những điều mà chúng tôi không thể tự nói được.

Cuộc mạn đàm của chúng tôi càng lúc càng trở nên cởi mở và thân thiện hơn. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 kể cho tôi nghe một chuyện không biết nên khóc hay cười có liên quan đến bản quyền nhạc phẩm "Tình Yêu Đến Trong Giã Từ" mà ông đã sáng tác sau năm 1975. Một người học trò của ông đã mang nhạc phẩm đó ra hải ngoại rồi đưa cho vài ca sĩ (nổi tiếng) ở hải ngoại hát và thu băng với tên tác giả là... "nhạc ngoại quốc lời Việt"! Sau đó, nhiều ca sĩ (cũng nổi tiếng) khác đã thu băng nhạc phẩm đó cùng với nhiều nhạc phẩm của các tác giả khác. Điều đặc biệt là các nhạc phẩm khác thì có đề tên tác giả đầy đủ, chỉ trừ có nhạc phẩm "Tình Yêu Đến Trong Giã Từ" của ông thì... để trống không! Ông cũng nói thêm về lý do tại sao nhạc phẩm "Không 2" ra đời. Và nhiều chuyện vui buồn khác nữa...

Riêng nhạc sĩ Thanh Sơn thì tâm sự với tôi là ông đã phải gián đoạn ngưng sáng tác một khoảng thời gian dài hơn 15 năm. Mãi đến năm 1990 ông mới sáng tác trở lại. Nhạc của ông phần nhiều mang màu sắc học đường vì... ông là con nhà nghèo không được học hành tới nơi tới chốn nên lúc nào cũng tiếc nuối... tuổi học trò. Đọc tài liệu về ông và nói chuyện với ông, tôi hết sức ngạc nhiên là có một câu mở đầu trong một nhạc phẩm do ông sáng tác đã từng được tôi sử dụng nhiều lần trong khi viết báo để nói về những xáo trộn và đụng chạm trong cộng đồng vùng Bắc Cali vào mùa Hè tức là mùa có "Tháng Tư Đen", có "Ngày Quân Lực", và có nhiều lễ lạc khác. Nhạc phẩm đó là "Nỗi Buồn Hoa Phượng" và câu mà tôi "mượn tạm" để viết bài là "mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn". Điều đặc biệt là tôi không ngờ và hoàn toàn không biết tác giả của nhạc phẩm đó là người đang ngồi đối diện với tôi! Một lần nữa, tôi cảm thấy ngượng và có lỗi là đã quá thờ ơ một cách đáng trách rằng... trên đời còn có một số người làm văn hóa và làm vui cho đời nhưng lại bị đời bỏ quên! Những con người thiệt thòi vì bị đời bỏ quên đó chính là giới nghệ sĩ sáng tác!

Một điều đặc biệt khác nữa... không biết tại sao, từ bao nhiêu năm qua, tôi cứ ngỡ rằng nhạc phẩm "Mùa Hoa Anh Đào" của nhạc sĩ Thanh Sơn với 2 câu mở đầu "Mùa xuân sang có hoa Anh Đào - Màu hoa tôi trót yêu từ lâu" lại là tác phẩm của cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ" Dường như có thể vì cố nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ cũng có sáng tác nhiều nhạc phẩm mang âm điệu của xứ Phù Tang nên gây cho tôi một sự hiểu lầm kỳ cục và quá lâu như vậy!

Khi đọc đến danh sách một số tác phẩm do 2 ông sáng tác, tôi bàng hoàng kinh ngạc và thầm trách lấy mình vì có quá nhiều nhạc phẩm tôi đã được nghe các ca sĩ hát hàng mấy trăm lần trên sân khấu, qua làn sóng phát thanh hoặc truyền hình... từ những ngày còn trong nước cho tới khi ra hải ngoại, thế mà tôi đã hoàn toàn không biết những nhạc phẩm đó là tác phẩm của 2 người nhạc sĩ mà tôi đang mạn đàm! Thêm một lần nữa, tôi thấy tôi bất công và có lỗi quá nhiều với giới nghệ sĩ sáng tác!

Chúng tôi chia tay và hẹn sẽ gặp lại nhau trong ngày Đại Nhạc Hội trực tiếp thu hình Paris by Night 83 với chủ đề "Những Khúc Hát Ân Tình". Tôi lên giường nằm nhưng không ngủ được vì cứ mãi suy tư...

Tôi đoán, chắc chắn Đại Nhạc Hội trực tiếp thu hình Paris by Night 83 sẽ là một chương trình văn nghệ cực kỳ phong phú gồm các bài bản hay nhất... một thời được ưa chuộng nhất... của 3 tác giả nổi danh và được trình bày bởi các giọng hát hàng đầu tại hải ngoại.

Đồng thời, qua tiết mục "Vinh Danh" cả 3 nhạc sĩ lớn - đã đóng góp rất nhiều cho kho tàng âm nhạc của miền Nam Việt Nam trước 1975 nói riêng, và nền văn hóa của dân tộc Việt Nam nói chung, trong cùng một show diễn, rõ ràng Trung Tâm THÚY NGA đang đẩy mạnh kế hoạch thực hiện những chương trình văn nghệ ngày một thêm đặc sắc, đa dạng, và quan trọng nhất là mang nhiều tính chất "Văn Hóa".

Thật ra, đây không phải là lần đầu Trung Tâm Thúy Nga mới quan tâm tới giới sáng tác âm nhạc. Các nhạc sĩ Lam Phương, Tuấn Khanh, Nguyễn Hiền, Huỳnh Anh, Song Ngọc, Châu Kỳ, Vũ Thành An, Phạm Duy, Hoàng Thi Thơ, Văn Phụng, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Tùng Giang, Quốc Dũng... và mới nhất là lão nghệ sĩ Lữ Liên 89 tuổi đều đã lần lượt được Trung Tâm Thúy Nga đưa lên sân khấu để "Vinh Danh" và làm DVD đặc biệt... không quá muộn màng. Tôi tin rằng giới nghệ sĩ sáng tác sẽ ghi nhận và cảm kích hành động mang đầy tính chất văn hóa và ân tình này của ban giám đốc Trung Tâm Thúy Nga.

Tối thứ Bảy - 20 tháng 05/06 - tôi đến hội trường Center for Performing Art của thành phố San Jose theo lời kêu gọi của vài ca sĩ thân quen đang trình diễn trong "Live Show" trực tiếp thu hình với chủ đề "QUÊ HƯƠNG Vùng Trời Kỷ Niệm" của trung tâm Vân Sơn. Từ trong hậu trường, tôi gặp nam ca sĩ Nguyên Khang - một giọng ca hàng đầu của trung tâm Asia và cũng là một trong vài ca sĩ thân quen mà tôi coi như em. Chúng tôi rủ nhau ra hành lang bên ngoài rạp để vừa hút thuốc vừa nói chuyện. Khi vô tình nhắc đến tên của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh thì Nguyên Khang tỏ ra rất ái mộ rồi bỗng đề cập đến sự thiệt thòi của những tác giả tức giới nghệ sĩ sáng tác. Bằng chứng là có lần, chính Nguyên Khang hát một nhạc phẩm của cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mà cứ ngỡ là của nhạc sĩ khác, sau này anh ta mới biết ra mình lầm. Người ca sĩ nhỏ con nhưng có giọng hát rất khỏe đề nghị với tôi là nên viết một bài để nhắc nhở mọi người, nhất là những nghệ sĩ trình diễn tức các ca sĩ, nên lưu tâm đến giới nghệ sĩ thiệt thòi đó bằng cách trân trọng giới thiệu đầy đủ tên tác giả của tác phẩm mà mình sắp hát để khán giả cùng biết. Tôi nói cho Nguyên Khang biết là tôi đã có viết, không phải một mà là 2 bài về đề tài đó.

Để kết thúc bài viết đã quá dài, tôi mong ước sẽ được gặp quý độc giả trong Đại Nhạc Hội trực tiếp thu hình Paris by Night 83 với chủ đề "Những Khúc Hát Ân Tình". Ở nơi đó, chúng ta sẽ cùng nhau có cơ hội nhìn tận mặt và nghe tận tai tâm sự của "những người nghệ sĩ... suýt bị đời quên"! Nhớ mang theo sẵn khăn tay hoặc giấy lau vì bảo đảm thế nào cũng có nhiều giọt lệ ân tình rơi ướt áo giai nhân.

Trân trọng.

NGƯỜI MÊ NHẠC

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.