Hôm nay,  

Xu Thế Dân Chủ Hóa Đang Đi Về Đâu?

26/07/200600:00:00(Xem: 2171)

Trận chung kết Giải Túc Cầu Thế Giới 2006 đã diễn ra rất hào hứng và sôi nổi giữa hai đội Pháp và Ý, với kết quả đội Ý thắng Pháp đoạt giải vô địch. Theo dõi trận đấu được trực tiếp tường thuật trên màn truyền hình ABC, có lẽ đa số khán giả lưu tâm nhiều vào những pha tấn công và phòng thủ tuyệt vời của hai đội nhưng ít người để ý đến một nhận xét ngắn gọn của bình luận viên thể thao cho rằng đây là lần đầu tiên vận động trường Berlin được tổ chức một giải thể thao quốc tế kể từ sau năm 1936 là năm mà Hitler tổ chức một Thế Vận Hội thật vĩ đại để phô trương lực lượng hùng mạnh của Phát Xít Đức.

Người viết bài này hồi tưởng ngay đến thái độ hiếu chiến và tham vọng điên rồ của nhà độc tài Hitler lúc bấy giờ đã không ngừng khêu khích các nước láng giềng để sau cùng tấn công chiếm trọn Âu Châu, khơi mào cho đệ nhị thế chiến, gieo rắt thống khổ cho cả thế giới và giết hại hàng mấy chục triệu sanh linh. Nhưng tai họa này đã không ngừng sau khi Phát Xít Đức bị đánh bại. Trái lại tham vọng của các cường quốc thắng trận chia chiếm các nước trong khuôn khổ một trật tự mới cho thế giới được họ quyết định tại Yalta và Postdam đã tạo nên một hiểm họa khác. Đó là hiểm họa Cộng sản, tai hại gấp mấy chục lần hơn đệ nhị thế chiến.       

Thật vậy, nếu đệ nhị thế chiến, với sự đầu hàng của Nhật Bổn hồi năm 1945, đã kéo dài chỉ có 6 năm thì hiểm họa Cộng sản với chủ trương bành trướng của đệ tam quốc tế khởi sự ngay từ năm kể trên đến nay vẫn chưa chấm dứt, và như vậy đã kéo dài 61 năm, gây không biết bao nhiêu trận giặc nóng và lạnh, khắp năm châu bốn bể, làm cho cả thế giới sống dở chết dở, với con số thương vong khổng lồ hàng trăm triệu nạn nhân. Riêng về thành phố Berlin là nơi Nga Sô phát động chiến tranh lạnh bằng cách bao vây ngăn chận mọi đường tiếp tế khiến cho Hoa Kỳ phải tổ chức cầu không vận để cứu nguy một thành phố đã bị chiến tranh san bằng trong đó hàng triệu cư dân sống với đống gạch vụn, nhân dân thành phố này đã đánh sập Bức Tường Ô Nhục và lập công đầu trong cuộc cách mạng lật đổ chế độ cộng sản ở khắp Đông Âu hồi năm 1989.

Nhờ đó mà nước Đức được thống nhất trong tự do và dân chủ. Nhờ đó mà thành phố Berlin từ một thành phố điêu tàn _  mà tôi có dịp hướng dẫn phái đoàn dân biểu VNCH viếng thăm hồi năm 1968 khi thành phố này còn bị đặt dưới quyền kiểm soát của tứ cường Anh, Pháp, Hoa kỳ và Nga Xô _ đã không còn nhìn ra được nữa khi tôi trở lại thăm giữa năm 2002. Người dân Tây Đức đã đổ vô hàng trăm tỷ mỹ kim để tái thiết Đông Đức và phát triển Berlin thành một thủ đô trù phú và tráng lệ to bằng ba thành phố lớn nhất của Tây Đức (Frankfurt, Munich và Dusseldorf) nhập lại. Nhờ đó mà Đức quốc đã được cả thế giới nhiệt liệt khen ngợi vì đã tổ chức thành công rực rỡ Giải Túc Cầu Thế Giới kéo dài đúng một tháng tại hàng chục địa điểm, bảo đảm an ninh chu đáo, lễ lạt trọng thể, và tiếp rước chu đáo các phái đoàn tham dự và du khách.  

Trên đây chỉ là những tiến bộ vật chất đáng mừng cho nước Đức, nhưng thành tích đáng mừng chung cho nhân loại là những cải tiến tinh thần của một Đông Đức độc tài chuyên chế, trong quá khứ đã áp dụng lề lối cai trị bằng đàn áp và khủng bố cùng chủ trương bành trướng đệ tam quốc tế, ngày nay đã lột xác để thống nhất với Tây Đức và hài hòa với đại gia đình Thế giới Tự do, bên trong thì quyết tâm cũng cố tự do dân chủ là nền tảng cần thiết cho mọi kế hoạch phát triển quốc gia, bên ngoài thì thành tâm hợp tác với cộng đồng thế giới để củng cố hòa bình trong vùng.  Du khách đã hết lời ca tụng lòng hiếu khách và cung cách đón tiếp giúp đỡ đầy thiện cảm của người dân Đức nhân dịp hàng trăm ngàn người từ khắp năm châu đổ xô về Berlin tham dự Giải Túc Cầu Thế Giới 2006.

Thành công rực rở của nước Đức tự do dân chủ là mục tiêu đấu tranh của các phong trào đòi tự do dân chủ tại những nước còn đang bị kềm kẹp dưới đủ mọi hình thức độc tài chuyên chế. Với sự liên hợp chặt chẽ ngày nay giữa các nước, với các cơ cấu quốc tế ràng buộc chằng chịt trong mọi lãnh vực, với sự hợp tác bắt buộc để sống còn, không một quốc gia nào có thể tự tách rời để theo đuổi những chủ trương phiêu lưu có thể gây nguy hại cho hòa bình và phúc lợi của thế giới. Ngoài ra còn có những tiến bộ kỹ thuật vượt bực về giao thông, chuyển vận và nhất là trong lãnh vực điện thư và viễn thông. Hậu quả là thế giới không ngừng thu hẹp lại về không gian lẫn thời gian. Nước nào còn cách biệt hoặc tương phản với xu thế chung sẽ phải chuyển mình biến đổi để theo kịp và hòa mình với xu thế này. Ngược lại, nếu thế giới không phản ứng đối phó với một thiểu số quốc gia ngông cuồng xé rào làm xằng thì gương xấu này có thể lan rộng và gây tai hại cho cộng đồng thế giới. Bởi vậy, khi theo dõi các nước đã từ bỏ chế độ cộng sản để áp dụng tự do dân chủ từ năm 1989 đến nay, nếu chúng ta vui mừng cho những nước thành công như Đức quốc thì chúng ta không khỏi lo âu cho Nga Xô là một đại cường quốc thành viên của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc mà quyết định có ảnh hưởng khá quan trọng cho vận mệnh thế giới ngày nay.    

Thật vậy, năm 1991, Khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ, trong số mấy chục cộng hòa xã hội của liên bang này, có 14 cộng hòa đã tuyên bố độc lập  tách rời khỏi liên bang. Hầu hết các tân quốc gia này, kể cả tân Cộng Hòa Nga Xô, đều theo chế độ cộng hòa, áp dụng dân chủ đa nguyên, thiết lập chính quyền do dân bầu gồm có tam quyền phân lập và điều hành trên căn bản pháp trị. Riêng Cộng Hòa Nga Xô ngày nay, với danh xưng chính thức Liên Bang Nga Xô, gọi tắt là Nga Xô, bao gồm 21 cộng hòa và 67 vùng hành chánh với quy chế tự trị khác nhau, vì có quá nhiều sắc tộc phức tạp và địa phương từ Đông sang Tây cách nhau trên một chiều dài gần bằng phân nửa Bắc Bán Cầu.    

Tổng Thống Nga Xô được dân bầu trực tiếp. Quốc Hội lưỡng viện gồm có Hội Đồng Liên Bang do hành pháp và lập pháp của mỗi cộng hòa, mỗi vùng bổ nhiệm riêng rẽ, và Hạ Viện (State Duma) được bầu theo thể thức tỷ lệ đại diện các chính đảng. Trong ròng rã hơn 10 năm kể từ năm 1991, Liên Bang Nga Xô đã dấn thân vào con đường dân chủ và kinh tế thị trường. Tuy phong trào tranh đấu giành độc lập dai dẵng ở Cộng Hòa Chechnya còn đang gây rất nhiều khó khăn, nhưng Nga Xô đã cố gắng giải tư phần lớn các xí nghiệp quốc doanh, cải tổ cơ cấu kinh tế, tăng gia sản xuất, đẩy mạnh xuất cảng, kết quả phát triển rất khả quan. Số nợ nhà nước từ 80% tổng sản lượng quốc gia giảm xuống còn 31%. Dự trữ ngoại tệ từ 12 tỷ mỹ kim tăng lên 180 tỷ tính đến cuối năm 2005.   

Dù vậy, Nga Xô vẫn có những khó khăn cố hữu tồn đọng từ lâu. Trước hết phải kể cơ sở sản xuất và biến chế đã quá cũ kỷ cần phải canh tân cho được cận đại, 80% tài nguyên xuất cảng gồm có dầu hỏa, kim khí và gỗ là những món hàng chịu ảnh hưởng trồi sụt thất thường của thị trường quốc tế. Thêm vào đó, phải kể thêm một hệ thống ngân hàng yếu ớt, và tệ nạn tham nhũng lan tràn làm cho các giới đầu tư ngoại quốc mất niềm tin vào chế độ. Hậu quả là mức tăng trưởng kinh tế từ 6.4% trung bình hàng năm suốt 7 năm qua đã bắt đầu giảm xuống 5.9% trong năm 2005. Cùng lúc Tổng Thống Vladimir Putin bắt đầu tập trung quyền hạn trở lại làm cho tiến trình dân chủ hóa Nga Xô bị suy thoái rõ rệt. Nhất là trong các năm gần đây, Chánh phủ đã kiểm soát kinh tế chặt chẽ hơn trước và đã mua lại  nhiều đại công ty tư để biến thành quốc doanh. Nhưng trở ngại to lớn nhất là Nga Xô đã không cải tiến và canh tân đúng mức căn bản pháp trị, tức là hảy còn thiếu một hạ tầng cơ sở luật pháp là nền móng cần thiết cho một nền kinh tế thị trường tân tiến.

Những dấu hiệu thoái trào trên hai lãnh vực tự do dân chủ và kinh tế thị trường đã khiến cho các giới chức Hoa Kỳ như Ngoại Trưởng C. Rice và Phó Tổng Thống D. Cheney lên tiếng chỉ trích. Đặc biệt D. Cheney đã tố cáo Nga Xô vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền, cũng như dùng dự trữ năng lượng (dầu hỏa) làm vũ khí hăm dọa và khống chế các nước khác. Còn rất nhiều lý do làm cho kinh tế Nga Xô chưa cất cánh được. Nhưng lý do quan trọng nhất là việc dân chủ hóa đất nước không được xúc tiến đúng mức song hành với sinh hoạt kinh tế thị trường. Chính khách nào trên thế giới, kể cả chính khách cộng sản, cũng đều biết rằng dân chủ là nền tảng rất cần thiết cho kinh tế thị trường. Kinh tế thị trường áp dụng trong một môi trường thiếu tự do dân chủ sẽ héo mòn và tàn lụi như một cây khô không được vun bón.

Tôi có đi thăm các nước Đông Âu hồi năm 2002, Bắc Âu năm 2004 và các nước vùng "baltic" (Nga Xô, Phần Lan, Estonia, Latvia) cuối tháng 5 năm nay. Các nước cựu cộng sản ở Đông Âu như Đông Đức, Ba Lan, Hung Gia Lợi, Công Hòa Tiệp, cũng như Phần Lan và hai cựu cộng hòa xã hội Estonia và Latvia của Liên Bang Xô Viết trước 1991, sau khi dứt khoát dẹp bỏ chế độ cộng sản đã gia nhập Liên Hiệp Âu Châu và Tổ Chức Bắc Đại Tây Dương để được bảo vệ chống tai họa bị Nga Xô tái xâm lăng. Trong các nước kể trên, chỉ còn Nga Xô đòi hỏi giấy phép nhập cảnh (visa). Thăm viếng Nga Xô cũng phải nhờ các hãng du lịch địa phương. Mục tiêu của chính quyền Nga Xô là du khách chỉ được chở đi thăm viếng những địa điểm được chọn lựa với sự chấp thuận của chính quyền. Du khách đã đi thăm viếng nhiều nơi đều nhận thấy rõ khác biệt về đời sống người dân trong nước giữa Nga Xô và các nước đàn em cũ.

Tại các nước đàn em này, phố xá tại các thành phố sầm uất, buôn bán nhộn nhịp, khách hàng và du khách tập nập đầy đường phố, tràn ngập sinh khí, rất quen thuộc như ở Paris, London, New York, Tokyo, Hongkong, Beijing, v.v...  Trái lại khi đi thăm St Petersburg, sinh hoạt dọc theo phố xá có vẻ uể oải, lầm lì khó tả. Không thấy những bảng hiệu các đại công ty, các tiệm hàng, quán ăn, và nhất là vắng bóng các bảng quảng cáo sơn, treo trên tường làm ngợp mắt du khách. Tôi cũng đi thăm St Petersburg về đêm, phố xá vắng lạnh và thiếu hẵn ánh sáng muôn màu lấp lánh lung linh như quyến rũ thôi thúc khách hàng mua sắm. Cũng không thấy cảnh rộn rịp mời mọc khách vào quán cơm, tiệm rượu hoặc các nơi giải trí của giới sống về đêm như thường thấy tại các nước khác. Trong nhóm du khách đi cùng chuyến với vợ chồng tôi, có vợ chồng bác sĩ Vũ Ngọc Oánh cùng ở San Jose với chúng tôi. BS Oánh đã thì thầm với tôi cảm tưởng kê trên, y như nhận xét đầy ngạc nhiên của riêng tôi.   

Sau đây là một vài con số thống kê nói lên sự tương quan giữa tự do dân chủ và kinh tế thị trường. Giữa các cường quốc với nhau, lợi tức trung bình từng đầu người trong năm 2005 của Nga Sô là 11,100 mỹ kim trong lúc ở Pháp là 29,900 mỹ kim, Anh Quốc 30,300, Đức Quốc 30,400, Nhật Bản 31,500 và Hoa Kỳ 41,800.  So với các nước đàn em cựu cộng sản ở Đông Âu, lợi tức từng đầu người năm 2005 tại Ba Lan là 13,300 mỹ kim, Hung Gia Lợi 16,300, Cộng Hòa Tiệp 19,500 vượt hẵn Nga Xô. Nga Xô cũng thua kém luôn cả các cộng hòa xã hội cũ của mình trước kia như Latvia với lợi tức từng đầu người 13,200, Lithuania 13,700, và Estonia 16,700.  Riêng tại nước láng giềng Phần Lan từng bị Nga Xô cai trị dưới thời Nga Hoàng, lợi tức 2005 là 30,900 vượt xa Nga Xô. Cũng nên biết thêm ở Bắc Âu, bên cạnh Phần Lan, còn có Na Uy với lợi tức 42,300, Thụy Điển 29,800 và Đan Mạch 34,600. Nga Xô cũng thua rất xa các "con rồng Á Châu", chẳng hạn như Nam Hàn với lợi tức 20,400 và Singapore 28,100 mỹ kim. Bàn chuyện nước người nhưng không thể quên ngoảnh nhìn lại quê nhà Việt Nam với lợi tức 2,800, xếp hạng 167 trên tổng số hơn 200 quốc gia!

Chỉ cần so sánh những thống kê kinh tế vô tư trên đây và mức sống của dân chúng trong các nước cựụ cộng sản thì sẽ thấy rõ nước nào càng thực hiện dân chủ nhanh chóng càng thành công tốt đẹp về kinh tế. Nước nào chỉ cởi mở kinh tế để hưởng thụ nhưng vẫn còn ngoan cố bám giữ độc tài và toàn trị thì kinh tế sẽ èo ọt, không cất cánh nhảy vọt được. Đúng là bài học đích đáng cho Nga Xô và Việt Nam.

Trong 3 ngày cuối tuần từ 15 đến 17 tháng 7, 2006, tám cường quốc kinh tế (G8)  họp thượng đỉnh tại thành phố St Petersburg. Đây là lần đầu tiên Nga Xô là quốc gia tổ chức hội nghị. Nghị trình gồm có những vấn đề gay go đang gây tranh chấp giữa Nga Xô và các đối tác Hoa Kỳ và Liên Hiệp Âu châu, chẳng hạn như vấn đề thị trường dầu hỏa, trao đổi mậu dịch. Ngoài ra, riêng đối với Hoa Kỳ, Nga Xô còn đang trong vòng thương thảo những vấn đề liên quan đến bao cấp nông sản, kỹ nghệ vi tin, quyền sở hữu trí tuệ, v.v... , là những vấn đề cần giải quyết ổn thỏa để cho Nga Xô được nhận vào Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới (TCMDTG - WTO).

Trước ngày Thượng đỉnh họp, hai bên Hoa Kỳ và Nga Xô trao đổi những lời chỉ trích lẫn nhau. nhằm lấy thế thượng phong và gây áp lực để yểm trợ phái đoàn thương thuyết của mình. Một nhóm 20 Nghị sĩ đảng Dân Chủ Hoa Kỳ kêu gọi Tổng Thống Bush đừng vội ưng thuận dọn đường cho Nga Xô vào TCMDTG vì họ nghĩ rằng Moscow đã có nhiều hành động cho thấy chưa chắc gì sau khi được gia nhập, Moscow sẽ thi hành đứng đắn các nghĩa vụ. Ông Jose Barroso, đại diện Liên hiệp Âu châu cũng lập luận tương tự. Ông nói  "Không có gì chắc chắn Nga Xô sẽ trở thành một nước hoàn toàn dân chủ, theo kiểu Âu châu, như chúng ta thường trông thấy trong Liên hiệp (Âu châu) ".  Trong lúc đó các giới tài phiệt Hoa Kỳ có đầu tư và buôn bán với Nga Xô thì vân động ngược lại.

Theo nguồn tin từ báo chí Nga Xô tiết lộ cho biết Hoa Kỳ đòi Nga Xô nhượng bộ cho Hoa Kỳ được đầu tư vào các ngành bảo hiểm, giảm bớt bao cấp về nông sản để Hoa Kỳ có thể xuất cảng nhiêu hơn sang thị trường Nga Xô, trang bị hàng không dân sự Nga Xô bằng phản lực Boeing của Hoa Kỳ thay vì Airbus của Âu Châu, và nhất là cam kết thi hành đúng mức quyền sở hữu trí tuệ, có lợi cho các xí nghiệp Hoa Kỳ. Ngược lại Hoa Kỳ có thể hủy bỏ yêu sách mở ngân hàng của Hoa Kỳ tại Nga Xô. Ngày 13/7/06, Tổng Trưởng Tài Chánh Nga Xô Alexei Kudrin tuyên bố hai bên đang ráo riết giải quyết ổn thỏa để có thể ký kết song phương trước khi Thượng đỉnh khai mạc vào ngày 15/7/06. Tuy nhiên, tin giờ chót hôm nay (16/7/06) cho biết cố gắng của hai bên vẫn chưa mang lại sự thỏa hiệp mong muốn. Cuộc thương thảo còn sẽ kéo dài và ít hy vọng TT Putin sẽ đạt được thắng lợi ngoại giao mà ông rất mong đợi nhân kỳ họp thượng đỉnh G8 năm nay.

Diễn tiến các cuộc thương thuyết tiền hội nghị thượng đỉnh cho thấy chung quy cũng là vấn đề quyền lợi cả. Chính vì "chia sẻ không đồng đều" mà trước kia Nga Xô đã lôi kéo Pháp và Đức tẩy chay việc Hoa Kỳ kêu gọi đồng minh gởi quân trừng phạt Irak. Cũng chính vì "chia sẻ chưa đồng đều" mà Nga Xô đang lôi kéo Trung Hoa gây khó khăn cho Hoa Kỳ trong nỗ lực giải quyết vấn đề vũ khí nguyên tử tại Iran và Bắc Hàn. Do đó, Tổng Thống Bush khó có sự chọn lựa nào khác hơn là vuốt ve Nga Xô, không sớm thì muộn cũng sẽ chấp thuận cho Nga Xô gia nhập TCMDQT vì mặc dù Hoa Kỳ có thể đơn phương giải quyết bài toán Irak bằng quân sự, nhưng Hoa Kỳ phải được hai thành viên Hội Đồng Bảo An LHQ là Nga Xô và Trung Hoa yểm trợ giải quyết hai vấn đề Iran và Bắc Hàn.

Nga Xô đang hồi xuống dốc và mất mặt kể từ khi Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Do đó nhân dân Nga Xô nói chung và TT Putin nói riêng cũng cần được an ủi tô bóng bằng phần nào tương kính và hiểu biết tối thiểu của Hoa Kỳ. Ngược lại Hoa Kỳ cũng không có lợi gì tỏ thái độ bất chấp, ép Nga Xô vào chân tường. Không riêng gì Hoa Kỳ mà cả thế giới đều sẽ thiệt hại nếu Nga Xô trong thế cùng phải dấn thân trở lại vào đường lối thoái trào độc tài chuyên chế.    

Nguyễn Bá Cẩn

Cựu Chủ Tịch Hạ Nghị Viện và Thủ Tướng Chính Phủ VNCH                                                                                                          

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
tác giả Đinh Xuân Quân sinh trong một gia tộc Miền Bắc theo Công Giáo từ vài thế kỷ, qua các thời kỳ Quốc-Cộng đảng tranh, Hoàng Đế Bảo Đại, TT Ngô Đình Diệm, Đệ Nhị Cộng Hòa, du học, về VN làm việc, vào tù cải tạo sau 1975, vượt biên, làm một số dự án LHQ giúp các nước nghèo (kể cả tại VN)
Một chiếc máy bay rớt tại South Dakota hôm Thứ Bảy làm thiệt mạng ít nhất 9 người, gồm phi công và 2 trẻ em.
Cảnh sát lập hồ sơ khởi tố Nguyen về tội bạo lực gia đình, say, và 2 tội gây nguy hiểm cho trẻ em. Nguyen được tạm rời nhà tù quận Polk County Jail vào sáng Thứ Sáu 29/11/2019.
Mười người đã bị bắn tại Khu Phố Pháp ở thành phố New Orleans vào sáng Chủ Nhật, 1 tháng 12, theo cảnh sát cho biết.
Diễn cẩn thận từng bước, hết sức chậm rãi đi xuống đồi do bờ triền dốc đứng. Hân đi sau tay phải ôm chặt tay trái Diễn và nửa thân xô nghiêng ép vào người anh.
Như chúng ta biết, đảng SPD (Đảng Dân chủ Xã hội Đức) đã tìm kiếm lãnh đạo mới từ sáu tháng nay. Vào mùa hè 2019, nhà lãnh đạo đảng trước đó Nahles đã từ chức sau các cuộc tranh giành quyền lực nội bộ. Có nhiều ứng cử viên nhưng sau cuộc bầu cử sơ bộ chỉ còn hai cặp vào chung kết.
Hàng triệu người nghèo có thể bị mất phiếu thực phẩm (food stamps) quan trọng theo những thay đổi luật lệ được đề nghị bởi chính phủ Trump.
Con sông Hoàng Hạ chảy xuyên qua trấn Hoàng Hoa quanh năm xanh biếc, nước từ miền tuyết lãnh tan ra nên tinh khiết vô cùng.
Lý do để viết bài này là vì bản thân người viết có sai lầm cần bày tỏ. Tuy rằng sai lầm đã hiệu đính, nhưng cũng cần nói ra, vì Đức Phật đã dạy rằng hễ sai thì nên tự mình bày tỏ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.