Hôm nay,  

Thời Sự Nước Úc: Snowy Hydro & Nước Cờ Ngoạn Mục Của Tt John Howard

11/06/200600:00:00(Xem: 1829)

Thứ Sáu 3/6/06 vừa qua, một sự kiện vô tiền khoáng hậu trong lịch sử cận đại Úc đã xảy ra: thủ tướng John Howard tuyên bố đã lắng nghe tiếng nói của đại đa số quần chúng và quyết định đình chỉ việc bán 13% cổ phần của chính phủ liên bang trong đập thủy điện tại núi Snowy. Lập tức ngay sau đó, thủ hiến Iemma cũng quyết định không bán 58% cổ phần của chính phủ NSW và thủ hiến Bracks cũng thôi không bán 29% còn lại.
Giới truyền thông vội vã lên tiếng cho rằng đây là một chiến thắng vẻ vang của dân chúng, là một bằng chứng điển hình về tính dân chủ của xã hội Úc khi nguyện vọng và áp lực của quần chúng đã khiến giới chính trị gia, đặc biệt là John Howard, phải khuất phục, bỏ đi ý định vốn đi ngược lại nguyện vọng của đa số dân chúng. Nhưng sự thực có phải như thế không" Trước khi đi đến một kết luận nào, xin nhắc sơ lại diễn tiến nội vụ.
Vào ngày 16/12/05, thủ hiến NSW, ông Morris Iemma, đơn phương tuyên bố rằng chính phủ của ông sẽ tư hữu hóa 58% chủ quyền của hệ thống thủy điện Snowy Hydro, một công trình mang tính lịch sử, được xem là biểu tượng quốc gia của Úc từ hơn 50 năm qua, đặc biệt là biểu tượng của sự đóng góp từ hàng trăm ngàn người di dân vào sự phát triển kinh tế của Úc thời Hậu Chiến. Ông Iemma cho biết số tiền $1,5 tỷ Úc Kim thu nhập được từ việc tư hữu hóa hệ thống thủy điện Snowy Hydro sẽ được sử dụng để canh tân, cải thiện hệ thống chuyên chở công cộng, hệ thống học đường và bệnh viện của tiểu bang này. Nói một cách ngắn gọn, ông Iemma dự định sẽ dùng số tiền thu được để mua sự tín nhiệm của cử tri trong kỳ tổng tuyển cử tiểu bang vào năm 2007 tới đây.
Hai tháng sau đó, chính phủ liên bang cũng nối gót chính phủ NSW để tuyên bố sẽ bán cổ phần 13% của họ trong hệ thống thủy điện này. Chính phủ Howard nhấn mạnh rằng những hệ thống như Snowy Hydro sẽ được quản lý tốt đẹp hơn nếu thuộc về chủ quyền của tư nhân hơn là để chính phủ quản lý. Chỉ trong vòng vài ngày tiếp theo đó thì chính phủ của thủ hiến Bracks tại Victoria, vốn đã mạnh mẽ từ chối việc bán hệ thống thủy điện, cũng tuyên bố rằng họ bị đặt vào thế chẳng đặng đừng và sẽ bán luôn cổ phần 29% của họ. Lúc ấy, cả ba bên đều cùng hát một bài hát: số tiền 3 tỷ dự thu quả là một số tiền quan trọng cho công quỹ.
Thế nhưng, quần chúng bắt đầu có những phản ứng chống đối việc này. Họ bắt đầu đặt câu hỏi vì sao mà giới chính trị gia lại có thể đơn phương độc mã, không thèm trưng cầu dân ý, bán đi một biểu tượng cho sự thông minh tuyệt đỉnh cũng như sự khéo léo vô tận của nhân dân Úc, một biểu tượng vĩ đại của tình bằng hữu, tình đồng đội cũng như của xã hội đa văn hóa Úc như thế" Làm sao mà cả ba chính phủ lại có thể dễ dàng bán đổ bán tháo một công trình vốn có tầm vóc quan trọng cho kinh tế quốc gia cũng như cho môi sinh của đất nước như thế"
Đảng Xanh, các dân biểu độc lập ở cấp liên bang và một số nhỏ các dân biểu liên bang thuộc phe liên đảng cũng lên tiếng phản đối việc phát mãi Snowy Hydro. Một số người trong giới truyền thông cũng lên tiếng đặt vấn đề về chuyện này. Thế nhưng, cả ba chính phủ Howard, Iemma và Bracks vẫn không có vẻ gì là nao núng hoặc có ý định thay đổi cả.
Chỉ một tuần trước đó, John Howard vẫn còn khăng khăng cả quyết rằng việc tư hữu hóa hệ thống thủy điện sẽ mang đến “kết quả tốt đẹp” cho môi sinh, cho người tiêu thụ điện lực và cho dân chúng trong khu vực Snowy. Ông mạnh miệng tuyên bố rằng, như trong trường hợp Telstra, “Giới doanh nghiệp tư nhân rất giỏi trong việc điều hành thương nghiệp chứ không phải chính phủ” (The private sector is best at running businesses, not government). Thế nhưng, đến 9g30 sáng thứ Sáu, 3/6/06 thì John Howard tuyên bố đã lắng nghe ý kiến của quần chúng và hủy bỏ quyết định bán cổ phần trong công sản vốn mang nhiều biểu tượng này. Và thế là dự định tư hữu hóa này sụp đổ một cách nhanh chóng.


Có phải TT John Howard thực sự lắng nghe theo nguyện vọng của dân chúng chăng" Có phải áp lực từ quần chúng đã khiến một chính trị gia lão luyện, một thủ tướng đang nắm trọn quyền sinh sát tại cả lưỡng viện quốc gia thay đổi chính sách trong nháy mắt như thế chăng"
Nguyện vọng của đại đa số nhân dân Úc được bày tỏ thật mạnh mẽ khi hơn 1 triệu người tham gia vào chương trình “DDi Bộ Cho Hòa Hợp Hòa Giải” cách đây vài năm, nhưng có ai thấy John Howard di chuyển tí đỉnh nào trong vấn đề này hay không"
Một số không nhỏ trong quần chúng Úc vẫn liên tục lên tiếng đấu tranh và làm áp lực với chính phủ về vấn đề người tầm tÿ, nhưng chính phủ Howard chỉ ngày càng khắc nghiệt hơn trong việc đối phó với người tầm tÿ, chứ không hề nới tay, mở rộng từ tâm để đối đãi tử tế hơn, hoặc dễ dãi hơn với những người cùng khổ này đâu"
Từ khi Úc theo chân đồng minh cao cả Hoa Kỳ để nhảy vào cuộc chiến tại Iraq cho đến bây giờ, sự chống đối của quần chúng ngày càng gia tăng theo thời gian, thế nhưng, cho đến bây giờ, dường như con số quân nhân Úc được gởi sang Iraq chỉ có tăng chứ chưa hề suy giảm. Như vậy, TT John Howard có lắng nghe theo nguyện vọng của dân chúng hay không" Có bị áp lực làm thay đổi chính sách hay không"
Từ khi đạo luật WorkChoices được ban hành và áp dụng, để tạo cơ hội cho giới chủ nhân bóp nghẹt công nhân, quần chúng cũng không ngừng lên tiếng phản đối đạo luật này, giới truyền thông cũng liên tục nêu lên nhiều trường hợp mà công nhân bị chèn ép từ sau khi đạo luật được ban hành, thế nhưng, có dấu hiệu gì cho thấy chính phủ Howard sẽ hủy bỏ Work Choice hay không"
Là một chính trị gia với hơn 32 năm kinh nghiệm chính trường, đã nhiều phen thất bại trong tham vọng nắm giữ chức vụ tối cao trong đời chính trị gia, nhưng cuối cùng đã đạt được mục tiêu thì dĩ nhiên ông Howard phải là một người lắm mưu nhiều kế, biết rõ được khi nào cần tiến, khi nào cần ra vẻ thối lui để thủ phần thắng.
Chính vì thế, ông đã không ngần ngại làm ra vẻ đã khuất phục trước nguyện vọng của dân chúng, không ngần ngại thừa nhận rằng mình đã không đo lường được phản ứng của cử tri và sau khi “nhận thức được tầm vóc nghiêm trọng của sự buồn bực, lo âu và bất ổn xuyên suốt xã hội Úc” (noted the significant unhappiness, concern and unrest throughout the Australian community), nên chính phủ của ông đã đi đến quyết định rằng không có một lợi lộc lâu dài gì có thể thu đạt được từ việc bán hệ thống thủy điện cả, và vì thế chính phủ liên bang sẽ không bán cổ phần của mình.
Ông Howard cũng nhấn mạnh rằng việc bãi bỏ ý định này không hề làm ông bị mất mặt (did not represent a loss of prime ministerial face) vì dự định tư hữu hóa không nằm trong chính sách của chính phủ và không phải là một sự cam kết trong lúc vận động bầu cử.
Bằng một lời nói khéo léo như thế, ông đã nhẹ nhàng chuyển mũi dùi sang thủ hiến Iemma: chính thủ hiến Iemma mới là người có quyết định tiên khởi trong vấn đề này, chính thủ hiến Iemma mới dự trù dùng $1,5 tỷ Úc Kim trong chính sách canh tân cải tổ các hệ thống giáo dục, giao thông và y tế trong nhiệm kỳ tới, chính thủ hiến Iemma mới bị mất mặt khi chương trình tư hữu hóa Snowy Hydro sụp đổ.
Và đấy mới là lý do chính yếu của John Howard trong quyết định hôm thứ Sáu vừa qua: phá vỡ kế hoạch vận động bầu cử của thủ hiến Iemma cũng như thủ hiến Bracks (vốn lên tiếng cam kết sẽ sử dụng ít nhất $600 triệu Úc Kim từ vụ tư hữu hóa để cải tổ hệ thống giáo dục học đường ở Victoria). Ông TT John Howard đã dồn đảng Lao Động tại hải tiểu bang vào ngõ cụt, và tạo cơ hội đồng đều hơn cho phe liên đảng tiểu bang trong kỳ tổng tuyển cử tới, mà không hề phải tốn một xu! 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.