Hôm nay,  

Bốn Mươi Năm Sau

06/09/200300:00:00(Xem: 4473)
Trong một khoảng thời gian dài 30 năm, từ 1945 đến 1975 đất nước Việt Nam đã là địa vực của một tấn bi kịch kinh hoàng trong đó các siêu cường của thế giới trao binh khí cho các tay sai để động viên người trong nước tàn phá giết tróc nhau vì những ý hệ và quyền lợi xa vời với những nhu cầu và ước vọng đích thực của người dân Việt Nam.
Trong dọc tấn kịch bi thảm ấy, chỗ này, chỗ nọ lại có những màn dữ dội khủng khiếp dị thường như núi lửa phun, như cháy kinh đô và cung điện làm siêu đổ trong khoảnh khắc có một chế độ hay một triều chính mà ngay trước đó không mấy ai dám ngờ là định mệnh đã đánh dấu để cho phải mai một.
Một trong những tai biến lớn ấy là vào năm 1963 ở miền Nam Việt Nam khi ấy đang có tên là Nước Cộng Hòa Việt Nam. Chúng ta thường gọi những ngày tháng đau thương ấy là "Mùa Pháp nạn" Mùa Pháp nạn lại lôi cuốn theo sự đổ vỡ tan hoang của chế độ và chính quyền Cộng Hòa đã có một phần trách nhiệm không nhỏ trong nguyên nhân và diễn tiến của Pháp nạn ấy. Những sự kiện lịch sử trong những ngày bi thương đó đã mở đầu cho một sự suy sụp không thể nào kìm giữ được của thời thế, với những đau khổ khôn cùng mà quốc dân Việt Nam đang phải gánh chịu.
Bốn mươi năm đã qua từ những tang thương ấy cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và Liên Xô đã tạm thời đóng lặng.
Một cuộc thế chiến nữa lại đã chớm lên với một nguyên do khác, một ý thức khác, một mặt trận khác trong đó tôn giáo có thể sẽ phải trút bỏ những ước vọng hóa đạo bác ái hòa bình cố hữu để dấn mình vào những vấn đề vật chất của đời sống như sự phú cường, quyền lực, tình dục, văn minh, khoa học…và sự tàn sát chúng sanh không phân biệt.
Không quá sớm cũng chưa quá muộn để chúng ta với cái tâm và cái tuệ mà Ðức Phật tổ đã mở sáng cho ta, nhìn trở lại một lúc quá khứ còn đè nặng trong đầu óc và cuộc sống ngay của ta. Tôi xin nhắc qua những chuyện chưa cũ ấy theo sự biết của một chứng nhân, bổ túc bởi những sử liệu đã được giải mật.
Pháp nạn không bắt đầu ngày 8 tháng 5, 1963 trong ngày Lễ Ðản Sinh của Ðức Phật ở Huế, mà trước nhiều nữa, không muốn lên đến đầu đũa là ngày Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn Ðộc Lập của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa rồi âm thầm diệt tất cả các tôn giáo và tín ngưỡng mà Karl Marx gọi chung là "thuốc phiện của quần chúng," tôi chỉ nói đến sự kỳ thị tôn giáo mà Phật giáo và Phật giáo đồ đã phải chịu ở miền Nam Việt Nam, sau khi đất nước bị chia đôi bởi hiệp định Geneve 20 tháng bảy 1954.
Hiệp định Geneve chỉ là một thỏa ước hưu chiến để nước Pháp bại trận được rút lui ra khỏi chiến trường mà không mất mặt và cho phép hai khuynh hướng chính trị Việt nam chia thành hai miền đại khái tương đương có thể tổ chức chính sự và quân đội để vào một cuộc đấu tranh khác, định là hai năm sau và hy vọng có thể là một tổng tuyển cử mà không ai tin là có thể tổ chức được.
Ơû nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, đạo luật cải cách ruộng đất (tháng 12, 1953) được thi hành thành một cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn, với những cán bộ "tam cùng" vào trong từng làng, lăng nhục, hành hạ đánh chết và bắt đi khổ sai cả trăm ngàn người bị tố là "địa chủ" để tiêu diệt giai cấp Kulak Việt Nam, phong trào tố khổ chấm dứt tháng 8/1956 sau đó thì nhân dân miền Bắc phải chịu nép một bề.
Ở miền Nam đương nhiên thành một nước với một chế độ khác, quốc trưởng Bảo đại tiếp ông Ngô Ðình Diệm ở Cananda, Pháp và phong ông làm thủ tướng chính phủ. Vấn đề chính yếu là phải lập miền Nam thành một quốc gia độc lập có một nền nội chính vững vàng, những liên hệ ngoại giao tốt đẹp, một quân đội đủ hùng mạnh để giữ nước và một sự ủng hộ tin được của số đông nhân dân, kể cả các nhóm người thiểu số.
Quốc trưởng Bảo Ðại là người hợp pháp nhưng thiếu khả năng lãnh đạo và cũng không được nhân dân kính trọng lắm, nhất là ở miền Nam.
Ông Ngô ÐÌnh Diệm là một vị đại thần cương nghị, bảo thủ. Người ta có thể bất đồng ý kiến với ông và chê trách tính quan liêu cố chấp của ông, nhưng không thể nghi ngờ lòng ái quốc của ông, mà ông đặt ngay dưới lòng tin đạo. Ông chống Pháp khi còn đang làm quan trong triều ông chống cộng từ lúc Việt minh vừa cướp chính quyền ở Hanoi và giết cả gia đình anh ruột ông ở Huế nhưng ông không phải là một nhà cách mệnh, tuy có một thời ông tin tưởng ở Hoàng thân Cường Ðể. Học vấn của ông đặt trọng tâm vào thánh kinh công giáo, tứ thư ngũ kinh của Nho gia và lịch sử chính truyền của Việt nam. Mặc dầu vậy, trong số các nhà chính trị Việt Nam thời ấy, ông cũng có thể nói là người đã có biết thế giới bên ngoài qua những nước ông đã đến ở, Malaysia, Singapore, Tokyo, Pháp, Bỉ và Hoa Kỳ. Ở Hoa Kỳ, ông đã giao thiệp với những nhân vật quan trọng như thượng nghị sĩ John F. Kennedy (sau này là tổng thống Mỹ 1960-1963) W.O Douglas của tối cao pháp viện và nhất là hồng y giáo chủ Spellman và một số nhân vật có một uy quyền rất lớn ở Ðông Nam Á Châu là trung ương EG Lansdale.
Ông Ngô Ðình Diệm còn được một lợi thế lớn nữa là một số lớn trí thức chống cộng sản và không cộng sản, hiểu rằng đây là cuộc chiến cuối cùng, đã gạt bỏ mọi tị hiềm với một người xuất thân từ giới quan lại và quy tụ bên ông Ngô Ðình Diệm với ý muốn xây dựng một nước Việt Nam phồn thịnh, tiến bộ tự do khả dĩ đối đầu được với miền Bắc của Hồ Chí Minh đang lẫy lừng với chiến thắng Ðiện Biên và được sự tán thưởng không những của các nước cộng sản mà cả của thế giới thứ ba đang lên.
Miền Nam Việt Nam năm 1954 là một mớ hỗn độn vô luật pháp, vô chính phủ.
Trong chức vụ thủ tướng chính phủ mới, ông Ngô Ðình Diệm bị lung lay dữ dội ngay từ những tuần đầu tiên bởi cuộc nổi loạn của một số lãnh tụ địa phương thuộc các giáo phái có quân đội riêng, đã chống Pháp và chống cộng suốt từ 1945 đến 1955 và không chấp nhận sự lãnh đạo của ông Diệm. Cuộc chiến dữ dội nhất là với nhóm Bình Xuyên mà người cầm đầu là Bảy Viễn với một hệ thống đĩ điếm, hút sách và cờ gian bạc lận ở giữa châu thành Chợ Lớn, Saigon có quân đội Pháp nâng đỡ trong bí mật. Với sự giúp đỡ của thế lực Mỹ ông Diệm dẹp được một cuộc loạn này tuy không hẳn là chiến thắng.
Một bài học thứ hai là sự lép vế và thất bại của chính phủ miền Nam ở hội nghị các nước nhược tiểu tại Bandung trong đó có Chu Ân lai, Nehru và Phạm Văn Ðồng là những cột trụ lớn. Trên khắp thế giới người ta tiên đoán sự chết yểu của miền Nam Việt Nam.
Các tổng và bộ trưởng của ông Diệm cũng lần lượt từ chức, chỉ còn vài người ở lại, chính phủ lung lay tưởng như chỉ quạt một cái thì đổ và tan tác như đống tro vàng mã trước gió. Nhưng thủ tướng Ngô Ðình Diệm vẫn cương quyết ngồi lại với một ngân sách gần như rỗng không, một quân đội quốc gia sơ xác và những mầm loạn còn y nguyên như cũ, không kể những đảng viên và cán bộ mà cộng sản không cho tập kết ra Bắc và gài chìm vào các làng, các quận và các cơ quan, lại thêm vấn đề di cư và những dân tỵ nạn trốn tránh sự bị bắt phải tập kết làm sao xã hội khắp nơi có những giao động sôi nổi và âm ỉ.
Vì những đụng chạm với quốc trưởng Bảo Ðại vẫn ở Pháp và vẫn trung thành với chính trị thực dân của Pháp, lại còn liên hệ tài chánh chính với bọn Bình Xuyên, ông Ngô Ðình Diệm tổ chức một trưng cầu dân ý để loại Bảo Ðại ra khỏi chính trường và tự mình đảm nhiệm chức tổng thống. Một quốc hội cũng được bầu ra. Tất cả dĩ nhiên là có gian dối và chỉ là hình thức, nhưng những việc ấy đã cho ông Diệm ngay lập tức cái thế để thảo luận với Pháp về những liên hệ chính trị ngoại giao kinh tế văn hóa ngang hàng với đế quốc cũ, đồng thời cho ông có thể đối đầu ngang với ông Hồ Chí Minh chủ tịch nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.
Với sự giúp đỡ lớn lao của Hoa Kỳ để cấp tốc xây dựng miền Nam thành một nước, nền Ðệ Nhất Cộng Hòa đã thành hình và có cơ sống được tuy ở vào một vị trí với một nhiệm vụ cực kỳ gian nan của một thế giới đang rung chuyển vì cuộc chiến tranh lạnh giữa Hoa Kỳ và khối Liên Xô Trung Quốc.
Ông Ngô Ðình Diệm không phải là không có công. Làn sóng đỏ bị chặn lại trong chín năm ở bờ Bến Hải là một sự kiện kỳ diệu trong lich sử. Nhưng ông Ngô Ðình Diệm cũng đã phạm những lỗi lầm lớn trong sự lãnh đạo và kiến thiết nước mà sự tích lũy đã dẫn đến sự sụp đổ của nền Ðệ Nhất Cộng Hòa báo hiệu cho sự tan rã của những ước vọng dân chủ tự do của nhân dân Việt Nam.
Trong ngày hôm nay, tôi không thể trình bày và phân tích hết những sai lầm của người lãnh đạo Ðệ Nhất Cộng Hòa và chỉ có thể trong mấy phút còn lại nói về những điểm chính yếu đã làm cho cả một tòa chính quyền nguy nga, xây dựng trên sự nổ lực của một thế hệ yêu nước bị phá vỡ trong chỉ vài ngày.
Tình thế 1954 trước viễn vọng của một tổng tuyển cử hay một cuộc chiến chấm dứt điểm giữa cộng sản có Liên Xô và Trung Quốc yểm trợ và quốc gia lần đầu được thực sự có chính quyền với sự nâng đỡ dè dặt thận trọng của Hoa Kỳ (tình thế 1954) đòi hỏi một sự đoàn kết vững vàng trên tất cả mọi mặt, ý hệ xã hội, kinh tế, chính trị để tạo ra cho toàn dân một sự an ninh, thịnh vượng tương đối. Trước những giết chóc, khủng bố, truy bức và thiếu thốn của miền Bắc, sự xây dựng đoàn kết ở miền Nam sẽ có thể là cái ưu điểm cho phép quốc gia mới thành lập ở miền Nam đứng vững được.
Ông Ngô Ðình Diệm trong chức vụ và nhiệm vụ tổng thống đầu tiên của nước VN tự do đã không thực hiện được sự Ðại đoàn kết ấy.

a. Cuộc hành quân đánh Bình Xuyên và dẹp các lực lượng võ trang của các giáo phái có thể là bắt buộc không thể tránh được nhất là với Bình Xuyên vì những lý do mà người dân không phản đối. Nhưng các mưu kế và chiến thuật mà chính phủ dùng để đạt sự chiến thắng một phần nào làm cho dân chúng địa phương có một tâm lý anh hùng cá nhân, mất nhiều thiện cảm. Miền lục tỉnh và Hậu Giang không lúc nào theo hẳn về với chính phủ trung ương không phải không có cớ. Sự bất hợp tác với trung ương quyền lực kéo dài cho đến giờ này, bất chấp sự độc tài bất bao dung của Ðảng và nhà nước cộng sản.
b. Về mặt chính trị, sự đoàn kết quốc gia không thể bỏ qua vấn đề đảng phái. Trước hết, tất cả các Ðảng bí mật thành lập trong thời Pháp thuộc đều có một mục đích là mưu đồ và tranh đấu cho sự độc lập của Việt nam chỉ khác nhau về đường lối, từ sự mở mang dân trí cho đến sự võ trang khởi nghĩa mà tất cả những điều ấy hợp lại mới có thể tạo được một nước Việt Nam mới, đủ sức sống được trong thế giới văn minh. Mặt khác, một nước Cộng Hòa có một đời sống chính trị đa đảng, sẽ là một biểu tượng sáng ngời về tự do và có một sức mạnh quyến rũ không thể cưỡng lại được đối với nhân dân và những nhà trí thức đối kháng còn sống sót trong nền độc tài Stalinit-Mao ít ở miền Bắc. Tổng thống Ngô Ðình Diệm một nhà nho học uyên thâm lại có trong chính phủ đầu tiên của ông nhiều nhà trí thức du học ở Pháp và Mỹ, không kể hai người em một là ông Ngô Ðình Nhu và ông Ngô Ðình Luyện đã quên mất lời dạy của Ðức Khổng Phu Tử rằng Ðại đồng tiểu dị và cũng không hiểu được rằng sức mạnh của dân chủ chính là ở sự tự do công khai xem xét và thảo luận các vấn đề dưới mọi khía cạnh. Tôi không nói thêm. Sự thành lập Ðảng Cần Lao Nhân Vị trên chính cương phóng tác từ tư tưởng của triết gia công giáo Emmanuel Mounier song song với sự dựng lên một Nha Mật Vụ Chính Trị và một Lực lượng đặc biệt theo mẫu hình của bọn CS Hitler là một sự đứt đoạn với truyền thống chính trị Việt Nam, chỉ kém có Ðảng Cộng Sản mà thôi, cái chết của ông Nguyễn Tường Tam là một hành động phản kháng tối đa về chính trị của họ Ngô.
c. Óc địa phương của tổng thống Ngô Ðình Diệm lại làm cho người Việt Nam, không sinh trưởng ở miền Trung và đặc biệt ở tỉnh Thừa Thiên, thấy rằng bị thiệt thòi và bị tha hóa trong quyền lợi. Thực là lạ lùng rằng ở cuối thế kỷ thứ hai mươi tuy nước Ðại Việt đã lập quốc từ đầu thế kỷ thứ mười một với Triều nhà Lý (1009-1229) mà từ Nghệ An Hà Tĩnh vào đến mũi Cà Mau, óc địa phương nhỏ hẹp vẫn chi phối tư tưởng của người Việt nam đến thế: dẫu là Cộng sản hay quốc gia, tình xứ sở cũng ở trên tình quốc dân! Ông Ngô Ðình Diệm có một đặc ơn cho người Thừa Thiên, không những trong sự chọn những người thừa hành mà cả trong việc gửi sinh viên đi du học (là một công việc đã đươc Phủ tổng thống lấy về quyền hành đặc biệt của Phủ).
d. Ông Ngô Ðình Diệm là người công giáo VN đầu tiên đã lên cầm đầu chính quyền, sau khi trục xuất ngôi vua, dứt bỏ một nhà. Ðiều này dân Việt Nam vốn đã bị khinh thường và áp bức bởi cả một trăm năm Pháp thuộc cũng không tỏ thái độ vì biết rằng không có quyền lựa chọn trong tự do. Nhưng trong địa vị và với uy quyền của một tổng thống trong một thời thế khủng hoảng và quyết định của lịch sử, ông Ngô Ðình Diệm lẽ ra phải tỏ một sự tôn trọng khôn khéo và chính trị đối với một đại tôn giáo mà quốc dân đã theo hai ngàn năm nay, nhất là với một cuộc tổng tuyển cử vẫn có thể bị bắt buộc phải áp đặt bất cứ lúc nào trong tương lai, ông đã theo các thiên kiến tôn giáo của ông và các bào huynh đệ của ông mà có một chính sách kỳ thị riêng đối với Phật giáo, tiến dần đến một sự đàn áp mà mạ lị ngoài luật pháp, chính phủ của ông lại đã đặc biệt ưu đãi các cộng đồng di cư Thiên Chúa Giáo và thiên vị riêng những công chức và nhân viên đồng đạo của ông, đến nỗi rằng số người xin cải đạo vào Gia tô giáo tăng lên vùn vụt trong những năm ông làm tổng thống, các thống kê của nhà thờ không ghi lại vì lý do gì. Những sự bất công ấy không xứng đáng với một chính phủ mang danh là cộng hòa.
Ðịnh mệnh đã đánh xuống ngày 8 tháng 5, 1968 trong tuần ấy ở Huế có hai ngày lễ đụng nhau. Ðến trước, vào ngày 5/5 là ngày ngân khánh của tổng giám mục Ngô Ðình Thục, cờ Vatican và cổng chào được dựng lên ở dọc sông Hương từ khách sạn Morin đến đài phát thanh Huế, chưa bao giờ long trọng huy hoàng như thế. Rồi đến ngày Phật Ðản 8/5/63 dân chúng đã theo lệ thường treo cờ Phật giáo ở cửa nhà, ở Chùa Diệu Ðế, chùa Từ Ðàm và bày hương án bái vọng từ ngày hôm trước. Bỗng có lệnh cấm treo cờ của thượng cấp (sau này mới biết là từ tổng giám mục) rồi dưới sự đòi hỏi của dân, lại được tòa tỉnh trưởng cho phép. Ngày hôm sau rước tượng Phật trong sự sôi nổi và uất ức của quần chúng lên Chùa Từ Ðàm để làm lễ. Buổi tối, mọi người tụ tập ở dưới đài phát thanh để chờ nghe thuyết pháp theo chương trình đã định thì không có phát thanh Phật giáo. Trái lại, lực lượng bảo an và cảnh sát do thiếu tá Ðặng Sĩ chỉ huy kéo đến bao vây đám đông. Xe vòi rồng xịt nước để đuổi dân dự lễ, thiếu tá chỉ huy bắn ba phát súng lên trời và một xe thiết giáp mang danh Ngô Ðình Khôi tiến vào sân đài phát thanh. Một trái lựu đạn được ném ra không biết do ai vào đám người tụ họp, xe thiết giáp xông vào chẹt người. Mọi người hoảng sợ, xô nhau chạy, tiếng kêu la thảm thiết. Tám hay chín người chết, chân tay đầu óc văng tung tóe hay bị nghiền nát không đếm được. Với sáu người bị thương vì mảnh lựu đạn Israel ở bờ sông Hương, chính phủ không bao giờ chứng minh được rằng có một bàn tay thứ ba đã gây nên tội ác.
Tin tức do Reuter và AFP truyền vào Saigon và làm bùng lên một sự náo động chưa từng thấy từ ngày quân Pháp đổ bộ lại. Các thượng tọa ở Huế vào Saigon, các chùa ở Saigon đông nghẹt người đến để nghe tin mỗi tối đến khuya. Bản thông cáo chính thức của tổng hội Phật giáo Việt Nam được công bố với năm thỉnh nguyện của giáo hội. Một lễ cầu siêu được tổ chức và một ủy ban liên phái bảo vệ phật giáo được thành lập để lên gặp tổng thống, điều trần về các nguyện vọng bình đẳng tôn giáo, nhưng chỉ được trả lời rằng phải theo các luật lệ hành chánh. Tin tức từ khắp nơi về những hiện tượng linh thiêng kỳ diệu rồn rập đến qua lời đồn và cả những bản tin của hãng thông tấn Việt Nam.
Ngày 11 tháng 6, 1963 Hòa thượng Thích Quảng Ðức châm ngọn lửa Bồ Tát tự thiêu. Tấm nhục hình thành than của Ngàu, ngồi kiết già uy nghiêm trong ngọn lửa đã được tác giả của nó truyền về Hoa Kỳ và từ đó ra khắp năm châu cho toàn thể nhân loại văn minh biết sự khổ đau của người con Phật ở Việt Nam.
Bất chấp những khuyến cáo của chính phủ Hoa Kỳ, coi thường một ủy ban điều tra của liên hiệp quốc, tổng thống Ngô Ðình Diệm và em là ông Ngô Ðình Nhu trong ngông cuồng đi đến rồ dại, lập ra kế hoạch nước lũ, đàn áp Phật Giáo đến cùng, bằng những lời lẽ và phương sách không những tồi tệ, thô bỉ mà còn trái luật pháp. Tôi chỉ kể lại ba việc:
1. Việc thuê mướn nhóm thầy cúng Lục Hòa Tăng (tức Cổ Sơn Môn) giả danh Phật Giáo để bôi nhọ Phật Giáo.
2. Lời tuyên bố của bà Ngô Ðình Nhu đi "tẩy não dân Mỹ" rằng sự tự thiêu vì Ðạo pháp của cố HT Thích Quảng Ðức là một vụ "nướng sống người" giống như người Mỹ làm món "chả nướng" Barbecue.
3. Cuộc tấn công ban đêm vào Chùa Xá Lợi và các Chùa Ấn Quang, Giác Minh, Từ Nghiêm, Thevada ở Saigon, Từ Ðàm, Diệu Ðế, Bảo Quốc ở Huế. Ở Saigon đánh phá hành hung và bắt bớ ở Chùa Xá Lợi là cảnh sát chiến đấu, trá hình là quân đội (tại sao không giả làm cướp mà lại trút tội cho lính) dưới sự điều động trực tiếp của cấp chỉ huy. Tài liệu sử của đại học Oxford viết rằng vào khoảng một ngàn vị sư nam nữ đã bị bắt trong đêm ấy.
Ðây là giọt nước cuối cùng làm rào chén nước đã đầy đến miệng chén. Nhưng Phật giáo và phật tử không còn dính dáng trực tiếp đến những sự kiện lịch sử nảy ra nữa, khi nước đã trào ra lênh láng.
Trên khắp thế giới, báo chí lên án những hành động đàn áp Phật giáo của chính quyền gọi là tự do của miền Nam VN.
Tại Roma tòa thánh phủ nhận những lời tuyên bố về Ðạo của tổng giám mục Ngô Ðình Thục.
Ở Washington DC, J.F Kennedy tổng thống công giáo Roma đầu tiên của Hoa Kỳ và là người đã chịu lời ủy thác của Giáo chủ Spellman, để hết sức nâng đỡ và ủng hộ giải pháp Ngô Ðình Diệm đã đến quyết định là phải truất phế họ Ngô vì giữ lại chỉ có hại cho nước Mỹ, hại cho sự ứng cử lại chức tổng thống Hoa Kỳ và hại cho đảng dân chủ của ông.
1 giờ trưa ngày 1 tháng 11, 1963, quân đội được điều động bởi một hội đồng tướng lãnh vây và nã súng vào thành Cộng Hòa và Dinh Gia Long.
Chín giờ sáng ngày 2 tháng 11 tổng thống Ngô Ðình Diệm và ông Ngô Ðình Nhu bị bắt lên một xe thiết giáp M113 và bị giết bằng dao găm và bằng súng trong xe.
Ở Huế, ông Ngô Ðình Cẩn xin tỵ nạn ở tòa lãnh sự Hoa Kỳ nhưng bị chuyển vào Saigon và bị Tòa đại Sứ trao lại cho hội đồng quân nhân, rồi bị kết án tử hình.
Ông Ngô Ðình Thục bị gọi về Roma và bị cấm phòng trong tòa thánh. Ít lâu sau, ông bị trục xuất ra ngoài giáo hội. Mùa Pháp Nạn chấm dứt cũng như cái họa lớn cho gia đình ông Ngô Ðình Diệm.
Sau đó, với dự liên minh thiếu thiện cảm, thiếu chân thành, thiếu quyết tâm của một siêu cường quốc, nước Việt Nam sơ sinh miền Nam đã đi từ sự chia rẽ nội bộ trầm trọng đến sự bất tín nhiệm chính quyền, rồi bị xóa tên trên bản đồ thế giới.
Nay thì Pháp nạn là chung cho tất cả các tôn giáo ở Việt nam và sự tự do tiến bộ chỉ còn là những bánh vẽ mà người ta treo trên tường cho nhìn mà không cho ăn.
Trần Ngọc Ninh

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạp chí Văn Học Mới số 5 dày 336 trang, in trên giấy vàng ngà, bìa tranh nghệ thuật của Nguyễn Đình Thuần, sáng tác từ hơn 50 nhà văn, nhà thơ, nhà biên khảo và phê bình nghệ thuật.- Văn Học Mới số 6 sẽ ấn hành vào tháng 3/2020, có chủ đề về nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn
Một tuyệt phẩm thi ca gồm những bài thơ dị thường chưa bao giờ xuất hiện bất cứ đâu, viết bởi một thi sĩ dị thường. Tựa: Tuệ Sỹ Ba ngôn ngữ: Việt - Anh - Nhật Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo
Mùa thu là cơ hội bước sang trang mới khi nhiệt độ bắt đầu dịu lại. Trong mùa này, người dân California không cần mở điều hòa không khí lớn hết cỡ và cũng còn quá sớm để lo chạy máy sưởi.
Garden Grove xin mời cộng đồng tham gia chương trình đóng góp tặng quà cuối năm nhằm mang lại niềm vui, hy vọng và giúp đỡ cho những trẻ em địa phương không có quà trong mùa lễ Noel.
Ngồi niệm Phật miên man, dù cố tâm vào Phật hiệu nhưng hôm nay vẫn không sao “ nhập” được, đầu óc nó cứ văng vẳng lời anh nó lúc sáng: - Tu hú chứ tu gì mầy!
Một đường dây buôn người bán qua TQ do một phụ nữ Việt là nạn nhân buôn người trước đây tổ chức vừa bị phát hiện và bắt 2 người tại tỉnh Nghệ An, miền Trung Việt Nam, theo bản tin hôm 5 tháng 12 của Báo Dân Trí cho biết.
Điều trần luận tội đầu tiên của Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện đã nhanh chóng nổ ra cuộc đấu đá nội bộ đảng phái hôm Thứ Tư, 4 tháng 12 năm 2019, khi các nhà Dân Chủ cáo buộc rằng Tổng Thống Donald Trump phải bị truất phế khỏi chức vụ vì tranh thủ sự can thiệp của nước ngoài vào cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ và đảng Cộng Hòa giận dữ vặn lại không có căn cứ cho hành động quyết liệt như vậy.
Đó là cuộc khảo sát của công ty tài chánh WalletHub đối với 182 thành phố khắp Hoa Kỳ, để xếp thứ tự an toàn nhất cho tới bất an nhất. Cuộc nghiên cứu dựa trên 41 thước đo liên hệ tới an toàn
Cảnh sát đã bắn chết một người đàn ông cầm dao tại El Monte, Nam California hôm Thứ Hai.
Một phần thưởng 50,000 đô la được đưa ra để bắt một người đàn ông của thành phố Burnaby đã bị truy nã trước đây vì tội rửa tiền như một phần của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam hoạt động tại Canada và Hoa Kỳ.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.