Hôm nay,  

Iraq, Israel Và Khủng Bố: Ai Bẫy Ai?

28/08/200300:00:00(Xem: 4329)
...kinh nghiệm giăng bẫy rồi bị mắc bẫy của Điện biên phủ 1954 hay Lam sơn 719 năm 1971... Liệu Hoa Kỳ có đang mắc bẫy khủng bố tại Iraq hay không" Truyền thông Mỹ đang nghĩ như vậy....
Hoa Kỳ vào Iraq để làm thay đổi cục diện Trung Đông và tâm lý chống Mỹ trong khối Hồi giáo với mục tiêu chính yếu là diệt trừ khủng bố. Kết quả dường như là Hoa Kỳ đang mắc bẫy tại Iraq, nơi khủng bố thuộc mọi thành phần đang tập trung tấn công liên quân. Điều đó có đúng không"
Người ta tranh luận rất nhiều về mục tiêu tham chiến của Mỹ tại Iraq và tùy quan điểm, mỗi khuynh hướng lại nhấn mạnh đến một mục tiêu, có chính có phụ, có kín có hở. Từ quan điểm của chính quyền Bush, mục tiêu chính vẫn được khẳng định từ đầu và được ông Bush nhắc lại hôm 26 là diệt trừ khủng bố. Khi vào Iraq, Hoa Kỳ nhắm gây ra một động lượng (momentum) trong toàn khu vực Trung Đông để thuyết phục mọi xu hướng Hồi giáo rằng giải pháp khủng bố theo kiểu al-Qaeda sẽ không thành công và bị tận diệt. Như để gia tăng sức thuyết phục, ngay trong mấy tuần giao tranh tại Iraq, Mỹ đã tác động vào các nước lân bang (Turkey, Syria, Jordan, Saudi Arabia và Iran) để không một xứ nào trong số này tiếp tay chế độ Baghdad hay khủng bố al-Qaeda.
Giao tranh vừa kết thúc, Mỹ cũng khai triển đề nghị năm ngoái của Saudi Arabia để đưa ra một lộ trình hòa giải Israel và Palestine, với mục tiêu giải giới các nhóm khủng bố của Palestine và tạo ra một khung cảnh ổn định hơn tại đây, hầu hai quốc gia Israel và Palestine có thể cùng hiện hữu và sống chung. Việc hòa giải tại vùng này sẽ góp phần ổn định cả khu vực Trung Đông và triệt tiêu ảnh hưởng của khủng bố.
Kết quả ngày nay dường như đã đảo ngược.
Ngày 19 tháng Tám, các tổ chức khủng bố của Palestine đã xé nát thỏa ước ngưng bắn và lộ trình hòa giải do Mỹ đề nghị (với hậu thuẫn của Liên hiệp quốc và nhiều cường quốc khác) đã bị đốt cháy. Cùng ngày 19 đó khi Hamas đánh bom làm hơn 20 thường dân Do Thái tử nạn, trụ sở Liên hiệp quốc cũng bị tấn công, khiến Đặc sứ Liên hiệp quốc thiệt mạnh cùng hơn 20 nạn nhân khác. Trong vụ đánh bom trụ sở Liên hiệp quốc tại Baghdad, người ta có nhìn thấy bàn tay của khủng bố xâm nhập từ ngoài Iraq và hai vụ đặt bom này làm sáng tỏ một sự kiện, đó là các nhóm khủng bố Palestine lẫn Hồi giáo quanh hoặc trong Iraq đang liên hợp tấn công Hoa Kỳ. Thay vì dùng Iraq làm tụ điểm cho khủng bố tập trung để tiêu diệt làm gương, Hoa Kỳ đang bị xa luân chiến trong toàn khu vực và có vẻ như bị mắc bẫy cả al-Qaeda, Palestine, Saudi Arabia và Iran khi mở chiến dịch Iraq.
Hôm Thứ Ba, Tổng thống Bush tái khẳng định quyết tâm là Hoa Kỳ sẽ không triệt thoái khỏi Iraq và nhấn mạnh rằng mục tiêu quân sự của Mỹ tại Iraq và A Phú Hãn chính là để (diệt trừ hầu) ngăn ngừa khủng bố khỏi tấn công New York, St. Louis hay Los Angeles. Mục tiêu chính (vào Iraq để diệt khủng bố) vì vậy được ông xác định lại cho rõ ràng. Nhân dịp này, truyền thông Mỹ mà đa số có uy tín nhất đều thuộc cánh tả (liberal) đã nêu câu hỏi là liệu công chúng có ủng hộ quyết tâm đó hay không" Câu trả lời của nhiều nhà bình luận là dân Mỹ xưa nay vốn ít kiên nhẫn và nếu mỗi ngày lại đếm xác tính điểm thì sẽ có lúc không chịu nữa, đối sách Iraq của Bush sẽ mất hậu thuẫn của dân chúng.

Điều này chưa chắc đã đúng và truyền thông Mỹ có thể đánh giá sai phản ứng người dân. Vì chủ quan duy ý chí, họ lấy quan điểm của mình làm quan điểm của quần chúng. Thời chiến tranh Việt Nam, dư luận Mỹ, cả quần chúng lẫn truyền thông, đều ủng hộ việc tham chiến trong thời kỳ 1963-1968 và truyền thông đảo ngược lập trường từ vụ Mậu Thân 68 trở đi. Nhưng, ngay trong năm 68 và mãi đến 1972, dù hoài nghi về kết quả chiến tranh, công chúng Mỹ vẫn không ủng hộ xu hướng phản chiến (Hubert Humphrey năm 68 và George McGovern năm 1972) và Richard Nixon vẫn thắng cử, trái với dự đoán của truyền thông Mỹ và các tờ báo lớn hoặc các nhà phân tách có tên tuổi.
Ngày nay tình hình cũng không khác bao nhiêu.
Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống George W. Bush có giảm dần từ đỉnh cao hồi tháng Tư đến nay, nhưng vẫn chiếm 56% và đến tuần qua, gần 70% dân Mỹ vẫn cho là Hoa Kỳ phải ở lại Iraq cho đến khi ổn định xong tình hình. Vấn đề vì vậy không phải là hậu thuẫn của dư luận mà là khả năng lãnh đạo cuộc chiến chống khủng bố của chính quyền Bush.
Lực lượng quân sự Hoa Kỳ hiện bị trải mỏng trên nhiều trận tuyến từ Đông sang Tây, chưa nói đến lực lượng tình báo hiện đang có mặt ở mọi nơi để truy lùng khủng bố (tiểu lục địa Nam Á vào đến Trung Á, từ các quần đảo Đông Nam Á về đến Trung Đông và Bắc Phi). Những diễn biến này nằm trong một cuộc chiến trường kỳ và toàn diện chống khủng bố. Trong một cuộc chiến phức tạp như vậy, người ta không thể đạt kết quả lập tức tương tự như một chiến dịch quân sự, và ngoài thắng lợi vô hình là cho đến nay lãnh thổ Mỹ chưa bị al-Qaeda tấn công như họ đã hăm dọa nhiều lần, có nhiều thắng lợi khác về tình báo lại không được thông báo. Cả những tiến bộ cụ thể trong việc ổn định Iraq cũng ít được truyền thông lẫn các cơ quan hữu trách về thông tin của chính quyền loan báo.

Người ta chỉ được nhìn hoặc nghe thấy những tin tức về tổn thất và ấn tượng của truyền thông Mỹ vì vậy là một vụ sa lầy tại Iraq. Dự báo ban đầu là chiến dịch Iraq tất nhiên dẫn tới phản ứng trả đũa của khủng bố để chứng minh là al-Qaeda chưa bị tiêu diệt, dự báo đó đã xảy ra, nhưng được suy diễn theo ý nghĩa tiêu cực. Việc Hoa Kỳ mở tung Iraq thành địa bàn ra tay của khủng bố được coi là một thất bại của chính quyền Bush.
Ta không quên kinh nghiệm giăng bẫy bị mắc bẫy của Điện biên phủ 1954 hay Lam sơn 719 năm 1971: nguyên nhân chính ở đây là chính trị. Quân đội bị mắc bẫy vì các quyết định chính trị tại hậu phương. Chính quyền Bush cũng có thể bị như vậy nếu không làm quần chúng thấy được là mình có một chiến lược mạch lạc và toàn diện chống khủng bố trong đó, vụ Iraq chỉ là một phần. Nếu không thuyết phục được quần chúng về sự hiện hữu và giá trị của chiến lược này, chính quyền Bush sẽ bị đánh du kích ngay tại hậu phương: nhưng tính toán về chiến thuật hoặc những chuẩn bị cho chiến lược đều có thể bị bên trong tiết lộ sớm cho truyền thông khai triển và bình nghị theo chiều huớng bất lợi. Đến một lúc nào đó, dân Mỹ sẽ hết kiên nhẫn thật và truyền thông Mỹ sẽ có lý: liên quân quả thật bị mắc bẫy tại Iraq. Vì vậy, các lực lượng khủng bố khỏi sợ Hoa Kỳ.
Ông Bush không có nhiều thời gian để chứng minh khả năng lãnh đạo và trình bày toàn bộ chiến lược và kế hoạch của mình trước khi các phần tử chống chiến tranh mai phục trong chính quyền của ông làm đảo điên dư luận và bày ra một sự lúng túng của lãnh đạo ở cấp cao nhất. Ông không mắc bẫy al-Qaeda mà mắc bẫy chính trị ngay tại hậu phương.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.