Hôm nay,  

Tranh Cử 2004: Lý Do Thắng Cử Của Bush

13/07/200300:00:00(Xem: 4411)
Một năm nữa Cộng Hòa mới họp Ðại hội nhưng đảng này đã thấy trước yếu tố tất thắng của ứng cử viên tổng thống George W. Bush. Tuy nhiên, một năm là thời khoảng khá lâu, sau khi tìm hiểu yếu tố thắng cử, kỳ sau, ta sẽ tìm hiểu lý do thất cử....
George W. Bush là con người phức tạp, với bề ngoài vụng về che dấu một ý chí khá liên tục mạch lạc bên trong. Ông đã muốn gì, và đã nói ra, là nhất quyết thực hiện cho dù có gặp chướng ngại quốc nội lẫn quốc tế. Khi lên cầm quyền, ông thừa hưởng những di sản tiêu cực của quá khứ: 1) vụ bể bóng đầu tư chứng khoán đầu năm 2000 dẫn tới nạn suy trầm kinh tế kéo dài từ 2001 đến giữa năm 2003 chưa dứt; 2) tai tiếng của các tổ hợp kinh doanh bất lương sau vụ Enron và Arthur Andersen; 30 vụ khủng bố 9-11 và 4) đổi thay của cục diện toàn cầu, trong đó có mâu thuẫn với Âu châu hay các cường quốc. Nhưng sau ba năm tại chức, ông không thể đổ lỗi cho quá khứ và sẽ được cử tri phán xét vào tháng 11 năm tới trên những gì ông đã thực hiện được.
Nếu dư luận đánh giá cao đảng Cộng hòa và riêng ông Bush về khả năng bảo vệ an ninh và quyền lợi Hoa Kỳ trên trường quốc tế thì ngược lại, đa số vẫn tin là đảng Dân chủ có ưu điểm hơn trong lãnh vực kinh tế xã hội là lãnh vực đang có khá nhiều vấn đề. Tuy nhiên, ông Bush vẫn có nhiều hy vọng thắng cử cho một nhiệm kỳ mới. Sau đây là một số yếu tố tất thắng mà chúng ta cần theo dõi.
Kinh tế Mỹ chưa phục hồi, thất nghiệp không giảm mà còn tăng trong khi đối lập đả kích ông là chậm giải quyết vấn đề kinh tế, chưa đạt thành quả dứt khoát tại Iraq và có khi còn gian lận chứng cớ để lấy lý do tấn công Iraq. Vậy mà tỷ lệ ủng hộ của ông không tuột dốc mà vẫn ở một mức khả quan. Lý do là ông đang lãnh đạo một cuộc chiến hợp ý đa số và thường tỏ ra là có mầm chiến thắng tại A Phú Hãn và Iraq vì hai chế độ cầm quyền tại đó đều bị lật đổ. Mỹ càng bị thế giới đả kích thì dân Mỹ càng có phản ứng hậu thuẫn lãnh đạo.
Lý do thứ hai là ông Bush cố gắng bày tỏ ý chí giữ thế trung dung trong các vấn đề nội trị. Ông thực hiện một số chủ trương rất được lòng từ phía trung tả đến trung hữu: cải cách và tăng chi giáo dục, cải tổ chế độ bán thuốc có đơn, đề nghị 15 tỷ đô la để chặn đứng bệnh AIDS và nhất là ông không tỏ vẻ khó chịu với những phán quyết thiên tả của Tối cao Pháp viện (về việc nâng đỡ thiểu số da màu hoặc bảo vệ quyền đồng tính). Một đặc điểm khác của Bush là trong khi chủ trương giản lược hóa hành chánh, ông lại mở rộng phạm vi hoạt động của bộ máy công quyền, hơn hẳn thời Bill Clinton trước đây.

Trong khi lấy những chủ trương thiên tả như vậy, ông vẫn trấn an được giới bảo thủ về xã hội (thành phần chống đồng tính, phá thai) hoặc về kinh tế (thành phần đòi tự do kinh doanh và mậu dịch) với một số quyết định chiến lược. Thứ nhất là ý chí diệt trừ khủng bố (điều then chốt của cánh hữu), thứ hai là quyết tâm giảm thuế, thứ ba là quyết tâm ủng hộ Israel trong một giải pháp hòa dịu lâu dài, thứ tư là tung ra một số chương trình yểm trợ sinh hoạt xã hội của các tôn giáo, dù ít tốn kém cũng cho thấy ông là người sùng đạo và muốn tăng cường vai trò của tôn giáo. Những quyết định trên đều làm hài lòng thành phần bảo thủ khiến họ bỏ qua những chủ trương thiên tả của ông. Ðặc biệt trong lãnh vực giảm thuế, ông Bush khéo đóng chốt để năm tới lại đề nghị kéo dài mãi mãi việc hạ thuế; chống lại đề nghị đó vào năm tới là bị đả kích là tăng thuế (một cái bẫy cho phe Dân chủ).
Hai mối đe dọa lớn của Bush là thất nghiệp cao và bội chi nặng lại là hai lãnh vực mà đối phương không khai thác được. Ðể kích thích sản xuất và giảm thất nghiệp thì ngoài việc hạ lãi suất chỉ còn giải pháp giảm thuế là điều Bush đã làm. Khi kinh tế ra khỏi suy trầm, ông sẽ lấy việc giảm thuế là lý do và công lao của ông. Ngược lại, đảng Dân chủ mà đòi tăng chi để kích cầu thì sẽ mang tội gây thêm bội chi ngân sách. Ðòi tăng thuế vào một năm tranh cử thì còn tai hại hơn.
Ngoài các yếu tố chủ quan trên, ông Bush còn có hy vọng đại thắng vì đối phương không đưa ra một chương trình hành động nào có vẻ mạch lạc và khả thi. Ngần ấy ứng viên trong vòng sơ bộ của đảng Dân chủ đều có những nhược điểm riêng lẻ, nhưng nhược điểm nghiêm trọng nhất là quá nghiêng về phe tả.
Cho nên, về căn bản, George W. Bush thủ rất kín ở giữa sân chơi, tranh thủ được phe ôn hòa và giải tỏa được sức ép hoặc sự chống đối của phe hữu cực đoan bằng vài chủ trương ăn khách đối với phe đó.
Từ nay đến cuối năm, nếu ông Bush tìm ra một "kế hoạch lớn", một chương trình có ý nghĩa lịch sử, có kích thước toàn cầu, để chứng minh tầm nhìn sâu rộng của mình, ông có thể từ vị trí một tổng thống có khả năng tiến lên vị trí của một tổng thống có viễn kiến lịch sử. Kế hoạch đó có thể là xóa đói giảm nghèo và mở rộng biên cương của tự do dân chủ trên toàn thế giới, là cải tổ cơ chế Liên hiệp quốc để tạo ra một sự đồng thuận quốc tế về phương cách giải quyết những vấn đề lớn của nhân loại, từ khủng bố đến bệnh AIDS, đến độc tài hay nội chiến hoặc cả quy tắc "ra đòn trước để ngăn ngừa khủng bố" là điều được đa số dân Mỹ ủng hộ nhưng đến nay vẫn bị thế giới chống đối.
Một trong những chỉ dấu báo hiệu một kế hoạch quy mô như vậy là việc cải tổ lại chánh sách lẫn nhân sự lãnh đạo của bộ Ngoại giao.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.