Hôm nay,  

Lá Bùa Tối Huệ Quốc

01/06/200000:00:00(Xem: 5700)
Tối huệ quốc đã thành truyện dài của Trung Quốc, nhưng đối với Việt Nam, nó vẫn là truyện ngắn... chưa được xuất bản. Tối huệ quốc có nghĩa là hàng hóa của nước ngoài được hưởng một quan thuế biểu thấp để có thể bán giá cạnh tranh trên thị trường nước Mỹ. Đây không phải là một “ân huệ” đặc biệt vì hầu hết những nước trên thế giới đều được hưởng quy chế đó. Nó quá thường nên người ta đã đổi là “quy chế quan hệ thương mại bình thường”.

Vậy tại sao bản hiệp ước thương mại bình thường Mỹ-Trung đã gập những tranh cãi sôi nổi trước khi được Quốc hội Mỹ thông qua" Sự “bình thường” này có nghĩa là kinh doanh và đầu tư Mỹ được tiến sâu thêm vào thị trường Trung Quốc và hàng hóa Mỹ được bán nhiều hơn vào nước này. Việc buôn bán giữa Mỹ và Trung Quốc từ bao năm nay vẫn có một sự chênh lệch, hàng Trung Quốc bán vào Mỹ thì nhiều, còn hàng Mỹ bán qua Trung Quốc thì ít. Đây là sự mất quân bình cán cân chi phó ngoại thương với Trung Quốc, rất thiệt thòi cho Mỹ. Năm 1999 cán cân chi phó Mỹ bị thâm thủng đến 69 tỷ đô la. Nay hàng hóa, dịch vụ và đầu tư Mỹ được vào Trung Quốc nhiều hơn là có khả năng làm bớt sự thâm thủng đó có lợi cho kinh tế Mỹ. Nhưng nếu có qua cũng phải có lại, hàng hóa và dịch vụ Trung Quốc cũng phải được bán qua Mỹ một cách dễ dàng với quan thuế hạ, nghĩa là bình thường hóa kèm theo lá bùa “tối huệ quốc”. Từ thời “tứ hiện đại hóa” của Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc đã giao thương với Mỹ và đã được hưởng “tối huệ quốc”, nhưng hưởng theo kiểu đoản kỳ, cứ một năm lại gia hạn một lần. Bây giờ khác, theo bản hiệp ước thương mại ký với Bắc Kinh hồi tháng 11 năm ngoái, chính phủ Mỹ cam kết dành cho Trung Quốc “tối huệ quốc” trường kỳ, coi như thường trực khỏi phải xét lại mỗi năm.

Bán được hàng nhiều qua Trung Quốc đa số dân Mỹ đều thích, nhất là các ông đại công ty, đại tư bản. Nhưng việc cấp “tối huệ quốc” trường kỳ đã gập nhiều sự chống đối gay go tại Quốc hội Mỹ. Phe chống đối nói rằng “tối huệ quốc” đoản kỳ là lợi khí của Mỹ để ép buộc chế độ Trung Cộng phải tôn trọng nhân quyền, mỗi năm xét lại một lần rồi tái cấp cũng giống như mỗi năm có ngọn roi quất vào hông con ngựa Trung Quốc để bắt nó phải chạy vào con đường tự do dân chủ. Sự thật từ 20 năm nay, mỗi năm Mỹ đều dùng đòn bẩy đó, nhưng Trung Quốc vẫn tiếp tục vi phạm nhân quyền. Ngay cả năm 1989, Trung Quốc đàn áp đẫm máu ở Thiên an môn, Mỹ vẫn phải tiếp tục “gia hạn” tối huệ quốc. Cái đòn gia hạn mỗi năm rút cuộc đã trở thành chuyện vô vị, dù mưa dù nắng “đến hẹn lại lên” chớ chẳng thay đổi được chút nào. Và cũng nên nhìn gần đến sát bên nước Mỹ. Nước cộng sản Cuba chẳng những không có “tối huệ quốc” mà còn bị Mỹ cấm vận trong 50 năm. Đến nay Fidel Castro vẫn còn đó trong khi ở Mỹ đã thay đổi đến 11 ông Tổng Thống.

Ai cũng thấy như vậy, nhưng Mỹ vẫn muốn bắt bí để buộc Trung Quốc nhượng bộ tối đa khi điều đình thương ước. Thật ra trò bắt bí này cũng đã hết linh, bởi vì nếu không cho Trung Quốc lá bùa trường kỳ đó Mỹ sẽ không có thương ước và nếu Mỹ vắng mặt thì vô số anh khác đang hờm sẵn để chờ thay thế Mỹ vào ăn cỗ khi thị trường Trung Quốc đã mở. Đó là lý do tại sao trước ngày Hạ Viện Mỹ biểu quyết, Trung Quốc đã ký một Hiệp ước Thương mại tương tự với Liên Âu gồm 15 nước kinh doanh Âu Châu. Dù sao trò bắt bí cũng có lợi, nhờ đó Hạ Viện có cớ buộc thêm điều khoản lập ra một Liên ủy hội Thượng Hạ Viện để theo dõi sát hơn tình trạng nhân quyền ở Trung Quốc. Ủy hội này không có quyền đối với thương ước hay quy chế tối huệ trường kỳ đã cấp, nhưng nó cũng làm Bắc Kinh bực bội khi thấy luôn luôn có con mắt nhân quyền dòm ngó, hay ít ra cũng làm Mỹ đỡ mang tiếng vì ham chạy theo buôn bán mà đánh rơi mất bảng hiệu “quán quân nhân quyền” lâu nay vẫn đeo lủng lẳng trước ngực. Người ta đã hiểu vì sao hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ giữa mùa tranh cử gay go này bỗng thấy cần phải nắm tay nhau hợp tác chặt chẽ để thúc cho thương ước với Bắc Kinh được thông qua mau lẹ.

Cuộc biểu quyết tại Hạ Viện Mỹ có hậu quả tất nhiên là làm cho bang giao Mỹ-Trung Quốc tốt đẹp hơn. Sự việc này có vẻ đã gây chấn động đến Hà Nội. Ngay sau đó, có những tin do phía Hà Nội tung ra là hai bên Mỹ-Việt sẽ thương thuyết trở lại và chính Phó Thủ tướng Nguyễn Mạnh Cầm nói “bản thương ước sẽ được ký kết ngay sau khi Mỹ đồng ý về vài việc Việt Nam đã đề nghị”. Mỹ đã cải chính và nói sẽ không có thương thuyết trở lại. Việt Nam đã hoàn thành thương thuyết với Mỹ từ tháng 7 năm 1999, nếu chịu ký với Mỹ vào cuối năm 1999, có lẽ bây giờ cũng đã được Hạ Viện Mỹ thông qua. Có thể Hà Nội thấy Bắc Kinh được tối huệ trường kỳ nên đã lần khân để đòi quyền lợi tương tự. Nhưng người ta đã biết trị giá của lá bùa “tối huệ quốc” đó như thế nào, trước sau rồi cũng có, vậy tiếc rẻ con gà quạ tha đó làm chi mà không chịu ký đi cho rồi"

Chúng tôi nghĩ Hà Nội có thể bỗng thấy hoảng sợ vì bang giao Mỹ-Trung trở thành tốt đẹp, đầu tư Mỹ sẽ đổ vào thị trường Hoa lục rộng lớn và mở cửa, bỏ rơi luôn cái chợ Việt Nam đã nhỏ xíu lại đóng cửa âm u. Và nếu Trung Quốc được vào WTO rồi mà Việt Nam vẫn đứng ngoài thì rầy rà vô cùng, vì rất khó chơi với vị đàn anh chuyên nghề cả vú lấp miệng em. Nhưng lỗi tại ai" Lỗi tại chế độ cộng sản Việt Nam không có gan làm như Trung Quốc. Mấy ông bảo thủ ở Hà Nội không dám mở cửa thị trường, vì tiếc miếng gan miếng tiết quốc doanh của họ và bị tham nhũng ngập đầu nên không chịu ký thương ước với Mỹ. Người ta bảo ký lại không chịu. Đến nay quýnh lên, đã muộn rồi.

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.